Sự công bình không bởi lời truyền khẩu
“Nếu sự công-bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công-bình của các thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước [trên trời]” (MA-THI-Ơ 5:20).
1, 2. Những điều gì xảy ra trước khi Giê-su nói Bài giảng trên Núi?
HÔM ĐÓ Giê-su ở một đêm trên núi. Bầu trời trên cao giăng đầy những vì sao lấp lánh. Những sinh vật ăn đêm ẩn mình xào xạc trong các bụi cây. Về phía đông, nước biển Ga-li-lê nhè nhẹ đập vào bờ. Nhưng Giê-su có lẽ không lưu tâm đến cảnh đẹp yên tịnh, êm đềm đang bao phủ xung quanh ngài. Ngài đã cầu nguyện suốt đêm với Cha trên trời của ngài là Đức Giê-hô-va. Ngài cần Cha ngài hướng dẫn vì ngày hôm sau sẽ rất là quan trọng.
2 Bầu trời ửng hồng bên phương đông. Chim chóc bắt đầu tung tăng nhảy nhót líu lo. Những đóa hoa dại lả lơi theo chiều gió. Khi hừng đông bắt đầu ló dạng nơi chân trời, Giê-su gọi các môn đồ lại gần và ngài chọn ra 12 người để làm sứ đồ của ngài. Rồi tất cả cùng ngài bắt đầu đi xuống dọc theo sườn núi. Từ đằng xa đoàn dân đông lũ lượt kéo về phía ngài từ Ga-li-lê, Ty-rơ và Si-đôn, Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Họ đến để xin ngài chữa lành mọi bệnh tật. Quyền phép của Đức Giê-hô-va ra từ ngài chữa lành những người sờ đến ngài. Họ cũng đến để nghe những lời của ngài như dầu xoa dịu cho linh hồn phiền lụy của họ (Ma-thi-ơ 4:25; Lu-ca 6:12-19).
3. Tại sao các môn đồ và đoàn dân đông mong đợi khi Giê-su bắt đầu nói?
3 Các thầy dạy đạo thời đó thường có thói quen ngồi xuống trong những buổi giảng dạy quan trọng, và vào buổi sáng mùa xuân đặc biệt nầy năm 31 tây lịch, Giê-su cũng đã ngồi xuống, có lẽ tại một chỗ cao trên triền đồi. Khi các môn đồ ngài và đoàn dân đông thấy vậy, họ biết có điều gì đặc biệt sắp diễn ra, cho nên họ nhóm lại chung quanh ngài với thái độ trông đợi. Khi ngài bắt đầu nói, họ mong đợi lời nói của ngài; rồi đến lúc ngài chấm dứt, họ kinh ngạc về những gì họ đã được nghe. Chúng ta hãy xem tại sao (Ma-thi-ơ 7:28).
Hai loại công bình
4. a) Giê-su đã nói về hai loại công bình nào? b) Lời truyền khẩu có mục đích gì, và điều đó có thực hiện được không?
4 Trong Bài giảng trên Núi ghi lại nơi Ma-thi-ơ 5:1 đến 7:29 và cả nơi Lu-ca 6:17-49, Giê-su cho thấy sự tương phản mạnh mẽ giữa hai hạng người: hạng thầy thông giáo và người Pha-ri-si và hạng thường dân mà họ áp bức. Ngài nói đến hai loại công bình, một loại công bình của người Pha-ri-si và một loại công bình thật của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:6, 20). Sự công bình của người Pha-ri-si bắt nguồn từ lời truyền khẩu. Những lời nầy khởi đầu từ thế kỷ thứ hai trước tây lịch như là “hàng rào chung quanh Luật pháp [Môi-se]” để bảo vệ họ cho khỏi bị đồng hóa với văn hóa Hy-lạp. Những lời truyền khẩu đó được coi như là một phần của Luật pháp [Môi-se]. Thật vậy, những thầy thông giáo còn đặt những lời truyền khẩu lên trên cả Luật pháp [Môi-se]. Sách Mishnah nói: “Lời truyền khẩu của những thầy thông giáo được áp dụng nghiêm nhặt hơn cả Luật viết”. Vì thế, thay vì là “hàng rào chung quanh Luật pháp”, lời truyền khẩu của họ làm yếu đi và làm vô dụng hóa Luật pháp, y như lời Giê-su đã nói: “Các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, mà giữ lời truyền khẩu của loài người!” (Mác 7:5-9; Ma-thi-ơ 15:1-9).
5. a) Tình trạng của các thường dân đến nghe Giê-su là gì, và những thầy thông giáo và người Pha-ri-si xem họ thế nào? b) Điều gì đã khiến các lời truyền khẩu trở thành gánh nặng đến thế trên vai người dân lao động?
5 Những thường dân kéo đến nghe Giê-su là những người bị nghèo nàn về thiêng liêng, bị “cùng-khốn và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đầy kiêu hãnh khinh bỉ họ, gọi họ là ‘am ha.’a’rets (dân nhà quê), và khinh họ là dốt nát, là người tội lỗi bị rủa sả và không đáng được sống lại vì họ không giữ các lời truyền khẩu. Tới thời Giê-su thì những lời truyền khẩu đó đã trở thành quá nhiều bộ và các luật lệ nặng nề chằng chịt vô số kể—đầy những nghi lễ tốn thì giờ—đến độ không một người dân lao động nào có thể giữ được. Vì cớ đó Giê-su đã lên án các lời truyền khẩu như là “gánh nặng khó chịu buộc trên vai người ta” (Ma-thi-ơ 23:4; Giăng 7:45-49).
6. Có điều gì đáng kinh ngạc trong lời mở đầu của Giê-su, và lời đó ám chỉ có sự thay đổi nào cho các môn đồ ngài và cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?
6 Vậy khi Giê-su ngồi xuống trên triền đồi, những người đến gần để nghe là các môn đồ và đoàn dân đông đói khát về thiêng liêng. Những người nầy có lẽ rất kinh ngạc khi nghe lời mở đầu của ngài. “Phước cho những người nghèo-khó, phước cho những kẻ than-khóc, phước cho những kẻ đói khát, phước cho những kẻ bị mắng-nhiếc”. Nhưng ai có thể vui mừng được khi bị nghèo khó, đói khát, than khóc và bị mắng nhiếc? Và khốn cho những người giàu có, no đủ, đương cười, được khen! (Lu-ca 6:20-26). Chỉ với vài câu vắn tắt mà Giê-su đã đảo ngược mọi giá trị và tiêu chuẩn mà người thời đó thường chấp nhận. Đó là một sự đảo ngược đột ngột về địa vị, hòa hợp với lời nói sau nầy của Giê-su: “Ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 18:9-14).
7. Lời mở đầu của Giê-su chắc hẳn đã có ảnh hưởng nào trên đoàn dân đông đói khát về thiêng liêng đang lắng nghe Giê-su?
7 Trái ngược với những thầy thông giáo và người Pha-ri-si tự mãn, những người đến với Giê-su vào buổi sáng đó nhận biết được tình trạng thiêng liêng thảm thương của họ. Lời mở đầu của ngài chắc hẳn đã làm cho họ tràn trề hy vọng: “Phước cho những kẻ ý thức được nhu cầu thiêng liêng, vì nước trên trời là của những kẻ ấy” (NW). Tinh thần họ chắc hẳn đã được nâng cao vút khi ngài nói thêm: “Phước cho những kẻ đói khát sự công-bình, vì sẽ được no-đủ!” (Ma-thi-ơ 5:3, 6; Giăng 6:35; Khải-huyền 7:16, 17). Được no đủ về sự công bình, đúng vậy, nhưng không phải loại công bình kiểu người Pha-ri-si.
“Công-bình trước mắt người ta” không đủ
8. Tại sao một số người chắc hẳn tự hỏi là sự công bình của họ làm sao có thể trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, tuy vậy tại sao họ phải công bình hơn mới được?
8 Giê-su nói: “Nếu sự công-bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công-bình của các thầy thông-giáo và các người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước [trên trời]”. (Ma-thi-ơ 5:17-20; xem Mác 2:23-28; 3:1-6; 7:1-13). Chắc nhiều người tự hỏi: “Làm sao công bình hơn người Pha-ri-si được? Họ nhịn ăn và cầu nguyện, dâng một phần mười, bố thí và bỏ cả đời để học hỏi Luật pháp Làm sao mà sự công bình của chúng ta trổi hơn sự công bình của họ được?” Nhưng phải công bình hơn họ. Những người Pha-ri-si có lẽ được loài người trọng vọng, nhưng Đức Chúa Trời không coi trọng sự công bình của họ. Một lần khác, Giê-su nói thẳng với người Pha-ri-si: “Các ngươi làm bộ công-bình qua mặt người ta, song Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì sự người ta tôn-trọng là sự gớm-ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời” (Lu-ca 16:15).
9-11. a) Một cách mà các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nghĩ sẽ giúp họ có được một vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời là gì? b) Họ mong đạt được sự công bình bằng cách thứ hai nào? c) Cách thứ ba họ hy vọng đạt được sự công bình là gì, và sứ đồ Phao-lô nói gì cho biết cách đó cũng chỉ thất bại mà thôi?
9 Các thầy dạy đạo đã chế biến thêm các luật lệ của riêng họ để đạt được sự công bình. Một cách được công bình là nhờ làm con cháu Áp-ra-ham: “Môn đồ của tổ phụ Áp-ra-ham chúng ta thụ hưởng thế gian nầy và thừa hưởng thế gian sẽ đến” (Mishnah). Có lẽ Giăng Báp-tít đã chống lại lời truyền khẩu nầy khi cảnh cáo những người Pha-ri-si đến với ông: “Các ngươi hãy kết quả xứng-đáng với sự ăn-năn, và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ chúng ta [tưởng rằng vậy là đủ rồi]” (Ma-thi-ơ 3:7-9; cũng xem Giăng 8:33, 39).
10 Họ nói cách thứ hai để đạt đến sự công bình là làm sự bố thí. Hai cuốn kinh sách ngụy tạo do người Do-thái sùng đạo viết vào khoảng thế kỷ thứ hai trước tây lịch phản ảnh quan điểm cựu truyền nầy. Một câu xuất hiện trong cuốn Tôbya (Tobit): “Bố thí cứu cho khỏi chết, và tẩy sạch mọi tội” (12:9, bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Cuốn Huấn ca (Sirach) đồng ý: “Nước dập tắt lửa hỏa hào, cũng vậy, việc nghĩa xá đền tội lỗi” (3:30, bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
11 Cách thứ ba để họ đạt được sự công bình là nhờ việc làm bởi Luật pháp. Lời truyền khẩu của họ dạy rằng nếu việc làm của một người đa số là tốt thì người đó sẽ được cứu. Sự phán xét “tùy theo các việc tốt nhiều hơn các việc xấu” (Mishnah). Để được vị thế tốt lúc phán xét, họ cố gắng “lập nhiều công để được giảm tội”. Nếu việc làm tốt nhiều hơn việc xấu chỉ một việc thôi thì người đó sẽ được cứu—họ làm như thể là Đức Chúa Trời xét đoán bằng cách đếm từng hoạt động nhỏ nhặt của họ (Ma-thi-ơ 23:23, 24). Phao-lô viết để trình bày một quan điểm đúng: “Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật-pháp mà sẽ được xưng công-bình trước mặt Ngài [Đức Chúa Trời]” (Rô-ma 3:20). Chắc chắn, sự công bình của các tín đồ đấng Christ phải trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si!
“Các ngươi có nghe lời phán rằng”
12. a) Có sự thay đổ nào trong cách nói thông thường của Giê-su khi nhắc lại phần Kinh-thánh Hê-bơ-rơ trong Bài giảng trên Núi của ngài, và tại sao vậy? b) Chúng ta biết được gì qua việc dùng lần thứ sáu thành ngữ “Có lời phán rằng”?
12 Khi Giê-su trích dẫn phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ, ngài nói: “Có lời chép rằng” (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10). Nhưng có sáu lần trong Bài giảng trên Núi, ngài nói về những câu nghe giống như lấy từ Kinh-thánh phần Hê-bơ-rơ qua những chữ: “Có lời phán rằng” (Ma-thi-ơ 5:21, 27, 31, 33, 38, 43). Tại sao? Bởi vì ngài nói đến Kinh-thánh theo cách diễn giải bằng lời truyền khẩu của người Pha-ri-si trái ngược với điều răn của Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2; Ma-thi-ơ 15:3). Điều nầy được thấy rõ trong lần thứ sáu và cũng là lần chót của loạt sáu lần nầy: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình”. Nhưng không có luật nào của Môi-se nói rằng: “Hãy ghét kẻ thù-nghịch mình”. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã nói thêm điều đó. Đó là cách họ diễn giải Luật “yêu người lân-cận”—theo họ là người Do-thái lân cận chứ không ai khác cả.
13. Giê-su cảnh cáo thế nào về hành vi dù khởi đầu nhưng có thể đưa đến việc thật sự giết người?
13 Giờ đây hãy xem xét lần đầu trong sáu câu diễn dẫn đó. Giê-su tuyên bố: “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa-án xử-đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán” (Ma-thi-ơ 5:21, 22). Cơn giận trong lòng có thể đưa đến sự lộng ngôn và do đó bị xử đoán, và cuối cùng nó có thể đưa đến sự giết người. Sự giận nuôi dưỡng trong lòng có thể nguy hại: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người” (I Giăng 3:15).
14. Giê-su khuyên chúng ta thế nào để đừng bước vào con đường đưa đến sự phạm tội ngoại tình?
14 Kế tiếp Giê-su nói: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi” (Ma-thi-ơ 5:27, 28). Bạn sẽ không phạm tội ngoại tình phải không? Vậy thì đừng bước vào con đường tội lỗi đó dù là chỉ thích nghĩ đến đó đi nữa. Hãy gìn giữ lòng bạn vì từ lòng phát sinh ra những điều đó (Châm-ngôn 4:23; Ma-thi-ơ 15:18, 19). Gia-cơ 1:14, 15 cảnh cáo: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. Có khi người ta nói: “Đừng bắt đầu điều gì mình không thể kết thúc”. Nhưng trong trường hợp nầy chúng ta nên nói: “Đừng bắt đầu điều gì mình không ngừng được”. Có một số người đã trung thành ngay cả dù cho bị đe dọa xử bắn trên pháp trường, nhưng sau lại bị ngã trong cái bẫy tình dục vô luân.
15. Về chuyện ly dị, Giê-su dạy khác hẳn thế nào so với những điều trong lời truyền khẩu của người Do-thái?
15 Giờ đây chúng ta hãy xem câu thứ ba của Giê-su: “Lại có nói rằng: Nếu người nào [ly dị] vợ mà không phải vì cớ ngoại-tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà-dâm; lại nếu người nào cưới đờn-bà bị [ly dị] [có nghĩa là ly dị ngoài cớ tình dục vô luân], thì cũng phạm tội tà- dâm” (Ma-thi-ơ 5:31, 32). Một số người Do-thái đối xử xảo trá với vợ và ly dị vợ vì những cớ nhỏ nhen không đáng (Ma-la-chi 2:13-16; Ma-thi-ơ 19:3-9). Các lời truyền khẩu cho phép một người ly dị vợ “chỉ vì nàng nấu một món không vừa ý chồng” hay là “nếu người đó thấy một người khác đẹp đẽ hơn vợ nhà” (Sách Mishnah).
16. Sự thực hành nào của người Do-thái đã làm cho lời thề vô nghĩa, và Giê-su đã dạy gì?
16 Cũng trong lối nói tương tợ, Giê-su tiếp tục: “Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối... Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết”. Thời bấy giờ người Do-thái đã lạm dụng lời thề và thề thốt những điều nhỏ nhặt mà họ chẳng làm nữa. Nhưng Giê-su nói: “Đừng thề chi hết... Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không”. Luật của ngài rất là đơn giản: Lúc nào cũng nói thật, khỏi cần dùng lời thề để bảo đảm lời nói của mình là thật. Hãy để dành lời thề cho những vấn đề cần yếu. (Ma-thi-ơ 5:33-37; so sánh 23:16-22).
17. Giê-su dạy phương cách nào tốt hơn là “mắt đền mắt, răng đền răng”?
17 Giê-su nói tiếp: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống-cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:38-42). Ở đây Giê-su không nói đến một đòn với mục đích gây thương tích, nhưng nói đến một cái tát trên má cốt để nhục mạ. Đừng hạ phẩm giá của bạn bằng cách trả đũa giống như vậy. Hãy tránh lấy ác trả ác. Tốt hơn, nên đối xử tốt và nhờ đó “lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:17-21).
18. a) Người Do-thái đã sửa thế nào luật về sự yêu thương kẻ lân cận mình, nhưng Giê-su đã sửa lại họ thế nào? b) Giê-su đã trả lời ra sao cho một thầy dạy luật muốn giới hạn ý nghĩa của chữ “kẻ lân-cận”?
18 Trong thí dụ thứ sáu và cũng là cuối cùng, Giê-su chỉ cho thấy rõ Luật pháp Môi-se đã bị lời truyền khẩu của các thầy dạy đạo làm cho suy yếu đi: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43, 44). Luật pháp Môi-se ghi chép không có giới hạn tình yêu thương: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình” (Lê-vi Ký 19:18). Chính người Pha-ri-si không thích theo điều răn nầy, và để cố tránh điều răn nầy họ giới hạn chữ “người lân-cận” để ám chỉ những người giữ theo lời truyền khẩu. Chính vì thế mà sau đó khi Giê-su nhắc nhở một thầy dạy luật về điều răn “yêu-thương kẻ lân-cận như mình”, ông ta lý sự: “Ai là người lân-cận tôi?” Giê-su đã trả lời bằng ví dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành—chính bạn hãy trở thành người lân-cận cho kẻ nào cần đến bạn (Lu-ca 10:25-37).
19. Giê-su khuyến khích chúng ta noi theo hành động nào của Đức Giê-hô-va đối với kẻ dữ?
19 Tiếp tục bài giảng của ngài, Giê-su nói đại khái: Đức Chúa Trời bày tỏ tình thương đối với kẻ dữ. Ngài khiến mặt trời mọc soi sáng cho kẻ dữ và làm mưa cho kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu các ngươi thì không có gì là lạ đâu. Các kẻ dữ cũng làm giống như vậy. Không có lý do gì đáng thưởng trong đó cả. Hãy tỏ ra chính các ngươi là con Đức Chúa Trời. Hãy bắt chước Ngài. Hãy tự mình trở nên người lân cận của mọi người và yêu thương người lân cận mình. Và như thế các ngươi “trở nên trọn-vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn-vẹn” (Ma-thi-ơ 5:45-48). Thật là một tiêu chuẩn không dễ đạt đến! Và tiêu chuẩn nầy cũng cho thấy sự công bình của thầy thông giáo và người Pha-ri-si rất là thiếu sót!
20. Thay vì bỏ Luật pháp Môi-se qua một bên, Giê-su đã cho thấy luật đó có ảnh hưởng sâu rộng nào, và ngài đã đặt thế nào luật đó trên một tầm mức cao trọng hơn?
20 Vì thế, khi Giê-su nói về những phần trong Luật pháp Môi-se và thêm câu “Song ta nói cùng các ngươi” không phải là ngài bỏ luật Môi-se qua một bên và thế điều khác vào đó đâu. Không, nhưng ngài cho thấy sự sâu rộng của sức mạnh tiềm tàng trong tinh thần luật pháp đó. Luật pháp cao trọng về tình anh em lên án việc tiếp tục có ý xấu như là tội giết người. Luật pháp cao trọng về sự tinh sạch lên án việc tiếp tục có ý tưởng dâm dục như là tội ngoại tình. Luật pháp cao trọng về hôn nhân không cho phép ly dị vì cớ nhỏ nhặt để rồi đi đến sự tái hôn bất chính. Luật pháp cao trọng về việc tôn trọng sự thật cho thấy việc lặp đi lặp lại lời thề là không cần thiết. Luật pháp cao trọng về sự hiền lành loại bỏ việc trả thù. Luật pháp cao trọng về sự yêu thương khuyến khích vun trồng tình yêu thương vô giới hạn giống như của Đức Chúa Trời.
21. Lời khuyên nhủ của Giê-su tiết lộ gì về sự tự xưng công bình của giới lãnh đạo dạy luật, và đoàn dân đông còn học biết điều gì khác nữa?
21 Những lời khuyên chưa từng nghe qua nầy chắc đã có ảnh hưởng sâu xa biết bao khi lọt vào tai những người mới nghe lần đầu tiên! Những lời ấy cho thấy sự công bình giả hình do cố gắng làm theo các lời truyền khẩu của giới lãnh đạo dạy luật là vô nghĩa biết bao! Nhưng khi Giê-su tiếp tục Bài giảng trên Núi của ngài, đoàn dân đông đói khát sự công bình của Đức Chúa Trời sẽ học biết cách làm sao đạt được sự công bình đó, như trong bài sau đây sẽ bàn tới.
Câu hỏi ôn lại
◻ Tại sao những người Do-thái lập ra những lời truyền khẩu?
◻ Giê-su đã đảo ngược điều gì liên quan đến các thầy thông giáo và người Pha-ri-si với các thường dân?
◻ Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si mong đạt được vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời bằng những cách nào?
◻ Giê-su đã chỉ cách nào để tránh tội tà dâm và ngoại tình?
◻ Bằng cách chỉ rõ tinh thần tiềm tàng trong Luật pháp Môi-se, Giê-su đã thiết lập tiêu chuẩn cao trọng nào?