Bạn có được cứu khi Đức Chúa Trời phán quyết không?
“Nếu những ngày ấy không giảm-bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm-bớt” (MA-THI-Ơ 24:22).
1, 2. a) Tại sao quan tâm đến tương lai của chúng ta là chuyện bình thường? b) Mối quan tâm tự nhiên có thể có liên hệ đến những câu hỏi quan trọng nào?
BẠN quan tâm đến bản thân mình tới độ nào? Nhiều người ngày nay coi trọng bản thân mình một cách thái quá, đến độ vị kỷ. Tuy nhiên, Kinh-thánh không lên án việc quan tâm đúng mức đến những gì ảnh hưởng đến chúng ta (Ê-phê-sô 5:33). Điều này gồm có việc quan tâm đến tương lai của mình. Vì thế việc bạn muốn biết tương lai ra sao chỉ là một chuyện bình thường. Bạn có muốn biết không?
2 Chúng ta có thể biết chắc rằng các sứ đồ của Giê-su đã muốn biết về tương lai của họ (Ma-thi-ơ 19:27). Có thể đó là lý do mà bốn người trong vòng các sứ đồ đến với Giê-su trên Núi Ô-li-ve. Họ hỏi: “Lúc nào các đều đó xảy đến, và có điềm chi cho người ta biết các sự đó sẽ hoàn-thành?” (Mác 13:4). Giê-su đã không lờ đi mối quan tâm tự nhiên muốn biết về tương lai—của các sứ đồ và của chúng ta. Nhiều lần ngài nhấn mạnh rằng các biến cố tương lai sẽ ảnh hưởng đến các môn đồ ngài như thế nào và kết cuộc sẽ ra sao.
3. Tại sao chúng ta liên kết câu trả lời của Giê-su với thời của chúng ta?
3 Câu trả lời của Giê-su đưa ra một lời tiên tri có sự ứng nghiệm chính ngay trong thời của chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này trong hai trận thế chiến và trong các cuộc xung đột khác của thế kỷ này, trong những trận động đất làm biết bao người thiệt mạng, qua nạn đói kém gây ra bệnh tật và chết chóc và qua các dịch lệ—từ bệnh cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 cho đến hiểm họa hiện nay của bệnh AIDS (Sida). Tuy nhiên, phần nhiều những điều Giê-su cho biết cũng có những ứng nghiệm dẫn đến việc quân La Mã tiêu diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên và kể cả việc hủy diệt thành này. Giê-su căn dặn các sứ đồ: “Còn các ngươi, phải giữ mình; họ sẽ nộp các ngươi trước tòa-án; các ngươi sẽ bị đánh trong các nhà hội, và vì cớ ta, sẽ đứng trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ” (Mác 13:9).
Giê-su đã báo trước điều gì và điều gì đã xảy ra
4. Câu trả lời của Giê-su có những lời căn dặn nào?
4 Không những Giê-su tiên tri về cách người ta đối đãi với các môn đồ mà ngài còn cảnh giác họ phải đối phó như thế nào. Thí dụ: “Khi các ngươi sẽ xem thấy sự tàn-nát gớm-ghiếc lập ra nơi không nên lập (ai đọc phải để ý), bấy giờ những kẻ ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi” (Mác 13:14). Lời tường trình song song với câu này nơi Lu-ca 21:20 viết: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem”. Trong lần ứng nghiệm đầu tiên, lời tiên tri này có tỏ ra chính xác không?
5. Điều gì đã xảy ra giữa những người Do Thái tại Giu-đê vào năm 66 công nguyên?
5 Cuốn The International Standard Bible Encyclopedia (1982) nói: “Dân Do Thái càng ngày càng bồn chồn dưới sự kiểm soát của La Mã và các quan tổng trấn càng ngày càng trở nên hung hăng, độc ác và bất lương. Những cuộc nổi dậy công khai bộc phát vào năm 66 công nguyên... Chiến tranh bắt đầu khi nhóm Zealots chiếm cứ Masada và sau đó, dưới sự chỉ huy của Menahem, đã tiến quân vào thành Giê-ru-sa-lem. Cùng lúc ấy những người Do Thái trong thành phố Sê-sa-rê của quan tổng trấn bị ám sát, và hung tin này đã được loan truyền đi khắp nước. Những đồng bạc cắc mới ra có khắc chữ Năm thứ nhất đến Năm thứ năm của cuộc nổi dậy”.
6. Cuộc nổi dậy của dân Do Thái khiến quân La Mã có phản ứng gì?
6 Quân đoàn Mười hai La Mã dưới quyền chỉ huy của Cestius Gallus tiến quân từ Sy-ri, tàn phá Ga-li-lê và Giu-đê, và sau đó tấn công vào thủ đô, họ chiếm cả phần trên của “Giê-ru-sa-lem, là thành thánh” (Nê-hê-mi 11:1; Ma-thi-ơ 4:5; 5:35; 27:53). Cuốn The Roman Siege of Jerusalem tóm lược những chuyện xảy ra như sau: “Trong năm ngày liền quân La Mã dùng thang leo tường vào thành nhưng đều bị đẩy lui hết đợt này sang đợt khác. Cuối cùng quân phòng thủ bị quá nhiều tên lửa áp đảo nên đành phải chịu thua. Quân La Mã làm một testudo tức là một phương pháp nối liền các thuẫn lại để che đỡ đầu họ trong lúc họ đục tường và dấy lửa đốt cháy cổng thành. Sự hoảng sợ đã làm tê liệt quân phòng thủ”. Các tín đồ đấng Christ trong thành có thể nhớ đến lời Giê-su và nhận ra được rằng một sự gớm ghiếc đang diễn ra tại nơi thánh.a Nhưng nếu thành bị vây hãm thì làm sao những tín đồ đấng Christ có thể chạy trốn như Giê-su đã khuyên nhủ?
7. Quân La Mã đã làm gì khi chiến thắng nằm trong tầm tay vào năm 66 công nguyên?
7 Sử gia Flavius Josephus kể lại: “Cestius [Gallus] đã không biết đến cảnh tuyệt vọng của người bị bao vây hoặc cảm giác của dân chúng, bỗng nhiên ra lệnh cho quân lính ngưng tấn công, bỏ hy vọng chiến thắng dù ông không bị thất trận và hành động ngược lại với đầu óc suy xét tức là rút lui ra khỏi thành” (The Jewish War, II, 540 [xix, 7]). Tại sao ông Gallus lại rút lui? Dù có lý do gì đi nữa, sự rút lui đã để cho tín đồ đấng Christ cơ hội tuân theo lời của Giê-su là chạy đến nơi an toàn ở trên núi.
8. Giai đoạn thứ hai của quân La Mã trong cuộc chiếm thành Giê-ru-sa-lem đã xảy ra như thế nào, và những người sống sót đã bị gì?
8 Việc vâng lời đã cứu mạng họ. Không được bao lâu thì quân La Mã ra tay đè bẹp cuộc nổi dậy. Chiến dịch do tướng Titus chỉ huy đạt đến cao điểm khi ông chiếm thành Giê-ru-sa-lem từ tháng 4 cho đến tháng 8 năm 70 công nguyên. Đọc sự miêu tả của Josephus về nỗi thống khổ mà dân Do Thái phải gánh chịu làm người ta có thể rùng mình. Ngoài những người bị chết vì chiến đấu với quân La Mã, một số người Do Thái còn bị giết bởi những bè đảng Do Thái đối nghịch nhau và vì đói kém khiến họ phải ăn thịt người khác. Đến lúc quân La Mã chiến thắng thì đã có đến 1.100.000 người Do Thái thiệt mạng.b Trong số 97.000 người sống sót, một số bị xử tử ngay lập tức; một số khác bị bắt làm nô lệ. Josephus nói: “Những ai trên mười bảy tuổi thì bị trói vào còng và đày đi làm lao công khổ cực tại Ai cập, trong khi một số lớn thì bị Titus giao cho các tỉnh khác để bị giết bằng gươm hay bằng dã thú tại đấu trường”. Ngay cả trong giai đoạn phân loại này có đến 11.000 tù nhân bị chết đói.
9. Tại sao tín đồ đấng Christ không phải gánh chịu hậu quả như những người Do Thái, nhưng các câu hỏi nào cần được giải đáp?
9 Tín đồ đấng Christ có thể cảm tạ là họ đã tuân theo lời căn dặn của Giê-su và đã trốn ra khỏi thành trước khi quân La Mã quay trở lại. Như thế họ đã được cứu khỏi một phần của cái mà Giê-su cho là ‘hoạn-nạn lớn’ đã xảy đến cho thành Giê-ru-sa-lem, ‘đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa’ (Ma-thi-ơ 24:21). Giê-su nói tiếp: “Nếu những ngày ấy không giảm-bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm-bớt” (Ma-thi-ơ 24:22). Điều đó có nghĩa gì cho thời ấy và có nghĩa gì cho thời nay?
10. Trước đây, Ma-thi-ơ 24:22 đã được giải thích như thế nào?
10 Ngày xưa ‘người được cứu’ được giải thích là những người Do Thái sống sót qua cơn hoạn nạn đã xảy đến cho thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên. Vì tín đồ đấng Christ đã chạy thoát, nên Đức Chúa Trời có thể để quân La Mã tàn phá một cách nhanh chóng. Nói cách khác, qua sự kiện là những “người được chọn” đã ra khỏi nơi hiểm nguy, những ngày của cơn hoạn nạn có thể được giảm bớt hầu cho một số “người” Do Thái được cứu. Người ta cho rằng những người Do Thái sống sót đó tượng trưng cho những người sống sót qua cơn đại nạn sắp đến trong thời của chúng ta (Khải-huyền 7:14).
11. Tại sao lời giải thích về Ma-thi-ơ 24:22 dường như cần được xem xét lại?
11 Nhưng lời giải thích này có phù hợp với những gì xảy ra vào năm 70 công nguyên không? Giê-su nói rằng phải có “người” được “cứu” khỏi cơn hoạn nạn. Bạn có thể dùng chữ “cứu” để nói về 97.000 người sống sót khi nghĩ đến hàng ngàn người trong số đó sắp sửa bị chết vì thiếu ăn hoặc bị giết nơi đấu trường không? Josephus kể về một đấu trường tại Sê-sa-rê: “Số người mất mạng nơi đấu trường vì vật lộn với dã thú hoặc với nhau hoặc bị thiêu sống lên đến hơn 2.500 người”. Dù họ không chết trong cuộc vây hãm nhưng chắc chắn họ đã không được “cứu”. Liệu Giê-su có xem họ như những người sống sót vui vẻ ra khỏi cơn “hoạn nạn lớn” không?
Người được cứu—bằng cách nào?
12. Vào thế kỷ thứ nhất, ai là “những người được chọn” mà Đức Chúa Trời đã chú ý đến?
12 Đến năm 70 công nguyên, Đức Chúa Trời không còn xem dân gốc Do Thái là dân được chọn của ngài nữa. Giê-su cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân tộc ấy và không để cho thủ đô, đền thờ và hệ thống thờ phượng của họ tồn tại nữa (Ma-thi-ơ 23:37 đến 24:2). Đức Chúa Trời chọn một dân tộc mới, dân Do Thái thiêng liêng (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14; Rô-ma 2:28, 29; Ga-la-ti 6:16). Dân này gồm có những người đàn ông và đàn bà được chọn từ mọi nước và được xức dầu bằng thánh linh (Ma-thi-ơ 22:14; Giăng 15:19; Công-vụ các Sứ-đồ 10:1, 2, 34, 35, 44, 45). Vài năm trước khi Cestius Gallus tấn công, Phi-e-rơ viết cho “những người được chọn, theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Đức Thánh-Linh”. Những người được xức dầu bằng thánh linh như thế là “dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh” (I Phi-e-rơ 1:1, 2; 2:9). Đức Chúa Trời sẽ đem những người được lựa chọn lên trời để cai trị cùng với Giê-su (Cô-lô-se 1:1, 2; 3:12; Tít 1:1; Khải-huyền 17:14).
13. Lời Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:22 có thể có ý nghĩa gì?
13 Nhận ra được những người được chọn là một điều có lợi vì Giê-su tiên tri là những ngày của cơn hoạn nạn sẽ giảm bớt “vì cớ các người được chọn”. Chữ Hy-lạp dịch ra là “vì cớ” cũng được dịch ra là “vì lợi ích của...” (Mác 2:27; Giăng 12:30; I Cô-rinh-tô 8:11; 9:10, 23; 11:9; II Ti-mô-thê 2:10; Khải-huyền 2:3). Vì thế Giê-su đã có thể nói: ‘Nếu những ngày ấy không giảm-bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì lợi ích của những người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm-bớt’c (Ma-thi-ơ 24:22). Điều gì đã xảy ra đem lại lợi ích hoặc ‘vì lợi ích của’ những tín đồ được chọn của đấng Christ còn mắc kẹt trong thành Giê-ru-sa-lem?
14. Bằng cách nào “người” được cứu khi quân La Mã bất ngờ rút lui ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 công nguyên?
14 Hãy nhớ lại là vào năm 66 công nguyên, quân La Mã đã tiến vào toàn lãnh thổ, chiếm đóng phần trên của Giê-ru-sa-lem và bắt đầu đục tường thành. Josephus bình luận: “Giá mà ông kiên trì bao vây thêm một tí nữa thì ông đã có thể chiếm ngay được Thành”. Hãy tự hỏi: ‘Tại sao một đạo quân La Mã hùng mạnh như vậy bỗng nhiên lại rút quân bỏ rơi chiến dịch, đi “ngược lại với đầu óc suy xét”?’ Rupert Furneaux, một chuyên gia giảng giải về lịch sử quân đội nói: “Không một sử gia nào đã có thể giải thích được lý do tại sao Gallus có những quyết định lạ lùng và đầy tai hại đó”. Bất kể vì lý do gì, kết quả là cơn đại nạn đã được giảm bớt. Quân La Mã rút lui, và bị quân Do Thái tấn công trong lúc họ đi. Đối với những tín đồ đấng Christ được xức dầu là những người “được chọn” còn bị kẹt lại thì sao? Việc giải vây có nghĩa là họ được cứu không bị giết trong cơn đại nạn này. Do đó, những tín đồ đấng Christ được lợi ích khi cơn hoạn nạn vào năm 66 công nguyên giảm bớt là những “người” được cứu mà Ma-thi-ơ 24:22 có nói đến.
Tương lai của bạn ra sao?
15. Tại sao bạn có thể nói rằng Ma-thi-ơ đoạn 24 đáng cho chúng ta đặc biệt chú ý ngày nay?
15 Một người có thể hỏi: ‘Tại sao tôi nên đặc biệt chú ý vào việc hiểu biết rõ ràng về lời này của Giê-su?’ Có nhiều lý do để kết luận rằng lời tiên tri của Giê-su còn được ứng nghiệm rộng lớn hơn, ngoài những gì đã xảy ra cho đến năm 70 công nguyên và kể cả năm đó.d (So sánh Ma-thi-ơ 24:7; Lu-ca 21:10, 11; Khải-huyền 6:2-8). Trong nhiều thập niên, Nhân-chứng Giê-hô-va đã rao giảng rằng sự ứng nghiệm chính xảy ra vào thời của chúng ta chứng tỏ là chúng ta có thể trông chờ một “hoạn-nạn lớn” quy mô sắp sửa đến. Trong suốt cơn hoạn nạn lớn, những lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:22 sẽ được ứng nghiệm như thế nào?
16. Sách Khải-huyền đưa ra những sự thật khích lệ nào về cơn đại nạn sắp đến?
16 Khoảng hai mươi năm sau cơn hoạn nạn tại thành Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Giăng viết sách Khải-huyền. Sách này xác định rằng ngày đại nạn còn trong tương lai. Và vì quan tâm đến những gì ảnh hưởng đến chính mình, chúng ta được an tâm khi biết rằng lời tiên tri của sách Khải-huyền bảo đảm là con người sẽ sống sót qua cơn đại nạn trong tương lai. Giăng báo trước rằng “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Họ là ai? Một tiếng nói từ trời phán rằng: “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn” (Khải-huyền 7:9, 14). Vâng, họ là những người được sống sót! Sách Khải-huyền cũng cho chúng ta biết rõ hơn về những gì sẽ xảy ra trong cơn đại nạn sắp tới và Ma-thi-ơ 24:22 sẽ được ứng nghiệm như thế nào.
17. Giai đoạn đầu của cơn đại nạn sẽ gồm có gì?
17 Giai đoạn đầu của cơn đại nạn này sẽ là cuộc tấn công mụ dâm phụ tượng trưng gọi là “Ba-by-lôn lớn” (Khải-huyền 14:8; 17:1, 2). Dâm phụ này tượng trưng cho đế quốc tôn giáo giả trên khắp thế giới, trong đó các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ là thành phần đáng khiển trách nhất. Dựa theo lời viết nơi Khải-huyền 17:16-18, Đức Chúa Trời sẽ đặt ý tưởng vào lòng những phần tử chính trị để họ tấn công mụ dâm phụ tượng trưng này.e Hãy tưởng tượng sự tấn công này có thể gây ảnh hưởng gì cho những người xức dầu “được chọn” của Đức Chúa Trời cùng những người cộng tác với họ thuộc đám đông “vô-số người”. Khi những đợt tấn công tàn phá tôn giáo tiến hành, thì dường như là tất cả những tổ chức tôn giáo kể cả dân của Đức Giê-hô-va cũng bị diệt đi.
18. Tại sao dường như không một “người” nào được cứu khỏi giai đoạn đầu của cơn hoạn nạn lớn?
18 Đây là lúc mà lời Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:22 được ứng nghiệm một cách quy mô. Trong khi những người được chọn tại Giê-ru-sa-lem có vẻ bị nguy hiểm, thì các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể gặp nguy cơ là bị tiêu diệt trong cuộc tấn công tôn giáo, như thể là cuộc tấn công sẽ diệt hết tất cả mọi “người” dân của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều gì đã xảy ra vào năm 66 công nguyên. Cơn hoạn nạn do quân La Mã gây ra bị rút ngắn, nhờ đó những người xức dầu được chọn của Đức Chúa Trời có nhiều cơ hội để chạy thoát và sống sót. Do đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ không cho phép cuộc tấn công tai hại vào tôn giáo tiêu diệt hội thánh của những người thờ phượng thật trên khắp đất. Điều này sẽ xảy ra rất nhanh chóng, như thể chỉ trong vòng “một ngày”. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó cuộc tấn công sẽ bị rút ngắn, không được phép đạt mục tiêu, hầu cho dân Đức Chúa Trời có thể được “cứu” (Khải-huyền 18:8).
19. a) Sau phần đầu của cơn đại nạn, điều gì sẽ trở nên rõ rệt? b) Điều này sẽ đưa đến chuyện gì?
19 Những phần tử khác của tổ chức trên đất của Sa-tan Ma-quỉ sau đó sẽ tiếp tục hoạt động trong một thời gian và khóc lóc thở than vì đã không còn được thông đồng với dâm phụ tượng trưng cho những tôn giáo xưa của họ nữa (Khải-huyền 18:9-19). Tới một lúc nào đó, họ sẽ nhận thấy rằng các tôi tớ thật của Đức Chúa Trời vẫn còn, “yên-lặng an-ổn, hết thảy ở trong những nơi không có tường” và có vẻ là một con mồi ngon. Thật là một điều bất ngờ cho những kẻ tấn công! Để đương đầu với cuộc công kích chống lại tôi tớ ngài, hoặc thật sự hoặc hăm dọa, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên để phán xét các kẻ thù nghịch vào giai đoạn cuối của cơn đại nạn (Ê-xê-chi-ên 38:10-12, 14, 18-23).
20. Tại sao giai đoạn thứ hai của cơn hoạn nạn lớn không đặt dân Đức Chúa Trời vào vòng nguy hiểm?
20 Giai đoạn thứ hai của cơn hoạn nạn lớn sẽ giống như những gì xảy đến cho thành Giê-ru-sa-lem và dân cư vào lần tấn công thứ hai của quân La Mã vào năm 70 công nguyên. Đây sẽ là “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21). Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng những người được chọn của Đức Chúa Trời và những người kết hợp với họ sẽ không nằm trong vòng nguy hiểm vì có thể bị giết. Họ sẽ không phải chạy đến một nơi nào khác. Những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã có thể chạy từ thành Giê-ru-sa-lem lên vùng núi, như là vùng Pella nằm đối diện với sông Giô-đanh. Tuy nhiên, trong tương lai, những Nhân-chứng trung thành của Đức Chúa Trời sẽ ở khắp nơi trên đất, do đó sự an ổn và che chở sẽ không căn cứ vào vị trí địa dư.
21. Ai sẽ giao tranh trong trận chiến cuối cùng, và với kết quả nào?
21 Không phải quân đội La Mã hoặc bất cứ cơ quan nào khác của loài người gây ra sự hủy diệt. Thay vì thế, sách Khải-huyền giải thích là lực lượng hành quyết phải đến từ trời. Thật vậy, giai đoạn phán xét cuối cùng sẽ được thực thi, không bằng quân lực của loài người, mà bằng “Lời Đức Chúa Trời”, tức là Vua Giê-su Christ, và với sự trợ giúp của ‘đạo binh trên trời’, kể cả những tín đồ xức dầu được sống lại của đấng Christ. “Vua của các vua và Chúa của các chúa” sẽ thi hành sự phán xét một cách kỹ càng hơn quân La Mã đã làm vào năm 70 công nguyên. Sự phán xét này sẽ loại trừ tất cả những ai chống lại Đức Chúa Trời như các vua, các tướng, chủ và tôi mọi, nhỏ và lớn. Ngay cả các tổ chức loài người của thế gian Sa-tan cũng bị kết liễu (Khải-huyền 2:26, 27; 17:14; 19:11-21; I Giăng 5:19).
22. “Người” được cứu còn có thêm ý nghĩa nào khác?
22 Hãy nhớ rằng “người”, bao gồm cả lớp người được xức dầu còn sót lại và “đám đông” sẽ được cứu khi Ba-by-lôn Lớn hoàn toàn tan rã một cách nhanh chóng trong giai đoạn đầu của cơn hoạn nạn lớn. Tương tự như vậy, trong giai đoạn cuối của cơn đại nạn, những “người” đã chạy về Đức Giê-hô-va sẽ được cứu. So với hậu quả mà dân phản loạn Do Thái đã phải gánh chịu vào năm 70 công nguyên thì điều này khác hẳn biết bao!
23. “Người” được cứu có thể trông đợi điều gì?
23 Khi nghĩ về những gì có thể xảy đến cho tương lai của bạn và của người thân yêu, hãy chú ý đến lời hứa nơi Khải-huyền 7:16, 17: “Chúng sẽ không đói, không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn-giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng”. Chắc chắn như thế mới thật sự là được “cứu” theo ý nghĩa tuyệt diệu và lâu bền.
[Chú thích]
b Josephus nói: “Lúc Titus vào trong thành, ông sửng sốt khi thấy thành trì kiên cố... Ông thốt lên: ‘Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta; chính Đức Chúa Trời đã hạ những người Do Thái xuống khỏi thành trì này; vì làm sao mà bàn tay loài người hoặc công cụ nào có thể địch lại những cái tháp vững vàng như thế?’ ”
c Điều đáng chú ý là bản của Shem-Tob dùng chữ Hê-bơ-rơ ʽa·vurʹ nơi Ma-thi-ơ 24:22, có nghĩa là “vì lợi ích của, vì, hầu cho”. Xem bài trước, trang 13.
d Xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-2-1994, trang 11, 12, và biểu đồ nơi trang 14, 15 liệt kê những cột song song gồm lời tiên tri của Giê-su ghi trong Ma-thi-ơ đoạn 24, Mác đoạn 13 và Lu-ca đoạn 21.
e Xem cuốn Revelation—Its Grand Climax At Hand!, trang 235-258, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản năm 1988.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Quân La Mã tấn công vào thành Giê-ru-sa-lem qua hai giai đoạn nào?
◻ Tại sao 97.000 người Do Thái sống sót vào năm 70 công nguyên không thể nào là những “người” được đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:22?
◻ Những ngày của cơn hoạn nạn xảy đến cho thành Giê-ru-sa-lem được giảm bớt như thế nào, và do đó “người” được cứu bằng cách nào?
◻ Trong cơn đại nạn sắp đến, những ngày sẽ giảm bớt và “người” được cứu như thế nào?
[Hình nơi trang 16]
Đồng tiền Do Thái đúc sau cuộc nổi loạn. Chữ Hê-bơ-rơ viết “Năm thứ hai”, có nghĩa là năm 67 công nguyên, năm thứ hai của nền tự trị
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Hình nơi trang 17]
Đồng tiền La Mã phát hành vào năm 71 công nguyên. Bên trái là một người La Mã có vũ trang; bên phải là một phụ nữ Do Thái đang than khóc. Chữ “IVDAEA CAPTA” có nghĩa là “Giu-đê bị giam cầm”
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.