“Nguy trên biển”
TRONG đêm tối, một chiếc tàu chở 276 người sắp đến một hòn đảo ở Địa Trung Hải. Thủy thủ và hành khách mệt lử sau 14 ngày chiếc tàu tròng trành trên sóng bão. Khi thấy một cái vịnh vào lúc tảng sáng, họ tìm cách đưa con tàu lên cạn. Nhưng mũi tàu bị cắm xuống không động đậy được và đuôi tàu bị sóng đánh nát. Mọi người rời bỏ tàu và tìm cách vào bờ Man-tơ bằng cách lội hoặc bám vào những tấm ván hay những vật khác. Lạnh và kiệt sức, họ ra khỏi cơn sóng nhào dữ dội. Trong số các hành khách đó có sứ đồ Phao-lô thuộc đạo Đấng Christ. Người ta chở ông tới Rô-ma để đưa ra xét xử.—Công-vụ các Sứ-đồ 27:27-44.
Đối với Phao-lô, đắm tàu gần đảo Man-tơ không phải là biến cố đầu tiên đe dọa mạng sống ở ngoài biển. Vài năm trước đó, ông viết: “Ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm”. Ông nói thêm rằng ông bị “nguy trên biển”. (2 Cô-rinh-tô 11:25-27) Làm cuộc hành trình bằng đường biển đã giúp Phao-lô thực hiện vai trò Đức Chúa Trời giao phó cho ông là “làm sứ-đồ cho dân ngoại”.—Rô-ma 11:13.
Phương tiện đi bằng đường biển đã phổ thông đến độ nào vào thế kỷ thứ nhất? Nó đóng vai trò nào trong việc phổ biến đạo Đấng Christ? Nó có an toàn không? Người ta đã dùng loại tàu nào? Hành khách được phục vụ như thế nào?
Rô-ma cần buôn bán qua đường biển
Người Rô-ma gọi Địa Trung Hải là Mare Nostrum—Biển của chúng ta. Kiểm soát các đường trên biển là thiết yếu đối với Rô-ma không chỉ vì lý do quân sự. Nhiều thành phố của Đế Quốc La Mã hoặc là hải cảng hoặc được hải cảng phục vụ. Thí dụ, Rô-ma có hải cảng gần Ostia, trong lúc Cô-rinh-tô dùng Lechaeum và Xen-cơ-rê, còn An-ti-ốt xứ Sy-ri được Sê-lô-xi phục vụ. Liên hệ hàng hải tốt giữa những hải cảng này bảo đảm sự giao thông nhanh chóng giữa các thành phố chính và khiến cho việc quản trị các tỉnh La Mã được dễ dàng và hữu hiệu.
Về mặt lương thực, Rô-ma cũng phụ thuộc vào ngành hàng hải. Với dân số khoảng một triệu người, Rô-ma có nhu cầu rất lớn về ngũ cốc—đâu khoảng từ 250.000 đến 400.000 tấn mỗi năm. Số lượng ngũ cốc đó đến từ đâu? Flavius Josephus trích lời của Hê-rốt Ạc-ríp-ba II nói rằng mỗi năm Bắc Phi cung cấp lương thực cho Rô-ma tám tháng, trong khi Ai Cập cấp đủ ngũ cốc để nuôi thành phố bốn tháng kia. Hàng ngàn tàu biển đã vận tải ngũ cốc đến thành phố đó.
Phục vụ thị hiếu của người Rô-ma về hàng xa xỉ, ngành buôn bán phồn thịnh bằng đường biển cung cấp đủ loại hàng hóa. Khoáng sản, đá và cẩm thạch được chở bằng tàu từ Chíp-rơ, Hy Lạp và Ai Cập, và gỗ được chuyên chở từ Li-ban. Rượu đến từ Si-miệc-nơ, các loại hạt từ Đa-mách, và chà là từ Pha-lê-tin. Thuốc mỡ và cao su được bốc lên tàu ở Si-li-si, len ở Mi-lê và Lao-đi-xê, vải ở Sy-ri và Li-ban, vải đỏ tía ở Ty-rơ và Si-đôn. Thuốc nhuộm được gửi đến từ Thi-a-ti-rơ và thủy tinh từ A-léc-xan-tri và Si-đôn. Lụa, bông, ngà và đồ gia vị được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Có thể nói gì về chiếc tàu bị đắm ở Man-tơ, trên đó có Phao-lô? Đó là chiếc chở ngũ cốc, “một chiếc tàu ở A-léc-xan-tri sẽ đi qua Y-ta-li”. (Công-vụ các Sứ-đồ 27:6) Những đoàn tàu ngũ cốc là do tư nhân Hy Lạp, Phê-ni-xi, và Sy-ri điều hành và trang bị. Tuy nhiên, chính quyền thuê những chiếc tàu này. Sử gia William M. Ramsay nói: “Giống như việc thâu thuế, chính quyền thấy việc cho thầu công việc thì dễ hơn là tự tổ chức bộ máy đồ sộ về công nhân và thiết bị cần thiết cho dịch vụ vĩ đại đó”.
Phao-lô hoàn tất cuộc hành trình đến Rô-ma trên một chiếc tàu có hình trạm “Đi-ốt-cua” ở mũi tàu. Chiếc tàu này cũng thuộc A-léc-xan-tri. Nó cập bến tại Bu-xô-lơ ở Vịnh Naples, nơi đoàn tàu ngũ cốc thường ghé vào. (Công-vụ các Sứ-đồ 28:11-13) Từ Bu-xô-lơ—ngày nay gọi là Pozzuoli—hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ hay bằng tàu nhỏ hơn về phía bắc dọc theo bờ biển và ngược dòng Sông Tiber vào giữa Rô-ma.
Hành khách trên tàu chở hàng?
Tại sao Phao-lô và các lính canh đi trên một chiếc tàu chở hàng? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần biết đi bằng đường biển là như thế nào đối với một hành khách trong thời đó.
Trong thế kỷ thứ nhất CN, không có tàu nào gọi là tàu chở khách. Tàu người ta dùng để du hành là tàu buôn. Có đủ mọi hạng người—kể cả các công chức Nhà Nước, người trí thức, người thuyết giáo, thầy pháp, họa sĩ, lực sĩ, lái buôn, khách du lịch, và người hành hương—có lẽ đã đi những tàu này.
Dĩ nhiên, có những thuyền nhỏ chở khách và hàng hóa trong vùng ven biển. Phao-lô có thể đã dùng thuyền như thế ở Trô-ách để “qua xứ Ma-xê-đoan”. Có lẽ hơn một lần, tàu nhỏ đã chở ông đến A-thên và rời nơi đó. Có thể sau này Phao-lô cũng đã dùng thuyền nhỏ để đi từ Trô-ách đến Ba-ta-ra qua các đảo gần bờ biển Tiểu Á. (Công-vụ các Sứ-đồ 16:8-11; 17:14, 15; 20:1-6, 13-15; 21:1) Đi tàu nhỏ như thế thì đỡ tốn thì giờ, nhưng họ không thể mạo hiểm đi xa đất liền. Vì thế những chiếc tàu chở Phao-lô đến Chíp-rơ và rồi đến Bam-phi-ly và những chiếc tàu ông đi từ Ê-phê-sô đến Sê-sa-rê và từ Ba-ta-ra đến Ty-rơ hẳn phải lớn hơn nhiều. (Công-vụ các Sứ-đồ 13:4, 13; 18:21, 22; 21:1-3). Tàu mà Phao-lô bị đắm ở Man-tơ cũng được xem là lớn. Những tàu như thế có thể lớn cỡ nào?
Qua những tài liệu về văn học, một học giả nói rằng: “[Tàu] mà người cổ xưa thấy hữu ích thường có trọng tải tối thiểu vào khoảng 70 đến 80 tấn. Tàu có trọng tải 130 tấn thì rất phổ thông, ít ra vào thời cổ Hy Lạp. Tàu có trọng tải 250 tấn, tuy thường thấy, chắc chắn lớn hơn trung bình. Trong thời La Mã, tàu dùng trong việc vận chuyển của hoàng đế còn lớn hơn nữa, trọng tải mong muốn là 340 tấn. Những tàu lớn nhất trên biển có trọng tải lên đến 1300 tấn, có thể lớn hơn một chút”. Theo một lời miêu tả viết vào thế kỷ thứ hai CN, tàu chở ngũ cốc của A-léc-xan-tri là Isis dài hơn 55 mét, rộng khoảng 14 mét, có một hầm chứa hàng sâu khoảng 13 mét, và có lẽ chở được hơn một ngàn tấn ngũ cốc và vài trăm hành khách.
Hành khách được phục vụ như thế nào trên một chiếc tàu chở ngũ cốc? Vì tàu chủ yếu là để chở hàng hóa, hành khách là mối quan tâm phụ. Ngoài nước nôi ra, họ không được cung cấp đồ ăn hay các dịch vụ nào. Họ ngủ trên boong tàu, có lẽ dưới những chỗ che giống như lều dựng lên vào ban đêm, và gỡ xuống mỗi sáng. Mặc dù hành khách có thể được dùng bếp dưới tàu để nấu ăn, họ phải tự trang bị mọi thứ cần thiết để nấu, ăn, tắm, ngủ—từ nồi xoong đến giường chiếu.
Đi bằng đường biển —Có an toàn không?
Thiếu dụng cụ—ngay cả la bàn—người lái tàu vào thế kỷ thứ nhất điều khiển tàu chỉ bằng cách nhìn. Vì thế, an toàn nhất là đi vào lúc có tầm nhìn rõ nhất—thường từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 9. Trong hai tháng trước và sau khoảng thời gian đó, các lái buôn có thể đánh liều đi tàu. Nhưng vào mùa đông, sương mù và mây thường che khuất mốc bờ và mặt trời vào ban ngày và sao vào ban đêm. Tàu bè coi như ngưng đi biển (tiếng La-tinh, mare clausum) từ ngày 11 tháng 11 cho đến ngày 10 tháng 3, trừ trường hợp tuyệt đối cần thiết hoặc khẩn cấp. Những người đi vào cuối mùa có cơ phải trải qua mùa đông tại một cảng ngoại quốc.—Công-vụ các Sứ-đồ 27:12; 28:11.
Dù nguy hiểm và đi theo mùa, việc đi bằng đường biển có lợi gì hơn đường bộ không? Chắc chắn có! Đi bằng đường biển ít mệt mỏi hơn, rẻ hơn và nhanh hơn. Khi gió thuận, tàu có thể đi 150 kilômét mỗi ngày. Tốc độ thông thường trong một cuộc hành trình bằng đường bộ là 25 đến 30 kilômét mỗi ngày.
Tốc độ đi tàu hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào gió. Cuộc hành trình từ Ai Cập đến Y-ta-li đòi hỏi phải liên tục đi ngược chiều gió, ngay cả vào mùa đi biển tốt nhất. Con đường ngắn nhất thường qua thành Rô-đơ hoặc My-ra hay một cảng nào khác trên bờ biển Ly-si ở Tiểu Á. Sau khi gặp bão và lạc hướng, có lần chiếc tàu chở ngũ cốc Isis thả neo ở Piraeus 70 ngày sau khi nhổ neo ở A-léc-xan-tri. Với gió tây bắc thường thổi đằng sau tàu, chặng đường từ Y-ta-li trở về có lẽ mất 20 đến 25 ngày. Nếu đi bằng đường bộ thì chuyến hành trình đó mỗi chiều phải mất hơn 150 ngày nếu trời tốt.
Tin mừng truyền ra nước ngoài
Phao-lô hiển nhiên biết là có sự nguy hiểm khi đi bằng đường biển lúc không phải mùa. Ông còn khuyên không nên đi tàu vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10; ông nói: “Tôi thấy sự vượt biển nầy chắc sẽ phải nguy-hiểm và hư-hại, chẳng những cho hàng-hóa và chiếc tàu mà thôi, lại đến thân chúng ta nữa”. (Công-vụ các Sứ-đồ 27:9, 10) Tuy nhiên, viên sĩ quan hữu trách không chịu nghe, và vì vậy tàu bị đắm ở Man-tơ.
Đến cuối sự nghiệp làm giáo sĩ, Phao-lô bị đắm tàu ít nhất bốn lần. (Công-vụ các Sứ-đồ 27:41-44; 2 Cô-rinh-tô 11:25) Thế nhưng, sự lo lắng thái quá về những tình huống có thể xảy ra như thế đã không cản trở những người rao giảng tin mừng thời ban đầu đi bằng đường biển. Họ tận dụng mọi phương tiện giao thông sẵn có để phổ biến thông điệp về Nước Trời. Và tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su, môn đồ ngài làm chứng khắp mọi nơi. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8) Nhờ lòng sốt sắng của họ, nhờ đức tin của những người noi theo gương họ, và nhờ sự hướng dẫn của thánh linh Đức Giê-hô-va, tin mừng được rao truyền tới những nơi xa xôi nhất trên trái đất.
[Nguồn tư liệu nơi trang 31]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.