Hãy noi theo đức tin của họ
“Tôi đây là tôi-tớ Chúa”
Ma-ri nhìn lên với cặp mắt mở to đầy kinh ngạc khi vị khách bước vào nhà. Ông ấy không hỏi về cha hay mẹ cô, nhưng đến đó để gặp cô! Ma-ri biết chắc ông ấy không phải là người Na-xa-rét. Trong một thị trấn nhỏ như quê của cô, người lạ rất dễ nhận ra. Nhưng vị khách này rất đặc biệt. Ông chào Ma-ri bằng những lời mà cô chưa từng được nghe: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi”.—Lu-ca 1:28.
Đó là cách Kinh Thánh giới thiệu về Ma-ri, con gái của Hê-li, người thành Na-xa-rét ở xứ Ga-li-lê. Kinh Thánh đề cập đến Ma-ri trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời cô. Khi ấy, Ma-ri đã đính hôn với chàng thợ mộc là Giô-sép, một người đàn ông không giàu có nhưng trung thành với Đức Giê-hô-va. Vì thế, cuộc đời trước mắt cô dường như đã có sắp đặt rõ ràng: một cuộc sống đơn giản trong vai trò là người vợ giúp đỡ Giô-sép, cùng chồng xây dựng gia đình. Dù vậy, đột nhiên cô lại gặp vị khách này. Ông ấy mang đến thông điệp từ Đức Chúa Trời, một nhiệm vụ mà sẽ thay đổi cả cuộc đời cô.
Có lẽ bạn ngạc nhiên khi biết rằng Kinh Thánh không cho chúng ta biết nhiều về Ma-ri. Kinh Thánh không nói nhiều về hoàn cảnh xuất thân, càng cho biết ít về tính cách và không đề cập gì đến ngoại diện của cô. Tuy nhiên, những gì Lời Đức Chúa Trời nói về Ma-ri cho chúng ta biết con người của cô.
Để hiểu rõ về Ma-ri, chúng ta cần bỏ qua các định kiến mà nhiều tôn giáo thường nói về cô. Chúng ta hãy để sang một bên tranh ảnh và hình tượng bằng cẩm thạch hay thạch cao miêu tả vẻ bề ngoài của Ma-ri. Chúng ta cũng không đề cập đến những học thuyết và tín điều phức tạp về người phụ nữ khiêm nhường này, chẳng hạn những danh hiệu cao quý như “Mẹ Thiên Chúa” hoặc “Nữ Vương trên trời”. Ngược lại, chúng ta hãy tập trung vào những gì Kinh Thánh thật sự cho biết về Ma-ri. Nhờ đó, chúng ta có thể học biết nhiều điều quý giá về đức tin của Ma-ri và cách để noi theo gương mẫu của cô.
Thiên sứ viếng thăm Ma-ri
Như bạn có lẽ biết, vị khách đến thăm Ma-ri không phải là người bình thường. Đó chính là thiên sứ Gáp-ri-ên. Khi được gọi là “người được ơn”, Ma-ri rất “bối-rối” và tự hỏi không biết lời chào ấy có nghĩa gì (Lu-ca 1:29). Được ơn trước mắt ai? Ma-ri không nghĩ cô được ơn trước mắt người ta, nhưng thiên sứ cho biết cô được ơn trước mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dù đây là điều rất quan trọng đối với Ma-ri nhưng cô không tự cao cho rằng cô nhận được ân huệ từ Đức Chúa Trời. Khi cố gắng để được Đức Chúa Trời chấp nhận và không kiêu ngạo nghĩ rằng mình đã được ơn của Ngài rồi, thì chúng ta học được một bài học quan trọng mà người phụ nữ trẻ Ma-ri đã hiểu rất rõ. Đó là Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng Ngài yêu mến và hỗ trợ cho những người thấp kém và khiêm nhường.—Gia-cơ 4:6.
Lòng khiêm nhường của Ma-ri rất cần thiết, vì thiên sứ sắp cho cô biết một đặc ân cao quý mà cô hầu như không thể nào tưởng tượng được. Thiên sứ giải thích rằng cô sẽ sinh ra một người mà sẽ trở thành người vĩ đại nhất của nhân loại. Gáp-ri-ên phán: “Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng” (Lu-ca 1:32, 33). Ma-ri chắc chắn biết về lời hứa của Đức Chúa Trời với Đa-vít hơn 1.000 năm về trước, đó là một trong những con cháu của ông sẽ là vua cai trị mãi mãi (2 Sa-mu-ên 7:12, 13). Vì thế, con trai của cô sẽ trở thành Đấng Mê-si, đấng được Đức Chúa Trời chọn vào một chức vụ đặc biệt. Dân Đức Chúa Trời đã chờ đợi đấng này suốt hàng thế kỷ qua!
Ngoài ra, thiên sứ cho cô biết con trai cô sẽ “được xưng là Con của Đấng Rất-Cao”. Làm sao một người phụ nữ trên đất có thể sinh ra Con của Đức Chúa Trời? Hơn nữa, làm sao Ma-ri có thể sinh con được, vì cô chỉ mới đính hôn chứ chưa lấy Giô-sép? Ma-ri đã hỏi những lời rất thẳng thắn như sau: “Tôi chẳng hề nhận-biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” (Lu-ca 1:34). Chúng ta hãy lưu ý rằng Ma-ri không hề xấu hổ mà ngược lại cô xem trọng sự trinh trắng của mình. Ngày nay, nhiều người trẻ không giữ sự trinh trắng của họ, và còn chế giễu những người có quan điểm khác họ. Thế giới đã hoàn toàn thay đổi, nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ thay đổi (Ma-la-chi 3:6). Giống như thời của Ma-ri, Ngài quý trọng những ai vâng giữ tiêu chuẩn đạo đức của Ngài.—Hê-bơ-rơ 13:4.
Dù là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, Ma-ri vẫn là người bất toàn. Vậy làm thế nào cô có thể sinh ra một người con hoàn toàn, là Con của Đức Chúa Trời? Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích: “[Thánh linh] sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35). “Thánh” có nghĩa là “trong sạch” và “thánh khiết”. Thông thường con người truyền lại tội lỗi cho con cháu của họ, nhưng trong trường hợp này, Đức Giê-hô-va làm một phép lạ đặc biệt. Ngài chuyển sự sống của Con Ngài từ trời vào tử cung của Ma-ri, và dùng thánh linh hay sinh hoạt lực của Ngài để “che-phủ” Ma-ri, che chở đứa trẻ không bị nhiễm tội di truyền. Ma-ri có tin nơi lời hứa của thiên sứ không? Cô phản ứng thế nào?
Phản ứng của Ma-ri
Những người hoài nghi, gồm một số nhà thần học thuộc những tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su, thấy khó tin là một nữ đồng trinh có thể sinh con. Dù có học thức cao, họ vẫn không thể hiểu được một lẽ thật đơn giản mà thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói: “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37). Ma-ri tin lời Gáp-ri-ên là thật vì cô là một người nữ trẻ có đức tin vững mạnh. Tuy nhiên, cô không tin một cách mù quáng. Như những người biết lý luận khác, Ma-ri cần bằng chứng làm cơ sở cho niềm tin của cô. Gáp-ri-ên cho Ma-ri biết một bằng chứng giúp cô tin chắc, đó là người bà con lớn tuổi của cô là Ê-li-sa-bét đang có thai nhờ phép lạ của Đức Chúa Trời, dù trước đây bà là người hiếm muộn!
Vậy Ma-ri phản ứng thế nào? Cô có một sứ mạng trước mắt và có cơ sở để tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện điều mà thiên sứ Gáp-ri-ên nói. Nhiệm vụ này chắc hẳn cũng đem lại khó khăn và lo lắng cho Ma-ri. Thứ nhất, cô phải xem lại chuyện đính hôn với Giô-sép. Nếu biết cô có thai, Giô-sép sẽ vẫn chấp nhận cô không? Thứ hai, chính nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao dường như cũng quá lớn lao. Ma-ri sẽ mang thai Con yêu quý nhất của Đức Chúa Trời! Cô phải chăm sóc Con Đức Chúa Trời trong thời gian ngài còn là một bé sơ sinh và bảo vệ ngài khỏi một thế giới gian ác. Thật vậy, đây quả là trách nhiệm lớn lao!
Kinh Thánh cho biết một số người đàn ông dù mạnh mẽ và trung thành nhưng đôi khi cũng lưỡng lự trước những trách nhiệm đầy khó khăn mà Đức Chúa Trời giao. Ông Môi-se cho rằng ông không đủ khả năng nói rõ ràng để làm người phát ngôn cho Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Ông Giê-rê-mi sợ rằng ông chỉ là “con trẻ”, quá trẻ để nhận nhiệm vụ từ Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 1:6). Còn ông Giô-na thì từ chối nhiệm vụ và chạy trốn! (Giô-na 1:3). Nhưng Ma-ri thì sao?
Câu trả lời khiêm nhường và vâng phục của cô vẫn còn được lưu lại cho đến nhiều năm sau. Cô nói với Gáp-ri-ên: “Tôi đây là tôi-tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:38). Tôi tớ là người đầy tớ có địa vị thấp kém nhất, và cả tương lai của người đó nằm trong tay chủ. Đó là cảm nghĩ của Ma-ri đối với Chủ của cô, Đức Giê-hô-va. Cô biết rằng trong tay Đức Chúa Trời, cô sẽ được bảo vệ. Ma-ri cũng hiểu Đức Chúa Trời là thành tín với những ai giữ lòng trung thành, và chắc chắn Ngài sẽ ban phước nếu cô hết sức thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.—Thi-thiên 31:23.
Đôi khi Đức Chúa Trời giao cho chúng ta công việc mà chúng ta nghĩ dường như khó khăn, thậm chí không thể thực hiện. Tuy nhiên, qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy có rất nhiều lý do để tin cậy nơi Ngài và đặt mình trong tay của Ngài giống như Ma-ri (Châm-ngôn 3:5, 6). Chúng ta có làm thế không? Nếu có, Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho chúng ta, và nhờ đó, đức tin của chúng ta nơi Ngài càng vững mạnh hơn nữa.
Đến thăm Ê-li-sa-bét
Điều thiên sứ Gáp-ri-ên nói về Ê-li-sa-bét rất có ý nghĩa đối với Ma-ri. Có người nữ nào khác trên thế giới này hiểu được hoàn cảnh của Ma-ri bây giờ hơn Ê-li-sa-bét không? Ma-ri liền đi đến vùng đồi núi của nước Giu-đa, một chuyến đi kéo dài khoảng ba hoặc bốn ngày. Khi Ma-ri đến nhà Ê-li-sa-bét và thầy tế lễ Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va thưởng cho Ma-ri bằng cách cho cô thêm bằng chứng để vững tin nơi Ngài. Khi Ê-li-sa-bét nghe tiếng Ma-ri chào, đứa trẻ trong lòng bà liền nhảy lên vui mừng. Bà được đầy dẫy thánh linh và gọi Ma-ri là ‘mẹ của Chúa’. Đức Chúa Trời đã cho Ê-li-sa-bét biết con trai của Ma-ri chính là Chúa, tức Đấng Mê-si. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã soi dẫn cho bà thốt lên lời khen ngợi Ma-ri vì cô có lòng trung thành vâng phục: “Phước cho người đã tin” (Lu-ca 1:39-45). Đúng vậy, mọi điều Đức Giê-hô-va hứa với Ma-ri sẽ thành hiện thực!
Lời Ma-ri đáp lại được ghi chép kỹ càng nơi Lu-ca 1:46-55. Đó là những lời dài nhất của Ma-ri được ghi lại trong Kinh Thánh, và cho chúng ta biết nhiều hơn về con người của cô. Khi ca ngợi Đức Giê-hô-va về ân phước được làm mẹ của Đấng Mê-si, Ma-ri thể hiện tinh thần biết ơn. Ma-ri cho thấy mình có đức tin vững chắc khi nói Đức Giê-hô-va sẽ hạ kẻ kiêu ngạo và kẻ có quyền xuống, đồng thời giúp đỡ người nghèo khó, khiêm nhường biết tìm kiếm Ngài. Lời Ma-ri nói cũng cho thấy cô có vốn hiểu biết thế nào. Theo một thống kê, Ma-ri đã nhắc đến hơn 20 điểm khác nhau trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ!
Thật vậy, Ma-ri đã ngẫm nghĩ sâu sắc về Lời Đức Chúa Trời. Dù thế, cô vẫn khiêm nhường, nói những điều dựa trên Kinh Thánh, chứ không phải theo ý riêng của mình. Con trai do cô sinh ra cũng đã có tinh thần tương tự, ngài nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:16). Chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có kính trọng Lời Đức Chúa Trời như Ma-ri không? Hay tôi thích nói và dạy dỗ theo ý riêng?”. Ma-ri đã có câu trả lời rõ ràng về những điều đó.
Ma-ri ở lại với Ê-li-sa-bét trong ba tháng. Trong khoảng thời gian đó, chắc hẳn hai người đã là nguồn khích lệ cho nhau (Lu-ca 1:56). Trường hợp của Ma-ri và Ê-li-sa-bét nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của tình bạn. Nếu tìm những người bạn thật sự yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta chắc chắn sẽ được khuyến khích để có mối quan hệ gần gũi và phụng sự Ngài trọn vẹn hơn (Châm-ngôn 13:20). Dù vậy, cuối cùng cũng đến lúc để Ma-ri trở về nhà. Nhưng còn Giô-sép, ông đã phản ứng thế nào khi biết về tình trạng của Ma-ri?
Giô-sép và Ma-ri
Dường như Ma-ri không đợi cho đến khi Giô-sép nhận ra là cô có thai. Ma-ri đã nói chuyện với Giô-sép. Nhưng trước đó, Ma-ri có lẽ sợ là không biết người đàn ông đứng đắn và kính sợ Đức Chúa Trời này sẽ phản ứng thế nào khi nghe tin ấy. Tuy nhiên, cô vẫn đến và nói cho Giô-sép biết chuyện gì đã xảy ra. Như bạn có thể hình dung, Giô-sép đã lo lắng biết bao. Ông muốn tin người vợ tương lai yêu dấu, nhưng điều Ma-ri nói chưa từng xảy ra. Kinh Thánh không cho biết Giô-sép đã nghĩ gì hay lý luận thế nào, nhưng cho biết ông đã quyết định ly dị Ma-ri, vì vào thời đó, những người đính hôn được xem như là đã kết hôn rồi. Tuy nhiên, Giô-sép không muốn Ma-ri bị xấu hổ hay bị trừng phạt trước dân chúng, nên ông chọn âm thầm ly dị cô (Ma-thi-ơ 1:18, 19). Ma-ri hẳn đau lòng lắm khi thấy Giô-sép phải chịu đựng trường hợp chưa từng có như thế này. Nhưng Ma-ri không cay đắng dù Giô-sép không hiểu cô.
Đức Giê-hô-va không để cho Giô-sép làm những điều mà ông nghĩ là tốt nhất. Trong một giấc mơ, thiên sứ của Đức Chúa Trời bảo ông rằng thai trong lòng Ma-ri thật ra là một phép lạ. Điều này hẳn làm Giô-sép nhẹ nhõm biết bao! Bây giờ ông hành động như những gì Ma-ri đã làm, đó là làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va. Giô-sép cưới Ma-ri, và chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt: chăm sóc Con của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 1:20-24.
Các cặp vợ chồng và những ai đang dự tính kết hôn nên cố gắng học từ cặp vợ chồng trẻ sống cách đây hơn 2.000 năm này. Khi nhìn thấy người vợ trẻ cố gắng hoàn thành trách nhiệm làm mẹ, Giô-sép hẳn biết ơn thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn ông. Giô-sép hẳn đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc nương cậy nơi Đức Giê-hô-va khi có những quyết định quan trọng trong đời sống (Thi-thiên 37:5; Châm-ngôn 18:13). Với tư cách là người chủ gia đình, chắc chắn ông đã tiếp tục cẩn thận và quan tâm đến lợi ích của gia đình khi quyết định.
Mặt khác, chúng ta có thể học được gì về việc Ma-ri sẵn lòng lấy Giô-sép? Dù ban đầu Giô-sép thấy khó hiểu điều Ma-ri nói nhưng cô biết cách chờ đợi, tiếp tục tin cậy và xem Giô-sép là người sẽ là chủ gia đình. Cô hẳn đã thấy được tầm quan trọng của việc kiên nhẫn, và đây là bài học quý giá cho những người nữ thờ phượng Đức Chúa Trời thời nay. Và điểm cuối cùng, những sự kiện này dường như giúp cả Giô-sép lẫn Ma-ri hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nói chuyện thành thật và cởi mở.
Chắc hẳn cặp vợ chồng trẻ này đã xây dựng gia đình trên một nền tảng tốt nhất. Họ đều yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời trên hết, đồng thời mong muốn làm Ngài vui lòng qua việc trở thành bậc cha mẹ yêu thương và có trách nhiệm. Dĩ nhiên, những ân phước tuyệt vời và cả những thử thách đang chờ đón họ. Trước mắt họ là nhiệm vụ nuôi dạy Chúa Giê-su, đấng sẽ trở thành người vĩ đại nhất của toàn nhân loại.
[Hình nơi trang 17]
Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời là nền tảng tốt nhất cho hôn nhân