Độc giả thắc mắc
Có ba Phúc Âm kể lại sự phàn nàn về việc Chúa Giê-su được xức dầu đắt tiền. Có phải nhiều sứ đồ đã phàn nàn không, hay đó chỉ chủ yếu là Giu-đa?
Chúng ta tìm thấy lời tường thuật này trong các sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Giăng. Dường như chính Giu-đa khởi đầu việc phàn nàn, và có ít nhất một vài sứ đồ cũng đồng tình với hắn. Tình tiết này cho thấy tại sao chúng ta có thể biết ơn vì có sự tường thuật của bốn Phúc Âm. Những gì mỗi người viết đều là chính xác, nhưng không phải tất cả đều cung cấp cùng những chi tiết. Bằng cách so sánh song song những sự tường thuật, chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn, chi tiết hơn, về nhiều biến cố.
Ma-thi-ơ 26:6-13 tường thuật về địa điểm—nhà của Si-môn người cùi trong làng Bê-tha-ni—nhưng không đề cập tên người đàn bà đã xức dầu thơm trên đầu Chúa Giê-su. Ma-thi-ơ ghi lại: “Môn-đồ thấy vậy, giận” và phàn nàn rằng dầu kia lẽ ra có thể bán lấy tiền cho người nghèo.
Lời tường thuật của Mác bao gồm hầu hết những chi tiết trên. Nhưng ông bổ sung thêm rằng người đàn bà mở bình dầu thơm. Bình này đựng dầu thơm “cam-tòng” có lẽ đã được nhập khẩu từ Ấn Độ. Về sự phàn nàn, Mác mô tả “có vài người nổi giận”, và “họ oán-trách người”. (Mác 14:3-9) Vì thế, hai sự tường thuật cho thấy rằng không phải chỉ một sứ đồ liên quan đến vụ phàn nàn. Nhưng sự việc đã bắt đầu như thế nào?
Giăng, người chứng kiến sự việc trên, cho biết thêm nhiều chi tiết liên hệ. Ông ghi rõ tên người đàn bà là Ma-ri, chị em của Ma-thê và La-xa-rơ. Chi tiết này mà Giăng cũng cung cấp, có thể được xem là có tính cách bổ túc hơn là mâu thuẫn: “Bà xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau”. Phối hợp những sự tường thuật này, chúng ta có thể thấy Ma-ri chắc hẳn đã xức dầu trên đầu và chân Chúa Giê-su, mà Giăng khẳng định đó là “dầu cam-tùng-hương thật”. Giăng rất thân cận với Chúa Giê-su và dễ bất bình về việc người ta xem nhẹ ngài. Chúng ta đọc: “Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn-đồ về sau phản ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố-thí cho kẻ nghèo?”—Giăng 12:2-8.
Tất nhiên, Giu-đa là “một môn-đồ”, nhưng bạn có thể cảm nhận sự bất bình của Giăng về việc một người có địa vị này lại dự định phản Chúa Giê-su. Dịch giả Tiến Sĩ C. Howard Matheny nhận xét về câu Giăng 12:4: “Hiện tại phân từ ‘về sau’ [hay “sắp sửa”] và thể hiện tại vô định ‘phản’ [hay “sắp sửa phản”] cả hai cùng diễn tả hành động liên tục hay đang tiếp diễn. Điều này cho thấy việc Giu-đa phản Chúa Giê-su không phải là một hành động nhất thời, mà đã được suy nghĩ và dự tính trong nhiều ngày”. Giăng viết thêm cho thấy ông hiểu biết sâu sắc là Giu-đa phàn nàn “chẳng phải lo cho người nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm-cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong”.
Dường như điều hợp lý là tên trộm Giu-đa khởi đầu việc phàn nàn vì lẽ ra hắn sẽ trộm được nhiều hơn, nếu như bình dầu quý giá kia được bán lấy tiền bỏ vào quỹ do hắn cất giữ. Một khi Giu-đa bắt đầu phàn nàn, vài môn đồ khác có lẽ đã xầm xì đồng ý về điểm có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, Giu-đa là kẻ chủ mưu trong việc phàn nàn.