Đức Giê-hô-va ban sự bình an và lẽ thật dồi dào
“Ta sẽ chữa lành chúng nó, sẽ tỏ cho chúng nó thấy dư-dật sự bình-an và lẽ thật” (GIÊ-RÊ-MI 33:6).
1, 2. a) Lịch sử các nước ghi chép gì về hòa bình? b) Vào năm 607 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va dạy dân Y-sơ-ra-ên bài học gì về sự bình an?
BÌNH AN! Đó là điều đáng chuộng biết bao, tuy nhiên điều đó hiếm có làm sao trong lịch sử loài người! Thế kỷ 20 đặc biệt là một thế kỷ chưa hề có hòa bình. Trái lại, thế kỷ này đã chứng kiến hai trận chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Sau Thế chiến I, Hội Quốc Liên được thành lập để duy trì nền hòa bình quốc tế. Tổ chức đó đã thất bại. Sau Thế chiến II, Liên Hiệp Quốc được thành lập với cùng mục tiêu. Chúng ta chỉ cần đọc báo hàng ngày cũng đủ biết tổ chức này đang hoàn toàn thất bại như thế nào.
2 Chúng ta có ngạc nhiên khi thấy các tổ chức của loài người không thể mang lại hòa bình không? Hoàn toàn không. Hơn 2.500 năm trước đây, dân được Đức Chúa Trời chọn, dân Y-sơ-ra-ên, học được một bài học về phương diện này. Vào thế kỷ thứ bảy trước công nguyên, đế quốc đang chiếm ưu thế là Ba-by-lôn đe dọa nền hòa bình của dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên trông cậy vào Ê-díp-tô để có hòa bình. Ê-díp-tô đã thất bại (Giê-rê-mi 37:5-8; Ê-xê-chi-ên 17:11-15). Vào năm 607 trước công nguyên, quân đội Ba-by-lôn phá vỡ tường thành của Giê-ru-sa-lem và thiêu đốt đền thờ Đức Giê-hô-va. Do đó, dân Y-sơ-ra-ên đã học được một bài học cay đắng là nương tựa vào tổ chức loài người là điều vô ích. Thay vì được hưởng hòa bình, toàn dân Y-sơ-ra-ên bị đem đi lưu đày tại Ba-by-lôn (II Sử-ký 36:17-21).
3. Để ứng nghiệm lời Đức Giê-hô-va nói qua Giê-rê-mi, biến cố lịch sử nào đã dạy dân Y-sơ-ra-ên bài học trọng yếu thứ hai về sự bình an?
3 Tuy nhiên, trước khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng chính ngài, chứ không phải Ê-díp-tô, sẽ đem lại hòa bình thật sự cho dân Y-sơ-ra-ên. Qua Giê-rê-mi ngài hứa: “Ta sẽ chữa lành chúng nó, sẽ tỏ cho chúng nó thấy dư-dật sự bình-an và lẽ thật. Ta sẽ khiến những phu-tù Giu-đa và phu-tù Y-sơ-ra-ên trở về; gây-dựng lại chúng nó như hồi trước” (Giê-rê-mi 33:6, 7). Lời hứa của Đức Giê-hô-va bắt đầu được ứng nghiệm vào năm 539 trước công nguyên khi Ba-by-lôn bị xâm chiếm và dân bị lưu đày Y-sơ-ra-ên được trả tự do (II Sử-ký 36:22, 23). Đến cuối năm 537 trước công nguyên, một nhóm người Y-sơ-ra-ên cử hành Lễ Lều tạm lần đầu tiên trên đất Y-sơ-ra-ên trong 70 năm! Làm lễ xong, họ khởi sự tái thiết đền thờ Đức Giê-hô-va. Họ cảm thấy thế nào về công việc này? Kinh-thánh ghi lại: “Cả dân-sự đều kêu reo tiếng lớn, ngợi-khen Đức Giê-hô-va, bởi vì người ta xây nền đền-thờ của Đức Giê-hô-va” (E-xơ-ra 3:11).
4. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va khích động dân Y-sơ-ra-ên xây đền thờ, và ngài đã hứa gì về sự bình an?
4 Tuy nhiên, sau cuộc khởi công vui vẻ đó, dân Y-sơ-ra-ên bị những người chống đối làm nản chí và họ ngưng việc xây cất đền thờ. Vài năm sau, Đức Giê-hô-va đã dấy lên nhà tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri để khích động dân Y-sơ-ra-ên hoàn thành công việc tái thiết. Họ xúc động biết bao khi được nghe A-ghê nói về đền thờ sẽ được xây cất: “Vinh-quang sau-rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh-quang trước, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy; và ta sẽ ban sự bình-an trong chốn nầy, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”! (A-ghê 2:9).
Đức Giê-hô-va thực hiện những lời hứa của ngài
5. Đoạn tám của sách Xa-cha-ri có gì đáng chú ý?
5 Sách Xa-cha-ri trong Kinh-thánh có ghi rất nhiều sự hiện thấy và lời tiên tri được soi dẫn làm cho dân Đức Chúa Trời vững mạnh trong thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Những lời tiên tri này tiếp tục bảo đảm rằng Đức Giê-hô-va hỗ trợ chúng ta. Những điều này cho chúng ta đủ lý do để tin rằng vào thời nay Đức Giê-hô-va cũng sẽ ban cho dân ngài sự bình an. Thí dụ, trong đoạn tám của sách mang tên mình, nhà tiên tri Xa-cha-ri đã mười lần thốt lên: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy”. Mỗi lần, lời rao báo lại giới thiệu lời tuyên bố từ Đức Chúa Trời đều có liên quan đến nền hòa bình của dân ngài. Một số lời hứa đã được thực hiện vào thời của Xa-cha-ri. Ngày nay tất cả các lời hứa ấy đã hoặc đang được thực hiện.
“Ta sẽ nổi ghen vì Si-ôn”
6, 7. Đức Giê-hô-va đã ‘nổi ghen vì Si-ôn bởi cơn ghen lớn’ theo cách nào?
6 Lời nói này xuất hiện lần đầu tiên nơi Xa-cha-ri 8:2 (NW), ở đây chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy: Ta sẽ nổi ghen vì Si-ôn bởi một cơn ghen lớn, ta sẽ nổi ghen vì nó bởi cơn tức giận lớn”. Đức Giê-hô-va hứa nổi ghen, thật sốt sắng đối với dân ngài, có nghĩa là ngài sẽ luôn cảnh giác để vãn hồi sự bình an cho dân ngài. Việc đưa dân Y-sơ-ra-ên trở về quê quán và việc tái thiết đền thờ là bằng chứng của sự sốt sắng đó.
7 Nhưng, về những ai chống lại dân Đức Giê-hô-va thì sao? Ngài sốt sắng với dân ngài bao nhiêu thì ngài cũng sẽ “tức giận” những kẻ đối địch này bấy nhiêu. Khi những người Do Thái trung thành đến thờ phượng tại đền thờ được tái thiết, họ có thể suy ngẫm về số phận thê thảm của Ba-by-lôn hùng mạnh, nay bị sụp đổ. Họ cũng có thể nghĩ đến sự thất bại hoàn toàn của những kẻ đối địch cố ngăn cản việc tái thiết đền thờ (E-xơ-ra 4:1-6; 6:3). Và họ cũng có thể tạ ơn Đức Giê-hô-va là đã thực hiện lời hứa của ngài. Nhờ sự sốt sắng của ngài mà họ có được niềm hân hoan!
“Thành chơn-thật”
8. Vào thời Xa-cha-ri, bằng cách nào Giê-ru-sa-lem trở nên một thành chơn thật so với quá khứ?
8 Lần thứ hai Xa-cha-ri viết: “Đức Giê-hô-va phán như vầy”. Vào dịp này Đức Giê-hô-va nói gì? “Ta đã xây lại cùng Si-ôn, và ta sẽ ở giữa Giê-ru-sa-lem; Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là thành chơn-thật; núi của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ được gọi là núi thánh” (Xa-cha-ri 8:3). Trước năm 607 trước công nguyên, Giê-ru-sa-lem chắc chắn không phải là một thành chơn thật. Các thầy tế lễ và nhà tiên tri của thành đều bại hoại, và dân của thành đều bất trung (Giê-rê-mi 6:13; 7:29-34; 13:23-27). Bấy giờ dân Đức Chúa Trời đang tái thiết đền thờ, cho thấy họ cam kết đi theo sự thờ phượng thanh khiết. Một lần nữa bằng thánh linh, Đức Giê-hô-va lại có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Lẽ thật của sự thờ phượng thanh khiết lại được nói ra trong thành, do đó Giê-ru-sa-lem có thể được gọi là “thành chơn-thật”. Vị trí cao của thành có thể được gọi là “núi của Đức Giê-hô-va”.
9. Vào năm 1919 “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” trải qua một sự thay đổi đáng kể nào?
9 Trong khi hai lời tuyên bố này có ý nghĩa đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa, hai lời này cũng có nhiều ý nghĩa cho chúng ta đang khi thế kỷ 20 sắp chấm dứt. Cách đây gần 80 năm, trong thời Thế chiến I, số vài ngàn người được xức dầu, lúc bấy giờ đại diện cho “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, bị câu thúc về mặt thiêng liêng, y như dân Y-sơ-ra-ên xưa đã bị lưu đày tại Ba-by-lôn (Ga-la-ti 6:16). Trong lời tiên tri, họ được miêu tả như những xác chết nằm ngoài đường phố. Tuy nhiên, họ vẫn có lòng thành muốn “lấy tâm-thần và lẽ thật” mà thờ phượng Đức Giê-hô-va (Giăng 4:24). Vì vậy, vào năm 1919, Đức Giê-hô-va giải thoát họ khỏi tình trạng bị câu thúc, hồi sinh họ từ tình trạng chết về thiêng liêng (Khải-huyền 11:7-13). Như thế Đức Giê-hô-va đã trả lời lớn tiếng là Có cho câu hỏi tiên tri của Ê-sai: “Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân-tộc há dễ sanh ra trong một chặp?” (Ê-sai 66:8). Vào năm 1919, dân Đức Giê-hô-va lại hiện hữu trở lại với tư cách là một nước thiêng liêng tại chính “nước” của họ, tức là tình trạng thiêng liêng trên đất.
10. Kể từ năm 1919, các tín đồ đấng Christ được xức dầu vui hưởng ân phước nào trong “nước” họ?
10 Được an toàn trong nước đó, các tín đồ đấng Christ được xức dầu phụng sự trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Họ được gọi là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, nhận lãnh trách nhiệm coi sóc gia tài của Giê-su trên đất, một đặc ân mà họ vẫn được hưởng trong lúc thế kỷ 20 sắp kết liễu (Ma-thi-ơ 24:45-47). Họ học được một bài học quý giá rằng “chính” Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời bình-an” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
11. Giới lãnh đạo của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã chứng tỏ họ đối nghịch lại dân Đức Chúa Trời như thế nào?
11 Nhưng, còn về những kẻ đối địch với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời thì sao? Đức Giê-hô-va sốt sắng với dân ngài bao nhiêu thì ngài cũng nổi cơn giận với những kẻ đối địch bấy nhiêu. Trong thời Thế chiến I, giới lãnh đạo của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã gây rất nhiều áp lực khi họ cố gắng dẹp cái nhóm nhỏ này gồm những tín đồ đấng Christ nói lẽ thật—nhưng họ đã thất bại. Trong thời Thế chiến II, hàng giáo phẩm của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ hợp lực với nhau trong mỗi một điều: từ cả hai bên cuộc xung đột, họ xúi giục các chính phủ đàn áp Nhân-chứng Giê-hô-va. Ngay cả thời nay, tại nhiều xứ, các lãnh tụ tôn giáo đang khích động các chính phủ hạn chế hoặc ngăn cấm không cho Nhân-chứng Giê-hô-va đi rao giảng.
12, 13. Đức Giê-hô-va bày tỏ cơn tức giận trên các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ như thế nào?
12 Điều này không khỏi qua mắt Đức Giê-hô-va. Sau Thế chiến I, các đạo tự xưng theo đấng Christ, cùng với phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn, đã sụp đổ (Khải-huyền 14:8). Mọi người đều biết đến thực trạng suy sụp của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, khi kể từ năm 1922, hàng loạt tai họa theo nghĩa tượng trưng đã tuôn ra, công khai vạch trần tình trạng chết về thiêng liêng của chúng cùng báo trước sự hủy diệt sắp đến của chúng (Khải-huyền 8:7 đến 9:21). Bằng chứng cho thấy các tai họa vẫn còn đang tiếp diễn là ngày 23-04-1995 bài giảng tựa đề “Sự kết liễu của tôn giáo giả đã gần kề” được trình bày khắp thế giới, sau đó hàng trăm triệu tờ Tin tức Nước Trời đặc biệt được phân phát.
13 Ngày nay, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đang ở trong tình trạng thảm thương. Suốt thế kỷ 20, các linh mục và mục sư ban phước lành cho những cuộc chiến ác liệt, mà trong đó các con chiên sát hại lẫn nhau. Tại vài xứ, các đạo này hầu như không có ảnh hưởng gì. Số phận của chúng là bị tiêu diệt chung với phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn (Khải-huyền 18:21).
Sự bình an cho dân Đức Giê-hô-va
14. Qua lời tiên tri, những từ ngữ tượng hình nào miêu tả một dân tộc đang được bình an?
14 Mặt khác, trong năm nay, 1996, dân Đức Giê-hô-va vui hưởng sự bình an dồi dào trong xứ được phục hưng, như được tả trong lời tuyên bố thứ ba của Đức Giê-hô-va: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Sẽ còn có những ông già, bà già ở trong các đường-phố Giê-ru-sa-lem, ai nấy sẽ cầm gậy nơi tay, vì cớ mình cao tuổi. Các đường-phố trong thành sẽ đầy những con trai con gái vui chơi trong đó” (Xa-cha-ri 8:4, 5).
15. Mặc dầu các quốc gia có chiến tranh, các tôi tớ Đức Giê-hô-va vui hưởng sự bình an nào?
15 Những lời đầy thú vị này miêu tả một hình ảnh cho thấy một điều đáng chú ý trong cái thế giới này đang bị chiến tranh tàn phá—một dân sống trong sự bình an. Từ năm 1919, lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm: “Đức Giê-hô-va phán rằng: Bình-an, bình-an cho kẻ ở xa cùng cho kẻ ở gần; ta sẽ chữa lành kẻ ấy. Song... Đức Chúa Trời ta đã phán: Những kẻ gian-ác chẳng hưởng sự bình-an” (Ê-sai 57:19-21). Dĩ nhiên, dù không thuộc về thế gian, dân Đức Giê-hô-va không thể nào tránh khỏi ảnh hưởng xáo động của các quốc gia (Giăng 17:15, 16). Tại vài xứ, họ phải chịu đựng nhiều cảnh cực kỳ khó khăn, và thậm chí một số đã bị tử vong. Tuy nhiên, tín đồ thật của đấng Christ có được sự bình an theo hai cách chính yếu. Thứ nhất, họ được “hòa-thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus-Christ [của họ]” (Rô-ma 5:1). Thứ nhì, họ hòa thuận với nhau. Họ trau dồi “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”, điều mà “trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận” (Gia-cơ 3:17; Ga-la-ti 5:22-24). Hơn nữa, họ trông mong được hưởng sự bình an một cách trọn vẹn nhất khi “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11).
16, 17. a) “Những ông già, bà già” cũng như “những con trai con gái” đã làm vững mạnh tổ chức Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Điều gì thể hiện sự bình an của dân Đức Giê-hô-va?
16 Vẫn còn có “những ông già, bà già” trong vòng dân Đức Giê-hô-va, họ là những người được xức dầu còn nhớ những thắng lợi ban đầu của tổ chức Đức Giê-hô-va. Lòng trung kiên và sự chịu đựng của họ rất được quý trọng. Những người được xức dầu trẻ hơn đã đứng ra lãnh đạo trong những năm sôi động của thập niên 1930, và những năm của Thế chiến II cũng như những năm sôi nổi khi tổ chức tăng trưởng. Hơn nữa, đặc biệt kể từ 1935, đám đông “vô-số người” thuộc “chiên khác” đã xuất hiện (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16). Khi những tín đồ đấng Christ được xức dầu ngày càng thêm tuổi thọ và số người này giảm dần, các chiên khác đảm nhận công việc rao giảng và bành trướng công việc này trên khắp đất. Trong những năm gần đây, các chiên khác ào ạt đến nước của dân Đức Chúa Trời. Chỉ trong năm vừa qua, có đến 338.491 người làm báp têm để biểu hiệu sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va! Quả thật những người mới này còn rất trẻ, nói về mặt thiêng liêng. Tính chất mới mẻ và lòng nhiệt tình của họ được quý trọng khi họ làm gia tăng hàng ngũ những người ca ngợi với lòng biết ơn “về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải-huyền 7:10).
17 Ngày nay, ‘các đường-phố đầy những con trai con gái,’ những Nhân-chứng trẻ trung và hăng say. Trong năm công tác 1995, Hội nhận được báo cáo từ 232 nước và các đảo. Nhưng không có sự cạnh tranh giữa các quốc gia, hận thù giữa các bộ lạc, không có sự ghen ghét không chính đáng giữa những người xức dầu và các chiên khác. Tất cả đều lớn mạnh về mặt thiêng liêng và đoàn kết trong tình yêu thương. Đoàn thể anh em của Nhân-chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới quả thật có một không hai trên bình diện quốc tế (Cô-lô-se 3:14; I Phi-e-rơ 2:17).
Có quá khó khăn đối với Đức Giê-hô-va không?
18, 19. Vào những năm sau 1919, làm thế nào Đức Giê-hô-va thực hiện được những điều mà dường như quá khó đối với loài người?
18 Vào năm 1918 khi lớp người được xức dầu còn sót lại chỉ gồm có vài ngàn người chán nản trong tình trạng bị câu thúc về mặt thiêng liêng, không ai đã có thể tiên đoán được tiến trình của các biến cố. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết điều này—như lời tuyên bố có tính cách tiên tri thứ tư của ngài xác định: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Trong những ngày đó, dầu những sự ấy coi như lạ-lùng cho mắt của dân sót nầy, song há lạ-lùng cho mắt ta sao? Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (Xa-cha-ri 8:6).
19 Vào năm 1919, thánh linh Đức Giê-hô-va phục hồi dân ngài để họ làm công việc trước mắt. Tuy nhiên, cần phải có đức tin để bám chặt vào cái tổ chức nhỏ nhoi của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Lúc đó, có rất ít những người này, và có nhiều điều không được rõ rệt. Tuy nhiên, từng bước một, Đức Giê-hô-va củng cố họ lại thành một tổ chức vững mạnh, và trang bị họ làm công việc của tín đồ đấng Christ là rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ (Ê-sai 60:17, 19; Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Dần dần, ngài giúp họ nhận ra được những vấn đề tối quan trọng như sự trung lập và quyền thống trị hoàn vũ. Dùng nhóm nhỏ các Nhân-chứng này để thực hiện ý định của ngài có phải là việc quá khó cho Đức Giê-hô-va không? Câu trả lời chắc chắn là không! Điều này được trình bày nơi trang 12-15 của tạp chí này qua biểu đồ sinh hoạt của Nhân-chứng Giê-hô-va cho năm công tác 1995.
“Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó”
20. Theo lời tiên tri, việc thu nhóm dân Đức Chúa Trời rộng lớn đến độ nào?
20 Lời tuyên bố thứ năm biểu lộ thêm cảnh hạnh phúc của Nhân-chứng Giê-hô-va vào thời nay: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Nầy, ta sẽ giải-cứu dân ta từ phương đông phương tây, và đem chúng nó đến, chúng nó sẽ ở giữa Giê-ru-sa-lem, làm dân của ta, còn ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó trong sự chơn-thật và công-bình” (Xa-cha-ri 8:7, 8).
21. Sự bình an dư dật của dân Đức Giê-hô-va được duy trì và nới rộng bằng cách nào?
21 Trong năm 1996 chúng ta có thể không nghi ngại mà nói rằng tin mừng đã được rao giảng trên khắp đất, từ “phương đông” cho đến “phương tây”. Nhiều môn đồ đã được kết nạp trong khắp muôn dân, và họ đã chứng kiến sự ứng nghiệm của lời Đức Giê-hô-va hứa: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn” (Ê-sai 54:13). Chúng ta có được sự bình an vì chúng ta được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Hướng đến mục tiêu này, các ấn phẩm được xuất bản trong trên 300 thứ tiếng. Chỉ trong năm vừa qua, có thêm 21 thứ tiếng. Tạp chí Watchtower (Tháp Canh) hiện nay được xuất bản trong 111 thứ tiếng cùng một lúc, và tạp chí Awake! trong 54 thứ tiếng. Những hội nghị toàn quốc và quốc tế thể hiện sự bình an của dân Đức Chúa Trời giữa công chúng. Các buổi họp hàng tuần giúp chúng ta được đoàn kết và cho chúng ta sự khích lệ cần thiết để đứng vững (Hê-bơ-rơ 10:23-25). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đang dạy dỗ dân ngài “trong sự chơn-thật và công-bình”. Ngài đang ban cho dân ngài sự bình an. Chúng ta có ân phước biết bao khi được dự phần trong sự bình an dồi dào đó!
Bạn có thể giải thích không?
◻ Vào thời nay, Đức Giê-hô-va ‘nổi ghen, một cơn tức giận lớn’ vì dân ngài như thế nào?
◻ Làm sao dân Đức Giê-hô-va có thể hưởng được sự bình an ngay cả trong những xứ bị chiến tranh tàn phá?
◻ Bằng cách nào ‘các đường-phố sẽ đầy những con trai con gái’?
◻ Đức Giê-hô-va có những sự sắp đặt nào để có thể dạy dỗ dân ngài?
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 15]
BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 1995 CỦA NHÂN-CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI
(xin xem ấn phẩm)
[Hình nơi trang 8]
Trong thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, những người Do Thái trung thành xây dựng lại đền thờ đã biết được rằng Đức Giê-hô-va là nguồn bình an duy nhất đáng tin cậy