Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta điều gì ngày nay?
“Có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó”.—MA-THI-Ơ 17:5.
1. Khi nào Luật Pháp hoàn thành được mục đích?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ban cho dân Y-sơ-ra-ên Luật Pháp với nhiều đặc điểm. Sứ đồ Phao-lô viết về những đặc điểm này: “Đó chẳng qua là mạng-lịnh của xác-thịt,... chỉ lập cho đến kỳ hoán-cải vậy”. (Hê-bơ-rơ 9:10) Khi Luật Pháp dẫn những người Y-sơ-ra-ên còn sót lại chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, hoặc Đấng Christ, nó đã hoàn thành được mục đích. Do đó, Phao-lô tuyên bố: “Đấng Christ là sự cuối-cùng của luật-pháp”.—Rô-ma 10:4; Ga-la-ti 3:19-25; 4:4, 5.
2. Ai ở dưới Luật Pháp, và khi nào họ được thoát khỏi Luật đó?
2 Như thế có nghĩa là Luật Pháp không còn ràng buộc chúng ta ngày nay phải không? Thật ra, đại đa số nhân loại không bao giờ ở dưới Luật Pháp, như người viết Thi-thiên giải thích: “[Đức Giê-hô-va] truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên. Ngài chẳng hề làm như vậy cho dân nào khác; chúng nó không có biết mạng-lịnh của Ngài”. (Thi-thiên 147:19, 20) Khi Đức Chúa Trời thiết lập giao ước mới dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su, ngay cả dân Y-sơ-ra-ên không còn bị bắt buộc phải vâng giữ Luật Pháp nữa. (Ga-la-ti 3:13; Ê-phê-sô 2:15; Cô-lô-se 2:13, 14, 16) Nếu Luật Pháp không còn ràng buộc nữa, thế thì Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người muốn phụng sự Ngài ngày nay?
Những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi
3, 4. (a) Về cơ bản, Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta điều gì ngày nay? (b) Tại sao chúng ta nên theo sát dấu chân của Chúa Giê-su?
3 Vào năm cuối cùng Chúa Giê-su làm thánh chức, sứ đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi với Ngài đến một hòn núi cao, có thể là Núi Hẹt-môn. Tại đó họ được xem một sự hiện thấy có tính cách tiên tri về Chúa Giê-su được vinh hiển rực rỡ và nghe chính tiếng của Đức Chúa Trời tuyên bố: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó”. (Ma-thi-ơ 17:1-5) Về cơ bản, đó là điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta—nghe lời và noi theo gương cùng sự dạy dỗ của Con Ngài. (Ma-thi-ơ 16:24) Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”.—1 Phi-e-rơ 2:21.
4 Tại sao chúng ta nên theo sát dấu chân Chúa Giê-su? Bởi vì noi theo ngài tức là noi theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su biết Cha một cách sâu sắc, vì đã ở với Cha biết bao tỷ năm trên trời trước khi xuống trái đất. (Châm-ngôn 8:22-31; Giăng 8:23; 17:5; Cô-lô-se 1:15-17) Trong lúc ở trên đất, Chúa Giê-su đã trung thành đại diện Cha ngài. Ngài giải thích: “[Ta] nói điều Cha ta đã dạy ta”. Thật vậy, Chúa Giê-su noi theo Đức Giê-hô-va chính xác đến độ ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.—Giăng 8:28; 14:9.
5. Tín đồ Đấng Christ ở dưới luật pháp nào, và khi nào luật đó có hiệu lực?
5 Nghe lời và noi theo Chúa Giê-su bao hàm điều gì? Có phải là ở dưới luật pháp không? Phao-lô viết: “Chính tôi chẳng ở dưới quyền luật-pháp”. Nơi đây ông nói về “cựu-ước”, giao ước Luật Pháp lập với dân Y-sơ-ra-ên. Phao-lô nhìn nhận rằng ông “ở dưới luật-pháp của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 9:20, 21; 2 Cô-rinh-tô 3:14) Khi giao ước Luật Pháp cũ chấm dứt, “giao-ước mới” có hiệu lực với “luật-pháp của Đấng Christ” mà tất cả tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay phải tuân theo.—Lu-ca 22:20; Ga-la-ti 6:2; Hê-bơ-rơ 8:7-13.
6. “Luật-pháp của Đấng Christ” có thể được miêu tả như thế nào, và chúng ta tuân theo ra sao?
6 Đức Giê-hô-va ban “luật-pháp của Đấng Christ” không dưới hình thức điều luật, sắp xếp thành nhiều loại, như giao ước Luật Pháp cũ. Luật mới này cho môn đồ Đấng Christ không bao gồm một bản liệt kê dài dòng những điều phải làm và không được làm. Tuy nhiên, trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va đã bảo tồn bốn sự tường thuật bao quát về đời sống và sự dạy dỗ của Con Ngài. Hơn nữa Đức Giê-hô-va soi dẫn một số môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su viết lại những điều chỉ dẫn về cách cư xử cá nhân, vấn đề hội thánh, hạnh kiểm trong gia đình và những vấn đề khác. (1 Cô-rinh-tô 6:18; 14:26-35; Ê-phê-sô 5:21-33; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Khi chúng ta làm đời sống mình phù hợp với gương và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su Christ và làm theo lời khuyên được soi dẫn của những người viết Kinh Thánh trong thế kỷ thứ nhất, tức là chúng ta tuân theo “luật-pháp của Đấng Christ”. Đức Giê-hô-va đòi hỏi tôi tớ Ngài làm điều này ngày nay.
Tầm quan trọng của tình yêu thương
7. Vào buổi cử hành Lễ Vượt Qua cuối cùng với các sứ đồ, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh thực chất của luật pháp ngài như thế nào?
7 Trong khi tình yêu thương là quan trọng dưới Luật Pháp thì nó là nòng cốt, hoặc đặc tính quan trọng nhất trong luật pháp của Đấng Christ. Sự kiện này được Chúa Giê-su nhấn mạnh khi ngài cùng môn đồ cử hành Lễ Vượt Qua năm 33 CN. Theo sự tóm tắt của sứ đồ Giăng về những điều xảy ra đêm đó, những lời tha thiết của Chúa Giê-su bao gồm 28 lần nhắc đến sự yêu thương. Điều này nhấn mạnh với các sứ đồ về thực chất hoặc ý nghĩa thật của luật pháp ngài. Điều có ý nghĩa đặc biệt là Giăng mở đầu những biến cố xảy ra trong buổi chiều tối quan trọng đó bằng cách nói: “Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế-gian, thì cứ yêu cho đến cuối-cùng”.—Giăng 13:1.
8. (a) Điều gì ám chỉ là có sự cãi vã không dứt trong vòng các sứ đồ? (b) Chúa Giê-su dạy các sứ đồ bài học về tính khiêm nhường như thế nào?
8 Chúa Giê-su yêu các sứ đồ, dù ngài đã cố gắng nhưng dường như vô hiệu quả trong việc giúp họ khắc phục sự ham muốn quá đáng về quyền thế và địa vị. Nhiều tháng trước khi đến Giê-ru-sa-lem, họ “đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình”. Và ngay trước khi vào thành để dự Lễ Vượt Qua, lần nữa cuộc tranh cãi về địa vị lại nổi lên. (Mác 9:33-37; 10:35-45) Đây là vấn đề không dứt, được thấy rõ qua những điều xảy ra ngay sau khi các sứ đồ vào phòng trên lầu để ăn Lễ Vượt Qua cuối cùng với nhau. Lúc ấy chẳng ai nắm lấy cơ hội để làm theo phong tục hiếu khách, đó là rửa chân cho nhau. Để dạy họ bài học về tính khiêm nhường, Chúa Giê-su đã đích thân rửa chân cho họ.—Giăng 13:2-15; 1 Ti-mô-thê 5:9, 10.
9. Chúa Giê-su xử sự thế nào trước tình huống xảy ra sau Lễ Vượt Qua cuối cùng?
9 Bất kể bài học đó, sau khi cử hành Lễ Vượt Qua và Chúa Giê-su thiết lập Lễ Kỷ Niệm sự chết gần kề của ngài, hãy chú ý lần nữa điều gì lại xảy ra. Lời tường thuật trong Phúc Âm theo Lu-ca nói: “Môn-đồ lại cãi-lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình”. Thay vì giận các sứ đồ và nhiếc móc họ, Chúa Giê-su tử tế khuyên họ về việc cần phải khác với những người cai trị tham quyền của thế gian. (Lu-ca 22:24-27) Rồi ngài đưa ra cái mà có thể được gọi là nền tảng của luật pháp Đấng Christ. Ngài nói: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy”.—Giăng 13:34.
10. Chúa Giê-su cho môn đồ điều răn nào, và nó bao hàm điều gì?
10 Cũng tối đó, Chúa Giê-su cho thấy tình yêu thương giống như của Đấng Christ nên nới rộng đến mức nào. Ngài nói: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:12, 13) Có phải Chúa Giê-su nói rằng nếu cần, môn đồ ngài nên sẵn sàng chết cho anh em đồng đức tin không? Đó là điều mà Giăng người chứng kiến tận mắt vào dịp này hiểu, vì sau đó ông viết: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa [Giê-su Christ] đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy”.—1 Giăng 3:16.
11. (a) Chúng ta làm trọn luật pháp Đấng Christ như thế nào? (b) Chúa Giê-su cho chúng ta gương mẫu nào?
11 Thế thì chúng ta không làm tròn luật pháp Đấng Christ bằng cách chỉ đơn thuần dạy người ta về ngài. Chúng ta cũng phải sống và cư xử như Chúa Giê-su. Đành rằng Chúa Giê-su dùng lời lẽ tao nhã và khéo chọn trong những bài giảng của ngài, nhưng ngài cũng dạy bằng gương mẫu. Dù là một thần linh mạnh mẽ trên trời, nhưng Chúa Giê-su cũng nắm lấy cơ hội phục vụ quyền lợi Cha ngài trên đất và chỉ cho chúng ta biết nên sống cách nào. Ngài khiêm nhường, tử tế và ân cần, giúp những người bị áp bức và nặng gánh. (Ma-thi-ơ 11:28-30; 20:28; Phi-líp 2:5-8; 1 Giăng 3:8) Và Chúa Giê-su khuyên môn đồ yêu thương nhau, cũng như ngài đã yêu họ.
12. Tại sao có thể nói rằng luật pháp của Đấng Christ không làm giảm việc cần yêu thương Đức Giê-hô-va?
12 Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va—điều răn lớn nhất của Luật Pháp—đứng hàng thứ mấy trong luật pháp của Đấng Christ? (Ma-thi-ơ 22:37, 38; Ga-la-ti 6:2) Đứng hàng thứ hai chăng? Chắc chắn không! Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và đối với anh em tín đồ Đấng Christ liên kết chặt chẽ với nhau. Một người không thể nào thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va nếu không yêu anh em, vì sứ đồ Giăng ghi: “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”.—1 Giăng 4:20; so sánh 1 Giăng 3:17, 18.
13. Việc môn đồ vâng theo điều răn mới của Chúa Giê-su có hiệu quả nào?
13 Khi Chúa Giê-su ban cho môn đồ điều răn mới về việc yêu thương nhau như ngài đã yêu họ, ngài miêu tả điều này sẽ có hiệu quả nào. Ngài phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Theo Tertullian, người sống sau khi Chúa Giê-su chết hơn một trăm năm, tình yêu thương anh em của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã có hiệu quả đó. Tertullian trích lời những người không phải tín đồ Đấng Christ nói về môn đồ của Chúa Giê-su: ‘Kìa, xem họ yêu thương nhau biết bao, và họ sẵn sàng chết cho nhau như thế nào’. Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có tỏ lòng yêu thương như thế đối với anh em tín đồ Đấng Christ để chứng tỏ tôi là một môn đồ của Chúa Giê-su không?’
Cách chúng ta chứng tỏ tình yêu thương
14, 15. Điều gì có thể làm chúng ta khó vâng giữ luật pháp của Đấng Christ, nhưng điều gì có thể giúp chúng ta làm được?
14 Điều trọng yếu là tôi tớ Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương giống Đấng Christ. Nhưng bạn có thấy khó yêu thương những anh em tín đồ biểu lộ tính ích kỷ không? Như chúng ta đã thấy, ngay cả các sứ đồ cãi nhau và cố tìm tư lợi. (Ma-thi-ơ 20:20-24) Những người Ga-la-ti cũng cãi lẫy nhau. Sau khi chỉ rõ tình yêu thương người đồng loại làm trọn Luật Pháp, Phao-lô cảnh giác họ: “Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt-mất bởi kẻ khác”. Sau khi so sánh sự khác biệt giữa việc làm của xác thịt và trái của thánh linh Đức Chúa Trời, Phao-lô cho thêm lời khuyên nhủ: “Chớ tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau và ghen-ghét nhau”. Rồi sứ đồ khuyên giục: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật-pháp của Đấng Christ”.—Ga-la-ti 5:14–6:2.
15 Khi bảo chúng ta phải vâng giữ luật pháp của Đấng Christ, Đức Giê-hô-va có đòi hỏi chúng ta quá nhiều không? Mặc dù có thể khó tử tế với những người ăn nói cáu kỉnh và làm chúng ta đau lòng, nhưng chúng ta phải “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu-thương”. (Ê-phê-sô 5:1, 2) Chúng ta cần tiếp tục xem gương của Đức Chúa Trời, Đấng “tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. (Rô-ma 5:8) Bằng cách chủ động giúp người khác, kể cả những người ngược đãi mình, chúng ta có thể được thỏa nguyện vì biết rằng mình noi theo Đức Chúa Trời và vâng giữ luật pháp của Đấng Christ.
16. Chúng ta chứng tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và Đấng Christ như thế nào?
16 Nên nhớ rằng chúng ta chứng tỏ tình yêu thương của mình bằng việc làm chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ngay cả Chúa Giê-su có lần thấy khía cạnh này của ý muốn Đức Chúa Trời khó làm theo bởi vì tất cả những gì bao hàm trong đó. Chúa Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi!” Nhưng ngài liền nói thêm: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi”. (Lu-ca 22:42) Bất chấp mọi đau khổ, Chúa Giê-su đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 5:7, 8) Khi vâng lời, chúng ta chứng tỏ mình có lòng yêu thương và cho thấy chúng ta nhận biết đường lối Đức Chúa Trời là tốt nhất. Kinh Thánh nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. (1 Giăng 5:3) Và Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Nếu các ngươi yêu-mến ta, thì giữ-gìn các điều-răn ta”.—Giăng 14:15.
17. Chúa Giê-su ban cho môn đồ điều răn đặc biệt nào, và làm sao chúng ta biết rằng điều này áp dụng cho chúng ta ngày nay?
17 Ngoài việc bảo môn đồ yêu thương nhau, Đấng Christ còn cho họ điều răn đặc biệt nào? Ngài phán dặn họ làm công việc rao giảng mà ngài đã dạy họ làm. Phi-e-rơ nói: “Ngài đã biểu chúng ta khá giảng-dạy cho dân-chúng, và chứng quyết [“làm chứng cặn kẽ”, NW]”. (Công-vụ các Sứ-đồ 10:42) Chúa Giê-su đặc biệt phán dặn: “Vậy hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8) Chúa Giê-su tiết lộ rằng những lời chỉ dạy đó cũng áp dụng cho môn đồ ngài thời nay trong “kỳ cuối-cùng”, vì ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Đa-ni-ên 12:4; Ma-thi-ơ 24:14) Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời muốn chúng ta rao giảng. Nhưng một số người có thể nghĩ rằng bảo chúng ta làm việc này là Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta quá nhiều. Nhưng có thật thế không?
Tại sao có vẻ khó
18. Chúng ta nên nhớ điều gì khi chịu khổ vì làm những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi?
18 Như chúng ta đã thấy, trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đòi hỏi người ta tuân theo nhiều điều khác nhau. Và như Ngài đòi hỏi họ làm những điều khác nhau, thì tính chất của những thử thách họ trải qua cũng khác nhau. Con yêu dấu của Đức Chúa Trời trải qua những thử thách khó khăn nhất, cuối cùng bị giết một cách tàn nhẫn nhất vì làm những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Nhưng khi chịu khổ vì làm điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi, chúng ta nên nhớ rằng Ngài không gây ra những thử thách cho chúng ta. (Giăng 15:18-20; Gia-cơ 1:13-15) Sự phản nghịch của Sa-tan dẫn đến tội lỗi, đau khổ, sự chết, chính hắn là kẻ đã dựng nên những hoàn cảnh thường khiến cho tôi tớ Đức Chúa Trời rất khó làm điều Ngài đòi hỏi nơi họ.—Gióp 1:6-19; 2:1-8.
19. Tại sao làm những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta qua Con Ngài là một đặc ân?
19 Trong thời kỳ cuối cùng này, qua Con Ngài, Đức Giê-hô-va bảo tôi tớ Ngài rao báo về một giải pháp duy nhất cho mọi đau khổ của nhân loại. Đó là sự cai trị của Nước Trời. Chính phủ này của Đức Chúa Trời sẽ loại trừ mọi vấn đề trên đất—chiến tranh, tội ác, nghèo khó, tuổi già, bệnh tật, sự chết. Nước Trời cũng sẽ đem lại một địa đàng huy hoàng trên đất, nơi mà ngay cả những người đã chết cũng được sống lại. (Ma-thi-ơ 6:9, 10; Lu-ca 23:43; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15; Khải-huyền 21:3, 4) Quả là một đặc ân được công bố tin mừng về những điều đó! Thế thì rõ ràng là những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm không phải là vấn đề quá khó. Chúng ta gặp sự chống đối, vì Sa-tan Ma-quỉ và thế gian của hắn gây ra điều đó.
20. Bằng cách nào chúng ta có thể đối phó với bất cứ sự khó khăn nào mà Ma-quỉ gây ra?
20 Bằng cách nào chúng ta có thể đối phó một cách thành công với bất cứ sự khó khăn nào mà Sa-tan gây ra? Bằng cách nhớ những lời này: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. (Châm-ngôn 27:11) Vì vậy, Chúa Giê-su rời nơi an toàn trên trời để xuống đất thực hiện ý muốn của Cha ngài, nhờ đó Đức Giê-hô-va có thể đáp lại kẻ sỉ nhục Ngài là Sa-tan. (Ê-sai 53:12; Hê-bơ-rơ 10:7) Khi làm người, Chúa Giê-su đã chịu đựng mọi thử thách đến với ngài, ngay cả cái chết trên cây khổ hình. Nếu noi theo ngài là Đấng Gương Mẫu, chúng ta cũng có thể chịu đựng những đau khổ và làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta.—Hê-bơ-rơ 12:1-3.
21. Bạn cảm thấy thế nào về tình yêu thương Đức Giê-hô-va và Con Ngài thể hiện?
21 Đức Chúa Trời và Con Ngài yêu thương chúng ta biết bao! Nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su, loài người biết vâng lời có triển vọng sống đời đời trong Địa Đàng. Vậy đừng để bất cứ điều gì làm mờ hy vọng của chúng ta. Thay vì thế, như Phao-lô, chúng ta hãy ghi nhớ những điều mà Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta được hưởng, ông nói: “Con Đức Chúa Trời... đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. (Ga-la-ti 2:20, chúng tôi viết nghiêng) Và mong rằng chúng ta tỏ lòng chân thành biết ơn Đức Chúa Trời yêu thương, Đức Giê-hô-va, Đấng không bao giờ đòi hỏi chúng ta quá nhiều.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta điều gì ngày nay?
◻ Trong buổi chiều tối cuối cùng với các sứ đồ, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương như thế nào?
◻ Làm sao chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Đức Chúa Trời?
◻ Tại sao làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta là một đặc ân?
[Hình nơi trang 23]
Bằng cách rửa chân cho các sứ đồ, Chúa Giê-su đã dạy bài học nào?
[Hình nơi trang 25]
Dù gặp chống đối, việc chia sẻ tin mừng vẫn là một đặc ân thích thú