“Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”
“CÁC ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”. (Ma-thi-ơ 10:8) Chúa Giê-su đã đưa ra lời chỉ dẫn ấy khi ngài sai các sứ đồ đi rao giảng tin mừng. Họ có vâng theo lời chỉ dẫn này không? Có, và họ vẫn tiếp tục làm thế ngay cả sau khi Chúa Giê-su không còn ở trên đất nữa.
Chẳng hạn, khi Si-môn, người trước kia là phù thủy, thấy sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng có quyền phép, hắn dâng bạc đút lót để được hai sứ đồ này truyền cho quyền phép. Nhưng Phi-e-rơ mắng Si-môn rằng: “Tiền-bạc ngươi hãy hư-mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền-bạc mua được sự ban-cho của Đức Chúa Trời”.—Công-vụ 8:18-20.
Sứ đồ Phao-lô biểu lộ tinh thần giống như Phi-e-rơ. Phao-lô đã có thể để mình trở thành gánh nặng về tài chính cho anh em tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô. Thế nhưng, ông tự kiếm sống bằng chính tay mình. (Công-vụ 18:1-3) Vì thế, ông có thể nói cách tự tin rằng ông đã giảng “nhưng không [“không công”, Tòa Tổng Giám Mục]” tin mừng cho người Cô-rinh-tô.—1 Cô-rinh-tô 4:12; 9:18.
Đáng buồn thay, nhiều người tự nhận là tín đồ Đấng Christ đã không biểu lộ tinh thần sẵn sàng “cho không”. Thật thế, nhiều lãnh tụ tôn giáo trong khối đạo xưng theo Đấng Christ “dạy-dỗ vì tiền-công”. (Mi-chê 3:11) Một số lãnh tụ tôn giáo thậm chí trở nên giàu có nhờ tiền quyên góp của giáo dân. Năm 1989, một nhà truyền giáo Hoa Kỳ đã bị kết án 45 năm tù giam. Vì lý do gì? Ông đã “lừa gạt tín đồ hàng triệu đô la và dùng một phần số tiền này để mua nhà, mua xe, đi nghỉ mát và thậm chí một cái cũi chó có gắn máy điều hòa không khí”.—People’s Daily Graphic, ngày 7-10-1989.
Ở Ghana, theo báo Ghanaian Times ngày 31-3-1990, trong một buổi lễ, một linh mục Công Giáo La Mã cầm số tiền đã quyên góp được ném trả lại cho giáo đoàn. Bài báo nói “Lý do là vì ông cho rằng, là người lớn, đáng lẽ họ phải đóng góp bằng giấy bạc lớn hơn”. Không ngạc nhiên gì khi nhiều nhà thờ thậm chí cố khơi dậy tính tham lam trong vòng giáo dân bằng cách tích cực đẩy mạnh những hoạt động cờ bạc và nhiều kế hoạch quyên tiền khác để gây quỹ.
Ngược lại, Nhân Chứng Giê-hô-va nỗ lực noi gương Chúa Giê-su và các môn đồ thời ban đầu. Họ không có hàng giáo phẩm được trả lương. Mỗi Nhân Chứng đều là người truyền giáo có trách nhiệm rao giảng ‘tin-lành về nước Đức Chúa Trời’ cho người khác. (Ma-thi-ơ 24:14) Bởi vậy có hơn sáu triệu người trên khắp thế giới tham gia việc mang đến cho mọi người “nước sự sống” không mất tiền. (Khải-huyền 22:17) Vì thế, ngay cả những người “không có tiền-bạc” cũng có thể hưởng lợi ích từ thông điệp của Kinh Thánh. (Ê-sai 55:1) Dù công việc rao giảng của Nhân Chứng trên khắp thế giới được tài trợ do sự đóng góp tình nguyện, nhưng họ không bao giờ nài xin người ta tiền bạc. Là những người truyền giáo chân chính của Đức Chúa Trời, họ không “giả-mạo lời của Đức Chúa Trời”, nhưng giảng “chân-thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến”.—2 Cô-rinh-tô 2:17.
Nhưng tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn sàng giúp người khác dù phải tự trang trải phí tổn? Động lực nào thúc đẩy họ? Phải chăng cho không nghĩa là họ làm việc này mà không hề có sự đền đáp nào cho công lao của họ?
Đáp lại lời thách thức của Sa-tan
Ngày nay, tín đồ thật của Đấng Christ chủ yếu được thúc đẩy bởi ước muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va—không vì muốn làm giàu cho bản thân. Như vậy họ có thể đáp lại sự thách thức mà Sa-tan đã nêu lên trong nhiều thế kỷ trước. Nói về người công bình Gióp, Sa-tan đã thách thức Đức Giê-hô-va bằng cách nêu lên nghi vấn: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?” Sa-tan viện lý rằng Gióp phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì Ngài đã dựng hàng rào che chở ông. Hắn lý luận rằng, nếu mất hết của cải vật chất, Gióp sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt.—Gióp 1:7-11.
Đáp lại thách thức này, Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan thử thách Gióp, Ngài phán: “Các vật người có đều phó trong tay ngươi”. (Gióp 1:12) Kết quả ra sao? Gióp đã chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối. Dù bất cứ tai họa nào xảy đến cho ông, Gióp vẫn giữ lòng trung thành. Ông nói: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn”.—Gióp 27:5, 6.
Ngày nay những người thờ phượng thật biểu lộ thái độ giống như Gióp. Họ phụng sự Đức Chúa Trời không vì lợi ích vật chất.
Ân điển của Đức Chúa Trời
Một lý do khác mà người tín đồ thật của Đấng Christ sẵn lòng “cho không” là vì chính họ đã “lãnh không” từ Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi của tổ phụ A-đam, nhân loại sống trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi và sự chết. (Rô-ma 5:12) Một cách đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt cho Con Ngài chịu chết làm của lễ hy sinh—một giá rất cao mà Đức Chúa Trời phải trả. Loài người chắc chắn không xứng đáng nhận ân điển này. Đúng vậy; đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời.—Rô-ma 4:4; 5:8; 6:23.
Như ghi nơi Rô-ma 3:23, 24, Phao-lô nói với những tín đồ Đấng Christ được xức dầu: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân-điển Ngài mà được xưng công-bình nhưng-không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Những người có hy vọng sống đời đời trên đất cũng được nhận “ân điển”. Ân điển này bao hàm vinh dự được kể là công bình, là bạn Đức Giê-hô-va.—Gia-cơ 2:23; Khải-huyền 7:14.
Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su cũng cho tất cả các tín đồ Đấng Christ cơ hội phụng sự với tư cách người truyền giáo hầu việc Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin-lành ấy cứ sự ban-cho của ân-điển Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 3:4-7) Được giao cho thánh chức này nhờ một sự ban cho mà họ không xứng đáng hoặc không tự kiếm được, những người hầu việc thật của Đức Chúa Trời không thể trông mong được trả công về vật chất khi chia sẻ tin về sự ban cho này với người khác.
Sự sống đời đời—Một phần thưởng khơi dậy lòng ích kỷ chăng?
Vậy, phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đòi hỏi tín đồ Đấng Christ phụng sự Ngài mà không hy vọng nhận được một phần thưởng nào hết? Không, vì sứ đồ Phao-lô nói với anh em đồng đức tin: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. (Hê-bơ-rơ 6:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Ngược lại, Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Nhưng chẳng phải lời hứa về sự sống đời đời trong Địa Đàng khơi dậy lòng ích kỷ hay sao?—Lu-ca 23:43.
Ngày nay tín đồ thật của Đấng Christ được thúc đẩy chủ yếu bởi ước muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va—không vì muốn làm giàu cho bản thân
Hoàn toàn không. Một lý do là, chính Đức Chúa Trời đặt vào lòng chúng ta ước muốn sống đời đời trong Địa Đàng. Chính Ngài đưa ra triển vọng này cho cặp vợ chồng loài người đầu tiên. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15-17) Ngài cũng tạo điều kiện khôi phục triển vọng đó khi A-đam và Ê-va đánh mất điều này cho con cháu mình. Do đó, qua Lời Ngài, Đức Chúa Trời hứa: “Muôn vật ... cũng sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 8:21) Vì thế, hoàn toàn không có gì sai khi tín đồ Đấng Christ ngày nay, giống như Môi-se thời xưa, “ngửa trông sự ban-thưởng”. (Hê-bơ-rơ 11:26) Đức Chúa Trời không đưa ra phần thưởng này như một sự mua chuộc. Ngài làm thế vì tình yêu thương chân thật đối với những người phụng sự Ngài. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:16, 17) Để đáp lại, “chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.—1 Giăng 4:19.
Phụng sự Đức Chúa Trời với động lực đúng
Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ ngày nay phải luôn luôn xem xét động lực mình khi phụng sự Đức Chúa Trời. Nơi Giăng 6:10-13 cho biết Chúa Giê-su làm phép lạ cho hơn năm ngàn người có bánh ăn. Rồi sau đó, một số người đã đi theo ngài chỉ vì những lý do vị kỷ. Chúa Giê-su nói với họ: “Các ngươi tìm ta... vì các ngươi đã ăn bánh và được no”. (Giăng 6:26) Tương tự thế, vài thập niên sau một số tín đồ Đấng Christ dâng mình phụng sự Đức Chúa Trời “cách không ngay-thật”. (Phi-líp 1:17) Một số người đã “không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus-Christ”, thậm chí họ kiếm tư lợi qua sự kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ.—1 Ti-mô-thê 6:3-5.
Ngày nay, nếu một tín đồ Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì muốn sống đời đời trong Địa Đàng, có thể người đó cũng đang phụng sự với động lực vị kỷ. Rốt cuộc, điều này có thể dẫn đến sự suy sụp về thiêng liêng. Vì hệ thống của Sa-tan dường như kéo dài lâu hơn một người nghĩ, người đó có thể “mệt-nhọc” và cảm thấy sự cuối cùng bị trì hoãn. (Ga-la-ti 6:9) Người đó thậm chí trở nên cay đắng vì đã hy sinh của cải vật chất. Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37) Đúng vậy, một người phụng sự Đức Giê-hô-va chủ yếu vì tình yêu thương tất không nghĩ chỉ phụng sự Ngài trong một thời gian. Người đó quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến đời đời! (Mi-chê 4:5) Người đó không hối tiếc về bất cứ điều gì mình đã hy sinh để phụng sự Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 13:15, 16) Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời thúc đẩy người đó đặt công việc của Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống.—Ma-thi-ơ 6:33.
Ngày nay, hơn sáu triệu người thờ phượng thật “tình-nguyện” phụng sự Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 110:3) Bạn có ở trong số đó không? Nếu không, hãy suy ngẫm về những gì mà Đức Chúa Trời ban: sự hiểu biết thuần túy về lẽ thật (Giăng 17:3); sự giải thoát khỏi sự trói buộc của những dạy dỗ sai lầm của tôn giáo giả (Giăng 8:32); niềm hy vọng sống đời đời. (Khải-huyền 21:3, 4) Nhân Chứng Giê-hô-va có thể giúp bạn học biết làm thế nào để được Đức Chúa Trời ban cho tất cả những điều này—cách miễn phí.