Thờ phượng Đấng Tạo Hóa, không thờ phượng tạo vật
“Ngươi phải thờ-phượng Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (LU-CA 4:8).
1. Chữ “thờ phượng” được định nghĩa thế nào, và sự thờ phượng thật được biểu lộ ra sao?
CHỮ “thờ phượng” (to worship) được định nghĩa trong tự điển là: “Nhìn xem với sự kính trọng, tôn vinh hay tôn sùng vượt bực”.a Ai nên được thờ phượng như vậy? Giê-su Christ nói: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Cũng thế, khi ngài được hứa cho tất cả các nước thế gian nếu ngài chịu “sấp mình xuống trước mặt” Sa-tan, Giê-su đã từ chối và tuyên bố: “Ngươi phải thờ-phượng Chúa [Đức Giê-hô-va], là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Lu-ca 4:7, 8). Qua lời nói và hành động của Giê-su, rõ ràng là chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng được thờ phượng. Sự thờ phượng này gồm có “sự hầu việc” vì “đức-tin không có việc làm [thì] chết” (Gia-cơ 2:26).
2. Tại sao thờ phượng một mình Đấng Tạo hóa là đúng?
2 Dành sự thờ phượng cho Đức Giê-hô-va là đúng vì Ngài là Đấng Thống trị tối cao của cả vũ trụ, Đấng Tạo hóa của trời và đất cùng với mọi sinh vật trên đó. Như thế chỉ một mình Ngài mới đáng được loài người “kính trọng, tôn vinh hay tôn sùng vượt bực”. Kinh-thánh nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên” (Khải-huyền 4:11). Chắc chắn không một người nào, không một vật nào có tri giác hay vô tri vô giác có thể xứng đáng được “kính trọng, tôn vinh hay tôn sùng”. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va là đáng được “sự thờ phượng chuyên độc” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-6).
Một sự khẩn cấp đặc biệt
3. Tại sao có một sự khẩn cấp đặc biệt để chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời?
3 Bởi vì chúng ta sống trong một thời kỳ phán xét, ngay bây giờ có một sự khẩn cấp đặc biệt để thờ phượng Đức Chúa Trời cho đúng cách. Số phận đời đời đang được quyết định. Lời tiên tri của Đức Chúa Trời nói với chúng ta là trong những “ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự hiện nay Giê-su Christ đã đến trong sự vinh hiển trên trời “với các thiên-sứ thánh”. Với ý định gì? Chính Giê-su đã tiên tri về ý định đó là: “Muôn dân nhóm lại trước mặt ngài, rồi ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra”. Chiên sẽ “vào sự sống đời đời”. Còn dê sẽ “vào hình-phạt đời đời” (II Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 25:31, 32, 46).
4. a) Phao-lô chỉ rõ thế nào về những kẻ sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn trong sự cuối cùng của thế gian này? b) Những người sẽ được sống đời đời bày tỏ thái độ nào?
4 Sứ đồ Phao-lô viết về “Chúa Giê-su hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo-thù những kẻ chẳng hề nhận-biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục [tin mừng] của Chúa Giê-su Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-9). Thế thì sự hủy diệt đời đời sẽ là số-phận của những người ngoan cố giống như dê không muốn biết về ý định Đức Chúa Trời hoặc từ chối hành động khi có cơ hội. Nhưng “sự sống đời đời” sẽ là số phận của những người khiêm nhường giống như chiên, muốn biết về Đức Giê-hô-va, nghe sự chỉ dạy của Ngài và tuân theo ý định của Ngài. Kinh-thánh nói: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (I Giăng 2:17; cũng xem II Phi-e-rơ 2:12).
5, 6. a) Một người phải làm gì để tìm được lẽ thật về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài? b) Tại sao chúng ta có thể tin tưởng rằng những người tìm kiếm lẽ thật sẽ có dịp tìm được, bất kể hoàn cảnh đời sống họ ra sao?
5 Những người giống như chiên sẵn sàng hy sinh thì giờ, năng lực và nguồn lợi vật chất để tìm kiếm lẽ thật. Họ làm những gì như Châm-ngôn 2:1-5 nói: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạnh-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; phải, nếu con kêu-cầu sự phân-biện [hiểu biết], và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”.
6 Sự tự nguyện tìm kiếm Đức Giê-hô-va là điều làm những người giống như chiên khác biệt với những kẻ giống như dê. “Nếu con tìm-kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa-bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ-bỏ con đời đời” (I Sử-ký 28:9). Thế thì, bất kể một người thuộc chủng tộc hay quốc tịch nào, trình độ học vấn ra sao, dù giàu hay nghèo, nếu thành tâm tìm kiếm lẽ thật về Đức Chúa Trời, người ấy sẽ tìm được. Từ cứ điểm trên trời đấng Christ và các thiên sứ sẽ giúp cho người đang tìm kiếm có dịp nghe lẽ thật, bất kể người đó sống ở đâu. Sự tìm kiếm đó sẽ có kết quả là gì? Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3; cũng xem Ê-xê-chi-ên 9:4).
Tránh thờ tạo vật
7, 8. a) Có sự nguy hiểm nào trong việc thờ phượng loài người? b) Hãy diễn tả cách mà người ta tôn thờ bà Ma-ri với “sự kính trọng, tôn vinh hay tôn sùng vượt bực”.
7 Nhiều người trên khắp đất xem loài người—còn sống hay đã chết—với “sự kính trọng, tôn vinh hay tôn sùng vượt bực”. Dù họ có thể cảm thấy đó là một phần trong sự thờ phượng đối với Đức Chúa Trời, nhưng điều đó thật ra tách họ ra khỏi sự thờ phượng thật. Điều này dẫn họ đến việc tin theo các giáo lý và làm các thực hành trái ngược với ý định của Đức Chúa Trời. Một thí dụ nổi bật là cách mà hằng triệu người theo đạo Công giáo La-mã và đạo Công giáo Chính thống Đông phương tôn sùng bà Ma-ri là mẹ của Giê-su.
8 Người ta quì lạy trước các hình ảnh và tượng chạm biểu hiệu bà Ma-ri với một thái độ thờ phượng và trong giáo lý chính thức của nhà thờ, bà Ma-ri được tôn là “Đức Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa” (The Virgin Mary Theotokos). Chữ the.o.to’kos có nghĩa là “Mẹ của Đức Chúa Trời”. «Tân Bách khoa Tự điển Công giáo» (New Catholic Encyclopedia) nói: “Bà Ma-ri là mẹ của Thiên Chúa... Nếu bà Ma-ri không thật sự là mẹ của Thiên Chúa, thì Đấng Ky-tô không thật sự là Thiên Chúa cũng như không thật là người”. Vậy thì, như một phần của giáo lý Ba Ngôi, các đạo này dạy rằng Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn năng lấy hình thể loài người, làm bà Ma-ri nghiễm nhiên trở thành “mẹ của Đức Chúa Trời”. Sách ấy cũng nói thêm là sự tôn sùng bao gồm: “1) tôn kính hay kính cẩn nhận biết phẩm giá nơi Thánh mẫu của Thiên Chúa; 2) cầu khẩn hay cầu xin Đức Bà lấy quyền làm mẹ và nữ vương chuyển đạt giùm... và cầu nguyện riêng [với bà Ma-ri]”.
9. Kinh-thánh có dạy rằng bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời” không?
9 Tuy nhiên chữ theo.to’kos không có trong Kinh-thánh. Và không nơi nào trong Kinh-thánh nói bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời”. Giê-su hay các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã không dạy điều đó. Hơn nữa, Kinh-thánh chỉ rõ Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng lấy hình người nhưng là Con của Đức Chúa Trời.b Thật vậy, khi bà Ma-ri được thông báo tin là bà sẽ sanh một con trai, thiên sứ nói với bà: “Thánh linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35). Vậy Giê-su là Con Đức Chúa Trời, chứ không phải chính Đức Chúa Trời trong hình người. Thế thì, bà Ma-ri là mẹ của Giê-su Con Đức Chúa Trời, chứ không phải là mẹ của Đức Chúa Trời trong hình người. Đó là lý do tại sao cả Giê-su lẫn các môn đồ ngài không bao giờ gọi bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời”.
10, 11. a) Các thí dụ nào cho thấy Giê-su có quan điểm ra sao về mẹ ngài? b) Các sứ đồ và môn đồ của Giê-su xem mẹ ngài thế nào?
10 Cách mà Giê-su đối xử với mẹ ngài chỉ cho thấy địa vị tương đối của bà. Trong buổi tiệc cưới ở Ca-na, Kinh-thánh cho chúng ta biết: “Vừa khi thiếu rượu, mẹ Chúa Giê-su nói với ngài rằng: Người ta không có rượu nữa. Chúa Giê-su đáp rằng: Hỡi đờn-bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng?” Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn nói: “Nầy bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?” (Yoan [Giăng] 2:3, 4). Trong một dịp khác, có người đã nói với ngài: “Phước cho dạ đã mang ngài và vú đã cho ngài bú!” Đó là một dịp tốt để Giê-su đặc biệt tôn vinh mẹ ngài và chỉ cho những người khác thấy họ nên làm giống vậy. Thay vì thế, Giê-su nói: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” (Lu-ca 11:27, 28).
11 Những sự dẫn chứng như thế cho thấy là Giê-su cẩn thận không tôn sùng hay tôn vinh quá đáng đối với bà Ma-ri hay là gọi bà bằng bất cứ chức vị đặc biệt nào. Ngài không để cho sự liên hệ mẹ con ảnh hưởng đến ngài. Và các sứ đồ cùng các môn đồ cũng theo gương ngài vì không nơi nào họ viết trong Kinh-thánh là bà Ma-ri được ban cho bất cứ sự tôn vinh, chức vị hay ảnh hưởng quá đáng nào. Trong khi họ vẫn tôn trọng bà là mẹ của Giê-su, họ không làm gì quá đáng cả. Chắc chắn họ không bao giờ nói đến bà là “mẹ của Đức Chúa Trời”. Họ biết Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng trong hình thể loài người và vì vậy mà bà Ma-ri không thể nào là mẹ của Đức Chúa Trời, một địa vị vượt quá xa Lời Đức Chúa Trời cho phép về bà Ma-ri.
Sự sùng bái Nữ thần-Đức Mẹ
12. Ý tưởng bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời” phát sinh từ đâu và từ thời nào?
12 Vậy thì ý tưởng đó phát xuất từ đâu? Điều đó dần dần len lỏi vào các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ vào thế kỷ thứ ba và thứ tư tây lịch. Đặc biệt sau năm 325 tây lịch khi hội đồng tôn giáo Nicaea chuẩn nhận giáo lý trái với Kinh-thánh cho đấng Christ là Đức Chúa Trời. Khi mà ý tưởng sai lầm đó được chấp nhận thì dễ cho người ta dạy bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời”. Về điều này cuốn «Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc» (The New Encyclopoedia Britannica) nói: “Chức vị đó [«mẹ của Đức Chúa Trời»] dường như phát sinh từ sự tôn sùng, có lẽ ở thành Alexandria vào khoảng thế kỷ thứ 3 hay thứ 4... Cho đến cuối thế kỷ thứ 4 giáo lý “Theotokos” (“Mẹ của Đức Chúa Trời”) đã có thế đứng vững vàng trong nhiều phần khác nhau của giáo hội”. Cuốn «Tân Bách khoa Tự điển Công giáo» (New Catholic Encyclopedia) ghi nhận là giáo lý đó được chấp nhận chính thức “kể từ thời Hội đồng tôn giáo tại Ê-phê-sô vào năm 431”.
13. Điều gì có lẽ đã ảnh hưởng Hội đồng tôn giáo tại Ê-phê-sô năm 431 tây lịch về việc chính thức tuyên bố bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời”?
13 Đáng chú ý là Hội đồng đó họp ở đâu và tại sao. Sách «Sự sùng bái Nữ thần-Đức Mẹ» (The Cult of the Mother-Goddess) do tác giả E. O. James viết: “Hội đồng tôn giáo tại Ê-phê-sô nhóm lại trong đại giáo đường «Theotokos» (Mẹ của Đức Chúa Trời) vào năm 431. Chính tại đây, một thành phố trứ danh đặc biệt về sự thờ phượng nữ thần Artemis mà người La-mã gọi là Diana, nơi đó có truyền thuyết là hình tượng của bà từ trời rơi xuống và dưới bóng của đền thờ to lớn dâng cho Magna Mater [Mẹ Vĩ đại] từ năm 330 trước tây lịch và theo truyền thống, đó là nơi trú ngụ tạm thời của bà Ma-ri, (chính tại đây) mà chức vị «Mẹ của Đức Chúa Trời» không khỏi được tôn lên bệ cao”.
14. Lịch sử chứng tỏ thế nào rằng giáo lý đó có nguồn gốc tà giáo?
14 Vậy, cũng như thuyết Ba Ngôi, giáo lý “mẹ của Đức Chúa Trời” là sự dạy dỗ của tà giáo trá hình như một tín điều của đạo đấng Christ. Điều này rất phổ thông trong các tà giáo nhiều thế kỷ trước đạo đấng Christ. Cuốn «Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc» (The New Encyclopoedia Britannica) viết dưới chủ đề “mẹ nữ thần”: “Bất cứ thần thánh nào thuộc phái nữ và biểu tượng mẫu hệ của sự sanh đẻ, sanh sản, sanh nở nhiều, hợp nhất tính dục, nuôi con và chu kỳ của sự tăng trưởng. Danh từ này cũng áp dụng cho những nhân vật khác như các Nữ thần gọi là của thời đại thạch khí và bà Nữ đồng trinh Ma-ri... Không có nền văn hóa nào mà không dùng biểu tượng nào đó về người mẹ để miêu tả thần thánh của nền văn hóa đó... Bà là người bảo bọc và nuôi dưỡng một đứa con thần thánh và nói rộng hơn, bảo bọc cả nhân loại”. Vì vậy linh mục Công giáo Andrew Greely nói trong sách của ông nhan đề «Làm ra các? giáo hoàng năm 1978» (The Making of the Popes 1978): “Biểu tượng về bà Ma-ri nối liền đạo đấng Christ trực tiếp với các [tà] giáo thờ các mẹ nữ thần thời xưa”.
Thờ phượng không đúng
15. a) Điều gì đã phát sinh từ các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ về vấn đề bà Ma-ri? b) Theo Kinh-thánh thì chỉ có ai mới có thể làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và chúng ta?
15 Nói rằng bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời” là nâng cao bà lên đến địa vị mà nhân loại có khuynh hướng thờ phượng bà và đó là điều xảy ra hằng bao thế kỷ nay. Hằng trăm triệu người trong nhiều xứ đã cầu nguyện bà hay cầu qua bà và đã tôn thờ bà qua hình tượng và những vật thánh miêu tả bà. Trong lúc các nhà thần học có thể cố gắng biện hộ điều đó cho là sự tôn kính bà Ma-ri chỉ là một cách gián tiếp để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng đó không phải là quan điểm của Đức Chúa Trời. “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một đấng Trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Chúa Giê-su Christ, là người” (I Ti-mô-thê 2:5; I Giăng 2:1, 2). Chính Giê-su đã nói: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
16. Phi-e-rơ và Giăng nói rõ thế nào về việc chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va mà thôi?
16 Trực tiếp hay gián tiếp tôn sùng bà Ma-ri, cầu nguyện bà, quì lạy trước hình tượng và các vật thánh miêu tả bà là thờ phượng tạo vật thay vì Đấng Tạo hóa. Đó là sự thờ lạy hình tượng, và tín đồ đấng Christ được dạy “hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng” (I Cô-rinh-tô 10:14). Khi người ngoại Cọt-nây kính cẩn quì lạy trước sứ đồ Phi-e-rơ, hãy lưu ý điều gì xảy ra: “Phi-e-rơ vừa vào, thì Cọt-nây ra rước, phục xuống dưới chơn người mà lạy. Nhưng Phi-e-rơ đỡ người dậy, nói rằng: Ngươi hãy đứng dậy, chính ta cũng chỉ là người mà thôi” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:25, 26). Quì xuống thờ lạy loài người là không đúng, và Phi-e-rơ không chấp nhận điều đó. Cũng vậy, sau khi nhận được sự hiện thấy do một thiên sứ, sứ đồ Giăng ghi lại: “Chính tôi là Giăng đã thấy và nghe những điều đó. Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chơn thiên-sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ-lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên-tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ-phượng Đức Chúa Trời!” (Khải-huyền 22:8, 9). Nếu mà không được thờ phượng ngay cả thiên sứ thì còn nói chi đến thờ phượng loài người hay là hình tượng của loài người.
17. Một Bách khoa Tự điển Công giáo thừa nhận gì về kết quả của sự tôn sùng bà Ma-ri?
17 Sự tôn sùng bà Ma-ri thế ấy có thể đưa đến sự thờ phượng không đúng như được công nhận bởi «Bách khoa Tự điển Công giáo» (The Catholic Encyclopedia) trong một ấn bản trước đây: “Sự tôn sùng phổ thông đối với Đức Mẹ Đồng trinh thường diễn ra quá lố và có sự lạm dụng, điều này không thể nào chối cãi được”.
18. Giáo lý ngược lại Kinh-thánh đó hẳn đã phát xuất từ nguồn gốc nào?
18 Giáo lý này ngược với Kinh-thánh đã bắt nguồn từ đâu? Nguồn phát sinh phải là Kẻ Nghịch của Đức Chúa Trời, Sa-tan Ma-quỉ (Giăng 8:44). Tại sao nó phát động sự dạy dỗ đó? Để làm giảm giá trị và hạ thấp Đấng Chủ tể là Chúa Giê-hô-va, để tâng bốc loài người lên và gây ra sự hỗn loạn. Giáo lý đó xây loài người khỏi sự thờ phượng thật và khiến họ hướng về tạo vật để được cứu rỗi. Trải qua nhiều thế kỷ, giáo lý đó cũng cho hàng ngũ giáo phẩm thêm quyền lực đối với thường dân, những người này được dạy là phải hoàn toàn tuân theo giới lãnh đạo tôn giáo của họ vì chỉ có hàng ngũ giáo phẩm mới hiểu nổi môn thần học phức tạp như thế.
19, 20. a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn là trước khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét, những người giống như chiên sẽ tìm thấy lẽ thật? b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài kế tiếp?
19 Tuy nhiên, Giê-su báo trước: “[Tin mừng] nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Và Đức Giê-hô-va hứa rằng qua công việc rao giảng về Nước Trời, Ngài sẽ nhóm lại những người giống như chiên để “Ngài sẽ dạy [họ] về đường-lối Ngài, [họ] sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Ê-sai 2:2-4). Bởi vì họ được nhóm lại để thờ phượng Đức Giê-hô-va cách trong sạch, Giê-su nói với họ: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [giải thoát] các ngươi” (Giăng 8:32). Vì thế những người tìm kiếm lẽ thật sẽ tìm thấy và sẽ được giải thoát khỏi những sự dạy dỗ sai lầm về tôn giáo làm cản trở người ta làm theo ý muốn của Đấng Tạo hóa.
20 Còn nhiều sự dạy dỗ và thực hành tôn giáo mà người ta chấp nhận rộng rãi nhưng cũng làm loài người xây khỏi sự thờ phượng thật đối với Đấng Tạo hóa mà hướng về sự tôn sùng tạo vật. Những điều này là gì và có kết quả ra sao? Còn sự thờ phượng thật thì phải bao gồm những gì? Bài kế tiếp sẽ xem xét những câu hỏi này.
[Chú thích]
a Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary, 1986.
b Xem Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 1-6-1988, trang 10-20.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Giê-su cho thấy rõ thế nào về việc chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va mà thôi?
◻ Tại sao ngay bây giờ việc thờ phượng đúng là đặc biệt khẩn cấp?
◻ Tại sao không nên tôn vinh bà Ma-ri cách quá đáng?
◻ Ý tưởng bà Ma-ri là “mẹ của Đức Chúa Trời” phát sinh từ đâu?
◻ Hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng nhấn mạnh thế nào việc chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va mà thôi?