Cùng vui mừng ban cho!
“Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—CÔNG-VỤ 20:35.
1. Đức Giê-hô-va cho thấy việc ban cho đem lại niềm vui như thế nào?
NIỀM VUI hiểu biết lẽ thật và hưởng những lợi ích do lẽ thật mang lại là sự ban cho quí báu của Đức Chúa Trời. Những người đã được biết Đức Giê-hô-va có nhiều lý do để vui mừng. Tuy nhiên, ngoài niềm vui được nhận lãnh còn có niềm vui khi ban cho. Đức Giê-hô-va là Đấng ban “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” nên Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (Gia-cơ 1:17; 1 Ti-mô-thê 1:11) Ngài ban sự dạy dỗ tốt lành cho những người chịu lắng nghe và vui mừng khi thấy họ vâng theo, như cha mẹ vui mừng khi con cái nghe theo sự hướng dẫn yêu thương của họ.—Châm-ngôn 27:11.
2. (a) Chúa Giê-su nói gì về việc ban cho? (b) Dạy lẽ thật Kinh Thánh cho người khác đem lại cho chúng ta niềm vui nào?
2 Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su cũng vui mừng khi thấy sự dạy dỗ của ngài được hưởng ứng. Sứ đồ Phao-lô đã trích lời Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Niềm vui dạy lẽ thật Kinh Thánh cho người khác không chỉ đơn thuần là sự thỏa mãn vì có người tán đồng tín ngưỡng của chúng ta. Hơn thế nhiều, chúng ta vui mừng vì ý thức được rằng đó là một sự ban cho có giá trị thật sự và lâu dài. Hành động này của chúng ta giúp người khác được lợi ích bây giờ và mãi mãi.—1 Ti-mô-thê 4:8.
Ban cho đem lại niềm vui
3. (a) Sứ đồ Phao-lô và Giăng đã vui mừng ra sao khi giúp người khác về thiêng liêng? (b) Tại sao dạy lẽ thật Kinh Thánh cho con cái là một biểu hiện của tình yêu thương?
3 Thật vậy, noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, tín đồ Đấng Christ cũng vui mừng ban cho những món quà thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô cảm thấy vui sướng khi giúp người khác học biết lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Ông viết cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Sự trông-cậy, vui-mừng và mão triều-thiên vinh-hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao? Phải, anh em thật là sự vinh-hiển và vui-mừng của chúng tôi vậy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 20) Tương tự như thế, sứ đồ Giăng cũng đã viết về con cái thiêng liêng của ông: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”. (3 Giăng 4) Cũng hãy nghĩ đến niềm vui khi giúp chính con cái mình trở thành những người con thiêng liêng! Nuôi dạy con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” là một biểu hiện yêu thương của cha mẹ, cho thấy sự quan tâm của cha mẹ đối với hạnh phúc vĩnh cửu của con cái. (Ê-phê-sô 6:4) Và khi con cái vâng theo, cha mẹ được mãn nguyện và hạnh phúc vô cùng.
4. Kinh nghiệm nào cho thấy việc ban cho về thiêng liêng là một nguồn vui?
4 Chị Dell là một tiên phong trọn thời gian có năm người con. Chị nói: “Tôi rất hiểu cảm xúc của sứ đồ Giăng, vì tôi vô cùng biết ơn khi có bốn đứa con ‘làm theo lẽ thật’. Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va được ngợi khen và tôn vinh khi gia đình hợp nhất trong sự thờ phượng thật, vì thế tôi vô cùng mãn nguyện khi thấy những nỗ lực của mình trong việc giúp con cái thấm nhuần lẽ thật được Ngài ban phước. Triển vọng rực rỡ được sống đời đời cùng gia đình trong Địa Đàng khiến tôi tràn đầy hy vọng và càng quyết chí bền bỉ dù có khó khăn, trở ngại”. Đáng buồn là một con gái của chị đã bị khai trừ vì theo đuổi lối sống trái với đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, chị Dell vẫn cố gắng duy trì thái độ tích cực. Chị nói: “Tôi hy vọng một ngày nào đó con gái tôi sẽ khiêm nhường, thành tâm trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì đa số các con đều tiếp tục phụng sự Ngài cách trung thành. Niềm vui mừng đó thật sự là nguồn tiếp sức cho tôi”.—Nê-hê-mi 8:10.
Kết bạn đời đời
5. Khi hết lòng tham gia vào công việc đào tạo môn đồ, chúng ta thỏa nguyện vì biết được điều gì?
5 Chúa Giê-su ra lệnh cho những người theo ngài phải đi đào tạo môn đồ và dạy họ biết về Đức Giê-hô-va cùng những sự đòi hỏi của Ngài. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Cả Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đều rộng lượng giúp người khác học biết lẽ thật. Vì thế, khi hết lòng tham gia công việc đào tạo môn đồ, chúng ta được thỏa nguyện vì biết rằng mình cũng đang noi theo gương mẫu của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, như các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Khi cùng hợp tác với Đức Chúa Trời Toàn Năng và Con yêu dấu của Ngài, đời sống chúng ta có ý nghĩa thật sự. Thật sung sướng biết bao khi được kể là “bạn cùng làm việc” với Đức Chúa Trời! (1 Cô-rinh-tô 3:9) Và chẳng phải là điều lý thú sao khi ngay cả các thiên sứ cũng góp phần rao truyền tin mừng?—Khải-huyền 14:6, 7.
6. Khi tham gia vào việc ban cho về thiêng liêng, ai trở thành bạn của chúng ta?
6 Thật ra, khi tham gia vào việc ban cho về thiêng liêng, chúng ta không chỉ làm việc với Đức Chúa Trời mà còn có thể bắt đầu tình bạn vĩnh cửu với Ngài. Nhờ đức tin, Áp-ra-ham được gọi là bạn của Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 2:23) Chúng ta cũng có thể trở thành bạn Đức Chúa Trời nếu cố gắng làm theo ý muốn Ngài. Khi làm thế, chúng ta cũng được kể là bạn với Chúa Giê-su vì ngài đã nói cùng môn đồ: “Ta đã gọi các ngươi là bạn-hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta”. (Giăng 15:15) Nhiều người rất vui sướng khi được kết thân với những người có thế lực hoặc địa vị, thế mà chúng ta lại được liệt vào hàng bạn hữu của hai nhân vật lớn nhất hoàn vũ!
7. (a) Làm thế nào một chị đã tìm được một người bạn thật? (b) Bạn có kinh nghiệm nào như thế chưa?
7 Ngoài ra, khi giúp người khác học biết về Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có niềm vui đặc biệt được kết bạn với họ. Chị Joan, sống ở Hoa Kỳ, bắt đầu giúp một phụ nữ có tên là Thelma học Kinh Thánh. Dù bị gia đình chống đối, Thelma vẫn tiếp tục học và làm báp têm một năm sau. Chị Joan viết: “Quan hệ của chúng tôi không dừng lại ở đó mà phát triển thành tình bạn kéo dài suốt gần 35 năm nay. Chúng tôi thường làm thánh chức chung và cùng đi dự đại hội. Sau đó, tôi chuyển đến ở nơi khác, cách chỗ cũ tới 800 kilômét. Nhưng Thelma vẫn gửi cho tôi những lá thư thật nồng ấm cho biết chị luôn nghĩ đến tôi, và cám ơn tôi vì đã là bạn, là gương mẫu, và dạy chị lẽ thật Kinh Thánh. Có một người bạn thân thiết và đáng quí như thế quả là phần thưởng tuyệt vời cho những nỗ lực của tôi khi giúp chị học biết về Đức Giê-hô-va”.
8. Thái độ tích cực nào sẽ giúp chúng ta trong thánh chức?
8 Hy vọng tìm được người muốn học lẽ thật sẽ giúp chúng ta kiên trì trong thánh chức, ngay dù phần đông người ta đều không chú ý đến Lời Đức Giê-hô-va. Sự lãnh đạm có thể thử thách đức tin và lòng kiên trì của chúng ta. Tuy nhiên, thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta. Anh Fausto, người Guatemala, nói: “Khi làm chứng cho người khác, tôi thường nghĩ thật tuyệt vời biết bao nếu người đang tiếp chuyện với tôi trở thành một anh hay chị em thiêng liêng. Tôi tin là cuối cùng mình cũng sẽ gặp được ít nhất một người đón nhận lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Suy nghĩ đó giúp tôi bền chí làm chứng và được vui mừng”.
Chứa của cải trên trời
9. Chúa Giê-su nói gì về của cải trên trời, và qua đó chúng ta học được điều gì?
9 Việc đào tạo môn đồ, dù là với con cái hay người khác, đều không dễ dàng, đôi khi đòi hỏi rất nhiều thời gian, kiên trì và nhẫn nại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nhiều người sẵn sàng làm việc cật lực để tích lũy thật nhiều của cải vật chất, là những thứ phù du và thường không đem lại vui mừng. Chúa Giê-su khuyên những người nghe ngài nên làm việc vì của cải thiêng liêng. Ngài nói: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. (Ma-thi-ơ 6:19, 20) Khi theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, bao gồm trọng trách đào tạo môn đồ, chúng ta được thỏa nguyện vì biết rằng mình đang thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời và sẽ được Ngài ban thưởng. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”.—Hê-bơ-rơ 6:10.
10. (a) Tại sao Chúa Giê-su có của cải thiêng liêng? (b) Chúa Giê-su đã hy sinh như thế nào, và điều đó đem lại lợi ích lớn nào cho người khác?
10 Như lời khuyên của Chúa Giê-su, chúng ta đang chứa “của-cải ở trên trời” khi siêng năng đào tạo môn đồ. Điều này đem đến cho chúng ta niềm vui được nhận lãnh. Khi ban cho cách rộng rãi, chúng ta làm giàu cho chính mình về sau. Chính Chúa Giê-su đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong biết bao nhiêu năm. Thử tưởng tượng xem ngài đã tích lũy biết bao của cải ở trên trời! Tuy nhiên, ngài không tìm lợi riêng cho mình. Sứ đồ Phao-lô viết: “[Chúa Giê-su] phó mình vì tội-lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy, y theo ý-muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta”. (Ga-la-ti 1:4, chúng tôi viết nghiêng). Chúa Giê-su không chỉ hiến thân cho thánh chức mà còn hy sinh chính mạng sống mình làm giá chuộc, để người khác có cơ hội tích lũy của cải trên trời.
11. Tại sao ban cho về thiêng liêng tốt hơn ban cho về vật chất?
11 Khi dạy người khác biết về Đức Chúa Trời, chúng ta đang giúp họ biết cách tích lũy của cải thiêng liêng không hư nát. Có món quà nào quí giá hơn thế chăng? Nếu tặng bạn bè một đồng hồ đắt tiền, một chiếc xe, hay thậm chí một ngôi nhà, họ hẳn sẽ vui mừng và biết ơn bạn, và bạn có được niềm vui ban cho. Nhưng trong 20, 200, hay 2.000 năm nữa những món quà đó sẽ ra sao? Trái lại, nếu bạn hết lòng giúp một người phụng sự Đức Giê-hô-va, người đó có thể được lợi ích mãi mãi.
Tìm kiếm những người ham thích lẽ thật
12. Nhiều người đã hy sinh thế nào để giúp người khác về thiêng liêng?
12 Để được cùng vui mừng ban cho về thiêng liêng, dân Đức Giê-hô-va đã đi khắp nơi trên đất. Hàng ngàn người đã rời quê hương, gia đình để đảm nhận công việc giáo sĩ ở những xứ khác, nơi họ phải làm quen với ngôn ngữ và văn hóa mới. Một số khác đã dọn đến sống ở những tỉnh lẻ có nhiều nhu cầu hơn về người công bố Nước Trời. Số khác gắng học ngoại ngữ để có cơ hội rao giảng cho người nhập cư vào nước họ. Thí dụ, một cặp vợ chồng ở New Jersey, Hoa Kỳ, đã bắt đầu làm tiên phong và học tiếng Hoa sau khi hai người con của họ khôn lớn và đến phục vụ tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong vòng ba năm, họ đã hướng dẫn Kinh Thánh cho 74 người nói tiếng Hoa đang theo học tại một trường cao đẳng gần đó. Bạn có thể mở rộng thánh chức về phương diện nào đó để có thêm niềm vui trong việc đào tạo môn đồ không?
13. Bạn có thể làm gì nếu muốn thánh chức đạt kết quả tốt hơn?
13 Có lẽ bạn cũng mong muốn được hướng dẫn một cuộc học hỏi Kinh Thánh, nhưng chưa có cơ hội. Tại vài xứ, rất khó tìm được người chú ý. Nhiều khi những người bạn gặp không thích nghe Kinh Thánh. Nếu thế, bạn nên cầu nguyện về điều đó nhiều hơn nữa, vì biết rằng cả Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ đều rất quan tâm đến công việc rao giảng và có thể dẫn đưa bạn đến người có lòng như chiên. Hãy nhờ những anh chị có kinh nghiệm hơn hoặc đạt được nhiều thành quả trong thánh chức chỉ dẫn. Hãy tận dụng chương trình đào tạo và những đề nghị được nêu ở các buổi họp. Hãy áp dụng lời khuyên của các anh giám thị lưu động và vợ họ. Trên hết, chớ bao giờ bỏ cuộc. Vị vua khôn ngoan viết: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt”. (Truyền-đạo 11:6) Đồng thời, hãy nhớ đến những người trung thành như Nô-ê và Giê-rê-mi. Mặc dù chẳng mấy ai hưởng ứng trước công việc rao truyền của họ, nhưng thánh chức của họ vẫn thành công. Quan trọng nhất là điều đó làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.
Làm hết sức mình
14. Đức Giê-hô-va nghĩ sao về những người đã phụng sự Ngài đến già?
14 Có thể hoàn cảnh không cho phép bạn làm thánh chức nhiều như mong muốn. Thí dụ, tuổi già có thể hạn chế việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng hãy nhớ lời vị vua khôn ngoan viết: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”. (Châm-ngôn 16:31) Đức Giê-hô-va đẹp lòng khi một người trọn đời phụng sự Ngài. Hơn nữa, Kinh Thánh nói: “Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm [“nâng đỡ”, NW] các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh-vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng-ẵm [“nâng đỡ”, NW] và giải-cứu các ngươi”. (Ê-sai 46:4) Cha trên trời đầy yêu thương hứa sẽ chăm sóc và nâng đỡ những người trung thành với Ngài.
15. Bạn có tin rằng Đức Giê-hô-va hiểu thấu hoàn cảnh của bạn không? Tại sao?
15 Có lẽ bạn đang phải chịu đựng bệnh tật, sự chống đối của người hôn phối không tin đạo, gánh nặng gia đình, hay một khó khăn đó. Đức Giê-hô-va thấu hiểu hoàn cảnh và giới hạn của mỗi người, và Ngài yêu chúng ta chính vì lòng nhiệt thành cố gắng phụng sự Ngài, ngay dù những gì chúng ta làm được có thể không bằng người khác. (Ga-la-ti 6:4) Đức Giê-hô-va biết chúng ta bất toàn và Ngài không đòi hỏi quá mức. (Thi-thiên 147:11) Nếu làm hết sức mình, chúng ta có thể chắc chắn rằng mình được xem là quí trọng trước mắt Đức Chúa Trời và Ngài sẽ không bao giờ quên những việc chúng ta làm vì đức tin.—Lu-ca 21:1-4.
16. Bằng cách nào toàn thể hội thánh có thể cùng góp phần đào tạo một môn đồ?
16 Cũng hãy nhớ rằng đào tạo môn đồ là việc của cả một tập thể. Không ai có thể làm công việc này một mình, cũng như một hạt mưa không đủ tưới một cây. Có thể một Nhân Chứng đã tìm được người chú ý và học hỏi Kinh Thánh với người đó. Nhưng khi họ đến Phòng Nước Trời, thì cả hội thánh cùng góp phần giúp người đó nhận ra lẽ thật. Tình anh em nồng ấm chứng tỏ thánh linh Đức Chúa Trời hành động trong hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 14:24, 25) Những lời bình luận đầy khích lệ của các em nhỏ khiến người mới nhận thấy sự khác biệt so với trẻ em thế gian. Còn những người bệnh tật, ốm yếu, và già cả trong hội thánh dạy họ bài học về sự nhịn nhục. Bất kể tuổi tác và hạn chế, tất cả chúng ta đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những người mới gia tăng lòng yêu mến lẽ thật Kinh Thánh và tiến tới báp têm. Một giờ rao giảng, một cuộc viếng thăm lại, vài lời trò chuyện với người mới chú ý đến Kinh Thánh tại Phòng Nước Trời có vẻ không có gì đáng kể, nhưng thật ra cũng góp phần vào công việc đầy quyền năng mà Đức Giê-hô-va đang thực hiện.
17, 18. (a) Ngoài việc tham gia đào tạo môn đồ, chúng ta còn có niềm vui ban cho qua những cách nào khác? (b) Chúng ta noi gương ai khi vui mừng ban cho?
17 Dĩ nhiên, ngoài việc tham gia vào trọng trách đào tạo môn đồ, tín đồ Đấng Christ còn có niềm vui ban cho qua những cách khác nữa. Chúng ta có thể đóng góp tiền của ủng hộ sự thờ phượng thật và giúp những người túng thiếu. (Lu-ca 16:9; 1 Cô-rinh-tô 16:1, 2) Tìm cơ hội bày tỏ lòng hiếu khách. (Rô-ma 12:13) Cố gắng “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Và chúng ta có thể ban cho qua những cách đơn giản nhưng không kém phần quan trọng như viết thư, gọi điện thoại, tặng quà, phụ giúp công việc, hay khích lệ người khác.
18 Bằng cách ban cho, chúng ta chứng tỏ mình noi theo gương Cha trên trời. Chúng ta cũng thể hiện tình yêu anh em, dấu hiệu nhận diện tín đồ thật của Đấng Christ. (Giăng 13:35) Ghi nhớ những điều này khuyến khích chúng ta cùng vui mừng ban cho.
Bạn có thể giải thích không?
• Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào trong việc ban cho về thiêng liêng?
• Làm sao để kết bạn đời đời?
• Chúng ta có thể áp dụng những bước nào để thánh chức được thành công hơn?
• Làm thế nào cả hội thánh có thể cùng vui mừng ban cho?
[Các hình nơi trang 13]
Khi con cái vâng theo sự dạy dỗ, cha mẹ được mãn nguyện và hạnh phúc vô cùng
[Hình nơi trang 15]
Khi đào tạo môn đồ, chúng ta có thể tìm được những người bạn thật
[Hình nơi trang 16]
Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta trong tuổi già
[Các hình nơi trang 17]
Qua những cách đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta tìm được niềm vui ban cho