Ai tôn vinh Đức Chúa Trời ngày nay?
“Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực”.—KHẢI-HUYỀN 4:11.
1, 2. (a) Có những thí dụ điển hình nào về ngành gọi là phỏng sinh học? (b) Câu hỏi nào được nêu ra, và câu trả lời là gì?
MỘT ngày nọ vào thập niên 1940, kỹ sư người Thụy Sĩ là George de Mestral dẫn chó đi dạo. Khi trở về nhà, ông để ý thấy trên quần áo cũng như trên lông chó đầy những quả có gai. Vì hiếu kỳ, ông quan sát dưới kính hiển vi và thích thú khi thấy những cái móc nhỏ xíu trong quả có gai bám vào bất cứ vật gì có vòng. Cuối cùng, ông đã sáng chế ra loại khóa dán (Velcro). Ông De Mestral không phải là người duy nhất đã bắt chước những thiết kế trong thiên nhiên. Ở Hoa Kỳ, anh em nhà họ Wright đã sáng chế máy bay sau khi nghiên cứu những con chim to lớn bay lượn trên không. Kỹ sư người Pháp Alexandre-Gustave Eiffel đã thiết kế cái tháp ở Paris mang tên ông nhờ áp dụng những nguyên tắc căn bản mà ông nhận thấy đã giúp xương đùi loài người có thể chịu đựng trọng lượng của cơ thể.
2 Đó là những thí dụ điển hình về một ngành gọi là phỏng sinh học, lĩnh vực khoa học tìm cách mô phỏng những thiết kế trong thiên nhiên. Tuy nhiên, câu hỏi hợp lý được nêu ra là: Các nhà phát minh có quy công trạng cho Đấng đã thiết kế những quả nhỏ bé có gai, những con chim to lớn, xương đùi của loài người và tất cả các vật độc đáo khác trong thiên nhiên mà họ đã bắt chước không? Sự thật đáng buồn là trong thế gian ngày nay, người ta hiếm khi quy công trạng hoặc sự vinh hiển xứng đáng cho Đức Chúa Trời.
3, 4. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “sự vinh hiển” có nghĩa gì, và khi áp dụng cho Đức Giê-hô-va thì từ đó nói đến điều gì?
3 Một số người có lẽ thắc mắc: ‘Tại sao cần phải tôn vinh Đức Chúa Trời? Chẳng phải là Đức Chúa Trời đã vinh hiển rồi sao?’ Đành rằng Đức Giê-hô-va là Đấng vinh hiển nhất trong vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài vinh hiển trước mắt toàn thể nhân loại. Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “sự vinh hiển” có nghĩa căn bản là “sức nặng”. Nó có ý nói đến bất cứ điều gì khiến một người có vẻ gây ấn tượng hoặc quan trọng đối với người khác. Khi áp dụng cho Đức Chúa Trời, từ đó nói đến những gì làm cho Đức Chúa Trời đáng thán phục.
4 Ít có ai ngày nay để ý đến lý do làm cho Đức Chúa Trời đáng thán phục. (Thi-thiên 10:4; 14:1) Thật vậy, những nhân vật nổi tiếng trong xã hội, nếu có tin Đức Chúa Trời đi nữa, thường gây ảnh hưởng khiến người ta xem thường Đấng Tạo Hóa vinh hiển của vũ trụ. Họ làm điều đó như thế nào?
“Họ không thể chữa mình được”
5. Nhiều nhà khoa học cố giải thích các kỳ công sáng tạo như thế nào?
5 Nhiều nhà khoa học khăng khăng cho rằng không có Đức Chúa Trời. Thế thì làm sao họ giải thích về các kỳ công sáng tạo, kể cả sự sáng tạo loài người? Họ quy các công trình sáng tạo đó cho sự tiến hóa, một lực vô tri dựa vào sự ngẫu nhiên. Thí dụ, người ủng hộ thuyết tiến hóa là Stephen Jay Gould viết: “Chúng ta hiện hữu bởi vì một loại cá kỳ quặc có vây khác thường có thể biến thành chân cho những vật sống trên mặt đất... Chúng ta có lẽ mong mỏi có một câu trả lời ‘cao siêu hơn’—nhưng không kiếm đâu ra được”. Tương tự thế, Richard E. Leakey và Roger Lewin viết: “Có lẽ loài người hiện hữu là do sự sai lầm khủng khiếp về mặt sinh học”. Ngay cả một số nhà khoa học ca ngợi vẻ đẹp và thiết kế trong thiên nhiên cũng không quy công trạng cho Đức Chúa Trời.
6. Điều gì đã khiến cho nhiều người không tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa?
6 Khi những người học thức quả quyết rằng sự tiến hóa là sự thật hiển nhiên, thì họ ngụ ý rằng chỉ những người dốt nát mới không chịu tin. Nhiều người đã phản ứng thế nào trước lời quyết đoán ấy? Cách đây nhiều năm, một người am hiểu thuyết tiến hóa phỏng vấn những người đã chấp nhận thuyết đó. Ông nói: “Tôi nhận ra rằng phần lớn người ta tin nơi thuyết tiến hóa là vì họ được bảo là tất cả những người thông minh đều tin điều đó”. Đúng vậy, quan điểm vô thần của những người học thức đã khiến cho người ta không tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.—Châm-ngôn 14:15, 18.
7. Theo Rô-ma 1:20, loài người có thể thấy rõ điều gì qua công trình sáng tạo hữu hình, và tại sao?
7 Phải chăng các nhà khoa học đã dựa trên sự kiện và bằng chứng để đi đến kết luận của họ? Chắc chắn không! Chung quanh chúng ta có đầy dẫy bằng chứng về một Đấng Tạo Hóa. Sứ đồ Phao-lô viết về Ngài: “Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế [lúc sáng tạo loài người] vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ [những kẻ chẳng tin] không thể chữa mình được”. (Rô-ma 1:20) Đấng Tạo Hóa đã để lại dấu ấn trong công trình sáng tạo của Ngài. Vì vậy Phao-lô nói rằng ngay từ khi loài người hiện hữu, người ta có thể “xem-thấy” bằng chứng là có Đức Chúa Trời qua công trình sáng tạo hữu hình. Có thể thấy bằng chứng ấy ở đâu?
8. (a) Các từng trời làm chứng về quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Điều gì cho thấy vũ trụ có một Nguyên Nhân Đầu Tiên?
8 Chúng ta thấy bằng chứng về Đức Chúa Trời trên bầu trời đầy sao lấp lánh. Thi-thiên 19:1 viết: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. “Các từng trời”—mặt trời, mặt trăng và các vì sao—làm chứng về quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chỉ riêng con số các vì sao thôi cũng khiến chúng ta hết sức thán phục. Và tất cả các thiên thể này di chuyển trong không gian theo những định luật chính xác, chứ không phải một cách bất định.a (Ê-sai 40:26) Có hợp lý chăng khi cho rằng trật tự như thế là do sự ngẫu nhiên? Điều đáng chú ý là nhiều nhà khoa học nói rằng vũ trụ có sự bắt đầu đột ngột. Giải thích điều này có nghĩa gì, một giáo sư viết: “Một vũ trụ luôn tồn tại thì rất hợp với [quan điểm] vô thần hay bất khả tri. Cũng thế, một vũ trụ có sự bắt đầu thì dường như phải có nguyên nhân đầu tiên; vì làm sao có được kết quả như thế mà không có đủ nguyên nhân?”
9. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện trong loài thú như thế nào?
9 Chúng ta cũng thấy dưới đất có những bằng chứng về Đức Chúa Trời. Người viết Thi-thiên thốt lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”. (Thi-thiên 104:24) “Tài-sản” của Đức Giê-hô-va, kể cả loài thú, chứng tỏ sự khôn ngoan của Ngài. Như chúng ta đề cập ở đầu bài, sự thiết kế của các sinh vật tinh xảo đến độ các nhà khoa học thường tìm cách bắt chước. Hãy xem xét một vài thí dụ khác. Các nhà khoa học đang nghiên cứu sừng nai nhằm chế ra mũ sắt cứng cáp hơn; họ quan sát một loại ruồi có thính giác nhạy bén với mục đích cải tiến máy trợ thính; và họ khảo sát lông cánh của con cú để cải tiến phi cơ thám sát. Nhưng dù có cố gắng đến đâu, con người không thể nào mô phỏng y hệt những thiết kế hoàn hảo trong thiên nhiên. Một sách về mô phỏng sinh học ghi nhận: “Các sinh vật đã làm mọi điều chúng ta muốn thực hiện, mà không tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, làm ô nhiễm trái đất, hoặc gây nguy hại cho tương lai của chúng”. (Biomimicry—Innovation Inspired by Nature) Đây quả là sự khôn ngoan!
10. Tại sao phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Thiết Kế Vĩ Đại là vô lý? Hãy minh họa.
10 Dù bạn nhìn lên trời hay quan sát các tạo vật ngay dưới đất này, bằng chứng về Đấng Tạo Hóa là quá rõ ràng. (Giê-rê-mi 10:12) Chúng ta nên hết lòng đồng ý với những lời này của các tạo vật trên trời: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật”. (Khải-huyền 4:11) Song nhiều nhà khoa học không nhận thấy được bằng chứng này qua ‘con mắt của lòng họ’, ngay dù thán phục những thiết kế của các vật họ thấy bằng mắt trần. (Ê-phê-sô 1:18) Chúng ta có thể minh họa như thế này: Ngưỡng mộ vẻ đẹp và thiết kế trong thiên nhiên mà phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng Thiết Kế Vĩ Đại thì vô lý chẳng khác nào ngưỡng mộ một bức tranh tuyệt đẹp mà lại phủ nhận sự hiện hữu của họa sĩ đã biến tấm vải bạt thành một kiệt tác. Thảo nào những kẻ từ chối không chịu tin Đức Chúa Trời bị xem là “không thể chữa mình được”!
“Kẻ mù làm người dẫn-đưa” khiến nhiều người lầm đường
11, 12. Giáo lý tiền định dựa trên giả thiết nào, và điều gì cho thấy giáo lý này không làm vinh hiển Đức Chúa Trời?
11 Nhiều người sùng đạo thành thật tin rằng sự thờ phượng của họ làm vinh hiển Đức Chúa Trời. (Rô-ma 10:2, 3) Tuy nhiên, tôn giáo nói chung là một thành phần khác của xã hội loài người cũng đã cản trở hàng triệu người tôn vinh Đức Chúa Trời. Như thế nào? Chúng ta hãy xem xét hai cách.
12 Thứ nhất, các tôn giáo không làm vinh hiển Đức Chúa Trời vì dạy những giáo lý sai lầm. Lấy thí dụ về giáo lý tiền định. Giáo lý này dựa trên giả thiết là vì có quyền năng biết trước tương lai, Đức Chúa Trời hẳn biết trước kết cuộc của mọi việc. Vì vậy, thuyết tiền định cho rằng từ lâu Đức Chúa Trời đã định trước tương lai—tốt hay xấu—của mỗi người. Theo khái niệm này, Đức Chúa Trời phải chịu trách nhiệm về mọi đau khổ và gian ác trong thế gian ngày nay. Điều này hẳn không làm vinh hiển Đức Chúa Trời khi Ngài bị quy trách nhiệm về lỗi mà thật ra là của Sa-tan, Kẻ Thù chính của Ngài. Kinh Thánh gọi hắn là “vua-chúa thế-gian nầy”!—Giăng 14:30; 1 Giăng 5:19.
13. Tại sao là rồ dại khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời không thể kiểm soát khả năng biết trước tương lai? Hãy minh họa.
13 Thuyết tiền định là sự dạy dỗ trái Kinh Thánh và vu oan Đức Chúa Trời. Thuyết đó làm người ta nhầm lẫn những gì Ngài có thể làm với những gì Ngài thật sự làm. Đúng là Kinh Thánh nói rõ Đức Chúa Trời có thể biết trước được những biến cố. (Ê-sai 46:9, 10) Tuy nhiên, thật phi lý khi nghĩ rằng Ngài không thể kiểm soát khả năng biết trước tương lai hoặc cho rằng Ngài phải chịu trách nhiệm về mọi kết cuộc. Để minh họa: Giả sử bạn có sức lực cường tráng, liệu bạn có muốn nhấc lên bất cứ vật nặng nào trước mắt không? Tất nhiên không! Tương tự, dù có khả năng biết trước tương lai, Đức Chúa Trời không cần phải biết trước hoặc định trước mọi việc. Ngài dùng khả năng ấy cách dè dặt và cẩn thận.b Rõ ràng là những dạy dỗ sai lầm, kể cả thuyết tiền định, không làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
14. Tổ chức tôn giáo đã làm ô danh Đức Chúa Trời qua cách nào?
14 Cách thứ hai tổ chức tôn giáo làm ô danh Đức Chúa Trời là qua tư cách của các thành viên. Tín đồ Đấng Christ phải làm theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Một trong những điều Chúa Giê-su dạy các môn đồ là phải “yêu nhau” và giữ mình “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 15:12; 17:14-16) Còn những người thuộc hàng giáo phẩm của khối đạo xưng theo Đấng Christ thì sao? Họ có thật sự tuân theo những dạy dỗ đó không?
15. (a) Hàng giáo phẩm có thành tích nào trong những cuộc chiến của các nước? (b) Tư cách của hàng giáo phẩm đã ảnh hưởng đến hàng triệu người như thế nào?
15 Hãy xem giới giáo phẩm có thành tích nào về phương diện chiến tranh. Họ đã ủng hộ, dung túng, thậm chí dẫn đầu trong nhiều cuộc chiến của các nước. Họ đã chúc phước cho quân đội và bào chữa cho việc giết chóc. Chúng ta không khỏi tự hỏi: ‘Các tu sĩ đó không nghĩ là những tu sĩ khác cùng đạo thuộc phe đối lập cũng làm y như vậy hay sao?’ (Xem khung “Đức Chúa Trời hỗ trợ phe nào?”) Hàng giáo phẩm không tôn vinh Đức Chúa Trời khi cho rằng họ được Ngài hỗ trợ trong các cuộc chiến đẫm máu; họ cũng không tôn vinh Ngài khi tuyên bố tiêu chuẩn Kinh Thánh là lỗi thời và dung túng đủ mọi hành vi vô luân. Họ quả khiến chúng ta nhớ đến những người lãnh đạo tôn giáo mà Chúa Giê-su gọi là “kẻ làm gian-ác” và “kẻ mù làm người dẫn-đưa”! (Ma-thi-ơ 7:15-23; 15:14) Tư cách của hàng giáo phẩm đã khiến cho tình yêu thương của hàng triệu người đối với Đức Chúa Trời trở nên nguội lạnh.—Ma-thi-ơ 24:12.
Ai thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời?
16. Để trả lời câu hỏi ai thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta phải xem xét Kinh Thánh?
16 Nếu những người nổi tiếng và có thế lực trong thế gian nói chung không tôn vinh Đức Chúa Trời, vậy thì ai thật sự tôn vinh Ngài? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải xem xét Kinh Thánh. Suy cho cùng, Đức Chúa Trời có quyền ấn định cách chúng ta phải tôn vinh Ngài, và Ngài đặt tiêu chuẩn ấy trong Lời Ngài là Kinh Thánh. (Ê-sai 42:8) Chúng ta hãy xem ba cách để tôn vinh Đức Chúa Trời, trong mỗi trường hợp sẽ trả lời câu hỏi ai thật sự làm điều đó ngày nay.
17. Chính Đức Giê-hô-va cho thấy thế nào việc làm sáng danh Ngài là một phần trọng yếu trong ý muốn Ngài, và ngày nay ai ca ngợi danh Đức Chúa Trời trên khắp đất?
17 Thứ nhất, chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách ca ngợi danh Ngài. Đây là một phần trọng yếu trong ý muốn Đức Chúa Trời, và điều này được thấy rõ qua những gì Đức Giê-hô-va nói với Chúa Giê-su. Một vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha”. Bấy giờ có tiếng phán rằng: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” (Giăng 12:28) Tiếng phán đó rõ ràng là của chính Đức Giê-hô-va và cho thấy rõ việc làm sáng danh Ngài là quan trọng đối với Ngài. Vậy thì ngày nay ai tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách nói cho người ta biết đến danh Ngài và ca ngợi danh ấy trên khắp đất? Đó là Nhân Chứng Giê-hô-va, và họ đang thực hiện công việc này trong 235 xứ!—Thi-thiên 86:11, 12.
18. Làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là những người thờ phượng Đức Chúa Trời bằng “lẽ thật”, và nhóm người nào đã dạy lẽ thật Kinh Thánh hơn một thế kỷ qua?
18 Thứ hai, chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách dạy lẽ thật về Ngài. Chúa Giê-su nói những người thờ phượng thật sẽ “lấy... lẽ thật mà thờ-lạy [Đức Chúa Trời]”. (Giăng 4:24) Làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là những người thờ phượng Đức Chúa Trời bằng “lẽ thật”? Họ phải bác bỏ những giáo lý không dựa trên Kinh Thánh mà đã trình bày sai lệch về Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài. Đồng thời, họ phải dạy lẽ thật thuần túy của Lời Đức Chúa Trời, bao gồm những điều sau đây: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Tối Cao, và chỉ một mình Ngài mới xứng với địa vị vinh hiển này (Thi-thiên 83:18); Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời và là Đấng Mê-si được bổ nhiệm để cai trị Nước Trời (1 Cô-rinh-tô 15:27, 28); Nước Trời sẽ làm thánh danh Đức Giê-hô-va và thực hiện ý định của Ngài đối với trái đất và nhân loại sống trên đó (Ma-thi-ơ 6:9, 10); tin mừng về Nước này phải được giảng ra khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Hơn một thế kỷ qua, chỉ có một nhóm đã trung thành dạy những lẽ thật quý báu như thế—đó là Nhân Chứng Giê-hô-va!
19, 20. (a) Tại sao hạnh kiểm tốt của tín đồ Đấng Christ có thể làm vinh hiển Đức Chúa Trời? (b) Những câu hỏi nào có thể giúp chúng ta xác định ai ngày nay tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách giữ hạnh kiểm tốt?
19 Thứ ba, chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách sống phù hợp với tiêu chuẩn của Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:12) Tư cách đạo đức của người tín đồ Đấng Christ phản ánh đức tin của mình. Khi người khác nhận thấy rõ một tín đồ Đấng Christ có hạnh kiểm tốt là nhờ đức tin thì điều đó làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
20 Ngày nay ai tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách giữ hạnh kiểm tốt? Hãy thử nghĩ nhóm tôn giáo nào được nhiều chính phủ khen ngợi là nhóm công dân hiền hòa, tôn trọng luật pháp và nộp thuế? (Rô-ma 13:1, 3, 6, 7) Nhóm người nào được biết đến trên khắp thế giới nhờ sự hợp nhất với những người cùng đạo—một sự hợp nhất vượt qua hàng rào chủng tộc, sắc tộc và quốc gia? (Thi-thiên 133:1; Công-vụ 10:34, 35) Nhóm người nào được nhiều người biết trên thế giới qua việc giáo dục về Kinh Thánh, một công việc khuyến khích tôn trọng luật pháp, tiêu chuẩn gia đình và đạo đức Kinh Thánh? Chỉ một nhóm duy nhất cho thấy có tư cách đạo đức tốt trong những phương diện này và các phương diện khác—đó là Nhân Chứng Giê-hô-va!
Bạn có đang tôn vinh Đức Chúa Trời không?
21. Tại sao chúng ta nên xét xem chính mình có đang tôn vinh Đức Giê-hô-va hay không?
21 Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: ‘Cá nhân tôi có đang tôn vinh Đức Giê-hô-va không?’ Theo bài Thi-thiên 148, phần lớn các tạo vật tôn vinh Đức Chúa Trời: thiên sứ, các từng trời, trái đất và các loài thú—tất cả đều ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Câu 1-10) Thật đáng buồn khi đa số người ta ngày nay không làm thế! Bằng cách sống sao để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, bạn hành động phù hợp với các tạo vật khác đang ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Câu 11-13) Đó là cách tốt nhất để dùng đời sống bạn.
22. Bằng cách tôn vinh Đức Giê-hô-va, bạn được ban phước qua những cách nào, và bạn nên kiên quyết làm gì?
22 Bằng cách tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta được ban phước qua nhiều cách. Khi thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ, chúng ta hòa thuận lại với Đức Chúa Trời và có mối quan hệ bình an, thỏa nguyện với Cha trên trời. (Rô-ma 5:10) Khi chú tâm đến những lý do để tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta có thái độ tích cực hơn, biết ơn hơn. (Giê-rê-mi 31:12) Bấy giờ chúng ta có thể giúp đỡ người khác sống hạnh phúc, mãn nguyện, nhờ vậy chính chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc hơn. (Công-vụ 20:35) Mong sao bạn có mặt trong số những người kiên quyết tôn vinh Đức Chúa Trời—bây giờ và cho đến mãi mãi!
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về cách các từng trời phản ánh sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời, xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, chương 5 và 17, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
b Xem trang 6, 7 của Tháp Canh số ra ngày 15-4-1998 và Tập 1, trang 853, của sách Insight on the Scriptures, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn có nhớ không?
• Tại sao chúng ta có thể nói rằng giới khoa học nói chung đã không giúp người ta tôn vinh Đức Chúa Trời?
• Tổ chức tôn giáo cản trở người ta tôn vinh Đức Chúa Trời qua hai cách nào?
• Chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời qua những cách nào?
• Tại sao bạn nên xét xem chính mình có đang tôn vinh Đức Giê-hô-va hay không?
[Khung nơi trang 12]
“Đức Chúa Trời hỗ trợ phe nào?”
Một người phục vụ trong Không Quân Đức vào Thế Chiến II nhưng sau này trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va nhớ lại:
“Điều làm tôi hoang mang trong những năm chiến tranh ấy... là thấy các tu sĩ của hầu như mọi tôn giáo—Công Giáo, đạo Luther, Tân Giáo, v.v...—chúc phước cho các phi cơ và phi hành đoàn trước khi lên đường thi hành sứ mệnh thả những kiện hàng chết người. Tôi thường nghĩ: ‘Đức Chúa Trời hỗ trợ phe nào?’
“Trên khóa dây thắt lưng của lính Đức có khắc hàng chữ Gott mit uns (Chúa ở cùng chúng ta). Nhưng tôi tự hỏi: ‘Tại sao Đức Chúa Trời lại không hỗ trợ các binh lính bên phe kia cũng cùng tôn giáo và cầu nguyện cùng một Đức Chúa Trời?’ ”
[Hình nơi trang 10]
Trên khắp đất, Nhân Chứng Giê-hô-va quả đang tôn vinh Đức Chúa Trời