“Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi!”
NGÀY Chúa Giê-su chết—tức ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái—đã bắt đầu lúc mặt trời lặn vào ngày Thứ Năm, 31 tháng 3 năm 33 CN. Tối hôm ấy, Chúa Giê-su cùng với các sứ đồ ngài họp mặt tại một phòng trên lầu của một ngôi nhà ở Giê-ru-sa-lem để cử hành Lễ Vượt Qua. Khi chuẩn bị “lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời”, Chúa Giê-su đã tỏ cho các sứ đồ biết rằng ngài yêu thương họ đến cuối cùng. (Giăng 13:1) Bằng cách nào? Bằng cách dạy họ những bài học tuyệt vời để chuẩn bị họ đối phó với những điều sắp xảy đến.
Đến đêm, Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ ngài: “Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi!” (Giăng 16:33) Ngài muốn nói gì qua lời lẽ can đảm ấy? Một phần những gì ngài nói là: ‘Sự gian ác của thế gian không làm lòng ta cay đắng, cũng chẳng khiến ta muốn trả miếng. Ta đã không để mình rập theo khuôn của thế gian. Trường hợp của các ngươi cũng có thể chứng tỏ đúng như vậy’. Những điều Chúa Giê-su dạy cho các sứ đồ trung thành vào những giây phút cuối của đời ngài trên đất cũng sẽ giúp họ thắng thế gian.
Ai có thể phủ nhận rằng thế giới ngày nay đầy dẫy sự xấu xa? Chúng ta phản ứng ra sao trước những bất công và những hành động hung bạo vô nghĩa? Những điều ấy có làm chúng ta căm thù hay khiến chúng ta muốn trả đũa không? Sự suy thoái đạo đức quanh ta ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Ngoài ra, còn phải kể đến những sự bất toàn và những khuynh hướng tội lỗi của con người chúng ta, vì vậy chúng ta chiến đấu trên hai mặt trận: chống thế gian độc ác bên ngoài và chống những khuynh hướng xấu xa bên trong chúng ta. Chúng ta có thể nào thật sự hy vọng chiến thắng mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời không? Làm thế nào chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ của Ngài? Chúng ta nên vun trồng những đức tính nào để giúp mình chống lại những khuynh hướng xác thịt? Để trả lời, chúng ta hãy lưu ý đến những gì Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ yêu dấu của ngài trong ngày cuối cùng ngài sống trên đất.
Lấy khiêm nhường thắng kiêu ngạo
Ví dụ, hãy xem xét vấn đề kiêu ngạo, hay tự cao. Về điều này, Kinh Thánh dạy: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. (Châm-ngôn 16:18) Kinh Thánh cũng khuyên chúng ta: “Nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi, ấy là mình dối lấy mình”. (Ga-la-ti 6:3) Đúng thế, kiêu ngạo là tự hủy hoại và lừa dối. Điều khôn ngoan là chúng ta hãy ghét “sự kiêu căng ngạo mạn”.—Châm-ngôn 8:13, Tòa Tổng Giám Mục.
Các sứ đồ của Chúa Giê-su có tỏ ra kiêu căng ngạo mạn không? Ít ra họ cũng đã một lần tranh cãi xem ai lớn hơn trong vòng họ. (Mác 9:33-37) Vào một dịp khác, Gia-cơ và Giăng đã xin có được địa vị cao trọng trong Nước Trời. (Mác 10:35-45) Chúa Giê-su mong muốn giúp các môn đồ dẹp bỏ khuynh hướng này. Do đó, khi đang ăn Lễ Vượt Qua, ngài đã đứng dậy, quàng khăn quanh người, rồi rửa chân cho các môn đồ. Bài học ngài dạy cho họ thật rõ ràng: “Nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau”. (Giăng 13:14) Kiêu ngạo phải được thay thế bằng tính trái ngược nó—khiêm nhường.
Thế nhưng không dễ thắng được tính kiêu ngạo. Không lâu sau, cũng tối hôm đó, sau khi Chúa Giê-su đã đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, tức kẻ sắp phản ngài ra ngoài, một cuộc tranh luận nóng bỏng đã nổ ra giữa 11 sứ đồ. Họ cãi nhau về điều gì? Đó là ai trong số họ có vẻ là quan trọng nhất! Thay vì la rầy họ, một lần nữa Chúa Giê-su lại kiên nhẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục vụ người khác. Ngài nói: “Các vua của các dân ngoại lấy phép riêng mình mà cai-trị, những người cầm quyền cai-trị được xưng là người làm ơn. Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai-trị phải như kẻ hầu việc”. Nhắc nhở họ noi gương ngài, Chúa Giê-su nói thêm: “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy”.—Lu-ca 22:24-27.
Các sứ đồ có hiểu ý nghĩa bài học này không? Rõ ràng là có. Nhiều năm sau đó, sứ đồ Phi-e-rơ đã viết: “Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng”. (1 Phi-e-rơ 3:8) Chúng ta cũng vậy, lấy khiêm nhường thắng kiêu ngạo quả là điều thiết yếu cho chúng ta! Khôn ngoan là chúng ta đừng để mình bị danh vọng, quyền lực, hoặc địa vị lôi cuốn. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (Gia-cơ 4:6) Tương tự, một câu châm ngôn khôn ngoan xưa nói: “Phần thưởng của sự khiêm-nhường và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng và mạng-sống”.—Châm-ngôn 22:4.
Thắng thù ghét—Bằng cách nào?
Hãy xem xét một tính thông thường trong thế gian—thù ghét. Dù nguyên nhân là do sợ hãi, ngu dốt, thành kiến, áp bức, bất công, lòng ái quốc, chủ nghĩa sắc tộc hay kỳ thị chủng tộc, sự thù ghét dường như hiện diện khắp nơi. (2 Ti-mô-thê 3:1-4) Sự thù ghét cũng lan tràn trong thời Chúa Giê-su. Những người thâu thuế là thành phần bị ghét bỏ trong xã hội Do Thái. Người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri. (Giăng 4:9) Và Dân Ngoại, tức là người không phải Do Thái, cũng bị dân Do Thái khinh bỉ. Tuy nhiên, với thời gian cách thờ phượng do Chúa Giê-su thiết lập sẽ bao gồm mọi dân trên thế giới. (Công-vụ 10:34, 35; Ga-la-ti 3:28) Do đó ngài đã lấy lòng yêu thương ban cho các môn đồ một điều mới mẻ.
Chúa Giê-su phán: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy”. Họ phải học cách bày tỏ tình yêu thương này vì Chúa Giê-su nói tiếp: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:34, 35) Điều răn này mới mẻ vì không chỉ dạy phải ‘yêu-thương kẻ lân-cận như mình’. (Lê-vi Ký 19:18) Thế phải yêu thương như thế nào? Chúa Giê-su làm sáng tỏ lời dạy khi giải thích: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:12, 13) Họ phải sẵn lòng hy sinh mạng sống của chính mình cho nhau và cho những người khác.
Làm thế nào con người bất toàn có thể dẹp bỏ sự thù ghét xấu xa khỏi đời sống mình? Bằng cách thay thế sự thù ghét bằng tình yêu thương bất vị kỷ. Hàng triệu người thành thật từ mọi dân tộc, văn hóa, tôn giáo, và sống dưới những thể chế chính trị khác nhau đang thực hành điều này. Giờ đây họ hợp nhất với nhau thành một cộng đồng không thù ghét—đấy chính là tình anh em trên khắp thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ ghi tạc vào lòng những lời soi dẫn của sứ đồ Giăng: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”. (1 Giăng 3:15) Những tín đồ Đấng Christ thật không chỉ từ chối sử dụng vũ khí tham gia vào bất kỳ cuộc tranh chấp nào, mà còn hết sức cố gắng bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau.
Nhưng chúng ta nên có thái độ nào đối với những người không cùng đạo và tỏ ra thù ghét chúng ta? Khi bị treo trên cây khổ hình, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho những người hành hình ngài như sau: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”. (Lu-ca 23:34) Khi bị những người đầy thù ghét ném đá đến chết, môn đồ Ê-tiên đã nói những lời cuối cùng sau: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công-vụ 7:60) Chúa Giê-su và Ê-tiên đều cầu mong điều tốt đẹp nhất ngay cả cho những người thù ghét họ. Họ không hề căm giận trong lòng. Kinh Thánh bảo chúng ta: “Hãy làm điều thiện cho mọi người”.—Ga-la-ti 6:10.
‘Đấng Yên-ủi đời đời’
Trong lúc tiếp tục ở lại với 11 sứ đồ trung thành, Chúa Giê-su báo cho họ biết rằng chẳng bao lâu nữa ngài sẽ không còn ở cùng họ. (Giăng 14:28; 16:28) Nhưng ngài bảo đảm với họ: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời”. (Giăng 14:16) Đấng yên ủi đã hứa chính là thánh linh Đức Chúa Trời. Thánh linh Ngài sẽ dạy họ nhiều điều sâu nhiệm của Kinh Thánh và nhắc họ nhớ những điều Chúa Giê-su đã dạy họ khi làm thánh chức trên đất.—Giăng 14:26.
Thánh linh có thể giúp đỡ chúng ta ngày nay như thế nào? Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Những người được dùng để nói tiên tri và viết Kinh Thánh đều “bởi Đức Thánh-Linh cảm-động”. (2 Phi-e-rơ 1:20, 21; 2 Ti-mô-thê 3:16) Việc học hỏi Kinh Thánh và áp dụng những điều học được giúp chúng ta có tri thức, khôn ngoan, hiểu biết, thông sáng, sáng suốt, và khả năng suy luận. Chẳng phải nhờ thế mà chúng ta được chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với áp lực của thế gian hung ác này sao?
Thánh linh còn giúp chúng ta theo cách khác nữa. Thánh linh của Đức Chúa Trời còn là một lực tác động mạnh mẽ giúp những ai dưới ảnh hưởng của lực ấy có thể bày tỏ được những đức tính như Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. Đấy chẳng phải chính là những đức tính chúng ta cần để thắng được khuynh hướng xác thịt dẫn đến sự vô đạo đức, tranh cạnh, ghen ghét, nóng giận, và những điều tương tự sao?—Ga-la-ti 5:19-23.
Nương cậy nơi thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhận được “sức lực vượt quá mức bình thường” để đương đầu với bất kỳ chuyện phiền muộn hay đau khổ nào. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Dù thánh linh không cất bỏ thử thách hay cám dỗ, nhưng chắc chắn có thể giúp chúng ta chịu đựng được những điều này. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:13) Đức Chúa Trời dùng thánh linh để ban sức mạnh ấy. Chúng ta biết ơn Ngài xiết bao về sự ban cho thánh linh này! Theo lời hứa, thánh linh được ban cho những ai ‘yêu-mến Chúa Giê-su và giữ-gìn các điều-răn ngài’.—Giăng 14:15.
“Hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta”
Vào đêm cuối cùng khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su cũng phán cùng các sứ đồ: “Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta; người nào yêu-mến ta sẽ được Cha ta yêu lại”. (Giăng 14:21) Ngài khuyên họ: “Hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta”. (Giăng 15:9) Làm thế nào việc cứ ở trong tình yêu thương của Cha và của Con có thể giúp chúng ta chống cự lại những khuynh hướng tội lỗi trong chính chúng ta và từ thế giới gian ác bên ngoài?
Chúng ta thật sự có thể nào kiểm soát được những khuynh hướng xấu không nếu thiếu động lực mạnh mẽ thúc đẩy mình làm điều ấy? Còn động lực nào mạnh hơn là ước muốn có quan hệ tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài? Ernesto,a một thanh niên đã cật lực phấn đấu chống lại lối sống vô luân từ thuở thiếu niên trước kia, giải thích: “Tôi muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và nhờ học Kinh Thánh tôi đã hiểu ra rằng Ngài không chấp nhận lối sống của tôi. Vì thế tôi quyết định thay đổi nhân cách và sống theo đường lối Đức Chúa Trời. Hàng ngày, tôi phải chống cự lại những ý nghĩ tiêu cực, xấu xa, vẫn còn tràn ngập trong tâm trí tôi. Nhưng tôi đã cương quyết thắng trận chiến này, và không ngớt cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Sau hai năm, tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tôi vẫn còn phải nghiêm khắc với chính mình”.
Còn về trận chiến với thế gian bên ngoài, chúng ta hãy cùng xem xét lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước khi rời phòng trên lầu tại Giê-ru-sa-lem. Thay mặt các môn đồ, ngài cầu nguyện cùng Cha và nài xin: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:15, 16) Thật an lòng thay! Đức Giê-hô-va chăm sóc những ai Ngài yêu thương và làm họ vững mạnh khi giữ mình tách rời khỏi thế gian.
“Thực hành đức tin”
Vâng theo các điều dạy dỗ của Chúa Giê-su thật sự có thể giúp ta chiến thắng trong trận chiến chống thế gian hung ác và các khuynh hướng tội lỗi của chúng ta. Những chiến thắng này dù quan trọng, nhưng không thể loại trừ thế gian hoặc tội lỗi di truyền. Tuy nhiên, chúng ta không nên thất vọng.
Kinh Thánh nói: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:17) Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống mình để cứu những người “thực hành đức tin” nơi ngài thoát khỏi tội lỗi và sự chết. (Giăng 3:16, NW) Trong khi tiếp tục hiểu biết thêm về ý muốn Đức Chúa Trời và các ý định của Ngài, chúng ta hãy ghi nhớ lời khuyến giục của Chúa Giê-su: “Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa”.—Giăng 14:1.
[Chú thích]
a Tên đã được đổi.
[Hình nơi trang 6, 7]
Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ: “Hãy cứ ở trong sự yêu-thương ta”
[Hình nơi trang 7]
Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và các hậu quả của nó