Câu hỏi độc giả
Nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va kỷ niệm ngày cưới. Sinh nhật là sự kỷ niệm ngày sinh. Vậy tại sao kỷ niệm ngày cưới mà không kỷ niệm sinh nhật?
Thẳng thắn mà nói, tín đồ đấng Christ không cần phải cử hành ngày nào trong hai ngày đó. Tuy thế, điều này không có nghĩa là hai ngày này đều cùng ý nghĩa hoặc tín đồ đấng Christ phải xem sự kỷ niệm ngày cưới giống như sinh nhật.
Như đã được lưu ý, có thể nói là cả hai đều là ngày kỷ niệm bởi vì một “ngày kỷ niệm” là ‘sự trở lại hàng năm của cái ngày xảy ra một sự kiện nào đó’. Nó có thể là ngày kỷ niệm bất cứ sự kiện nào—ngày bạn bị tai nạn xe hơi, nhìn thấy nguyệt thực, đi bơi với gia đình, v.v... Rõ ràng là tín đồ đấng Christ không biến mọi “sự kỷ niệm” thành một ngày đặc biệt hoặc mở tiệc để tưởng niệm. Ta cần phải xem xét các khía cạnh của một biến cố và quyết định cho thích hợp.
Chẳng hạn, Đức Chúa Trời quy định rõ ràng là dân Y-sơ-ra-ên hàng năm phải tưởng niệm ngày mà thiên sứ Ngài vượt qua nhà của người Y-sơ-ra-ên trong nước Ai Cập và cuộc rời khỏi xứ này sau đó của dân Ngài vào năm 1513 TCN (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:14). Sau đó khi những người Do Thái, kể cả Chúa Giê-su, hàng năm kỷ niệm sự kiện ấy, thì đó là vì họ vâng theo lệnh Đức Chúa Trời, và họ làm thế nhưng không có tiệc tùng hoặc tặng quà. Người Do Thái cũng xem việc kỷ niệm sự tái khánh thành đền thờ là một dịp đặc biệt. Dù Kinh-thánh không ra lệnh tưởng niệm sự kiện lịch sử này, nhưng Giăng 10:22, 23 cho thấy rằng Chúa Giê-su không chỉ trích việc kỷ niệm đó. Sau cùng, tín đồ đấng Christ có một buổi họp đặc biệt vào ngày kỷ niệm sự chết của Chúa Giê-su. Dĩ nhiên, họ làm thế vì tuân theo một mệnh lệnh rõ ràng ghi trong Lời Đức Chúa Trời (Lu-ca 22:19, 20).
Còn kỷ niệm ngày cưới thì sao? Ở một số nước, đôi vợ chồng thường kỷ niệm ngày họ bước vào hôn nhân, một sự sắp đặt của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 2:18-24; Ma-thi-ơ 19:4-6). Chắc chắn, Kinh-thánh không nói hôn nhân là xấu. Chúa Giê-su vừa tham dự một đám cưới vừa góp phần làm dịp đó thêm vui mừng (Giăng 2:1-11).
Bởi vậy không lạ gì khi một cặp vợ chồng, vào dịp kỷ niệm ngày cưới của họ, dành thời giờ hồi tưởng lại niềm vui mừng đó và sự quyết tâm hợp tác để đời sống lứa đôi được thành công. Đôi vợ chồng vui riêng với nhau trong dịp này hoặc mời thêm một ít bà con hay bạn bè thân thiết là quyết định của họ. Không nên để cho dịp này trở thành một cái cớ để có cuộc họp mặt đông đảo. Vào dịp này, tín đồ đấng Christ muốn được hướng dẫn bởi các nguyên tắc thích dụng trong đời sống hàng ngày. Vậy kỷ niệm ngày cưới hay không, thì đó là chuyện riêng của mỗi người (Rô-ma 13:13, 14).
Nhưng còn việc cử hành sinh nhật thì sao? Kinh-thánh có lời chỉ dẫn nào cho chúng ta về ngày kỷ niệm này không?
Hồi đầu thế kỷ này, các Học Viên Kinh-thánh, tên gọi Nhân-chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ, có cử hành sinh nhật. Nhiều người trong họ giữ các sách nhỏ gọi là Ma-na hằng ngày từ trời. Những sách này ghi một đoạn Kinh-thánh để đọc mỗi ngày, và nhiều tín đồ đấng Christ dán một tấm ảnh nhỏ trên trang sách tương ứng với ngày sinh của các bạn Học Viên Kinh-thánh. Ngoài ra, tạp chí Tháp Canh ngày 15-2-1909, kể lại rằng tại một hội nghị ở Jacksonville, Florida, Hoa Kỳ, anh Russell, chủ tịch của Hội lúc đó, được mời lên bục giảng. Tại sao? Bởi vì anh được tặng món quà sinh nhật bất ngờ gồm một số thùng bưởi, thơm và cam. Điều đó cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về quá khứ. Để đặt vấn đề vào đúng bối cảnh, hãy nhớ lại rằng trong giai đoạn đó, các Học Viên Kinh-thánh cũng cử hành lễ vào ngày 25 tháng 12, coi đó như ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su, hay sinh nhật ngài. Thậm chí còn có tục lệ ăn tiệc Giáng Sinh tại trụ sở trung ương ở Brooklyn.
Dĩ nhiên, kể từ thời đó dân Đức Chúa Trời đã lớn lên về thiêng liêng trên nhiều phương diện. Trong thập niên 1920, ánh sáng lẽ thật rực rỡ hơn, giúp họ thấy các điều sau đây:
Chúa Giê-su đã không sinh ra vào ngày 25 tháng 12, một ngày liên hệ đến ngoại giáo. Kinh-thánh dặn chúng ta tưởng niệm ngày chết của Chúa Giê-su, chứ không cử hành sinh nhật của ngài hoặc của bất cứ ai khác. Làm thế phù hợp với Truyền-đạo 7:1 và với sự kiện là kết cuộc của đời sống một người trung thành quan trọng hơn ngày sinh. Không có chứng cớ gì trong Kinh-thánh là bất cứ tôi tớ trung thành nào cử hành sinh nhật của họ; nhưng Kinh-thánh ghi lại các buổi sinh nhật của những người ngoại đạo, liên kết những dịp này với những hành vi tàn nhẫn. Chúng ta hãy xét bối cảnh của các tiệc sinh nhật ấy.
Trước hết là sinh nhật của Pha-ra-ôn vào thời Giô-sép (Sáng-thế Ký 40:20-23). Về khía cạnh này, bài nói về sinh nhật trong sách Encyclopædia of Religion and Ethics (Bách khoa tự điển tôn giáo và luân lý) của Hastings bắt đầu như sau: “Về hình thức, phong tục cử hành ngày sinh có liên hệ đến việc tính toán thời gian; còn về nội dung, thì có liên hệ đến vài nguyên tắc tôn giáo nào đó vào thời cổ đại”. Sau đó, bách khoa tự điển này trích dẫn lời của nhà Ai Cập học là Sir J. Gardner Wilkinson; ông viết: “Mọi người Ai Cập đều cho là ngày, và thậm chí giờ sinh của họ có tầm quan trọng lớn; và có lẽ, như ở bên Persia, mỗi người cử hành sinh nhật của họ bằng những cuộc liên hoan linh đình, tiếp đón bạn bè bằng tất cả những trò giải trí có trong xã hội, và bằng những món cao lương mỹ vị dư dả khác thường”.
Một sinh nhật khác đề cập đến trong Kinh-thánh là của Hê-rốt, trong dịp đó Giăng Báp-tít đã bị chém đầu (Ma-thi-ơ 14:6-10). Sách International Standard Bible Encyclopedia (Bách khoa tự điển Kinh-thánh tiêu chuẩn quốc tế, ấn bản 1979) cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc này: “Người Hy Lạp thời tiền cổ cử hành sinh nhật của các thần thánh và những người có thanh thế. Từ ngữ Hy Lạp genéthlia chỉ những sự cử hành này, trong khi từ genésia thì có nghĩa là sự cử hành kỷ niệm sinh nhật của một nhân vật quan trọng đã chết. Ở 2 Macabê 6:7, chúng ta thấy nói đến một lễ genéthlia hàng tháng để tưởng niệm Antiochus IV, trong lễ này người Do Thái bị ép ‘ăn những đồ cúng tế’... Khi Hê-rốt cử hành sinh nhật của mình, ông làm theo phong tục thời cổ Hy Lạp; không có bằng chứng cho thấy có ăn mừng sinh nhật ở Do Thái vào thời tiền cổ Hy Lạp”.
Phải nhận rằng tín đồ thật của đấng Christ ngày nay không quá bận tâm về nguồn gốc của mọi thực hành hay phong tục và về những liên hệ tôn giáo mà những thực hành hay phong tục này có thể đã có trong thời cổ, nhưng họ cũng không có khuynh hướng bỏ qua những chỉ dẫn thích đáng trong Lời Đức Chúa Trời. Điều này bao gồm sự kiện là các sinh nhật Kinh-thánh ghi lại thuộc người ngoại giáo và liên quan đến những hành động tàn nhẫn. Vì vậy, Kinh-thánh rõ ràng không nói về những sinh nhật với vẻ chấp nhận, một sự kiện mà các tín đồ đấng Christ chân thành không thể bỏ qua.
Do đó, trong khi quyết định kỷ niệm ngày cưới là một vấn đề hoàn toàn riêng tư, tín đồ đấng Christ thành thục có lý do vững chắc để không cử hành sinh nhật.