Chúng ta có thể học được gì từ Gian-nơ?
Nhiều người biết Chúa Giê-su có 12 sứ đồ. Nhưng có lẽ họ không biết trong số những môn đồ của Chúa Giê-su có cả các nữ tín đồ có mối quan hệ thân cận với ngài. Gian-nơ là một trong những nữ tín đồ đó.—Mat 27:55; Lu 8:3.
Gian-nơ đóng vai trò nào trong thánh chức của Chúa Giê-su, và chúng ta có thể học được gì từ gương của bà?
GIAN-NƠ LÀ AI?
Gian-nơ là “vợ của Chu-xa, người quản lý cung Hê-rốt”. Có lẽ Chu-xa là quản gia trong nhà của Hê-rốt An-ti-ba. Gian-nơ là một trong số những phụ nữ đã được Chúa Giê-su chữa lành bệnh. Gian-nơ và những phụ nữ khác đã cùng đi với Chúa Giê-su và các sứ đồ.—Lu 8:1-3.
Những ráp-bi Do Thái dạy rằng phụ nữ không nên giao thiệp với những người nam mà không phải là họ hàng của mình, huống chi là đi chung với họ. Trên thực tế, người đàn ông Do Thái chỉ nói rất ít với phụ nữ. Không bị ảnh hưởng bởi những truyền thống đó, Chúa Giê-su cho phép Gian-nơ và các phụ nữ tin kính khác đi cùng với nhóm của ngài.
Khi chọn kết hợp với Chúa Giê-su cùng các sứ đồ, Gian-nơ có thể bị xã hội lên án và bà phải điều chỉnh cuộc sống thường ngày. Thực tế, hết thảy những ai đi theo ngài phải sẵn sàng làm thế. Dù vậy, Chúa Giê-su nói về những môn đồ ấy như sau: “Mẹ tôi và anh em tôi là những người nghe lời Đức Chúa Trời và làm theo” (Lu 8:19-21; 18:28-30). Chẳng phải anh chị được khích lệ khi biết rằng Chúa Giê-su cảm thấy rất gần gũi với những người hy sinh đời sống để theo ngài hay sao?
BÀ ĐÃ DÙNG CỦA CẢI MÌNH ĐỂ PHỤC VỤ CHÚA GIÊ-SU
Gian-nơ và nhiều phụ nữ khác đã “dùng của cải mình” để phục vụ Chúa Giê-su và 12 sứ đồ (Lu 8:3). Một nhà văn viết: “Lu-ca không nói với độc giả của ông rằng những phụ nữ ấy nấu ăn, rửa chén bát và khâu vá quần áo. Có lẽ họ đã làm... nhưng Lu-ca không nói đến điều đó”. Rất có thể, những phụ nữ ấy đã dùng tiền, đồ vật hoặc tài sản của mình để chu cấp cho những bạn đồng hành của họ.
Cả Chúa Giê-su và các sứ đồ đều không làm việc ngoài đời trong những chuyến rao giảng. Vì vậy, hẳn họ không có khả năng để trang trải mọi thứ cần thiết bao gồm đồ ăn cho một nhóm có lẽ khoảng 20 người. Dù những người khác có thể đã tỏ lòng hiếu khách với họ, nhưng việc Đấng Ki-tô và các sứ đồ có một “hộp tiền” cho thấy có lẽ họ không luôn dựa vào lòng hiếu khách (Giăng 12:6; 13:28, 29). Có thể Gian-nơ và những phụ nữ khác đã đóng góp để trang trải các chi phí của họ.
Một số người cho rằng phụ nữ Do Thái không thể có tiền bạc và của cải. Tuy nhiên, các tài liệu thời đó cho thấy trong vòng những người Do Thái, phụ nữ có thể sở hữu tài sản qua một số cách: (1) được tài sản thừa kế trong trường hợp cha của người ấy qua đời mà không có con trai, (2) được tặng, (3) được khoản tiền theo quy định của khế ước hôn nhân trong trường hợp ly dị (4) được tài sản thừa kế do người chồng đã qua đời sắp đặt hoặc (5) do tự kiếm được.
Chắc chắn, các môn đồ của Chúa Giê-su đã đóng góp những gì họ có thể. Trong số những người đi cùng Chúa Giê-su có thể có những phụ nữ giàu có. Vì Gian-nơ là vợ hay đã từng là vợ của quản gia trong nhà Hê-rốt, nên một số người kết luận rằng bà là người giàu có. Có thể một người giàu có như bà đã tặng chiếc áo không có đường may rất đắt tiền mà Chúa Giê-su mặc. Một nhà văn cho biết đây là một món đồ mà “vợ của những người làm nghề đánh cá không có khả năng tặng”.—Giăng 19:23, 24.
Kinh Thánh không nói rõ Gian-nơ có đóng góp về tài chính hay không, nhưng bà đã làm những gì có thể, và điều này dạy chúng ta một bài học. Những gì chúng ta dâng để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, hay chúng ta có chọn dâng hay không, là tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Điều quan trọng với Đức Chúa Trời là chúng ta vui mừng làm những gì có thể.—Mat 6:33; Mác 14:8; 2 Cô 9:7.
LÚC CHÚA GIÊ-SU QUA ĐỜI VÀ SAU ĐÓ
Dường như vào lúc Chúa Giê-su bị hành hình, Gian-nơ có mặt ở đó cùng với các phụ nữ khác, “là những người từng đi theo phục vụ Chúa Giê-su khi ngài ở Ga-li-lê. Ngoài ra, cũng có nhiều phụ nữ khác đã lên Giê-ru-sa-lem cùng với ngài” (Mác 15:41). Khi thi thể của Chúa Giê-su được đưa xuống khỏi cây cột để mang đi chôn, “những phụ nữ từng đi với ngài từ Ga-li-lê thì đi theo và nhìn ngôi mộ, xem thi thể ngài được đặt như thế nào, rồi họ trở về chuẩn bị hương liệu và dầu thơm”. Lu-ca cho biết những phụ nữ đó là “Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ và Ma-ri mẹ của Gia-cơ”. Khi trở lại mộ của Chúa Giê-su sau ngày sa-bát, họ thấy các thiên sứ và được thiên sứ cho biết về sự sống lại của Chúa Giê-su.—Lu 23:55–24:10.
Rất có thể Gian-nơ đã ở cùng những môn đồ nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, trong đó có cả mẹ của Chúa Giê-su cùng các em trai ngài (Công 1:12-14). Vì có mối quan hệ trong triều đình nên một số người cho rằng Gian-nơ có thể đã nói cho Lu-ca biết thông tin nội bộ về Hê-rốt An-ti-ba, nhất là khi Lu-ca là người duy nhất trong số những người viết Phúc âm đề cập đến tên của bà.—Lu 8:3; 9:7-9; 23:8-12; 24:10.
Những gì chúng ta xem xét về Gian-nơ cho chúng ta một số bài học đáng chú ý. Bà hầu việc Chúa Giê-su hết khả năng. Hẳn bà vui mừng nếu những gì mình đóng góp đã trợ giúp Chúa Giê-su, 12 sứ đồ và những môn đồ khác trong việc đi lại và rao giảng. Gian-nơ đã phục vụ Chúa Giê-su và trung thành với ngài bất kể những thử thách mà ngài cùng những người kết hợp với ngài phải trải qua. Hẳn các nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô muốn bắt chước thái độ tin kính của bà.