Bạn có sẵn sàng cho ngày của Đức Giê-hô-va không?
“Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp” (SÔ-PHÔ-NI 1:14).
1. Kinh-thánh miêu tả ngày của Đức Giê-hô-va như thế nào?
“NGÀY LỚN và kinh-khiếp” của Đức Giê-hô-va sẽ sớm đến với hệ thống mọi sự gian ác này. Kinh-thánh miêu tả ngày của Đức Giê-hô-va như là một ngày có giặc giã, tối tăm, thịnh nộ, hoạn nạn, buồn rầu, hoảng hốt và hoang tàn. Tuy nhiên sẽ có những người sống sót, vì “ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Giô-ên 2:30-32; A-mốt 5:18-20). Đúng vậy, lúc bấy giờ Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ thù của ngài và giải cứu dân ngài.
2. Tại sao chúng ta cần phải có tinh thần cấp bách đối với ngày của Đức Giê-hô-va?
2 Các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã cho thấy một tình thế cấp bách liên quan đến ngày của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Sô-phô-ni viết: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp” (Sô-phô-ni 1:14). Ngày nay tình thế lại càng cấp bách hơn vì Đấng Hành quyết chính của Đức Chúa Trời là Vua Giê-su Christ sắp sửa ‘thắt bảo kiếm ngang lưng và phóng ngựa để bảo toàn sự thật, lòng đạo đức và sự công minh’ (Thi-thiên 45:3, 4, Nguyễn thế Thuấn). Bạn có sẵn sàng cho ngày đó không?
Họ có nhiều sự mong đợi
3. Một số tín đồ đấng Christ ở thành Tê-sa-lô-ni-ca đã mong đợi gì, và họ đã sai lầm vì hai lý do nào?
3 Nhiều người đã mong đợi ngày của Đức Giê-hô-va đến nhưng không thấy. Một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu tại Tê-sa-lô-ni-ca nói: “Ngày của Chúa đã đến”! (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2, Nguyễn thế Thuấn). Nhưng có hai lý do căn bản tại sao ngày này chưa đến. Đề cập một trong hai lý do này, sứ đồ Phao-lô nói: “Khi người ta sẽ nói rằng: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6). Trong “kỳ cuối-cùng” này, chính chúng ta cũng đang chờ đợi những lời này ứng nghiệm (Đa-ni-ên 12:4). Dân thành Tê-sa-lô-ni-ca cũng thiếu một bằng chứng khác cho thấy ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã đến, vì Phao-lô có nói với họ: “Phải có sự [bội, NW] đạo đến trước” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Khi Phao-lô viết những lời này (vào khoảng năm 51 công nguyên [CN] ), “sự bội đạo” trong vòng đạo thật đấng Christ chưa hoàn toàn phát triển. Ngày nay, chúng ta thấy sự bội đạo lan rộng trong vòng các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Tuy nhiên, mặc dầu những sự mong đợi của mình không thành, những người trung thành được xức dầu ở Tê-sa-lô-ni-ca cứ vẫn kiên trì phụng sự Đức Chúa Trời cho đến chết và cuối cùng họ nhận được phần thưởng trên trời (Khải-huyền 2:10). Chúng ta cũng sẽ nhận được phần thưởng nếu chúng ta trung thành chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va.
4. a) Ngày của Đức Giê-hô-va được liên kết với điều gì nơi II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2? b) Những người được gọi là Cha Giáo hội có quan điểm nào về sự trở lại của đấng Christ và những điều liên hệ?
4 Kinh-thánh liên kết “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” với “sự [hiện diện, NW] của Đức Chúa Jêsus-Christ” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2). Những người được gọi là Cha Giáo hội có những ý tưởng khác nhau về sự trở lại của đấng Christ, sự hiện diện và Triều đại Một Ngàn Năm của ngài (Khải-huyền 20:4). Vào thế kỷ thứ hai CN, Papias ở thành Hi-ê-ra-bô-li trông mong rằng trong Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ thì quả đất sẽ sinh nhiều hoa lợi không thể tưởng tượng được. Justin Martyr nhiều lần nói về sự hiện diện của Chúa Giê-su và mong đợi rằng thành Giê-ru-sa-lem được khôi phục sẽ là kinh đô của Nước Trời. Irenæus ở thành phố Lyons dạy rằng sau khi Đế quốc La Mã bị tiêu diệt, Chúa Giê-su sẽ hiện ra, sẽ xiềng xích Sa-tan lại và trị vì tại thành Giê-ru-sa-lem trên đất.
5. Một số học giả nói gì về “Sự đến Thứ hai” và thời kỳ Một Ngàn Năm của đấng Christ?
5 Sử gia Philip Schaff nhận thấy rằng “niềm tin nổi bật nhất” trong khoảng thời gian trước Giáo hội nghị Ni-xen vào năm 325 CN là “niềm tin cho rằng mọi người đều sẽ thấy đấng Christ cùng các vị thánh được sống lại cai trị trên đất trong sự vinh quang trong một ngàn năm, trước khi có sự sống lại và sự phán xét chung”. Quyển A dictionary of the Bible (Tự điển Kinh-thánh) do James Hastings biên soạn có viết: “Tertullian, Irenæus, và Hippolytus vẫn còn mong rằng [Chúa Giê-su Christ] mau đến; nhưng với các Cha Giáo hội Alexandrine thì chúng ta được biết về một quan niệm mới... Khi Augustine bắt đầu dạy rằng thời kỳ Một Ngàn Năm cũng là thời kỳ có người sống ở trần gian, thì Sự đến Thứ hai bị hoãn lại trong tương lai xa”.
Ngày của Đức Giê-hô-va và sự hiện diện của Chúa Giê-su
6. Tại sao chúng ta không nên kết luận rằng ngày của Đức Giê-hô-va còn rất lâu mới đến?
6 Những quan điểm sai lầm dẫn đến thất vọng, nhưng chúng ta đừng nên nghĩ rằng ngày của Đức Giê-hô-va còn lâu mới đến. Sự hiện diện vô hình của Chúa Giê-su mà Kinh-thánh liên kết với ngày của Đức Giê-hô-va, đã bắt đầu. Tháp Canh và những ấn phẩm của Nhân-chứng Giê-hô-va thường xuyên dẫn chứng từ Kinh-thánh cho thấy rằng sự hiện diện của đấng Christ bắt đầu vào năm 1914.a Vậy thì, Chúa Giê-su nói gì về sự hiện diện của ngài?
7. a) Một số đặc điểm của điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự kết liễu của hệ thống mọi sự là gì? b) Bằng cách nào chúng ta có thể được cứu?
7 Sự hiện diện của Chúa Giê-su trở thành đề tài để thảo luận ít lâu sau khi ngài chết. Sau khi nghe ngài tiên tri về sự hủy diệt của đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem, các sứ đồ là Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và Anh-rê hỏi ngài: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự [hiện diện của Chúa, NW] và tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:1-3; Mác 13:3, 4). Trong câu trả lời, Chúa Giê-su cho biết trước rằng sẽ có chiến tranh, đói kém, động đất và những đặc điểm khác của “điềm” chỉ về sự hiện diện của ngài và sự kết liễu của hệ thống mọi sự. Ngài cũng nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13). Chúng ta sẽ được cứu nếu chúng ta trung thành chịu đựng cho đến cuối cuộc sống hiện tại của chúng ta hoặc cho đến cuối hệ thống gian ác này.
8. Trước khi hệ thống Do Thái chấm dứt, điều gì phải hoàn tất và công việc này đang được thực hiện thế nào ngày nay?
8 Trước khi hệ thống này chấm dứt, một đặc điểm đáng kể chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su sẽ được ứng nghiệm. Ngài nói về đặc điểm này: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Trước khi La Mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và hệ thống mọi sự Do Thái chấm dứt vào năm 70 CN, Phao-lô có thể nói rằng tin mừng “đã... được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Tuy nhiên, ngày nay có một công việc rao giảng rộng lớn hơn nhiều đang được Nhân-chứng Giê-hô-va thực hiện trên “khắp đất”. Trong những năm gần đây, Đức Chúa Trời đã khiến cho công việc làm chứng lớn lao được thực hiện tại Đông Âu. Với các nhà in và những cơ sở khác trên toàn thế giới, tổ chức của Đức Giê-hô-va sẵn sàng gia tăng hoạt động ngay tại các “vùng chưa từng được rao giảng” (Rô-ma 15:22, 23, NW). Lòng bạn có thúc đẩy bạn cố gắng hết sức để làm chứng trước khi sự cuối cùng đến không? Nếu có thì Đức Chúa Trời có thể khiến bạn vững mạnh để góp phần đáng kể vào công việc trước mắt (Phi-líp 4:13; II Ti-mô-thê 4:17).
9. Chúa Giê-su nêu ra điều gì như được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:36?
9 Công việc rao giảng về Nước Trời được nói trước và những đặc điểm khác của điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su đang được ứng nghiệm ngay lúc này. Do đó, hệ thống mọi sự gian ác này sắp chấm dứt. Đành rằng Chúa Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:4-14, 36) nhưng lời tiên tri của Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta sẵn sàng cho “ngày và giờ đó”.
Họ đã sẵn sàng
10. Làm sao chúng ta biết rằng mình có thể tỉnh thức về mặt thiêng liêng?
10 Để sống sót qua ngày lớn của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải giữ mình tỉnh thức về mặt thiêng liêng và đứng vững về phía sự thờ phượng thật (I Cô-rinh-tô 16:13). Chúng ta biết rằng mình có thể kiên trì như thế được, vì đã có một gia đình tin kính làm vậy và họ sống sót qua trận Nước Lụt đã hủy diệt những người gian ác vào năm 2370 TCN. So sánh thời đại đó với sự hiện diện của ngài, Chúa Giê-su nói: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,— và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:37-39).
11. Nô-ê đã theo con đường nào bất kể sự bạo động trong thời của ông?
11 Giống như chúng ta, Nô-ê cùng gia đình sống trong một thế gian đầy bạo động. Những thiên sứ bội nghịch tức là “các con trai của Đức Chúa Trời” đã mặc lấy hình người, lấy vợ và sanh ra những người Nê-phi-lim bỉ ổi, tức là những tay ác ôn, hẳn đã làm cho tình trạng càng bạo động hơn (Sáng-thế Ký 6:1, 2, 4; I Phi-e-rơ 3:19, 20). Tuy nhiên, “Nô-ê... đồng đi cùng Đức Chúa Trời” trong đức tin. Ông “là một người công-bình và trọn-vẹn” trong thời ông, tức là thế hệ gian ác vào thời ông (Sáng-thế Ký 6:9-11). Nếu chúng ta nương tựa nơi Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chúng ta cũng có thể làm như Nô-ê trong thế giới đầy bạo động và gian ác này trong khi chúng ta chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va.
12. a) Ngoài việc đóng tàu, Nô-ê còn làm gì nữa? b) Người ta phản ứng như thế nào khi nghe Nô-ê rao giảng, và họ đã gánh hậu quả gì?
12 Nô-ê có tiếng là người đóng chiếc tàu dùng để bảo tồn sự sống trong trận Nước lụt. Ông cũng là “thầy giảng đạo công-bình”, nhưng những người đồng thời với ông “không [chú ý, NW] chi hết” đến thông điệp mà ông nhận được từ Đức Chúa Trời. Họ ăn, uống, cưới, gả, sanh con đẻ cái và sống thản nhiên cho đến khi Nước lụt cuốn đi hết (II Phi-e-rơ 2:5; Sáng-thế Ký 6:14). Họ không muốn nghe những lời nói và cách cư xử ngay thẳng; thế hệ gian ác ngày nay cũng thế, họ bịt tai không muốn nghe những gì Nhân-chứng Giê-hô-va nói về “sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời”, đức tin nơi đấng Christ, sự công bình và “sự phán-xét ngày sau” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21; 24:24, 25). Lịch sử không ghi lại là có bao nhiêu người sống trên đất lúc Nô-ê rao báo thông điệp của Đức Chúa Trời. Nhưng, có một điều chắc chắn là dân số trên đất đã giảm khủng khiếp vào năm 2370 TCN! Trận Nước lụt đã cuốn đi kẻ gian ác, chỉ chừa lại những ai sẵn sàng cho ngày đó của Đức Chúa Trời, đó là Nô-ê và bảy người khác trong gia đình ông (Sáng-thế Ký 7:19-23; II Phi-e-rơ 3:5, 6).
13. Nô-ê hoàn toàn tin tưởng vào sự phán xét nào của Đức Chúa Trời, và ông đã sống hòa hợp với đức tin này như thế nào?
13 Đức Chúa Trời đã không cho Nô-ê biết trước nhiều năm về ngày và giờ của trận Nước lụt. Tuy nhiên, sau khi Nô-ê được 480 tuổi, Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong đều lầm-lạc, loài người chỉ là xác-thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi” (Sáng-thế Ký 6:3). Nô-ê hoàn toàn tin tưởng vào sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sau khi được 500 tuổi ông “sanh Sem, Cham và Gia-phết” và theo tục lệ thời đó thì những người con của ông lập gia đình khi họ khoảng 50 và 60 tuổi. Khi Nô-ê được lệnh đóng tàu để sống sót qua trận Nước lụt, những người con này cùng vợ của họ rõ ràng đã phụ giúp ông trong công trình đó. Việc đóng tàu có thể đã trùng với thời gian Nô-ê làm “thầy giảng đạo công-bình”, khiến ông bận rộn trong suốt 40 cho đến 50 năm trước trận Nước lụt (Sáng-thế Ký 5:32; 6:13-22). Trong suốt những năm ấy, ông và gia đình ông đã hành động trong đức tin. Chúng ta cũng hãy biểu lộ đức tin khi chúng ta rao giảng tin mừng và chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 11:7).
14. Cuối cùng Đức Giê-hô-va nói gì với Nô-ê và tại sao?
14 Khi sắp đóng tàu xong, Nô-ê có thể nghĩ rằng trận Nước lụt sắp xảy ra, mặc dầu ông không biết đích xác khi nào. Cuối cùng Đức Giê-hô-va đã nói với ông: “Vì còn bảy ngày nữa, ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm” (Sáng-thế Ký 7:4). Điều này cho Nô-ê và gia đình ông vừa đủ thì giờ để đem tất cả các loài thú vật vào tàu và chính họ cũng vào đó trước khi trận Nước lụt bắt đầu. Chúng ta không cần biết ngày và giờ mà hệ thống này sẽ bắt đầu bị hủy diệt; chúng ta không phải lo cho sự sống còn của các thú vật, và những người có triển vọng được sống sót đã bắt đầu vào tàu tượng trưng rồi, tức là địa đàng thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời.
“Hãy tỉnh-thức”
15. a) Bằng lời riêng của bạn, bạn giải thích lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:40-44 như thế nào? b) Việc không biết chính xác ngày giờ Chúa Giê-su đến để tiến hành việc báo thù của Đức Chúa Trời có hiệu quả gì?
15 Về sự hiện diện của ngài, Chúa Giê-su giải thích: “Lúc ấy, sẽ có hai người nam [làm việc] ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối [gạo thành bột], một người được đem đi, còn một người bị để lại. Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh-thức, không để cho đào ngạch nhà mình. Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:40-44; Lu-ca 17:34, 35). Chúng ta không biết chính xác lúc nào Chúa Giê-su sẽ đến để tiến hành việc báo thù của Đức Chúa Trời và điều này thường khiến chúng ta cảnh giác và cho chúng ta cơ hội mỗi ngày để chứng minh rằng chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với động cơ bất vụ lợi.
16. Điều gì sẽ xảy ra cho những người “bị để lại” và cho những ai “được mang đi”?
16 Những người nào “bị để lại” để bị hủy diệt cùng với người gian ác sẽ bao gồm những ai đã từng được soi sáng nhưng đã bị đắm chìm trong lối sống ích kỷ. Mong sao chúng ta sẽ ở trong số những người “được đem đi”, tức là những ai hết lòng tận tụy với Đức Giê-hô-va và thật sự biết ơn về những điều thiêng liêng mà ngài ban qua trung gian “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta hãy phụng sự Đức Chúa Trời với tình “yêu-thương, bởi lòng tinh-sạch, lương-tâm tốt và đức-tin thật mà sanh ra” cho đến cuối cùng (I Ti-mô-thê 1:5).
Những việc làm thánh thiện là thiết yếu
17. a) II Phi-e-rơ 3:10 tiên tri về điều gì? b) II Phi-e-rơ 3:11 khuyến khích những hành động và việc làm gì?
17 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất bị đốt mà tiêu-tán, đất cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (II Phi-e-rơ 3:10). Từng trời và đất tượng trưng sẽ không tồn tại khi Đức Chúa Trời dấy cơn lửa giận. Vì thế Phi-e-rơ nói thêm: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào” (II Phi-e-rơ 3:11). Cách ăn ở đó bao gồm việc chúng ta thường xuyên đi dự các buổi họp của đạo đấng Christ, làm điều tốt cho người khác và tham gia đầy đủ vào việc rao giảng tin mừng (Ma-thi-ơ 24:14; Hê-bơ-rơ 10:24, 25; 13:16).
18. Nếu chúng ta đang gắn bó với thế gian này thì chúng ta phải làm gì?
18 “Nên thánh và tin-kính” đòi hỏi chúng ta phải “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27). Nhưng nếu chúng ta đang gắn bó với thế gian này thì sao? Có lẽ chúng ta đang bị quyến rũ vào trong một vị thế nguy hiểm trước mắt Đức Chúa Trời bằng cách tìm kiếm những sự vui chơi không trong sạch hoặc nghe âm nhạc hoặc những bài hát cổ võ tinh thần không tin kính của thế gian này (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Nếu đó là trường hợp của chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ hầu cho chúng ta sẽ không bị diệt với thế gian này nhưng được Con người chấp nhận (Lu-ca 21:34-36; I Giăng 2:15-17). Nếu chúng ta đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta sẽ muốn làm hết mình để xây đắp và gìn giữ một mối liên hệ mật thiết với ngài và như thế sẵn sàng cho ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va.
19. Tại sao đám đông người rao giảng về Nước Trời có thể mong đợi sống sót qua sự kết liễu của hệ thống gian ác này?
19 Người tin kính là Nô-ê và gia đình của ông sống sót khi trận Nước lụt hủy diệt thế gian cổ xưa. Những người ngay thẳng sống sót qua sự kết liễu của hệ thống Do Thái vào năm 70 CN. Chẳng hạn, sứ đồ Giăng vẫn còn đắc lực phụng sự Đức Chúa Trời vào khoảng năm 96-98 CN, lúc ông viết sách Khải-huyền, sách Phúc âm mang tên ông và ba lá thư được soi dẫn. Trong số hàng ngàn người chấp nhận đạo thật vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 CN, rất có thể là nhiều người đã sống sót qua sự kết liễu của hệ thống Do Thái (Công-vụ các Sứ-đồ 1:15; 2:41, 47; 4:4). Ngày nay đám đông người rao giảng Nước Trời có thể hy vọng được sống sót qua sự kết liễu của hệ thống mọi sự gian ác hiện tại.
20. Tại sao chúng ta phải sốt sắng làm ‘người rao giảng về sự công bình’?
20 Với triển vọng trước mắt là được gìn giữ để sống trong thế giới mới, chúng ta hãy sốt sắng làm ‘người rao giảng về sự công bình’. Thật là một đặc ân được phụng sự Đức Chúa Trời trong những ngày cuối cùng này! Và quả là một sự vui mừng khi chúng ta hướng dẫn người ta đến “con tàu” thời nay, tức là địa đàng thiêng liêng mà dân Đức Chúa Trời đang vui hưởng! Mong sao hàng triệu người hiện đang ở trong địa đàng ấy tiếp tục trung thành, tỉnh thức về mặt thiêng liêng, và sẵn sàng cho ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Nhưng điều gì sẽ giúp tất cả chúng ta tỉnh thức?
[Chú thích]
a Xin xem chương 10 và 11 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Nói về ngày của Đức Giê-hô-va và sự hiện diện của đấng Christ, một số người mong chờ điều gì?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói rằng Nô-ê và gia đình ông đã sẵn sàng trước trận Nước lụt?
◻ Điều gì sẽ xảy ra cho những ai “tỉnh-thức” và cho những ai không “tỉnh-thức”?
◻ Tại sao những hành động thánh thiện là thiết yếu, nhất là vào lúc chúng ta càng đến gần ngày lớn của Đức Giê-hô-va?