Đức Giê-hô-va huấn luyện những người chăn chiên
“Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”.—CHÂM-NGÔN 2:6.
1, 2. Tại sao những người nam đã báp têm muốn nhận thêm trách nhiệm trong hội thánh?
ANH Nick, người đã phục vụ với tư cách giám thị trong bảy năm qua, phát biểu cảm nghĩ của mình như sau: “Tôi rất vui khi được bổ nhiệm làm trưởng lão. Đặc ân này là cơ hội cho tôi nới rộng thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi cảm thấy mang ơn Ngài rất nhiều về tất cả những gì Ngài đã làm cho tôi và cũng muốn làm hết khả năng mình để giúp các thành viên hội thánh, như các trưởng lão đã giúp tôi trước kia”. Tuy nhiên, kèm theo niềm vui đó lại là mối lo lắng. Anh Nick nói tiếp: “Vì chưa đầy 30 tuổi khi được bổ nhiệm nên tôi lo là mình thiếu những khả năng cần thiết—sự khôn ngoan và thông sáng—để chăn giữ hội thánh một cách hữu hiệu”.
2 Những người Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăm sóc chiên của Ngài có nhiều lý do để vui mừng. Trích dẫn lời Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô nhắc các trưởng lão ở Ê-phê-sô về một trong những lý do đó: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Phục vụ với tư cách tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão là những cách khác mà những người nam đã báp têm có thể phụng sự Đức Giê-hô-va và hội thánh. Thí dụ, các tôi tớ thánh chức trợ giúp trưởng lão. Các anh tôi tớ này cũng chăm lo vô số việc rất cần thiết và đòi hỏi nhiều thì giờ. Họ làm những việc hữu ích đó vì lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận.—Mác 12:30, 31.
3. Tại sao một số người do dự vươn tới những đặc ân trong hội thánh?
3 Nói gì về trường hợp một anh tín đồ Đấng Christ do dự không dám vươn tới đặc ân làm tôi tớ hoặc trưởng lão vì cảm thấy thiếu khả năng? Như anh Nick, anh đó có thể lo lắng mình không đủ khả năng để làm người chăn chiên hữu hiệu. Là một anh đã báp têm, bạn có ở trong số những anh có cùng cảm nghĩ như thế không? Đó không phải là mối lo lắng vô căn cứ. Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người chăn được bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về cách họ đối xử với chiên. Chúa Giê-su nói: “Ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn”.—Lu-ca 12:48.
4. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp những người Ngài bổ nhiệm để chăm sóc chiên?
4 Đức Giê-hô-va có đòi hỏi những người Ngài bổ nhiệm làm tôi tớ và trưởng lão phải tự gánh vác trách nhiệm mới không? Không, trái lại Ngài còn cung cấp sự trợ giúp thiết thực để họ có thể đảm trách và chu toàn công việc. Như đã được đề cập trong bài trước, Đức Giê-hô-va ban cho họ thánh linh, và bông trái thánh linh giúp họ chăm sóc chiên cách chu đáo. (Công-vụ 20:28; Ga-la-ti 5:22) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng ban cho họ sự khôn ngoan, tri thức và thông sáng. (Châm-ngôn 2:6) Ngài làm điều này bằng cách nào? Chúng ta hãy thảo luận ba cách Đức Giê-hô-va huấn luyện những người Ngài bổ nhiệm để chăm sóc chiên.
Được những người chăn có kinh nghiệm huấn luyện
5. Nhờ đâu mà Phi-e-rơ và Giăng trở thành người chăn chiên hữu hiệu?
5 Khi sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng ra trước Tòa Công Luận, các quan án lõi đời xem những người đang hầu tòa là “dốt-nát không học”. Đành rằng hai người này biết đọc biết viết nhưng họ chưa nhận được sự huấn luyện nào từ các thầy ra-bi về việc nghiên cứu Kinh Thánh. Dù vậy, Phi-e-rơ và Giăng cùng các môn đồ khác đã chứng tỏ là những người giảng dạy hữu hiệu, khiến cho nhiều người tin đạo. Làm thế nào những người tầm thường không học này lại có khả năng giảng dạy một cách phi thường như thế? Sau khi lắng nghe Phi-e-rơ và Giăng, tòa án “nhận-biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus”. (Công-vụ 4:1-4, 13) Họ quả thật đã nhận được thánh linh. (Công-vụ 1:8) Nhưng một điều cũng rõ ràng—đối với ngay cả những quan tòa hoàn toàn thiếu hiểu biết về thiêng liêng—là Chúa Giê-su đã huấn luyện hai người đó. Khi còn ở với họ trên đất, Chúa Giê-su không những chỉ dạy các sứ đồ cách thu nhóm những người giống như chiên mà còn dạy cách chăn giữ khi những chiên này gia nhập bầy.—Ma-thi-ơ 11:29; 20:24-28; 1 Phi-e-rơ 5:4.
6. Chúa Giê-su và Phao-lô nêu gương nào trong việc huấn luyện người khác?
6 Sau khi sống lại, Chúa Giê-su tiếp tục huấn luyện những người ngài bổ nhiệm để chăn chiên. (Khải-huyền 1:1; 2:1–3:22) Chẳng hạn, ngài đích thân tuyển chọn Phao-lô và giám sát việc huấn luyện ông. (Công-vụ 22:6-10) Phao-lô quý trọng sự huấn luyện đó và truyền lại những gì ông học được cho các trưởng lão khác. (Công-vụ 20:17-35) Chẳng hạn, ông dành nhiều thì giờ và công sức để huấn luyện Ti-mô-thê thành “người làm công không chỗ trách được” trong thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời. (2 Ti-mô-thê 2:15) Một tình bạn khăng khít đã phát triển giữa hai người. Trước đó, Phao-lô viết về Ti-mô-thê: “Người... trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy”. (Phi-líp 2:22) Phao-lô không tìm cách đào tạo Ti-mô-thê hay bất cứ ai khác thành môn đồ của mình. Nhưng ngược lại, ông khuyến khích các anh em đồng đạo hãy ‘bắt-chước ông, cũng như chính ông bắt-chước Đấng Christ’.—1 Cô-rinh-tô 11:1.
7, 8. (a) Trường hợp nào cho thấy kết quả tốt khi trưởng lão noi gương Chúa Giê-su và Phao-lô? (b) Khi nào trưởng lão nên bắt đầu huấn luyện các tôi tớ thánh chức và trưởng lão tương lai?
7 Noi gương Chúa Giê-su và Phao-lô, người chăn có kinh nghiệm chủ động huấn luyện những anh đã báp têm, và họ cũng đạt được kết quả tốt. Hãy xem trường hợp của anh Chad. Anh lớn lên trong một gia đình không đồng nhất về tôn giáo, nhưng mới đây được bổ nhiệm làm trưởng lão. Anh nói: “Qua nhiều năm, nhiều trưởng lão có kinh nghiệm giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng. Vì cha tôi không tin đạo, những trưởng lão đó đặc biệt chú ý đến tôi và giúp tôi như những người cha về thiêng liêng. Họ dành thì giờ huấn luyện tôi trong thánh chức, và sau này có một trưởng lão đã hướng dẫn tôi chăm lo những công việc mà tôi được giao phó trong hội thánh”.
8 Như trường hợp của anh Chad cho thấy, những người chăn sáng suốt bắt đầu huấn luyện các tôi tớ thánh chức và trưởng lão tương lai một thời gian dài trước khi những người này tiến bộ để hội đủ điều kiện vươn tới những đặc ân đó. Tại sao thế? Vì theo Kinh Thánh, cả tôi tớ thánh chức lẫn trưởng lão đều phải đạt tiêu chuẩn cao về đạo đức và thiêng liêng trước khi họ được bổ nhiệm. Họ phải “chịu thử-thách trước đã”.—1 Ti-mô-thê 3:1-10.
9. Người chăn thành thục có trách nhiệm nào, và tại sao?
9 Nếu các anh đã báp têm phải chịu thử thách, thì điều hợp lý là họ cần được huấn luyện trước. Để minh họa: Nếu một học sinh phải làm một bài thi khó nhưng chưa được thầy cô huấn luyện, liệu học sinh đó có thi đỗ không? Có lẽ không. Do đó, cần có sự huấn luyện. Tuy nhiên, thầy cô tận tâm không chỉ huấn luyện để học sinh thi đỗ mà còn dạy họ cách áp dụng kiến thức. Cũng vậy, trưởng lão siêng năng sẽ huấn luyện những anh đã báp têm để giúp họ phát triển các đức tính mà một người được bổ nhiệm cần phải có. Trưởng lão làm thế không chỉ để giúp những anh này được bổ nhiệm mà còn để giúp họ biết cách chăm sóc chiên một cách chu đáo. (2 Ti-mô-thê 2:2) Tất nhiên, những anh đã báp têm phải làm phần mình và phải cố gắng hội đủ các điều kiện đòi hỏi nơi một tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão. (Tít 1:5-9) Tuy thế, bằng cách sẵn lòng huấn luyện những người muốn vươn tới trách nhiệm trong hội thánh, người chăn nhiều kinh nghiệm có thể giúp họ tiến bộ nhanh hơn.
10, 11. Làm thế nào người chăn chiên có thể huấn luyện người khác để đảm nhận thêm đặc ân?
10 Người chăn nhiều kinh nghiệm có thể làm những điều cụ thể nào để huấn luyện người khác biết cách chăm lo những trách nhiệm trong hội thánh? Việc trước tiên là chú ý đến các anh trong hội thánh—thường xuyên đi rao giảng với họ và giúp họ cải tiến khả năng ‘giảng-dạy lời của lẽ thật cách ngay-thẳng’. (2 Ti-mô-thê 2:15) Người chăn thành thục kể cho những anh đó nghe về những niềm vui khi phục vụ người khác và sự mãn nguyện mà chính mình cảm nhận khi đặt và đạt được các mục tiêu thiêng liêng. Họ ân cần đưa ra những đề nghị cụ thể về cách một anh có thể trau dồi để “làm gương tốt cho cả bầy”.—1 Phi-e-rơ 5:3, 5.
11 Khi một anh được bổ nhiệm làm tôi tớ thánh chức, những người chăn khôn ngoan tiếp tục huấn luyện anh ấy. Phục vụ với tư cách trưởng lão qua nhiều thập niên, anh Bruce nói: “Tôi hay ngồi nói chuyện với một tôi tớ thánh chức mới được bổ nhiệm để ôn lại những chỉ dẫn do đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp. Chúng tôi cũng đọc tất cả các hướng dẫn về nhiệm vụ của anh, tôi thích sau đó được cùng làm việc với anh cho đến khi anh quen việc”. Khi đã có kinh nghiệm, anh tôi tớ có thể được huấn luyện trong việc chăn chiên. Anh Bruce nói tiếp: “Khi mời một anh tôi tớ cùng đi thăm chiên, tôi giúp anh chọn đúng những câu Kinh Thánh sẽ khích lệ và thúc đẩy người hoặc gia đình mà chúng tôi thăm viếng. Tập cách dùng Kinh Thánh sao cho tác động đến lòng anh em là điều quan trọng nếu một anh tôi tớ muốn trở thành người chăn hữu hiệu”.—Hê-bơ-rơ 4:12; 5:14.
12. Làm thế nào người chăn nhiều kinh nghiệm có thể huấn luyện các trưởng lão mới được bổ nhiệm?
12 Đối với những người mới được bổ nhiệm, sự huấn luyện thêm cũng mang lại nhiều lợi ích cho họ. Anh Nick, người được đề cập ở trên, nói: “Tôi nhận được sự huấn luyện rất hữu ích từ hai anh giám thị lớn tuổi hơn. Hai anh này thường biết cách giải quyết một số vấn đề nào đó. Họ luôn kiên nhẫn lắng nghe và thành thật xem xét quan điểm của tôi dù họ không đồng ý. Tôi học được nhiều điều khi quan sát cách xử sự khiêm nhường và lịch sự của họ đối với anh chị em trong hội thánh. Hai anh này giúp tôi ý thức rõ việc cần phải khéo léo dùng Kinh Thánh khi giải quyết vấn đề hoặc khi khích lệ ai”.
Được Lời Đức Chúa Trời huấn luyện
13. (a) Một anh cần điều gì để trở thành người chăn chiên hữu hiệu? (b) Tại sao Chúa Giê-su nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta”?
13 Quả thực, Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, chứa đựng các điều luật, nguyên tắc và gương mẫu mà người chăn chiên cần để trở nên “trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Một anh có thể có trình độ học vấn, nhưng chính sự hiểu biết về Kinh Thánh và cách anh áp dụng mới là điều giúp anh trở thành người chăn chiên hữu hiệu. Hãy xem gương Chúa Giê-su. Về thiêng liêng, ngài là người chăn có tri thức, thông sáng và khôn ngoan nhất đã từng sống trên đất; song chính ngài cũng không dựa vào sự khôn ngoan của mình khi dạy dỗ chiên của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”. Tại sao Chúa Giê-su đề cao đạo lý của Cha ngài ở trên trời? Ngài giải thích: “Kẻ nói theo ý mình, thì tìm vinh-hiển riêng mình”.—Giăng 7:16, 18.
14. Người chăn chiên tránh tìm vinh hiển cho mình như thế nào?
14 Người chăn trung thành tránh tìm vinh hiển cho mình. Họ khuyên bảo và khích lệ chiên dựa vào Lời Đức Chúa Trời chứ không dựa vào sự khôn ngoan của mình. Họ ý thức rằng nhiệm vụ của người chăn là giúp chiên nắm được “ý của Đấng Christ” chứ không phải ý của trưởng lão. (1 Cô-rinh-tô 2:14-16) Thí dụ, khi giúp một cặp vợ chồng giải quyết những khó khăn trong hôn nhân, nếu trưởng lão khuyên bảo dựa vào kinh nghiệm cá nhân thay vì nguyên tắc Kinh Thánh và tài liệu do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp thì sao? (Ma-thi-ơ 24:45) Lời khuyên của anh có thể bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phong tục địa phương và giới hạn bởi kiến thức hạn hẹp của mình. Đành rằng một số phong tục không có gì sai, và trưởng lão có thể có nhiều kinh nghiệm đời. Thế nhưng, chiên được lợi ích nhiều nhất khi người chăn khuyến khích họ nghe theo tiếng nói của Chúa Giê-su và lời của Đức Giê-hô-va thay vì theo ý tưởng loài người hoặc phong tục địa phương.—Thi-thiên 12:6; Châm-ngôn 3:5, 6.
Được “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” huấn luyện
15. Chúa Giê-su giao phó cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” nhiệm vụ nào, và nhờ lý do nào mà lớp đầy tớ này đã thành công?
15 Những người chăn như sứ đồ Phi-e-rơ, Giăng và Phao-lô đều là thành viên của nhóm người mà Chúa Giê-su gọi là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Lớp đầy tớ này gồm các anh em được xức dầu ở trên đất của Chúa Giê-su, có hy vọng cai trị với Đấng Christ ở trên trời. (Khải-huyền 5:9, 10) Trong những ngày sau rốt của hệ thống này, số anh em của Đấng Christ còn lại trên đất đương nhiên ngày một giảm. Tuy nhiên, công việc Chúa Giê-su giao cho họ làm—rao giảng tin mừng về Nước Trời trước khi sự cuối cùng đến—ngày nay đang được thực hiện trên phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết. Dù vậy, lớp đầy tớ vẫn đạt được kết quả rất khả quan! Tại sao? Một phần là nhờ họ đã huấn luyện những người thuộc nhóm “chiên khác” để giúp họ trong công việc rao giảng và dạy dỗ. (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 24:14; 25:40) Ngày nay, phần lớn công việc là do nhóm người trung thành này thực hiện.
16. Lớp đầy tớ huấn luyện những người được bổ nhiệm như thế nào?
16 Lớp đầy tớ cung cấp sự huấn luyện này như thế nào? Trong thế kỷ thứ nhất, những người đại diện cho lớp đầy tớ này được ủy quyền để huấn luyện và bổ nhiệm các giám thị trong hội thánh, và sau đó những giám thị này huấn luyện các chiên. (1 Cô-rinh-tô 4:17) Ngày nay cũng vậy. Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương—nhóm nhỏ gồm các trưởng lão được xức dầu đại diện cho lớp đầy tớ—ủy quyền cho những người đại diện mình để huấn luyện và bổ nhiệm các tôi tớ thánh chức và trưởng lão trong hàng chục ngàn hội thánh trên khắp thế giới. Ngoài ra, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương cũng tổ chức những khóa để huấn luyện thành viên Ủy Ban Chi Nhánh, giám thị lưu động, trưởng lão và tôi tớ thánh chức về cách tốt nhất để chăn chiên. Những chỉ thị khác được cung cấp qua các lá thư, qua các bài trong tạp chí Tháp Canh, và qua các ấn phẩm khác như sách Được tổ chức để thi hành thánh chức rao giảng.a
17. (a) Chúa Giê-su cho thấy ngài tin cậy lớp đầy tớ như thế nào? (b) Những người chăn thiêng liêng cho thấy họ tin cậy lớp đầy tớ như thế nào?
17 Chúa Giê-su rất tin cậy lớp đầy tớ nên ngài đặt lớp người này coi sóc “cả gia-tài mình”—tức là tất cả quyền lợi thiêng liêng của ngài trên đất. (Ma-thi-ơ 24:47) Những người chăn được bổ nhiệm cho thấy họ cũng tin cậy lớp đầy tớ bằng cách áp dụng những chỉ thị nhận được từ Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Thật vậy, khi người chăn chiên huấn luyện người khác, để cho Lời Đức Chúa Trời huấn luyện và áp dụng sự huấn luyện do lớp đầy tớ cung cấp, họ xây dựng sự hợp nhất của bầy chiên. Chúng ta thật biết ơn là Đức Giê-hô-va đã huấn luyện những người hết lòng chăm sóc mỗi thành viên của hội thánh đạo Đấng Christ!
[Chú thích]
a Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn trả lời ra sao?
• Những người chăn thiêng liêng, thành thục huấn luyện người khác như thế nào?
• Tại sao người chăn không dạy dỗ dựa theo ý riêng?
• Người chăn chiên cho thấy họ tin cậy lớp đầy tớ như thế nào và tại sao?
[Các hình nơi trang 24, 25]
Trưởng lão đạo Đấng Christ huấn luyện những anh trẻ trong hội thánh
[Các hình nơi trang 26]
“Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp rất nhiều sự huấn luyện cho các trưởng lão