Phẩm chất đức tin của bạn—Hiện trải qua thử thách
“Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục” (GIA-CƠ 1:2, 3).
1. Tại sao tín đồ đấng Christ biết rằng họ sẽ gặp thử thách về đức tin?
TÍN ĐỒ thật của đấng Christ không muốn bị đau khổ, và họ không vui thích khi bị đau đớn hoặc hạ nhục. Nhưng họ nhớ lời mà em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ viết ở trên. Đấng Christ nói rõ cho các môn đồ ngài biết là họ có thể bị bắt bớ và gặp khó khăn vì giữ theo tiêu chuẩn Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 10:34; 24:9-13; Giăng 16:33). Tuy nhiên, những thử thách đó sinh ra sự vui mừng. Tại sao vậy?
2. a) Tại sao những thử thách đức tin của chúng ta sinh ra vui mừng? b) Trong trường hợp chúng ta, sự nhịn nhục có thể làm trọn việc nó như thế nào?
2 Một lý do cơ bản mà chúng ta có được niềm vui khi bị khó khăn hay gặp những thử thách đức tin là vì những điều này đem lại kết quả tốt. Như Gia-cơ nói, việc chịu đựng được thử thách hay khó khăn “sanh ra sự nhịn-nhục”. Chúng ta gặt được lợi ích khi phát triển đức tính quí báu ấy của tín đồ đấng Christ. Gia-cơ viết: “Sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” (Gia-cơ 1:4). Sự nhịn nhục phải thực hiện một “việc”. Nó phải làm chúng ta nên trọn vẹn trong mọi khía cạnh, giúp chúng ta trở thành tín đồ đấng Christ thăng bằng và thành thục. Vì vậy, bằng cách để cho thử thách tiếp tục, không tìm cách trái ngược với Kinh-thánh để nhanh chóng chấm dứt chúng, thì kết quả là đức tin chúng ta sẽ được thử thách và tinh luyện. Nếu chúng ta thiếu kiên nhẫn, thương xót, nhân từ, hoặc yêu thương khi đối phó với những tình thế hay khi đối xử với người đồng loại, sự nhịn nhục có thể giúp chúng ta cải thiện các đức tính của mình. Đúng vậy, chúng ta thấy có thứ tự này: Thử thách sinh ra nhịn nhục; nhịn nhục làm tăng những đức tính của tín đồ đấng Christ; những đức tính này khiến chúng ta vui mừng (1 Phi-e-rơ 4:14; 2 Phi-e-rơ 1:5-8).
3. Tại sao chúng ta không nên lùi bước vì sợ những thử thách đức tin?
3 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng làm nổi bật lý do tại sao chúng ta không cần sợ hoặc lùi bước trước sự thử thách đức tin. Ông viết: “Anh em vui-mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã ít lâu; hầu cho sự thử-thách đức-tin anh em quí hơn vàng hay hư-nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus-Christ hiện ra” (1 Phi-e-rơ 1:6, 7). Hiện nay những lời này đặc biệt khích lệ vì “hoạn-nạn lớn”—thời kỳ ca ngợi, vinh hiển, tôn trọng và sống sót—gần hơn một số người nghĩ và còn gần hơn là khi chúng ta mới tin đạo (Ma-thi-ơ 24:21; Rô-ma 13:11, 12).
4. Một anh cảm thấy thế nào về những thử thách mà anh và những tín đồ khác được xức dầu đã từng trải?
4 Trong bài trước, chúng ta đã xem xét những thử thách mà những người được xức dầu còn sót lại phải đối phó từ năm 1914 đến nay. Những điều này có là căn bản để vui mừng không? Anh A. H. Macmillan hồi tưởng lại: “Tôi đã chứng kiến nhiều thử thách cam go đến với tổ chức và các cuộc thử thách đức tin đối với những người ở trong tổ chức. Với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, tổ chức đã vượt qua được và tiếp tục lớn mạnh. Tôi đã thấy sự khôn ngoan của việc kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về Kinh-thánh thay vì khó chịu khi nghe một ý tưởng mới lạ... Bất luận chúng ta thỉnh thoảng phải điều chỉnh quan điểm nào đi nữa, điều đó không thay đổi việc Đức Chúa Trời nhân từ cung cấp giá chuộc và lời hứa của Ngài về sự sống đời đời. Vậy chúng ta không nhất thiết phải để cho đức tin bị yếu đi vì những gì chúng ta trông đợi đã không xảy ra hoặc vì những sự thay đổi quan điểm” (Tháp Canh [Anh ngữ], ngày 15-8-1966, trang 504).
5. a) Việc những người còn sót lại trải qua thử thách đem lại lợi ích nào? b) Tại sao vấn đề thử thách làm chúng ta chú ý bây giờ?
5 Những tín đồ đấng Christ được xức dầu đã vượt qua giai đoạn thử thách từ năm 1914-1919 được giải thoát khỏi ảnh hưởng của thế gian và của nhiều thực hành tôn giáo của Ba-by-lôn. Những người còn sót lại tiến tới với tư cách dân tộc được tẩy sạch và tinh luyện, sẵn sàng dâng của-lễ ngợi khen Đức Chúa Trời và được bảo đảm là một dân tộc được Ngài chấp nhận (Ê-sai 52:11; 2 Cô-rinh-tô 6:14-18). Sự phán xét bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời, nhưng không hoàn tất trong một giai đoạn nhất định. Dân tộc Đức Chúa Trời tiếp tục trải qua thử thách và sàng sảy. Đức tin của những người có hy vọng sống sót qua “cơn đại-nạn” trong số đám đông “vô-số người” cũng phải chịu thử thách (Khải-huyền 7:9, 14). Họ phải chịu thử thách tương tự như nhóm người được xức dầu còn sót lại phải chịu và còn dưới những hình thức khác nữa.
Bạn có thể bị thử thách như thế nào?
6. Nhiều người đã trải qua một loại thử thách cam go nào?
6 Nhiều tín đồ đấng Christ nghĩ đến sự khó khăn trong việc đứng vững trước thử thách khi gặp sự tấn công trực diện. Họ nhớ lời tường thuật này: “[Những người lãnh đạo Do Thái] đòi các sứ-đồ trở vào, sai đánh đòn, rồi cấm không được lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng-dạy; đoạn, tha ra. Vậy, các sứ-đồ từ tòa công-luận ra, đều hớn-hở về mình đã được kể là xứng-đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:40, 41). Và lịch sử hiện đại của dân Đức Chúa Trời, nhất là trong hai thế chiến, cho thấy rõ nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va thật sự bị đánh đập và bị nhiều điều tệ hơn trong tay những người ngược đãi họ.
7. Một số tín đồ đấng Christ ngày nay đã biểu lộ đức tin đến mức độ nào?
7 Về việc tín đồ đấng Christ bị ngược đãi, thế gian không phân biệt những người được xức dầu còn sót lại hay là đám đông những “chiên khác” (Giăng 10:16). Qua nhiều năm, những người trong cả hai nhóm bị thử thách gay go, như tù đày và ngay cả tử vì đạo bởi vì tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và đức tin nơi Ngài. Cả hai nhóm đều cần thánh linh Đức Chúa Trời, bất kể họ có hy vọng lên trời hay ở dưới đất. (So sánh Tháp Canh, 15-6-1996, trang 31). Trong thập niên 1930 và 1940 ở Đức Quốc Xã, nhiều tôi tớ Đức Giê-hô-va, kể cả trẻ em, biểu lộ đức tin phi thường, và nhiều người bị thử thách tới cùng. Trong thời gian gần đây hơn, dân Đức Giê-hô-va đã đương đầu với sự ngược đãi trong những nước như Burundi, Eritrea, Ethiopia, Malawi, Mozambique, Rwanda, Singapore và Zaire. Và những thử thách này vẫn tiếp tục.
8. Lời một anh Phi Châu cho thấy gì về việc thử thách đức tin của chúng ta bao hàm nhiều hơn là chỉ chịu đựng sự đánh đập khi bị ngược đãi?
8 Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, đức tin chúng ta cũng bị thử thách trong những cách tinh vi hơn. Một số thử thách không trực tiếp và không dễ nhận ra. Hãy xem bạn phản ứng thế nào trong những trường hợp sau đây. Một anh ở Angola có mười con và ở trong một hội thánh bị cắt đứt liên lạc với các anh có trách nhiệm một thời gian. Sau đó những người khác đã có thể viếng thăm hội thánh. Anh được hỏi là anh đã xoay xở thế nào để nuôi gia đình. Anh thấy khó trả lời, và anh chỉ nói là tình thế rất khó khăn. Anh có thể cho các con anh ăn ít nhất một bữa mỗi ngày không? Anh đáp: “Không đâu. Chúng tôi đã tập có gì ăn nấy”. Rồi với giọng đầy tin tưởng, anh nói: “Nhưng chẳng phải đây là điều phải xảy ra trong những ngày sau rốt này hay sao?” Đức tin như thế thật là phi thường trong thế gian, nhưng không phải là điều hiếm có trong vòng những tín đồ đấng Christ trung thành. Họ hoàn toàn tin tưởng là lời hứa về Nước Trời sẽ được thực hiện.
9. Chúng ta cũng bị thử thách như thế nào trong vấn đề liên hệ đến 1 Cô-rinh-tô 11:3?
9 Đám đông cũng bị thử thách về việc phục tùng các thủ tục thần quyền. Hội thánh tín đồ đấng Christ trên thế giới được điều hành theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời và các tiêu chuẩn thần quyền. Trước hết, điều này có nghĩa là họ phải nhìn nhận Chúa Giê-su Christ là đấng Lãnh Đạo, là đấng được chỉ định làm Đầu hội thánh (1 Cô-rinh-tô 11:3). Việc sẵn lòng phục tùng ngài và Cha ngài cho thấy chúng ta có đức tin nơi những sự bổ nhiệm và các quyết định thần quyền liên quan đến việc chúng ta hợp nhất làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, trong mỗi hội thánh địa phương, có những người được bổ nhiệm để dẫn đầu. Họ là những người bất toàn, có lỗi lầm mà chúng ta có thể dễ thấy; nhưng chúng ta được khuyên giục phải kính trọng những giám thị đó và vâng phục họ (Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Có phải đôi khi bạn thấy điều đó khó làm chăng? Điều này có thật sự là thử thách cho bạn không? Nếu có, bạn được lợi ích từ sự thử thách này không?
10. Về việc rao giảng, chúng ta đương đầu với thử thách nào?
10 Chúng ta cũng bị thử thách trong vấn đề liên hệ đến đặc ân và điều kiện của việc tham gia rao giảng đều đặn. Để vượt qua thử thách này, chúng ta phải biết rằng tham gia trọn vẹn trong thánh chức không phải chỉ rao giảng tối thiểu, hay là làm lấy lệ, mà phải hơn thế nữa. Hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su khen bà góa nghèo nàn vì đã cho hết những gì bà có (Mác 12:41-44). Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có cho hết mình giống như vậy trong việc rao giảng không?’ Tất cả chúng ta lúc nào cũng là Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, sẵn sàng nắm lấy mọi cơ hội để sự sáng chúng ta chiếu rạng (Ma-thi-ơ 5:16).
11. Tại sao những thay đổi trong sự hiểu biết hoặc lời khuyên về hạnh kiểm là một thử thách?
11 Một thử thách khác mà chúng ta phải đương đầu có liên quan đến việc chúng ta quí trọng ánh sáng lẽ thật của Kinh-thánh ngày càng thêm sáng tỏ và những lời khuyên của lớp người đầy tớ trung tín đến độ nào (Ma-thi-ơ 24:45). Đôi khi điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hạnh kiểm cá nhân, chẳng hạn khi vấn đề được nêu rõ là những người dùng thuốc lá phải ngưng hút nếu muốn tiếp tục ở lại trong hội thánha (2 Cô-rinh-tô 7:1). Hay là chúng ta có thể gặp thử thách trong việc cần sửa đổi sở thích về âm nhạc hoặc những hình thức giải trí nào đó.b Chúng ta có nghi ngờ sự khôn ngoan trong lời khuyên về vấn đề này không? Hay là chúng ta để thánh linh Đức Chúa Trời uốn nắn tư tưởng và giúp chúng ta mặc nhân cách của tín đồ đấng Christ? (Ê-phê-sô 4:20-24; 5:3-5).
12. Điều gì cần thiết để củng cố đức tin sau khi một người làm báp têm?
12 Trong nhiều thập niên, số người thuộc đám đông đã gia tăng, và sau khi báp têm họ tiếp tục củng cố sự liên lạc với Đức Giê-hô-va. Điều này không phải chỉ là đi dự hội nghị của tín đồ đấng Christ, đi vài buổi họp tại Phòng Nước Trời, hoặc thỉnh thoảng tham gia vào việc rao giảng mà còn hơn thế nữa. Để thí dụ: Một người có thể đứng ngoài Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới, nhưng người đó có thật sự từ bỏ nó chưa? Người đó có còn bám víu vào những điều phản ảnh tinh thần của Ba-by-lôn Lớn không—tức tinh thần khinh thường các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời? Người đó có xem nhẹ đạo đức và sự chung thủy trong hôn nhân không? Người đó có coi trọng quyền lợi cá nhân và vật chất hơn là quyền lợi thiêng liêng không? Vâng, người đó có giữ mình khỏi tì vết của thế gian không? (Gia-cơ 1:27).
Lợi ích của đức tin đã trải qua thử thách
13, 14. Một số người đã làm gì sau khi bắt đầu theo sự thờ phượng thật?
13 Nếu đã thật sự rời khỏi Ba-by-lôn Lớn và cũng đã ra khỏi thế gian, chúng ta đừng nhìn lại những gì đã bỏ lại đằng sau. Phù hợp với nguyên tắc ghi nơi Lu-ca 9:62, bất cứ ai trong chúng ta quay lại phía sau thì có thể đánh mất đi đặc ân được làm thần dân của Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng-đáng với nước Đức Chúa Trời”.
14 Một số người lúc trước đã trở thành tín đồ đấng Christ nhưng rồi lại để mình bị hệ thống mọi sự này uốn nắn. Họ không cưỡng lại tinh thần của thế gian (2 Phi-e-rơ 2:20-22). Các thú tiêu khiển theo thế gian đã chiếm hết thì giờ và sự chú ý của họ, bởi vậy làm họ chậm tiến bộ. Thay vì giữ cho tâm trí tập trung vào Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, xem những điều đó là quan trọng nhất trong đời sống, thì họ lại quay lưng đi và đeo đuổi các mục tiêu vật chất. Trừ phi họ chịu nhìn nhận là mình yếu đức tin và đang ở trong tình trạng hâm hẩm và trừ phi họ thay đổi đường lối bằng cách tìm kiếm lời khuyên của Đức Chúa Trời, họ đang ở trong vòng nguy hiểm có thể đánh mất mối liên lạc quí báu với Đức Giê-hô-va và với tổ chức của Ngài (Khải-huyền 3:15-19).
15. Cần phải làm gì để tiếp tục được Đức Chúa Trời chấp nhận?
15 Chúng ta có được Đức Chúa Trời chấp nhận và có được triển vọng sống sót qua khỏi hoạn nạn lớn đang tiến đến nhanh chóng hay không là tùy thuộc vào việc giữ mình cho được trong sạch, ‘giặt trắng áo mình trong huyết Chiên Con’ (Khải-huyền 7:9-14; 1 Cô-rinh-tô 6:11). Nếu chúng ta không giữ vị thế trong sạch, công bình trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không chấp nhận thánh chức của chúng ta. Chắc chắn, mỗi người chúng ta nên hiểu rằng phẩm chất đức tin đã trải qua được thử thách sẽ giúp mình chịu đựng và tránh làm Đức Chúa Trời buồn lòng.
16. Những lời xuyên tạc có thể thử thách đức tin chúng ta như thế nào?
16 Đôi khi các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như giới cầm quyền gièm pha dân tộc Đức Chúa Trời, bóp méo sự thật về tín ngưỡng và lối sống của tín đồ đấng Christ. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên, vì Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng ‘thế-gian ghen-ghét chúng ta, vì chúng ta không thuộc về thế-gian’ (Giăng 17:14). Liệu chúng ta có để cho những kẻ bị Sa-tan làm mù quáng áp đảo tinh thần, làm cho rủn chí và làm chúng ta cảm thấy hổ thẹn về tin mừng không? Liệu chúng ta có để cho những lời nói dối chống lại lẽ thật ảnh hưởng đến việc đều đặn đi dự các buổi họp và rao giảng của chúng ta không? Hay là chúng ta sẽ đứng vững và can đảm và cương quyết hơn bao giờ hết hầu tiếp tục rao truyền lẽ thật về Đức Giê-hô-va và Nước Trời của Ngài?
17. Sự bảo đảm nào có thể khích lệ chúng ta tiếp tục biểu lộ đức tin?
17 Theo lời tiên tri của Kinh-thánh đã được ứng nghiệm, hiện nay chúng ta đang tiến sâu vào thời kỳ cuối cùng. Các sự trông đợi của chúng ta căn cứ trên Kinh-thánh về một thế giới mới công bình chắc chắn phải trở thành một hiện thực thú vị. Từ đây đến đó, mong rằng tất cả chúng ta thực hành đức tin không gì lay chuyển nơi Lời Đức Chúa Trời và chứng minh đức tin của chúng ta bằng cách không mỏi mệt rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp đất. Hãy nghĩ đến việc có hàng ngàn môn đồ mới làm báp têm mỗi tuần. Chẳng phải điều đó cho chúng ta đủ lý do để biết ơn về sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va trong việc thi hành án lệnh của Ngài để nhiều người hơn nữa có thể được cứu rỗi hay sao? Chẳng phải chúng ta vui mừng vì Đức Chúa Trời đã cho phép hoạt động rao giảng về Nước Trời để cứu mạng được tiếp tục hay sao? Và chẳng phải chúng ta vui mừng khi nhìn thấy hàng triệu người đã chấp nhận lẽ thật và biểu lộ đức tin của họ hay sao?
18. Bạn cương quyết làm gì trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?
18 Chúng ta không biết được cuộc thử thách hiện tại về đức tin chúng ta sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là: Đức Giê-hô-va đã ấn định một ngày để phán xét trời và đất gian ác hiện tại. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cương quyết noi theo phẩm chất đức tin tuyệt hảo đã được thử thách của Chúa Giê-su tức Đấng làm cho đức tin của chúng ta được trọn vẹn. Và chúng ta hãy theo gương của lớp người được xức dầu lớn tuổi còn sót lại trên đất và gương của những người khác đang can đảm phụng sự trong hàng ngũ chúng ta.
19. Bạn có thể chắc chắn điều gì sẽ thắng thế gian?
19 Hợp tác với vị thiên sứ bay giữa trời, chúng ta nên nhất quyết không ngừng rao truyền tin mừng đời đời cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng và mọi dân. Hãy cho họ nghe lời tuyên bố của thiên sứ: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến” (Khải-huyền 14:6, 7). Khi Đức Chúa Trời phán xét, phẩm chất đức tin đã trải qua thử thách của chúng ta sẽ có kết quả gì? Chẳng phải là sự chiến thắng vinh quang, tức là được giải cứu khỏi hệ thống mọi sự hiện tại để vào thế giới mới, công bình của Đức Chúa Trời hay sao? Nhờ chịu đựng những thử thách đức tin, chúng ta có thể nói như sứ đồ Giăng: “Sự thắng hơn thế-gian, ấy là đức-tin của chúng ta” (1 Giăng 5:4).
[Chú thích]
a Xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-6-1973, trang 336-343, và 1-7-1973, trang 409-411.
b Xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-7-1983, trang 27-31.
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao những thử thách đức tin của chúng ta có thể là lý do để vui mừng?
◻ Một số thử thách nào về đức tin của chúng ta có lẽ khó nhận ra?
◻ Bằng cách vượt qua những thử thách đức tin, chúng ta gặt được lợi ích lâu dài như thế nào?
[Hình nơi trang 17]
A. H. Macmillan (phía trước bên trái) vào khoảng thời gian anh và những viên chức của Hội Tháp Canh bị tù oan
Anh là một đại biểu dự hội nghị ở Detroit, Michigan, năm 1928
Những năm cuối đời, anh Macmillan vẫn biểu lộ đức tin
[Hình nơi trang 18]
Giống gia đình này, nhiều tín đồ đấng Christ ở Phi Châu biểu lộ phẩm chất đức tin đã trải qua thử thách