“Những sự ấy phải đến”
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng:... Những sự ấy phải đến; song chưa là cuối-cùng đâu”.—MA-THI-Ơ 24:4-6.
1. Đề tài nào khiến chúng ta phải chú ý?
CHẮC hẳn bạn chú ý đến đời sống và tương lai của bạn. Thế thì bạn cũng nên chú ý đến đề tài mà đã khiến anh C. T. Russell phải chú ý vào năm 1877. Anh Russell, sau này thành lập Hội Tháp Canh, đã viết quyển Mục đích và cách Chúa trở lại (Anh ngữ). Sách nhỏ 64 trang này nói về việc Chúa Giê-su trở lại, hoặc đến trong tương lai. (Giăng 14:3) Vào một dịp nọ, khi ở trên Núi Ô-li-ve, các sứ đồ hỏi ngài về sự trở lại đó: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”?—Ma-thi-ơ 24:3.
2. Tại sao có nhiều quan điểm mâu thuẫn về những gì Chúa Giê-su đã báo trước?
2 Bạn có biết và hiểu câu trả lời của Chúa Giê-su không? Lời đó được tìm thấy trong ba quyển sách Phúc Âm. Giáo sư D. A. Carson nói: “Ít có những chương nào trong Kinh Thánh gây ra sự bất đồng ý kiến giữa những người giảng giải hơn là Ma-thi-ơ 24 và những lời tường thuật giống như vậy trong Mác 13 và Lu-ca 21”. Rồi ông nói ý kiến riêng của mình—chỉ là một ý kiến mâu thuẫn khác của loài người. Trong thế kỷ này, nhiều quan điểm như thế đã phản ảnh sự thiếu đức tin. Những người có quan điểm như vậy cho rằng Chúa Giê-su không bao giờ nói những gì chúng ta đọc trong Phúc Âm, rằng những lời ngài nói đã bị sửa đổi, hoặc là những lời tiên đoán của ngài đã không xảy ra—quan điểm bị ảnh hưởng bởi những người chỉ trích Kinh Thánh. Một nhà bình luận Kinh Thánh còn xem Phúc Âm của Mác ‘qua ống kính của triết lý Phật Giáo Mahayana’!
3. Nhân Chứng Giê-hô-va xem lời tiên tri của Chúa Giê-su như thế nào?
3 Trái lại, Nhân Chứng Giê-hô-va chấp nhận sự chính xác và đáng tin cậy của Kinh Thánh, kể cả những điều Chúa Giê-su nói với bốn sứ đồ đã ở với ngài trên Núi Ô-li-ve, ba ngày trước khi ngài chết. Từ thời của anh C. T. Russell, dân Đức Chúa Trời càng ngày càng hiểu rõ hơn về lời tiên tri mà Chúa Giê-su đã nói. Trong những năm gần đây, Tháp Canh đã làm sáng tỏ quan điểm của họ về lời tiên tri này nhiều hơn nữa. Bạn có hấp thụ tin tức đó, thấy tác dụng của nó trong đời sống bạn không?a Chúng ta hãy ôn lại điều này.
Sự ứng nghiệm thảm hại trong tương lai gần kề
4. Lý do gì khiến các sứ đồ có thể hỏi Chúa Giê-su về tương lai?
4 Các sứ đồ biết rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Vì vậy khi họ nghe ngài nói về sự chết, sự sống lại và sự trở lại của ngài, chắc hẳn họ đã tự hỏi: ‘Nếu Chúa Giê-su chết và đi rồi, làm sao ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu mà người ta trông mong Đấng Mê-si sẽ làm?’ Hơn nữa, Chúa Giê-su nói về sự kết liễu của Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Các sứ đồ có thể tự hỏi: ‘Nó xảy ra khi nào và như thế nào?’ Cố gắng hiểu những điều này, các sứ đồ hỏi: “Lúc nào các điều đó xảy đến, và có điềm chi cho người ta biết các sự đó sẽ hoàn-thành?”—Mác 13:4; Ma-thi-ơ 16:21, 27, 28; 23:37–24:2.
5. Những điều Chúa Giê-su nói được ứng nghiệm trong thế kỷ thứ nhất như thế nào?
5 Chúa Giê-su tiên tri là sẽ có chiến tranh, đói kém, dịch lệ, động đất, sự ghen ghét và bắt bớ tín đồ Đấng Christ, mê-si giả và sự rao giảng tin mừng về Nước Trời lan rộng. Rồi sự cuối cùng sẽ đến. (Ma-thi-ơ 24:4-14; Mác 13:5-13; Lu-ca 21:8-19) Chúa Giê-su nói điều này vào đầu năm 33 CN. Trong những thập niên kế tiếp, các môn đồ tinh ý của ngài có thể nhận ra những điều đã được báo trước đang xảy ra một cách đáng chú ý. Đúng vậy, lịch sử chứng tỏ điềm đã ứng nghiệm vào thời đó, dẫn đến việc hệ thống mọi sự Do Thái bị kết liễu bởi tay của quân La Mã vào năm 66-70 CN. Điều đó xảy ra như thế nào?
6. Điều gì đã xảy ra giữa người La Mã và Do Thái vào năm 66 CN?
6 Vào mùa hè nóng nực năm 66 CN ở Giu-đê, những người Zealot Do Thái dẫn đầu cuộc tấn công vào bọn lính phòng vệ La Mã tại một vị trí phòng thủ gần đền thờ Giê-ru-sa-lem, khuấy động lên sự hung bạo ở những nơi khác trong xứ. Trong sách History of the Jews, Giáo Sư Heinrich Graetz kể lại: “Cestius Gallus là Tổng Đốc Syria, người có nhiệm vụ duy trì danh dự của lực lượng La Mã,... đã không thể nào chứng kiến sự nổi loạn đang lan tràn chung quanh ông mà không có nỗ lực nào để ngăn chặn sự tiến triển của nó. Ông tập hợp các quân đoàn lại, và những vua ở các vùng lân cận tình nguyện gửi quân của họ đến”. Đoàn quân này gồm có 30.000 người bao vây Giê-ru-sa-lem. Sau khi đánh nhau một hồi, những người Do Thái rút lui vào trong tường thành gần đền thờ. “Trong vòng năm ngày liên tiếp, quân La Mã tấn công tường thành, nhưng luôn bị tên lửa của người Giu-đê đẩy lui. Chỉ đến ngày thứ sáu họ mới đào khoét được một phần của chân tường phía bắc trước mặt Đền Thờ”.
7. Tại sao môn đồ của Chúa Giê-su có thể có quan điểm khác với hầu hết những người Do Thái?
7 Hãy thử tưởng tượng những người Do Thái bối rối biết bao vì từ lâu họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ cùng thành thánh của họ! Tuy nhiên, môn đồ của Chúa Giê-su đã được báo trước về hoạn nạn chờ đợi Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su báo trước: “Sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung-quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con-cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia”. (Lu-ca 19:43, 44) Nhưng điều đó có nghĩa là tín đồ Đấng Christ phải bị chết trong thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN không?
8. Chúa Giê-su đã báo trước về thảm họa nào, và “những kẻ Ngài đã chọn” là ai?
8 Khi trả lời các sứ đồ trên Núi Ô-li-ve, Chúa Giê-su tiên đoán: “Trong những ngày ấy có tai-nạn, đến nỗi từ ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến bây giờ chưa hề có như vậy, và về sau cũng sẽ chẳng hề có nữa. Nếu Chúa chẳng giảm-bớt các ngày ấy, thì không có sanh-vật [xác thịt, NW] nào được cứu; song vì cớ những kẻ Ngài đã chọn, nên Ngài đã giảm-bớt các ngày ấy”. (Mác 13:19, 20; Ma-thi-ơ 24:21, 22) Vậy những ngày ấy sẽ được giảm bớt và “những kẻ Ngài đã chọn” được cứu. Họ là ai? Chắc chắn không phải là những người Do Thái phản loạn cho rằng mình thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng lại chối bỏ Con Ngài. (Giăng 19:1-7; Công-vụ các Sứ-đồ 2:22, 23, 36) Những người thật sự được chọn vào lúc đó là những người Do Thái và dân ngoại đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và Đấng Cứu Rỗi. Đức Chúa Trời đã chọn những người đó, và vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Ngài đã lập họ thành một nước thiêng liêng mới, “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Ga-la-ti 6:16; Lu-ca 18:7; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34-45; 1 Phi-e-rơ 2:9.
9, 10. Những ngày tấn công của La Mã được “giảm-bớt” như thế nào, và với kết quả nào?
9 Những ngày ấy có được “giảm-bớt” và những người xức dầu được chọn tại Giê-ru-sa-lem có được cứu không? Giáo sư Graetz đưa ra ý kiến: “[Cestius Gallus] đã không nghĩ rằng mình nên tiếp tục đánh nhau với bọn cảm tử và dấn thân vào một chiến dịch dài hạn vào mùa đó, khi mưa thu sắp bắt đầu... và có thể cản trở quân lính nhận được đồ tiếp tế. Vì vậy có lẽ ông nghĩ biện pháp khôn ngoan là rút lui”. Dù Cestius Gallus nghĩ gì, quân La Mã cũng đã rút lui khỏi thành, và bị tổn thất nặng nề vì quân Do Thái đuổi theo sát hại.
10 Sự rút lui đột ngột của La Mã đã cho phép “xác thịt”—môn đồ Chúa Giê-su đang bị nguy hiểm trong thành Giê-ru-sa-lem—được cứu. Lịch sử ghi lại là khi cơ hội mở ra, tín đồ Đấng Christ đã trốn khỏi vùng đó. Đức Chúa Trời quả đáng khâm phục thay trong việc tỏ quyền năng để biết trước tương lai và để bảo đảm sự sống còn của những người thờ phượng Ngài! Nhưng còn những người Do Thái không tin đạo còn lại ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê thì sao?
Những người đương thời sẽ thấy
11. Chúa Giê-su nói gì về “thế hệ nầy”?
11 Nhiều người Do Thái cảm thấy hệ thống thờ phượng của họ, đặt trọng tâm vào đền thờ, sẽ còn tiếp tục lâu dài. Nhưng Chúa Giê-su nói: “Hãy nghe... về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng-dõi [thế hệ, “NW”] nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến. Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi”.—Ma-thi-ơ 24:32-35, chúng tôi viết nghiêng.
12, 13. Các môn đồ hiểu Chúa Giê-su nói về “thế hệ nầy” như thế nào?
12 Vào những năm trước 66 CN, tín đồ Đấng Christ đã thấy nhiều phần đầu của điềm tổng hợp được ứng nghiệm—chiến tranh, đói kém, ngay cả công việc rao giảng về tin mừng Nước Trời cũng lan rộng. (Công-vụ các Sứ-đồ 11:28; Cô-lô-se 1:23) Thế thì khi nào sự cuối cùng sẽ đến? Chúa Giê-su có ý gì khi nói: ‘Thế hệ nầy [Hy Lạp, ge·ne·aʹ] sẽ chẳng qua đi’? Chúa Giê-su thường gọi đám người Do Thái chống đối vào thời đó, kể cả những nhà lãnh đạo tôn giáo, là “thế hệ hung ác gian dâm”. (Ma-thi-ơ 11:16; 12:39, 45; 16:4, NW; 17:17; 23:36) Vậy, khi ở trên Núi Ô-li-ve, ngài lại nói về “thế hệ nầy”, chắc hẳn ngài không muốn nói về toàn thể những người Do Thái trong suốt lịch sử; ngài cũng không muốn nói về các môn đồ của ngài, mặc dù họ là “dòng-giống được lựa-chọn”. (1 Phi-e-rơ 2:9) Và ngài cũng không muốn nói rằng “thế hệ nầy” là một thời kỳ.
13 Thay vì vậy, Chúa Giê-su đã nghĩ đến những người Do Thái chống đối vào thời đó sẽ thấy được sự ứng nghiệm của điềm mà ngài nói. Nói về “thế hệ nầy” nơi Lu-ca 21:32, (NW), Giáo Sư Joel B. Green nhận xét: “Trong sách Phúc Âm thứ ba, ‘thế hệ nầy’ (và những câu quan hệ) thường biểu hiện một lớp người chống lại ý định của Đức Chúa Trời... [Nó nói đến] những người đã ngoan cố chối bỏ ý định của Đức Chúa Trời”.b
14. “Thế hệ” đó đã trải qua kinh nghiệm gì, nhưng kết cuộc khác hẳn cho những tín đồ Đấng Christ như thế nào?
14 Thế hệ gian ác gồm những người Do Thái chống đối có thể thấy điềm được ứng nghiệm cũng đã trải qua sự kết liễu của hệ thống Do Thái. (Ma-thi-ơ 24:6, 13, 14) Và thật như thế! Vào năm 70 CN, quân đội La Mã trở lại, dưới quyền của Titus, con của Hoàng Đế Vespasian. Sự khổ sở của người Do Thái lần nữa bị cầm hãm trong thành thật quá sức tưởng tượng.c Người chứng kiến tận mắt là Flavius Josephus tường thuật rằng đến khi quân La Mã hủy phá thành, có khoảng 1.100.000 người Do Thái đã chết và khoảng 100.000 bị bắt đi lưu đày, chẳng bao lâu thì hầu hết những người đó đã bị chết thảm thương bởi đói hoặc trong đấu trường La Mã. Thật vậy, hoạn nạn năm 66-70 CN là hoạn nạn lớn nhất mà Giê-ru-sa-lem và hệ thống Do Thái đã từng trải qua từ trước đến giờ. Kết cuộc thật khác hẳn biết bao cho các tín đồ Đấng Christ đã nghe theo lời tiên tri cảnh giác của Chúa Giê-su và đã rời Giê-ru-sa-lem sau khi quân La Mã ra khỏi đó năm 66 CN! Những tín đồ xức dầu “được chọn” đã “được cứu”, hoặc được che chở an toàn, vào năm 70 CN.—Ma-thi-ơ 24:16, 22.
Sự ứng nghiệm khác sắp đến
15. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng lời tiên tri của Chúa Giê-su sẽ có sự ứng nghiệm lớn hơn sau năm 70 CN?
15 Tuy nhiên vấn đề không chấm dứt tại đó. Trước đó, Chúa Giê-su đã ám chỉ rằng sau khi thành bị hủy phá, ngài sẽ đến nhân danh Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 23:38, 39; 24:2) Rồi ngài nói rõ điều này hơn trong lời tiên tri trên Núi Ô-li-ve. Đề cập đến “hoạn-nạn lớn” trong tương lai, ngài nói rằng sau đó những christ giả sẽ xuất hiện, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị các nước chà đạp trong một thời gian dài. (Ma-thi-ơ 24:21, 23-28; Lu-ca 21:24) Liệu có một sự ứng nghiệm khác lớn hơn sẽ đến không? Sự thật cho biết là có. Khi so sánh Khải-huyền 6:2-8 (được viết sau hoạn nạn ở Giê-ru-sa-lem năm 70 CN) với Ma-thi-ơ 24:6-8 và Lu-ca 21:10, 11, chúng ta thấy rằng chiến tranh, đói kém và dịch lệ trên một bình diện lớn hơn còn phải đến. Sự ứng nghiệm lớn hơn này của lời Chúa Giê-su đã xảy ra kể từ Thế Chiến I bùng nổ năm 1914.
16-18. Những điều nào chúng ta mong đợi sẽ xảy ra trong tương lai?
16 Trong nhiều thập niên, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dạy rằng sự ứng nghiệm hiện nay của điềm chứng tỏ rằng “hoạn-nạn lớn” sẽ còn phải đến. “Thế hệ” gian ác hiện tại sẽ thấy hoạn nạn đó. Và dường như lần nữa cũng sẽ có giai đoạn đầu (sự tấn công vào tất cả tôn giáo giả), như Gallus tấn công vào năm 66 CN mở đầu cho hoạn nạn trên Giê-ru-sa-lem.d Rồi sau một khoảng thời gian không rõ, sự cuối cùng sẽ đến—sự hủy diệt trên bình diện thế giới, tương tự như năm 70 CN.
17 Nói về hoạn nạn trước mắt chúng ta, Chúa Giê-su nói: “Sự tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua [sự hủy diệt tôn giáo giả], thì mặt trời liền tối-tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế-lực của các từng trời rúng-động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân-tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại-quyền đại-vinh ngự trên mây trời mà xuống”.—Ma-thi-ơ 24:29, 30.
18 Vì vậy, chính Chúa Giê-su nói rằng sau “tai-nạn của những ngày đó vừa mới qua”, những hiện tượng kỳ lạ nào đó sẽ xảy ra trên trời. (So sánh Giô-ên 2:28-32; 3:15). Điều này sẽ khiến cho những người không vâng lời hoảng hốt và sững sờ đến độ họ sẽ “đấm ngực”. Nhiều người sẽ “nhân trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía”. Nhưng tín đồ thật của Đấng Christ thì không giống như thế! Những người này ‘sẽ đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của họ gần tới’.—Lu-ca 21:25, 26, 28.
Sự phán xét sắp đến!
19. Làm sao chúng ta có thể suy luận khi nào dụ ngôn về chiên và dê sẽ được ứng nghiệm?
19 Hãy chú ý nơi Ma-thi-ơ 24:29-31 báo trước rằng (1) Con người đến, (2) đến với vinh hiển chói lòa, (3) các thiên sứ sẽ đến với ngài và (4) mọi dân tộc trên đất sẽ thấy ngài. Chúa Giê-su lặp lại những yếu tố này trong dụ ngôn về chiên và dê. (Ma-thi-ơ 25:31-46) Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng dụ ngôn này có liên hệ đến thời điểm, sau khi hoạn nạn bùng nổ, khi Chúa Giê-su đến với các thiên sứ và ngồi trên ngai phán xét. (Giăng 5:22; Công-vụ các Sứ-đồ 17:31; so sánh 1 Các Vua 7:7; Đa-ni-ên 7:10, 13, 14, 22, 26; Ma-thi-ơ 19:28). Ai sẽ bị phán xét và kết cuộc là gì? Dụ ngôn cho thấy Chúa Giê-su sẽ chú ý đến mọi dân, như thể là họ tụ họp ngay trước ngai trên trời của ngài.
20, 21. (a) Điều gì sẽ xảy ra cho chiên trong dụ ngôn của Chúa Giê-su? (b) Dê sẽ trải qua điều gì trong tương lai?
20 Những người giống như chiên sẽ được tách riêng và đứng bên hữu—bên được ân huệ—của Chúa Giê-su. Tại sao? Bởi vì họ đã lợi dụng cơ hội để làm điều lành cho các anh em ngài—những tín đồ Đấng Christ được xức dầu dự phần trong Nước Trời của Đấng Christ. (Đa-ni-ên 7:27; Hê-bơ-rơ 2:9–3:1) Phù hợp với dụ ngôn này, hàng triệu tín đồ Đấng Christ giống như chiên đã nhận biết những anh em thiêng liêng của Chúa Giê-su và hợp tác để ủng hộ họ. Kết quả là đám đông “vô-số người” có hy vọng căn cứ trên Kinh Thánh là được sống sót qua “cơn đại-nạn” và rồi được sống đời đời trong Địa Đàng, lãnh vực trên đất của Nước Đức Chúa Trời.—Khải-huyền 7:9, 14; 21:3, 4; Giăng 10:16.
21 Kết cuộc sẽ khác biết bao cho những người giống như dê! Ma-thi-ơ 24:30 miêu tả là họ “đấm ngực” khi Chúa Giê-su đến. Và làm thế cũng hợp lý, vì họ đã từng bác bỏ tin mừng về Nước Trời, chống đối môn đồ Chúa Giê-su và yêu thích thế gian sắp sửa qua đi. (Ma-thi-ơ 10:16-18; 1 Giăng 2:15-17) Chúa Giê-su—chứ không phải những môn đồ của ngài trên đất—quyết định ai là dê. Ngài nói về họ: “Những kẻ nầy sẽ vào hình-phạt [sự hủy diệt, NW] đời đời”.—Ma-thi-ơ 25:46.
22. Phần nào của lời tiên tri của Chúa Giê-su đáng cho chúng ta xem xét?
22 Sự hiểu biết thêm của chúng ta về lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25 thật là hứng thú. Tuy nhiên, có một phần trong lời tiên tri của Chúa Giê-su đáng cho chúng ta chú ý thêm—“sự gớm-ghiếc tàn-nát lập ra [đứng, NW] trong nơi thánh”. Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ để ý đến điều này và sẵn sàng hành động. (Ma-thi-ơ 24:15, 16) “Sự gớm-ghiếc” này là gì? Khi nào nó sẽ đứng trong nơi thánh? Triển vọng sống trong hiện tại và tương lai của chúng ta có quan hệ như thế nào? Bài tới sẽ bàn luận về điều này.
[Chú thích]
a Xem sách mỏng Bài học chính từ Tháp Canh Anh ngữ năm 1993 và 1994 Phần 1 trang 89-95 và Phần 2 trang 3-8; và những bài học trong Tháp Canh số ra ngày 15-10-1995; 1-11-1995; và 15-8-1996.
b Học giả người Anh G. R. Beasley-Murray nhận xét: “Câu ‘thế hệ nầy’ không nên gây khó khăn cho những người diễn giải. Dù công nhận chữ genea trong tiếng Hy Lạp thời xưa có nghĩa là sinh ra, dòng dõi, và vì vậy chủng loại,... trong [bản Hy Lạp Septuagint] nó thường được dùng để dịch chữ Hê-bơ-rơ dôr, có nghĩa là thời kỳ, thời đại của loài người, hoặc một thế hệ của những người đương thời... Trong những lời được quy cho Chúa Giê-su đã nói, từ này có vẻ có hai ý nghĩa: một mặt nó luôn luôn biểu hiện những người đương thời với ngài và mặt khác nó luôn luôn ám chỉ một sự chỉ trích ngầm”.
c Trong sách History of the Jews, Giáo Sư Graetz nói rằng lính La Mã đôi khi đóng đinh 500 tù binh một ngày. Những người Do Thái khác bị bắt thì bị chặt đứt tay và gửi trả về thành. Tình hình ở đó như thế nào? “Tiền bị mất giá nên không thể mua được bánh. Người ta đánh nhau ngoài phố vì giành giật những đồ ăn gớm ghiếc, một nắm rơm rạ, một miếng da, hoặc đồ thừa vứt cho chó... Xác chết chưa chôn tăng lên nhanh chóng làm cho bầu không khí mùa hè ngột ngạt càng độc hại, và dân chúng không chống nổi bệnh tật, đói kém và gươm giáo”.
d Bài tới sẽ bàn về khía cạnh này của hoạn nạn tương lai.
Bạn có nhớ không?
◻ Ma-thi-ơ 24:4-14 đã có sự ứng nghiệm nào trong thế kỷ thứ nhất?
◻ Vào thời các sứ đồ, những ngày giảm bớt và xác thịt được cứu như thế nào, như được tiên đoán nơi Ma-thi-ơ 24:21, 22?
◻ “Thế hệ” được đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:34 có đặc điểm nào?
◻ Làm sao chúng ta biết lời tiên tri được nói trên Núi Ô-li-ve sẽ có sự ứng nghiệm khác lớn hơn?
◻ Dụ ngôn về chiên và dê sẽ được ứng nghiệm khi nào và như thế nào?
[Hình nơi trang 12]
Chi tiết trên Khải Hoàn Môn Titus ở Rô-ma, cho thấy những chiến lợi phẩm lấy được khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt
[Nguồn tư liệu]
Soprintendenza Archeologica di Roma