Lớp người “đầy-tớ trung-tín” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương
“Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình đặng cho đồ-ăn đúng giờ?” (Ma-thi-ơ 24:45).
1. Tại sao Đức Giê-hô-va sẵn lòng ủy thác quyền hành, và Ngài đã ủy thác cho ai nhiều quyền hành nhất?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là một Đức Chúa Trời của trật tự. Ngài cũng là nguồn của mọi uy quyền chính đáng. Tin cậy nơi sự thành tín của các tạo vật trung kiên của Ngài, Đức Giê-hô-va sẵn lòng ủy thác quyền hành. Đấng được Ngài ủy thác cho nhiều quyền hành nhất là Giê-su Christ, Con Ngài. Thật vậy, Đức Chúa Trời “bắt muôn vật phục dưới chơn đấng Christ, và ban cho đấng Christ làm Đầu Hội-thánh” (Ê-phê-sô 1:22).
2. Phao-lô gọi hội-thánh tín đồ đấng Christ là gì, và đấng Christ đã ủy thác quyền hành cho ai?
2 Sứ đồ Phao-lô gọi Hội-thánh tín đồ đấng Christ là “nhà Đức Chúa Trời” và nói rằng Giê-su Christ là Con trung kiên của Đức Giê-hô-va được đặt lên cai quản nhà này (I Ti-mô-thê 3:15; Hê-bơ-rơ 3:6). Đến phiên ngài, đấng Christ ủy thác quyền hành cho các thành viên của nhà Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hiểu điều này qua những lời của Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 24:45-47. Ngài nói: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”.
Người quản gia trong thế kỷ thứ nhất
3. Ai hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và chữ nào dùng để gọi họ riêng từng người một?
3 Khảo sát kỹ Kinh-thánh, chúng ta biết rằng nói chúng tất cả những thành viên được xức dầu của nhà Đức Chúa Trời trong bất cứ thời điểm nào hợp lại thành “đầy-tớ trung tín và khôn-ngoan” hay “người quản-gia”. Từng cá nhân những người thuộc nhà của Đức Giê-hô-va được gọi là “người nhà” (Ma-thi-ơ 24:45; Lu-ca 12:42).
4. Ít lâu trước khi chết, Giê-su nêu ra câu hỏi nào, và ngài tự ví mình với ai?
4 Vài tháng trước khi chết, Giê-su nêu ra câu hỏi này, ghi lại nơi Lu-ca 12:42: “Ai là người quản-gia ngay-thật khôn-ngoan, chủ nhà đặt coi cả người nhà mình, để đến dịp-tiện, phát lương-phạn cho họ?” Rồi, ít ngày trước khi chết, Giê-su tự ví mình với một người sắp đi du lịch nước ngoài, triệu tập những người đầy tớ và giao phó của cải ngài cho họ (Ma-thi-ơ 25:14).
5. a)Khi nào thì Giê-su đã giao phó cho những người khác tài sản của ngài? b) Đấng Christ đã giao sứ mạng nới rộng nào cho những người sẽ trở nên thành viên của lớp “người quản gia” của ngài?
5 Khi nào thì Giê-su giao cho những người khác để cho chăm nom tài sản của ngài? Điều này đã xảy ra sau khi ngài sống lại. Bằng những lời quen thuộc của ngài ghi nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, đấng Christ trước hết giao phó một sứ mạng nới rộng là dạy dỗ và đào tạo môn đồ cho những người thuộc lớp “người quản gia”. Bằng cách làm chứng với tính cách cá nhân “cho đến cùng trái đất”, các tôi tớ này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động rao giảng mà Giê-su đã bắt đầu vun trồng khi ngài còn làm thánh chức trên đất (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Điều này bao hàm việc họ đóng vai “khâm-sai của đấng Christ”. Với tư cách “kẻ quản-trị những sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời”, họ sẽ đào tạo môn đồ và phân phát đồ ăn thiêng liêng cho họ (II Cô-rinh-tô 5:20; I Cô-rinh-tô 4:1, 2).
Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của “nhà”
6. Lớp người quản gia của thế kỷ thứ nhất đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để cung cấp điều gì?
6 Trên bình diện tập thể, các tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh giữ nhiệm vụ quản gia cho chủ, lo việc phân phát đồ ăn thiêng liêng đúng giờ cho từng cá nhân người nhà của Đức Chúa Trời. Trong khoảng thời gian từ năm 41 đến năm 98 tây lịch, các thành viên của lớp người quản gia trong thế kỷ thứ nhất đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết 5 sách ghi chép lịch sử, 21 lá thư và sách Khải-huyền cho các anh em trong “nhà”. Các văn kiện được soi dẫn này chứa đựng đồ ăn thiêng liêng tốt cho “người nhà”, tức là từng cá nhân một trong số những người được xức dầu trong nhà Đức Chúa Trời.
7. Đấng Christ đã chọn một số ít giữa lớp người đầy tớ để làm gì?
7 Dù tất cả các tín đồ đấng Christ được xức dầu hợp lại thành “nhà” Đức Chúa Trời trên bình diện tập thể, có nhiều bằng chứng cho thấy đấng Christ đã chọn một số ít giữa lớp người đầy tớ để phục vụ với tính cách một hội đồng lãnh trung ương hữu hình. Lịch sử thời ban đầu của hội-thánh cho thấy có 12 sứ đồ, kể cả Ma-thia, làm nền tảng cho hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất. Công-vụ các Sứ-đồ 1:20-26 nói cho chúng ta biết như thế. Liên hệ tới việc thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, đoạn Kinh-thánh này nói đến “chức-phận [giám thị]” và “chức-vụ sứ-đồ”.
8. Các trách vụ của hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất bao hàm gì?
8 Chức phận giám thị thể ấy bao gồm trách vụ của các sứ đồ nhằm bổ nhiệm những người xứng đáng để phụng sự và tổ chức công việc rao giảng. Nhưng có nhiều ý nghĩa hơn nữa. Điều này cũng bao hàm việc dạy dỗ và làm sáng tỏ các điểm giáo lý. Làm tròn lời hứa của Giê-su ghi nơi Giăng 16:13, “thần lẽ thật” có phận sự hướng dẫn hội-thánh tín đồ đấng Christ tuần tự đi sâu vào toàn bộ lẽ thật. Ngay từ lúc đầu, những người nhận lấy đạo và làm báp têm để trở thành tín đồ đấng Christ được xức dầu tiếp tục hết lòng “giữ lời dạy của sứ-đồ”. Thật thế, lý do tại sao người ta đã bổ nhiệm bảy người được đề cử để chăm lo công việc cần thiết là phân phát đồ ăn vật chất hầu cho tập thể “mười hai” người có thể rảnh rang mà “chuyên-lo về sự cầu-nguyện và chức-vụ giảng đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:42; 6:1-6).
9. Làm thế nào mà hội đồng lãnh đạo trung ương thời ban đầu chỉ còn có 11 thành viên, nhưng tại sao hiển nhiên không có biện pháp tức thời nào để làm cho đủ số 12 trở lại?
9 Dường như lúc đầu hội đồng lãnh đạo trung ương chỉ gồm các sứ đồ của Giê-su. Nhưng có mãi là như thế không? Vào khoảng năm 44 tây lịch, sứ đồ Gia-cơ, anh của Giăng bị vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba I hành quyết (Công-vụ các Sứ-đồ 12:1, 2). Hiển nhiên, không ai cố thay ông bằng một sứ đồ khác, như trong trường hợp của Giu-đa. Tại sao không? Chắc chắn bởi vì Gia-cơ chết trung thành, người đầu tiên trong số 12 sứ đồ chết đi. Mặt khác, Giu-đa là kẻ gian ác bội phản và đã được thay thế hầu cho 12 viên đá làm nền tảng cho Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được đủ số (Ê-phê-sô 2:20; Khải-huyền 21:14).
10. Bao giờ và thế nào hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất đã được nới rộng, và làm sao đấng Christ đã dùng hội đồng đó để hướng dẫn “nhà” Đức Chúa Trời?
10 Các thành viên ban đầu của hội đồng lãnh đạo trung ương thuộc thế kỷ thứ nhất là các sứ đồ, những người đã sống bên cạnh Giê-su và chứng kiến sự chết và sự sống lại của ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 1:21, 22). Nhưng tình thế phải thay đổi. Năm tháng trôi qua, các nam tín đồ đấng Christ khác đã đạt đến tầm vóc thiêng liêng chững chạc và được bổ nhiệm làm trưởng lão trong hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem. Trễ lắm là vào khoảng năm 49 tây lịch, hội đồng lãnh đạo trung ương đã được nới rộng để gồm không chỉ các sứ đồ còn sống nhưng cả một số trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 15:2). Vậy thì sự cấu tạo của hội đồng lãnh đạo trung ương không được ấn định một cách cứng rắn, nhưng Đức Chúa Trời hiển nhiên đã hướng dẫn sự việc để thay đổi thành phần hầu thích ứng với hoàn cảnh trong dân sự của Ngài. Đấng Christ là đấng tích cực dẫn đầu hội-thánh đã dùng hội đồng lãnh đạo trung ương được nới rộng này để giải quyết một vấn đề giáo lý quan trọng qui định xem các tín đồ đấng Christ gốc dân ngoại có phải chịu cắt bì và vâng giữ Luật pháp Môi-se hay không. Hội đồng lãnh đạo trung ương đã viết một là thư giải thích họ đã quyết định thế nào và đưa ra chỉ thị để làm theo (Công-vụ các Sứ-đồ 15:23-29).
Thời kỳ tính sổ với người quản gia
11. Sự hướng dẫn cương nghị của hội đồng lãnh đạo trung ương có được anh em quí trọng hay không, và điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho sự sắp đặt này?
11 Trên bình diện cá nhân và hội-thánh, các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã quí trọng sự hướng dẫn hùng mạnh này bởi hội đồng lãnh đạo trung ương. Sau khi hội-thánh tại An-ti-ốt thuộc tỉnh Sy-ri đọc thư của hội đồng lãnh đạo trung ương, họ vui sướng nhận được sự khích lệ. Khi các hội-thánh khác nhận được tin tức và làm theo các chỉ thị, họ tiếp-tục “được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:5). Rõ ràng là Đức Chúa Trời đã ban phước cho sự sắp đặt này (Công-vụ các Sứ-đồ 15:30, 31).
12, 13. Giê-su đã tiên tri về các biến cố nào trong các ví dụ về những nén bạc và ta lâng?
12 Nhưng chúng ta hãy nhìn xem một khía cạnh khác của vấn đề quan trọng này. Trong lời ví dụ về các nén bạc, Giê-su tự ví mình như một người thuộc dòng dõi quí tộc đi đến một nước xa xôi để vận động cho vương quyền và sau đó trở về (Lu-ca 19:11, 12). Sau khi được sống lại năm 33 tây lịch ngài được vinh hiển ở địa vị bên tay mặt của Đức Chúa Trời, ngồi đó cho đến khi nào các kẻ thù nghịch của ngài bị đặt làm bệ chân ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 2:33-35).
13 Trong một lời thí dụ song song, ví dụ về các ta lâng, Giê-su tuyên bố rằng sau một thời gian dài, người chủ đến tính sổ với các đầy tớ. Chủ nói với những người đầy tớ tỏ ra trung thành: “Ngươi đã trung-tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi-sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui-mừng của chúa ngươi”. Nhưng về phần đầy tớ bất trung, người tuyên bố: “Kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa. Còn tên đầy-tớ vô-ích đó, hãy quăng nó ra ngoài” (Ma-thi-ơ 25:21-23, 29, 30).
14. Giê-su đã chờ đợi gì nơi các đầy tớ được xức dầu bằng thánh linh?
14 Sau một thời gian dài—gần 19 thế kỷ—đấng Christ đã được phong làm vua năm 1914, vào cuối “các kỳ dân ngoại” (Lu-ca 21:24). Ít lâu sau đó, ngài “trở về... tính sổ” với đầy tớ của ngài tức các tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh (Ma-thi-ơ 25:19). Giê-su chờ đợi gì nơi họ trên bình diện cá nhân và tập thể? Phận sự của người quản gia vẫn tiếp tục như từ hồi thế kỷ thứ nhất. Đấng Christ đã giao phó các ta lâng cho từng cá nhân—“tùy theo tài mỗi người”. Bởi vậy, Giê-su chờ đợi các kết quả tương xứng (Ma-thi-ơ 25:15). Ở đây có thể áp dụng qui tắc ghi nơi I Cô-rinh-tô 4:2, nói: “Điều người ta trông-mong nơi người quản-trị là phải trung-thành”. Đối với họ, đầu tư các ta lâng đó có nghĩa là hành động trung thành với tư cách đại sứ của Đức Chúa Trời, đào tạo môn đồ và ban bố lẽ thật thiêng liêng cho các môn đồ (II Cô-rinh-tô).
“Đầy-tớ” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương trước thời kỳ cuối cùng
15. a) Đấng Christ đã chờ đợi gì nơi người quản gia tập thể của ngài? b) Điều gì cho thấy rằng đấng Christ chờ đợi lớp người đầy tớ làm điều này trước khi ngài đến thanh tra nhà của ngài?
15 Giê-su chờ đợi các tín đồ đấng Christ được xức dầu hoạt động tập thể với tư cách người quản gia trung tín, “đến dịp tiện, phát lương-phạn” cho tất cả những người nhà (Lu-ca 12:42). Theo Lu-ca 12:43, đấng Christ nói: “Phước cho đầy-tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy!” Điều này cho thấy rằng một thời gian nào đó trước khi đấng Christ đến tính sổ với các đầy tớ của ngài được xức dầu bằng thánh linh, họ đã phải phân phát đồ ăn thiêng liêng cho các thành viên của hội-thánh đấng Christ, cho “nhà” Đức Chúa Trời. Đấng Christ đã thấy ai làm như thế khi ngài trở lại với tư cách vua năm 1914 và khởi sự thanh tra nhà của Đức Chúa Trời năm 1918? (Ma-la-chi 3:1-4; Lu-ca 19:12; I Phi-e-rơ 4:17).
16. Khi đấng Christ đến thanh tra nhà của Đức Chúa Trời năm 1918, tại sao ngài đã không thấy các nhà thờ của Giáo hội tự xưng theo đấng Christ cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ?
16 Sau khi thời gian dài chờ đợi bên tay mặt của Đức Giê-hô-va sắp chấm dứt, người ta dần dần thấy rõ ai là người cung cấp đồ ăn thiêng liêng cho người nhà của đấng Christ ngay cả trước năm 1914. Bạn có nghĩ rằng đó là các nhà thờ của Giáo hội tự xưng theo đấng Christ không? Chắc chắn là không, bởi vì họ dính líu quá nhiều đến chính trị. Họ đã từng là công cụ dễ sai khiến của chủ nghĩa thực dân xâm lăng và đã tranh nhau chứng tỏ lòng yêu nước, và như vậy khuyến khích tinh thần quốc gia. Điều này đã sớm làm cho họ mắc tội đổ máu nặng nề, tức là khi họ ủng hộ tích cực cho các chính phủ tham gia thế chiến thứ nhất. Về phương diện thiêng liêng, đức tin của họ đã bị yếu đi vì chủ nghĩa tân thời. Họ đã trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần bởi vì nhiều người trong giới chức giáo phẩm đã rơi vào cạm bẫy hay chỉ trích Kinh-thánh và theo thuyết tiến hóa. Không ai có thể trông mong nơi các giới chức giáo phẩm của Giáo hội tự xưng theo đấng Christ để được nuôi dưỡng về thiêng liêng!
17. Tại sao đấng Christ đã từ bỏ một số tín đồ đấng Christ được xức dầu, và hậu quả là gì cho họ?
17 Cũng thế, một số tín đồ đấng Christ được xức dầu nhưng lại bận tâm về sự cứu rỗi cá nhân của họ nhiều hơn là đầu tư ta lâng của chủ để sanh lợi thì không phân phát đồ ăn thiêng liêng. Họ hóa ra biếng nhác, không xứng đáng để chăm sóc cho tài sản của chủ. Bởi vậy, họ bị “quăng ra ngoài, là chỗ tối-tăm” nơi các nhà thờ của Giáo hội tự xưng theo đấng Christ vẫn ở từ đó đến nay (Ma-thi-ơ 25:24-30).
18. Chúa đã thấy ai đang cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ cho tập thể người nhà của ngài, và điều gì cho thấy điều này?
18 Do đó, khi đến nơi thanh tra các đầy tớ ngài năm 1918, Chúa Giê-su Christ đã thấy ai đang cung cấp đồ ăn đúng giờ cho tập thể những người nhà của ngài? Dạo đó, ai đã ban cho những người chân thành tìm kiếm lẽ thật sự hiểu biết đúng đắn về giá chuộc, danh Đức Chúa Trời, sự hiện diện vô hình của đấng Christ và ý nghĩa của năm 1914? Ai đã tố giác sự sai lầm của thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và lửa địa ngục? Và ai đã cảnh giác đề phòng về các mối nguy hiểm của thuyết tiến hóa và thuật chiêu hồn? Sự kiện thực tế cho thấy đó là một nhóm người tín đồ đấng Christ được xức dầu kết hợp với những người xuất bản tạp chí Tháp Canh Si-ôn và sứ giả của sự hiện diện của đấng Christ, nay gọi là Tháp Canh thông báo Nước của Đức Giê-hô-va.
19. Lớp người đầy tớ trung tín đã xuất hiện thế nào trước năm 1918, họ đã phân phát đồ ăn thiêng liêng đúng giờ qua phương tiện nào, và kể từ bao giờ?
19 Trong số ra ngày 1-11-1944, Tháp Canh tuyên bố: “Năm 1878, bốn mươi năm trước khi Chúa đến trong đền thờ năm 1918, đã có một lớp người tín đồ đấng Christ chân thành đã dâng mình và cắt đứt liên lạc với tổ chức phân chia giai cấp và trọng vọng giới giáo phẩm; họ tìm phương cách thực hành đạo thật đấng Christ... Năm sau là năm 1879 vào tháng 7, các lẽ thật mà Đức Chúa Trời cung cấp qua đấng Christ với tính cách “đồ ăn đúng giờ” có thể được phân phát đều đặn cho tất cả mọi người trong nhà của ngài gồm các con đã dâng mình, và tạp chí Tháp Canh này đã bắt đầu được xuất bản”.
20. a) Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời này đã xuất hiện thế nào? b) Các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đã làm gì, và dưới sự hướng dẫn của ai?
20 Khi cung cấp tin tức về sự phát triển của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay, Tháp Canh số ra ngày 15-12-1971 giải thích: “Năm năm sau [năm 1884] Hội Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower Tract Society) đã được tổ chức thành hội đoàn và phục vụ với tư cách “cơ sở” ban bố đồ ăn thiêng liêng cho hằng ngàn người thành thật tìm kiếm sự hiểu biết Đức Chúa Trời và Lời của Ngài... Các tín đồ đấng Christ đã dâng mình, làm báp têm và được xức dầu trở thành những người kết hợp với Hội đặt trụ sở tại Pennsylvania. Dù có chân trong Ban Giám đốc hay không, họ hiến thân tình nguyện làm công việc đặc biệt của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Họ giúp nuôi dưỡng và điều khiển lớp người đầy tớ, và như vậy một hội đồng lãnh đạo trung ương xuất hiện. Hiển nhiên điều này đã diễn ra dưới sự hướng dẫn của sinh hoạt lực vô hình hay thánh linh của Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, cũng ở dưới sự hướng dẫn của Giê-su Christ là đấng Lãnh đạo hội-thánh của ngài”.
21. a) Đấng Christ đã thấy ai đang phân phát đồ ăn thiêng liêng đúng giờ, và ngài đã thưởng họ thế nào? b) Lớp người đầy tớ trung tín và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đã được gì?
21 Năm 1918, khi Giê-su Christ thanh tra những người tự xưng là tôi tớ của ngài, ngài thấy một nhóm quốc tế tín đồ đấng Christ đang xuất bản các lẽ thật của Kinh-thánh để phổ biến cả bên trong hội-thánh lẫn bên ngoài cho công việc rao giảng. Năm 1919, quả thật có việc xảy ra đúng như đấng Christ đã tiên tri: “Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình” (Ma-thi-ơ 24:46, 47). Các tín đồ thật này của đấng Christ đã bước vào sự vui mừng của Chúa họ. Sau khi đã tỏ ra “trung-tín trong việc nhỏ”, họ đã được Chúa bổ nhiệm “coi-sóc nhiều” (Ma-thi-ơ 25:21). Lớp người đầy tớ trung tín và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đã thành hình, sẵn sàng để nhận lấy trách nhiệm lớn hơn. Thật chúng ta nên vui sướng biết bao vì sự việc đã diễn ra như thế, bởi vì các tín đồ đấng Christ trung thành nay hưởng được nhiều lợi ích nhờ lớp người đầy tớ trung tín và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đã làm việc tận tụy!
Những điểm chính nên nhớ
◻ Ai là đấng Lãnh đạo trong nhà Đức Chúa Trời, và ngài đã ủy thác uy quyền cho ai?
◻ Đấng Christ giao cho lớp người đầy tớ sứ mạng tập thể nào?
◻ Tập thể nào khác hiện hữu giữa lớp người đầy tớ, và họ có bổn phận đặc biệt nào?
◻ Khi đấng Christ đến thanh tra “nhà” của Đức Chúa Trời, ai đang ban đồ ăn thiêng liêng cho các “người nhà”?
◻ Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay đã xuất hiện thế nào?
[Hình nơi trang 13]
Lớp người “đầy-tớ” trong thế kỷ thứ nhất đã có một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm các sứ đồ và trưởng lão trong hội-thánh Giê-ru-sa-lem