Được cứu sống qua khỏi cơn Đại Nạn
“Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (KHẢI-HUYỀN 7:14).
1. Ai sẽ tiếp đón những người chết sống lại để sống trên đất?
KHI hàng bao triệu người chết được sống lại trong “sự sống lại của người công-bình và không công-bình” họ sẽ không trở lại để sống trên một trái đất trống rỗng (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Họ sẽ thức dậy trong khung cảnh đẹp đẽ và tốt hơn, và thấy có người đã lo chỗ ở, quần áo và thức ăn dư dật cho họ rồi. Ai sẽ sửa soạn tất cả những thứ này? Rõ ràng là sẽ có những người sống trong thế giới mới trước khi sự sống lại trên đất bắt đầu. Những người nà là ai? Kinh-thánh cho thấy họ là những người sẽ sống sót qua khỏi cơn đại nạn sắp tới. Trong tất cả những sự dạy dỗ của Kinh-thánh, chắc chắn điều này là một trong những sự dạy dỗ gợi sự chú ý nhất có liên quan đến một số người trung thành được cứu sống qua khỏi cơn đại nạn và sẽ không bao giờ phải chết. Hy vọng này được xác nhận rõ ràng trong Kinh-thánh.
Như thời của Nô-ê
2, 3. a) Thời Nô-ê và thời kỳ chúng ta có điểm tương tự nào? b) Sự kiện Nô-ê và gia đình được sống sót qua trận Nước Lụt cho thấy điều gì?
2 Nơi Ma-thi-ơ 24:37-39, Giê-su Christ so sánh thời Nô-ê với những ngày sau rốt mà chúng ta hiện đang sống. Ngài nói: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”.
3 Trận Nước Lụt toàn cầu đã cuốn đi hết thảy những kẻ không hề để ý đến lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Nô-ê và gia đình thì không bị cuốn trôi, vì họ “vào tàu”, như Giê-su nói. Nhờ họ có sự tin kính nên Đức Giê-hô-va mở đường cho họ được cứu. II Phi-e-rơ 2:5, 9 nói đến Nô-ê và gia đình được cứu như sau: “Ngài [Đức Chúa Trời]... trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác nầy, chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi. Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ”. Giê-su so sánh thời Nô-ê với những ngày sau rốt để cho thấy người ta nói chung sẽ không nghe lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi so sánh như thế, ngài cũng khẳng định sự kiện Nô-ê và gia đình vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vào tàu, và sống sót qua trận Nước Lụt. Nô-ê và gia đình được sống sót cho thấy các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cũng được sống sót vào lúc thế gian bị hủy diệt.
Gương trong thế kỷ thứ nhất
4. Để ứng nghiệm lời của Giê-su, có những biến cố nào đưa đến sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên?
4 Giê-su cũng nói đến những biến cố xảy ra vào thời kỳ sau rốt. Chúng ta đọc nơi Ma-thi-ơ 24:21, 22: “Vì lúc ấy sẽ có hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm-bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm-bớt”. Lời tiên tri này được ứng nghiệm lần đầu trong thế kỷ thứ nhất công nguyên. Vào năm 66 công nguyên, thành Giê-ru-sa-lem bị quân La Mã dưới quyền của Cestius Gallus bao vây. Quân đội La Mã sắp đến lúc phá thủng vách tường đền thờ, và nhiều người Do Thái đã sẵn sàng đầu hàng. Tuy nhiên, bất ngờ Cestius Gallus hạ lệnh rút quân dù không có lý do nào rõ ràng. Khi thấy quân La Mã rút lui, tín đồ đấng Christ hành động theo lời Giê-su đã nói nhiều năm trước: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng, đừng trở vào thành” (Lu-ca 21:20, 21). Những người Do Thái theo đạo đấng Christ, tức các người được chọn, lập tức rời bỏ thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và nhờ vậy họ thoát khỏi sự hủy diệt xảy đến trên thành này chẳng bao lâu sau đó. Vào năm 70 công nguyên, các đạo binh La Mã trở lại dưới quyền tướng Titus. Họ đóng quân xung quanh thành Giê-ru-sa-lem, vây hãm và tàn phá thành.
5. Sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem được rút ngắn vào năm 70 công nguyên có nghĩa gì?
5 Sử gia Do Thái Josephus kể lại rằng 1.100.000 người Do Thái bị chết, trong khi 97.000 người sống sót bị bắt đưa đi lưu đày. Những người Do Thái sống sót này không phải là tín đồ đấng Christ và chắc chắn không phải là “các người được chọn” theo lời tiên tri của Giê-su. Giê-su đã nói về nước Do Thái phản nghịch như sau: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang! Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến!” (Ma-thi-ơ 23:38, 39). Không đâu ghi chép rằng những người Do Thái bị bao vây trong thành Giê-ru-sa-lem, vào giờ chót đã chấp nhận Giê-su là đấng Mê-si, trở thành tín đồ đấng Christ và được Đức Giê-hô-va ban ơn. Thế nhưng, hoạn nạn đổ xuống thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên đã được rút ngắn vì lần sau cùng quân La Mã vây hãm thành không lâu lắm. Điều này cho phép một số người Do Thái được sống sót, dù chỉ là để bị làm nô lệ đi lưu đày trong khắp các miền thuộc Đế quốc La Mã.
Một đám đông người sống sót
6, 7. a) Một thành phố tôn giáo vĩ đại nào sắp bị hủy diệt, và điều này là một phần của cơn đại nạn nào chưa từng thấy? b) Giăng đã nói tiên tri gì về cơn đại nạn sắp đến trên thế gian này?
6 Khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 70 công nguyên quả thật là “hoạn-nạn lớn” đã đến trên thành phố tôn giáo đó, nhưng sự ứng nghiệm lớn hơn của lời tiên tri này của Giê-su vẫn chưa xảy ra. Một thành phố tôn giáo vĩ đại hơn, Ba-by-lôn Lớn tức đế quốc tôn giáo giả sẽ bị hủy diệt, và ngay sau đó là hoạn nạn lớn chưa từng thấy xảy đến cho hệ thống còn lại của Sa-tan (Ma-thi-ơ 24:29, 30; Khải-huyền 18:21). Khoảng 26 năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, sứ đồ Giăng viết nơi Khải-huyền 7:9-14 về cơn đại nạn xảy ra trên toàn cầu này. Ông cho thấy một đám đông người sẽ sống sót qua cơn đại nạn.
7 Những người sống sót này, được gọi là “đám đông” (NW), được nhận diện qua những hành động cương quyết của họ. Theo Khải-huyền 7:14, một trong số 24 trưởng lão trên trời nói với Giăng: “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại-nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Đúng vậy, đám đông tung hô Đức Giê-hô-va như là nguồn của sự cứu rỗi của họ. Họ thực hành đức tin nơi huyết của Giê-su đã đổ ra, và có vị thế công bình trước mặt Đấng Tạo hóa và Vị vua được Ngài bổ nhiệm là Giê-su Christ.
8. “Đám đông” có mối liên lạc tốt nào với anh em xức dầu còn sót lại của Giê-su?
8 Ngày nay, gần năm triệu người thuộc đám đông đang sống dưới sự lãnh đạo tích cực của Vị vua trên trời Giê-su Christ. Họ vâng phục đấng Christ và hợp tác chặt chẽ với những anh em xức dầu của ngài còn sót lại trên đất. Giê-su nói về cách đám đông đối xử với những người xức dầu: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn-mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40). Vì họ giúp đỡ các anh em xức dầu của đấng Christ một cách bất vị kỷ, nên được Giê-su xét rằng những người thuộc đám đông làm điều tốt cho chính ngài. Điều này giúp họ có được mối liên lạc an toàn với Giê-su Christ và Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Họ có đặc ân cùng với những người xức dầu còn sót lại trở thành Nhân-chứng của Đức Chúa Trời và mang danh Ngài (Ê-sai 43:10, 11; Giô-ên 2:31, 32).
Tiếp tục tỉnh thức
9, 10. a) Chúng ta phải làm gì để giữ vị thế công bình trước mặt Con người? b) Chúng ta phải hành động thế nào để giữ mình “tỉnh-thức”?
9 Đám đông phải không ngừng giữ vị thế công bình trước mặt Con người, và điều này đòi hỏi họ phải tỉnh thức cho đến ngày cuối cùng. Giê-su nói rõ ràng điều này khi ngài nói: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu-ca 21:34-36).
10 Để thành công đứng vững trước mặt Con người, chúng ta phải được ngài chấp nhận, và chúng ta sẽ không có được điều đó nếu chúng ta để cho tư tưởng của thế gian ảnh hưởng chúng ta. Tư tưởng của thế gian đầy quyến rũ và có thể dẫn dụ một người đắm mình vào thú vui của xác thịt hoặc trở nên quá bận bịu với các vấn đề khó khăn của đời sống đến nỗi không còn đặt quyền lợi Nước Trời trên hết nữa (Ma-thi-ơ 6:33). Điều này sẽ làm cho một người yếu đi về thiêng liêng và đâm ra thờ ơ lãnh đạm trước các trách nhiệm của mình đối với Đức Chúa Trời và người khác. Người đó có thể đi đến chỗ không hoạt động nữa hoặc làm mất địa vị của mình trong hội thánh vì phạm tội nặng và có lẽ ngay cả không bày tỏ thái độ ăn năn. Mỗi người trong đám đông phải cảnh giác đề phòng và tiếp tục giữ mình tách rời khỏi thế gian không tin kính này và các thực hành của nó (Giăng 17:16).
11. Áp dụng các nguyên tắc nào của Kinh-thánh sẽ giúp chúng ta sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn?
11 Nhằm mục đích này, Đức Giê-hô-va đã ban những gì chúng ta cần qua trung gian Lời Ngài, thánh linh và tổ chức hữu hình của Ngài. Chúng ta cần phải tận dụng mọi sắp đặt này. Hơn nữa, chúng ta phải cầu nguyện nhiều và vâng lời Đức Chúa Trời nếu muốn có ân huệ của Ngài. Một điều mà chúng ta phải vun trồng là sự gớm ghiếc điều ác. Người viết Thi-thiên nói: “Tôi không ngồi chung cùng người dối-trá, cũng chẳng đi với kẻ giả-hình. Tôi ghét bọn làm ác, chẳng chịu ngồi chung với kẻ dữ. Cầu Chúa chớ cất linh-hồn tôi chung với tội nhơn, cũng đừng trừ mạng sống tôi với người đổ huyết” (Thi-thiên 26:4, 5, 9). Trong hội thánh tín đồ đấng Christ, cả già lẫn trẻ cần phải giới hạn sự giao thiệp với những người không dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Để nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải cố gắng ăn ở không chỗ trách được và không tì vết của thế gian (Thi-thiên 26:1-5; Gia-cơ 1:27; 4:4). Vậy, chúng ta sẽ chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ không hủy diệt chúng ta chung với những kẻ không tin kính tại Ha-ma-ghê-đôn.
Một số người “không hề chết”
12, 13. a) Trước khi làm La-xa-rơ sống lại, Giê-su thốt lên những lời nào mà Ma-thê không thấu hiểu hết? b) Lời của Giê-su nói về một số người “không hề chết” không có nghĩa gì?
12 Thật là hứng thú khi nghĩ đến sự sống sót qua khỏi sự kết liễu của hệ thống này và có thể không bao giờ phải chết. Đây là triển vọng mà Giê-su đưa ra cho chúng ta. Ngay trước khi làm bạn ngài là La-xa-rơ sống lại, Giê-su nói với em của La-xa-rơ là Ma-thê: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng?” Ma-thê tin nơi sự sống lại, nhưng bà không hiểu tất cả những gì Giê-su nói lúc đó (Giăng 11:25, 26).
13 Giê-su không nói rằng các sứ đồ trung thành của ngài sẽ tiếp tục sống trong xác thịt và sẽ không bao giờ chết. Trái lại, sau này ngài cho thấy các môn đồ của ngài sẽ chết (Giăng 21:16-23). Vậy, họ được xức dầu bằng thánh linh vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên có nghĩa là họ sẽ phải chết để có thể nhận cơ nghiệp trên trời với tư cách là vua và thầy tế lễ (Khải-huyền 20:4, 6). Rồi với thời gian, tất cả các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất chết đi. Tuy nhiên, Giê-su nói những gì ngài đã nói là có mục đích. Lời của ngài về việc có những người sống sẽ không bao giờ chết sẽ được ứng nghiệm.
14, 15. a) Lời của Giê-su nói về một số người “không hề chết” sẽ ứng nghiệm như thế nào? b) Tình trạng của thế gian này như thế nào, nhưng người công bình có hy vọng nào?
14 Vì một điều là tín đồ đấng Christ được xức dầu và trung thành sẽ không bao giờ bị chết luôn (Khải-huyền 20:6). Đồng thời Giê-su cũng nói đến một thời kỳ xác định khi Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào các công việc của loài người và dẹp tan sự gian ác khỏi trái đất, như Ngài đã làm trong thời Nô-ê. Những người trung thành làm theo ý muốn Đức Chúa Trời lúc đó sẽ không phải chết khi Đức Chúa Trời phán xét. Ngược lại, giống như Nô-ê và gia đình ông, họ sẽ có cơ hội sống sót qua khỏi sự hủy diệt thế gian này. Hy vọng này là vững chắc, vì dựa trên sự dạy dỗ và gương mẫu ghi trong Kinh-thánh. (So sánh Hê-bơ-rơ 6:19; II Phi-e-rơ 2:4-9). Sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh-thánh cho thấy rất gần đây thế gian này tức xã hội loài người không công bình sẽ bị chấm dứt bằng sự hủy diệt. Tình hình hiện tại không thể thay đổi, vì thế gian hung ác đến độ không thể sửa đổi được. Những gì Đức Chúa Trời nói về thời Nô-ê cũng đúng cho thế gian ngày nay chúng ta đang sống. Lòng của đại đa số người ta đầy dẫy sự gian ác, và các ý tưởng của họ chỉ là xấu luôn (Sáng-thế Ký 6:5).
15 Đức Giê-hô-va cho phép con người cai trị trái đất qua nhiều thế kỷ mà không có sự can thiệp của Ngài, nhưng thì giờ của họ nay đã gần hết hạn. Chẳng bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt tất cả những kẻ gian ác khỏi trái đất, đúng như Kinh-thánh nói (Thi-thiên 145:20; Châm-ngôn 2:21, 22). Tuy nhiên, Ngài sẽ không hủy diệt người công bình chung với người ác. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ làm điều đó! (So sánh Sáng-thế Ký 18:22, 23, 26). Tại sao Ngài lại hủy diệt những người cố gắng phụng sự Ngài một cách trung thành và với lòng kính sợ? Điều hợp lý là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sống vào thời điểm khi cơn đại nạn bắt đầu sẽ được ân huệ trước mặt Ngài và sẽ không bị hủy diệt, giống như Nô-ê và gia đình đã không bị hủy diệt khi thế gian hung ác vào thời ông bị chấm dứt vì tai biến (Sáng-thế Ký 7:23). Họ sẽ được Đức Chúa Trời che chở hầu sống sót qua khỏi sự cuối cùng của thế gian này.
16. Những điều kỳ diệu nào sẽ xảy ra trong thế giới mới, và có nghĩa gì cho những người được sống sót?
16 Rồi thì điều gì sẽ xảy ra? Trong thế giới mới, khi lợi ích của sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su được áp dụng hoàn toàn, loài người sẽ được ban phước, bệnh tật được chữa lành. Kinh-thánh dùng hình ảnh tượng trưng để nói đến “sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân” (Khải-huyền 22:1, 2). Thật là kỳ diệu khi biết rằng sự “chữa lành” gồm cả việc chinh phục được chính sự chết do A-đam gây ra! “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê-sai 25:8). Thế thì, những người sống sót qua cơn đại nạn sẽ vào thế giới mới mà không bao giờ phải chết!
Một hy vọng chắc chắn
17. Một số người sẽ sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn và “không hề chết” có niềm hy vọng chắc chắn như thế nào?
17 Chúng ta có thể nào tin cậy hoàn toàn nơi hy vọng đáng kinh ngạc này không? Chắc chắn có! Giê-su cho Ma-thê biết rằng sẽ có một thời kỳ khi người ta sẽ sống mà không bao giờ chết (Giăng 11:26). Hơn nữa, nơi Khải-huyền đoạn 7 Giê-su tiết lộ cho Giăng thấy một đám đông sẽ sống sót và ra khỏi cơn đại nạn. Chúng ta có thể tin nơi Giê-su Christ và lời tường thuật lịch sử về trận Nước Lụt thời Nô-ê không? Chắc chắn có! Hơn nữa, Kinh-thánh có ghi những lời tường thuật khác về những lần Đức Chúa Trời gìn giữ mạng sống của các tôi tớ Ngài qua khỏi những giai đoạn phán xét và sụp đổ của các nước. Lẽ nào chúng ta lại nghi ngờ rằng Ngài không làm được thế trong thời kỳ cuối cùng này hay sao? Có sự gì là quá khó đối với Đấng Tạo hóa không? (So sánh Ma-thi-ơ 19:26).
18. Chúng ta được bảo đảm có sự sống trong thế giới mới công bình của Đức Giê-hô-va như thế nào?
18 Bằng cách trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va bây giờ, chúng ta được bảo đảm sống đời đời trong thế giới mới của Ngài. Nhờ có sự sống lại, hàng bao triệu người sẽ được sống trong thế giới mới. Nhưng thời nay, hàng triệu dân sự của Đức Giê-hô-va—đúng, một đám đông không ai có thể đếm được hoặc hạn chế được—sẽ có đặc ân độc nhất vô nhị là được cứu sống qua khỏi cơn đại nạn. Và họ sẽ không bao giờ phải chết cả.
Xin giải thích
◻ Việc sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn được hình bóng trước trong thời Nô-ê như thế nào?
◻ Chúng ta phải làm gì để đứng vững khi Giê-su thi hành sự phán xét của Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói là những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn “không hề chết”?
[Hình nơi trang 15]
Tín đồ đấng Christ thoát khỏi hoạn nạn của thành Giê-ru-sa-lem