CHƯƠNG HAI
Chuẩn bị cho hôn nhân được thành công
1, 2. a) Giê-su nhấn mạnh thế nào về sự quan trọng của việc lập kế hoạch? b) Đặc biệt trong phương diện nào chúng ta cần dự tính trước?
XÂY một căn nhà đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng. Trước khi đặt nền, người ta phải mua đất và vẽ họa đồ. Tuy nhiên, có một điều khác nữa rất thiết yếu. Giê-su nói: “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí-tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?” (Lu-ca 14:28).
2 Điều gì cần thiết cho việc xây một căn nhà cũng cần thiết cho việc xây dựng một cuộc hôn nhân được thành công. Nhiều người nói: “Tôi muốn lập gia đình”. Nhưng có bao nhiêu người suy đi nghĩ lại những gì mình phải hy sinh? Trong khi Kinh-thánh tán thành chuyện hôn nhân, thì cũng lưu ý chúng ta đến những thử thách trong hôn nhân (Châm-ngôn 18:22; I Cô-rinh-tô 7:28). Vì vậy, những ai có ý định lập gia đình cần có quan điểm thực tế về các ân phước lẫn sự hy sinh khi kết hôn.
3. Tại sao Kinh-thánh là sách giúp đỡ quí giá cho những ai dự định kết hôn, và sách ấy sẽ giúp chúng ta trả lời ba câu hỏi nào?
3 Kinh-thánh có thể giúp chúng ta. Lời khuyên trong sách này được Đấng Sáng lập hôn nhân là Giê-hô-va Đức Chúa Trời soi dẫn (Ê-phê-sô 3:14, 15; II Ti-mô-thê 3:16). Đây là cuốn sách cổ nhưng có sự hướng dẫn hợp thời, và khi dùng những nguyên tắc trong sách này, chúng ta hãy xem xét: 1) Làm sao một người biết mình có sẵn sàng kết hôn hay chưa? 2) Nên tìm người hôn phối có đức tính nào? và 3) Làm sao giữ cho thời kỳ tìm hiểu được trong sạch?
BẠN CÓ SẴN SÀNG ĐỂ KẾT HÔN CHƯA?
4. Yếu tố nào là quan trọng trong việc giữ cho hôn nhân được thành công, và tại sao?
4 Xây một căn nhà có thể tốn kém nhiều, nhưng việc bảo trì nhà cửa nhiều năm cũng là chuyện tốn kém. Chuyện hôn nhân cũng vậy. Lập gia đình có vẻ đủ khó rồi; nhưng ta cũng phải nghĩ đến việc giữ gìn mối liên lạc trong hôn nhân năm này qua năm khác. Việc giữ gìn mối liên lạc đó bao hàm những gì? Yếu tố cần thiết là phải hết lòng cam kết. Kinh-thánh miêu tả mối liên lạc hôn nhân như sau: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Trong Kinh-thánh, Giê-su Christ cho biết chỉ có một lý do để ly dị và có thể tái hôn. Đó là “tà dâm”, tức là sự giao hợp bất chính ngoài vòng hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:9). Nếu tính chuyện lập gia đình, bạn hãy nhớ những tiêu chuẩn Kinh-thánh này. Nếu bạn chưa sẵn sàng để cam kết trang trọng như thế, thì bạn chưa sẵn sàng để kết hôn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:21; Truyền-đạo 5:4, 5).
5. Dù sự kết hứa trang trọng làm một số người sợ, nhưng tại sao những người dự định kết hôn nên xem trọng điều đó?
5 Nhiều người lo sợ khi nghĩ đến sự cam kết trang trọng này. Một thanh niên thú nhận: “Biết là cả hai chúng tôi phải ở với nhau suốt đời làm tôi cảm thấy như bị dồn vào chân tường, bị rào lại, bị gò bó hoàn toàn”. Nhưng nếu bạn thật sự yêu người mà bạn định cưới, sự cam kết sẽ không giống như một gánh nặng. Trái lại, việc này sẽ được xem là nguồn an toàn. Khi hai vợ chồng giữ sự cam kết trong hôn nhân thì họ sẽ muốn ở với nhau trong những lúc vui buồn và nâng đỡ nhau dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Sứ đồ của đấng Christ là Phao-lô viết rằng sự yêu thương thật “dung-thứ mọi sự” và “nín-chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4, 7). Một người đàn bà nói: “Sự cam kết trong hôn nhân làm tôi cảm thấy yên tâm hơn. Tôi thích chính mình và mọi người biết là chúng tôi có ý định gắn bó với nhau” (Truyền-đạo 4:9-12).
6. Tại sao việc không vội bước vào hôn nhân khi còn nhỏ tuổi là điều tốt?
6 Muốn sống theo đúng lời cam kết thì một người phải có sự chín chắn. Vì thế, Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ tốt hơn là đừng lập gia đình cho đến khi quá “tuổi bồng bột”, thời kỳ mà khả năng sinh dục phát triển mạnh có thể làm lệch lạc sự phán đoán chín chắn (I Cô-rinh-tô 7:36, Nguyễn thế Thuấn). Người trẻ thay đổi nhanh chóng trong thời kỳ tăng trưởng. Nhiều người kết hôn quá sớm thấy rằng chỉ vài năm sau, nhu cầu và ước muốn của họ cũng như của người hôn phối đã thay đổi. Các thống kê cho thấy rằng những người kết hôn trong tuổi thanh thiếu niên cảm thấy không có hạnh phúc và muốn ly dị nhiều hơn là những người đợi đến khi lớn tuổi hơn mới kết hôn. Vậy chớ nên vội lập gia đình. Sống độc thân trong những năm còn trẻ có thể giúp bạn rút được nhiều kinh nghiệm quí giá và khiến bạn thành thục hơn và hội đủ điều kiện để làm người vợ hay người chồng tốt. Hoãn lại việc kết hôn có thể giúp bạn hiểu mình rõ hơn—một yếu tố cần thiết nếu bạn muốn phát triển mối liên lạc tốt đẹp trong hôn nhân.
HÃY BIẾT MÌNH TRƯỚC
7. Tại sao những người dự tính kết hôn nên xem xét chính mình trước?
7 Liệt kê những đức tính mà bạn muốn thấy nơi người hôn phối là chuyện dễ phải không? Nhiều người thấy dễ. Nhưng còn những đức tính của bạn thì sao? Bạn có những tính nào sẽ giúp hôn nhân bạn được thành công? Bạn sẽ là người vợ hay người chồng thế nào? Thí dụ, bạn có sẵn sàng nhận lỗi và chấp nhận lời khuyên không, hay là bạn luôn tự bào chữa khi bị sửa sai? Bạn thường vui vẻ và lạc quan, hay là bạn có khuynh hướng rầu rĩ, thường phàn nàn? (Châm-ngôn 8:33; 15:15). Hãy nhớ rằng hôn nhân sẽ không thay đổi nhân cách của bạn. Nếu bạn kiêu căng, dễ bị chạm tự ái, hoặc quá bi quan khi còn độc thân thì bạn cũng sẽ giống như vậy sau khi lập gia đình. Vì khó biết người khác có cảm tưởng gì về mình, nên bạn hãy hỏi cha mẹ hay là người mà bạn tín cẩn để xin ý kiến và lời đề nghị thẳng thắn. Nếu bạn biết những gì cần phải thay đổi, hãy cố trau dồi các điểm ấy trước khi tiến tới hôn nhân.
8-10. Kinh-thánh đưa ra lời khuyên nào để giúp một người chuẩn bị cho hôn nhân?
8 Kinh-thánh khuyến khích chúng ta hãy để thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trong chúng ta hầu sinh ra những đức tính như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhơn-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. Kinh-thánh cũng nói với chúng ta “phải làm nên mới trong tâm-chí mình” và hãy “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ga-la-ti 5:22, 23; Ê-phê-sô 4:23, 24). Áp dụng lời khuyên này trong khi bạn còn độc thân sẽ giống như là bỏ tiền trong ngân hàng—một việc rất có giá trị trong tương lai khi bạn lập gia đình.
9 Thí dụ, nếu bạn thuộc phái nữ, hãy chú ý đến “con người bề trong” hơn là dáng vẻ bề ngoài (I Phi-e-rơ 3:3, 4, NW ). Tính khiêm tốn và sáng suốt sẽ giúp bạn có sự khôn ngoan, một “mão triều-thiên vinh-quang” (Châm-ngôn 4:9; 31:10, 30; I Ti-mô-thê 2:9, 10). Nếu bạn thuộc phái nam, hãy học cách đối xử tử tế và tôn trọng phái nữ (I Ti-mô-thê 5:1, 2). Trong khi học cách quyết định và gánh vác trách nhiệm, cũng hãy tập tính khiêm tốn và khiêm nhường. Thái độ độc đoán sẽ gây khó khăn cho hôn nhân (Châm-ngôn 29:23; Mi-chê 6:8; Ê-phê-sô 5:28, 29).
10 Mặc dù thay đổi cách suy nghĩ về những vấn đề này không phải là dễ, nhưng đó là điều mà tất cả tín đồ đấng Christ nên cố trau dồi. Và nhờ đó bạn sẽ trở thành người hôn phối tốt.
TÌM NGƯỜI HÔN PHỐI CÓ ĐỨC TÍNH NÀO
11, 12. Làm sao hai người biết được họ có tương xứng hay không?
11 Nơi bạn ở, người ta có phong tục tự chọn người hôn phối không? Nếu có, bạn nên làm gì nếu thấy người khác phái hấp dẫn bạn? Trước hết hãy tự hỏi: Tôi thật sự có ý định kết hôn không? Đùa giỡn với tình cảm của người khác bằng cách làm người ta trông mong một cái gì không có thật, tức là tàn nhẫn (Châm-ngôn 13:12). Rồi hãy tự hỏi: Tôi có điều kiện để kết hôn không? Nếu bạn trả lời có cho cả hai câu hỏi trên, thì bước kế tiếp bạn phải làm sẽ tùy thuộc vào phong tục địa phương. Tại vài xứ, sau một thời gian quan sát người mà bạn để ý, bạn có thể đến nói cho người đó biết bạn muốn làm quen. Nếu người đó không chịu, đừng cố tiến tới đến độ làm người đó khó chịu. Hãy nhớ là người đó cũng có quyền quyết định nữa. Nhưng nếu người đó đồng ý, bạn có thể sắp đặt sinh hoạt lành mạnh với nhau. Điều này cho bạn cơ hội để biết việc cưới người đó có phải là khôn ngoan không.a Bạn nên xem xét điều gì trong giai đoạn này?
12 Để trả lời câu hỏi đó, hãy tưởng tượng đến hai nhạc cụ, chẳng hạn dương cầm và đàn ghi-ta. Nếu cả hai đều được lên dây, thì mỗi loại đàn có thể phát ra âm nhạc độc tấu tuyệt vời. Nhưng chuyện gì xảy ra khi cả hai loại đàn được hòa tấu? Lúc đó chúng phải hòa nhịp với nhau. Bạn và người mà bạn định lấy cũng vậy. Mỗi người có lẽ đã cố sửa tính của mình rồi. Nhưng bây giờ có câu hỏi là: Hai người có hòa hợp nhau không? Nói cách khác là cả hai có tương xứng không?
13. Tại sao tìm hiểu một người không có cùng đức tin với bạn là điều rất là thiếu khôn ngoan?
13 Điều quan trọng là cả hai đều có cùng đức tin và theo cùng nguyên tắc. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin” (II Cô-rinh-tô 6:14; I Cô-rinh-tô 7:39). Kết hôn với người không có cùng đức tin nơi Đức Chúa Trời thì rất có thể sinh ra sự bất đồng nghiêm trọng. Mặt khác, cùng sùng kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời là căn bản vững vàng nhất cho hai người được hòa hợp. Đức Giê-hô-va muốn bạn được hạnh phúc và có sự kết hợp chặt chẽ với người mà bạn kết hôn. Ngài muốn vợ chồng bạn được kết chặt với ngài và với nhau bằng một dây yêu thương gồm ba sợi bện lại (Truyền-đạo 4:12).
14, 15. Phải chăng có cùng đức tin là khía cạnh duy nhất để có sự hòa hợp trong hôn nhân? Hãy giải thích.
14 Mặc dù việc cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời là khía cạnh quan trọng nhất để có sự hợp nhất, nhưng còn có những khía cạnh khác nữa. Để có sự hòa hợp với nhau, bạn và người bạn định cưới nên có cùng mục tiêu. Mục tiêu của bạn là gì? Thí dụ, cả hai nghĩ gì về việc có con? Những gì là quan trọng nhất trong đời sống bạn?b (Ma-thi-ơ 6:33). Cuộc hôn nhân thật sự thành công là khi cả hai là bạn tâm đầu ý hợp, thích kề cạnh bên nhau (Châm-ngôn 17:17). Vì lẽ đó, họ cần có cùng sở thích. Khi không cùng sở thích thì khó làm bạn thân, chứ đừng nói đến bạn đời. Tuy nhiên, nếu người bạn định cưới thích một hoạt động nào đó, như là leo núi mà bạn lại không thích, thì có nghĩa là cả hai không nên kết hôn chăng? Không nhất thiết là thế. Có lẽ bạn có cùng những sở thích quan trọng khác. Hơn nữa, bạn có thể làm người kia vui bằng cách cùng tham gia vào những hoạt động lành mạnh bởi vì người kia thích (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
15 Thật vậy, phần lớn sự tương xứng là do hai người dễ thích nghi đến độ nào, chứ chẳng phải là hai người giống nhau đến độ nào. Thay vì hỏi: “Chúng ta có đồng ý về mọi chuyện không?” thì tốt hơn là chúng ta nên hỏi: “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta không đồng ý với nhau? Chúng ta có thể bàn lại vấn đề một cách bình tĩnh và tôn trọng phẩm cách của nhau không? Hay là cuộc bàn luận thường biến thành cuộc cãi nhau kịch liệt?” (Ê-phê-sô 4:29, 31). Nếu bạn muốn lập gia đình, hãy thận trọng về người kiêu căng và ngoan cố, không sẵn sàng nhượng bộ, hay là lúc nào cũng đòi hỏi và mưu tính buộc người khác theo ý riêng của mình.
HÃY TÌM HIỂU TRƯỚC
16, 17. Một người nên xem xét điều gì khi định tiến đến hôn nhân?
16 Trong hội thánh tín đồ đấng Christ, những người được giao trách nhiệm “phải chịu thử-thách trước đã” (I Ti-mô-thê 3:10). Bạn cũng có thể dùng nguyên tắc này. Thí dụ, một phụ nữ có thể hỏi: “Anh này có tiếng là người như thế nào? Bạn anh ta là ai? Anh ta có bày tỏ tính tự chủ không? Anh ta đối xử ra sao với người già cả? Gia đình anh ta như thế nào? Anh ấy cư xử với người nhà ra sao? Anh ta có thái độ nào đối với tiền bạc? Anh ta có rượu chè không? Anh ta có tính tình bất thường, kể cả hung bạo không? Anh ta có trách nhiệm nào trong hội thánh, và đảm trách các việc như thế nào? Tôi có thể kính trọng anh một cách sâu xa không?” (Lê-vi Ký 19:32; Châm-ngôn 22:29; 31:23; Ê-phê-sô 5:3-5, 33; I Ti-mô-thê 5:8; 6:10; Tít 2:6, 7).
17 Một người đàn ông độc thân có thể hỏi: “Cô ấy có tỏ lòng yêu quí và kính trọng Đức Chúa Trời không? Cô có đủ khả năng chăm sóc gia đình không? Gia đình cô mong chúng tôi phải làm những gì? Cô có khôn ngoan, siêng năng, và biết tiết kiệm không? Cô ấy nói về những điều gì? Cô có thành thật quan tâm đến hạnh phúc của người khác không, hay là cô chỉ nghĩ đến mình, hay xen vào chuyện người khác? Cô có đáng tin cậy không? Cô có sẵn sàng vâng phục quyền làm đầu, hay là cô ngoan cố, có lẽ còn chống lại nữa?” (Châm-ngôn 31:10-31; Lu-ca 6:45; Ê-phê-sô 5:22, 23; I Ti-mô-thê 5:13; I Phi-e-rơ 4:15).
18. Nếu thấy có sự yếu kém nhỏ trong thời gian tìm hiểu nhau, chúng ta nên nghĩ đến điều gì?
18 Chớ nên quên rằng bạn đang tiếp xúc với một người bất toàn, con cháu của A-đam, chứ không phải một anh hùng hay nữ kiệt lý tưởng trong tiểu thuyết ly kỳ. Ai cũng có khiếm khuyết, và chúng ta phải bỏ qua một số khiếm khuyết của mình và của người mình định cưới (Rô-ma 3:23; Gia-cơ 3:2). Hơn nữa, thấy trước sự yếu kém có thể cho mình cơ hội để lớn lên về thiêng liêng. Thí dụ, trong lúc hẹn hò, bạn có sự cãi lẫy. Hãy nghĩ xem: Ngay cả những người yêu nhau và kính trọng nhau cũng có lúc bất đồng ý kiến. (So sánh Sáng-thế Ký 30:2; Công-vụ các Sứ-đồ 15:39). Có phải là cả hai người chỉ cần “chế-trị lòng mình” thêm một chút và học cách dàn xếp vấn đề cho ổn thỏa không? (Châm-ngôn 25:28). Người hôn phối tương lai đó có muốn cải thiện không? Bạn có muốn không? Bạn có thể tập bỏ bớt tính dễ dỗi hờn và quá tự ái không? (Truyền-đạo 7:9). Học cách giải quyết vấn đề có thể giúp mình thiết lập một phương cách trao đổi ý kiến một cách thành thật. Đây là yếu tố rất cần thiết nếu hai người tiến đến hôn nhân (Cô-lô-se 3:13).
19. Nếu thấy có vấn đề nghiêm trọng xuất hiện trong lúc tìm hiểu nhau, điều khôn ngoan là chúng ta nên làm gì?
19 Nhưng nếu bạn thấy có những điều nào đó làm bạn lo lắng nhiều thì sao? Bạn nên cẩn thận xem lại những điều làm bạn nghi ngờ. Dù cho bạn cảm thấy yêu đương đến đâu, muốn lập gia đình đến độ nào đi nữa, bạn chớ nên nhắm mắt trước các lỗi nghiêm trọng đó (Châm-ngôn 22:3; Truyền-đạo 2:14). Nếu bạn giữ liên lạc với một người mà có những điều làm bạn rất nghi ngại thì điều khôn ngoan là ngừng liên lạc và đừng kết hứa lâu dài với người đó.
GIỮ CHO THỜI KỲ TÌM HIỂU ĐƯỢC TRONG SẠCH
20. Làm sao những người đang tìm hiểu nhau có thể giữ hạnh kiểm đạo đức để không chỗ chê trách được?
20 Làm sao bạn giữ cho thời kỳ tìm hiểu được trong sạch? Trước hết, hãy giữ hạnh kiểm sao cho không chỗ trách được. Nơi bạn ở, việc nắm tay nhau, hôn nhau, hoặc ôm nhau có được xem là thích hợp cho những người chưa kết hôn không? Dù người ta không chỉ trích việc bày tỏ tình cảm theo những cách đó, cả hai người không nên làm thế cho đến khi thật sự tính chuyện thành hôn. Hãy thận trọng chớ để việc bày tỏ tình cảm đi quá mức đến độ có hành vi nhơ nhuốc hoặc ngay cả phạm tội tà dâm (Ê-phê-sô 4:18, 19; so sánh Nhã-ca 1:2; 2:6; 8:5, 9, 10). Bởi vì lòng mình dễ đánh lừa mình, nên cả hai bạn phải khôn ngoan tránh ở một mình trong nhà, trong xe đậu một chỗ, hoặc bất cứ nơi nào khác khiến mình có dịp làm điều sai quấy (Giê-rê-mi 17:9). Việc giữ cho thời kỳ tìm hiểu nhau được thanh sạch cho thấy rõ bạn có tính tự chủ và bạn chú ý đặt hạnh phúc người kia lên trên ước muốn của bạn. Điều quan trọng hơn hết là sự trong sạch trong thời gian tìm hiểu nhau sẽ làm vui lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng phán rằng các tôi tớ ngài phải tránh sự nhơ nhuốc và tà dâm (Ga-la-ti 5:19-21).
21. Có thể cần có sự trò chuyện thành thật nào để giữ cho việc tìm hiểu nhau được trong sạch?
21 Thứ hai, sự tìm hiểu trong sạch cũng bao hàm việc trò chuyện thành thật. Trong khi cuộc tìm hiểu tiến dần đến hôn nhân, có một số vấn đề bạn cần bàn luận cởi mở. Bạn sẽ ở đâu? Cả hai sẽ làm việc ngoài đời không? Bạn muốn có con không? Bạn cũng nên nói ra những gì trong quá khứ của mình mà có thể ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân. Điều này bao gồm những món nợ lớn hoặc trách nhiệm hay là vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bất cứ bệnh tật hoặc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào mà bạn có. Vì nhiều người bị nhiễm HIV (siêu vi khuẩn gây ra bệnh AIDS/Sida) không thấy có triệu chứng nào ngay lúc ấy, cho nên, việc một người hay cha mẹ quan tâm đến con cái yêu cầu người đó đi thử máu về bệnh AIDS/Sida thì không có gì là sai, nếu người đó trước kia có chung chạ tình dục bừa bãi hoặc đã chích thuốc kích thích. Nếu có siêu vi khuẩn trong máu, người đó không nên ép người mình định cưới tiếp tục tiến tới hôn nhân nếu người ấy giờ đây muốn đoạn tuyệt. Thật ra, bất cứ ai trước đây có đời sống phóng đãng nên tự động đi thử máu về bệnh AIDS/Sida trước khi bắt đầu thời kỳ tìm hiểu.
NHÌN XA HƠN NGÀY CƯỚI
22, 23. a) Một người có thể mất quan điểm thăng bằng như thế nào khi chuẩn bị cho đám cưới? b) Chúng ta nên giữ quan điểm thăng bằng nào về đám cưới và việc lập gia đình?
22 Trong những tháng cuối trước ngày cưới, cả hai có thể rất bận rộn với việc sắp đặt cho đám cưới. Bạn có thể làm nhẹ bớt sự căng thẳng bằng cách làm đám cưới vừa phải. Đám cưới linh đình có lẽ làm vui lòng thân nhân và cộng đồng, nhưng có thể làm cặp vợ chồng mới cưới và gia đình họ mệt mỏi và tiêu hao tiền bạc. Làm theo phong tục địa phương một phần nào thì hợp lý, nhưng hoang phí và có lẽ cạnh tranh để giống người ta thì có thể đánh mất ý nghĩa của dịp vui đó và có lẽ làm mất niềm vui mà đáng lẽ bạn có được. Trong khi tôn trọng cảm giác của người khác, chú rể có trách nhiệm chính yếu để quyết định về những gì diễn ra trong tiệc cưới (Giăng 2:9).
23 Hãy nhớ rằng đám cưới của bạn chỉ kéo dài một ngày, nhưng hôn nhân kéo dài cả đời. Hãy tránh chú trọng quá nhiều đến chuyện ngày cưới. Thay vì thế, hãy hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời để được chỉ dẫn, và bạn hãy hoạch định trước cho đời sống vợ chồng. Lúc đó bạn đã chuẩn bị chu đáo để có được cuộc hôn nhân thành công.
a Điều này áp dụng trong những xứ mà việc hẹn hò được xem là thích hợp cho tín đồ đấng Christ.
b Ngay cả trong hội thánh tín đồ đấng Christ cũng có một số người có thể nói là sống ở bên lề. Thay vì làm tôi tớ hết lòng của Đức Chúa Trời, họ có thể đã để cho thái độ và hành vi của thế gian ảnh hưởng họ (Giăng 17:16; Gia-cơ 4:4).