Bản “Septuagint”—Hữu dụng xưa và nay
MỘT người Ê-thi-ô-bi quyền thế đang trên đường từ thành Giê-ru-sa-lem trở về nhà. Trong khi đi đường vắng vẻ, ngồi trên xe ông lớn tiếng đọc một cuộn sách. Lời giải thích về những điều vừa đọc đã tác động mạnh, làm đời sống ông thay đổi kể từ đấy. (Công-vụ 8:26-38) Người đàn ông ấy đã đọc Ê-sai 53:7, 8 từ bản dịch Kinh Thánh đầu tiên—bản dịch Hy Lạp Septuagint. Tác phẩm này đã đóng vai trò thật quan trọng trong việc phổ biến thông điệp Kinh Thánh qua nhiều thế kỷ, nên người ta gọi đó là bản dịch Kinh Thánh làm thay đổi thế giới.
Bản Septuagint đã được soạn ra khi nào và trong những hoàn cảnh nào? Tại sao phát sinh nhu cầu cần có một bản dịch như thế? Qua bao thế kỷ, bản dịch này chứng tỏ hữu dụng thế nào? Ngày nay, bản Septuagint có thể dạy chúng ta điều gì không?
Soạn cho người Do Thái nói tiếng Hy Lạp
Năm 332 TCN, Alexander Đại Đế tiến quân vào xứ Ai Cập sau khi hủy phá thành Ty-rơ xứ Phê-ni-xi, ông được chào đón như một người hùng giải phóng. Tại nơi ấy ông sáng lập thành phố A-léc-xan-tri, trung tâm văn hóa của thế giới cổ đại. Muốn phổ biến văn hóa Hy Lạp cho dân cư trong những xứ do ông chinh phục, Alexander đưa tiếng Hy Lạp thông dụng (tức tiếng Koine) vào khắp vương quốc rộng lớn của ông.
Vào thế kỷ thứ ba TCN, dân Do Thái sống đông đúc ở A-léc-xan-tri. Khi Ba-by-lôn bắt dân Do Thái làm phu tù, nhiều người sống trong những vùng ngoại vi Pha-lê-tin di tản đến A-léc-xan-tri. Những người Do Thái này biết tiếng Hê-bơ-rơ ở mức nào? Cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong nói rằng: “Như nhiều người biết là sau khi dân Do Thái trở về từ xứ phu tù Ba-by-lôn, họ đã quên phần lớn tiếng Hê-bơ-rơ cổ, và các sách của Môi-se đọc trong nhà hội xứ Pha-lê-tin được giải nghĩa ra bằng tiếng Chaldaic... Người Do Thái ở A-léc-xan-tri có lẽ còn hiểu tiếng Hê-bơ-rơ kém hơn nữa; ngôn ngữ quen thuộc của họ là tiếng Hy Lạp ở A-léc-xan-tri”. Dường như tình hình ở A-léc-xan-tri thuận lợi để dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp.
Aristobulus, một người Do Thái sống vào thế kỷ thứ hai TCN, viết rằng một bản luật pháp tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp và hoàn tất trong triều đại Ptolemy Philadelphus (285-246 TCN). Có nhiều ý kiến khác nhau về bản dịch mà Aristobulus gọi là “luật pháp”. Một số người cho rằng ông ám chỉ Ngũ Thư, trong khi số khác nói có thể ông ngụ ý toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.
Dù trường hợp nào đi nữa, theo lời truyền khẩu, có khoảng 72 học giả Do Thái đã tham dự soạn bản dịch Kinh Thánh đầu tiên từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp. Về sau, người ta bắt đầu dùng số tròn là 70. Vì thế bản dịch được gọi là Septuagint, nghĩa là “70”, và được định là LXX, theo cách đánh số La Mã. Vào cuối thế kỷ thứ hai TCN, người ta có thể đọc tất cả các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ bằng tiếng Hy Lạp. Vì thế, tên Septuagint dùng để chỉ toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp.
Hữu dụng vào thế kỷ thứ nhất
Bản Septuagint được những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp dùng rộng rãi trước cũng như trong thời Chúa Giê-su và các môn đồ. Nhiều người Do Thái và người cải đạo tụ họp tại Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là từ xứ A-si, Ai Cập, Li-by, Rô-ma, và Cờ-rết—tức là những vùng nói tiếng Hy Lạp. Chắc chắn, họ đã quen đọc bản Septuagint. (Công-vụ 2:9-11) Vì vậy, bản dịch này chứng minh nó có tác dụng trong việc truyền bá tin mừng vào thế kỷ thứ nhất.
Chẳng hạn khi nói với những người quê ở Sy-ren, A-léc-xan-đơ, Si-li-si và xứ A-si, môn đồ Ê-tiên nói: “Giô-sép bèn sai rước Gia-cốp là cha mình và cả nhà, cộng là bảy mươi lăm người”. (Công-vụ 6:8-10; 7:12-14) Trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ nơi Sáng-thế Ký chương 46 nói con số quyến thuộc của Giô-sép là bảy mươi người. Nhưng bản Septuagint lại dùng con số bảy mươi lăm. Dường như Ê-tiên đã trích dẫn từ bản Septuagint.—Sáng-thế Ký 46:20, 26, 27.
Khi sứ đồ Phao-lô đi khắp miền Tiểu Á và Hy Lạp trong chuyến rao giảng lần thứ nhì và lần thứ ba, ông giảng cho nhiều người thuộc Dân Ngoại kính sợ Đức Chúa Trời và “người Hy Lạp từng kính thờ Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 13:16, 26; 17:4, Bản Dịch Mới) Những người này sở dĩ biết kính sợ hoặc thờ phượng Đức Chúa Trời là vì họ đã hiểu biết phần nào về Ngài từ bản Septuagint. Khi rao giảng cho những người nói tiếng Hy Lạp này, Phao-lô thường trích dẫn hoặc phỏng theo một phần của bản dịch đó.—Sáng-thế Ký 22:18; Ga-la-ti 3:8.
Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chứa khoảng 320 câu trích dẫn trực tiếp và tổng số phối hợp có lẽ gồm 890 câu trích dẫn và nhắc đến phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Phần lớn những câu này đều căn cứ trên bản dịch Septuagint. Kết quả là những lời trích dẫn từ bản dịch này, chứ không phải từ bản chép tay bằng tiếng Hê-bơ-rơ, đã trở thành một phần của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được soi dẫn. Thật là một sự kiện đầy ý nghĩa! Chúa Giê-su đã tiên tri tin mừng Nước Trời sẽ được giảng ra khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Để thực hiện việc này, Đức Giê-hô-va để cho Lời được soi dẫn của Ngài được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau hầu cho dân cư trên khắp đất đều có thể đọc.
Hữu dụng ngày nay
Cho đến nay bản Septuagint vẫn có giá trị và được dùng để giúp phát hiện những lỗi có thể có do các ký lục vô tình phạm trong khi sao chép những bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ về sau này. Chẳng hạn như tường thuật nơi Sáng-thế Ký 4:8, trong bản dịch Tòa Tổng Giám Mục đọc: “Ca-in nói với em là A-ben: ‘Chúng mình ra ngoài đồng đi!’ Và khi hai người đương ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình”.
Câu “chúng mình ra ngoài đồng đi” không tìm thấy trong bản chép tay bằng tiếng Hê-bơ-rơ từ thế kỷ thứ mười CN, và điều đó có lẽ giải thích tại sao một số bản Kinh Thánh không có câu đó. Tuy nhiên, trong những bản chép tay Septuagint xưa hơn và trong một số tham khảo thời ban đầu thì có. Văn bản tiếng Hê-bơ-rơ có chữ thường mở đầu cuộc đối thoại, nhưng không có lời nào theo sau. Điều gì có thể đã xảy ra? Nơi Sáng-thế Ký 4:8 cụm từ “ra/ở ngoài đồng” đều nằm ở phần cuối của hai mệnh đề liền nhau, cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong gợi ý: “Có thể những người sao chép Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hoa mắt vì [cùng] một chữ... kết thúc cho cả hai mệnh đề”. Do đó có lẽ người sao chép đã bỏ sót cụm từ “ra ngoài đồng” nằm ở cuối mệnh đề trước. Rõ ràng bản Septuagint, cũng như những bản chép tay cổ khác hiện có, hữu ích trong việc giúp nhận ra sai sót của các bản sao của văn bản tiếng Hê-bơ-rơ về sau này.
Mặt khác, các bản sao của bản Septuagint cũng có những sai sót, và đôi lúc văn bản tiếng Hê-bơ-rơ được tham khảo để hiệu chính văn bản tiếng Hy Lạp. Vì thế khi so sánh bản chép tay tiếng Hê-bơ-rơ với tiếng Hy Lạp và với những bản dịch bằng ngôn ngữ khác, những lầm lỗi trong dịch thuật cũng như những sai sót của việc sao chép được phát hiện, và điều này đảm bảo sự chính xác trong việc dịch Lời Đức Chúa Trời.
Trọn bộ những bản sao của bản Septuagint còn giữ được ngày nay có bản được sao chép từ thế kỷ thứ tư CN. Những bản chép tay ấy và những bản sao về sau đều không ghi danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, được thể hiện bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ (YHWH). Những bản sao này đã dùng từ “Đức Chúa Trời” hay “Chúa” bằng tiếng Hy Lạp thay thế bốn chữ cái YHWH trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, một phát hiện ở Palestine khoảng 50 năm trước đã làm rõ vấn đề này. Một đoàn thám hiểm các hang động gần bờ biển phía tây của Biển Chết đã phát hiện những mảnh thuộc một cuộn sách cổ bằng da của 12 nhà tiên tri (từ Ô-sê đến Ma-la-chi) viết bằng tiếng Hy Lạp. Những sách này được viết vào khoảng giữa những năm 50 TCN và năm 50 CN. Trong những mảnh sách cổ này, danh Đức Chúa Trời được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ vẫn giữ nguyên, không bị thay thế bởi chữ “Đức Chúa Trời” hay “Chúa” bằng tiếng Hy Lạp. Vì thế, việc dùng danh của Đức Chúa Trời trong các bản dịch Septuagint thời ban đầu đã được xác nhận.
Năm 1971 người ta phát hành ấn bản những mảnh của cuộn sách chỉ thảo cổ (Fouad 266 papyri). Những phần này của bản Septuagint vào thế kỷ thứ hai hoặc thứ nhất TCN cho chúng ta biết điều gì? Danh Đức Chúa Trời đã được bảo tồn trong đó. Những mảnh của bản Septuagint ban đầu cung cấp bằng chứng hùng hồn rằng Chúa Giê-su và các môn đồ trong thế kỷ thứ nhất biết và dùng danh của Đức Chúa Trời.
Ngày nay, Kinh Thánh là quyển sách được dịch rộng rãi nhất trong lịch sử. Hơn 90 phần trăm gia đình nhân loại có thể đọc ít nhất một phần Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ. Chúng ta đặc biệt biết ơn về bản dịch chính xác theo ngôn ngữ hiện đại, New World Translation of the Holy Scriptures, hiện có toàn phần hoặc từng phần trong hơn 40 ngôn ngữ. Cuốn New World Translation of the Holy Scriptures−With References chứa hàng trăm cước chú tham khảo từ bản Septuagint và những bản chép tay cổ khác. Quả thật, bản Septuagint tiếp tục gây thích thú và vẫn có giá trị cho học viên Kinh Thánh trong thời chúng ta.
[Hình nơi trang 26]
Môn đồ Phi-líp giảng nghĩa đoạn Kinh Thánh vừa đọc từ bản “Septuagint”
[Các hình nơi trang 29]
Sứ đồ Phao-lô thường trích dẫn từ bản “Septuagint”