Anh chị có hiểu rõ sự việc không?
“Trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”.—CHÂM 18:13.
BÀI HÁT: 126, 95
1, 2. (a) Chúng ta cần vun trồng khả năng quan trọng nào, và tại sao? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
Là những tín đồ chân chính, chúng ta cần phát triển khả năng đánh giá thông tin và đưa ra kết luận chính xác (Châm 3:21-23; 8:4, 5). Nếu không vun trồng khả năng này, chúng ta sẽ dễ bị gục ngã trước những nỗ lực của Sa-tan và thế gian của hắn nhằm khiến chúng ta suy nghĩ lệch lạc (Ê-phê 5:6; Cô 2:8). Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể đưa ra kết luận đúng khi hiểu rõ sự việc. Châm ngôn 18:13 nói rằng “trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”.
2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét một số thách đố liên quan đến việc có được thông tin chính xác và đưa ra kết luận đúng. Ngoài ra, hãy xem xét những nguyên tắc thiết thực và các ví dụ trong Kinh Thánh giúp chúng ta cải thiện khả năng đánh giá thông tin một cách chính xác.
ĐỪNG TIN HẾT “MỌI LỜI”
3. Tại sao chúng ta cần áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 14:15? (Xem hình nơi đầu bài).
3 Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Thông tin xuất hiện tràn ngập trên mạng, ti-vi và những phương tiện truyền thông khác. Nhiều người còn nhận vô số thư điện tử, tin nhắn và thông tin từ bạn bè hoặc người quen. Việc lan truyền thông tin sai lệch và bóp méo sự thật ngày càng phổ biến, nên chúng ta có lý do chính đáng để thận trọng và đánh giá kỹ những gì mình nghe. Nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta làm thế? Châm ngôn 14:15 nói: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi lời, người khôn khéo cân nhắc từng bước”.
4. Phi-líp 4:8, 9 giúp chúng ta thế nào trong việc chọn lọc những gì mình đọc, và tại sao việc có thông tin chính xác là điều rất quan trọng? (Cũng xem khung “Một số nguồn cung cấp thông tin chính xác”).
4 Để đưa ra quyết định khôn ngoan, chúng ta cần có thông tin chính xác. Vì thế, chúng ta phải cẩn thận chọn lọc những gì mình đọc. (Đọc Phi-líp 4:8, 9). Chúng ta không nên lãng phí thời gian lướt những trang tin tức đáng ngờ hoặc đọc các tin đồn được lan truyền qua thư điện tử. Đặc biệt, chúng ta phải tránh những trang web của kẻ bội đạo. Mục đích duy nhất của họ là làm suy yếu đức tin của dân Đức Chúa Trời và bóp méo sự thật. Thông tin không đáng tin cậy dẫn đến quyết định tai hại. Vì thế, đừng bao giờ xem nhẹ sức ảnh hưởng của những thông tin sai lệch có thể tác động đến lòng và trí chúng ta.—1 Ti 6:20, 21.
5. Dân Y-sơ-ra-ên nghe báo cáo sai lệch nào, và họ bị tác động ra sao?
5 Tin vào những báo cáo sai lệch có thể dẫn đến thảm họa. Chẳng hạn, hãy xem điều gì xảy ra vào thời Môi-se khi 10 trong 12 người do thám trở về từ Đất Hứa báo cáo tiêu cực (Dân 13:25-33). Lời báo cáo phóng đại và phi lý của họ đã khiến dân Đức Giê-hô-va mất hết nhuệ khí (Dân 14:1-4). Tại sao dân chúng phản ứng như vậy? Có lẽ họ nghĩ rằng vì đa số người do thám mang về tin xấu nên hẳn thông tin đó là đúng. Điều này khiến dân chúng không chịu nghe những tin tốt của hai người đáng tin cậy là Giô-suê và Ca-lép (Dân 14:6-10). Thay vì cố gắng hiểu rõ sự việc và đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, họ lại chọn tin vào báo cáo tiêu cực. Thật là dại dột!
6. Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghe những lời vu khống về dân Đức Giê-hô-va?
6 Chúng ta cần đặc biệt thận trọng khi nghe những chuyện liên quan đến dân Đức Giê-hô-va. Hãy luôn nhớ rằng Sa-tan là kẻ cáo buộc các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời (Khải 12:10). Thế nên Chúa Giê-su cảnh báo rằng những kẻ chống đối sẽ “vu cho [chúng ta] đủ điều ác” (Mat 5:11). Nếu lưu ý đến lời cảnh báo này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe những lời vu khống về dân Đức Giê-hô-va.
7. Trước khi gửi tin nhắn hoặc thư điện tử, chúng ta cần xem xét điều gì?
7 Anh chị có phải là người thích gửi thư điện tử và tin nhắn cho bạn bè hoặc người quen không? Nếu thế, khi nghe tin tức mới trên phương tiện truyền thông hay một kinh nghiệm, có lẽ anh chị cảm thấy giống như một phóng viên muốn mình là người đầu tiên đưa tin đó. Nhưng trước khi gửi tin nhắn hoặc thư điện tử, hãy tự hỏi: “Thông tin mà mình sắp gửi có đúng sự thật không? Mình có thật sự hiểu rõ sự việc không?”. Nếu gửi thông tin mà mình không chắc, có thể anh chị đang vô tình lan truyền thông tin sai lệch trong vòng anh em đồng đạo. Nếu nghi ngờ, hãy bấm nút xóa thay vì nút gửi.
8. Những kẻ chống đối tại một số nước đã làm gì, và làm thế nào chúng ta có thể vô tình hợp tác với họ?
8 Có mối nguy hiểm khác khi vội vàng chuyển tiếp thư điện tử và tin nhắn. Ở một số nước, công việc của chúng ta bị cấm đoán hoặc hạn chế. Những kẻ chống đối trong các nước ấy có lẽ cố tình phát tán thông tin với ý đồ làm cho chúng ta sợ hãi và không còn tin tưởng lẫn nhau. Hãy xem điều đã xảy ra ở Liên bang Xô Viết cũ. Cảnh sát mật, được biết đến là Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết, phao tin rằng một số anh có trách nhiệm trong tổ chức đã phản bội dân Đức Giê-hô-va. Nhiều anh em tin vào lời dối trá này và tự tách biệt khỏi tổ chức. Quả là đáng buồn! Thật tốt là về sau, nhiều người đã quay trở lại. Nhưng một số người khác thì không. Đức tin của họ đã bị chìm đắm (1 Ti 1:19). Làm thế nào để tránh được hậu quả tai hại ấy? Đừng bao giờ lan truyền những tin tiêu cực và đáng ngờ. Đừng trở thành kẻ ngây ngô hoặc cả tin. Hãy chắc chắn mình có thông tin chính xác và hiểu rõ sự việc.
THÔNG TIN KHÔNG ĐẦY ĐỦ
9. Một thách đố khác để có thông tin chính xác là gì?
9 Một thách đố khác để rút ra kết luận chính xác là thông tin chúng ta nghe chỉ chứa một phần sự thật hoặc không đầy đủ. Thông tin chỉ có 10% sự thật thì sẽ gây hiểu lầm 100%. Vậy làm sao để tránh bị lầm lạc bởi những thông tin dối trá có lẽ chứa đựng phần nào sự thật?—Ê-phê 4:14.
10. Điều gì khiến dân Y-sơ-ra-ên muốn chiến đấu với anh em của họ, và nhờ đâu họ tránh được điều đó?
10 Hãy xem điều gì xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên sống ở phía tây sông Giô-đanh vào thời của Giô-suê (Giô-suê 22:9-34). Họ nghe tin là dân Y-sơ-ra-ên sống ở phía đông sông Giô-đanh (chi phái Ru-bên, chi phái Gát và một nửa chi phái Ma-na-se) đã xây một bàn thờ lớn và nguy nga gần con sông này. Thông tin ấy đúng, nhưng chưa đầy đủ. Dựa vào thông tin đó, dân Y-sơ-ra-ên ở phía tây kết luận rằng anh em của họ đã phản nghịch Đức Giê-hô-va. Vì thế, dân Y-sơ-ra-ên ở phía tây tập hợp lại để chuẩn bị chiến đấu với những anh em ở phía đông. (Đọc Giô-suê 22:9-12). Đáng mừng là trước khi tấn công, họ đã cử những người đáng tin cậy để tìm hiểu sự việc. Kết quả là gì? Họ biết được rằng dân Y-sơ-ra-ên thuộc chi phái Ru-bên, chi phái Gát và một nửa chi phái Ma-na-se đã xây bàn thờ, nhưng không phải để dâng vật tế lễ mà để làm vật kỷ niệm. Bàn thờ đó được xây để những thế hệ sau biết rằng tổ phụ của họ cũng là tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Những người Y-sơ-ra-ên này hẳn nhẹ nhõm biết bao vì đã dành thời gian để hiểu rõ sự việc, thay vì giết anh em mình dựa vào thông tin không đầy đủ!
11. (a) Làm thế nào Mê-phi-bô-sết trở thành nạn nhân của sự bất công? (b) Làm thế nào Đa-vít đã có thể tránh được việc đưa ra quyết định bất công ấy?
11 Có lẽ chúng ta cũng trở thành nạn nhân của sự bất công vì bị lan truyền những thông tin nửa sự thật hoặc không đầy đủ. Hãy xem trường hợp của vua Đa- vít và Mê-phi-bô-sết. Đa-vít thể hiện lòng rộng rãi và tử tế với Mê-phi-bô-sết khi trả lại cho ông toàn bộ vùng đất của ông nội ông là Sau-lơ (2 Sa 9:6, 7). Nhưng sau đó Đa-vít nghe những lời tiêu cực về Mê-phi-bô-sết. Thay vì kiểm chứng thông tin, Đa-vít thu hồi toàn bộ tài sản của Mê-phi-bô-sết và ban cho người khác (2 Sa 16:1-4). Cuối cùng khi nói chuyện với Mê-phi-bô-sết, Đa-vít mới nhận ra lỗi của mình và cho Mê-phi-bô-sết hưởng lại một phần tài sản (2 Sa 19:24-29). Nếu Đa-vít dành thời gian để tìm hiểu sự việc thay vì vội vàng hành động dựa vào thông tin không đầy đủ, hẳn ông đã không đưa ra quyết định bất công ấy.
12, 13. (a) Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước những lời vu khống? (b) Chúng ta có thể làm gì nếu ai đó lan truyền thông tin sai lệch về mình?
12 Nhưng nói sao nếu anh chị là nạn nhân của những lời vu khống? Chúa Giê-su và Giăng Báp-tít cũng từng ở trong trường hợp như thế. (Đọc Ma-thi-ơ 11:18, 19). Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước những thông tin sai lệch? Ngài không dành hết thời gian và năng lực để bênh vực bản thân. Thay vì thế, ngài khuyến khích người ta nhìn vào những điều ngài làm và dạy dỗ. Chúa Giê-su nói: “Sự khôn ngoan được chứng minh là công chính bởi việc làm của nó”.—Mat 11:19; chú thích.
13 Qua đây, chúng ta rút ra một bài học quý giá. Đôi khi, chúng ta có thể bị người khác chỉ trích hoặc nói không đúng về mình. Có lẽ chúng ta muốn đòi lại công bằng và tìm cách khôi phục thanh danh của mình. Tuy nhiên, có một điều chúng ta có thể làm. Nếu ai đó lan truyền lời dối trá về chúng ta, hãy để lối sống của mình chứng minh những lời ấy là không đúng. Thật vậy, gương của Chúa Giê-su cho thấy hạnh kiểm ngay thẳng của chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn những thông tin nửa sự thật và lời cáo buộc sai trái.
ĐỪNG DỰA VÀO SỰ HIỂU BIẾT CỦA BẢN THÂN
14, 15. Làm thế nào việc dựa vào sự hiểu biết của bản thân có thể trở thành cái bẫy?
14 Có được thông tin đáng tin cậy không phải là thách đố duy nhất để đưa ra kết luận đúng. Sự bất toàn của chúng ta cũng là một thách đố lớn. Nói sao nếu chúng ta đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều thập kỷ? Có thể chúng ta có được sự thông sáng và khả năng suy xét, và người khác xem trọng sự phán đoán của chúng ta. Nhưng điều này có thể trở thành cái bẫy không?
15 Có, việc dựa vào sự hiểu biết của bản thân quá nhiều có thể là cái bẫy. Cảm xúc và quan điểm cá nhân có thể dần chi phối lối suy nghĩ của chúng ta. Có lẽ chúng ta nghĩ mình chỉ cần nhìn tình huống là hiểu được vấn đề dù không có đầy đủ thông tin. Thật nguy hiểm! Kinh Thánh cảnh báo chúng ta không nên dựa vào sự hiểu biết của bản thân.—Châm 3:5, 6; 28:26.
16. Trong tình huống giả định, điều gì xảy ra tại một nhà hàng, và anh Tiến đã nhanh chóng đưa ra những kết luận nào?
16 Hãy hình dung tình huống giả định sau. Khi đang ăn tối tại một nhà hàng, một anh trưởng lão giàu kinh nghiệm tên Tiến bị sốc khi thấy anh Dương, một trưởng lão khác, đang ngồi với một phụ nữ không phải là vợ của anh. Anh Tiến thấy hai người nói chuyện vui vẻ với nhau và trông rất tình cảm. Anh cảm thấy rất khó chịu và bắt đầu suy nghĩ: “Chẳng phải làm thế sẽ dẫn đến việc ly dị sao? Vợ anh Dương sẽ cảm thấy thế nào? Còn những người con của anh thì sao?”. Trước kia, anh Tiến từng chứng kiến những chuyện đau lòng như thế. Anh chị sẽ nghĩ gì nếu gặp tình huống trên?
17. Trong tình huống giả định này, anh Tiến đã biết được điều gì sau đó, và chúng ta rút ra bài học nào?
17 Anh Tiến nhanh chóng kết luận rằng anh Dương không chung thủy với vợ. Nhưng khoan đã, anh Tiến có hiểu rõ sự việc không? Vào tối hôm đó, anh Tiến gọi điện cho anh Dương. Hãy hình dung anh Tiến nhẹ nhõm thế nào khi biết người phụ nữ kia là em gái của anh Dương từ xa đến thăm. Hai người đã không gặp nhau nhiều năm. Vì người em gái đó ghé qua được vài tiếng nên họ chỉ có thể dùng bữa tại nhà hàng. Vợ của anh không thể đến được. Tốt là anh Tiến chưa kể với ai về kết luận sai lầm của mình. Chúng ta rút ra bài học nào? Đó là dù một tín đồ có kinh nghiệm trong đời sống nhiều đến mấy thì những điều ấy cũng không bao giờ thay thế được sự thật.
18. Làm thế nào sự khác biệt về tính cách có thể khiến chúng ta có quan điểm sai lệch?
18 Một thách đố khác trong việc đánh giá vấn đề cách chính xác là khi chúng ta có tính cách không hợp với anh em nào đó trong hội thánh. Nếu cứ nghĩ mãi về sự khác biệt giữa hai người, có thể chúng ta bắt đầu nghi ngờ anh chị ấy. Vì thế, khi nghe những lời tiêu cực về anh chị ấy, có lẽ chúng ta sẽ muốn tin vào điều đó. Bài học là gì? Việc có ác cảm với anh em có thể dẫn đến quan điểm sai lệch, không dựa trên sự thật (1 Ti 6:4, 5). Do đó chúng ta không nên để cho sự ghen tị và đố kỵ bén rễ trong lòng. Thay vì nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực ấy, chúng ta muốn nhận biết bổn phận của mình là yêu thương anh em và rộng lòng tha thứ cho họ.—Đọc Cô-lô-se 3:12-14.
NGUYÊN TẮC KINH THÁNH SẼ BẢO VỆ CHÚNG TA
19, 20. (a) Những nguyên tắc nào giúp chúng ta đánh giá thông tin một cách chính xác? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
19 Quả là không dễ để có được thông tin chính xác và đưa ra kết luận đúng, vì ngày nay có quá nhiều thông tin nửa sự thật và kém chất lượng, và chúng ta cũng là người bất toàn. Điều gì giúp chúng ta đương đầu với thách đố này? Chúng ta cần nhận biết và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Một nguyên tắc là trả lời trước khi nghe sự việc là dại dột và nhục nhã (Châm 18:13). Nguyên tắc khác nhắc nhở chúng ta không nên tin hết mọi lời mà không kiểm chứng (Châm 14:15). Và dù có nhiều kinh nghiệm đến mấy, chúng ta cũng cần thận trọng để không dựa vào sự hiểu biết của riêng mình (Châm 3:5, 6). Nguyên tắc Kinh Thánh sẽ bảo vệ chúng ta nếu chúng ta sử dụng thông tin từ những nguồn đáng tin cậy để rút ra kết luận đúng và quyết định khôn ngoan.
20 Nhưng còn một thách đố khác, đó là chúng ta có khuynh hướng xét đoán theo bề ngoài. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét một số cạm bẫy phổ biến trong khía cạnh này và điều gì giúp chúng ta tránh rơi vào những cạm bẫy đó.