Bạn có thể tin cậy lương tâm của bạn không?
DƯỚI các điều kiện bình thường, la bàn là một dụng cụ đáng tin cậy. Cái kim của nó luôn chỉ về hướng bắc vì ảnh hưởng của từ trường trái đất. Vì thế mà những nhà du hành có thể nhờ vào la bàn để tìm phương hướng khi không có những cái mốc để hướng dẫn họ. Nhưng điều gì xảy ra khi đặt một thỏi nam châm gần la bàn? Thay vì chỉ về hướng bắc, thì kim của la bàn lại quay về phía thỏi nam châm. Nó không còn là một vật hướng dẫn đáng tin cậy nữa.
Điều tương tự như thế có thể xảy ra cho lương tâm con người. Đấng Tạo Hóa phú cho chúng ta năng lực này để hướng dẫn một cách đáng tin cậy. Bởi lẽ chúng ta được tạo ra theo hình của Đức Chúa Trời, nên lương tâm phải luôn xoay chúng ta về đúng hướng khi cần quyết định. Nó phải thôi thúc chúng ta phản ánh các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:27). Thường thì như vậy. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô theo đạo đấng Christ viết rằng ngay cả một số người không có luật thiên khải của Đức Chúa Trời “tự-nhiên làm những việc luật-pháp dạy-biểu”. Tại sao? Bởi vì “chính lương-tâm mình làm chứng” (Rô-ma 2:14, 15).
Tuy vậy, lương tâm không luôn luôn lên tiếng khi lẽ ra phải nói. Vì sự bất toàn của con người, chúng ta có xu hướng thực hành điều chúng ta biết là sai quấy. Phao-lô nhìn nhận: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm-biết trong chi-thể mình có một luật khác giao-chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu-tù cho luật của tội-lỗi, tức là luật ở trong chi-thể tôi vậy” (Rô-ma 7:22, 23). Nếu chúng ta chiều theo khuynh hướng sai trái nhiều lần, lương tâm có thể dần dần trở nên chai lì và cuối cùng ngừng nói cho chúng ta biết rằng hạnh kiểm như thế là sai.
Tuy nhiên, dù bất toàn, chúng ta vẫn có thể uốn nắn lương tâm mình theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Thật vậy, làm thế là điều thiết yếu. Một lương tâm trong sạch, được rèn luyện đúng đắn không những đưa đến một quan hệ cá nhân, nồng nàn với Đức Chúa Trời mà còn thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:22; 1 Phi-e-rơ 1:15, 16). Hơn nữa, một lương tâm tốt sẽ giúp chúng ta quyết định khôn ngoan trong cuộc sống, điều đó sẽ dẫn tới bình an và hạnh phúc. Người viết Thi-thiên nói về một người có lương tâm như thế: “Luật-pháp Đức Chúa Trời người ở trong lòng người; bước người không hề xiêu-tó” (Thi-thiên 37:31).
Rèn luyện lương tâm
Rèn luyện lương tâm không chỉ bao gồm việc thuộc lòng một bảng luật pháp và rồi tuân thủ nghiêm ngặt các luật ấy. Những người Pha-ri-si vào thời Chúa Giê-su đã làm thế. Các người lãnh đạo tôn giáo này biết Luật Pháp và đã phát triển một truyền thống đầy đủ chi tiết mà họ cho là giúp người ta tránh vi phạm Luật Pháp. Vì thế, họ mau lẹ phản đối khi môn đồ của Chúa Giê-su ngắt lúa mì ăn trong ngày Sa-bát. Và họ chất vấn Chúa Giê-su khi ngài chữa lành một người teo tay vào ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:1, 2, 9, 10). Theo truyền thống của người Pha-ri-si, thì cả hai việc làm này vi phạm điều răn thứ tư (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).
Rõ ràng là người Pha-ri-si có học Luật Pháp. Nhưng lương tâm của họ có phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không? Chắc chắn là không! Vì sau khi bắt khoan bắt nhặt về điều mà họ nghĩ là một sự vi phạm trắng trợn luật ngày Sa-bát, thì họ lại “lập mưu đặng giết Ngài [Chúa Giê-su]” (Ma-thi-ơ 12:14). Bạn hãy nghĩ—các người lãnh đạo tôn giáo này tự nhận là công bình, căm giận về việc ăn lúa mì mới hái và chữa bệnh trong ngày Sa-bát; nhưng họ lại không bứt rứt chút nào về âm mưu giết Chúa Giê-su!
Các thầy tế lễ cả biểu lộ một lối suy nghĩ sai trái tương tự. Những con người thối nát này không cảm thấy một chút tội lỗi, khi họ dùng 30 miếng bạc trong quỹ của đền thờ để dụ dỗ Giu-đa phản bội Chúa Giê-su. Nhưng khi Giu-đa bất ngờ ném trả lại số tiền trong đền thờ, thì lương tâm của các thầy tế lễ cả phải đối diện với một vấn đề khó xử về mặt luật pháp. Họ nói: “Không có phép để bạc nầy trong kho thánh, vì là giá của huyết” (Ma-thi-ơ 27:3-6). Hiển nhiên, các thầy tế lễ cả lo lắng là bấy giờ tiền của Giu-đa đã ô uế. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:18). Tuy nhiên, cũng chính nhóm người này không thấy sai trái chút nào khi dùng số tiền ấy mua chuộc Giu-đa phản bội Con Đức Chúa Trời!
Hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời
Các kinh nghiệm trên cho thấy rằng rèn luyện lương tâm đòi hỏi nhiều hơn là nhớ một số luật lệ. Công nhận rằng hiểu biết các luật pháp của Đức Chúa Trời là thiết yếu, và cần vâng theo các luật ấy để được cứu rỗi (Thi-thiên 19:7-11). Tuy nhiên, ngoài việc học luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta phải phát triển một tấm lòng hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Lúc bấy giờ chúng ta có thể thấy sự hiệu nghiệm của lời tiên tri Đức Chúa Trời nói qua Ê-sai; đó là: “Mắt ngươi sẽ được thấy [Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, NW]. Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:20, 21; 48:17).
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là khi chúng ta đối diện với một quyết định quan trọng, thì thật sự có một tiếng nói cho chúng ta biết phải làm gì. Tuy thế, khi lối suy nghĩ của chúng ta hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời, thì lương tâm sẽ được trang bị đầy đủ hơn, giúp chúng ta có những quyết định làm đẹp lòng Ngài (Châm-ngôn 27:11).
Hãy xem trường hợp của Giô-sép, một người sống trong thế kỷ 18 TCN. Khi vợ của Phô-ti-pha nài ép ông phạm tội ngoại tình với bà ta, thì Giô-sép từ chối và nói rằng: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế Ký 39:9). Trong thời Giô-sép, Đức Chúa Trời chưa cho viết ra luật pháp lên án hành vi ngoại tình. Hơn nữa, Giô-sép sống ở Ai Cập, không ở dưới kỷ luật gia đình hay các luật lệ của tộc trưởng. Thế thì điều gì khiến Giô-sép chống lại cám dỗ? Nói một cách đơn giản: chính vì lương tâm được rèn luyện. Giô-sép chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời là hai vợ chồng “nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Vì vậy ông thấy rằng lấy vợ của người khác là sai. Lối suy nghĩ của Giô-sép về vấn đề đó hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Ông xem việc ngoại tình là trái với đạo đức.
Ngày nay, ít người được như Giô-sép. Sự vô luân lan tràn khắp chốn, và nhiều người không cảm thấy có trách nhiệm nào đối với Đấng Tạo Hóa, với bản thân, hay ngay cả với người hôn phối để giữ mình cho tinh sạch về đạo đức. Tình trạng này rất giống như được mô tả trong sách Giê-rê-mi: “Chẳng có ai ăn-năn điều ác của mình, mà rằng: Ta đã làm gì? Thảy đều giong-ruổi như ngựa xông vào trận” (Giê-rê-mi 8:6). Như thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Có sự sắp đặt kỳ diệu để giúp chúng ta làm thế.
Sự giúp đỡ để rèn luyện lương tâm
Kinh-thánh được soi dẫn, “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Học hỏi Kinh-thánh sẽ giúp chúng ta rèn luyện khả năng mà Kinh-thánh gọi là “tâm tư”, hầu phân biệt phải trái (Hê-bơ-rơ 5:14). Nó sẽ giúp chúng ta phát triển lòng yêu mến đối với những điều Đức Chúa Trời yêu và lòng gớm ghiếc đối với những điều Ngài ghét (Thi-thiên 97:10; 139:21).
Thế thì, mục tiêu học hỏi Kinh-thánh là nhằm có được tinh thần và thực chất của lẽ thật thay vì chỉ hiểu biết chi tiết. Trong số báo ra ngày 1-9-1976, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) phát biểu: “Khi học hỏi Kinh-thánh, chúng ta phải cố sức nắm bắt cho được ý nghĩa của công lý, tình yêu thương, sự công bình của Đức Chúa Trời và ghi khắc sâu xa các đức tính này vào lòng, hầu chúng trở thành tự nhiên như ăn uống và hít thở vậy. Chúng ta phải cố gắng nhận thức rõ hơn nữa một tinh thần trách nhiệm về đạo đức bằng cách vun trồng một ý thức sắc bén về điều phải và trái. Hơn thế nữa, chúng ta phải làm lương tâm mình cảm nhận sâu xa về trách nhiệm đối với Đấng Lập Luật và Quan Xét hoàn toàn (Ê-sai 33:22). Vì thế khi học hỏi về Đức Chúa Trời, chúng ta phải cố noi gương Ngài về mọi phương diện trong đời sống”.
Có được “ý của Đấng Christ”
Học hỏi Kinh-thánh cũng giúp chúng ta đạt được “ý của Đấng Christ”, tức tính khí vâng lời và khiêm nhường mà Chúa Giê-su thể hiện (1 Cô-rinh-tô 2:16). Làm theo ý muốn của Cha ngài là điều vui mừng, không phải chỉ tự động làm theo thói quen mà không cần suy nghĩ. Bằng một lời tiên tri, người viết Thi-thiên là Đa-vít miêu tả thái độ của ngài; ông viết: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi”a (Thi-thiên 40:8).
Đạt được “ý của Đấng Christ” là trọng yếu để rèn luyện lương tâm. Khi làm người hoàn toàn trên đất, Chúa Giê-su phản ánh các đức tính và cá tính của Cha ngài đến mức tột cùng trong phạm vi khả năng con người. Như thế, ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Trong mọi hoàn cảnh ngài gặp trên đất, Chúa Giê-su làm y như ý muốn của Cha ngài. Do đó, khi học về đời sống của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rõ Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào.
Chúng ta đọc thấy rằng Đức Giê-hô-va “nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). Có nhiều lần, Chúa Giê-su biểu hiện các đức tính này khi đối xử với sứ đồ. Khi họ nhiều lần cãi vã nhau xem ai lớn hơn, thì Chúa Giê-su kiên nhẫn dạy họ bằng lời nói và gương mẫu: “Kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:26, 27). Đây chỉ là một thí dụ để chứng tỏ rằng chúng ta có thể trở nên hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời bằng cách xem xét đời sống của Chúa Giê-su.
Chúng ta càng học nhiều về Chúa Giê-su bao nhiêu, thì chúng ta càng được trang bị tốt hơn bấy nhiêu để noi gương Cha trên trời, Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 5:1, 2). Lương tâm hòa hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời sẽ hướng chúng ta vào con đường đúng. Đức Giê-hô-va hứa với những ai tin cậy vào Ngài: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi” (Thi-thiên 32:8).
Được lợi ích nhờ một lương tâm được rèn luyện
Biết rằng con người bất toàn có khuynh hướng xấu, Môi-se cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay, mà truyền cho con-cháu mình, để chúng nó cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:46). Chúng ta cũng phải ghi khắc vào lòng luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu làm thế, thì chúng ta sẽ bước đi theo lương tâm dễ dàng hơn; nó sẽ giúp chúng ta quyết định đúng.
Tất nhiên, chúng ta phải thận trọng. Câu châm ngôn trong Kinh-thánh nói: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm-ngôn 14:12). Tại sao điều này thường đúng? Bởi vì, như Kinh-thánh nói: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Vì vậy, chúng ta ai nấy cần theo lời khuyên của Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.
[Chú thích]
a Trong lá thư gửi người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô áp dụng lời của Thi-thiên 40 cho Chúa Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 10:5-10).
[Hình nơi trang 7]
Như một cái la bàn, lương tâm được Kinh-thánh rèn luyện có thể chỉ cho chúng ta biết đường hướng đúng
[Nguồn tư liệu]
La bàn: Courtesy, Peabody Essex Museum, Salem, Mass.