“Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót”
“Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 34:6).
1. a) Kinh-thánh an ủi thế nào cho những người có người thân đi lệch khỏi sự thờ phượng thanh sạch? b) Đức Giê-hô-va nghĩ gì về những người lầm lỗi?
MỘT người cha theo đạo đấng Christ nói: “Con gái tôi nói với tôi rằng nó không muốn thuộc về hội thánh tín đồ đấng Christ nữa. Những ngày tháng sau đó, tôi cảm thấy niềm đau giày vò trong lòng, còn đau hơn là cái chết nữa”. Đây quả là một điều đáng buồn khi thấy một người thân đi lệch khỏi con đường của sự thờ phượng thanh sạch. Bạn đã trải qua kinh nghiệm này chưa? Nếu có, bạn sẽ được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va thông cảm với bạn (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7; Ê-sai 63:9). Nhưng Ngài xem người lầm lỗi như thế nào? Kinh-thánh cho biết rằng Đức Giê-hô-va thương xót muốn họ trở lại với Ngài. Ngài kêu gọi những người Do Thái phản nghịch vào thời Ma-la-chi: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (Ma-la-chi 3:7).
2. Kinh-thánh nói gì cho ta thấy tính thương xót là một phần cốt yếu trong cá tính của Đức Giê-hô-va?
2 Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã được nhấn mạnh với Môi-se trên Núi Si-na-i. Ở đó, Đức Giê-hô-va cho biết Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). Lời tuyên bố này nhấn mạnh đến tính thương xót là một phần cốt yếu trong cá tính của Đức Giê-hô-va. Sứ đồ đấng Christ là Phi-e-rơ viết rằng Ngài “muốn cho mọi người đều ăn-năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Dĩ nhiên, lòng thương xót của Đức Chúa Trời không phải là vô hạn. Môi-se được cho biết Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7; 2 Phi-e-rơ 2:9). Tuy nhiên, “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, và thương xót là khía cạnh quan trọng của đức tính này (1 Giăng 4:8; Gia-cơ 3:17). Đức Giê-hô-va sẽ không “cưu giận đời đời”, và Ngài “lấy sự nhân-từ làm vui-thích” (Mi-chê 7:18, 19).
3. Quan điểm của Chúa Giê-su về sự thương xót khác với quan điểm của những thầy thông giáo và người Pha-ri-si như thế nào?
3 Chúa Giê-su phản ảnh Cha trên trời một cách hoàn toàn (Giăng 5:19). Ngài đối xử thương xót với những người phạm tội, không phải là dung túng tội lỗi của họ, nhưng giống như cách ngài biểu lộ tình cảm trìu mến với những người bệnh tật. (So sánh Mác 1:40, 41). Đúng vậy, Chúa Giê-su đã xem sự thương xót như một trong những “điều hệ-trọng hơn hết” của Luật Pháp Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 23:23). Trái lại, những thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những người tuân thủ nghiêm ngặt ý niệm công bằng, thường loại bỏ hẳn lòng thương xót. Khi họ thấy Chúa Giê-su giao thiệp với những người có tội, họ trách móc: “Người nầy tiếp những kẻ tội-lỗi, và cùng ăn với họ” (Lu-ca 15:1, 2). Chúa Giê-su trả lời những người buộc tội ngài bằng ba ví dụ minh họa, mỗi một ví dụ nhấn mạnh đến lòng thương xót của Đức Chúa Trời.
4. Chúa Giê-su kể ra hai minh họa nào, và ý của mỗi minh họa là gì?
4 Thứ nhất, Chúa Giê-su nói về một người đã để lại 99 con chiên để đi tìm một con lạc mất. Ngài muốn nói gì? “Trên trời cũng như vậy, sẽ vui-mừng cho một kẻ có tội ăn-năn hơn là chín-mươi-chín kẻ công-bình không cần phải ăn-năn”. Kế đến, Chúa Giê-su nói về một người đàn bà đi tìm một đồng bạc cắc và vui mừng khi tìm ra được. Ngài ứng dụng ví dụ này thế nào? “Trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng-rỡ cho một kẻ có tội ăn-năn”. Chúa Giê-su kể minh họa thứ ba của ngài qua một câu chuyện.a Minh họa này được nhiều người xem là một câu chuyện hay nhất đã từng được kể ra. Xem xét ví dụ này sẽ giúp cho chúng ta biết ơn và noi theo tính thương xót của Đức Chúa Trời (Lu-ca 15:3-10).
Đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà đi
5, 6. Người em trong ví dụ thứ ba của Chúa Giê-su đã tỏ ra rất là vô ơn như thế nào?
5 “Một người kia có hai con trai. Người em nói với cha rằng: Thưa cha, xin chia cho tôi phần của mà tôi sẽ được. Người cha liền chia của mình cho hai con. Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang-đàng, tiêu sạch gia-tài mình” (Lu-ca 15:11-13).b
6 Người em tỏ ra rất là vô ơn. Trước hết, nó đòi chia gia tài và rồi “ăn chơi hoang-đàng” tiêu sạch hết. Từ ngữ “hoang-đàng” được dịch ra từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “sống phóng túng”. Một học giả nói rằng chữ này “nói lên việc từ bỏ hẳn đạo đức”. Vì lẽ đó, người thanh niên trong ví dụ của Chúa Giê-su thường được gọi là người con hoang đàng, một từ ngữ miêu tả một người phung phí tiền của thiếu suy nghĩ.
7. Ngày nay, ai giống như người con hoang đàng và tại sao nhiều người lại muốn sống độc lập ở “phương xa”?
7 Ngày nay có người giống như người con hoang đàng này không? Có. Điều đáng buồn là có một số khá ít đã từ bỏ “nhà” yên ổn của Cha trên trời là Đức Giê-hô-va (1 Ti-mô-thê 3:15). Một số những người này cảm thấy môi trường của nhà Đức Chúa Trời quá khắt khe, cặp mắt dò xét của Đức Giê-hô-va làm cản trở thay vì che chở họ. (So sánh Thi-thiên 32:8). Hãy xem trường hợp một phụ nữ tín đồ đấng Christ đã được dạy theo nguyên tắc Kinh-thánh lúc nhỏ, nhưng lớn lên lại sinh ra lạm dụng rượu chè, ma túy. Nhìn lại giai đoạn tối tăm của đời mình, chị nói: “Tôi muốn chứng tỏ là tôi có thể tạo cho mình một đời sống tốt hơn. Tôi muốn làm những điều mình muốn, và không muốn nghe ai nói gì khác”. Giống như người con hoang đàng, chị này đã muốn sống độc lập. Điều tai hại là những thực hành trái Kinh-thánh đã khiến cho chị bị khai trừ khỏi hội thánh đạo đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 5:11-13).
8. a) Những người muốn sống trái nghịch với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có thể được sự giúp đỡ nào? b) Tại sao một người nên xem xét nghiêm túc về việc tự chọn vấn đề thờ phượng?
8 Quả là điều đau lòng khi một người trong đạo tỏ ý muốn sống trái với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (Phi-líp 3:18). Khi điều này xảy ra, trưởng lão và những người khác có khả năng về thiêng liêng cố gắng để sửa đổi người lầm lỗi (Ga-la-ti 6:1). Tuy nhiên, không người nào bị ép để nhận lấy ách làm môn đồ của đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:28-30; 16:24). Khi họ đến tuổi trưởng thành, ngay cả những người trẻ cũng phải tự chọn vấn đề thờ phượng. Nói cho cùng, mỗi người chúng ta có quyền tự do lựa chọn và sẽ phải khai trình với Đức Chúa Trời (Rô-ma 14:12). Dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ ‘gặt những gì mình gieo’—một bài học mà người con hoang đàng trong ví dụ của Chúa Giê-su sắp phải học (Ga-la-ti 6:7, 8).
Tuyệt vọng nơi xứ xa
9, 10. a) Hoàn cảnh của người con hoang đàng đã thay đổi như thế nào, và nó đã phản ứng ra sao? b) Hãy chứng tỏ là một số người ngày nay từ bỏ sự thờ phượng thật đã trải qua cảnh ngộ giống như của đứa con hoang đàng như thế nào.
9 “Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo-thiếu, bèn đi làm mướn cho một người bổn-xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo. Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho” (Lu-ca 15:14-16).
10 Mặc dù bị cơ cực, người con hoang đàng này chưa nghĩ đến việc trở về nhà. Thay vì vậy, nó gặp một người bản xứ cho nó chăn heo. Vì Luật của Môi-se đã định rằng heo là con vật không thanh sạch, việc làm đó thường không được người Do Thái chấp nhận (Lê-vi Ký 11:7, 8). Nhưng nếu người hoang đàng này cảm thấy lương tâm cắn rứt, thì nó phải dằn lại. Nói cho cùng, nó không thể mong rằng chủ nó, một người bản xứ, bận tâm đến cảm giác của một người lạ nghèo xơ xác này. Cảnh ngộ của đứa con hoang đàng này cũng giống như kinh nghiệm của nhiều người ngày nay từ bỏ con đường ngay thẳng của sự thờ phượng thanh sạch. Thường thì những người đó dính líu đến những hoạt động mà trước kia họ xem là xấu xa. Thí dụ, một thanh niên 17 tuổi đã không muốn nghe theo sự dạy dỗ của đạo đấng Christ. Cậu thú nhận: “Sự vô luân và lạm dụng ma túy đã xóa bỏ hết những năm tôi được dạy theo Kinh-thánh”. Chẳng bao lâu sau đó, thanh niên này bị vào tù vì tội cướp của giết người. Mặc dù người này hồi phục về thiêng liêng, nhưng đó là một giá quá đắt để trả cho việc “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”! (So sánh Hê-bơ-rơ 11:24-26).
11. Tình cảnh khó khăn của người con hoang đàng còn tồi tệ hơn như thế nào, và một số người ngày nay đã thấy sự quyến rũ của thế gian chỉ là “hư-không” như thế nào?
11 Tình trạng khó khăn của người con hoang đàng này còn tồi tệ hơn nữa bởi vì “chẳng ai cho” nó cái gì để ăn cả. Những người bạn mới của nó ở đâu? Giờ đây nó không còn một đồng xu, nó kể như bị họ “ghét bỏ” (Châm-ngôn 14:20). Cũng vậy, nhiều người ngày nay từ bỏ đức tin đã thấy rằng những quyến rũ và quan điểm của thế gian chỉ là “hư-không” (Cô-lô-se 2:8). Một thiếu phụ có một thời gian từ bỏ tổ chức của Đức Chúa Trời đã nói: “Tôi bị đau khổ rất nhiều khi không có sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Tôi cố gắng làm theo thế gian, nhưng bởi vì tôi không thật sự giống những người khác, họ từ bỏ tôi. Tôi cảm thấy mình như là đứa con lạc loài, không có cha để dìu dắt. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình cần Đức Giê-hô-va. Tôi không bao giờ muốn sống riêng rẽ nữa”. Người con hoang đàng trong minh họa của Chúa Giê-su cũng đã nhận ra được như thế.
Đứa con hoang đàng đã tỉnh ngộ
12, 13. Những yếu tố nào đã giúp một số người ngày nay tỉnh ngộ? (Xem khung).
12 “Vậy nó mới tỉnh-ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư-dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình” (Lu-ca 15:17-20).
13 Đứa con hoang đàng đã “tỉnh-ngộ”. Trong một thời gian, nó đã chìm đắm trong lạc thú, cũng như là ở trong một thế giới mộng ảo. Nhưng bây giờ nó đã nhận ra rõ ràng về tình trạng thiêng liêng thật của nó. Đúng vậy, dù nó bị sa ngã, nhưng vẫn còn một hy vọng. Vẫn có điều lành ở trong nó (Châm-ngôn 24:16; so sánh 2 Sử-ký 19:2, 3). Còn về những người đã bỏ bầy của Đức Chúa Trời ngày nay thì sao? Có hợp lý để kết luận rằng không còn hy vọng gì cho những người ấy không? Có phải sự phản nghịch của họ chứng tỏ rõ ràng là họ đã phạm đến thánh linh của Đức Chúa Trời không? (Ma-thi-ơ 12:31, 32). Không nhất thiết như thế. Một số người đã bị khổ sở vì con đường lầm lỗi, và với thời gian nhiều người đã tỉnh ngộ. Nghĩ lại thời gian cách xa tổ chức của Đức Chúa Trời, một chị đã nói: “Tôi không bao giờ, dù là một ngày, quên đi Đức Giê-hô-va. Tôi luôn luôn cầu nguyện là có một ngày, bằng một cách nào đó, Ngài sẽ chấp nhận tôi trở lại lẽ thật” (Thi-thiên 119:176).
14. Người con hoang đàng đã quyết tâm làm gì, và khi làm thế nó tỏ tính khiêm nhường như thế nào?
14 Nhưng những người lầm lạc có thể làm gì để sửa đổi tình trạng của họ? Trong ví dụ của Chúa Giê-su, đứa con hoang đàng quyết định trở về nhà và nài xin cha tha thứ. Nó quyết tâm nói: “Xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy”. Một người làm mướn là người làm công nhật và có thể bị cho nghỉ việc chỉ cần báo trước một ngày. Vậy là thấp hơn người đầy tớ, vì đầy tớ được xem là người trong gia đình. Cho nên đứa con hoang đàng không có ý xin được trở lại địa vị làm con như trước nữa. Nó sẵn sàng chấp nhận một công việc thấp nhất để mỗi ngày có cơ hội chứng tỏ lòng trung thành của nó với cha. Tuy nhiên, một điều bất ngờ sắp đến với nó.
Được tiếp đãi nồng hậu
15-17. a) Người cha đã phản ứng thế nào khi thấy con? b) Áo, nhẫn và giày mà người cha đã cho con tiêu biểu cho điều gì? c) Việc người cha sắp đặt một bữa tiệc chứng tỏ điều gì?
15 “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương-xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. Nhưng người cha bảo đầy-tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi-sự vui-mừng” (Lu-ca 15:20-24).
16 Bất cứ người cha yêu thương nào cũng mong mỏi được thấy con mình phục hồi về thiêng liêng. Vì vậy, chúng ta có thể tưởng tượng rằng người cha của đứa con hoang đàng trông đợi mỗi ngày, ngóng nhìn ra ngõ, mong mỏi đứa con trở lại. Giờ đây ông nhìn thấy con trên ngõ về! Chắc chắn ngoại diện của chàng thanh niên đã thay đổi. Nhưng người cha vẫn còn nhận ra nó khi còn “ở đàng xa”. Ông nhìn thấu qua lớp áo tả tơi và tâm thần chán nản; ông thấy con mình và chạy ra gặp nó!
17 Khi người cha tới gặp con, ông ôm chầm lấy nó và trìu mến hôn nó. Rồi ông ra lệnh cho các đầy tớ mang áo, nhẫn và giày ra cho con. Áo này không phải chỉ là một áo tầm thường nhưng “áo tốt nhứt”—có lẽ là một áo khoác ngoài được thêu rất đẹp dành cho khách quí. Vì thường đầy tớ không mang nhẫn và giày, người cha cho thấy rõ là con được hoàn toàn đón nhận trở lại trong gia đình. Nhưng người cha còn làm nhiều hơn nữa. Ông sai người làm tiệc để ăn mừng đứa con trở lại. Rõ ràng là người cha này không phải bất đắc dĩ tha thứ cho con hoặc là cảm thấy buộc lòng phải tha thứ vì con trở lại; nhưng ông muốn tha thứ con và điều này đã làm ông vui mừng.
18, 19. a) Ví dụ về người con hoang đàng đã dạy bạn điều gì về Đức Giê-hô-va? b) Như được thấy trong cách Đức Giê-hô-va đối xử với Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, Ngài “chờ-đợi” người phạm tội trở lại như thế nào?
18 Đến đây, lời ví dụ về người con hoang đàng đã dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta có đặc ân thờ phượng? Trước hết, Đức Giê-hô-va là “nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). Thật vậy, thương xót là đức tính nổi bật của Đức Chúa Trời. Đây là cách Ngài thường đối đãi với những người khốn cùng. Sau đó, lời ví dụ của Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ cho” (Thi-thiên 86:5). Như thể là Ngài chăm chú xem xét bất cứ sự thay đổi nào trong lòng những người tội lỗi để Ngài có lý do tỏ lòng thương xót với những người đó (2 Sử-ký 12:12; 16:9).
19 Thí dụ, hãy nghĩ đến việc Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên. Nhà tiên tri Ê-sai được Đức Giê-hô-va soi dẫn để miêu tả Giu-đa và Giê-ru-sa-lem là ‘bệnh hoạn từ bàn chân cho đến đỉnh đầu’. Nhưng ông cũng nói: “Đức Giê-hô-va còn chờ-đợi để làm ơn cho các ngươi; Ngài sẽ được tôn lên mà thương-xót các ngươi” (Ê-sai 1:5, 6; 30:18; 55:7; Ê-xê-chi-ên 33:11). Giống như người cha trong ví dụ của Chúa Giê-su, như thể là Đức Giê-hô-va ‘trông ra ngõ’. Ngài thiết tha trông đợi bất cứ người nào đã từng từ bỏ nhà của Ngài trở lại. Phải đây là điều mà chúng ta trông đợi nơi người cha yêu thương hay không? (Thi-thiên 103:13).
20, 21. a) Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã khiến cho nhiều người ngày nay làm gì? b) Điều gì sẽ được bàn luận trong bài tới?
20 Mỗi năm, lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đã khiến cho nhiều người tỉnh ngộ và trở lại sự thờ phượng thật. Điều này đã đem lại sự vui mừng biết bao cho những người thân! Thí dụ, như trường hợp của người cha tín đồ đấng Christ được nói ở đầu bài. Điều đáng mừng là con gái của anh đã phục hồi về thiêng liêng và hiện nay phụng sự với tư cách là người rao giảng trọn thời gian. Anh nói: “Trong hệ thống cũ này, được vậy là tôi cảm thấy vui lắm rồi, dòng lệ đau buồn của tôi đã đổi thành dòng lệ vui mừng”. Chắc chắn Đức Giê-hô-va cũng vui mừng không kém! (Châm-ngôn 27:11).
21 Nhưng ví dụ về đứa con hoang đàng còn nhiều ý nghĩa hơn nữa. Chúa Giê-su kể tiếp câu chuyện này để ngài so sánh lòng thương xót của Đức Giê-hô-va với quan điểm phán đoán khắt khe thường thấy trong vòng những thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Ngài làm điều này như thế nào và có ý nghĩa gì cho chúng ta. Những điều đó sẽ được bàn luận trong bài tới.
[Chú thích]
a Những chuyện ví dụ và các minh họa được kể ra trong Kinh-thánh không nhất thiết đã thật sự xảy ra. Hơn nữa, vì mục tiêu của những câu chuyện này là để dạy một bài học về luân lý, chúng ta không cần tìm ra ý nghĩa tượng trưng trong mỗi chi tiết.
b Ý nghĩa tiên tri của ví dụ này đã được bàn luận trong Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-2-1989, trang 16, 17.
Để ôn lại
◻ Quan điểm của Chúa Giê-su về sự thương xót khác với quan điểm của những người Pha-ri-si như thế nào?
◻ Ngày nay, ai giống như người con hoang đàng, và như thế nào?
◻ Hoàn cảnh nào đã khiến cho người con hoang đàng tỉnh ngộ?
◻ Người cha đã tỏ lòng thương xót như thế nào đối với đứa con biết ăn năn?
[Khung nơi trang 11]
HỌ ĐÃ TỈNH NGỘ
Điều gì đã giúp cho một số người trước kia bị khai trừ khỏi hội thánh tín đồ đấng Christ tỉnh ngộ? Những lời bình luận sau đây giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề.
“Trong lòng tôi, tôi biết ở đâu có lẽ thật. Những năm học hỏi Kinh-thánh và đi dự các buổi họp của đạo đấng Christ đã ảnh hưởng tôi rất nhiều. Làm sao tôi có thể quay lưng không nghe Đức Giê-hô-va nữa chứ? Ngài đã không bỏ tôi; nhưng tôi đã bỏ Ngài. Cuối cùng, tôi nhìn nhận mình sai và cứng đầu và Lời của Đức Giê-hô-va lúc nào cũng đúng—‘ai gieo giống gì sẽ gặt giống nấy’.—C.W.
“Đứa con gái bé bỏng của tôi bắt đầu tập nói và tôi rất xúc động vì tôi muốn dạy nó những điều như Đức Giê-hô-va là ai và cầu nguyện với Ngài như thế nào. Tôi không ngủ được và vào một đêm khuya, tôi lái xe đến một công viên và chỉ nghẹn ngào nức nở. Tôi khóc và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va lần đầu tiên sau một thời gian dài không cầu nguyện. Tôi chỉ biết rằng đời tôi cần có Đức Giê-hô-va, và tôi mong rằng Ngài có thể tha thứ tôi”.—G.H.
“Khi đề cập đến vấn đề tôn giáo, tôi nói với mọi người rằng nếu tôi phải chọn tôn giáo dạy lẽ thật, thì tôi phải là một Nhân-chứng Giê-hô-va. Rồi tôi nói rằng trước kia tôi là Nhân-chứng, nhưng tôi không thể sống theo đạo, vì vậy mà tôi bỏ. Nhận biết điều này, tôi thường cảm thấy tội lỗi và không vui. Cuối cùng, tôi nhìn nhận: ‘Tôi khổ quá. Tôi cần phải thay đổi hoàn toàn những điều tôi làm’ ”.—C.N.
“Ba mươi lăm năm trước, chồng tôi và tôi bị khai trừ. Rồi đến năm 1991, chúng tôi ngạc nhiên và vui khi thấy hai trưởng lão đến viếng thăm để nói cho chúng tôi biết về việc trở lại với Đức Giê-hô-va. Sáu tháng sau, chúng tôi rất đỗi vui mừng vì đã được thâu nhận lại. Chồng tôi được 79 tuổi và tôi được 63 tuổi”.—C.A.