Sự thấy trước về Nước Trời trở thành hiện thực
“Anh em nên chú-ý lời [tiên tri], như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm”.—2 PHI-E-RƠ 1:19.
1. Chúng ta thấy sự tương phản nào trong thế giới ngày nay?
HẾT khủng hoảng này đến khủng hoảng khác—đó là tình trạng thế giới ngày nay. Từ các tai họa về sinh thái đến nạn khủng bố toàn cầu, vấn đề của nhân loại dường như ngày càng nghiêm trọng, không còn kiểm soát được nữa. Cả các tôn giáo thế giới cũng không thể giúp được gì. Trên thực tế, họ thường làm vấn đề tệ hại hơn bằng cách khích động sự cố chấp, thù ghét, và chủ nghĩa quốc gia, là những yếu tố chia rẽ người ta. Đúng thế, như đã báo trước, “sự u-ám” bao phủ “các dân”. (Ê-sai 60:2) Tuy nhiên, cũng thời kỳ này, hàng triệu người mong đợi tương lai với niềm tin chắc. Tại sao thế? Vì họ chú ý đến lời tiên tri của Đức Chúa Trời “như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm”. Họ để cho “lời” tức thông điệp của Đức Chúa Trời mà ngày nay được tìm thấy trong Kinh Thánh, hướng dẫn đường đi nước bước của họ.—2 Phi-e-rơ 1:19.
2. Theo lời tiên tri của Đa-ni-ên về “kỳ cuối-cùng”, chỉ ai được ban cho sự thông hiểu thiêng liêng?
2 Liên quan đến “kỳ cuối-cùng”, nhà tiên tri Đa-ni-ên viết: “Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên. Sẽ có nhiều kẻ tự làm nên tinh-sạch và trắng, và được luyện-lọc. Nhưng những kẻ dữ sẽ cứ làm điều dữ; trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn-sáng sẽ hiểu”. (Đa-ni-ên 12:4, 10) Sự thông hiểu thiêng liêng chỉ dành cho những ai chân thành “đi qua đi lại”, tức siêng năng học hỏi nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời, phục tùng tiêu chuẩn của Ngài, và cố gắng thi hành ý muốn Ngài.—Ma-thi-ơ 13:11-15; 1 Giăng 5:20.
3. Trong thập niên 1870, các học viên Kinh Thánh thời đầu đã nhận biết lẽ thật quan trọng nào?
3 Ngay từ thập niên 1870, trước khi “ngày sau-rốt” khởi đầu, Giê-hô-va Đức Chúa Trời bắt đầu làm sáng tỏ thêm về “những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 13:11) Lúc đó, khác hẳn ý kiến của đại đa số, một nhóm học viên Kinh Thánh nhận biết rằng Đấng Christ trở lại cách vô hình. Sau khi được tấn phong Vua trên trời, Chúa Giê-su trở lại theo nghĩa là trên cương vị Vua, ngài tập trung sự chú ý đến trái đất. Qua dấu hiệu tổng hợp mà họ thấy được, môn đồ Chúa Giê-su biết là sự hiện diện vô hình của ngài đã bắt đầu.—Ma-thi-ơ 24:3-14.
Khi sự thấy trước trở thành hiện thực
4. Đức Giê-hô-va đã củng cố đức tin của các tôi tớ ngày nay như thế nào?
4 Sự hiện thấy về sự hóa hình là điều thấy trước rất rực rỡ về Đấng Christ trong sự vinh hiển Nước Trời. (Ma-thi-ơ 17:1-9) Sự hiện thấy đó củng cố đức tin của Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng vào thời điểm mà nhiều người đã ngưng theo Chúa Giê-su vì ngài đã không thực hiện kỳ vọng của cá nhân họ. Cũng thế, vào thời kỳ cuối cùng này, Đức Giê-hô-va đã củng cố đức tin của các tôi tớ ngày nay bằng cách soi sáng thêm về sự ứng nghiệm của sự hiện thấy đầy ấn tượng đó và nhiều lời tiên tri liên hệ. Giờ đây chúng ta hãy xem xét một số hiện thực thiêng liêng này.
5. Ai chứng tỏ là sao mai, và ngài đã “mọc” khi nào và như thế nào?
5 Nói đến sự hóa hình, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó, như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em”. (2 Phi-e-rơ 1:19) Sao mai đó biểu trưng cho Chúa Giê-su Christ vinh hiển. (Khải-huyền 22:16) Ngài “mọc” vào năm 1914 khi Nước Đức Chúa Trời được thành lập ở trên trời, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. (Khải-huyền 11:15) Trong sự hiện thấy về sự hóa hình, Môi-se và Ê-li hiện ra với Chúa Giê-su, nói chuyện với ngài. Họ làm hình bóng cho ai?
6, 7. Môi-se và Ê-li trong sự hóa hình tượng trưng cho ai, và Kinh Thánh cho biết những chi tiết quan trọng nào về những người này?
6 Vì Môi-se và Ê-li có phần trong sự vinh hiển của Đấng Christ, hai nhân chứng trung thành này hẳn tượng trưng cho những người cùng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước của ngài. Sự hiểu biết về việc Chúa Giê-su có những người cùng cai trị phù hợp với điều thấy trước qua sự hiện thấy về Vua Mê-si mà nhà tiên tri Đa-ni-ên nhận được. Đa-ni-ên thấy “có một người giống như con người” nhận “quyền-thế đời đời” từ “Đấng Thượng-cổ”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nhưng hãy lưu ý Đa-ni-ên đã thấy gì sau đó. Ông viết: “Nước, quyền-thế, và sự tôn-đại của muôn nước ở dưới cả trời, sẽ được ban cho dân các thánh của Đấng Rất Cao”. (Đa-ni-ên 7:13, 14, 27) Đúng thế, hơn năm thế kỷ trước sự hóa hình, Đức Chúa Trời đã cho biết rằng “các thánh” sẽ có phần trong sự tôn đại của vương quyền Đấng Christ.
7 Các thánh trong sự hiện thấy của Đa-ni-ên là ai? Nói đến những người đó, sứ đồ Phao-lô viết: “Chính Đức Thánh-Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với Ngài”. (Rô-ma 8:16, 17) Các thánh đó không ai khác hơn là môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su. Trong Khải-huyền, Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài”. Những ‘kẻ thắng’ được sống lại này gồm tất cả 144.000 người sẽ cùng Chúa Giê-su cai trị toàn thể trái đất.—Khải-huyền 3:21; 5:9, 10; 14:1, 3, 4; 1 Cô-rinh-tô 15:53.
8. Các môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su đã thực hiện công việc giống của Môi-se và Ê-li như thế nào, và kết quả ra sao?
8 Nhưng tại sao Môi-se và Ê-li lại tượng trưng cho các tín đồ được xức dầu của Đấng Christ? Đó là vì khi còn trên đất, các tín đồ này làm công việc tương tự như của Môi-se và Ê-li. Thí dụ, họ phụng sự với tư cách nhân chứng của Đức Giê-hô-va, dù bị ngược đãi. (Ê-sai 43:10; Công-vụ 8:1-8; Khải-huyền 11:2-12) Giống như Môi-se và Ê-li, họ can đảm vạch trần tôn giáo giả trong lúc khuyên giục những người chân thật hãy dành cho Đức Chúa Trời sự thờ phượng chuyên độc. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19, 20; Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:22-24; 1 Các Vua 18:18-40) Công việc của họ có kết quả không? Chắc chắn là có! Ngoài việc góp phần thâu nhóm tất cả những người được xức dầu, họ đã giúp hàng triệu “chiên khác” thể hiện lòng sẵn sàng phục tùng Chúa Giê-su Christ.—Giăng 10:16; Khải-huyền 7:4.
Đấng Christ toàn thắng
9. Khải-huyền 6:2 miêu tả Chúa Giê-su ngày nay như thế nào?
9 Hiện nay Chúa Giê-su không còn là một người cưỡi lừa con mà là một vị Vua hùng mạnh. Ngài được miêu tả là cưỡi một con ngựa—biểu tượng chiến trận trong Kinh Thánh. (Châm-ngôn 21:31) Khải-huyền 6:2 nói: “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều-thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng”. Ngoài ra, trong Thi-thiên, Đa-vít viết về Chúa Giê-su: “Đức Giê-hô-va từ Si-ôn sẽ sai đến cây phủ-việt về sự năng-lực ngươi: Hãy cai-trị giữa các thù-nghịch ngươi”.—Thi-thiên 110:2.
10. (a) Việc Chúa Giê-su cưỡi ngựa để chiến thắng đã khởi đầu một cách vẻ vang như thế nào? (b) Thắng lợi đầu tiên của Đấng Christ ảnh hưởng đến thế giới nói chung như thế nào?
10 Đầu tiên Chúa Giê-su chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất—Sa-tan và các quỉ. Đuổi chúng ra khỏi trời, ngài quăng chúng xuống đất. Các tạo vật thần linh này biết thời giờ mình ngắn ngủi nên giận dữ gây ra nạn lớn cho loài người. Trong Khải-huyền, nạn này được tượng trưng bằng ba người cưỡi ngựa khác. (Khải-huyền 6:3-8; 12:7-12) Như được báo trước trong lời Chúa Giê-su tiên tri liên quan tới “điềm... chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”, việc cưỡi ngựa của họ dẫn đến chiến tranh, đói kém và dịch lệ. (Ma-thi-ơ 24:3, 7; Lu-ca 21:7-11) Giống như các cơn đau đẻ, “sự tai-hại [“các cơn đau đớn”, Tòa Tổng Giám Mục]” này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng cho đến khi Đấng Christ toàn thắng bằng cách triệt phá mọi dấu vết của tổ chức hữu hình dưới quyền Sa-tan.a—Ma-thi-ơ 24:8.
11. Lịch sử hội thánh tín đồ Đấng Christ chứng tỏ vương quyền của Đấng Christ như thế nào?
11 Vương quyền của Chúa Giê-su cũng thể hiện qua sự kiện ngài đã bảo toàn hội thánh tín đồ Đấng Christ để hội thánh có thể thực hiện sứ mệnh rao giảng thông điệp Nước Trời trên khắp thế giới. Bất chấp sự chống đối tàn bạo của Ba-by-lôn Lớn—đế quốc tôn giáo giả thế giới—và của các chính phủ không thiện cảm, công việc rao giảng không những đã tiếp tục mà còn đạt tới quy mô chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. (Khải-huyền 17:5, 6) Quả là bằng chứng hùng hồn về vương quyền của Đấng Christ!—Thi-thiên 110:3.
12. Tại sao phần đông người ta không nhận biết sự hiện diện vô hình của Đấng Christ?
12 Song, đáng buồn là phần đông người ta, kể cả hàng triệu người xưng là tín đồ Đấng Christ, không nhận biết các hiện thực vô hình đằng sau những biến cố quan trọng xảy ra trên đất. Thậm chí họ còn gièm chê những người loan báo về Nước Đức Chúa Trời. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Tại sao thế? Vì Sa-tan đã làm mù lòng họ. (2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Trên thực tế, cách đây nhiều thế kỷ hắn đã bắt đầu làm mù tâm trí những người xưng là tín đồ Đấng Christ, khiến họ ở trong sự tối tăm về thiêng liêng thậm chí từ bỏ cả hy vọng quý báu về Nước Trời.
Từ bỏ hy vọng về Nước Trời
13. Tình trạng tối tăm về thiêng liêng đã dẫn đến điều gì?
13 Chúa Giê-su báo trước rằng kẻ bội đạo giống như cỏ lùng gieo giữa lúa mì, thâm nhập hội thánh đạo Đấng Christ và làm nhiều người lầm lạc. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43; Công-vụ 20:29-31; Giu-đe 4) Với thời gian, những người gọi là tín đồ Đấng Christ tiếp nhận những lễ hội, thực hành, và dạy dỗ ngoại giáo, thậm chí gọi chúng là thuộc “đạo Đấng Christ”. Thí dụ, Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ các nghi lễ liên quan đến việc thờ hai thần ngoại giáo Mithra và Saturn. Nhưng điều gì đã khiến những người tự xưng tín đồ Đấng Christ tiếp nhận những ngày lễ trái nguyên tắc đạo Đấng Christ? Một sách bách khoa tự điển ghi: “Lễ Giáng Sinh, lễ hội ăn mừng sự ra đời của Chúa Giê-su Christ, đã được thiết lập liên quan đến sự kiện người ta ngày càng ít trông mong sự trở lại của Đấng Christ”.—The New Encyclopædia Britannica, 1974.
14. Những dạy dỗ của Origen và Augustine bóp méo lẽ thật về Nước Trời như thế nào?
14 Chúng ta cũng hãy xem sự bóp méo ý nghĩa của từ “Nước Trời”. Cuốn sách “Nước Đức Chúa Trời theo cách giải thích của thế kỷ 20” (The Kingdom of God in 20th-Century Interpretation) nói: “Origen [nhà thần học thuộc thế kỷ thứ ba] đánh dấu giai đoạn tín đồ Đấng Christ thay đổi cách dùng từ ngữ ‘Nước Trời’ sang ý nghĩa nội tâm, đó là sự cai trị của Đức Chúa Trời trong lòng”. Sự dạy dỗ của ông Origen đã dựa vào đâu? Không phải Kinh Thánh, mà dựa trên “triết học và quan điểm thế gian rất khác với lối suy nghĩ của Chúa Giê-su và giáo hội thời ban đầu”. Trong sách “Thành của Đức Chúa Trời” (De Civitate Dei), tác giả Augustine ở Hippo (354-430 CN) nói rằng chính giáo hội là Nước của Đức Chúa Trời. Lối suy nghĩ theo thần học nhưng không phù hợp với Kinh Thánh đã cho các giáo hội thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ lý do để nắm quyền lực chính trị. Và họ đã sử dụng quyền lực đó trong nhiều thế kỷ, thường một cách tàn bạo.—Khải-huyền 17:5, 18.
15. Ga-la-ti 6:7 được ứng nghiệm như thế nào đối với nhiều giáo hội xưng theo Đấng Christ?
15 Thế nhưng ngày nay, các giáo hội đang gặt những gì họ đã gieo. (Ga-la-ti 6:7) Nhiều giáo hội dường như mất cả quyền thế lẫn giáo dân. Chiều hướng đó thể hiện rõ ở Âu Châu. Theo tạp chí “Đạo Đấng Christ ngày nay” (Christianity Today), “giờ đây các thánh đường lớn của Âu Châu [được dùng làm] nhà bảo tàng thay vì nơi thờ phượng, chẳng thấy ai ngoài khách du lịch”. Chiều hướng đó cũng có thể thấy ở những nơi khác trên thế giới. Hiện trạng này báo trước điều gì về tôn giáo giả? Phải chăng nó sẽ đơn giản tàn lụi vì thiếu sự ủng hộ? Còn sự thờ phượng thật sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Hãy chuẩn bị cho ngày lớn của Đức Chúa Trời
16. Tại sao ác cảm ngày càng gia tăng đối với Ba-by-lôn Lớn là điều đáng chú ý?
16 Khi thấy khói và tro phát ra từ một núi lửa trước đây không hoạt động thì chúng ta biết núi lửa sắp sửa phun. Cũng vậy ác cảm ngày càng gia tăng đối với tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới, cho thấy ngày tàn của tôn giáo giả sắp đến. Chẳng bao lâu, Đức Giê-hô-va sẽ khiến cho thành phần chính trị của thế gian liên kết với nhau để vạch trần và hủy diệt dâm phụ tôn giáo là Ba-by-lôn Lớn. (Khải-huyền 17:15-17; 18:21) Tín đồ thật của Đấng Christ có nên lo sợ biến cố đó cũng như những khía cạnh khác của “hoạn-nạn lớn” diễn ra sau đó không? (Ma-thi-ơ 24:21) Chắc chắn không! Thậm chí họ còn có lý do để vui mừng khi Đức Chúa Trời ra tay trừng trị kẻ ác. (Khải-huyền 18:20; 19:1, 2) Hãy xem trường hợp của thành Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất và các tín đồ Đấng Christ đã sống ở đó.
17. Tại sao các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể đương đầu với sự kết liễu hệ thống này với lòng tin chắc?
17 Khi quân La Mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN, những tín đồ tỉnh thức về thiêng liêng không kinh ngạc cũng không hoảng sợ. Là những người chăm chỉ nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời, họ biết rằng “sự tàn-phá thành ấy gần đến”. (Lu-ca 21:20) Họ cũng biết rằng Đức Chúa Trời sẽ mở đường cho họ chạy thoát đến nơi an toàn. Khi đó, tín đồ Đấng Christ đã chạy trốn. (Đa-ni-ên 9:26; Ma-thi-ơ 24:15-19; Lu-ca 21:21) Ngày nay cũng vậy, những ai biết Đức Chúa Trời và phục tùng Con Ngài thì có thể đương đầu với sự kết liễu của hệ thống này với lòng tin chắc. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9) Thật vậy, khi hoạn nạn lớn bắt đầu, họ sẽ vui mừng ‘đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu mình gần tới’.—Lu-ca 21:28.
18. Kết quả sẽ ra sao khi Gót dốc toàn lực tấn công tôi tớ của Đức Giê-hô-va?
18 Sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, Sa-tan trong vai trò Gót ở đất Ma-gốc sẽ dốc toàn lực tấn công các Nhân Chứng hiền hòa của Đức Giê-hô-va. Tiến lên “như một đám mây che-phủ đất”, đạo binh của Gót tưởng sẽ dễ dàng chiến thắng. Chúng sẽ sửng sốt biết bao! (Ê-xê-chi-ên 38:14-16, 18-23) Sứ đồ Giăng viết: “Tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cưỡi ngựa ấy gọi là Đấng trung-tín và chân-thật... Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân”. Là “Vua của các vua”, đấng bách chiến bách thắng này sẽ giải cứu những người thờ phượng trung thành của Đức Giê-hô-va và tiêu diệt mọi kẻ thù. (Khải-huyền 19:11-21) Quả là một kết cuộc vẻ vang khi sự hiện thấy về sự hóa hình trở thành hiện thực!
19. Sự toàn thắng của Đấng Christ sẽ tác động đến các môn đồ trung thành như thế nào, và giờ đây họ phải cố gắng làm gì?
19 Chúa Giê-su sẽ “được khen-ngợi trong mọi kẻ tin”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:10) Bạn có muốn ở trong số những người sẽ tỏ lòng kính sợ người Con chiến thắng của Đức Chúa Trời không? Vậy hãy tiếp tục nuôi dưỡng đức tin và “chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”.—Ma-thi-ơ 24:43, 44.
Phải dè giữ
20. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”? (b) Chúng ta nên tự vấn điều gì?
20 “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” thường xuyên khuyên bảo dân của Đức Chúa Trời phải luôn cảnh giác và dè giữ. (Ma-thi-ơ 24:45, 46; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6) Bạn có quý trọng những lời nhắc nhở đúng lúc này không? Bạn có nghe theo những lời đó để sắp đặt những ưu tiên trong đời sống không? Tại sao không tự hỏi: ‘Tôi có nhãn quan thiêng liêng rõ ràng khiến tôi thấy được Con Đức Chúa Trời đang cai trị trên trời không? Tôi có thấy ngài đang sẵn sàng thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với Ba-by-lôn Lớn và phần còn lại của hệ thống Sa-tan không?’
21. Tại sao một số người đã để cho nhãn quan thiêng liêng mờ đi, và họ cần cấp bách làm gì?
21 Một số người hiện đang kết hợp với dân Đức Giê-hô-va đã để cho nhãn quan thiêng liêng mình mờ đi. Phải chăng đó là bởi họ thiếu kiên nhẫn hoặc sự bền chí, giống như một số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu? Phải chăng sự lo lắng về đời này, chủ nghĩa duy vật, hoặc sự ngược đãi đã ảnh hưởng họ? (Ma-thi-ơ 13:3-8, 18-23; Lu-ca 21:34-36) Có lẽ một số thấy khó hiểu thông tin nào đó mà lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” công bố. Nếu bất cứ điều nào nêu trên là vấn đề đối với bạn, chúng tôi khuyên bạn hãy sốt sắng học Lời Đức Chúa Trời trở lại và khẩn cầu Đức Giê-hô-va để có lại mối quan hệ mật thiết, bền vững với Ngài.—2 Phi-e-rơ 3:11-15.
22. Xem xét sự hiện thấy về sự hóa hình và những lời tiên tri liên hệ đã tác động đến bạn như thế nào?
22 Các môn đồ Chúa Giê-su được ban cho sự hiện thấy về sự hóa hình khi họ cần sự khích lệ. Ngày nay, chúng ta có điều còn vĩ đại hơn để củng cố chúng ta—sự ứng nghiệm của sự thấy trước kỳ diệu đó và nhiều lời tiên tri liên hệ. Khi suy ngẫm về những hiện thực huy hoàng này và ý nghĩa hàm chứa về tương lai, mong sao chúng ta cũng hết lòng bày tỏ cùng cảm nghĩ mà sứ đồ Giăng đã phát biểu: “A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến”.—Khải-huyền 22:20.
[Chú thích]
a Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ dịch là “sự tại-hại” hay “cơn đau đớn” có nghĩa đen là “cơn đau đẻ”. (Ma-thi-ơ 24:8, Kingdom Interlinear) Điều này gợi ý rằng giống như cơn đau đẻ, các vấn đề của thế giới sẽ xảy ra thường xuyên hơn, mỗi lần sẽ dữ dội hơn và kéo dài lâu hơn cho đến khi đạt tới cao điểm là hoạn nạn lớn.
Bạn có nhớ không?
• Trong thập niên 1870, một nhóm nhỏ học viên Kinh Thánh hiểu được điều gì về sự trở lại của Đấng Christ?
• Sự hiện thấy về sự hóa hình đã được ứng nghiệm như thế nào?
• Việc Chúa Giê-su cưỡi ngựa để chiến thắng ảnh hưởng đến thế giới và hội thánh đạo Đấng Christ như thế nào?
• Chúng ta phải làm gì để có mặt trong số người được sống sót khi Chúa Giê-su toàn thắng?
[Các hình nơi trang 16, 17]
Một sự thấy trước trở thành hiện thực
[Các hình nơi trang 18]
Bạn có biết điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su bắt đầu cuộc chinh phục?