Hãy “hết sức bận rộn” với thánh chức của bạn
1 Khi đọc rằng sứ đồ Phao-lô làm công việc may lều trong thời gian ở lại thành Cô-rinh-tô, chúng ta có lẽ kết luận rằng điều này đã giới hạn cơ hội để ông rao giảng. Tuy nhiên, Công-vụ 18:5 tường thuật: “Phao-lô hết lòng chuyên lo [“hết sức bận rộn”, NW] về sự giảng-dạy, làm chứng với người Giu-đa rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ”. (Công 18:5) Tại sao Phao-lô rất bận rộn với hoạt động rao giảng? Mặc dù nhiều người trong thành Cô-rinh-tô đã tin đạo rồi, nhưng Chúa Giê-su xác nhận rằng còn nhiều người nữa trong thành đó sẽ trở thành môn đồ (Công 18:8-11) Chúng ta có những lý do tương tự để hết sức bận rộn trong thánh chức không? Có. Chúng ta có thể tìm được nhiều người nữa để dạy họ về lẽ thật.
2 Dành nhiều thời giờ hơn để rao giảng trong tháng 4: Rất có thể mục tiêu của bạn là tiếp tục bận rộn rao giảng tin mừng hàng tháng. Nhưng có những tháng nào đó trong năm, đặc biệt thích hợp cho việc “hết sức bận rộn” với hoạt động này. Một trong những tháng này là tháng 4, cao điểm của mùa Lễ Tưởng Niệm. Hoàn cảnh có cho phép bạn làm tiên phong phụ trợ hoặc cố gắng hơn nữa trong thánh chức vào mùa xuân này không? Nhiều người công bố đang làm thế và họ được ban ân phước dồi dào. (2 Cô 9:6) Nếu bạn đang làm hết sức mình, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va hài lòng với việc phụng sự hết linh hồn của bạn. (Lu 21:2-4) Dù bạn ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, hãy đặt mục tiêu để “hết sức bận rộn” với thánh chức trong tháng 4. Và đừng quên nộp báo cáo rao giảng vào cuối tháng để sự cố gắng của bạn được gộp chung với những người khác trong dân sự của Đức Giê-hô-va.
3 Thăm viếng những người mới đã đến dự Lễ Tưởng Niệm: Năm vừa qua tại Hoa kỳ, số người dự Lễ Tưởng Niệm là 2.153.268 người. Chúng ta phải chờ xem tổng số người dự trong năm nay là bao nhiêu. Tuy thế, những báo cáo cho thấy có nhiều tiềm năng tuyệt diệu cho một “mùa gặt” lớn hơn. (Mat 9:37, 38) Vì vậy, hãy sắp đặt để sớm viếng thăm những người chú ý đã đến dự Lễ Tưởng Niệm để giúp họ về phương diện thiêng liêng. Trì hoãn những cuộc thăm viếng như thế có thể làm cho ‘quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng họ’. (Mat 13:19) Một cuộc thăm viếng không chậm trễ sẽ chứng tỏ bạn thật sự “hết sức bận rộn” với thánh chức của mình.
4 Tiếp tục giúp đỡ những người ngưng hoạt động: Một cố gắng đặc biệt đã được bắt đầu trong tháng 2 để giúp đỡ những anh chị ngưng hoạt động. Nếu có ai chưa được viếng thăm, các trưởng lão nên sắp đặt để thăm họ trước khi tháng 4 chấm dứt. Trưởng lão nên cố gắng xác định nguyên nhân vấn đề của anh chị đó và tìm cách tốt nhất để giúp họ tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va trở lại. Sự giúp đỡ đầy yêu thương này cho thấy các trưởng lão nhận lãnh trách nhiệm chăn “bầy của Đức Chúa Trời” một cách nghiêm túc. (1 Phi 5:2; Công 20:28) Tạp chí Tháp Canh, số ra ngày 15-6-1994, trang 22, 23, cho những lời đề nghị xuất sắc mà trưởng lão có thể dùng khi nhắm vào bất cứ một trong năm vấn đề điển hình có thể ảnh hưởng đến những anh chị ngưng hoạt động. Điều lý tưởng là nên giúp vài anh chị rao giảng trở lại trong tháng 4.
5 Giúp nhiều người hơn nữa trở thành người công bố chưa báp têm: Con của bạn đã hội đủ điều kiện để công bố tin mừng chưa? Còn những người đang học Kinh Thánh với bạn thì sao? Nếu được trưởng lão chấp thuận, tháng 4 chẳng phải là cơ hội thích hợp để những người ấy bắt đầu công bố hay sao? Nếu một người tiến bộ và đã học xong sách mỏng Đòi hỏi và sách Hiểu biết, bạn có thể tiếp tục học với họ quyển sách thứ nhì—sách Lời Đức Chúa Trời hoặc sách Hợp nhất trong sự thờ phượng. Mục tiêu của bạn là giúp cho người học hiểu biết sâu sắc hơn về lẽ thật, hội đủ điều kiện làm người công bố chưa báp têm, và trở nên một Nhân Chứng dâng mình và báp têm của Đức Giê-hô-va.—Ê-phê 3:17-19; 1 Ti 1:12; 1 Phi 3:21.
6 Sự quan tâm kiên nhẫn và thành thật của bạn cuối cùng có thể giúp họ tự chọn theo lẽ thật. Một anh Nhân Chứng gặp một cặp vợ chồng lớn tuổi sẵn sàng học Kinh Thánh. Nhưng họ hoãn lại cuộc học hỏi trong ba tuần liên tiếp. Cuối cùng cuộc học hỏi đã được bắt đầu. Sau đó, hầu như cứ hai tuần họ lại bỏ học một lần. Thế nhưng, cuối cùng người vợ đã tiến bộ đi đến báp têm. Anh nhớ lại: “Sau khi báp têm, mắt chị ấy ngấn lệ vui mừng, khiến cả vợ tôi và tôi cũng phải rơi nước mắt vì hạnh phúc”. Đúng vậy, “hết sức bận rộn” với tin mừng mang lại niềm vui lớn lao!
7 Lời tiên tri của Kinh Thánh và những biến cố trên thế giới cho thấy rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn chót của thời kỳ cuối cùng. Bây giờ là lúc dân sự của Đức Chúa Trời phải “hết sức bận rộn” trong việc rao truyền tin mừng cho người khác. Sứ đồ Phao-lô bảo đảm rằng công lao như thế trong Chúa chắc chắn “chẳng phải là vô-ích đâu”.—1 Cô 15:58.