Giê-su đến hay là hiện diện—Điều nào đúng?
“Có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” (MA-THI-Ơ 24:3, NW).
1. Trong thánh chức của Giê-su, những câu hỏi có vai trò gì?
GIÊ-SU khéo dùng những câu hỏi để làm người nghe suy nghĩ, ngay cả nhìn các sự việc theo những khía cạnh mới (Mác 12:35-37; Lu-ca 6:9; 9:20; 20:3, 4). Chúng ta có thể vui mừng là ngài cũng trả lời các câu hỏi. Những câu trả lời của ngài làm sáng tỏ lẽ thật mà chúng ta có thể không có cách nào khác để biết hoặc hiểu được (Mác 7:17-23; 9:11-13; 10:10-12; 12:18-27).
2. Giờ đây chúng ta phải chú ý đến câu hỏi nào?
2 Nơi Ma-thi-ơ 24:3, chúng ta thấy một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà Giê-su đã từng trả lời. Lúc gần cuối cuộc đời ngài trên đất, Giê-su vừa cảnh cáo xong là đền thờ của Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy, đánh dấu sự kết liễu của hệ thống Do Thái. Lời tường thuật của Ma-thi-ơ nói thêm: “Ngài đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn-đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:3).
3, 4. Có sự khác biệt đáng kể nào về cách các Kinh-thánh dịch một chữ then chốt nơi Ma-thi-ơ 24:3?
3 Hàng triệu người đọc Kinh-thánh đã thắc mắc: ‘Tại sao các môn đồ hỏi câu hỏi đó, và câu trả lời của Giê-su ảnh hưởng đến tôi như thế nào?’ Trong câu trả lời, Giê-su nói về hình thái của lá cây cho thấy mùa hè “gần tới” (Ma-thi-ơ 24:32, 33). Vì thế, nhiều giáo hội dạy rằng các sứ đồ xin một dấu hiệu cho thấy Giê-su “đến”, một dấu hiệu chứng tỏ rằng ngài sắp trở lại. Họ tin rằng sự “đến” sẽ là lúc ngài mang các tín đồ đấng Christ lên trời và sau đó đưa đến sự tận thế. Bạn có tin điều này là đúng không?
4 Thay vì dịch ra là “đến”, một số Kinh-thánh, kể cả Kinh-thánh Thế giới Mới (Anh ngữ), dùng chữ “hiện diện”. Có thể nào những gì các môn đồ hỏi và những gì Giê-su trả lời khác hẳn với những gì các giáo hội dạy không? Các môn đồ đã thật sự hỏi điều gì? Và Giê-su đã trả lời như thế nào?
Họ đã hỏi gì?
5, 6. Chúng ta có thể kết luận điều gì về ý nghĩ của các sứ đồ khi họ hỏi câu mà chúng ta đọc nơi Ma-thi-ơ 24:3?
5 Dựa theo những gì Giê-su nói về đền thờ, các môn đồ có thể đã nghĩ đến sự sắp đặt của người Do Thái khi họ hỏi ‘điềm về sự hiện diện [hay, “đến”] của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự [theo nghĩa đen, “thời đại”]’ (So sánh “đời” nơi I Cô-rinh-tô 10:11 và Ga-la-ti 1:4).
6 Vào lúc này các sứ đồ chỉ có một sự hiểu biết giới hạn về các điều Giê-su dạy dỗ. Trước đó họ đã tưởng rằng “Nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay” (Lu-ca 19:11; Ma-thi-ơ 16:21-23; Mác 10:35-40). Và ngay cả sau cuộc thảo luận trên Núi Ô-li-ve, và trước khi được xức dầu bằng thánh linh, họ hỏi Giê-su có đang lập lại Nước Y-sơ-ra-ên vào lúc bấy giờ chăng (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6).
7. Tại sao các sứ đồ hỏi Giê-su về vai trò của ngài trong tương lai?
7 Tuy nhiên họ biết rằng ngài sẽ rời họ, vì không lâu trước đó ngài có nói: “Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong khi các ngươi còn có sự sáng” (Giăng 12:35; Lu-ca 19:12-27). Vì thế rất có thể là họ đã thắc mắc: ‘Nếu Giê-su sẽ ra đi, thì làm sao chúng ta biết được lúc nào ngài trở lại?’ Khi ngài trở thành đấng Mê-si, phần đông người ta đã không thừa nhận ngài. Và hơn một năm sau có người vẫn còn thắc mắc không biết ngài có thực hiện hết những gì mà một đấng Mê-si phải làm hay không (Ma-thi-ơ 11:2, 3). Vì thế các sứ đồ đã có lý do để hỏi về tương lai. Nhưng, một lần nữa, họ hỏi xin một điềm để biết ngài sắp đến hay hỏi một điều gì khác?
8. Các sứ đồ có thể đã nói chuyện với Giê-su bằng tiếng gì?
8 Hãy tưởng tượng bạn là một con chim lắng nghe cuộc đàm thoại trên Núi Ô-li-ve. (So sánh Truyền-đạo 10:20). Có lẽ bạn sẽ nghe Giê-su và các sứ đồ nói bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Mác 14:70; Giăng 5:2; 19:17, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 21:40). Nhưng có thể họ cũng biết cả tiếng Hy-lạp nữa.
Những gì Ma-thi-ơ viết—Bằng tiếng Hy-lạp
9. Phần lớn các bản dịch hiện đại của sách Ma-thi-ơ đã dựa vào bản văn nào?
9 Những nguồn tài liệu vào thế kỷ thứ hai công nguyên cho thấy rằng thoạt đầu Ma-thi-ơ đã viết Phúc Âm của mình bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Hiển nhiên sau này ông đã viết Phúc Âm bằng tiếng Hy-lạp. Nhiều bản thảo bằng tiếng Hy-lạp đã tồn tại đến thời chúng ta và đã được người ta căn cứ vào đó mà dịch cuốn Phúc Âm của ông sang những ngôn ngữ ngày nay. Ma-thi-ơ đã viết gì bằng tiếng Hy-lạp liên quan đến cuộc đàm thoại trên Núi Ô-li-ve? Ông đã viết gì về “sự đến” hay “sự hiện diện” mà các môn đồ đã hỏi và Giê-su đã bình luận?
10. a) Ma-thi-ơ thường dùng từ Hy-lạp nào mà được dịch là “đến”, và từ này có thể có những nghĩa nào? b) Một từ Hy-lạp nào khác đáng được chú ý?
10 Trong 23 đoạn đầu của sách Ma-thi-ơ, chúng ta thấy có hơn 80 lần động từ thông dụng Hy-lạp được dịch ra là ‘đến’, đó là erʹkho·mai. Chữ này thường diễn tả ý nghĩa đến gần hoặc gần đến, như nơi Giăng 1:47: “Đức Chúa Jêsus thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình”. Tùy theo cách dùng, động từ erʹkho·mai có thể có nghĩa là “đến”, “đi”, “đến nơi”, “tới” hoặc “đi đến” (Ma-thi-ơ 2:8, 11; 8:28; Giăng 4:25, 27, 45; 20:4, 8; Công-vụ các Sứ-đồ 8:40; 13:51). Nhưng nơi Ma-thi-ơ 24:3, 27, 37, 39, Ma-thi-ơ dùng một từ khác, một danh từ không có nơi nào khác trong các sách Phúc Âm: pa·rou·siʹa. Vì Đức Chúa Trời đã soi dẫn việc viết Kinh-thánh, tại sao ngài đã khiến cho Ma-thi-ơ chọn từ Hy-lạp này trong những câu đó khi ông viết Phúc Âm bằng tiếng Hy-lạp? Từ này có nghĩa gì, và tại sao chúng ta cần phải biết?
11. a) Chữ pa·rou·siʹa có nghĩa gì? b) Những thí dụ trong sách của Josephus xác minh cách chúng ta hiểu từ pa·rou·siʹa như thế nào? (Xem cước chú).
11 Đi thẳng vào vấn đề pa·rou·siʹa có nghĩa là “hiện diện”. Vine’s Expository Dictionary of New Testament Words (Tự điển của Vine giải thích từ ngữ Tân Ước) viết: “PAROUSIA,... [theo nghĩa đen], một sự hiện diện, para nghĩa là với, và ousia là có mặt (từ chữ eimi, có mặt), có nghĩa vừa là sự đến và sự hiện diện tiếp sau đó. Chẳng hạn, trong một lá thư viết trên giấy chỉ thảo, một phụ nữ nói về việc cần có parousia của bà tại một nơi nào đó để lo cho các vấn đề liên quan đến tài sản của bà”. Những từ điển khác giải thích rằng pa·rou·siʹa có nghĩa ‘sự viếng thăm của một người cầm quyền’. Vì thế, đây không phải chỉ là thời điểm của sự đến, mà là sự hiện diện tiếp theo sau sự đến. Có một điều đáng chú ý là sử gia Do Thái Josephus, người cùng thời với các sứ đồ, cũng dùng chữ pa·rou·siʹa.a
12. Kinh-thánh giúp chúng ta khẳng định ý nghĩa của từ pa·rou·siʹa như thế nào?
12 Ý nghĩa “sự hiện diện” rõ ràng được nền văn học cổ xưa xác minh, tuy nhiên các tín đồ đấng Christ đặc biệt chú ý đến cách Lời Đức Chúa Trời dùng từ pa·rou·siʹa. Câu trả lời thì cũng giống như vậy—sự hiện diện. Chúng ta thấy điều đó từ những thí dụ trong các lá thơ của Phao-lô. Thí dụ, ông viết cho các tín đồ ở thành Phi-líp: “Như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà... làm nên sự cứu-chuộc mình”. Ông cũng nói là sẽ ở với họ để họ có cớ khoe mình ‘khi ông đến [pa·rou·siʹa] cùng [họ]’ (Phi-líp 1:25, 26; 2:12). Những bản dịch khác viết “được tái ngộ với anh em” (Nguyễn thế Thuấn), “sự tôi đi lại giữa anh em” (Trần Đức Huân), “trở lại viếng thăm” (Diễn Ý). Nơi II Cô-rinh-tô 10:10, 11, Phao-lô đối chiếu “có mặt” với “vắng mặt”. Trong những thí dụ này ông rõ ràng không nói về việc ông đến gần hoặc đến nơi; ông dùng từ pa·rou·siʹa với ý nghĩa là hiện diện.b (So sánh I Cô-rinh-tô 16:17). Còn những câu nói đến pa·rou·siʹa của Giê-su thì sao? Những câu đó có nghĩa là “sự đến” hay những câu đó nói đến một sự hiện diện kéo dài?
13, 14. a) Vì sao chúng ta phải kết luận rằng một pa·rou·siʹa kéo dài trong thời gian? b) Chúng ta phải nói gì về khoảng thời gian của pa·rou·siʹa của Giê-su?
13 Những tín đồ đấng Christ được thánh linh xức dầu vào thời Phao-lô quan tâm đến pa·rou·siʹa của Giê-su. Nhưng Phao-lô khuyên họ chớ vội ‘bối-rối’. Vì trước tiên phải có “người tội-ác” hiện ra và hàng giáo phẩm các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã chứng tỏ họ chính là “người” này. Phao-lô viết rằng “kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối-giả” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2, 3, 9). Rõ ràng, pa·rou·siʹa, hoặc sự hiện diện, của “người tội-ác” không phải chỉ là một sự đến trong chốc lát; nó sẽ kéo dài trong một thời gian và trong giai đoạn đó những dấu dị và việc kỳ dối giả sẽ xảy ra. Tại sao điều này lại quan trọng?
14 Hãy xem xét câu ngay trước đó: “Kẻ nghịch cùng luật-pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jêsus sẽ dùng hơi miệng Ngài mà hủy-diệt nó, và trừ-bỏ nó bởi sự chói-sáng của sự Ngài đến [hiện diện, NW]”. Giống như sự hiện diện của “người tội-ác” sẽ kéo dài một thời gian, cho nên sự hiện diện của Giê-su cũng sẽ kéo dài một thời gian và sẽ đạt đến cao điểm khi người tội ác, “con của sự hư-mất” bị hủy diệt (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8).
Nhìn theo khía cạnh của tiếng Hê-bơ-rơ
15, 16. a) Từ đặc biệt nào được dùng trong nhiều bản dịch sách Ma-thi-ơ sang tiếng Hê-bơ-rơ? b) Từ bohʼ được dùng như thế nào trong Kinh-thánh?
15 Như đã ghi, rõ ràng là lúc đầu Ma-thi-ơ viết Phúc Âm bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Vậy thì, ông đã dùng chữ Hê-bơ-rơ nào nơi Ma-thi-ơ 24:3, 27, 37, 39? Các bản dịch sách Ma-thi-ơ được dịch ra tiếng Hê-bơ-rơ ngày nay có dạng của động từ bohʼ, trong cả câu hỏi của các sứ đồ lẫn lời đáp của Giê-su. Điều này có thể đưa đến cách viết như sau: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa [bohʼ] và tận-thế?” và “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người [bohʼ] cũng thể ấy”. Từ bohʼ có nghĩa là gì?
16 Mặc dầu có nghĩa khác nhau, trên căn bản động từ Hê-bơ-rơ bohʼ có nghĩa là “đến”. Cuốn Theological Dictionary of the Old Testament (Tự điển Thần học về Cựu ước) nói: ‘Được dùng đến 2.532 lần, từ bohʼ là một trong những động từ được dùng thường nhất trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ và là động từ đứng đầu để diễn tả động tác’ (Sáng-thế Ký 7:1, 13; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:25; 28:35; II Sa-mu-ên 19:30; II Các Vua 10:21; Thi-thiên 65:2; Ê-sai 1:23; Ê-xê-chi-ên 11:16; Đa-ni-ên 9:13; A-mốt 8:11). Nếu Giê-su và các sứ đồ đã dùng một từ với nghĩa rộng đến thế, thì ý nghĩa này là điều có thể bàn cãi. Nhưng phải chăng họ đã làm thế?
17. a) Tại sao các bản dịch tiếng Hê-bơ-rơ ngày nay về sách Ma-thi-ơ có thể không nhất thiết trình bày những gì Giê-su và các sứ đồ đã nói? b) Chúng ta có thể tìm thấy ở nơi nào khác một đầu mối về từ mà Giê-su và các sứ đồ có thể đã dùng, và vì lý do nào khác mà chúng ta chú ý đến nguồn tài liệu này? (Xem cước chú).
17 Hãy nhớ rằng các bản dịch bằng tiếng Hê-bơ-rơ ngày nay là những bản dịch có thể không trình bày đúng những gì Ma-thi-ơ đã viết trong tiếng Hê-bơ-rơ. Sự thật là Giê-su rất có thể đã dùng một từ khác từ bohʼ, một từ phù hợp với nghĩa của từ pa·rou·siʹa. Chúng ta thấy điều này trong sách Hebrew Gospel of Matthew của giáo sư George Howard, xuất bản năm 1995. Sách này chú trọng vào một cuộc luận chiến xảy ra vào thế kỷ 14, trong đó Thầy thuốc Do Thái Shem-Tob ben Isaac Ibn Shaprut chống lại đạo đấng Christ. Tài liệu đó trình bày một bản văn Phúc Âm theo Ma-thi-ơ bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Có bằng chứng cho thấy rằng bản văn này rất cổ và nguyên bản được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ chứ không phải dịch ra từ tiếng La-tinh hay Hy-lạp vào thời của Shem-Tob.c Vì thế bản văn này có thể giúp chúng ta hiểu hơn những gì đã được nói tại Núi Ô-li-ve.
18. Shem-Tob dùng từ Hê-bơ-rơ đáng chú ý nào, và từ này có nghĩa gì?
18 Nơi Ma-thi-ơ 24:3, 27, 39, bản văn Ma-thi-ơ của Shem-Tob không dùng động từ bohʼ. Thay vì thế, bản văn này dùng danh từ liên hệ bi·ʼahʹ. Danh từ này chỉ xuất hiện trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ nơi Ê-xê-chi-ên 8:5, ở đây từ này có nghĩa là “lối vào”. Thay vì diễn tả hành động đến, từ bi·ʼahʹ ở đó nói đến cổng của một tòa nhà; khi bạn ở trong lối vào hay ngưỡng cửa thì là bạn ở trong ngôi nhà. Cũng thế, những tài liệu tôn giáo ngoài Kinh-thánh trong số những cuộn sách tìm thấy tại vùng Biển Chết thường dùng từ bi·ʼahʹ khi nói về các thầy tế lễ đến nơi hoặc bắt đầu nhậm chức. (Xem I Sử-ký 24:3-19; Lu-ca 1:5, 8, 23). Và vào năm 1986 một bản dịch tiếng Hê-bơ-rơ của bản văn cổ Peshitta tiếng Syriac (hay Aramaic) dùng bi·ʼahʹ nơi Ma-thi-ơ 24:3, 27, 37, 39. Vì thế có bằng chứng cho thấy rằng vào thời cổ xưa danh từ bi·ʼahʹ có thể đã mang một ý nghĩa có phần nào khác với động từ bohʼ dùng trong Kinh-thánh. Tại sao điều này là đáng chú ý?
19. Nếu Giê-su và các sứ đồ đã dùng từ bi·ʼahʹ thì chúng ta có thể kết luận gì?
19 Khi các sứ đồ đặt câu hỏi và khi Giê-su trả lời có thể họ đã dùng danh từ bi·ʼahʹ này. Dù cho các sứ đồ chỉ nghĩ về việc Giê-su đến trong tương lai, Giê-su có thể đã dùng bi·ʼahʹ để bao hàm những ý ngoài những điều họ nghĩ. Giê-su có thể đã chỉ đến việc ngài đến để bắt đầu một chức vụ mới; sự đến của ngài sẽ khởi đầu cho một vai trò mới. Ý này tương ứng với ý nghĩa của từ pa·rou·siʹa, mà Ma-thi-ơ đã dùng tiếp theo sau. Điều có thể hiểu được là cách dùng từ bi·ʼahʹ như thế ủng hộ những gì mà Nhân-chứng Giê-hô-va đã giảng dạy từ lâu, họ dạy rằng “điềm” tổng hợp mà Giê-su đã cho biết chứng tỏ là ngài hiện diện.
Chờ đợi cao điểm của sự hiện diện của ngài
20, 21. Chúng ta có thể học được gì từ lời bình luận của Giê-su về thời Nô-ê?
20 Việc nghiên cứu về sự hiện diện của Giê-su phải có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sự trông mong của chúng ta. Giê-su khuyên môn đồ phải luôn cảnh giác. Ngài ban cho một điềm để họ nhận thấy sự hiện diện của ngài, mặc dầu phần đông sẽ không chú ý đến: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:37-39).
21 Trong đời Nô-ê, phần đông người trong thế hệ đó chỉ tiếp tục với công việc bình thường của họ. Giê-su báo trước là “khi Con người đến” thì sự thể cũng sẽ giống như vậy. Những người chung quanh Nô-ê có thể đã cảm thấy là sẽ không có gì xảy ra. Bạn thì biết chuyện gì đã thật sự xảy ra. Những ngày ấy, kéo dài qua thời gian, dẫn đến cao điểm, “nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. Lu-ca có lời tường thuật tương tự trong đó Giê-su so sánh “đời Nô-ê” với “ngày Con người”. Giê-su răn bảo: “Ngày Con người hiện ra cũng một thể nầy” (Lu-ca 17:26-30).
22. Tại sao chúng ta nên đặc biệt chú ý đến lời tiên tri của Giê-su nơi Ma-thi-ơ đoạn 24?
22 Tất cả những điều này có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ khi chúng ta nhận biết những biến cố mà Giê-su báo trước như chiến tranh, động đất, bệnh dịch, đói kém, và việc các môn đồ ngài bị bắt bớ (Ma-thi-ơ 24:7-9; Lu-ca 21:10-12). Những tình trạng này đã rõ rệt từ khi cuộc xung đột thay đổi lịch sử được gọi là Thế Chiến I đã xảy ra, mặc dù phần đông xem đó là những sự kiện bình thường của lịch sử. Tuy nhiên, tín đồ thật của đấng Christ nhận thấy được ý nghĩa của những biến cố quan trọng đó, giống như những người biết đề cao cảnh giác hiểu được mùa hè sắp đến khi cây vả ra lá. Giê-su khuyên: “Cũng vậy, khi các ngươi thấy những đều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến” (Lu-ca 21:31).
23. Lời Giê-su nơi Ma-thi-ơ đoạn 24 có ý nghĩa đặc biệt đối với ai và tại sao?
23 Phần lớn các câu trả lời của Giê-su trên Núi Ô-li-ve là nhắm vào các môn đồ. Họ là những người tham gia vào công việc cứu mạng bằng cách rao giảng tin mừng trên khắp đất trước khi sự cuối cùng đến. Họ là những người có thể nhận ra được “sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra trong nơi thánh”. Họ sẽ là những người phản ứng bằng cách chạy “trốn” trước khi có hoạn nạn lớn. Và họ sẽ là những người đặc biệt chịu ảnh hưởng của những lời viết thêm này: “Nếu những ngày ấy không giảm-bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm-bớt” (Ma-thi-ơ 24:9, 14-22). Nhưng thật sự những lời lẽ trấn an này hàm ý gì và tại sao chúng ta có thể nói rằng những lời đó cho chúng ta một lý do để có thêm hạnh phúc, lòng tự tin và sự hăng hái ngay bây giờ? Bài học kế tiếp về Ma-thi-ơ 24:22 sẽ cho những câu trả lời.
[Chú thích]
a Những thí dụ của ông Josephus: Tại Núi Si-na-i sấm và sét “báo cho biết Đức Chúa Trời hiện diện [pa·rou·siʹa]”. Sự thể hiện thần diệu nơi đền tạm “cho thấy sự hiện diện [pa·rou·siʹa] của Đức Chúa Trời”. Khi cho tôi tớ của Ê-li-sê thấy những chiếc xe đang bao vây, Đức Chúa Trời đã “tỏ ra cho tôi tớ ngài thấy quyền năng và sự hiện diện [pa·rou·siʹa] của ngài”. Khi quan chức La Mã Petronius tìm cách dỗ dành dân Do Thái, sử gia Josephus cho rằng ‘Đức Chúa Trời đã cho Petronius thấy sự hiện diện [pa·rou·siʹa] của ngài’ bằng cách đổ mưa xuống. Josephus không dùng chữ pa·rou·siʹa chỉ để nói đến việc gần đến hoặc sự đến trong chốc lát. Từ này có nghĩa là một sự hiện diện đang tiếp diễn, dù không thấy được (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:18-21; 25:22; Lê-vi Ký 16:2; II Các Vua 6:15-17).—So sánh Antiquities of the Jews (Thời cổ đại của người Do Thái), Quyển 3, chương 5, đoạn 2 [80]; chương 8, đoạn 5 [202]; Quyển 9, chương 4, đoạn 3 [55]; Quyển 18, chương 8, đoạn 6 [284].
b Trong cuốn A Critical Lexicon and Concordance to the English and Greek New Testament, E. W. Bullinger lưu ý rằng pa·rou·siʹa có nghĩa là ‘hiện diện hoặc sắp hiện diện, vì thế, có nghĩa là sự hiện diện, sự đến; một sự đến bao gồm ý niệm về sự ở lại lâu dài từ đó về sau’.
c Một bằng chứng là bản này có “Danh” bằng tiếng Hê-bơ-rơ, được viết đầy đủ hay viết tắt, 19 lần. Giáo sư Howard viết: “Danh của Đức Chúa Trời trong một tài liệu của đạo đấng Christ trích dẫn bởi một nhà luận chiến Do Thái thì thật là đáng chú ý. Nếu đây là bản dịch Hê-bơ-rơ dịch từ một tài liệu đạo đấng Christ trong tiếng Hy-lạp hay La-tinh, thì ắt phải có chữ adonai [Chúa] trong bản văn, thay vì một ký hiệu cho danh không nói lên được của Đức Chúa Trời là YHWH... Đối với ông thêm vào bản văn cái tên không nói lên được là một điều không thể giải thích được. Bằng chứng cho thấy rõ ràng là Shem-Tob đã nhận được bản văn của Ma-thi-ơ trong đó có sẵn danh của Đức Chúa Trời và có lẽ ông đã gìn giữ danh đó thay vì phải liều lĩnh mang tội vì đã loại bỏ danh đó ra”. Cuốn New World Translation of the Holy Scriptures—With References (Kinh-thánh Thế giới Mới có tham chiếu) dùng bản Ma-thi-ơ của Shem-Tob (J2) để chứng minh việc dùng danh Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao xem xét sự khác biệt về cách các Kinh-thánh dịch Ma-thi-ơ 24:3 là điều quan trọng?
◻ Từ pa·rou·siʹa có nghĩa gì và tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này?
◻ Có thể có sự tương tự nào nơi Ma-thi-ơ 24:3 trong tiếng Hy-lạp và tiếng Hê-bơ-rơ?
◻ Chúng ta cần phải biết nhân tố nào về thời gian để hiểu Ma-thi-ơ đoạn 24?
[Hình nơi trang 10]
Núi Ô-li-ve, nhìn xuống thành Giê-ru-sa-lem