Bạn có thể luyện trí nhớ
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI tạo ra bộ óc con người với khả năng nhớ kỳ diệu. Ngài thiết kế nó thành một kho chứa kiến thức có thể được khai thác mà không mất đi những điều quý giá đã được lưu giữ trong đó. Sự thiết kế của bộ óc phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời là con người sẽ sống đời đời.—Thi 139:14; Giăng 17:3.
Nhưng có thể bạn có cảm tưởng rằng mình quên mất quá nhiều điều trí não đã tích lũy được. Dường như khi cần đến điều gì đó thì suy nghĩ nát óc vẫn không ra. Làm thế nào bạn có thể luyện trí nhớ mình?
Hãy chú ý
Sự chú ý là một yếu tố quan trọng trong việc luyện trí nhớ. Trí óc chúng ta được kích thích khi tập thói quen quan sát, chú ý đến người khác và những việc đang xảy ra chung quanh. Có như vậy, khi đọc hoặc nghe một điều gì có giá trị lâu dài, chúng ta cũng sẽ dễ dàng chú ý hơn.
Khó nhớ tên người khác là điều thường xảy ra. Song, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta biết rằng người ta quan trọng—tức các tín đồ khác, những người chúng ta làm chứng, và những người mà chúng ta giao dịch khi lo liệu những việc cần thiết trong đời sống. Điều gì có thể giúp chúng ta nhớ tên những người mà chúng ta thật sự nên nhớ? Khi viết thư cho một hội thánh, sứ đồ Phao-lô kể tên 26 người trong hội thánh đó. Sự quan tâm của ông đối với họ biểu hiện ra ở chỗ ông chẳng những biết tên mà còn đề cập các chi tiết cụ thể liên quan đến nhiều người trong số đó. (Rô 16:3-16) Một số giám thị lưu động thời nay của Nhân Chứng Giê-hô-va nhớ tên rất giỏi, mặc dù họ di chuyển từ hội thánh này sang hội thánh khác mỗi tuần. Điều gì giúp họ nhớ tên người khác? Họ có thể tập thói quen nhắc tên của một người nhiều lần khi nói chuyện lần đầu tiên. Họ cố gắng liên hệ tên với khuôn mặt người ấy. Ngoài ra, họ dành thì giờ rao giảng với nhiều người và dùng bữa với nhau. Khi gặp người nào đó, bạn có nhớ tên người ấy không? Trước tiên hãy tìm một lý do xác đáng để nhớ tên; rồi thử một số các đề nghị trên.
Nhớ những điều bạn đã đọc qua cũng quan trọng. Điều gì giúp bạn cải thiện khía cạnh này? Cả sự chú ý lẫn sự lĩnh hội đều có vai trò của nó. Bạn cần quan tâm đúng mức đến điều mình đọc thì mới tập trung chú ý hoàn toàn vào đó được. Bạn sẽ không nhớ được các thông tin nếu cứ nghĩ vẩn vơ trong khi đang cố gắng đọc. Bạn lĩnh hội nhiều hơn khi liên hệ tài liệu với những điều quen thuộc hoặc với sự hiểu biết đã có. Hãy tự hỏi: ‘Tôi có thể áp dụng tài liệu này trong đời sống mình như thế nào và khi nào? Tôi có thể sử dụng nó như thế nào để giúp người khác?’ Bạn cũng sẽ lĩnh hội nhiều hơn nếu đọc từng nhóm từ thay vì từng chữ. Bạn sẽ nắm được ý và nhận ra ý tưởng chính một cách dễ dàng, vì vậy chúng sẽ dễ nhớ hơn.
Hãy dành thì giờ ôn lại
Những chuyên gia trong ngành giáo dục nhấn mạnh giá trị của việc ôn lại. Trong một cuộc nghiên cứu, một giáo sư đại học chứng minh rằng khi dành ra một phút để ôn lại ngay, số lượng thông tin nhớ được sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, ngay sau khi đọc xong—hay đã đọc được một phần lớn tài liệu—hãy ôn thầm các ý tưởng chính để khắc ghi chúng vào trí. Hãy nghĩ cách giải thích bằng lời lẽ riêng bất cứ điểm mới nào bạn đã học qua. Bằng cách kích thích trí nhớ mình ngay sau khi vừa đọc xong một ý tưởng, bạn sẽ nhớ điểm đó được lâu hơn.
Rồi trong vài ngày sau đó, hãy tìm cơ hội ôn lại những điều bạn đã đọc bằng cách chia sẻ với người khác. Bạn có thể làm thế với người trong gia đình, trong hội thánh, một đồng nghiệp, bạn học, người hàng xóm hay người nào bạn gặp trong thánh chức rao giảng. Hãy cố nhắc lại không những các dữ kiện then chốt, mà còn những lý lẽ dựa trên Kinh Thánh liên quan đến các dữ kiện đó nữa. Điều này không những có lợi cho bạn, nó giúp bạn ghi khắc những điều quan trọng vào trí nhớ, mà còn giúp ích cả cho người khác nữa.
Hãy suy ngẫm những điều quan trọng
Ngoài việc ôn lại và nói cho người khác biết những điều đã đọc, bạn sẽ thấy lợi ích khi suy ngẫm những điều quan trọng đã học được. Hai người viết Kinh Thánh là A-sáp và Đa-vít đã làm thế. A-sáp nói: “Tôi sẽ nhắc lại công-việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”. (Thi 77:11, 12) Đa-vít cũng viết tương tự: “Tôi... suy-gẫm về Chúa trọn các canh đêm”, và “tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm”. (Thi 63:6; 143:5) Bạn có làm thế không?
Sự suy ngẫm tập trung và sâu sắc về các việc làm của Đức Giê-hô-va, các đức tính và ý muốn Ngài sẽ giúp bạn nhớ các dữ kiện trong tài liệu. Hơn thế nữa, nếu tập thói quen suy ngẫm như thế, những điều thật sự thiết yếu sẽ in sâu trong lòng bạn. Thói quen suy nghĩ đó sẽ uốn nắn con người bề trong của bạn. Các ký ức tích lũy được trong trí sẽ tiêu biểu cho những ý nghĩ trong thâm tâm bạn.—Thi 119:16.
Vai trò của thánh linh Đức Chúa Trời
Chúng ta không bị bỏ mặc để tự ghi nhớ lấy các lẽ thật về hoạt động của Đức Giê-hô-va và những điều Chúa Giê-su Christ nói. Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su bảo môn đồ ngài như sau: “Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi ta còn ở cùng các ngươi. Nhưng Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”. (Giăng 14:25, 26) Ma-thi-ơ và Giăng ở trong số những người có mặt tại đó. Thánh linh có giúp đỡ họ không? Quả nhiên là có! Khoảng tám năm sau, Ma-thi-ơ viết xong sách đầu tiên, tường thuật chi tiết về cuộc đời Đấng Christ, bao gồm những ký ức vô giá như: Bài Giảng trên Núi và dấu hiệu chi tiết về sự hiện diện của Đấng Christ và về sự kết liễu của hệ thống này. Sáu mươi lăm năm sau khi Chúa Giê-su chết, sứ đồ Giăng viết sách Phúc Âm mang tên ông, bao gồm các chi tiết về những lời Chúa Giê-su nói vào đêm cuối cùng, lúc các sứ đồ ở với ngài trước khi ngài hy sinh mạng sống. Chắc chắn cả Ma-thi-ơ lẫn Giăng đều có ký ức sống động về những điều Chúa Giê-su đã nói và làm khi ngài ở cùng họ, nhưng thánh linh đóng vai trò chính yếu trong việc bảo đảm rằng họ không quên những chi tiết quan trọng mà Đức Giê-hô-va muốn ghi trong Lời Ngài.
Thánh linh có giúp đỡ tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay không? Chắc chắn có! Tất nhiên, thánh linh không đặt vào trí chúng ta những điều chúng ta chưa bao giờ học, nhưng thánh linh giúp chúng ta nhớ lại những điều quan trọng đã học trong quá khứ. (Lu 11:13; 1 Giăng 5:14) Rồi khi cần đến, khả năng suy nghĩ của chúng ta được kích thích để “nhớ lại lời các tiên tri đã báo trước,... và lịnh truyền của Chúa và là Đấng Cứu Thế”.—2 Phi 3:1, 2, Nguyễn Thế Thuấn.
‘Ngươi không được quên’
Đức Giê-hô-va đã nhiều lần khuyến cáo dân Y-sơ-ra-ên: ‘Ngươi không được quên’. Không phải là Ngài muốn họ nhớ mọi điều một cách hoàn hảo. Nhưng họ không được miệt mài với những đeo đuổi riêng tư đến nỗi không hồi tưởng lại những việc làm của Đức Giê-hô-va, như việc Ngài giải thoát họ khi thiên sứ của Ngài giết tất cả các con đầu lòng của dân Ê-díp-tô, cũng như khi Đức Giê-hô-va rẽ Biển Đỏ rồi cho nước ập xuống, khiến Pha-ra-ôn và đoàn quân ông ta bị chết đuối. Họ phải giữ cho những ký ức ấy sống mãi. Người Y-sơ-ra-ên phải nhớ lại rằng Đức Chúa Trời đã ban cho họ Luật Pháp tại Núi Si-na-i, và đã dẫn họ băng qua đồng vắng vào Đất Hứa. Họ không được quên, theo nghĩa là ký ức về các điều này phải tiếp tục tác động sâu xa đến đời sống hàng ngày của họ.—Phục 4:9, 10; 8:10-18; Xuất 12:24-27; Thi 136:15.
Chúng ta cũng phải thận trọng để không quên. Khi đương đầu với các áp lực của đời sống, chúng ta cần nhớ đến Đức Giê-hô-va, nhớ Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào và nhớ đến tình yêu thương Ngài biểu lộ trong việc ban Con Ngài làm giá chuộc tội lỗi chúng ta, để chúng ta có thể được sự sống hoàn toàn đời đời. (Thi 103:2, 8; 106:7, 13; Giăng 3:16; Rô 6:23) Đều đặn đọc Kinh Thánh, tích cực tham dự các buổi họp hội thánh và tham gia vào thánh chức rao giảng sẽ giúp những lẽ thật quý báu này sống mãi trong lòng chúng ta.
Khi quyết định việc gì, bất luận lớn nhỏ, hãy nhớ lại những lẽ thật thiết yếu đó và để chúng tác động đến lối suy nghĩ của bạn; và đừng quên. Hãy tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Thay vì nhìn vấn đề chỉ theo quan điểm xác thịt hoặc tin cậy vào sự bốc đồng của lòng dạ bất toàn, hãy tự hỏi: ‘Lời khuyên nào hay những nguyên tắc nào trong Lời Đức Chúa Trời nên ảnh hưởng quyết định của tôi?’ (Châm 3:5-7; 28:26) Bạn không thể nhớ lại những điều chưa hề đọc hoặc nghe qua. Nhưng khi sự hiểu biết chính xác và tình yêu thương của bạn đối với Đức Giê-hô-va gia tăng, thì cái kho hiểu biết mà thánh linh Đức Chúa Trời có thể giúp bạn nhớ cũng sẽ lớn rộng ra. Và tình yêu thương của bạn đối với Đức Giê-hô-va ngày càng tăng sẽ thúc đẩy bạn hành động hòa hợp với sự hiểu biết đó.