Họ làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va
Một người Sa-ma-ri chứng tỏ là người lân cận tốt
Vào thời Chúa Giê-su, có một sự hiềm khích ra mặt giữa dân Do Thái và Dân Ngoại. Cuối cùng, trong sách Mishnah của đạo Do Thái có cả luật cấm phụ nữ Y-sơ-ra-ên đỡ đẻ cho đàn bà không phải là Do Thái, vì điều này chỉ giúp cho một người Dân Ngoại khác ra đời (Abodah Zarah 2:1).
Người Sa-ma-ri có quan hệ gần với người Do Thái hơn là Dân Ngoại, cả về tôn giáo lẫn về chủng tộc. Thế nhưng, họ cũng bị ruồng rẫy. Sứ đồ Giăng viết: “Dân Giu-đa chẳng hề giao-thiệp với dân Sa-ma-ri” (Giăng 4:9). Thật thế, sách Talmud dạy rằng “một miếng bánh người Sa-ma-ri biếu còn ô uế hơn thịt heo”. Một số người Do Thái còn dùng từ “người Sa-ma-ri” để biểu lộ sự khinh bỉ và sỉ nhục (Giăng 8:48).
Trong hoàn cảnh này, những lời của Chúa Giê-su nói với một người thông thạo luật pháp Do Thái rất là bổ ích. Người này đến hỏi Chúa Giê-su: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Để trả lời, Chúa Giê-su lưu ý ông đến Luật Pháp Môi-se, luật này dạy phải ‘hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời’ và phải ‘yêu người lân-cận như mình’. Kế đến luật gia này hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân-cận tôi?” (Lu-ca 10:25-29; Lê-vi Ký 19:18; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5). Theo người Pha-ri-si thì từ “người lân-cận” chỉ áp dụng cho những ai giữ truyền thống Do Thái—chắc chắn không áp dụng cho Dân Ngoại hoặc dân Sa-ma-ri. Nếu luật gia hay dò hỏi này nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ ủng hộ quan điểm đó, ông sắp phải ngạc nhiên lắm.
Một người Sa-ma-ri đầy lòng trắc ẩn
Chúa Giê-su trả lời câu hỏi của ông bằng cách kể lại một câu chuyện ví dụ.a Ngài nói: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô”. Thành Giê-ru-sa-lem cách thành Giê-ri-cô khoảng 23 kilômét. Con đường nối liền hai thành này có những đoạn ngoằn ngoèo khúc khuỷu và hiểm trở, khiến bọn cướp dễ ẩn nấp, tấn công và tẩu thoát. Lữ khách trong câu chuyện ví dụ của Chúa Giê-su rốt cuộc “lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt-lột hết, đánh cho mình-mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết” (Lu-ca 10:30).
Chúa Giê-su kể tiếp: “Vả, gặp một thầy tế-lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi” (Lu-ca 10:31, 32). Thầy tế lễ và người Lê-vi là những thầy dạy Luật—kể cả luật bảo phải yêu thương người lân cận (Lê-vi Ký 10:8-11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:1, 10). Chắc chắn, hơn bất cứ ai khác, họ đáng lẽ phải động lòng giúp đỡ lữ khách bị thương.
Chúa Giê-su tiếp tục: “Có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó”. Việc Chúa Giê-su đề cập đến người Sa-ma-ri chắc chắn làm gia tăng sự hiếu kỳ của luật gia này. Chúa Giê-su sẽ tán thành quan điểm tiêu cực về chủng tộc này không? Trái lại, vừa nhìn thấy lữ khách bất hạnh, người Sa-ma-ri ấy liền “động lòng thương”. Chúa Giê-su nói: “[Người] lại gần, lấy thuốc thoa bóp và băng bó các vết thương, rồi đỡ nạn nhân lên lưng lừa mình chở đến quán trọ cấp cứu.b Hôm sau, người ấy trao cho chủ quán một số tiền bảo lo săn sóc nạn nhân và dặn: ‘Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả thêm’ ” (Lu-ca 10:33-35, Bản Diễn Ý).
Bây giờ Chúa Giê-su hỏi người chất vấn ngài: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân-cận với kẻ bị cướp?” Luật gia này biết câu trả lời, nhưng dường như ông không muốn nói là “người Sa-ma-ri”. Thay vì thế, ông chỉ giản dị đáp: “Ấy là người đã lấy lòng thương-xót đãi người”. Rồi Chúa Giê-su nói: “Hãy đi, làm theo như vậy” (Lu-ca 10:36, 37).
Bài học cho chúng ta
Người chất vấn Chúa Giê-su cố “xưng mình là công-bình” (Lu-ca 10:29). Có lẽ ông tưởng rằng Chúa Giê-su sẽ khen ông quá cẩn thận làm theo Luật Pháp Môi-se. Nhưng kẻ tự kiêu này cần phải học lẽ thật của câu châm ngôn trong Kinh-thánh: “Các đường-lối của loài người đều chánh-đáng theo mắt họ; song Đức Giê-hô-va cân-nhắc cái lòng” (Châm-ngôn 21:2).
Câu chuyện ví dụ của Chúa Giê-su cho thấy một người thật sự ngay thẳng là người không những tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời mà còn noi theo các đức tính của Ngài (Ê-phê-sô 5:1). Thí dụ, Kinh-thánh nói với chúng ta rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34). Chúng ta có noi theo Đức Chúa Trời về phương diện này không? Câu chuyện ví dụ cảm động của Chúa Giê-su cho thấy tinh thần láng giềng của chúng ta nên vượt qua hàng rào chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Thật vậy, tín đồ đấng Christ được dạy là “hãy làm điều thiện cho mọi người”—chứ không phải chỉ cho những người cùng tầng lớp xã hội, chủng tộc hoặc quốc tịch và không chỉ riêng đối với những người cùng đức tin với mình mà thôi (Ga-la-ti 6:10).
Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng làm theo lời khuyên này của Kinh-thánh. Thí dụ, khi thiên tai xảy ra, họ cứu trợ anh em cùng đức tin và những người không phải là Nhân-chứng nữa.c Ngoài ra, mỗi năm tính chung họ dành ra trên một tỷ giờ để giúp người ta hiểu biết hơn về Kinh-thánh. Họ cố gắng rao giảng cho mọi người thông điệp về Nước Trời, vì ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi [loại, NW] người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti-mô-thê 2:4; Công-vụ các Sứ-đồ 10:35).
[Chú thích]
a Chuyện ví dụ là một câu chuyện ngắn, thường không có thật nhưng ngụ ý răn dạy một lẽ thật về đạo đức hoặc thiêng liêng.
b Một số quán trọ thời Chúa Giê-su hiển nhiên không chỉ cho lữ khách ngủ trọ mà lại còn cho ăn và phục vụ linh tinh nữa. Đây có thể là loại quán trọ mà Chúa Giê-su nghĩ đến, vì từ Hy Lạp được dùng ở đây khác với từ được dịch ra là “nhà quán” nơi Lu-ca 2:7.
c Muốn biết thí dụ, hãy xem Tháp Canh, ngày 1-12-1996, trang 3-8 và ngày 15-1-1998, trang 3-7.