Động lực nào thúc đẩy bạn phụng sự Đức Chúa Trời?
“Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (MÁC 12:30).
1, 2. Công việc rao giảng đang đạt được những thành quả khích lệ nào?
NGƯỜI TA không chỉ nhìn bề ngoài của một chiếc xe mà đánh giá nó. Một lớp sơn có thể tô điểm vẻ ngoài của nó, và kiểu xe đẹp có thể thu hút một người dự định mua nó; nhưng điều quan trọng hơn nhiều là những gì mắt không thấy liền—động cơ đẩy xe đi, cùng với tất cả các bộ phận khác điều khiển chiếc xe.
2 Việc tín đồ đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời cũng tương tự thế. Nhân-chứng Giê-hô-va hầu việc Đức Chúa Trời rất nhiều. Mỗi năm, họ dùng hơn một tỷ giờ trong công việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Hơn nữa, họ điều khiển hàng triệu học hỏi Kinh-thánh và có hàng trăm ngàn người làm báp têm. Nếu bạn là người công bố tin mừng, bạn đã góp phần vào các số thống kê khích lệ này—ngay dù dường như chẳng là bao. Và bạn có thể biết chắc rằng “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:10).
3. Ngoài việc làm, tín đồ đấng Christ nên xem điều gì là thiết yếu, và tại sao?
3 Tuy nhiên, giá trị thật sự của việc phụng sự của chúng ta—với tư cách đoàn thể hoặc cá nhân—không chỉ đo lường qua các con số. Như Đức Chúa Trời nói cùng Sa-mu-ên, “loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng” (I Sa-mu-ên 16:7). Đúng vậy, Đức Chúa Trời coi trọng con người bề trong. Đành rằng việc làm là thiết yếu. Những việc làm biểu lộ sự tin kính làm cho tôn quí sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va và thu hút những người chưa làm môn đồ (Ma-thi-ơ 5:14-16; Tít 2:10; II Phi-e-rơ 3:11). Tuy vậy, việc làm của chúng ta tự nó là chưa đủ. Sau khi Giê-su sống lại, ngài có lý do để lo lắng cho hội thánh ở thành Ê-phê-sô—bất kể thành tích tốt của họ. Ngài nói với họ: “Ta biết công-việc ngươi... Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính-mến ban đầu” (Khải-huyền 2:1-4).
4. a) Làm sao việc chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời có thể trở nên một nghi thức miễn cưỡng? b) Tại sao chúng ta phải tự kiểm điểm về phương diện này?
4 Có một mối nguy hiểm. Với thời gian, việc chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời có thể trở nên một nghi thức miễn cưỡng. Một nữ tín đồ đấng Christ miêu tả hoàn cảnh của chị như thế này: “Tôi đi rao giảng, đi nhóm họp, học hỏi, cầu nguyện—nhưng tôi làm tất cả những điều đó một cách máy móc mà không bao giờ có cảm xúc gì cả”. Dĩ nhiên, các tôi tớ Đức Chúa Trời đáng được khen khi họ gắng sức hầu việc Ngài dù bị “quật ngã” hay “ngã lòng” (II Cô-rinh-tô 4:9, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn; II Cô-rinh-tô 7:6). Tuy vậy, khi nề nếp sinh hoạt tín đồ đấng Christ của chúng ta trở nên nhàm chán, chúng ta cần phải xem kỹ động cơ của chúng ta. Ngay cả những loại xe tốt nhất cũng cần được bảo trì định kỳ; tương tự thế, tất cả tín đồ đấng Christ cần phải đều đặn tự kiểm điểm (II Cô-rinh-tô 13:5). Người khác có thể thấy việc làm của chúng ta, nhưng họ không thể nhận thấy động cơ thúc đẩy chúng ta hành động là gì. Do đó, mỗi người chúng ta nên chú ý đến câu hỏi này: ‘Động cơ nào thúc đẩy tôi phụng sự Đức Chúa Trời?’
Những trở ngại cho một động cơ tốt
5. Giê-su nói điều răn nào là quan trọng hơn hết?
5 Khi một người hỏi Giê-su luật nào ban cho dân Y-sơ-ra-ên là quan trọng hơn hết, ngài trích một điều răn chú tâm, không phải vào bề ngoài, nhưng vào động cơ trong lòng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:28-30). Như vậy, Giê-su nhận định động cơ nào nên thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời—tình yêu thương.
6, 7. a) Sa-tan đã ngấm ngầm tấn công khuôn khổ gia đình bằng cách nào, và tại sao? (II Cô-rinh-tô 2:11). b) Môi trường lớn lên có thể ảnh hưởng thái độ sau này của một người đối với uy quyền của Đức Chúa Trời như thế nào?
6 Sa-tan muốn gây trở ngại cho khả năng của chúng ta để vun trồng đức tính thiết yếu là tình yêu thương. Để đạt mục tiêu này, hắn dùng phương cách tấn công khuôn khổ gia đình. Tại sao? Vì những ấn tượng đầu tiên và lâu bền nhất của chúng ta về tình yêu thương bắt nguồn từ gia đình. Sa-tan biết rõ nguyên tắc trong Kinh-thánh nói rằng những điều chúng ta học khi còn thơ ấu có thể có giá trị khi chúng ta trưởng thành (Châm-ngôn 22:6). Hắn ngấm ngầm cố gắng làm méo mó khái niệm của chúng ta về tình yêu thương khi chúng ta còn nhỏ tuổi. Là “chúa đời nầy”, Sa-tan thấy ý định hắn đạt kết quả khi nhiều người lớn lên trong những gia đình, không có sự an toàn và yêu thương, mà lại giống như chiến trường cho sự cay đắng, tức mình và mắng nhiếc (II Cô-rinh-tô 4:4; Ê-phê-sô 4:31, 32; 6:4; Cô-lô-se 3:21).
7 Cuốn sách Xây dựng Đời sống Gia đình Hạnh phúc nhận xét rằng cách người cha thi hành phận sự của mình “có thể ảnh hưởng sâu đậm trên thái độ sau này của các con cái ông đối với uy quyền, của loài người và cả của Đức Chúa Trời nữa”.a Một nam tín đồ đấng Christ, lớn lên trong gia đình có người cha quá nghiêm khắc, công nhận: “Đối với tôi, vâng lời Đức Giê-hô-va là chuyện dễ; yêu mến Ngài thì khó hơn nhiều”. Dĩ nhiên, sự vâng lời là thiết yếu, vì trước mắt Đức Chúa Trời “sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ” (I Sa-mu-ên 15:22). Nhưng điều gì có thể giúp chúng ta không chỉ vâng lời Ngài mà còn vun trồng tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va để làm động lực thúc đẩy chúng ta phụng sự Ngài?
“Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng tôi”
8, 9. Sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su nên khích động lòng chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Động cơ mạnh nhất thúc đẩy chúng ta vun trồng tình yêu thương hết lòng đối với Đức Giê-hô-va là sự biết ơn đối với sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su Christ. “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày-tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế-gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9). Một khi chúng ta hiểu và quí trọng hành động đầy yêu thương này, nó sẽ thúc đẩy chúng ta đáp lại với lòng yêu thương. “Chúng ta yêu, vì [Đức Giê-hô-va] yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19).
9 Giê-su đảm lãnh nhiệm vụ của ngài là giải cứu loài người. “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống” (I Giăng 3:16; Giăng 15:13). Lòng yêu thương tự hy sinh của Giê-su nên thúc đẩy chúng ta đáp lại với lòng biết ơn. Để cho thí dụ: Giả sử một người cứu bạn khỏi bị chết đuối. Bạn có thể nào đi về nhà, lau khô mình và quên đi sự việc? Chắc chắn là không! Bạn sẽ mang ơn người đã cứu bạn. Thật vậy, nhờ người đó mà bạn vẫn còn sống. Chúng ta cũng mang ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ ít nhất điều đó, phải không? Nếu không có giá chuộc, mỗi người chúng ta sẽ chìm đắm trong tội lỗi và sự chết. Thay vì thế, vì hành động đầy yêu thương này, chúng ta có triển vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất (Rô-ma 5:12, 18; I Phi-e-rơ 2:23b).
10. a) Làm sao chúng ta có thể áp dụng giá chuộc cho chính cá nhân mình? b) Tình yêu thương của đấng Christ cảm động chúng ta như thế nào?
10 Hãy suy gẫm về giá chuộc. Hãy áp dụng giá chuộc cho cá nhân bạn, như Phao-lô đã làm: “Nay tôi còn sống trong xác-thịt, ấy là tôi sống trong đức-tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). Việc suy gẫm như thế sẽ khêu gợi trong bạn một động cơ nhiệt thành, vì Phao-lô viết cho các anh em ở thành Cô-rinh-tô: “Vì tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng tôi, và... Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (II Cô-rinh-tô 5:14, 15). Một bản Kinh-thánh (The Jerusalem Bible) viết rằng tình yêu thương của đấng Christ “tràn đầy trong lòng chúng ta”. Khi chúng ta suy tưởng về tình yêu thương của đấng Christ, chúng ta được thúc đẩy, động lòng sâu xa và ngay cả cảm thấy tràn đầy tình cảm. Tình yêu thương này động lòng chúng ta và thúc đẩy chúng ta hành động. Như bản Kinh-thánh của J. B. Phillips diễn ý, “động cơ căn bản thúc đẩy chúng ta hành động là tình yêu thương của đấng Christ”. Bất cứ động cơ nào khác sẽ không mang lại kết quả lâu bền trong chúng ta, như trường hợp của người Pha-ri-si cho thấy.
“Hãy giữ mình cẩn-thận về men của người Pha-ri-si”
11. Hãy miêu tả thái độ của người Pha-ri-si về việc làm tôn giáo.
11 Người Pha-ri-si làm cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời trở nên nhàm chán. Thay vì nhấn mạnh tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, họ nhấn mạnh việc làm như tiêu chuẩn để đo lường tính cách thiêng liêng của một người. Vì họ bận tâm lo về các luật lệ tỉ mỉ, bề ngoài họ nhìn có vẻ công bình, nhưng về bề trong họ “đầy xương người chết và mọi thứ dơ-dáy” (Ma-thi-ơ 23:27).
12. Sau khi Giê-su chữa lành một người Pha-ri-si cho thấy lòng họ cứng cỏi như thế nào?
12 Vào một dịp nọ, Giê-su thương xót chữa lành một người bị héo tay. Chắc hẳn người mắc bệnh phong vui mừng biết bao khi được chữa lành ngay lập tức khỏi một cơn bệnh chắc chắn đã khiến người đau đớn và khổ tâm rất nhiều! Tuy vậy, người Pha-ri-si không chia vui với người. Thay vì thế, họ soi mói về một chi tiết nhỏ nhặt—sự kiện Giê-su giúp đỡ một người vào ngày Sa-bát. Vì họ quá bận tâm giải lý Luật pháp một cách khách quan, họ hoàn toàn không nhận thức tinh thần của Luật pháp. Không có điều gì ngạc nhiên khi Giê-su “buồn vì lòng họ cứng-cỏi”! (Mác 3:1-5). Hơn nữa, ngài cảnh cáo môn đồ: “Hãy giữ mình cẩn-thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê” (Ma-thi-ơ 16:6). Kinh-thánh phơi bày các hành động và thái độ của họ để chúng ta được lợi ích.
13. Chúng ta có thể rút tỉa bài học nào qua trường hợp của người Pha-ri-si?
13 Trường hợp của người Pha-ri-si dạy chúng ta rằng chúng ta phải có quan điểm thăng bằng về việc làm. Đành rằng việc làm là thiết yếu, vì “đức-tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26). Tuy nhiên, loài người bất toàn có khuynh hướng phán xét người khác qua việc làm của họ thay vì qua con người bề trong của họ. Đôi khi chúng ta cũng có thể tự phán xét như thế. Chúng ta có thể quá lo lắng về thành tích, làm như điều này là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường tính thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta có thể quên đi tầm quan trọng của việc xem xét các động cơ của mình. (So sánh II Cô-rinh-tô 5:12). Chúng ta có thể trở thành những người khắt khe, quá chú tâm đến luật lệ, những người “lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc-đà”. Chúng ta có thể theo sát luật pháp nhưng đi ngược với mục tiêu của nó (Ma-thi-ơ 23:24).
14. Người Pha-ri-si giống cái chén hay mâm dơ dáy như thế nào?
14 Người Pha-ri-si không hiểu rằng nếu một người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va, thì những việc làm biểu lộ lòng tin kính sẽ đi kèm theo một cách tự nhiên. Tính thiêng liêng bộc lộ từ trong ra ngoài. Giê-su nhiệt liệt lên án người Pha-ri-si vì lối suy nghĩ sai lầm của họ về vấn đề này, ngài nói: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy-dẫy sự ăn-cướp cùng sự quá-độ. Hỡi người Pha-ri-si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch-sẽ” (Ma-thi-ơ 23:25, 26).
15. Hãy kể vài thí dụ cho thấy Giê-su không chỉ nhìn bề ngoài mà thôi.
15 Bề ngoài của cái chén, cái mâm hoặc ngay cả một tòa nhà chỉ cho biết một phần nào về nó. Môn đồ của Giê-su kinh ngạc trước vẻ đẹp của đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, nơi mà Giê-su gọi là “hang trộm-cướp” vì những gì xảy ra ở bên trong (Mác 11:17; 13:1). Như lịch sử của các đạo tự xưng theo đấng Christ cho thấy, tình trạng của đền thờ ấy giống tình trạng của hàng triệu người tự xưng là tín đồ đấng Christ. Giê-su nói rằng một số người làm “phép lạ” nhân danh ngài sẽ bị ngài đoán xét là “kẻ làm gian-ác” (Ma-thi-ơ 7:22, 23). Ngược lại, ngài nói về một bà góa đóng góp vài đồng tiền hầu như không đáng kể tại đền thờ: “Mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào... Mụ góa nầy nghèo-cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình” (Mác 12:41-44). Có phải Giê-su phán xét một cách mâu thuẫn chăng? Không đâu. Trong cả hai trường hợp này, Giê-su phản ảnh quan điểm của Đức Giê-hô-va (Giăng 8:16). Ngài thấy động cơ nằm đằng sau việc làm và nhờ đó mà phán xét.
“Tùy khả năng riêng mỗi người”
16. Tại sao chúng ta không cần phải luôn luôn so sánh thánh chức của chúng ta với thánh chức của một tín đồ đấng Christ nào khác?
16 Nếu chúng ta có động cơ đúng đắn, chúng ta không cần gì phải luôn luôn so sánh. Thí dụ, chúng ta sẽ không được lợi ích gì nếu tranh cạnh với người khác, cố gắng đi rao giảng nhiều giờ bằng người đó hoặc thực hiện những điều họ làm được trong công việc rao giảng. Giê-su bảo chúng ta phải yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn và hết sức của chính chúng ta—chứ không phải của một người nào khác. Khả năng, sức chịu đựng và hoàn cảnh của mỗi người khác nhau. Nếu hoàn cảnh bạn cho phép, tình yêu thương sẽ thúc đẩy bạn dành nhiều thì giờ trong công việc rao giảng—có lẽ với tư cách người tiên phong trọn thời gian nữa. Tuy nhiên, nếu bạn phải đương đầu với sự ốm đau, có lẽ bạn không thể dành ra nhiều thì giờ cho công việc rao giảng như bạn muốn. Chớ nản lòng. Lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời không đo lường qua số giờ. Nếu bạn có động cơ đúng đắn, bạn sẽ có lý do để vui mừng. Phao-lô viết: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác” (Ga-la-ti 6:4).
17. Hãy dùng lời lẽ riêng của bạn để kể lại vắn tắt chuyện ví dụ về các nén bạc.
17 Hãy xem xét chuyện ví dụ của Giê-su về các nén bạc, như được ghi nơi Ma-thi-ơ 25:14-30 (Bản dịch Tòa tổng giám mục). Một người sắp sửa lên đường đi xa kêu gọi đầy tớ mình và giao phó của cải mình cho họ. “Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng của mỗi người”. Khi người chủ trở về đặng tính sổ với các đầy tớ, ông thấy điều gì? Đầy tớ được giao năm nén đã gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, đầy tớ được giao hai nén gây lời được hai nén khác. Đầy tớ được giao một nén đi đào lỗ chôn nó dưới đất và đã không làm gì để gây lời cho chủ. Người chủ đánh giá tình hình thế nào?
18, 19. a) Tại sao người chủ đã không so sánh đầy tớ được giao hai nén bạc với đầy tớ được giao năm nén bạc? b) Chuyện ví dụ về các nén bạc dạy chúng ta điều gì về việc khen và so sánh? c) Tại sao đầy tớ thứ ba bị lên án?
18 Trước hết, chúng ta hãy xem hai đầy tớ, người này được giao năm nén và người kia hai nén. Người chủ nói với mỗi đầy tớ: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành!” Giả sử đầy tớ được giao năm nén chỉ gây lời thêm được hai nén, thì người chủ sẽ nói câu này không? Chắc không đâu! Ngược lại, người chủ đã không nói với đầy tớ gây lời được hai nén: ‘Tại sao ngươi lại không gây lời được năm nén? Nhìn người cùng làm đầy tớ kia, thấy người đã gây lời cho ta biết bao!’ Không đâu, người chủ thương xót, tượng trưng cho Giê-su, đã không so sánh. Người giao các nén bạc “tùy khả năng riêng mỗi người”, và người không đòi hỏi điều gì quá sức mỗi người. Cả hai đầy tớ đều được khen bằng nhau, vì cả hai đã làm việc hết lòng cho người chủ mình. Tất cả chúng ta có thể rút bài học từ câu chuyện này.
19 Dĩ nhiên, đầy tớ thứ ba không được khen. Thật vậy, hắn bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài. Vì hắn chỉ nhận được một nén bạc, người chủ không đòi hỏi hắn phải gây lời nhiều bằng đầy tớ có năm nén bạc. Tuy vậy, hắn đã không cố gắng gì cả! Hắn bị lên án chủ yếu vì thái độ “tồi tệ và biếng nhác” trong lòng, tiết lộ thiếu sự yêu thương đối với chủ.
20. Đức Giê-hô-va xem các giới hạn của chúng ta như thế nào?
20 Đức Giê-hô-va đòi hỏi mỗi người chúng ta hết sức yêu mến Ngài, nhưng chúng ta cảm động biết bao vì “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”! (Thi-thiên 103:14). Châm-ngôn 21:2 nói rằng “Đức Giê-hô-va cân-nhắc cái lòng”—chứ không phải các con số. Ngài hiểu bất cứ giới hạn nào nằm ngoài vòng kiểm soát của chúng ta, dù là về mặt tài chính, sức khỏe, tình cảm, v.v... (Ê-sai 63:9). Đồng thời Ngài đòi hỏi chúng ta tận dụng tài năng của chúng ta. Đức Giê-hô-va hoàn toàn, nhưng khi cư xử với những người bất toàn thờ phượng Ngài, Ngài không đòi hỏi sự hoàn toàn. Ngài không cư xử một cách vô lý hoặc đòi hỏi quá nhiều.
21. Nếu động cơ thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời là tình yêu thương, thì những thành quả tốt đẹp nào sẽ theo sau?
21 Yêu mến Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình đáng giá nhiều “hơn mọi của-lễ thiêu cùng hết thảy các của-lễ” (Mác 12:33). Nếu chúng ta được thúc đẩy bởi lòng yêu thương thì chúng ta sẽ phụng sự Đức Chúa Trời hết sức mình. Phi-e-rơ viết rằng nếu những đức tính, kể cả tình yêu thương, “có đủ trong anh em và đầy-dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta đâu” (II Phi-e-rơ 1:8).
[Chú thích]
a Do Hội Tháp Canh xuất bản.
Để ôn lại
◻ Động cơ nào nên thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời?
◻ Tình yêu thương của đấng Christ cảm động chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Chúng ta phải tránh bị phân tâm như người Pha-ri-si như thế nào?
◻ Tại sao luôn luôn so sánh thánh chức của chúng ta với thánh chức của một tín đồ đấng Christ nào khác là điều thiếu khôn ngoan?
[Hình nơi trang 16]
Khả năng, sức chịu đựng và hoàn cảnh của mỗi người khác nhau