Chúng ta học được gì từ con trẻ?
“CỨ LÀM như con nít vậy!” Nếu nghe người khác nói về mình như thế, hẳn chúng ta cảm thấy không vui. Dù đáng yêu, con trẻ vẫn thiếu sự trưởng thành, kinh nghiệm và sự khôn ngoan, là những điều thường đi đôi với tuổi tác.—Gióp 12:12.
Tuy nhiên, một lần nọ, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu”. (Ma-thi-ơ 18:3) Chúa Giê-su có ý nói gì? Con trẻ có đặc tính nào mà người lớn cần phải vun trồng?
Vun trồng tính khiêm nhường như con trẻ
Hãy xem bối cảnh Chúa Giê-su đưa ra lời nhận xét này. Vừa đến Ca-bê-na-um sau một chuyến hành trình dài, Chúa Giê-su hỏi các môn đồ: “Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau?” Các môn đồ lúng túng, không biết nói sao vì họ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn hết trong đám họ. Cuối cùng, thu hết can đảm, họ hỏi Chúa Giê-su: “Ai là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng?”—Mác 9:33, 34; Ma-thi-ơ 18:1.
Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về điều này vì các môn đồ đã theo Chúa Giê-su gần ba năm, thế mà họ vẫn tranh cãi về địa vị hay thứ bậc. Tuy nhiên, các môn đồ lớn lên trong đạo Do Thái, vốn là một tôn giáo xem trọng vấn đề này. Môi trường tôn giáo trước kia cùng với bản tính bất toàn hẳn đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của họ.
Chúa Giê-su bèn ngồi xuống, gọi các môn đồ đến mà phán rằng: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi-tớ mọi người”. (Mác 9:35) Những lời này hẳn khiến họ thật kinh ngạc. Quan điểm của Ngài hoàn toàn trái ngược với quan điểm của người Do Thái về sự cao trọng! Sau đó, Chúa Giê-su gọi một đứa trẻ đến cạnh ngài. Yêu thương quàng tay ôm em, ngài nhấn mạnh điểm vừa nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên-đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm-nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên-đàng”.—Ma-thi-ơ 18:3, 4.
Quả là một bài học ấn tượng về tính khiêm nhường! Hãy thử hình dung lúc ấy. Một nhóm người lớn với vẻ mặt nghiêm nghị bao quanh em nhỏ. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về em. Trông em thật rụt rè! Em hoàn toàn tin tưởng nơi người lớn. Em không hề ganh đua hay thù ghét gì cả. Em dễ bảo và không kiêu ngạo chút nào. Đúng vậy, em nhỏ đó là hình ảnh sống động về tính khiêm nhường, một đức tính đến từ Đức Chúa Trời.
Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su thật rõ ràng. Nếu muốn hưởng được Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải vun trồng tính khiêm nhường như con trẻ. Trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, các tín đồ Đấng Christ có mối quan hệ như một gia đình, và nơi đây không hề có chỗ cho tinh thần cạnh tranh hoặc tính kiêu ngạo. (Ga-la-ti 5:26) Đó chính là những tính cách khiến cho Sa-tan Ma-quỉ phản nghịch Đức Chúa Trời. Không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va ghét những tính cách ấy!—Châm-ngôn 8:13.
Tín đồ thật của Đấng Christ tìm cách để phục vụ người khác, chứ không phải để thị uy. Dù công việc được giao không vừa ý đến đâu, hay người chúng ta phải phục vụ thấp kém thế nào, tinh thần khiêm nhường thật sẽ thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác. Tinh thần đó mang lại phần thưởng dồi dào. Chúa Giê-su nói: “Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, thì chẳng phải tiếp ta, bèn là tiếp Đấng đã sai ta vậy”. (Mác 9:37) Tập có tinh thần rộng lượng, khiêm nhường như con trẻ sẽ giúp chúng ta hợp nhất với Đấng Chí Cao của vũ trụ và Con Ngài. (Giăng 17:20, 21; 1 Phi-e-rơ 5:5) Chúng ta sẽ nhận được niềm hạnh phúc đến từ việc ban cho. (Công-vụ 20:35) Hơn nữa, chúng ta sẽ cảm nhận sự thỏa nguyện khi góp phần duy trì tinh thần bình an và hợp nhất trong dân tộc Đức Chúa Trời.—Ê-phê-sô 4:1-3.
Dễ bảo và hoàn toàn tin tưởng
Tiếp theo, Chúa Giê-su nhấn mạnh một điều khác mà người lớn cần học nơi con trẻ: “Ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ”. (Mác 10:15) Không chỉ khiêm nhường, con trẻ còn dễ bảo và ham học hỏi. Một người mẹ nói: “Các em giống như tờ giấy trắng, dạy gì nghe nấy”.
Vì thế, để hưởng được Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải học và làm theo những đòi hỏi của Nước đó. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Như trẻ sơ sinh, chúng ta cần ‘ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, hầu cho nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn’. (1 Phi-e-rơ 2:2) Nhưng nếu một sự dạy dỗ trong Kinh Thánh dường như quá khó hiểu thì sao? Một người trông trẻ nhận xét: “Hễ chưa hiểu là các em cứ tiếp tục hỏi ‘Tại sao?’ cho đến khi nào bằng lòng với câu trả lời mới thôi”. Chúng ta cần noi theo các em nhỏ. Vì thế, hãy không ngừng học hỏi. Hãy nói chuyện với các tín đồ thành thục. Cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan. (Gia-cơ 1:5) Với thời gian, lòng kiên trì và những lời cầu xin của bạn chắc chắn sẽ có kết quả.—Ma-thi-ơ 7:7-11.
Dù thế, một số người có lẽ tự hỏi: ‘Chẳng phải những người dễ bảo cũng dễ bị lừa sao?’ Nếu có nguồn hướng dẫn đáng tin cậy thì không phải như thế. Chẳng hạn, con trẻ tự nhiên tìm đến cha mẹ để được hướng dẫn. Một người cha nói: “Khi che chở và chu cấp cho con cái những nhu cầu cơ bản hằng ngày, cha mẹ chứng tỏ họ đáng tin cậy”. Chắc chắn chúng ta cũng có những lý do tương tự để tin cậy Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 1:17; 1 Giăng 4:9, 10) Qua Lời Ngài, Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự hướng dẫn không bao giờ sai. Thánh linh và tổ chức Ngài an ủi và nâng đỡ chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Giăng 14:26) Tận dụng những sự sắp đặt này, chúng ta được bảo vệ an toàn khỏi mọi điều tai hại về thiêng liêng.—Thi-thiên 91:1-16.
Tập có lòng nương cậy nơi Đức Giê-hô-va như một người con tin cậy cha mình sẽ giúp chúng ta có được bình an tâm trí. Một học giả Kinh Thánh nhận xét: “Khi còn nhỏ, mỗi lần cha mẹ đưa đi chơi, dù không có một đồng mua vé, không biết đi đâu hay đi như thế nào, chúng ta vẫn tin là cha mẹ sẽ đưa chúng ta đến nơi an toàn”. Trong chuyến hành trình của cuộc sống, chúng ta có lòng tin tưởng như thế với Đức Giê-hô-va không?—Ê-sai 41:10.
Tin tưởng tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh những thái độ và hành động gây nguy hại về mặt thiêng liêng. Thay vì thế, chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi lời Chúa Giê-su rằng Cha trên trời nhìn thấy việc làm của chúng ta, và nếu chúng ta tiếp tục tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết, Ngài sẽ chăm sóc chúng ta. Điều này giúp chúng ta cưỡng lại khuynh hướng quá chú trọng đến nhu cầu vật chất, mà lờ đi các trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 6:19-34.
‘Về sự gian-ác, hãy nên như trẻ con’
Mặc dù sinh ra là bất toàn, con trẻ có suy nghĩ và tấm lòng trong sáng. Vì thế, Kinh Thánh khuyến khích các tín đồ Đấng Christ: “Về sự gian-ác,. . . hãy nên như trẻ con”.—1 Cô-rinh-tô 14:20.
Em Monique, 5 tuổi, hào hứng kể với mẹ: “Sarah, bạn mới của con, có tóc quăn giống con đó mẹ!” Em không nói Sarah có màu da hay chủng tộc khác em. Một bậc cha mẹ cho biết: “Con trẻ thường ‘mù màu’. Chúng không có thành kiến hay khái niệm về chủng tộc”. Về lĩnh vực này, con trẻ thể hiện thật hoàn hảo quan điểm không thiên vị của Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương mọi người từ mọi quốc gia.—Công-vụ 10:34, 35.
Con trẻ cũng rất dễ tha thứ. Một bậc cha mẹ nói: “Khi hai con trai chúng tôi, Jack và Levi, đánh nhau, chúng tôi bắt chúng phải xin lỗi. Rồi chỉ một lúc sau, chúng lại cùng chơi đùa vui vẻ với nhau. Chúng không nghiến ngầm, nhắc lại chuyện cũ hoặc đòi hỏi này nọ trước khi tha thứ. Chúng chỉ làm hòa và tiếp tục chơi lại”. Thật là một gương tốt cho người lớn!—Cô-lô-se 3:13.
Ngoài ra, con trẻ dễ dàng chấp nhận Đức Chúa Trời hiện hữu. (Hê-bơ-rơ 11:6) Sự vô tư giúp các em dạn dĩ làm chứng cho người khác. (2 Các Vua 5:2, 3) Những lời cầu nguyện chân thành, giản dị của các em thường làm rung động cả những tấm lòng sắt đá nhất. Và khi gặp thử thách, các em kiên quyết giữ vững lập trường. Con trẻ quả là món quà quý giá biết bao!—Thi-thiên 127:3, 4.
Tìm lại sự hồn nhiên như trẻ thơ
Có lẽ bạn tự hỏi: ‘Người lớn có thể tìm lại được sự hồn nhiên của tuổi thơ không?’ Câu trả lời ngắn gọn và chắc chắn là: Có! Chắc hẳn lời Chúa Giê-su khuyên “nên như đứa trẻ” phải khả thi.—Ma-thi-ơ 18:3.
Để minh họa: Một nhóm thợ phải phục chế một tác phẩm nghệ thuật vô giá. Trong tiến trình thực hiện, họ tẩy đi những lớp bụi bẩn đóng lâu ngày và chỉnh lại những chỗ sửa không khéo trước kia. Nhờ nỗ lực kiên nhẫn của nhóm thợ phục chế, mọi người lại được chiêm ngưỡng những sắc màu tươi sáng và vẻ đẹp ban đầu của tác phẩm. Tương tự, nhờ sự kiên trì cố gắng của chúng ta, sự trợ giúp của thánh linh Đức Giê-hô-va và sự nâng đỡ đầy yêu thương của hội thánh, chúng ta có thể tìm lại những đặc tính đáng quý mà chúng ta đã có cách tự nhiên khi còn là trẻ thơ.—Ê-phê-sô 5:1.
[Hình nơi trang 9]
Bản chất của con trẻ là khiêm nhường
[Hình nơi trang 10]
Con trẻ không thành kiến, các em không giận dai và dễ tha thứ