Bạn có làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời không?
“Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”.—TRUYỀN-ĐẠO 12:14.
1. Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài những gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA nâng đỡ những người luôn nhớ đến Ngài là Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Lời được soi dẫn của Ngài cho họ sự hiểu biết cần thiết để làm vui lòng Ngài trong mọi cách. Thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn họ làm theo ý muốn Ngài và “nẩy ra đủ các việc lành”. (Cô-lô-se 1:9, 10) Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban thức ăn thiêng liêng và sự hướng dẫn thần quyền qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Vậy qua nhiều cách, dân Đức Chúa Trời được ân phước từ trời khi họ phụng sự Đức Giê-hô-va và thực hiện công việc quan trọng là rao giảng tin mừng về Nước Trời.—Mác 13:10.
2. Nói về việc phụng sự Đức Giê-hô-va, những câu hỏi nào có thể được nêu ra?
2 Tín đồ thật của Đấng Christ vui mừng bận rộn trong thánh chức hầu việc Đức Giê-hô-va. Nhưng một số có thể sinh lòng chán nản và nghĩ rằng những cố gắng của họ chỉ là vô nghĩa. Chẳng hạn, đôi khi những tín đồ đã dâng mình của Đấng Christ có lẽ tự hỏi không biết sự cố gắng hết lòng của họ có thật sự đáng công không. Khi ngẫm nghĩ về việc học hỏi gia đình và những sinh hoạt khác, những câu hỏi như sau có thể nẩy ra trong trí của người chủ gia đình: ‘Đức Giê-hô-va có thật vui lòng với những gì tôi và gia đình tôi làm không? Gia đình tôi có làm tròn phận sự đối với Đức Chúa Trời không?’ Lời khôn ngoan của người truyền đạo có thể giúp trả lời những câu hỏi đó.
Mọi sự là hư không chăng?
3. Phù hợp với Truyền-đạo 12:8, điều gì đúng là vô cùng hư không?
3 Một số có thể nghĩ rằng lời của người khôn ngoan nghe không khích lệ lắm cho bất cứ người nào—già lẫn trẻ. “Kẻ truyền-đạo nói: Hư-không của sự hư-không; mọi sự đều hư-không”. (Truyền-đạo 12:8) Thật ra mọi sự đúng là vô cùng hư không nếu lúc còn trẻ không nghĩ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, về già không phụng sự Ngài, và cả đời không có gì ngoài tuổi cao tác lớn mà thôi. Tất cả là hư không, hoặc trống rỗng đối với một người như thế, dù khi chết người đó có tiền tài danh vọng trên thế gian thuộc dưới quyền kẻ ác, tức Sa-tan Ma-quỉ.—1 Giăng 5:19.
4. Tại sao có thể nói rằng không phải mọi sự đều là hư không?
4 Mọi sự không phải là hư không cho những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, vì họ chứa của cải trên trời. (Ma-thi-ơ 6:19, 20) Họ có nhiều điều thỏa nguyện để làm trong công việc của Chúa, và công lao đó chắc chắn không vô ích. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Nhưng nếu là tín đồ đã dâng mình, chúng ta có bận rộn làm công việc Đức Chúa Trời giao phó trong những ngày sau rốt này không? (2 Ti-mô-thê 3:1) Hay là chúng ta có lối sống không mấy khác với những người láng giềng nói chung? Có thể họ theo những tôn giáo khác nhau và có thể khá sùng đạo, đều đặn đi đến những nơi thờ phượng của họ và cố làm những gì đạo họ đòi hỏi. Dĩ nhiên, họ không phải là những người công bố thông điệp Nước Trời. Họ không có sự hiểu biết chính xác rằng đây là “kỳ cuối-cùng” và không có tinh thần khẩn trương về thời kỳ mà chúng ta đang sống.—Đa-ni-ên 12:4.
5. Nếu nhận thấy rằng những hoạt động bình thường trong đời sống trở thành mối quan tâm chính, chúng ta nên làm gì?
5 Chúa Giê-su Christ nói về thời kỳ khó khăn của chúng ta: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”. (Ma-thi-ơ 24:37-39) Không có gì sai trong việc ăn uống điều độ, và chính Đức Chúa Trời đã sắp đặt sự cưới gả. (Sáng-thế Ký 2:20-24) Nhưng nếu nhận thấy rằng những hoạt động bình thường trong đời sống trở thành mối quan tâm chính của chúng ta, thì tại sao không cầu nguyện về điều này? Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, làm điều đúng và làm tròn phận sự mình đối với Ngài.—Ma-thi-ơ 6:33; Rô-ma 12:12; 2 Cô-rinh-tô 13:7.
Sự dâng mình và phận sự đối với Đức Chúa Trời
6. Một số người đã báp têm không làm tròn phận sự đối với Đức Chúa Trời qua cách nào?
6 Một số tín đồ Đấng Christ đã báp têm cần tha thiết cầu nguyện vì họ không sống đúng với bổn phận trong thánh chức mà họ đã nhận lấy khi dâng mình cho Đức Chúa Trời. Trong những năm qua, có hơn 300.000 người báp têm mỗi năm, nhưng toàn thể số Nhân Chứng tích cực của Đức Giê-hô-va không gia tăng tương ứng với số đó. Một số người công bố Nước Trời đã ngưng rao giảng tin mừng. Nhưng mọi cá nhân phải nhiệt thành rao giảng trước khi làm báp têm. Vì thế họ biết sứ mạng Chúa Giê-su giao cho tất cả môn đồ ngài: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Trừ phi hết sức bị giới hạn vì sức khỏe hoặc những yếu tố khác ngoài tầm kiểm soát của mình, những người đã báp têm không còn tích cực phụng sự trong vai trò Nhân Chứng của Đức Chúa Trời và Đấng Christ thì không làm tròn phận sự đối với Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại.—Ê-sai 43:10-12.
7. Tại sao chúng ta nên đều đặn nhóm lại để thờ phượng?
7 Y-sơ-ra-ên xưa là một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, và dưới Luật Pháp giao ước, họ có bổn phận đối với Đức Giê-hô-va. Thí dụ, mọi người nam phải tụ họp lại trong ba kỳ lễ hàng năm, và người nào cố tình không giữ Lễ Vượt Qua thì bị “truất khỏi dân-sự”. (Dân-số Ký 9:13; Lê-vi Ký 23:1-43; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16) Muốn làm tròn bổn phận đối với Đức Chúa Trời với tư cách là dân tộc đã dâng mình, dân Y-sơ-ra-ên phải họp nhau lại để thờ phượng. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:10-13) Không có nơi nào trong Luật Pháp nói: “Làm điều này nếu có thì giờ thuận tiện”. Đối với những người giờ đây đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chắc chắn lệnh này làm tăng phần quan trọng cho lời của Phao-lô: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Đúng vậy, việc đều đặn nhóm lại với các anh em đồng đức tin là một trong những bổn phận mà tín đồ Đấng Christ đã dâng mình phải làm đối với Đức Chúa Trời.
Cẩn thận cân nhắc những quyết định của bạn!
8. Tại sao một người trẻ đã dâng mình nên thành tâm cầu nguyện về thánh chức của mình?
8 Có lẽ bạn là một người trẻ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Bạn sẽ được ân phước dồi dào nếu đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. (Châm-ngôn 10:22) Bằng cách cầu nguyện và trù tính kỹ, ít nhất bạn cũng có thể dùng những năm của thời tuổi trẻ để làm thánh chức trọn thời gian dưới hình thức nào đó—một cách thật tốt để chứng tỏ bạn nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Nếu không thì quyền lợi vật chất có thể bắt đầu chiếm lấy hầu hết thì giờ và sự chú ý của bạn. Như nhiều người nói chung, bạn có thể kết hôn sớm và mắc nợ vì mua sắm nhiều thứ. Một nghề sinh lợi nhiều có thể chiếm mất nhiều thì giờ và năng lực của bạn. Nếu bạn có con cái, bạn sẽ phải gánh lấy trách nhiệm gia đình trong nhiều năm. (1 Ti-mô-thê 5:8) Bạn có thể không quên Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, nhưng điều khôn ngoan là nhận biết rằng sự trù tính trước hoặc không trù tính trước có thể lót đường cho đời sống trưởng thành của bạn. Trong những năm sau này, bạn có thể nhìn lại và hối tiếc phải chi mình dùng phần lớn tuổi trẻ của mình trong thánh chức hầu việc Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Tại sao ngay bây giờ bạn không suy nghĩ và cầu nguyện về những triển vọng tương lai để bạn sẽ tìm được sự thỏa nguyện trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va trong những năm còn trẻ?
9. Một người trước kia gánh lấy trọng trách trong hội thánh nhưng nay đã già có thể làm gì?
9 Hãy xem xét những hoàn cảnh khác—hoàn cảnh của người trước kia phụng sự trong vai trò người chăn “bầy của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Vì lý do nào đó, anh xin từ bỏ đặc ân đó. Đành rằng giờ đây anh lớn tuổi hơn, và có thể thấy khó hơn để làm công việc phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng có thể nào anh nên nhận lấy những trách nhiệm thần quyền lần nữa không? Một người như thế có thể đem lại ân phước biết bao cho người khác nếu gánh lấy nhiều trách nhiệm hơn trong hội thánh! Và vì không ai sống cho chính mình mà thôi, bạn bè và người thân sẽ vui mừng biết bao nếu anh có thể gia tăng công việc phụng sự để làm vinh hiển Đức Chúa Trời. (Rô-ma 14:7, 8) Trên hết mọi sự, Đức Giê-hô-va sẽ không quên những điều mà chúng ta làm để phụng sự Ngài. (Hê-bơ-rơ 6:10-12) Vậy, điều gì có thể giúp chúng ta để nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại?
Những sự giúp đỡ để nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại
10. Tại sao người truyền đạo ở trong vị thế rất tốt để cho lời hướng dẫn về việc nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại?
10 Người truyền đạo ở trong một vị thế rất tốt để cho chúng ta những lời hướng dẫn để nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện chân thành của người bằng cách cho người sự khôn ngoan phi thường. (1 Các Vua 3:6-12) Sa-lô-môn đã xem xét kỹ về toàn thể vấn đề của loài người. Hơn nữa, ông đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết lại những điều ông phát hiện hầu mang lại lợi ích cho người khác. Ông viết: “Vả lại, bởi vì kẻ truyền-đạo là người khôn-ngoan, nên cũng cứ dạy sự tri-thức cho dân-sự; người đã cân-nhắc, tra-soát, và sắp đặt thứ-tự nhiều câu châm-ngôn. Kẻ truyền-đạo có chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chân-thật”.—Truyền-đạo 12:9, 10.
11. Tại sao chúng ta nên chấp nhận lời khuyên khôn ngoan của Sa-lô-môn?
11 Sa-lô-môn cố gắng động đến lòng người đọc với những lời tốt đẹp và những đề tài thật hay và có giá trị. Vì lời của ông trong Kinh Thánh là do thánh linh soi dẫn, chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận những sự phát hiện và lời khuyên khôn ngoan của ông.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
12. Bằng lời lẽ riêng, bạn miêu tả những gì Sa-lô-môn nói như được ghi nơi Truyền-đạo 12:11, 12 như thế nào?
12 Dù không có những phương pháp in ấn hiện đại, thời của Sa-lô-môn vẫn có nhiều sách vở. Những văn liệu này nên được xem như thế nào? Ông nói: “Lời của người khôn-ngoan giống như đót; sắp chọn các câu châm-ngôn khác nào đinh đóng chặt: Nó do một đấng chăn chiên mà truyền ra. Lại, hỡi con, hãy chịu dạy: Người ta chép nhiều sách chẳng cùng; còn học quá thật làm mệt-nhọc cho xác-thịt”.—Truyền-đạo 12:11, 12.
13. Lời của những người có sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời có thể chứng tỏ giống như cây nhọn như thế nào, và ai giống như “đinh đóng chặt”?
13 Lời của những người có sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời chứng tỏ giống như đót hoặc cây nhọn. Như thế nào? Những cây này thúc đẩy người đọc hoặc người nghe cải tiến cho phù hợp với những lời khôn ngoan họ đã đọc hoặc nghe. Hơn nữa, những người bận rộn với việc “chọn các câu”, hoặc những lời nói thật sự khôn ngoan và giá trị, giống như “đinh đóng chặt” hoặc vững chắc. Điều này có thể đúng vì lời tốt lành của những người đó phản ảnh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va và vì vậy có thể dùng để làm vững và nâng đỡ người đọc hoặc người nghe. Nếu bạn là bậc cha mẹ biết kính sợ Đức Chúa Trời, chẳng phải bạn nên cố hết sức để ghi khắc sự khôn ngoan đó vào trí và lòng của con bạn hay sao?—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9.
14. (a) “Học quá” những loại sách nào sẽ không có lợi? (b) Chúng ta nên xem xét chủ yếu những sách nào, và tại sao?
14 Nhưng tại sao Sa-lô-môn nói như thế về các sách? So sánh với lời của Đức Giê-hô-va, vô số sách vở của thế gian chứa đầy sự lý luận của loài người. Nhiều sự suy nghĩ đó phản ảnh ý tưởng của Sa-tan Ma-quỉ. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Vì vậy, “học quá” về những tài liệu ngoài đời không cho chúng ta giá trị lâu dài. Thật vậy, học quá nhiều những tài liệu đó có thể làm tai hại về thiêng liêng. Như Sa-lô-môn, chúng ta hãy suy ngẫm những gì Lời Đức Chúa Trời nói về sự sống. Điều này sẽ làm vững đức tin chúng ta và đưa chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va. Chú ý quá nhiều đến những sách hoặc những nguồn chỉ dẫn khác có thể làm chúng ta mệt mỏi. Nhất là khi những sách vở đó là sản phẩm của những lý luận thế gian trái nghịch với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thì càng không lành mạnh và hủy hoại đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời và ý định của Ngài. Vậy, chúng ta hãy nhớ rằng những tài liệu có ích lợi nhất trong thời Sa-lô-môn và thời nay là tài liệu phản ảnh sự khôn ngoan của “một đấng chăn chiên” Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài đã ban 66 cuốn sách trong Kinh Thánh, và chúng ta nên hết sức chú ý đến những sách này. Kinh Thánh và những ấn phẩm hữu ích của “đầy-tớ trung-tín” giúp chúng ta có được “sự hiểu biết về Đức Chúa Trời”.—Châm-ngôn 2:1-6, NW.
Trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời
15. (a) Bạn diễn tả lời của Sa-lô-môn về “trọn phận-sự” của con người như thế nào? (b) Chúng ta phải làm gì nếu muốn làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời?
15 Tóm tắt toàn thể sự nghiên cứu của mình, người truyền đạo Sa-lô-môn nói: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy”. (Truyền-đạo 12:13, 14) Sự kính sợ lành mạnh, hoặc sự tôn kính đối với Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại sẽ che chở chúng ta, và hy vọng là cả gia đình chúng ta, khỏi theo đuổi một lối sống dại dột liều lĩnh có thể đem lại biết bao phiền muộn và đau buồn cho chúng ta và những người thân. Sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Chúa Trời là trong sạch và là khởi đầu của sự khôn ngoan và hiểu biết. (Thi-thiên 19:9; Châm-ngôn 1:7, NW) Nếu chúng ta có sự thông hiểu căn cứ nơi Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời và áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh trong mọi sự, chúng ta sẽ làm “trọn phận-sự” đối với Đức Chúa Trời. Đây không phải là việc liệt kê ra các bổn phận, nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải tìm sự hướng dẫn trong Kinh Thánh khi giải quyết những vấn đề trong đời sống và luôn luôn làm theo cách của Đức Chúa Trời.
16. Nói về sự đoán xét, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì?
16 Chúng ta phải nhận thức rằng không có gì mà Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại không biết đến. (Châm-ngôn 15:3) Ngài “sẽ đem đoán-xét các công-việc”. Đúng vậy, Đấng Tối Cao sẽ đoán xét mọi sự, kể cả những điều mà mắt loài người không thấy. Nhận biết được những sự kiện này có thể là một động lực thúc đẩy chúng ta vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng động lực thúc đẩy lớn nhất phải là tình yêu thương đối với Cha trên trời, vì sứ đồ Giăng viết: “Vì nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Và vì điều răn của Đức Chúa Trời cho chúng ta được lợi ích lâu dài, chắc chắn sự vâng theo không những là đúng mà còn là khôn ngoan nữa. Điều này không phải là gánh nặng cho những người yêu kính Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Họ muốn làm tròn phận sự đối với Ngài.
Làm trọn phận sự của bạn
17. Chúng ta sẽ làm gì nếu thật sự muốn làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời?
17 Nếu chúng ta khôn ngoan và thật sự muốn làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời, thì ngoài việc giữ điều răn Ngài, chúng ta sẽ kính sợ, không làm phật lòng Ngài. Thật vậy, “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn- ngoan”, và những người vâng theo điều răn Ngài có “trí hiểu”. (Thi-thiên 111:10; Châm-ngôn 1:7) Vì vậy, chúng ta hãy hành động khôn ngoan và vâng lời Đức Giê-hô-va trong mọi sự. Điều này đặc biệt là quan trọng vào lúc này, vì Vua Giê-su Christ đang hiện diện và sắp sửa phán xét thế gian với tư cách là Quan Xét được Đức Chúa Trời bổ nhiệm.—Ma-thi-ơ 24:3; 25:31, 32.
18. Kết quả sẽ là gì nếu chúng ta làm trọn phận sự đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời?
18 Giờ đây Đức Chúa Trời đang xem xét mỗi người chúng ta. Chúng ta có thiên về điều thiêng liêng, hay là để cho những ảnh hưởng thế gian làm yếu đi mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời? (1 Cô-rinh-tô 2:10-16; 1 Giăng 2:15-17) Dù già hay trẻ, chúng ta hãy cố hết sức để làm vui lòng Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Nếu vâng lời Đức Giê-hô-va và giữ điều răn Ngài, chúng ta sẽ từ bỏ những điều hư không của thế gian sắp sửa qua đi này. Rồi chúng ta có thể có hy vọng được sống đời đời trong hệ thống mới mà Đức Chúa Trời đã hứa. (2 Phi-e-rơ 3:13) Những điều này quả là triển vọng huy hoàng cho tất cả những người làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời!
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao bạn nói rằng mọi sự không phải là hư không?
◻ Tại sao tín đồ trẻ nên thành tâm cầu nguyện về thánh chức của mình?
◻ “Học quá” những loại sách nào không có ích cho mình?
◻ “Trọn phận sự” của con người có nghĩa là gì?
[Hình nơi trang 20]
Mọi sự không phải là hư không cho những người phụng sự Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 23]
Khác với nhiều sách của thế gian này, Lời Đức Chúa Trời hữu ích và làm tươi tỉnh tâm hồn