Đức Chúa Trời không thiên vị
“Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai (không thiên vi, NW), nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 10:34, 35).
1. Trong thành A-thên, Phao-lô nói lời quan trọng nào về các chủng tộc?
“Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu... Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24-26). Ai đã nói những lời này? Đó là sứ đồ Phao-lô, khi ông nói bài giảng nổi tiếng của ông trên đồi A-rê-ô-ba thuộc thành A-thên, xứ Hy-lạp.
2. Điều gì làm cho đời sống đầy màu sắc và thú vị, và một người Nhật viếng thăm xứ Nam Phi đã cảm khích về điều gì?
2 Lời của sứ đồ Phao-lô làm chúng ta nghĩ về sự phong phú tuyệt diệu hiện hữu trong sự sáng tạo. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người, thú vật, côn trùng và thảo mộc với vô số các loại khác nhau. Quả thật là đời đáng chán nếu tất cả đều giống nhau! Sự phong phú của chúng giúp cho đời sống thêm nhiều màu sắc và thú vị. Thí dụ, một người Nhật đến dự hội nghị của Nhân-chứng Giê-hô-va tại Nam Phi đã cảm khích khi thấy tại đó những người thuộc nhiều chủng tộc và màu da khác nhau. Anh nói là ở Nhật thì thật là khác vì đa số có cùng một đặc tính chủng tộc giống nhau.
3. Nhiều người nghĩ gì về màu da khác và điều đó đưa đến gì?
3 Nhưng sự đa dạng của màu sắc giữa các chủng tộc thường gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người xem những người có màu da khác là thấp kém. Điều này đưa đến ghen ghét, ngay cả thù oán và nạn kỳ thị chủng tộc. Đấng Tạo hóa của chúng ta có dự ý thế không? Theo mắt Ngài có chủng tộc nào là trọng hơn không? Và Đức Giê-hô-va có thiên vị không?
Đấng Tạo hóa có thiên vị không?
4-6. a) Vua Giô-sa-phát đã nói gì về sự thiên vị? b) Cả Môi-se và Phao-lô đã nói lời đồng ý với Giô-sa-phát thế nào? c) Vài người có thể nêu lên những câu hỏi nào?
4 Chúng ta có thể biết phần nào quan điểm Đấng Tạo hóa chúng ta đối với tất cả nhân loại bằng cách nhìn vào lịch sử. Vua Giô-sa-phát cai trị Giu-đa từ năm 936 đến năm 911 trước tây lịch đã cải thiện nhiều việc và sắp đặt cho hệ thống tư pháp hoạt động căn cứ trên luật pháp Đức Chúa Trời. Vua còn cho các quan xét lời khuyên tốt này: “Hãy cẩn-thận việc các ngươi làm; vì chẳng phải vì loài người mà các ngươi xét-đoán đâu, bèn là vì Đức Giê-hô-va... Khá cẩn-thận mà làm; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, chẳng trái phép công-bình, chẳng thiên-vị” (II Sử-ký 19:6, 7).
5 Mấy trăm năm trước, nhà tiên tri Môi-se đã nói với các chi phái Y-sơ-ra-ên: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi... không thiên-vị ai” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17). Và trong thư gởi người ở thành Rô-ma, Phao-lô đã khuyên: “Sự hoạn-nạn khốn-khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc... Vì trước mặt Đức Chúa Trời, chẳng vị-nể ai đâu” (Rô-ma 2:9-11).
6 Nhưng vài người có thể hỏi: Về phần người Y-sơ-ra-ên thì sao? Họ chẳng phải là dân tộc được lựa chọn của Đức Chúa Trời hay sao? Chẳng phải Ngài thiên vị họ sao? Chẳng phải Môi-se đã nói với toàn dân Y-sơ-ra-ên: “Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài” sao? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6).
7. a) Hậu quả ra sao khi dân Do-thái từ bỏ đấng Mê-si? b) Ngày nay, ai có thể hưởng những ân phước tuyệt diệu của Đức Chúa Trời, và làm sao được vậy?
7 Không, Đức Chúa Trời không thiên vị khi dùng dân Y-sơ-ra-ên vì một ý định đặc biệt. Khi chọn một dân mà sẽ sanh đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va chọn con cháu của những tộc trưởng trung thành người Hê-bơ-rơ. Nhưng khi dân Do-thái từ bỏ đấng Mê-si tức Giê-su Christ và khiến ngài bị giết chết, họ đã mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngày nay những người thuộc bất cứ chủng tộc hay nước nào mà thực hành đức tin nơi Giê-su cũng có thể hưởng những ân phước tuyệt diệu và có triển vọng được sống đời đời (Giăng 3:16; 17:3). Chắc chắn, điều này chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời không thiên vị ai hết. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải “thương người khách lạ” và “chớ hà-hiếp người” bất kể người đó thuộc chủng tộc hay quốc tịch nào (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:19; Lê-vi Ký 19:33, 34). Vậy thì đúng là Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời không thiên vị ai cả.
8. a) Điều gì chứng tỏ là Đức Giê-hô-va đã không đối đãi dân Y-sơ-ra-ên với lòng thiên vị? b) Đức Giê-hô-va đã dùng dân Y-sơ-ra-ên thế nào?
8 Thật ra dân Y-sơ-ra-ên đã được hưởng những đặc ân đặc biệt. Nhưng họ cũng gánh một trách nhiệm nặng nề. Họ có bổn phận phải giữ theo luật pháp Đức Giê-hô-va và những ai không vâng lời luật pháp thì bị rủa sả (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:26). Và quả thật, dân Y-sơ-ra-ên đã bị phạt nhiều lần vì bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Giê-hô-va không đối đãi họ với lòng thiên vị. Trái lại, Ngài dùng họ để làm những sự tiên tri và làm gương mẫu để cảnh cáo các dân. Vui mừng thay, chính là qua dân Y-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời cho đấng Cứu chuộc Giê-su Christ sanh ra để đem lại ân phước cho tất cả nhân loại. (Ga-la-ti 3:14; so sánh Sáng-thế Ký 22:15-18).
Giê-su có thiên vị không?
9. a) Đức Giê-hô-va và Giê-su giống nhau thế nào? b) Có những câu hỏi nào được nêu lên về Giê-su?
9 Vì Đức Giê-hô-va không có chút thiên vị nào hết, vậy Giê-su có thể nào thiên vị không? Hãy xem xét điều này: Có lần Giê-su đã nói: “Ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). Giữa Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của Ngài có sự hợp nhất hoàn toàn, và Giê-su làm theo ý Cha ngài trong mọi sự. Thật thế, Cha và Con giống nhau về quan điểm và ý định, đến nỗi Giê-su có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Trong hơn 33 năm, Giê-su đã thật sự trải qua kinh nghiệm của một con người sống trên đất, và Kinh-thánh cho biết rõ cách ngài đối xử với mọi người. Ngài có thái độ nào đối với những người thuộc chủng tộc khác? Ngài có tỏ thành kiến hay thiên vị không? Giê-su có phải là người kỳ thị chủng tộc không?
10. a) Giê-su trả lời thế nào cho người đàn bà Ca-na-an về việc bà xin ngài giúp? b) Bằng cách ám chỉ người ngoại quốc là “chó con”, Giê-su có chứng tỏ ngài có thành kiến không? c) Người đàn bà vượt qua trở ngại thế nào và với kết quả gì?
10 Giê-su sống gần trọn đời sống trên đất của ngài với người Do-thái. Nhưng một ngày nọ có một người đàn bà Ca-na-an, là người ngoại đến gần ngài mà nài xin ngài chữa bệnh cho con gái bà. Để trả lời, Giê-su nói: “Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi”. Nhưng người đàn bà năn nỉ: ‘‘Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!” Lúc đó, ngài nói thêm: “Không nên lấy bánh của con-cái mà quăng cho chó con ăn”. Đối với dân Do-thái, chó là loài dơ bẩn. Vậy bằng cách ám chỉ người ngoại là “chó con”, Giê-su có bày tỏ thành kiến không? Không, vì ngài vừa nói trước là sứ mạng đặc biệt Đức Chúa Trời giao cho ngài là chăm sóc “các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên”. Hơn nữa, bằng cách so sánh người không phải là Do-thái với “chó con”, không phải chó hoang, Giê-su đã làm dịu đi sự so sánh. Dĩ nhiên, những gì ngài nói đã thử lòng người đàn bà. Bà trả lời khiêm nhường nhưng quyết tâm vượt trở ngại: “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống”. Cảm khích trước đức tin của người đàn bà, Giê-su lập tức chữa lành con gái bà (Ma-thi-ơ 15:22-28).
11. Thời xưa người Do-thái và Sa-ma-ri có thái độ nào đối với nhau, như ta có thể thấy khi Giê-su và các môn đồ đi qua một làng nọ ở Sa-ma-ri?
11 Cũng hãy xem việc Giê-su gặp gỡ vài người Sa-ma-ri. Thời đó có sự thù nghịch sâu xa giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri. Một lần nọ, Giê-su sai người đi sửa soạn chỗ ở cho ngài trong một làng nào đó của người Sa-ma-ri. Nhưng những người Sa-ma-ri “không tiếp-rước ngài, vì ngài đi thẳng lên thành Giê-ru-sa-lem”. Điều này làm cho Gia-cơ và Giăng giận đến độ muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt họ. Nhưng Giê-su quở hai môn đồ, rồi tất cả đi đến một làng khác (Lu-ca 9:51-56).
12. Tại sao người đàn bà Sa-ma-ri ngạc nhiên khi nghe lời yêu cầu của Giê-su?
12 Giê-su có cùng một cảm giác thù nghịch sẵn có giữa những người Do-thái và Sa-ma-ri không? Để trả lời, ta hãy xem những gì xảy ra trong một dịp khác. Giê-su và các môn đồ ngài ở trên đường đi từ Giu-đê đến Ga-li-lê và phải đi ngang qua Sa-ma-ri. Vì đi đường mệt mỏi, Giê-su ngồi xuống cạnh giếng nước Gia-cốp để nghỉ ngơi, trong khi các môn đồ ngài đi đến thành Si-kha để mua đồ ăn. Trong lúc đó, một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Bây giờ đây, Giê-su có một cơ hội khác để liệt người Sa-ma-ri vào hạng “người ngoại-quốc” (Lu-ca 17:16-18). Nhưng ngài nói với bà: “Hãy cho ta uống”. Vì người Do-thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri, người đàn bà ngạc nhiên trả lời: “Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người Sa-ma-ri sao?” (Giăng 4:1-9).
13. a) Giê-su trả lời thế nào trước lời bác bẻ của người đàn bà Sa-ma-ri, và bà đã phản ứng ra sao? b) Kết quả sau cùng là gì?
13 Nhưng Giê-su lờ đi trước sự thắc mắc của người đàn bà. Thay vì thế, ngài chụp ngay cơ hội để làm chứng cho bà, ngay đến việc nhìn nhận mình chính là đấng Mê-si! (Giăng 4:10-26). Người đàn bà kinh ngạc bỏ vò nước tại giếng, chạy về thành, và bắt đầu nói với những người khác về việc xảy ra. Mặc dầu bà sống một nếp sống vô luân, bà cho thấy bà chú ý đến việc thiêng liêng bởi câu nói: “Ấy chẳng phải là đấng Christ sao?” Kết quả là gì? Nhiều người bản xứ đặt đức tin nơi Giê-su qua lời chứng tốt của người đàn bà đó (Giăng 4:27-42). Trong cuốn sách nhan đề tạm dịch ‹‹Một phối cảnh của Kinh-thánh về vấn đề chủng tộc›› (A Biblical Perspective on the Race Problem), nhà thần học Thomas O. Figart đã bình luận: “Nếu Chúa chúng ta nghĩ là quan trọng để thay thế một tập quán chủng tộc sai lầm với một cử chỉ thanh nhã, thì chúng ta lấy đó làm bài học hầu khỏi bị sa vào hố sâu của sự kỳ thị chủng tộc ngày nay”.
14. Có bằng chứng nào về sự không thiên vị của Đức Giê-hô-va được bày tỏ qua thánh chức rao giảng tin mừng của Phi-líp?
14 Sự không thiên vị của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho phép những người thuộc nhiều chủng tộc ngoài Do-thái trở thành người tin đạo. Cũng hãy xem xét những gì xảy ra 19 thế kỷ trước trên con đường trong sa mạc giữa thành Giê-ru-sa-lem và Ga-xa. Có một người da đen làm quan hầu việc cho nữ vương Ê-thi-ô-bi đang ngồi trên xe đọc lời tiên tri của Ê-sai. Ông quan này là một người tin đạo đã cắt bì, vì ông “đã đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ-phượng”. Thiên sứ Đức Giê-hô-va hiện ra và nói với người rao giảng tin mừng là Phi-líp: “Hãy lại gần và theo kịp xe đó”. Phải chăng Phi-líp đã nói: “Ồ, không đâu! Ông ấy là người ngoại quốc”? Không. Trái lại, Phi-líp đã vui mừng nhận lời mời của hoạn quan Ê-thi-ô-bi vào trong xe ngồi cạnh ông và giải thích lời tiên tri của Ê-sai về Giê-su Christ! Khi họ đến gần chỗ có nước, người Ê-thi-ô-bi hỏi: “Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” Vì không có gì ngăn cản việc này, Phi-líp đã vui vẻ làm báp têm cho người Ê-thi-ô-bi và Đức Giê-hô-va chấp nhận người này để làm môn đồ được xức dầu của Con không thiên vị là Giê-su Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-39). Nhưng còn nhiều bằng cớ hơn nữa về sự không thiên vị của Đức Chúa Trời sắp được bày tỏ sau đó.
Một sự thay đổi lớn
15. Có sự thay đổi nào xảy ra sau khi Giê-su chết, và Phao-lô giải thích điều này thế nào?
15 Sự chết của đấng Christ không xóa được thành kiến về chủng tộc trên thế gian. Nhưng qua sự chết hy sinh đó, Đức Chúa Trời đã thay đổi liên lạc giữa những môn đồ của Giê-su gốc Do-thái và gốc dân ngoại. Sứ đồ Phao-lô chỉ rõ về điều này khi ông viết cho những tín đồ gốc dân ngoại ở thành Ê-phê-sô: “Vậy, anh em, theo xác-thịt là người ngoại,... trong thuở đó, anh em không có đấng Christ, bị ngoại quyền công-dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao-ước của lời hứa, ở thế-gian không có sự trông-cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Chúa Giê-su Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính ngài là sự hòa-hiệp của chúng ta; ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn-cách”. “Bức tường” đó hay dấu hiệu của sự chia rẽ là giao ước luật pháp Môi-se được xem như là bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và dân ngoại. Giao ước đó đã bị loại bỏ căn cứ trên sự chết của đấng Christ để mà nhờ ngài cả người Do-thái và dân ngoại có thể “đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một thánh linh” (Ê-phê-sô 2:11-18).
16. a) Tại sao Phi-e-rơ được giao cho các chìa khóa Nước Trời? b) Có bao nhiêu chìa khóa và việc xử dụng các chìa khóa ấy đưa đến kết quả nào?
16 Hơn nữa, sứ đồ Phi-e-rơ đã được ban cho “chìa khóa nước thiên-đàng” để mở đường cho những người từ mọi chủng tộc có thể học biết ý định Đức Chúa Trời, được “sanh lại” bởi thánh linh, và trở nên người kế tự thiêng liêng với đấng Christ (Ma-thi-ơ 16:19; Giăng 3:1-8). Phi-e-rơ đã dùng ba chìa khóa tượng trưng. Cái thứ nhất cho người Do-thái, cái thứ hai cho người Sa-ma-ri và cái thứ ba cho dân ngoại (Công-vụ các Sứ-đồ 2:14-42; 8:14-17; 10:24-28, 42-48). Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thiên vị đã mở đường cho các người thuộc mọi chủng tộc có thể có đặc ân làm anh em thiêng liêng của Giê-su và đồng kế tự trong Nước Trời (Rô-ma 8:16, 17; I Phi-e-rơ 2:9, 10).
17. a) Phi-e-rơ được ban cho cho sự hiện thấy lạ thường nào, và tại sao? b) Người ta đưa Phi-e-rơ đến nhà ai, và có những ai đợi ông ở đó? c) Phi-e-rơ nhắc nhở gì cho những người ngoại đó, và mặc dầu Đức Chúa Trời đã dạy ông rõ ràng về điều gì?
17 Để chuẩn bị cho Phi-e-rơ dùng chìa khóa thứ ba—cái cho người dân ngoại—ông được xem một sự hiện thấy về các con vật không thanh sạch và được lệnh: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn”. Bài học là: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ-dáy” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:9-16). Phi-e-rơ bối rối lắm về ý nghĩa của sự hiện thấy. Nhưng ngay sau đó có ba người đến đưa ông đi đến nhà của Cọt-nây, một đội trưởng của quân La-mã đóng tại Sê-sa-rê. Vì thành này là nơi trú đóng chính của quân đội La-mã ở vùng Giu-đê nên không lạ gì khi Cọt-nây có tư gia tại đó. Cọt-nây đợi Phi-e-rơ trong bối cảnh rất ngoại giáo đó, cùng với bà con và bạn bè thân thuộc của ông. Sứ đồ đã nhắc nhở họ: “Người Giu-đa vốn không được phép giao-thông với người ngoại-quốc hay là tới nhà họ; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô-uế hay chẳng sạch. Nên khi các ngươi đã sai tìm, thì ta chẳng ngại gì mà đến đây” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:17-29).
18. a) Phi-e-rơ long trọng thông báo cho Cọt-nây và khách ông biết điều gì (về Đức Chúa Trời)? b) Trong khi Phi-e-rơ làm chứng về Giê-su, biến cố đột ngột nào xảy ra? c) Rồi sau đó có bước tiến nào xảy ra liên quan đến những người ngoại tin đạo đó?
18 Sau khi Cọt-nây giải thích về sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về vấn đề đó, Phi-e-rơ nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai (không thiên vị, NW), nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:30-35). Rồi trong lúc sứ đồ làm chứng về Giê-su Christ, một việc đột ngột xảy ra! “Khi Phi-e-rơ đương nói, thì thánh linh giáng trên mọi người nghe đạo”. Những người Do-thái cùng đi với Phi-e-rơ “đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban-cho thánh linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa. Vì các tín-đồ đó nghe họ nói tiếng ngoại-quốc và ngợi-khen Đức Chúa Trời”. Phi-e-rơ cất tiếng: “Người ta có thể từ-chối nước về phép báp-têm cho những kẻ đã nhận lấy thánh linh cũng như chúng ta chăng?” Ai có thể có ý chống lại được khi mà thánh linh của Đức Chúa Trời không thiên vị đã từ trời đổ xuống trên những người ngoại tin đạo đó? Vì vậy, Phi-e-rơ truyền “làm phép báp-têm cho họ nhơn danh Chúa Giê-su Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:36-48).
“Từ mọi nước”
19. Tại sao sự thù hận giữa các chủng tộc đang gia tăng, và đến mức độ nào?
19 Sự thật là chúng ta đang ở trong “những ngày sau-rốt” và “thời-kỳ khó-khăn”. Ngày nay người ta tư kỷ, khoe khoang, xấc xược, vô tình, khó hòa thuận, thiếu tự chủ, dữ tợn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo và còn nhiều điều khác nữa (II Ti-mô-thê 3:1-5). Trong xã hội như vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy sự hận thù và xung đột giữa các chủng tộc đang gia tăng khắp thế giới. Trong nhiều xứ, những người thuộc màu da hoặc chủng tộc khác nhau khinh rẻ và ngay cả thù ghét lẫn nhau. Điều này đưa đến sự tranh chiến thật sự và cả đến nhiều việc độc ác ghê gớm trong vài xứ. Ngay cả những xã hội được coi là văn minh, nhiều người thấy khó vượt qua thành kiến về chủng tộc. Và “bệnh” này dường như đang lan tràn đến những nơi mà ít người ngờ được như là các hải đảo mà trước kia là những nơi êm đềm gần như tuyệt trần.
20. a) Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời sứ đồ Giăng thấy sự hiện thấy nào? b) Sự hiện thấy tiên tri này đang được ứng nghiệm đến mức độ nào? c) Có ít người vẫn thấy khó hoàn toàn vượt qua điều gì, và họ nên tìm giải pháp ở đâu?
20 Tuy nhiên, bất kể sự thiếu hòa hợp giữa các chủng tộc trong mọi nơi trên thế giới, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thiên vị đã báo trước là sẽ đem những người có lòng ngay thẳng trong mọi chủng tộc và mọi nước vào một sự hợp nhất nổi bật khắp quốc tế. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, sứ đồ Giăng thấy “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; [họ] đứng trước ngôi và trước Chiên Con” ca ngợi Đức Giê-hô-va (Khải-huyền 7:9). Lời tiên tri này đang được ứng nghiệm. Ngày nay, trong 212 nước có trên 3.500.000 Nhân-chứng Giê-hô-va thuộc mọi nước và mọi chủng tộc đang vui hưởng sự hợp nhất và hòa hợp chủng tộc. Nhưng họ vẫn còn bất toàn. Cho nên có thể ít nhiều người trong số đó thấy khó vượt qua trọn vẹn thành kiến về chủng tộc, dù rằng có khi chính họ không ý thức họ có vấn đề này. Vậy làm thế nào vượt qua được vấn đề này? Chúng ta sẽ bàn luận về điều này trong bài kỳ tới, dựa trên sự khuyên bảo đầy lợi ích của Kinh-thánh, Lời được soi dẫn của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời không thiên vị.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao bạn sẽ nói Đức Giê-hô-va không thiên vị khi dùng dân Y-sơ-ra-ên
◻ Có bằng cớ gì cho thấy Giê-su Christ không hề tỏ thành kiến về chủng tộc hay thiên vị?
◻ Phi-e-rơ được giúp thế nào để hiểu là “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai”?
◻ Bất chấp sự thiếu hòa hợp giữa các chủng tộc trên thế giới, lời tiên tri nào nói về sự hợp nhất đang được thực hiện ngày nay?
[Hình nơi trang 18]
Sứ đồ Phao-lô nói với người A-thên rằng Đức Chúa Trời “đã làm cho muôn dân sanh ra... ở khắp trên mặt đất”
[Hình nơi trang 21]
Vì Giê-su không thiên vị nên ngài làm chứng cho người đàn bà Sa-ma-ri cạnh giếng Gia-cốp gần Si-kha