Hãy làm chứng để được cứu rỗi
“Vì ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (RÔ-MA 10:13).
1. Trong suốt lịch sử, những lời cảnh cáo nào được loan ra?
LỊCH SỬ Kinh-thánh miêu tả những “ngày của Đức Giê-hô-va”. Trận Nước Lụt vào thời Nô-ê, sự tiêu diệt của Sô-đôm và Gô-mô-rơ và sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN và 70 CN là những ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va. Đó là những ngày Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét trên những ai phản nghịch ngài (Ma-la-chi 4:5; Lu-ca 21:22). Vào những ngày này, nhiều người chết vì sự gian ác của họ. Nhưng một số người được sống sót. Đức Giê-hô-va khiến cho lời cảnh cáo được loan ra, để người ác biết về tai biến sắp đến và để người ngay thẳng có cơ hội tìm được sự cứu rỗi.
2, 3. a) Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, lời tiên tri chứa đựng sự cảnh cáo nào được trích dẫn? b) Từ ngày Lễ Ngũ Tuần 33 CN trở đi, việc kêu cầu danh Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì?
2 Sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN là một thí dụ nổi bật về điều này. Nói trước về biến cố đó gần 900 năm, nhà tiên tri Giô-ên viết: “Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu, lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối-tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến”. Làm sao bất cứ người nào có thể sống sót qua thời kỳ khủng khiếp như thế? Giô-ên được soi dẫn để viết: “Bấy giờ ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem, sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giê-hô-va kêu-gọi” (Giô-ên 2:30-32).
3 Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ nói với một đám đông người Do Thái và người cải đạo ở Giê-ru-sa-lem. Ông trích dẫn lời tiên tri của Giô-ên, cho thấy rằng những người nghe có thể trông chờ sự ứng nghiệm vào thời đó: “Ta lại sẽ tỏ ra sự lạ-lùng ở trên trời, và dấu lạ ở dưới đất; tức là máu, lửa, và luồng khói; mặt trời sẽ biến nên tối-tăm, mặt trăng hóa ra máu, trước ngày lớn và vinh-hiển của Chúa chưa đến; và lại ai cầu-khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:16-21). Hết thảy đám đông đang nghe Phi-e-rơ đều ở dưới Luật pháp Môi-se, nên họ biết danh Đức Giê-hô-va. Phi-e-rơ giải thích rằng từ nay trở đi, việc kêu cầu danh Đức Giê-hô-va sẽ bao hàm nhiều hơn nữa. Điều này đặc biệt bao gồm việc làm báp têm nhân danh Chúa Giê-su, đấng đã bị giết nhưng được sống lại để có sự sống bất tử ở trên trời (Công-vụ các Sứ-đồ 2:37, 38).
4. Các tín đồ đấng Christ đã tuyên bố thông điệp gì ở khắp nơi?
4 Từ ngày Lễ Ngũ Tuần trở đi, các tín đồ đấng Christ truyền bá thông điệp về Chúa Giê-su được sống lại (I Cô-rinh-tô 1:23). Họ cho biết rằng loài người có thể được nhận làm con thiêng liêng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và trở thành một phần của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, một dân thiêng liêng mới sẽ ‘rao-giảng nhơn-đức của Đức Giê-hô-va’ (Ga-la-ti 6:16; I Phi-e-rơ 2:9). Những ai trung thành cho đến chết sẽ thừa hưởng sự sống bất tử ở trên trời với tư cách là kẻ đồng kế tự Nước Trời với Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 24:13; Rô-ma 8:15, 16; I Cô-rinh-tô 15:50-54). Hơn nữa, những tín đồ đấng Christ này phải công bố về ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va sắp đến. Họ phải cảnh cáo thế gian Do Thái về một hoạn nạn chưa từng có từ trước tới nay sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem và trên dân tự xưng thuộc về Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, sẽ có người sống sót. Họ là ai? Đó là những ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va.
“Trong ngày sau-rốt”
5. Ngày nay, có những lời tiên tri nào đã được ứng nghiệm?
5 Trên nhiều phương diện, tình trạng vào thời đó là hình bóng cho những gì chúng ta thấy ngày nay. Kể từ năm 1914, loài người sống trong một thời kỳ đặc biệt được nói đến trong Kinh-thánh là “kỳ cuối-cùng”, “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”, và “ngày sau-rốt” (Đa-ni-ên 12:1, 4; Ma-thi-ơ 24:3-8, NW; II Ti-mô-thê 3:1-5, 13). Trong thế kỷ này, chiến tranh tàn ác, sự hung bạo không kiềm chế, xã hội và môi sinh bị hủy hoại làm ứng nghiệm lời tiên tri Kinh-thánh một cách đáng chú ý. Tất cả những điều này thuộc về điềm mà Chúa Giê-su đã tiên tri, cho thấy rằng loài người sắp trải qua ngày kinh khiếp và quyết liệt cuối cùng của Đức Giê-hô-va. Ngày ấy sẽ dẫn đến trận Ha-ma-ghê-đôn, là cao điểm của “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21; Khải-huyền 16:16).
6. a) Đức Giê-hô-va hành động thế nào để cứu người nhu mì? b) Chúng ta tìm thấy lời khuyên của Phao-lô về cách được sống sót ở đâu?
6 Trong khi ngày hủy diệt càng lúc càng tiến gần, Đức Giê-hô-va đang ra tay để cứu những người nhu mì. Trong “kỳ cuối-cùng” này, ngài đã nhóm lại những người cuối cùng của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời, và kể từ thập niên 1930 trở đi, ngài hướng các tôi tớ ngài ở trên đất chú ý đến công việc thâu nhóm “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Với tư cách là một nhóm, những người ấy được sống sót và “ra khỏi cơn đại-nạn” (Khải-huyền 7:9, 14). Nhưng làm sao mỗi cá nhân có thể chắc chắn là mình sẽ sống sót? Sứ đồ Phao-lô trả lời câu hỏi đó. Ở Rô-ma đoạn 10, ông cho lời khuyên quí báu giúp mình được sống sót—lời khuyên áp dụng vào thời ông và thời chúng ta nữa.
Lời cầu nguyện để được cứu rỗi
7. a) Hy vọng nào được nói đến ở Rô-ma 10:1, 2? b) Tại sao bây giờ Đức Giê-hô-va có thể khiến cho “tin-lành” được rao truyền trên bình diện rộng lớn hơn?
7 Khi Phao-lô viết sách Rô-ma, Đức Giê-hô-va đã từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên với tư cách là một dân tộc rồi. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô xác nhận: “Sự ước-ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu-nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu”. Ông hy vọng rằng những cá nhân trong dân Do Thái sẽ có được sự hiểu biết chính xác về ý muốn Đức Chúa Trời, dẫn đến sự cứu rỗi (Rô-ma 10:1, 2). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va muốn cứu rỗi những người thực hành đức tin trong thế gian, như chúng ta thấy ở Giăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mở đường cho sự cứu rỗi lớn ấy. Cũng như vào thời Nô-ê và những ngày phán xét khác sau đó, Đức Giê-hô-va khiến cho “tin-lành” được rao truyền, cho biết con đường dẫn đến sự cứu rỗi (Mác 13:10, 19, 20).
8. Theo gương Phao-lô, ngày nay tín đồ thật của đấng Christ có thiện ý đối với ai, và bằng cách nào?
8 Phao-lô cho thấy ông có thiện ý đối với người Do Thái lẫn dân ngoại. Bởi vậy ông rao giảng mỗi khi có cơ hội. Ông “khuyên-dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc”. Ông nói với các trưởng lão ở Ê-phê-sô: “Tôi chẳng trễ-nải rao-truyền mọi đều ích-lợi cho anh em, chẳng giấu đều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia, giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 18:4; 20:20, 21). Tương tự như vậy, Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay bỏ công sức đi rao giảng, không chỉ cho những người tự xưng là tín đồ đấng Christ mà còn cho muôn dân, thậm chí “đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; 18:5).
Tuyên bố “đạo đức-tin”
9. a) Rô-ma 10:8, 9 khuyến khích loại đức tin nào? b) Chúng ta nên tuyên bố đức tin khi nào và như thế nào?
9 Cần có đức tin bền vững để được cứu. Trích dẫn Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:14, Phao-lô tuyên bố: “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức-tin mà chúng ta giảng-dạy” (Rô-ma 10:8). Khi rao giảng “đạo đức-tin” thì đạo này càng được khắc sâu hơn trong lòng chúng ta. Phao-lô đã thấy như vậy, và những lời kế tiếp của ông có thể giúp chúng ta quyết tâm nhiều hơn để chia sẻ đức tin ấy với người khác như ông đã làm: “Nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9). Chúng ta không những tuyên bố điều này trước mặt người khác khi làm báp têm, mà còn phải tiếp tục làm thế, sốt sắng làm chứng công khai về tất cả những khía cạnh cao cả của lẽ thật. Lẽ thật ấy tập trung vào danh quí báu của Chúa Tối thượng Giê-hô-va; vào Vua Mê-si và Đấng làm Giá chuộc, Chúa Giê-su Christ; và vào lời hứa tuyệt diệu về Nước Trời.
10. Phù hợp với Rô-ma 10:10, 11, chúng ta phải thi hành “đạo đức-tin” như thế nào?
10 Bất cứ ai không chấp nhận và áp dụng “đạo đức-tin” này thì sẽ không có sự cứu rỗi, như sứ đồ nói tiếp: “Tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi. Vả, Kinh-thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ-thẹn” (Rô-ma 10:10, 11). Chúng ta phải thu thập sự hiểu biết chính xác về “đạo đức-tin” này và tiếp tục nuôi dưỡng đạo ấy trong lòng mình hầu được thúc đẩy để nói cho người khác biết về đạo ấy. Chính Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Giữa dòng-dõi gian-dâm tội-lỗi nầy, hễ ai hổ-thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ-thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh-hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên-sứ thánh” (Mác 8:38).
11. Tin mừng phải được rao truyền đến mức độ nào, và tại sao?
11 Như tiên tri Đa-ni-ên nói trước, vào thời kỳ cuối cùng này, người ta thấy “những kẻ khôn-sáng” chiếu sáng “như sự sáng trên vòng khung”, khi việc làm chứng về Nước Trời bành trướng cho đến khắp đất. Họ “dắt-đem nhiều người về sự công-bình”, và rõ ràng sự hiểu biết thật đã được thêm lên nhiều, vì Đức Giê-hô-va càng ngày càng làm sáng tỏ những lời tiên tri nói về thời kỳ cuối cùng này (Đa-ni-ên 12:3, 4). Đây là thông điệp cứu rỗi mà mọi người yêu chuộng lẽ thật và sự công bình cần biết để được sống sót.
12. Rô-ma 10:12 phù hợp thế nào với sứ mệnh của thiên sứ được miêu tả ở Khải-huyền 14:6?
12 Sứ đồ Phao-lô nói tiếp: “Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân-biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu-xin Ngài” (Rô-ma 10:12). Ngày nay, “tin-lành” phải được giảng nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu—cho tất cả mọi người, ở khắp nơi trên đất. Thiên sứ ở Khải-huyền 14:6 vẫn tiếp tục bay giữa trời, giao cho chúng ta “tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. Điều này đem lại lợi ích cho những ai đáp ứng như thế nào?
Kêu cầu danh Đức Giê-hô-va
13. a) Câu Kinh-thánh năm 1998 là gì? b) Tại sao câu Kinh-thánh này rất thích hợp ngày nay?
13 Trích dẫn Giô-ên 2:32, Phao-lô tuyên bố: “Ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Thật thích hợp thay là lời này được chọn làm câu Kinh-thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va năm 1998! Việc tiến lên với lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, cho người khác biết về danh ngài và các ý định tuyệt diệu mà danh ấy tiêu biểu là điều quan trọng hơn bao giờ hết! Như vào thế kỷ thứ nhất, trong ngày sau rốt của hệ thống mọi sự đồi bại này cũng vậy, có lời kêu vang: “Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng-dõi gian-tà nầy” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:40). Lời mời này giống như tiếng kèn kêu gọi tất cả mọi người kính sợ Đức Chúa Trời trên khắp thế giới hãy kêu cầu Đức Giê-hô-va để ngài ban sự cứu rỗi cho họ và cho những ai nghe họ công khai rao truyền tin mừng (I Ti-mô-thê 4:16).
14. Chúng ta phải kêu cầu Hòn Đá nào để được cứu rỗi?
14 Điều gì sẽ xảy ra khi ngày lớn của Đức Giê-hô-va bùng nổ trên trái đất này? Phần đông người ta sẽ không trông vào Đức Giê-hô-va để được cứu. Loài người nói chung sẽ “nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con!” (Khải-huyền 6:15, 16). Họ đặt hy vọng vào những cơ quan và tổ chức lớn như núi của hệ thống mọi sự này. Nhưng tốt hơn biết chừng nào nếu họ tin cậy nơi Hòn Đá vĩ đại nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:3, 4). Vua Đa-vít nói về ngài: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi”. Đức Giê-hô-va là “hòn đá về sự cứu-rỗi chúng tôi” (Thi-thiên 18:2; 95:1). Danh ngài là “một ngọn tháp kiên-cố”, là “ngọn tháp” duy nhất đủ mạnh để che chở chúng ta trong cuộc khủng hoảng sắp đến (Châm-ngôn 18:10). Do đó, điều cần yếu là làm sao cho càng nhiều người càng tốt trong số gần sáu tỷ người đang sống ngày nay được dạy dỗ để kêu cầu danh Đức Giê-hô-va với đức tin và lòng thành thật.
15. Rô-ma 10:14 cho thấy điều gì liên hệ đến đức tin?
15 Sứ đồ Phao-lô hỏi một cách thích hợp: “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được?” (Rô-ma 10:14). Có rất nhiều người vẫn có thể chưa được giúp để tự nắm lấy “đạo đức-tin”, để rồi họ có thể kêu cầu Đức Giê-hô-va ban cho sự cứu rỗi. Đức tin là yếu tố tối quan trọng. Phao-lô nói trong lá thư khác: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý [Đức Chúa Trời]; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Nhưng làm sao hàng triệu người nữa sẽ đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời? Trong lá thư gửi cho người Rô-ma, Phao-lô hỏi: “Nhưng họ... chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin?” (Rô-ma 10:14). Đức Giê-hô-va có cách gì giúp cho họ nghe không? Chắc chắn có! Hãy nghe lời kế tiếp của Phao-lô: “Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?”
16. Trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, tại sao rất cần những người rao giảng?
16 Qua lập luận của Phao-lô, rõ ràng là cần những người rao giảng. Chúa Giê-su cho thấy sẽ có nhu cầu này, mãi “cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 24:14; 28:18-20). Việc rao giảng là một phần rất quan trọng trong sắp đặt của Đức Chúa Trời để giúp người ta kêu cầu danh Đức Giê-hô-va hầu được cứu. Ngay cả phần đông những người trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không làm gì để tôn vinh danh quí báu của Đức Chúa Trời. Nhiều người hoàn toàn lầm lẫn Đức Giê-hô-va với hai nhân vật khác trong giáo lý Chúa Ba Ngôi không thể giải thích được. Hơn nữa, nhiều người thuộc hạng người được nói đến ở Thi-thiên 14:1 và Thi-thiên 53:1: “Kẻ ngu-dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời”. Họ cần phải biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống, và họ phải hiểu tất cả mọi điều mà danh ngài tiêu biểu để được cứu trong hoạn nạn lớn sắp tới.
‘Chân tốt-đẹp’ của người rao giảng
17. a) Tại sao việc Phao-lô trích dẫn lời tiên tri về sự phục hưng là điều thích hợp? b) Việc có ‘bàn chân tốt-đẹp’ bao hàm điều gì?
17 Sứ đồ Phao-lô đặt một câu hỏi trọng yếu khác: “Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao-giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” (Rô-ma 10:15). Ở đây Phao-lô trích dẫn Ê-sai 52:7, là một phần của lời tiên tri về sự phục hưng được ứng nghiệm kể từ năm 1919. Ngày nay, một lần nữa, Đức Giê-hô-va sai “kẻ đem tin tốt, rao sự bình-an, đem tin tốt về phước-lành, rao sự cứu-chuộc”. Những “kẻ canh” được xức dầu của Đức Chúa Trời và bạn đồng hành của họ cứ vâng lời tiếp tục vui mừng hát xướng (Ê-sai 52:7, 8). Ngày nay, bàn chân của những người công bố sự cứu rỗi có thể mệt mỏi, thậm chí bụi bặm, khi họ đi từ nhà này sang nhà kia, nhưng nét mặt họ vui mừng rạng rỡ làm sao! Họ biết Đức Giê-hô-va đã giao cho họ sứ mệnh là rao truyền tin mừng bình an và an ủi người buồn rầu, giúp những người này kêu cầu danh Đức Giê-hô-va với triển vọng được cứu.
18. Rô-ma 10:16-18 nói gì về kết quả cuối cùng của việc loan ra tin mừng?
18 Dù người ta “tin lời... rao-giảng” hay không thèm nghe, lời của Phao-lô vẫn đúng: “Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, tiếng của các sứ-giả đã vang khắp đất, và lời của sứ-giả đã đạt đến cùng thế-gian” (Rô-ma 10:16-18). Cũng như “các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”, như được thể hiện qua công việc sáng tạo của ngài, thì các Nhân-chứng của ngài trên đất phải rao truyền “năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo-thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu” (Thi-thiên 19:1-4; Ê-sai 61:2).
19. Những ai ‘kêu cầu danh Đức Giê-hô-va’ ngày nay sẽ gặt kết quả gì?
19 Ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va đến gần hơn bao giờ hết. “Ôi ngày ấy! vì ngày Đức Giê-hô-va đã gần! Nó đến như một tai-vạ thả ra bởi Đấng Toàn-năng” (Giô-ên 1:15; 2:31). Chúng ta cầu xin rằng rất nhiều người nữa sẽ đáp ứng tin mừng một cách cấp bách, lũ lượt đến với tổ chức Đức Giê-hô-va (Ê-sai 60:8; Ha-ba-cúc 2:3). Hãy nhớ lại là kẻ ác đã bị hủy diệt trong những ngày khác của Đức Giê-hô-va—vào thời Nô-ê, thời Lót và thời dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bội đạo. Bây giờ chúng ta đứng kề bên hoạn nạn lớn nhất, khi bão lốc của Đức Giê-hô-va sẽ quét sạch sự gian ác khỏi mặt đất, mở đường cho một địa đàng thanh bình vĩnh viễn. Ban sẽ trung thành “kêu-cầu danh Chúa” không? Nếu có, bạn hãy vui mừng đi! Bạn được chính Đức Chúa Trời hứa là bạn sẽ được cứu (Rô-ma 10:13).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Những điều mới nào được rao truyền sau ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
◻ Tín đồ đấng Christ phải chú ý đến “đạo đức-tin” như thế nào?
◻ Việc ‘kêu cầu danh Đức Giê-hô-va’ có nghĩa gì?
◻ Người mang thông điệp Nước Trời có ‘bàn chân tốt-đẹp’ theo nghĩa nào?
[Các hình nơi trang 18]
Dân tộc của Đức Giê-hô-va rao giảng nhân đức của ngài ở Pu-ec-tô Ri-cô, Xê-nê-gan, Pê-ru, Pa-pua Tân Ghinê—thật vậy, trên toàn cầu