CHƯƠNG 12
Được tổ chức để phụng sự “Đức Chúa Trời bình an”
1, 2. Tháp Canh có sự thay đổi nào vào tháng 1 năm 1895, và anh em phản ứng thế nào?
Khi nhận được Tháp Canh tháng 1 năm 1895, một Học viên Kinh Thánh sốt sắng là anh John A. Bohnet vô cùng thích thú trước những gì anh thấy. Tạp chí có hình bìa mới rất độc đáo—một ngọn hải đăng sừng sững trước bão tố, đang chiếu những tia sáng chói lọi lên bầu trời đêm. Lời thông báo trong tạp chí về sự thiết kế mới này có tựa đề “Diện mạo mới của chúng ta”.
2 Ấn tượng trước hình bìa, anh Bohnet gửi thư cho anh Russell. Anh viết: “THÁP CANH trông quá đẹp!”. Một Học viên Kinh Thánh trung thành khác là anh John H. Brown viết về hình bìa như sau: “Hình bìa thật bắt mắt. Ngọn tháp này trụ trên nền chắc chắn dù bị những con sóng và bão tố đánh vào”. Bìa mới là sự thay đổi đầu tiên mà anh em chúng ta thấy trong năm đó, nhưng chưa phải là thay đổi cuối cùng. Vào tháng 11, họ chứng kiến một sự thay đổi lớn khác. Điều thú vị là nó cũng liên quan đến biển cuồn cuộn sóng.
3, 4. Tháp Canh ngày 15-11-1895 nêu lên thực trạng nào, và sự thay đổi lớn nào được thông báo?
3 Một bài dài đăng trong Tháp Canh ngày 15-11-1895 nêu lên một thực trạng: Làn sóng vấn đề đang cuồn cuộn phá vỡ sự bình an trong hiệp hội, hay tổ chức, của Học viên Kinh Thánh. Càng ngày anh em càng tranh cãi xem ai nên dẫn đầu hội thánh địa phương. Để giúp anh em thấy điều họ cần làm nhằm chỉnh đốn tinh thần tranh đua gây chia rẽ ấy, bài ví tổ chức với con tàu. Bài thẳng thắn thừa nhận rằng những anh dẫn đầu đã không chuẩn bị cho con tàu tổ chức nhằm sẵn sàng đương đầu với giông bão. Họ cần làm gì?
4 Bài nói rằng thuyền trưởng tài ba thì phải đảm bảo là có phao cứu hộ trên tàu và thủy thủ luôn sẵn sàng ứng phó khi bão ập đến. Tương tự, những anh dẫn đầu trong tổ chức cần đảm bảo là tất cả hội thánh được chuẩn bị để đương đầu với những thử thách cam go. Để làm được điều đó, bài thông báo về một sự thay đổi lớn. Bài đưa ra chỉ thị là ngay lập tức, “mỗi hội đoàn hãy chọn các anh [hội đủ điều kiện] làm trưởng lão, tức ‘làm giám thị’ coi sóc bầy”.—Công 20:28.
5. (a) Tại sao sắp đặt đầu tiên về trưởng lão là bước tiến đúng lúc? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
5 Sự sắp đặt đầu tiên về các trưởng lão chứng tỏ là bước tiến đúng lúc để thiết lập một cơ cấu hội thánh vững chắc. Nó giúp anh em biết cách lèo lái qua những cơn giông tố do Thế Chiến I gây ra. Trong những thập niên sau đó, những cải tiến khác về mặt tổ chức đã giúp dân Đức Chúa Trời được trang bị tốt hơn để phụng sự ngài. Lời tiên tri nào báo trước về sự tiến triển này? Bạn được chứng kiến những thay đổi nào về mặt tổ chức? Bạn nhận được lợi ích nào từ những thay đổi ấy?
“Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi”
6, 7. (a) Lời tiên tri nơi Ê-sai 60:17 có nghĩa gì? (b) Những cụm từ “quan cai-trị” và “quan xử-đoán” cho thấy gì?
6 Như chúng ta đã xem xét trong chương 9, Ê-sai báo trước rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho dân ngài để họ ngày càng thêm lên (Ê-sai 60:22). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va hứa là sẽ làm nhiều hơn thế. Trong cùng lời tiên tri, ngài phán: “Ta sẽ ban vàng thay cho đồng, ban bạc thay cho sắt, ban đồng thay cho gỗ, ban sắt thay cho đá. Ta sẽ khiến sự bình-an làm quan cai-trị ngươi, và sự công-bình làm quan xử-đoán ngươi” (Ê-sai 60:17). Lời tiên tri này có nghĩa gì? Nó áp dụng ra sao cho chúng ta ngày nay?
Những sự thay thế này là thay đổi từ tốt lên tốt hơn, chứ không phải từ xấu thành tốt
7 Lời tiên tri của Ê-sai cho biết là vật liệu này sẽ thay thế vật liệu kia. Nhưng hãy lưu ý rằng những sự thay thế này là thay đổi từ tốt lên tốt hơn, chứ không phải từ xấu thành tốt. Đồng được thay bằng vàng là sự cải tiến, và những vật liệu khác được đề cập cũng vậy. Vì thế, Đức Giê-hô-va dùng hình ảnh này để báo trước rằng tình trạng của dân ngài sẽ được thay đổi từng bước. Lời tiên tri nói đến sự cải tiến về mặt nào? Khi nói “quan cai-trị” và “quan xử-đoán”, Đức Giê-hô-va cho thấy dần dần sẽ có những sự cải tiến liên quan đến cách coi sóc và tổ chức dân ngài.
8. (a) Nhờ ai mà có những sự cải tiến được đề cập trong lời tiên tri của Ê-sai? (b) Chúng ta nhận được lợi ích nào từ những sự cải tiến ấy? (Cũng xem khung “Anh khiêm nhường chấp nhận sự sửa dạy”).
8 Nhờ ai mà có những sự cải tiến này? Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ ban vàng”, ‘Ta sẽ ban bạc’ và “Ta sẽ khiến sự bình-an”. Thật vậy, những sự cải tiến về mặt tổ chức hội thánh không phải do nỗ lực của con người mà do Đức Giê-hô-va. Từ khi Chúa Giê-su lên ngôi, Đức Giê-hô-va dùng Con ngài để tiến hành những sự cải tiến này. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ những thay đổi ấy? Câu Kinh Thánh đó cũng nói rằng những cải tiến sẽ mang lại “sự bình-an” và “sự công-bình”. Khi chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và thực hiện những thay đổi, trong vòng chúng ta có sự bình an, và lòng yêu mến sự công chính thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va, đấng mà sứ đồ Phao-lô miêu tả là “Đức Chúa Trời bình an”.—Phi-líp 4:9.
9. Nền tảng đúng cho sự trật tự và hợp nhất trong hội thánh là gì, và tại sao?
9 Phao-lô cũng viết như sau về Đức Giê-hô-va: “Đức Chúa Trời là Chúa của sự hòa bình chứ không phải Chúa của sự lộn xộn” (1 Cô 14:33). Hãy lưu ý rằng Phao-lô không đối chiếu sự lộn xộn với sự trật tự, nhưng với sự hòa bình. Tại sao? Hãy xem xét điều này: Trật tự không phải lúc nào cũng tạo nên hòa bình. Chẳng hạn, một nhóm binh lính có thể hành quân rất trật tự ra tiền tuyến, nhưng sự trật tự đó lại dẫn đến chiến tranh, chứ không phải hòa bình. Vì thế, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta muốn ghi nhớ một sự thật trọng yếu: Bất cứ sự trật tự nào không có nền tảng là bình an thì sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ. Ngược lại, sự bình an từ Đức Chúa Trời đẩy mạnh loại trật tự lâu bền. Do đó, chúng ta thật biết ơn vì tổ chức của mình được hướng dẫn và tinh luyện bởi “Đức Chúa Trời, đấng ban sự bình an”! (Rô 15:33). Sự bình an mà Đức Chúa Trời ban tạo nền tảng cho sự trật tự hữu ích và sự hợp nhất thật sự mà chúng ta hưởng được và rất quý trọng trong các hội thánh trên thế giới.—Thi 29:11.
10. (a) Các sự cải tiến nào diễn ra trong tổ chức vào những năm ban đầu? (Xem khung “Cách coi sóc được cải tiến như thế nào?”). (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
10 Khung “Cách coi sóc được cải tiến như thế nào?” cho biết sơ lược về những thay đổi có trật tự và hữu ích trong tổ chức vào những năm ban đầu. Nhưng gần đây, những thay đổi nào ‘từ đồng lên vàng’ được Đức Giê-hô-va thực hiện qua Vua chúng ta? Những điều chỉnh trong việc coi sóc đã đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất của các hội thánh trên thế giới ra sao? Chúng giúp cá nhân bạn thế nào để phụng sự “Đức Chúa Trời bình an”?
Cách Đấng Ki-tô lãnh đạo hội thánh
11. (a) Một cuộc nghiên cứu Kinh Thánh dẫn đến điều chỉnh nào về sự hiểu biết? (b) Những anh thuộc hội đồng lãnh đạo quyết tâm làm gì?
11 Từ năm 1964 đến 1971, hội đồng lãnh đạo phụ trách một dự án nghiên cứu Kinh Thánh quy mô lớn. Bên cạnh những đề tài khác, dự án này xem xét cách tổ chức của hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhấta. Về cơ cấu tổ chức, cuộc nghiên cứu cho thấy mỗi hội thánh vào thế kỷ thứ nhất đều do một hội đồng trưởng lão coi sóc, thay vì một trưởng lão, hay giám thị. (Đọc Phi-líp 1:1; 1 Ti-mô-thê 4:14). Khi hiểu rõ hơn điểm này, hội đồng lãnh đạo nhận ra rằng Vua của họ, là Chúa Giê-su, đang hướng dẫn họ thực hiện những sự cải tiến về cơ cấu tổ chức của dân Đức Chúa Trời, và họ quyết tâm phục tùng sự hướng dẫn ấy. Họ nhanh chóng điều chỉnh để tổ chức phù hợp hơn với sự sắp đặt về trưởng lão được đề cập trong Kinh Thánh. Một số điều chỉnh nào được thực hiện vào đầu thập niên 1970?
12. (a) Có sự điều chỉnh nào trong vòng hội đồng lãnh đạo? (b) Hãy miêu tả cách Hội đồng Lãnh đạo được tổ chức ngày nay. (Xem khung “Cách Hội đồng Lãnh đạo chăm lo cho quyền lợi Nước Trời”).
12 Sự điều chỉnh thứ nhất áp dụng cho chính hội đồng lãnh đạo. Cho đến thời điểm đó, nhóm những anh được xức dầu ấy gồm bảy thành viên thuộc ban giám đốc của Hội Tháp Canh. Tuy nhiên, năm 1971, hội đồng lãnh đạo được mở rộng từ 7 lên 11 thành viên, và riêng biệt với ban giám đốc. Các thành viên xem mỗi người như nhau và bắt đầu luân phiên làm chủ tọa theo thứ tự trong bảng chữ cái.
13. (a) Sự sắp đặt nào đã có hiệu lực trong 40 năm? (b) Hội đồng Lãnh đạo làm gì vào năm 1972?
13 Sự điều chỉnh tiếp theo ảnh hưởng đến mỗi hội thánh. Như thế nào? Từ năm 1932 đến 1972, hội thánh chủ yếu là do một anh coi sóc. Đến năm 1936, anh đó được gọi là giám đốc công tác. Về sau, tên ấy được đổi thành tôi tớ hội đoàn, tiếp đến là tôi tớ hội thánh và sau đó là giám thị hội thánh. Những anh được bổ nhiệm này sốt sắng chăm sóc bầy về thiêng liêng. Giám thị hội thánh thường quyết định cho hội thánh mà không cần tham khảo ý kiến của những anh khác có trách nhiệm trong hội thánh. Tuy nhiên, trong năm 1972, Hội đồng Lãnh đạo thực hiện các bước để chuẩn bị cho một sự thay đổi mang tính lịch sử. Sự thay đổi ấy bao gồm điều gì?
14. (a) Sắp đặt mới nào có hiệu lực từ ngày 1-10-1972? (b) Giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão áp dụng lời khuyên nơi Phi-líp 2:3 như thế nào?
14 Trong mỗi hội thánh, thay vì có một anh làm giám thị hội thánh, giờ đây những anh khác hội đủ điều kiện của Kinh Thánh cũng được bổ nhiệm làm trưởng lão theo thể thức thần quyền. Tất cả trưởng lão hợp thành một hội đồng trưởng lão để coi sóc hội thánh địa phương. Sắp đặt mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10-1972. Ngày nay, giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão không xem mình quan trọng hơn các trưởng lão khác, mà là “người nhỏ hơn” (Lu 9:48). Những anh khiêm nhường ấy quả là ân phước lớn cho đoàn thể anh em trên thế giới!—Phi-líp 2:3.
Rõ ràng, với khả năng nhìn xa trông rộng, Vua của chúng ta cung cấp cho môn đồ ngài những người chăn mà họ cần vào đúng thời điểm
15. (a) Sắp đặt về hội đồng trưởng lão trong hội thánh mang lại những lợi ích nào? (b) Điều gì cho thấy Vua chúng ta hành động với khả năng nhìn xa trông rộng?
15 Sắp đặt về việc các thành viên của hội đồng trưởng lão chia sẻ trách nhiệm chăm sóc hội thánh đã chứng tỏ là sự cải tiến tuyệt vời. Hãy xem ba lợi ích: Đầu tiên và quan trọng nhất, sự sắp đặt này giúp tất cả các trưởng lão, dù có trách nhiệm nào trong hội thánh, đều ý thức rõ rằng Chúa Giê-su là Đầu hội thánh (Ê-phê 5:23). Thứ hai, Châm-ngôn 11:14 nói: “Nếu có nhiều mưu-sĩ, bèn được yên-ổn”. Khi các trưởng lão bàn bạc với nhau về những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe thiêng liêng của hội thánh và xem xét đề nghị của nhau, họ có thể đưa ra những quyết định phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh (Châm 27:17). Những quyết định đó được Đức Giê-hô-va ban phước và gặt hái được thành công. Thứ ba, khi có thêm những anh hội đủ điều kiện làm trưởng lão, tổ chức có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về việc coi sóc và chăn dắt trong các hội thánh (Ê-sai 60:3-5). Hãy thử nghĩ: Số hội thánh trên thế giới tăng từ hơn 27.000 vào năm 1971 lên hơn 113.000 vào năm 2013! Rõ ràng, với khả năng nhìn xa trông rộng, Vua của chúng ta cung cấp cho môn đồ ngài những người chăn mà họ cần vào đúng thời điểm.—Mi 5:4.
“Nêu gương cho cả bầy”
16. (a) Các trưởng lão có trách nhiệm nào? (b) Học viên Kinh Thánh xem lời khuyên của Chúa Giê-su về việc chăn bầy như thế nào?
16 Vào thời ban đầu của Học viên Kinh Thánh, các trưởng lão đã hiểu rằng họ có trách nhiệm giúp anh em đồng đạo tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời. (Đọc Ga-la-ti 6:10). Năm 1908, một bài trong Tháp Canh xem xét lời khuyên của Chúa Giê-su: “Hãy nuôi những con chiên bé bỏng của tôi” (Giăng 21:15-17). Bài nói với các trưởng lão: “Điều rất quan trọng là chúng ta ưu tiên cho nhiệm vụ chăn bầy mà Chủ giao, đồng thời xem việc cung cấp thức ăn thiêng liêng và chăm sóc các môn đồ của Chúa là đặc ân lớn”. Năm 1925, một lần nữa Tháp Canh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăn chiên bằng cách nhắc nhở các trưởng lão: “Hội thánh thuộc về Đức Chúa Trời,... và ngài đòi hỏi các anh phải chịu trách nhiệm về đặc ân phục vụ anh em”.
17. Các giám thị được giúp đỡ ra sao để trở thành người chăn hữu hiệu?
17 Làm thế nào tổ chức của Đức Giê-hô-va giúp các trưởng lão cải tiến kỹ năng chăn bầy từ ‘sắt lên bạc’? Bằng cách huấn luyện họ. Năm 1959, lần đầu tiên Trường thánh chức Nước Trời dành cho các giám thị được tổ chức. Trường này có một phần học về chủ đề “Quan tâm đến từng cá nhân”. Những anh có trách nhiệm ấy được khuyến khích “lên lịch trình viếng thăm người công bố tại nhà của họ”. Phần này đưa ra nhiều cách giúp các anh chăn bầy có những cuộc thăm chiên khích lệ. Năm 1966, Trường thánh chức Nước Trời bắt đầu có sự đổi mới. Trường này có một phần xem xét chủ đề “Tầm quan trọng của việc chăn chiên”. Điểm chính trong phần này là gì? Những anh dẫn đầu “nên góp phần chăm sóc bầy của Đức Chúa Trời một cách yêu thương, đồng thời quan tâm đến gia đình cũng như thánh chức”. Trong những năm gần đây, có thêm các trường cho trưởng lão. Những sự huấn luyện liên tiếp do tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp mang lại kết quả nào? Ngày nay, hội thánh đạo Đấng Ki-tô có hàng ngàn anh hội đủ điều kiện phụng sự với tư cách là những người chăn về thiêng liêng.
18. (a) Trưởng lão được giao nhiệm vụ quan trọng nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu mến các trưởng lão làm việc khó nhọc?
18 Các trưởng lão được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm thông qua Vua chúng ta, là Chúa Giê-su, để đảm trách một nhiệm vụ quan trọng. Đó là gì? Là dẫn chiên của Đức Chúa Trời đi qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại (Ê-phê 4:11, 12; 2 Ti 3:1). Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu mến những trưởng lão làm việc khó nhọc vì các anh vâng theo lời khuyên sau của Kinh Thánh: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã được giao cho anh em,... sẵn lòng mà làm,... sốt sắng mà làm;... nêu gương cho cả bầy” (1 Phi 5:2, 3). Chúng ta hãy xem xét hai trong nhiều cách mà những người chăn nêu gương cho bầy và góp phần lớn vào sự bình an cũng như vui vẻ của hội thánh.
Cách các trưởng lão ngày nay chăn bầy của Đức Chúa Trời
19. Chúng ta cảm thấy thế nào về các trưởng lão cùng đi thánh chức với mình?
19 Thứ nhất, các trưởng lão làm việc với các thành viên trong hội thánh. Một người viết Phúc âm là Lu-ca nói về Chúa Giê-su: “Chúa Giê-su đi từ thành này đến thành kia, làng này sang làng nọ, rao giảng và loan báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Cùng đi với ngài có mười hai sứ đồ” (Lu 8:1). Như Chúa Giê-su đi rao giảng cùng các sứ đồ, những trưởng lão gương mẫu ngày nay cũng tham gia thánh chức cùng anh em đồng đạo. Họ nhận ra là khi làm thế, họ góp phần lớn vào tinh thần tích cực của hội thánh. Các thành viên trong hội thánh cảm thấy thế nào về những trưởng lão ấy? Jeannine, một chị gần 90 tuổi, nói: “Cùng đi thánh chức với một trưởng lão, tôi có cơ hội trò chuyện và biết rõ về anh hơn”. Steven, một anh độ 35 tuổi nói: “Khi cùng một trưởng lão đi rao giảng từng nhà, tôi thấy anh ấy muốn giúp đỡ tôi. Được giúp như thế, tôi cảm thấy rất vui”.
20, 21. Các trưởng lão có thể bắt chước người chăn trong minh họa của Chúa Giê-su như thế nào? Hãy cho ví dụ. (Cũng xem khung “Viếng thăm hằng tuần mang lại kết quả”).
20 Thứ hai, tổ chức của Đức Giê-hô-va huấn luyện các trưởng lão thể hiện lòng quan tâm đối với những người ngưng kết hợp với hội thánh (Hê 12:12). Tại sao trưởng lão nên giúp những người yếu về thiêng liêng này, và họ nên làm thế bằng cách nào? Minh họa của Chúa Giê-su về một người chăn và con chiên bị lạc cung cấp lời giải đáp. (Đọc Lu-ca 15:4-7). Khi người chăn trong minh họa phát hiện thiếu một con chiên, ông đi tìm con bị lạc như thể ông chỉ có con chiên ấy. Ngày nay, các trưởng lão noi gương người chăn đó như thế nào? Như con chiên bị lạc vẫn quý giá trong mắt người chăn, những người ngưng kết hợp với dân Đức Chúa Trời vẫn quý giá trong mắt các trưởng lão. Trưởng lão xem một người yếu về thiêng liêng là con chiên bị lạc, chứ không phải bị mất. Hơn nữa, như người chăn quyết định “đi tìm con bị lạc cho kỳ được”, các trưởng lão cũng chủ động tìm kiếm và giúp đỡ những người yếu về thiêng liêng.
21 Người chăn trong minh họa làm gì khi tìm được con chiên? Ông nhẹ nhàng nâng nó lên, “vác nó trên vai” và mang nó trở lại bầy. Tương tự, một trưởng lão thể hiện sự quan tâm thật lòng có thể nhẹ nhàng nâng người yếu về thiêng liêng dậy và giúp người ấy trở lại hội thánh. Đó là trường hợp của Victor, một anh ở châu Phi từng ngưng kết hợp với hội thánh. Anh kể lại: “Trong suốt tám năm tôi ngưng hoạt động, các trưởng lão luôn cố gắng giúp đỡ tôi”. Điều gì đặc biệt tác động đến anh? Anh giải thích: “Ngày nọ, một trưởng lão từng tham dự Trường dành cho tiên phong cùng với tôi là anh John đã dành thời gian đến thăm tôi và cho tôi xem một số hình chúng tôi đã chụp chung trong trường đó. Chúng gợi tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm tuyệt vời đến mức tôi bắt đầu muốn có được niềm vui như hồi còn phụng sự Đức Giê-hô-va”. Không lâu sau cuộc viếng thăm của anh John, anh Victor đã trở lại hội thánh. Hiện nay, anh lại phụng sự với tư cách là tiên phong. Thật vậy, các trưởng lão quan tâm góp phần lớn vào niềm vui của chúng ta.—2 Cô 1:24.b
Dân Đức Chúa Trời càng hợp nhất khi cách coi sóc được cải tiến
22. Sự công chính và bình an củng cố sự hợp nhất trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô như thế nào? (Cũng xem khung “Chúng tôi rất kinh ngạc”).
22 Như đã nói ở trên, Đức Giê-hô-va báo trước rằng sự công chính và bình an sẽ thêm lên trong vòng dân Đức Chúa Trời (Ê-sai 60:17). Cả hai yếu tố này đẩy mạnh sự hợp nhất trong các hội thánh. Như thế nào? Về sự công chính, ‘Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một không hai’ (Phục 6:4). Những tiêu chuẩn công chính của ngài tại mỗi hội thánh ở các nước không khác nhau. Những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai được áp dụng như nhau cho “tất cả các hội thánh của những người thánh” (1 Cô 14:33). Vì thế, một hội thánh chỉ có thể phát triển khi áp dụng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Về sự bình an, Vua muốn chúng ta không chỉ hưởng sự bình an trong hội thánh mà còn là ‘những người có tính hiếu hòa’ (Mat 5:9). Do đó, chúng ta “gắng sức hòa thuận”. Chúng ta chủ động giải quyết những mối bất đồng đôi khi có thể nảy sinh giữa chúng ta (Rô 14:19). Khi làm thế, chúng ta góp phần đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh.—Ê-sai 60:18.
23. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, ngày nay chúng ta được hưởng điều gì?
23 Tháng 11 năm 1895, khi Tháp Canh thông báo sự sắp đặt đầu tiên về trưởng lão, những anh có trách nhiệm cũng bày tỏ ước muốn chân thành. Đó là gì? Họ muốn và cầu nguyện để sự sắp đặt mới này sẽ giúp dân Đức Chúa Trời “sớm hợp nhất về đức tin”. Nhìn lại những thập kỷ qua, chúng ta biết ơn khi thấy sự tinh luyện từng bước về việc coi sóc mà Đức Chúa Trời thực hiện qua Vua chúng ta đã thật sự củng cố sự hợp nhất trong việc thờ phượng (Thi 99:4). Kết quả là ngày nay dân của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới vui mừng khi “có cùng tinh thần”, có “hành động giống nhau” và “chung vai sát cánh” phụng sự “Đức Chúa Trời bình an”.—2 Cô 12:18; đọc Phi-líp 1:27.
a Kết quả của cuộc nghiên cứu rộng lớn đó được đăng trong tài liệu tham khảo Sự trợ giúp để hiểu Kinh Thánh (Aid to Bible Understanding).
b Xin xem bài “Trưởng lão—‘Những cộng sự mang lại niềm vui cho chúng ta’” trong Tháp Canh ngày 15-1-2013.