Chương 11
Sự hòa hợp toàn bộ của Kinh-thánh
Bạn hãy tưởng tượng đến một thư viện gồm có 66 quyển sách, được 40 người viết trong khoảng thời gian là 1.600 năm. Các người viết đã dùng ba thứ tiếng và họ sống ở những nơi khác nhau. Tất cả các người viết này đều có nhân cách, khả năng, và gốc gác khác nhau. Nhưng khi gộp chung lại những cuốn sách mà họ đã viết thì trở thành một cuốn sách lớn, và sách này có chung một chủ đề căn bản từ đầu đến cuối. Điều này khó mà tưởng tượng, phải không? Tuy nhiên, Kinh-thánh chính là thư viện đó.
1. (Kể cả phần nhập đề). Sự hòa hợp phi thường nào làm chứng cho sự kiện Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn?
KHÔNG một học viên Kinh-thánh thành thật nào mà không cảm phục sự kiện Kinh-thánh là một tác phẩm hòa hợp với nhau dù đây là bộ sưu tập nhiều sách khác nhau. Kinh-thánh hòa hợp từ đầu đến cuối trong việc khuyến khích thờ phượng chỉ một Đức Chúa Trời, Đấng có những đức tính không hề thay đổi, và tất cả những sách nhỏ của Kinh-thánh đều khai triển cùng một chủ đề nổi bật. Sự hòa hợp toàn diện này là bằng chứng hùng hồn cho thấy Kinh-thánh quả thật là Lời Đức Chúa Trời.
2, 3. Lời tiên tri nào được nói ở trong vườn Ê-đen đã cho chúng ta một căn bản để hy vọng và hoàn cảnh nào đưa đến việc nói lời tiên tri đó?
2 Chủ đề chính của Kinh-thánh đã được giới thiệu ngay trong những chương đầu của sách Sáng-thế Ký là cuốn đầu tiên. Trong những chương ấy, chúng ta đọc thấy tổ phụ đầu tiên của chúng ta là A-đam và Ê-va được dựng nên hoàn toàn, và được ở trong vườn địa đàng Ê-đen. Tuy nhiên, một con rắn đã đến gần Ê-va và thách thức sự chính đáng của luật pháp Đức Chúa Trời, đồng thời khéo léo dùng lời dối trá lừa gạt bà đi vào con đường tội lỗi. A-đam đã theo vợ và không vâng lời Đức Chúa Trời. Hậu quả ra sao? Cả hai bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và bị kết án phải chết. Ngày nay chúng ta chịu khổ sở vì sự phản nghịch đầu tiên đó. Tất cả chúng ta gánh chịu tội lỗi và sự chết từ tổ phụ đầu tiên của chúng ta (Sáng-thế Ký 3:1-7, 19, 24; Rô-ma 5:12).
3 Tuy nhiên, ngay lúc thảm kịch đó xảy ra Đức Chúa Trời đã nói một lời tiên tri tạo ra một căn bản để hy vọng. Lời tiên tri đó nói về con rắn, nhưng A-đam và Ê-va cũng nghe được để họ có thể truyền lại cho con cháu. Đây là những gì Đức Chúa Trời nói: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:15; Rô-ma 8:20, 21).
4. Lời tiên tri của Đức Giê-hô-va trong vườn Ê-đen nói đến các nhân vật chính nào và trải qua các thế kỷ hai bên đã ảnh hưởng nhau như thế nào?
4 Hãy chú ý bốn nhân vật chính được nhắc đến trong câu Kinh-thánh chủ đề này: con rắn và dòng dõi nó cũng như người nữ và dòng dõi người nữ. Những thực thể này sẽ là những nhân vật chính trong các biến cố xảy ra suốt mấy ngàn năm sau. Mối thù nghịch không dứt giữa hai bên: một bên là người nữ và dòng dõi người nữ, còn bên kia là con rắn và dòng dõi nó. Mối thù này bao hàm sự xung đột dằng dai giữa sự thờ phượng thật và giả, giữa thiện và ác. Có một thời, con rắn có vẻ thắng thế khi nó cắn gót chân của dòng dõi người nữ. Tuy nhiên, dòng dõi người nữ cuối cùng sẽ giày đạp đầu con rắn và chính Đức Chúa Trời sẽ được biện minh khi mọi vết nhơ của sự phản nghịch đầu tiên đó được tẩy sạch.
5. Làm sao chúng ta biết Ê-va không phải là người nữ trong lời tiên tri đầu tiên?
5 Người nữ và con rắn là ai vậy? Dòng dõi của họ là ai? Khi Ê-va sanh con trai đầu lòng là Ca-in, bà đã nói: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp-đỡ, tôi mới sanh được một người” (Sáng-thế Ký 4:1). Có lẽ bà cảm thấy chính bà là người nữ trong lời tiên tri và con trai này chính là dòng dõi. Tuy nhiên, Ca-in đã có tinh thần giống như của con rắn. Y trở nên kẻ sát nhân khi giết em ruột là A-bên (Sáng-thế Ký 4:8). Thế thì lời tiên tri này rõ ràng phải có một ý nghĩa tượng trưng, sâu xa hơn, mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể giải thích mà thôi. Và Ngài đã giải thích dần dần. Tất cả 66 cuốn sách của Kinh-thánh, bằng cách này hay cách khác, đã tiết lộ ý nghĩa của lời tiên tri đầu tiên này trong Kinh-thánh.
Ai là con rắn?
6-8. Lời nào của Chúa Giê-su đã giúp chúng ta nhận diện được quyền lực ở đằng sau con rắn? Hãy giải thích.
6 Đầu tiên, ai là con rắn được nói đến ở Sáng-thế Ký 3:15? Lời tường thuật cho biết con rắn theo nghĩa đen đã đến gần Ê-va trong vườn Ê-đen, nhưng con rắn không thể nào nói được. Chắc chắn đã có quyền lực nào đó ở đằng sau con rắn khiến nó hành động. Quyền lực đó là gì? Mãi cho đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, khi Chúa Giê-su thi hành thánh chức của ngài trên đất thì quyền lực đó mới lộ diện rõ ràng.
7 Có một lần, Chúa Giê-su nói với một số nhà lãnh đạo Do Thái tự cho là công bình và khoe mình là con cái của Áp-ra-ham, nhưng lại cứng cỏi chống đối lẽ thật mà Chúa Giê-su rao giảng. Vì vậy, Chúa Giê-su đã nói với họ: “Các ngươi bởi cha mình, là Ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).
8 Lời của Chúa Giê-su rất mạnh mẽ và thẳng thắn. Ngài miêu tả Ma-quỉ là “kẻ giết người” và là “cha sự nói dối”. Thế thì, lời nói dối đầu tiên được ghi lại là lời con rắn đã nói trong vườn Ê-đen. Ai đã nói lời gian dối đó phải thật là “cha sự nói dối”. Hơn nữa, lời nói dối đó đã đem lại cái chết cho A-đam và Ê-va, vì thế kẻ nói dối đó trở thành kẻ giết người. Vậy, quyền lực ở đằng sau con rắn rõ ràng là Sa-tan Ma-quỉ, và Đức Giê-hô-va thật ra đã nói với chính Sa-tan trong lời tiên tri thuở xưa đó.
9. Sa-tan đã hiện hữu thế nào?
9 Một số người hỏi: Nếu Đức Chúa Trời là thiện, tại sao Ngài lại tạo ra một tạo vật như Ma-quỉ vậy? Lời Chúa Giê-su giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Ngài đã nói về Sa-tan: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người”. Vậy, khi Sa-tan nói dối với Ê-va, đó chính là lúc hắn bắt đầu trở thành Sa-tan—một từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “kẻ chống đối”. Đức Chúa Trời đã không tạo ra Sa-tan. Thiên sứ trung thành ngày trước đã để cho sự ham muốn xấu nảy mầm trong lòng và vì vậy hắn đã trở thành Sa-tan (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; so sánh Gióp 1:6-12; 2:1-10; Gia-cơ 1:13-15).
Dòng dõi của con rắn
10, 11. Chúa Giê-su và sứ đồ Giăng giúp chúng ta nhận diện dòng dõi của Con Rắn thế nào?
10 Vậy còn ‘dòng dõi của con rắn’ là ai? Lời Chúa Giê-su cũng giúp cho chúng ta giải đáp thắc mắc này. Ngài nói với giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái: “Các ngươi bởi cha mình, là Ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình”. Những người Do Thái này là con cháu của Áp-ra-ham, như lời họ đã khoe khoang. Nhưng hành vi độc ác của họ đã làm họ trở nên con thiêng liêng của Sa-tan, kẻ gây nên đầu mối tội.
11 Sứ đồ Giăng viết lá thư vào cuối thế kỷ thứ nhất, giải thích rõ ai là dòng dõi của con rắn, tức Sa-tan. Ông viết: “Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma-quỉ; vì ma-quỉ phạm tội từ lúc ban đầu... Bởi đó, người ta nhận biết con-cái Đức Chúa Trời và con-cái ma-quỉ: ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy” (I Giăng 3:8, 10). Hiển nhiên, dòng dõi của con rắn đã hoạt động rất tích cực trong suốt lịch sử nhân loại!
Ai là dòng dõi người nữ?
12, 13. a) Đức Giê-hô-va đã tiết lộ điều gì giúp Áp-ra-ham biết dòng dõi người nữ sẽ ra từ các con cháu của ông? b) Ai thừa hưởng lời hứa về Dòng Dõi đó?
12 Thế thì, ai là “dòng-dõi người nữ”? Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất đã từng được nêu lên, vì cuối cùng dòng dõi người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn và giải tỏa mọi hậu quả tai hại đến từ sự phản nghịch đầu tiên. Trở lại thế kỷ 20 TCN, Đức Chúa Trời đã tiết lộ một manh mối then chốt về dòng dõi người nữ này cho người trung thành Áp-ra-ham. Vì đức tin mãnh liệt của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã hứa nhiều điều với ông về con cháu mà ông sẽ có. Một trong các lời hứa này cho thấy rõ là “dòng-dõi người nữ” mà ‘sẽ giày-đạp đầu con rắn’ sẽ ra từ con cháu của Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời đã nói với ông: “Dòng-dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng-thế Ký 22:17, 18).
13 Nhiều năm trôi qua, lời hứa của Đức Giê-hô-va với Áp-ra-ham được nhắc lại cho con ông là Y-sác và cháu ông là Gia-cốp (Sáng-thế Ký 26:3-5; 28:10-15). Cuối cùng, con cháu của Gia-cốp trở thành 12 chi phái và một trong những chi phái đó là Giu-đa đã nhận được lời hứa đặc biệt: “Cây phủ-việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa. Kẻ lập-pháp không dứt khỏi giữa chơn nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng-phục Đấng đó” (Sáng-thế Ký 49:10). Rõ ràng là Dòng Dõi đã hứa phải xuất thân từ chi phái Giu-đa.
14. Nước nào đã được tổ chức để chuẩn bị cho Dòng Dõi sẽ đến?
14 Vào cuối thế kỷ 16 TCN, 12 chi phái của Y-sơ-ra-ên đã được tổ chức thành một nước với tư cách là một dân tộc đặc biệt của Đức Chúa Trời. Lúc bấy giờ, Đức Chúa Trời lập một giao ước long trọng với họ và ban cho họ luật pháp. Lý do chính mà Ngài làm thế là để chuẩn bị một dân sẽ sinh ra Dòng Dõi người nữ (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6; Ga-la-ti 3:24). Từ đó trở đi, sự thù nghịch của Sa-tan đối với Dòng Dõi người nữ được thể hiện qua việc các nước chống đối dân tộc được lựa chọn của Đức Chúa Trời.
15. Manh mối cuối cùng cho biết Dòng Dõi sẽ đến từ gia đình nào trong vòng con cháu của Áp-ra-ham?
15 Manh mối cuối cùng về Dòng Dõi sẽ đến từ gia đình nào, được cho biết trong thế kỷ 11 TCN. Bấy giờ, Đức Chúa Trời nói với vị vua thứ nhì của Y-sơ-ra-ên là Đa-vít và hứa là Dòng Dõi sẽ đến từ dòng tộc của ông và ngôi của Đấng ấy sẽ “bền-đổ đời đời” (II Sa-mu-ên 7:11-16). Từ đó trở đi, Dòng Dõi đó có thể chính đáng được gọi là con trai của Đa-vít (Ma-thi-ơ 22:42-45).
16, 17. Ê-sai đã miêu tả Dòng Dõi sẽ mang lại ân phước như thế nào?
16 Trong những năm kế tiếp, Đức Chúa Trời đã dấy lên các tiên tri và soi dẫn họ biết thêm về Dòng Dõi sẽ đến. Thí dụ, vào thế kỷ thứ tám TCN, Ê-sai đã viết: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, là Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền-năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình-an. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài” (Ê-sai 9:5, 6).
17 Ê-sai tiên tri thêm về Dòng Dõi này: “Ngài sẽ dùng sự công-bình xét-đoán kẻ nghèo, và xử lẽ ngay-thẳng cho kẻ nhu-mì trên đất... Bấy giờ muông-sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư-tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ.... Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:4-9). Dòng dõi này sẽ mang lại ân phước dồi dào thay!
18. Đa-ni-ên ghi lại điều gì cho biết thêm về Dòng Dõi?
18 Vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, Đa-ni-ên ghi lại lời tiên tri cho biết thêm về Dòng Dõi. Ông tiên tri về thời kỳ mà một người giống như con người sẽ hiện ra trên trời và ông nói rằng: “Người được ban cho quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc người” (Đa-ni-ên 7:13, 14). Vậy, Dòng Dõi sẽ đến được thừa hưởng Nước Trời, và ngài có quyền trên cả trái đất.
Thắc mắc được giải đáp
19. Về việc Dòng Dõi sẽ đến, Ma-ri có vai trò gì theo lời thiên sứ đã tiết lộ?
19 Cuối cùng, danh tánh của Dòng Dõi đã được tiết lộ vào thời đầu của công nguyên. Trong năm thứ 2 TCN, một thiên sứ đã hiện ra với một thiếu nữ Do Thái tên là Ma-ri, thuộc con cháu vua Đa-vít. Thiên sứ nói rằng nàng sẽ sanh một đứa con rất đặc biệt và lại nói: “Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng” (Lu-ca 1:32, 33). Vì vậy, “dòng-dõi” mà người ta đợi chờ hằng bao lâu nay cuối cùng đã đến.
20. Dòng Dõi đã hứa là ai, và ngài đã rao giảng thông điệp nào ở Y-sơ-ra-ên?
20 Vào năm 29 CN (Đa-ni-ên đã nói trước từ lâu về năm này), Chúa Giê-su làm báp-têm. Lúc đó, thánh linh xuống trên ngài và Đức Chúa Trời công nhận ngài là Con (Đa-ni-ên 9:24-27; Ma-thi-ơ 3:16, 17). Trong ba năm rưỡi sau đó, Chúa Giê-su làm chứng cho người Do Thái rằng: “Nước thiên-đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17). Trong khoảng thời gian đó, ngài làm ứng nghiệm rất nhiều lời tiên tri trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đến nỗi không còn nghi ngờ gì về việc chính ngài là Dòng Dõi đã được hứa đó.
21. Tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã hiểu gì về danh tánh của Dòng Dõi?
21 Tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã hiểu rõ điều đó. Phao-lô giải thích cho tín đồ đấng Christ tại Ga-la-ti: “Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng-dõi người. Không nói: Và cho các dòng-dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng-dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ” (Ga-la-ti 3:16). Chúa Giê-su phải là “Chúa Bình-an” như Ê-sai đã tiên tri. Cuối cùng, sau khi ngài đến trong Nước Trời, sự công bình và chính trực sẽ được thiết lập trên toàn thế giới.
Vậy người nữ là ai?
22. Người nữ được nói đến trong lời tiên tri của Đức Giê-hô-va ở vườn Ê-đen là ai?
22 Nếu Chúa Giê-su là Dòng Dõi, thế thì ai là người nữ được nói đến trong vườn Ê-đen? Vì quyền lực ở đằng sau con rắn là một tạo vật thần linh, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên về việc người nữ cũng phải là thần linh chứ không phải là loài người. Sứ đồ Phao-lô nói về “người nữ” trên trời như sau: “Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự-do, và ấy là mẹ chúng ta” (Ga-la-ti 4:26). Các câu Kinh-thánh khác chỉ rõ “thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao” này đã có từ hàng ngàn năm rồi. Đó là tổ chức trên trời gồm các tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va, và Chúa Giê-su đến từ tổ chức này để làm tròn vai trò “dòng-dõi người nữ”. Chỉ có “người nữ” thiêng liêng này mới chịu đựng được sự hận thù hàng ngàn năm của “con rắn xưa” (Khải-huyền 12:9; Ê-sai 54:1, 13; 62:2-6).
23. Tại sao sự tiết lộ dần dần về ý nghĩa của lời tiên tri của Đức Giê-hô-va trong vườn Ê-đen thật đáng chú ý?
23 Nhìn qua sự diễn tiến của lời tiên tri xa xưa nơi Sáng-thế Ký 3:15, chúng ta thấy một bằng chứng hùng hồn về sự hòa hợp từ đầu đến cuối của Kinh-thánh. Đây là điều thật đáng chú ý, vì chúng ta chỉ hiểu được lời tiên tri đó khi chúng ta ghép lại những biến cố và những lời nói từ thế kỷ thứ 20, thứ 11, thứ 8 và thứ 6 TCN với những lời nói và biến cố từ thế kỷ thứ nhất công nguyên. Việc này không thể nào ngẫu nhiên xảy ra được. Chắc chắn phải có một bàn tay đã hướng dẫn mọi việc đó (Ê-sai 46:9, 10).
Ý nghĩa cho chúng ta
24. Sự nhận diện được Dòng Dõi có nghĩa gì cho chúng ta?
24 Tất cả mọi điều này có ý nghĩa gì cho chúng ta? Chúa Giê-su là “dòng-dõi” chính của “người nữ”. Lời tiên tri xưa trong Sáng-thế Ký 3:15 đã nói Con Rắn sẽ “cắn” gót chân người, và điều đó đã xảy ra khi Chúa Giê-su chết trên cây khổ hình. Vết thương không kéo dài lâu. Vì vậy, sự thành công mà Con Rắn có vẻ đạt được đã sớm trở thành sự thất bại khi Chúa Giê-su được sống lại. (Như chúng ta đã thấy trong chương 6, có bằng chứng quá rõ ràng là việc này đã thật sự xảy ra). Cái chết của Chúa Giê-su đã trở thành căn bản cứu rỗi cho những người có lòng ngay thẳng, vì thế Dòng Dõi trở thành một ân phước, đúng như lời Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Nhưng còn những lời tiên tri nói về việc Chúa Giê-su sẽ cai trị trái đất từ Nước trên trời thì sao?
25, 26. Khải-huyền miêu tả sự thù nghịch giữa “dòng-dõi người nữ” và Con Rắn có liên hệ đến vấn đề nào?
25 Khải-huyền đoạn 12 ghi lại một sự hiện thấy sống động mang ý nghĩa tiên tri, trong đó, sự bắt đầu của Nước Trời được tượng trưng bằng việc một đứa con trai được sinh ra trên trời. Trong Nước này, Dòng Dõi đã hứa sẽ nắm quyền dưới danh hiệu Mi-chen, nghĩa là “Ai giống như Đức Chúa Trời?” Ngài cho thấy không ai có thể chính đáng thách thức quyền thống trị của Đức Giê-hô-va khi ngài quăng “con rắn xưa” ra khỏi trời vĩnh viễn. Chúng ta đọc: “Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là Ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ; nó đã bị quăng xuống đất” (Khải-huyền 12:7-9).
26 Kết quả là trên trời được thoát nạn nhưng dưới đất bị sầu khổ. Có một tiếng lớn vang lên: “Bây giờ sự cứu-rỗi, quyền-năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền-phép của Đấng Christ Ngài nữa”. Chúng ta đọc tiếp: “Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi! Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:10, 12).
27. Khi nào lời tiên tri về việc Sa-tan bị quăng ra khỏi trời được ứng nghiệm? Làm sao chúng ta biết được?
27 Chúng ta có thể nói lời tiên tri này đã được ứng nghiệm lúc nào? Thật ra, đây là câu hỏi mà các môn đồ đã nêu lên, khi họ hỏi Chúa Giê-su về ‘điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự’—như chúng ta đã bàn luận trong chương 10 (Ma-thi-ơ 24:3, NW). Chúng ta đã thấy bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giê-su, trong quyền bính Nước Trời, bắt đầu từ năm 1914 quá rõ ràng. Từ năm đó, chúng ta quả đã trải qua những sự “khốn-nạn cho đất”!
28, 29. Sự thay đổi lớn lao nào sắp xảy ra trên đất và làm sao chúng ta biết là sắp xảy ra?
28 Nhưng hãy chú ý: Tiếng lớn từ trên trời thông báo là Sa-tan “biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu”. Vì vậy, lời tiên tri xưa trong Sáng-thế Ký 3:15 chắc chắn đang tiến đến cao điểm. Con rắn, dòng dõi hắn, người nữ và dòng dõi người nữ, tất cả đều đã được nhận diện rõ. Dòng Dõi bị ‘cắn gót chân’ nhưng ngài đã được chữa lành. Sa-tan (và dòng dõi của hắn) sắp sửa bị Chúa Giê-su Christ, Vua đương kim của Đức Chúa Trời, giày đạp.
29 Điều này sẽ đem lại sự thay đổi lớn lao trên trái đất. Sa-tan cùng những người tự chứng tỏ là dòng dõi của hắn sẽ bị loại trừ hẳn. Như người viết Thi-thiên đã tiên tri: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa” (Thi-thiên 37:10). Thật là một sự thay đổi tận gốc rễ! Rồi thì những lời sau đây của người viết Thi-thiên sẽ được ứng nghiệm: “Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11).
30. Tại sao những người nghi ngờ sự soi dẫn của Kinh-thánh và nghi ngờ ngay cả sự hiện hữu của Đức Chúa Trời mới là những người không thực tế?
30 Qua cách này, “Chúa Bình-an” cuối cùng sẽ mang lại hòa bình cho nhân loại. Đây là lời hứa của Kinh-thánh, được ghi nơi Ê-sai 9:5, 6. Trong thời đại hay nghi ngờ này, nhiều người cho là lời hứa đó không thực tế. Nhưng loài người có đưa ra một giải pháp nào khác không? Hoàn toàn không! Trái lại, Kinh-thánh nói rõ ràng về lời hứa này và Kinh-thánh là Lời Đức Chúa Trời, không bao giờ sai. Chính những người đa nghi mới không thực tế (Ê-sai 55:8, 11). Họ không thèm để ý đến Đức Chúa Trời, Đấng đã soi dẫn Kinh-thánh và là Đấng thực tế hơn bất cứ người nào khác.
[Hình nơi trang 151]
Lời tiên tri đầu tiên của Kinh-thánh đã cho nhân loại tội lỗi một căn bản để hy vọng
[Hình nơi trang 154]
Vào thế kỷ 20 TCN, Đức Giê-hô-va đã nói với Áp-ra-ham rằng Dòng Dõi đã hứa sẽ đến từ các con cháu của ông
[Hình nơi trang 155]
Trong thế kỷ 11 TCN, Vua Đa-vít biết được Dòng Dõi sẽ đến trong hoàng tộc của ông
[Hình nơi trang 156]
Vào thế kỷ thứ tám TCN, Ê-sai nói tiên tri về những ân phước mà Dòng Dõi sẽ mang lại
[Hình nơi trang 157]
Vào thế kỷ thứ sáu TCN, Đa-ni-ên nói tiên tri rằng Dòng Dõi sẽ cai trị trong Nước Trời
[Hình nơi trang 159]
Gần lúc bắt đầu thế kỷ thứ nhất CN, Ma-ri biết rằng Giê-su, đứa con nàng sắp mang thai, sẽ trở thành Dòng Dõi