Sự hiếu khách của tín đồ Đấng Christ trong một thế gian chia rẽ
“Chúng ta cũng nên tiếp-đãi những người thể ấy, hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho lẽ thật” (III GIĂNG 8).
1. Đấng Tạo hóa đã ban cho loài người những món quà nào đáng chuộng nhất?
“BỞI VÌ dưới mặt trời chẳng có đều gì tốt cho loài người hơn là ăn, uống, và vui-sướng; vì ấy là đều còn lại cho mình về công-lao trọn trong các ngày của đời mình, mà Đức Chúa Trời ban cho mình dưới mặt trời” (Truyền-đạo 8:15). Qua những lời này, người truyền đạo thời xưa thuộc dân Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không những muốn tạo vật loài người được vui vẻ và hạnh phúc mà ngài còn ban cho họ phương tiện để được thế. Trong suốt lịch sử loài người, một điều mà người ta ở khắp nơi đều có vẻ muốn là được thích thú vui chơi.
2. a) Ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại bị người ta lạm dụng như thế nào? b) Hậu quả là gì?
2 Ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội theo chủ nghĩa khoái lạc, trong đó người ta bận rộn chạy theo sự khoái lạc và sự vui chơi. Phần nhiều “người ta đều tư-kỷ... ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”, như Kinh-thánh đã báo trước (II Ti-mô-thê 3:1-4). Dĩ nhiên điều này đi ngược hẳn với ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Một khi việc đuổi theo sự vui chơi trở thành mục tiêu chính, hay khi sự tự mãn trở thành một cứu cánh duy nhất, thì không có sự toại nguyện thật sự, và hết “thảy đều hư-không, theo luồng gió thổi” (Truyền-đạo 1:14; 2:11). Kết cuộc, thế gian đầy dẫy những người cô đơn và bất mãn và từ đó sinh ra biết bao là tệ trạng xã hội (Châm-ngôn 18:1). Người ta trở nên nghi kỵ lẫn nhau và bị chia rẽ vì chủng tộc, sắc tộc, địa vị xã hội và kinh tế.
3. Làm sao chúng ta có thể tìm được sự vui mừng và toại nguyện thật sự?
3 Mọi việc sẽ khác hẳn biết bao nếu loài người bắt chước cách của Đức Giê-hô-va khi đối xử với người khác—nhân từ, rộng rãi, hiếu khách! Ngài cho thấy rõ ràng bí quyết để đạt được hạnh phúc thật sự không phải là tìm cách thỏa mãn những dục vọng của chính mình. Thay vì thế, đây là bí quyết: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Để tìm được niềm vui và sự toại nguyện thực sự, chúng ta phải vượt qua những trở ngại và sự phân chia hạn chế chúng ta. Và chúng ta phải cố gắng nâng đỡ những người cùng phụng sự Đức Giê-hô-va với chúng ta. Chúng ta rất cần phải nghe theo lời khuyên: “Chúng ta cũng nên tiếp-đãi những người thể ấy, hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho lẽ thật” (III Giăng 8). Tùy theo hoàn cảnh cho phép, tỏ ra hiếu khách đối với người xứng đáng là một việc làm có hai lợi điểm—cả người cho lẫn người nhận đều có lợi. Vậy thì ai là những người đáng được chúng ta “tiếp-đãi”?
“Thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa”
4. Ngay cả trong vòng dân Đức Giê-hô-va có sự thay đổi nào trong mối quan hệ gia đình?
4 Gia đình bền vững và hôn nhân hạnh phúc là điều hiếm có ngày nay. Số người ly dị gia tăng và số phụ nữ có con ngoài vòng hôn nhân trên toàn thế giới đã thay đổi hẳn kết cấu gia đình cổ truyền. Kết quả là, nhiều người đã trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va vào những năm gần đây đến từ những gia đình đổ vỡ. Họ là những người đã ly dị hay ly thân hay là những người sống trong gia đình chỉ có cha hay chỉ có mẹ. Hơn nữa, như Giê-su tiên tri, lẽ thật ngài dạy đưa đến sự chia rẽ trong nhiều gia đình (Ma-thi-ơ 10:34-37; Lu-ca 12:51-53).
5. Những lời nào Giê-su đã nói có thể là nguồn khích lệ cho những người trong gia đình bị chia rẽ?
5 Chúng ta cảm thấy ấm lòng khi những người mới cương quyết đứng vững trong lẽ thật, và chúng ta thường an ủi họ bằng lời hứa khích lệ của Giê-su: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin-lành từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà-cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất-ruộng, với sự bắt-bớ, và sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:29, 30).
6. Làm sao chúng ta có thể trở thành ‘anh, chị, mẹ, con cái’ của “kẻ mồ-côi, người góa-bụa” trong vòng chúng ta?
6 Thế nhưng ai là những “anh em, chị em, mẹ con” ấy? Chỉ nhìn thấy nhóm đông người tại Phòng Nước Trời, thường một trăm người trở lên gọi nhau là anh chị không có nghĩa là một người sẽ tự động cảm thấy những người đó là anh, chị, mẹ và con cái của mình. Hãy xem xét điểm này: Môn đồ Gia-cơ nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn sự thờ phượng của chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta phải “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27). Điều này có nghĩa là chúng ta không được để tinh thần thế gian như sự kiêu hãnh vì giàu có hay giai cấp cao làm chúng ta không có lòng trắc ẩn đối với “kẻ mồ-côi, người góa-bụa”. Thay vì thế, chúng ta phải chủ động kết hợp với họ và tiếp đãi họ.
7. a) Mục đích thật sự của việc hiếu khách đối với “kẻ mồ-côi, người góa-bụa” là gì? b) Còn ai khác cũng có thể góp phần vào việc bày tỏ lòng hiếu khách theo đạo đấng Christ?
7 Bày tỏ sự hiếu khách với “kẻ mồ-côi, người góa-bụa” không có nghĩa lúc nào cũng bù đắp những gì họ thiếu về mặt vật chất. Gia đình chỉ có mẹ hay chỉ có cha hay gia đình bị phân rẽ về tôn giáo không nhất thiết có khó khăn về tài chánh. Tuy nhiên, sự kết hợp lành mạnh, bầu không khí gia đình, trò chuyện với những người tuổi tác khác nhau và chia sẻ cho nhau những điều tốt về mặt thiêng liêng—đều là những khía cạnh đáng quý của cuộc sống. Vì thế, hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải việc tiếp đãi cầu kỳ mà là tinh thần yêu thương và đoàn kết. Thật quý làm sao đôi khi chính các “kẻ mồ-côi, người góa-bụa” cũng có thể bày tỏ lòng hiếu khách với các anh em tín đồ đấng Christ! (So sánh I Các Vua 17:8-16).
Có người ngoại quốc nào ở giữa chúng ta không?
8. Chúng ta thấy có sự thay đổi nào trong nhiều hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va?
8 Chúng ta sống trong một thời kỳ có rất nhiều người di cư. Tờ World Press Review nói: “Có hơn một trăm triệu người trên toàn thế giới hiện đang sống ở những nước không phải là xứ sở của họ và 23 triệu người bị buộc phải dọn đi nơi khác ngay trong nước của họ”. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hội thánh của dân tộc Đức Giê-hô-va tại nhiều nơi, nhất là tại các thành phố lớn. Các hội thánh này trước đây gồm có phần đông những người thuộc cùng một chủng tộc hay dân tộc, nay thì gồm có những người từ nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ điều này đang xảy ra tại địa phương của bạn. Tuy nhiên chúng ta nên nghĩ như thế nào về những người mà thế gian gọi là “ngoại kiều” và “người nước ngoài”, đây là những người có thể có tiếng nói, tập tục và nếp sống khác với chúng ta?
9. Quan điểm của chúng ta đối với những “ngoại kiều” và “người nước ngoài” khi họ đến với hội thánh tín đồ đấng Christ có thể khiến chúng ta rơi vào cạm bẫy nghiêm trọng nào?
9 Nói một cách giản dị, chúng ta không nên để bất cứ khuynh hướng bài ngoại nào khiến chúng ta cảm thấy vì một lý do nào đó mình đáng được đặc ân biết lẽ thật hơn là những người đến từ một xứ xa lạ hay xứ gọi là theo tà giáo; chúng ta cũng không nên cảm thấy như là những người mới này đang choán chỗ của chúng ta ở Phòng Nước Trời hay những phòng ốc khác. Khi một số tín đồ đấng Christ người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất có những quan điểm như thế, sứ đồ Phao-lô đã phải nhắc nhở họ rằng thật ra thì không ai xứng đáng cả; chính nhờ ân-điển của Đức Chúa Trời một người mới được cứu rỗi (Rô-ma 3:9-12, 23, 24). Chúng ta nên vui mừng là thật nhiều người vì hoàn cảnh nào đó, bị mất cơ hội nghe tin mừng nay đang nhận được ân điển của Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 2:4). Làm sao chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta thành thật mến họ?
10. Làm sao chúng ta có thể bày tỏ lòng hiếu khách chân thật đối với những “người nước ngoài” trong vòng chúng ta?
10 Chúng ta có thể làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh-hiển” (Rô-ma 15:7). Nhận thấy rằng những người nước khác, hoặc có quá trình đào tạo khác, thường bị thiệt thòi, chúng ta nên tỏ lòng nhân từ và quan tâm khi chúng ta có thể làm được. Chúng ta phải đón tiếp họ, xem mỗi người trong họ “như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi” và “thương-yêu người như mình” (Lê-vi Ký 19:34). Điều này có thể không dễ làm, nhưng chúng ta sẽ thành công nếu nhớ đến lời khuyên: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).
Hãy chia sẻ với các thánh-đồ
11, 12. Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va có được sự chú ý đặc biệt nào a) trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa? b) vào thế kỷ thứ nhất?
11 Trong số những người thật sự đáng được chúng ta quan tâm và tỏ lòng hiếu khách là những tín đồ đấng Christ thành thục tận tụy làm việc vì hạnh phúc thiêng liêng của chúng ta. Đức Giê-hô-va đã cung cấp đặc biệt cho các thầy tế lễ và người Lê-vi trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa (Dân-số Ký 18:25-29). Vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ đấng Christ cũng được khuyên giục phải lo cho những ai phụng sự họ trong những nhiệm vụ đặc biệt. Lời tường thuật nơi III Giăng 5-8 cho chúng ta biết sơ qua về tình yêu thương khắng khít giữa các tín đồ đấng Christ thời ban đầu.
12 Sứ đồ lão thành Giăng rất quý trọng sự nhân từ và sự hiếu khách mà Gai-út bày tỏ đối với những anh lưu động được phái đến để thăm hội thánh. Những anh này—kể cả Đê-mê-triu, hiển nhiên là người mang thư—đều là những người lạ hoặc không quen biết Gai-út trước đó. Nhưng họ được đón tiếp nồng hậu vì “danh [Đức Chúa Trời] mà các anh em ra đi”. Giăng viết như thế này: “Chúng ta cũng nên tiếp-đãi những người thể ấy, hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho lẽ thật” (III Giăng 1, 7, 8).
13. Ngày nay, những ai trong vòng chúng ta đặc biệt xứng đáng được “tiếp-đãi”?
13 Ngày nay, trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, có rất nhiều người đang nỗ lực nhiều vì lợi ích của toàn thể anh em. Những người này gồm có các giám thị lưu động, họ dùng thời giờ và năng lực của mình tuần này sang tuần khác để xây dựng hội thánh; các giáo sĩ, là những người rời gia đình và bạn bè để rao giảng ở nước ngoài; những người phụng sự trong nhà Bê-tên hoặc tại văn phòng chi nhánh, họ tình nguyện làm việc để ủng hộ công việc rao giảng trên toàn thế giới; và những người tiên phong là những người dùng phần nhiều thời gian và năng lực của họ vào việc rao giảng. Trên căn bản, tất cả những người này đều làm việc cần cù, không vì tư vinh hay tư lợi, nhưng vì yêu mến đoàn thể anh em tín đồ đấng Christ và Đức Giê-hô-va. Họ xứng đáng được chúng ta bắt chước về sự tôn kính hết lòng của họ và xứng đáng được “tiếp-đãi”.
14. a) Làm sao mà chúng ta trở thành một tín đồ tốt của đấng Christ khi chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách đối với những người trung thành? b) Tại sao Giê-su nói rằng bà Ma-ri đã chọn “phần tốt”?
14 Sứ đồ Giăng nói là khi chúng ta “tiếp-đãi những người thể ấy”, chúng ta “đồng làm việc cho lẽ thật”. Vì thế theo một nghĩa nào đó chúng ta trở thành những tín đồ tốt của đấng Christ. Đây là bởi vì việc làm của tín đồ đấng Christ bao gồm việc làm lành cho người cùng đạo (Châm-ngôn 3:27, 28; I Giăng 3:18). Ngoài ra còn có phần thưởng theo một cách khác nữa. Khi Ma-ri và Ma-thê đón tiếp Giê-su tại nhà họ, Ma-thê muốn làm chủ nhà có lòng thảo bằng cách chăm lo “nhiều việc” cho Giê-su. Ma-ri tỏ ra hiếu khách theo cách khác. Bà “ngồi dưới chơn Chúa mà nghe lời Ngài”, và Giê-su khen bà vì đã chọn “phần tốt” (Lu-ca 10:38-42). Chuyện trò và bàn luận với những người có nhiều năm kinh nghiệm thường là những cao điểm của cuộc họp mặt buổi tối (Rô-ma 1:11, 12).
Vào những dịp đặc biệt
15. Những dịp đặc biệt nào có thể là những dịp vui vẻ cho dân Đức Giê-hô-va?
15 Mặc dù tín đồ thật của đấng Christ không theo những phong tục thịnh hành hay tham gia vào những ngày lễ và hội hè của người thế gian, nhưng có những dịp mà họ họp lại để chuyện trò vui chơi với nhau. Thí dụ, Giê-su dự tiệc cưới ở Ca-na và ngài làm phép lạ đầu tiên tại đấy để góp vui (Giăng 2:1-11). Tương tự như vậy, ngày nay dân của Đức Giê-hô-va chung vui vào những dịp đặc biệt giống như vậy và có những buổi tiệc và hội hè thích hợp để tăng phần vui thú cho những dịp như thế. Nhưng điều gì là thích hợp?
16. Chúng ta có sự hướng dẫn nào về hạnh kiểm đúng đắn ngay cả cho những dịp đặc biệt?
16 Nhờ học Kinh-thánh, chúng ta biết được rằng thế nào là hạnh kiểm thích hợp cho tín đồ đấng Christ và chúng ta luôn luôn làm theo tiêu chuẩn đó (Rô-ma 13:12-14; Ga-la-ti 5:19-21; Ê-phê-sô 5:3-5). Những buổi họp mặt vui chơi, dù là tiệc cưới hay bất cứ dịp nào khác, chúng ta cũng không được phép bỏ đi những tiêu chuẩn của đạo đấng Christ hoặc làm những gì mà chúng ta không thường làm; chúng ta cũng không bắt buộc phải theo tất cả những phong tục địa phương. Những phong tục này dựa vào các thực hành của tôn giáo giả hay sự dị đoan, và những điều khác bao hàm hạnh kiểm mà tín đồ đấng Christ rõ ràng không thể chấp nhận được (I Phi-e-rơ 4:3, 4).
17. a) Những điều nào cho thấy rằng bữa tiệc cưới ở Ca-na được chuẩn bị kỹ và được trông nom cẩn thận? b) Điều gì cho thấy Giê-su tán thành dịp ấy?
17 Khi đọc Giăng 2:1-11 chúng ta thấy rõ ràng đó là một dịp rất là linh đình và có khá nhiều khách ở đó. Tuy nhiên, Giê-su và môn đồ là khách “được mời”; họ không chỉ ghé qua, mặc dù có ít nhất một vài người trong họ rất có thể là bà con của chủ nhà. Chúng ta cũng nhận thấy có người “hầu bàn” cũng như người “coi tiệc” chỉ định người ta dọn món gì và làm gì. Tất cả những điều này cho thấy bữa tiệc được chuẩn bị kỹ và được trông nom cẩn thận. Bài tường thuật kết thúc bằng cách nói rằng qua những điều mà Giê-su làm tại buổi tiệc ngài “tỏ-bày sự vinh-hiển của mình”. Liệu ngài có chọn dịp đó để làm điều này nếu đây là một buổi tiệc ồn ào và vô trật tự không? Chắc chắn là không.
18. Chúng ta phải nghiêm chỉnh xem xét điều gì khi có bất cứ cuộc họp mặt vui chơi nào?
18 Còn về những dịp đặc biệt mà chúng ta có thể đãi khách thì sao? Chúng ta muốn nhớ rằng mục đích tiếp đãi người khác một cách niềm nở là để tất cả chúng ta có thể “đồng làm việc cho lẽ thật”. Do đó, gọi một dịp là buổi họp mặt của “Nhân-chứng” thì chưa đủ. Một câu hỏi có thể được đặt ra là: Dịp đó có nói lên chúng ta là ai và chúng ta tin gì không? Chúng ta không nên bao giờ xem những dịp như thế là cơ hội để đua đòi với thế gian, để thỏa mãn “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” (I Giăng 2:15, 16). Thay vì thế, những dịp này phải phản ảnh đúng đắn vai trò của chúng ta là Nhân-chứng Giê-hô-va, và chúng ta phải chắc chắn rằng tư cách của chúng ta đem lại sự vinh hiển và vinh dự cho Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 5:16; I Cô-rinh-tô 10:31-33).
“Phải tiếp-đãi nhau, chớ có cằn-rằn”
19. Tại sao chúng ta “phải tiếp-đãi nhau, chớ có cằn-rằn”?
19 Vì tình trạng thế giới tiếp tục suy đồi và con người trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết, chúng ta phải làm hết mình để củng cố mối dây liên kết chặt chẽ hiện có giữa các tín đồ thật của đấng Christ (Cô-lô-se 3:14). Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải có “trong vòng anh em... lòng yêu-thương sốt-sắng” như Phi-e-rơ đã khuyến khích. Kế đến, bằng những lời lẽ thực tiễn ông nói tiếp: “Phải tiếp-đãi nhau, chớ có cằn-rằn” (I Phi-e-rơ 4:7-9). Chúng ta có sẵn sàng chủ động tiếp đãi anh em của chúng ta, có cố gắng là người tử tế và hữu ích không? Hay là chúng ta cằn nhằn khi những cơ hội như thế đến với chúng ta? Nếu làm thế, chúng ta mất đi niềm vui mà chúng ta có thể có và mất đi phần thưởng là được hạnh phúc khi làm lành (Châm-ngôn 3:27; Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
20. Nếu tỏ ra hiếu khách trong thế gian chia rẽ ngày nay thì chúng ta sẽ nhận được ân phước nào?
20 Hợp tác chặt chẽ với các anh em cùng đạo, tỏ ra tử tế và hiếu khách đối với nhau sẽ đem lại vô số ân phước (Ma-thi-ơ 10:40-42). Đối với những người như thế Đức Giê-hô-va hứa là ngài sẽ “che-chở chúng dưới trại Ngài. Chúng sẽ không đói, không khát nữa”. Sống trong trại Đức Giê-hô-va tức là được ngài che chở và tiếp đãi (Khải-huyền 7:15, 16; Ê-sai 25:6). Đúng, triển vọng ở trước mặt chúng ta là được Đức Giê-hô-va tiếp đãi cho đến đời đời (Thi-thiên 27:4; 61:3, 4).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Chúng ta không thể bỏ qua điều gì nếu chúng ta muốn tìm niềm vui và sự toại nguyện thật sự?
◻ Ai là những “kẻ mồ-côi, người góa-bụa”, và chúng ta nên “thăm-viếng” họ như thế nào?
◻ Chúng ta nên nghĩ thế nào về những “ngoại kiều” và “người nước ngoài” trong vòng chúng ta?
◻ Ngày nay ai xứng đáng được chúng ta đặc biệt chú ý đến?
◻ Những dịp đặc biệt cần phản ảnh tinh thần hiếu khách thật sự như thế nào?
[Các hình nơi trang 16 và 17]
Vào những dịp vui vẻ chúng ta có thể bày tỏ lòng hiếu khách đối với người ngoại quốc, trẻ mồ côi cha, những người phụng sự trọn thời gian và những khách khác