Thử thách và sàng sẩy thời nay
“Ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra?” (MA-LA-CHI 3:2).
1. Đức Giê-hô-va đã thấy gì khi vào trong đền thờ thiêng liêng thời nay, và câu hỏi nào được đặt ra?
Khi “Chúa” vào trong đền thờ thiêng liêng cùng với “thiên-sứ của sự giao-ước”, ít lâu sau khi Nước Trời được thành lập ở trên trời năm 1914, Đức Giê-hô-va đã thấy gì? Dân của Ngài cần phải được tinh luyện và tẩy sạch. Họ có bằng lòng làm như vậy và chịu nổi bất cứ việc tẩy sạch nào cần thiết liên quan đến tổ chức, hoạt động, giáo lý và hạnh kiểm không? Ma-la-chi viết: “Ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra?” (Ma-la-chi 3:1, 2).
2. Vào thời nay ai là “các con trai Lê-vi” được nói đến trong Ma-la-chi 3:3?
2 Đức Giê-hô-va đảm nhận trách nhiệm tẩy sạch và tinh luyện “các con trai Lê-vi” (Ma-la-chi 3:3). Vào thời xưa, các thầy tế lễ và những phụ tá đền thờ đều thuộc chi phái Lê-vi. “Các con trai Lê-vi” như thế tương ứng với tập thể những người được xức dầu ngày nay phụng sự với tư cách thầy tế lễ dưới quyền của Giê-su, Thầy tế lễ thượng phẩm (I Phi-e-rơ 2:7-9; Hê-bơ-rơ 3:1). Họ là những người đầu tiên đã chịu thử thách khi Đức Giê-hô-va vào trong đền thờ thiêng liêng với “thiên-sứ của sự giao-ước”. Bằng chứng nào cho thấy cuộc tinh luyện này đã diễn ra kể từ cuối Thế Chiến thứ nhất?
Một thời kỳ thử thách khắt khe
3. Tình trạng của các Nhân-chứng của Đức Chúa Trời ra sao vào mùa xuân năm 1918?
3 Khi Đức Giê-hô-va cùng với “thiên-sứ của sự giao-ước” vào trong đền thờ thiêng liêng, Ngài thấy số người được xức dầu còn sót lại cần được tinh luyện và tẩy sạch. Thí dụ, tạp chí Tháp Canh (Anh-ngữ) trước đó đã khuyến khích các độc giả hãy dành ra ngày 30-5-1918 làm ngày cầu nguyện cho sự chiến thắng của các cường quốc dân chủ, thể theo lời yêu cầu của Quốc hội Hoa-kỳ và Tổng thống Wilson. Làm thế là vi phạm sự trung lập của tín đồ đấng Christ (Giăng 17:14, 16).
4. Sự bắt bớ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã diễn tiến như thế nào?
4 Giới lãnh đạo tôn giáo và các chính phủ đã gây áp lực mạnh trên các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Vì bị vu khống là xui giục nổi loạn, những người được xức dầu còn sót lại đã cố gắng tự bào chữa trước công chúng. Tuy nhiên, ngày 7-5-1918 người ta đã gửi trát bắt giam tám ủy viên điều hành và ban biên tập của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society), kể cả vị chủ tịch J. F. Rutherford. Phiên xử đã bắt đầu ngày thứ hai, ngày 3 tháng 6. Ngày 20 tháng 6 ban thẩm phán kết tội họ với bốn bản án. Đoạn ngày 4-7-1918 những tín đồ đã dâng mình này bị đưa đi bằng xe lửa đến khám đường ở Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia, Hoa-kỳ.
5. Sự kiện cần phải có sự sàng sẩy giữa những người phụng sự Đức Chúa Trời đã thể hiện rõ rệt thế nào, và điều gì cho thấy sự sàng sẩy đó đã xảy ra?
5 Vào mùa hè năm 1918, việc rao giảng công khai về Nước Trời của Đức Giê-hô-va bởi những người được xức dầu, một thời thật mạnh mẽ và có tổ chức, lúc ấy lại rất yếu ớt. Nói về hoạt động rao giảng công khai, họ giống như đã bị “giết” (Khải-huyền 11:3, 7). Khi các hội nghị được tổ chức vào mùa hè năm ấy, một số những kẻ bội đạo đã tự tách rời và đặt ra những nhóm tôn giáo đối lập. Vì đã biểu lộ những tính chất của một “đầy-tớ xấu”, chúng bị “sàng sẩy” như “trấu” tách khỏi số người được xức dầu còn sót lại trung thành với Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 3:12; 24:48-51). Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su được cử hành ngày Chủ nhật 13-4-1919 tại nhiều nước với sự tham dự của 17.961 người. So với bản báo cáo cho năm 1917 dù không đầy đủ, con số người tham dự Lễ Kỷ niệm đã giảm đi hơn 3.000 người, cho thấy hiệu quả của sự sàng sẩy.
6. Làm sao việc Đức Giê-hô-va cho phép dân Ngài chịu những thử thách dường ấy rốt cuộc đưa đến ân phước?
6 Tuy nhiên, việc Đức Giê-hô-va cho phép dân của Ngài chịu những cuộc thử thách khắt khe dường ấy rốt cuộc là vì lợi ích của họ. Ngài không bao giờ bỏ rơi họ hẳn. Ngày thứ ba 25-3-1919, J. F. Rutherford và bảy cộng sự viên của ông đã được thả ra sau khi trả tiền bảo chứng và sau đó thì họ được xử trắng án hoàn toàn. Đột nhiên những ai sống sót qua thời kỳ thử thách đó đã nhận được sự tự do! Đúng vậy, “sanh-khí từ Đức Chúa Trời đến nhập vào trong [họ]: [họ] bèn đứng thẳng dậy”, sẵn sàng hoạt động (Khải-huyền 11:11).
7. a) Những Nhân-chứng sau khi được phục hưng bây giờ làm gì? b) Việc tinh luyện và tẩy sạch này đem lại kết quả gì?
7 Họ sẽ làm gì đây? Những người được xức dầu còn sót lại tự suy xét với tư cách cộng đồng tín đồ đấng Christ được phục hưng. Họ cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va tha thứ mọi tội nhượng bộ của họ. (So sánh Thi-thiên 106:6; Ê-sai 42:24). Họ tiến lên với tư cách một dân đã được tẩy sạch. Kết quả của sự tinh luyện là những người được xức dầu trung thành còn sót lại đã “dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình” (Ma-la-chi 3:3). Những của-lễ thiêng liêng bằng lời ngợi khen mà họ dâng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:15). Họ vui sướng vì thời kỳ ngắn mà trong đó Đức Giê-hô-va không hài lòng đã qua. Họ tin cậy rằng trong tương lai việc phụng sự của họ sẽ được Ngài chấp nhận (Ê-sai 12:1). Từ ngày 1 đến 8-9-1919, một hội nghị đã được tổ chức trong sự vui mừng tại Cedar Point, tiểu bang Ohio, với 7.000 người hiện diện và 200 người làm báp têm. Tất cả những điều này cho thấy có sự phục hưng và lòng ham muốn thực hiện công việc rao giảng của Đức Giê-hô-va.
8. a) Công việc tinh luyện và tẩy sạch ảnh hưởng thế nào đến chúng ta ngày nay? b) Ngoài “các con trai Lê-vi” thời nay, ai khác cũng phải trải qua giai đoạn thử thách và sàng sẩy?
8 Tất cả những điều này ảnh hưởng thế nào đến dân của Đức Chúa Trời ngày nay? Theo lời tiên tri thì Đức Giê-hô-va, có sứ giả của Ngài theo sau, đến “ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch” (Ma-la-chi 3:3). Đúng vậy, công việc tinh luyện và tẩy sạch vẫn còn tiếp diễn, và Ngài vẫn còn “ngồi” và xem xét kỹ lưỡng. Sự kiện những người được xức dầu trung thành còn sót lại đã vượt qua thời kỳ thử thách khắt khe hồi đầu thế kỷ này không có nghĩa là Đấng Luyện kim Lớn đã tẩy sạch họ xong. Sự thử thách và sàng sẩy còn tiếp diễn cho đến nay. Đức Giê-hô-va hãy còn ở trong đền thờ của Ngài, ngồi phán xét. Ngài không chỉ tẩy sạch “các con trai Lê-vi”, những người được xức dầu còn sót lại, mà thôi. Lời tiên tri của Ma-la-chi cho thấy Ngài còn lưu ý đến “người khách lạ”, tương ứng với “đám đông vô số người” với hy vọng sống trên đất (Ma-la-chi 3:5; Khải-huyền 7:9, 10). Đúng vậy, trong 70 năm qua, Đức Giê-hô-va đã tiếp tục tẩy sạch dân của Ngài bằng bốn cách tổng quát.
Tinh luyện về tổ chức
9. Một số những diễn tiến lần lượt trong việc tổ chức cơ cấu từ năm 1919 là gì?
9 Thứ nhất, có sự tẩy sạch dần dần khiến các hội-thánh khắp thế giới phù hợp hơn với các nguyên tắc Kinh-thánh mới được hiểu. Từ từ các hội-thánh đã từ bỏ những phương pháp dân chủ trong các hoạt động bên trong. Hãy xem xét một số diễn tiến lần lượt theo chiều hướng này:
1919: Ủy ban Lãnh đạo Trung ương đã bắt đâu bổ nhiệm từ trụ sở chính của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) một giám đốc công tác cho mỗi hội-thánh để giám sát những hoạt động rao giảng.
1932: Không còn có việc bầu cử các trưởng lão và chấp sự diễn ra mỗi năm nữa; các hội-thánh nay không chọn lựa những người để giữ các phận sự có trách nhiệm trong hội-thánh nhưng chọn lựa một ủy ban công tác để giúp anh giám đốc công tác (cũng thuộc trong ủy ban), anh này do Hội Tháp Canh bổ nhiệm.
1937: Lớp người “Giô-na-đáp” [những người có hy vọng sống trên đất] được thừa nhận có thể đảm nhận những phận sự có trách nhiệm trong hội-thánh.
1938: Tất cả các giám thị và phụ tá giám thị đều được bổ nhiệm bởi Hội Tháp Canh theo phương pháp thần quyền.
1972: Phương pháp của Kinh-thánh đã được hiểu rõ là việc quản trị mỗi hội-thánh không phải do chỉ một tín đồ đấng Christ thành thục, nhưng do một hội đồng trưởng lão được bổ nhiệm bởi Hội Tháp Canh.
1975: Việc thành lập các ủy ban nhỏ trong Ủy ban Lãnh đạo Trung ương nhằm chăm sóc những trách nhiệm khác nhau; không một cá nhân nào sẽ điều khiển mọi việc, nhưng tất cả mọi ủy viên trong một ủy ban có quyền biểu quyết ngang nhau và hết thảy đều hợp nhất tìm kiếm sự lãnh đạo của Giê-su Christ.
10. a) Những cuộc tinh luyện như thế đã đem lại kết quả gì? b) Bạn có cảm nghĩ gì về tất cả những sự sửa đổi như thế?
10 Những sự sửa đổi như thế đã đem lại kết quả gì? Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã ban phước dồi dào; bằng chứng là những người thờ phượng Ngài lớn lên về thiêng liêng và gia tăng nhân số. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 6:7; 16:5). Thật ra thì một số giám thị và nhiều người khác đã bị sàng sẩy ra ngoài vì họ không muốn trung thành vâng phục đường hướng của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên đại đa số trong hành ngũ dân của Đức Giê-hô-va đã tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng những sự cải tổ về phương diện tổ chức (Hê-bơ-rơ 13:17). Họ hiểu rằng nhờ có những sự cải tổ ấy mà Đấng Luyện kim Lớn đã khiến cho họ hoạt động phù hợp hơn với những phương pháp ghi trong Kinh-thánh dành cho các hội-thánh.
Thánh chức rao giảng
11. Trong mấy chục năm vừa qua công việc rao giảng đã phát triển dần dần dưới những hình thức nào?
11 Thứ hai, việc tẩy sạch đã diễn ra qua những cuộc thử thách liên quan đến sự tham gia công việc rao giảng.
1922: Tất cả những người kết hợp với hội-thánh đều được khuyến khích tham gia công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Tờ Nội san hàng tháng (bây giờ là Thánh chức về Nước Trời) khởi sự được in ra để cung cấp những sự chỉ dẫn cho công việc rao giảng.
1927: Công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia đều đều vào ngày Chủ nhật đã bắt đầu; sách lớn và nhỏ được phân phát với phần đóng góp.
1937: Cuốn sách nhỏ đầu tiên Học hỏi Kiểu mẫu chỉ dẫn việc học hỏi Kinh-thánh tại nhà riêng đã được xuất bản.
1939: Lần đầu tiên có tổ chức Chiến dịch hàng năm mời mua dài hạn tạp chí Tháp Canh; đã mời được hơn 93.000 người mua dài hạn.
1940: Công việc mời mua tạp chí ngoài đường phố đã bắt đầu.
Công việc rao giảng công cộng này sau đó tiếp tục phát triển dần dần dưới những hình thức khác, kể cả việc viếng thăm lại và điều khiển học hỏi Kinh-thánh tại nhà riêng.
12. a) Những sự tinh luyện như thế trong công việc rao giảng đã đem lại những kết quả gì? b) Chúng ta có thể tỏ ra trung thành thế nào đối với đường lối của Đức Giê-hô-va trong việc tinh luyện dân Ngài?
12 Kết quả là gì? Theo thời gian một số người đã bị sàng sẩy ra ngoài bởi vì họ không muốn sanh bông trái của tín đồ đấng Christ (Giăng 15:5). Tuy vậy, phần đông dân của Đức Giê-hô-va chắc chắn đã hưởng ứng lời kêu gọi rao giảng về Nước Trời. Vì vậy mà nhóm người ít ỏi dưới 8.000 người vào năm 1919 đã gia tăng lên tới con số tối đa 3.229.022 người tuyên bố về Nước Trời năm 1986! Nói gì về công việc rao giảng trọn thời gian? So với 150 người bán sách dạo (colporteurs, danh từ trước kia dùng để chỉ người khai thác) hoạt động vào mùa xuân năm 1919, năm 1986 đã có trung bình hơn 391.000 người khai thác mỗi tháng—con số cao nhất trong lịch sử của Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay! Khi tham gia tích cực vào việc rao giảng tin mừng, chúng ta tỏ ra trung thành ủng hộ đường lối của Đức Giê-hô-va trong việc tiếp tục tẩy sạch dân Ngài (I Cô-rinh-tô 9:16).
Ánh sáng chiếu rạng hơn
13. Một số thí dụ nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã soi sáng dân Ngài?
13 Thứ ba, việc tẩy sạch dân của Đức Chúa Trời đã diễn ra qua những cuộc thử thách liên quan đến việc đón nhận ánh sáng thiêng liêng dần dần phát ra từ Kinh-thánh (Châm-ngôn 4:18). Từ năm 1919 cho tới nay những lẽ thật mới được hiểu rõ tuôn ra cuồn cuộn như những giòng nước.
1925: Nhận định rõ rằng có hai tổ chức khác biệt và đối lập nhau—tổ chức của Đức Giê-hô-va và tổ chức của Sa-tan.
1931: Đón nhận danh mới Nhân-chứng Giê-hô-va.
1935: Nhận diện “đám đông vô số người” trong Khải-huyền 7:9-15, một lớp người có hy vọng sống trên đất.
1941: Quyền thống trị tối thượng của Đức Giê-hô-va trong khắp vũ trụ là đúng và quyền này đã bị Sa-tan thách đố.
1962: Nhận diện đúng cách “các bậc cầm quyền” nơi Rô-ma 13:1 là những chính phủ thế gian mà người tín đồ đấng Christ phải vâng phục cách tương đối.
1986: Hiểu rằng những người được xức dầu còn sót lại và những thành viên của “đám đông vô số người” phải dự phần hiểu theo nghĩa bóng vào thịt và máu của Giê-su bằng cách chấp nhận của-lễ hy sinh của ngài để phù hợp với ngài (Giăng 6:53-56).
Trong mấy chục năm qua, Đức Giê-hô-va đã dần dần soi sáng dân Ngài để họ càng lúc càng thấy rõ là cần phải chú trọng đến việc giữ cho hội-thánh trong sạch, trung lập và tôn trọng sự thánh khiết của máu (I Cô-rinh-tô 5:11-13; Giăng 17:14, 16; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29).
14. a) Dân của Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào về ánh sáng dần dần chiếu rạng ấy? b) Riêng bạn thì cương quyết làm gì đối với cơ quan liên lạc của Đức Giê-hô-va?
14 Dân của Đức Chúa Trời đã phản ứng thế nào về ánh sáng dần dần chiếu rạng ấy? Suốt thời gian này đã có một số ít người không chấp nhận một vài sự sửa đổi. Họ đã bị “sàng sẩy ra ngoài” (Ma-thi-ơ 3:12). Mặt khác, những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va thật sung sướng biết bao về các ánh sáng thiêng liêng ấy! Trong khi các giáo hội tự xưng theo đấng Christ bước đi quờ quạng trong sự tối tăm thiêng liêng, đường lối của dân tộc Đức Giê-hô-va càng ngày càng trở nên chói lọi hơn. Hẳn chúng ta nên cương quyết gắn bó chặt chẽ với cơ quan liên lạc mà Đức Giê-hô-va đang dùng, bằng cách chấp nhận tất cả những sự soi sáng dần dần như thế với tư cách “đồ ăn đúng giờ”, phải không? (Ma-thi-ơ 24:45).
Từ bỏ những sự thực hành ô uế
15. Đức Giê-hô-va đã dần dần tinh luyện dân Ngài thế nào để từ bỏ những thực hành ô uế hay thực hành phát xuất từ tôn giáo giả?
15 Thứ tư, việc tẩy sạch đã diễn ra khi bắt buộc phải từ bỏ những thực hành ô uế hay thực hành xuất phát từ tôn giáo giả. Vào những năm 1920, dân của Đức Chúa Trời đã ngưng cử hành lễ Giáng sinh và những lễ khác một khi họ biết là có nguồn gốc tà giáo. Năm 1945, lập trường của người tín đồ đấng Christ về máu đã được giải thích. Trong những năm 1960 và 1970, trong khi nền luân lý trên thế giới tiếp tục sa đọa, tạp chí Tháp Canh tiếp tục cung cấp những lời khuyên chính xác cho dân của Đức Chúa Trời về cách cư xử đúng giữa những người khác phái và về nhu cầu từ bỏ việc hút thuốc lá và dùng các thuốc khác.
16. Cần nên có quan điểm nào về những sửa đổi như thế liên quan đến những thực hành ô uế?
16 Dĩ nhiên, những sửa đổi như thế liên quan đến việc từ bỏ những thực hành ô uế đã thường là một sự thử thách lòng trung thành của dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, những ai chịu làm những sửa đổi cần thiết xem những thay đổi như thế như là sự giúp đỡ để vứt bỏ một bộ y phục bẩn thỉu (Cô-lô-se 3:9, 10). Họ hiểu rằng, cho dù những phong tục liên quan đến một số lễ có vẻ không có hại gì, chúng ta phải lưu ý đến quan điểm của Đức Giê-hô-va; Ngài đã quan sát rõ nhất những thực hành của các tà giáo, từ đó mà ra những cuộc lễ ngày nay. Họ xem những đòi hỏi về đạo đức của Đức Chúa Trời như một sự che chở thay vì một sự hạn chế; như thế họ được ban phước bởi Đức Giê-hô-va khi trở nên trong sạch. Nếu một sửa đổi nào đó dường như khó hiểu, họ tin cậy rằng Đức Giê-hô-va «dạy cho họ được ích» (Ê-sai 48:17).
17, 18. a) Mỗi cá nhân chúng ta được thử thách thế nào bởi Đấng Luyện kim Lớn? b) Chúng ta nên cương quyết làm gì trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va?
17 Năm này sang năm khác Đức Giê-hô-va tiếp tục tinh luyện và tẩy sạch dân Ngài. Trên bình diện tập thể, họ vâng phục công việc tinh luyện về phương diện tổ chức các hoạt động, giáo lý và sự trong sạch đạo đức. Nhưng về phần cá nhân chúng ta thì sao? Qua trung gian của tổ chức Ngài, Đức Giê-hô-va tiếp tục ban cho chúng ta “đồ-ăn đặc” để hướng dẫn và tinh luyện lòng chúng ta. Những động lực của chúng ta được thử nghiệm và dò xét (Hê-bơ-rơ 4:12; 5:14). Bằng cách chúng ta phản ứng thuận lợi đối với công việc tinh luyện và tẩy sạch của Đấng Luyện kim Lớn, chúng ta giữ cho mình được sạch trong khi chờ đợi “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” (Ma-la-chi 4:5).
18 Tạ ơn “Chúa” Giê-hô-va và “thiên-sứ của sự giao-ước” là Giê-su Christ về sự tinh luyện dành cho chúng ta và sự giải cứu chúng ta khỏi sự ô uế trong thời gian thử thách và sàng sẩy này. Mong sao tất cả chúng ta có thể tiếp tục bước đi trong những đường lối trong sạch và bình an của Đức Giê-hô-va dưới sự dẫn dắt của “Chúa Bình-an”, Giê-su Christ, và nhờ thế mà giữ mãi mối liên lạc hạnh phúc của chúng ta với Đức Giê-hô-va (Ê-sai 9:5; Thi-thiên 72:7).
Đức Giê-hô-va đã tinh luyện dân Ngài thế nào trên phương diện—
◻ Sửa đổi cách tổ chức?
◻ Tham gia công việc rao giảng?
◻ Đón nhận ánh sáng dần dần chiếu rạng?
◻ Từ bỏ những thực hành ô uế?
[Câu nổi bật nơi trang 9]
Kết quả của sự tinh luyện và tẩy sạch là những người được xức dầu trung thành còn sót lại đã “dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình”
[Câu nổi bật nơi trang 12]
Năm này sang năm khác Đức Giê-hô-va tiếp tục tinh luyện và tẩy sạch dân Ngài
[Hình nơi trang 10]
Người thợ luyện kim thời xưa hớt bỏ đi các chất bẩn hoặc cặn bã. Cũng thế, Đức Giê-hô-va để cho sự thử thách sàng sẩy tinh luyện dân Ngài
[Hình nơi trang 11]
Một số ít đã bị “sàng sẩy” như “trấu”, nhưng những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va vui mừng đón nhận ánh sáng thiêng liêng dần dần chiếu rạng
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.