Phụng sự với tư cách sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời
“Những kẻ đem tin tốt... chơn của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!” (Ê-SAI 52:7).
1, 2. a) Như được tiên tri nơi Ê-sai 52:7, tin mừng nào cần được rao báo? b) Lời tiên tri của Ê-sai có ý nghĩa gì đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa?
CÓ MỘT tin mừng cần được rao báo! Đó là tin mừng bình an—bình an thật sự. Đó là thông điệp về sự cứu rỗi liên quan đến Nước Đức Chúa Trời. Cách đây lâu lắm rồi, nhà tiên tri Ê-sai viết về tin mừng này, và những gì ông viết được lưu truyền lại cho chúng ta nơi Ê-sai 52:7 mà chúng ta đọc: “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình-an, đem tin tốt về phước-lành, rao sự cứu-chuộc, bảo Si-ôn rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị-vì, chơn của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!”
2 Đức Giê-hô-va soi dẫn tiên tri của ngài là Ê-sai viết những lời ấy để giúp dân Y-sơ-ra-ên xưa và để giúp ích chúng ta ngày nay. Lời ấy có ý nghĩa gì? Vào thời Ê-sai viết ra những lời ấy, vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phương bắc có thể đã bị lưu đày ở nước A-si-ri rồi. Sau này dân cư của Giu-đa, vương quốc ở phương nam bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Đó là thời kỳ đau buồn và rối loạn trong nước bởi vì dân chúng không chịu tuân theo Đức Giê-hô-va và như vậy họ không hòa thuận với Đức Chúa Trời. Như Đức Giê-hô-va đã nói với họ, cách cư xử tội lỗi của họ gây ra sự chia rẽ giữa họ và Đức Chúa Trời của họ (Ê-sai 42:24; 59:2-4). Nhưng qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va tiên tri rằng đến kỳ định cửa thành Ba-by-lôn sẽ rộng mở. Dân Đức Chúa Trời sẽ được tự do hồi hương để tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va tại đấy. Si-ôn sẽ được phục hưng, và người ta sẽ lại được thờ phượng Đức Chúa Trời thật tại Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 44:28; 52:1, 2).
3. Bằng cách nào lời hứa về sự phục hưng cho dân Y-sơ-ra-ên cũng là lời tiên tri về sự bình an?
3 Lời hứa này về sự giải cứu cũng là lời tiên tri về sự bình an. Việc họ trở về vùng đất mà Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời có lòng thương xót và họ đã ăn năn. Điều này cho thấy họ được hòa thuận với Đức Chúa Trời (Ê-sai 14:1; 48:17, 18).
“Đức Chúa Trời ngươi trị-vì”
4. a) Chúng ta có thể nói là ‘Đức Chúa Trời đã trị-vì’ vào năm 537 TCN theo nghĩa nào? b) Đức Giê-hô-va đã điều khiển sự việc để giúp ích dân ngài vào những năm sau này như thế nào?
4 Khi Đức Giê-hô-va giải cứu dân ngài vào năm 537 trước công nguyên (TCN), lời thông báo này có thể loan ra một cách thích hợp cho Si-ôn: “Đức Chúa Trời ngươi trị-vì”. Quả thật như vậy, Đức Giê-hô-va là “Vua của muôn đời” (Khải-huyền 15:3). Nhưng sự giải cứu dân ngài lần này là một bằng chứng khác cho thấy Đức Chúa Trời có quyền thống trị. Sự giải cứu này chứng tỏ một cách lẫy lừng quyền lực vượt bực của ngài so với quyền lực của đế quốc hùng hậu nhất của loài người từ trước cho tới thời bấy giờ (Giê-rê-mi 51:56, 57). Nhờ thánh linh Đức Giê-hô-va hoạt động nên những âm mưu khác chống lại dân ngài đã bị dẹp tan (Ê-xơ-tê 9:24, 25). Đức Giê-hô-va đã nhiều lần can thiệp bằng nhiều cách khác nhau khiến cho các vua xứ Mê-đi và Phe-rơ-sơ hợp tác với việc thực thi ý muốn cao cả của chính ngài (Xa-cha-ri 4:6). Các biến cố kỳ diệu diễn ra vào thời đó được ghi lại cho chúng ta trong các sách của Kinh-thánh là E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, A-ghê và Xa-cha-ri. Khi xem lại những lời tường thuật đó, đức tin chúng ta được vững mạnh biết bao!
5. Những biến cố quan trọng nào được nhắc đến nơi Ê-sai 52:13 đến 53:12?
5 Tuy nhiên, những gì xảy ra vào năm 537 TCN và sau đó, chỉ là bước đầu mà thôi. Ngay sau khi tiên tri về sự phục hưng nơi đoạn 52, Ê-sai viết về sự xuất hiện của đấng Mê-si (Ê-sai 52:13 đến 53:12). Qua trung gian đấng Mê-si, tức Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va loan ra một thông điệp về sự giải cứu và bình an còn có tầm quan trọng lớn hơn những gì đã xảy ra vào năm 537 TCN.
Sứ giả vĩ đại nhất đưa tin bình an của Đức Giê-hô-va
6. Ai là đấng vĩ đại nhất mang tin bình an của Đức Giê-hô-va và đấng này đã nói mình có sứ mệnh nào?
6 Chúa Giê-su Christ là sứ giả vĩ đại nhất đưa tin bình an của Đức Giê-hô-va. Ngài là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức Phát ngôn viên riêng của Đức Giê-hô-va (Giăng 1:14). Phù hợp với điều này, ít lâu sau khi làm báp têm dưới sông Giô-đanh, Chúa Giê-su đứng nơi nhà hội ở Na-xa-rét và đọc lớn tiếng sứ mệnh của mình ghi nơi Ê-sai đoạn 61. Sứ mệnh đó cho thấy rõ rằng ngài được giao cho việc rao giảng về sự “giải cứu” và sự “phục hồi”, cũng như về cơ hội được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã làm nhiều hơn là chỉ rao tin bình an. Đức Chúa Trời cũng phái ngài đến để làm nền tảng cho sự bình an lâu dài (Lu-ca 4:16-21, NW).
7. Sự bình an với Đức Chúa Trời có được qua Chúa Giê-su Christ đưa đến kết quả nào?
7 Lúc Chúa Giê-su sanh ra, các thiên sứ hiện đến cùng những người chăn chiên gần Bết-lê-hem, ca ngợi Đức Chúa Trời và nói: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình-an dưới đất, ân-trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:8, 13, 14). Đúng vậy, những ai được Đức Chúa Trời ban ân huệ vì đã đặt đức tin vào sự sắp đặt qua trung gian Con ngài sẽ được bình an. Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là loài người, dù sanh ra trong tội lỗi, có thể được Đức Chúa Trời xem là thanh sạch, có mối liên lạc tốt với ngài (Rô-ma 5:1). Họ có thể có được sự bình an trong tâm hồn tức là sự bình an mà không ai có thể có được bằng cách nào khác. Đến thời kỳ mà Đức Chúa Trời định trước, loài người sẽ được giải cứu khỏi mọi hậu quả của tội lỗi di truyền từ A-đam, kể cả bệnh tật và sự chết. Người ta sẽ không còn bị đui, điếc hoặc què nữa. Những yếu kém làm nản lòng và những rối loạn thần kinh đớn đau sẽ được xóa bỏ vĩnh viễn. Người ta sẽ có thể mãi mãi vui hưởng đời sống trong sự hoàn hảo (Ê-sai 33:24; Ma-thi-ơ 9:35; Giăng 3:16).
8. Đức Chúa Trời ban cho ai sự bình an?
8 Đức Chúa Trời ban cho ai sự bình an? Tất cả những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Sứ đồ Phao-lô viết: ‘Qua đấng Christ, Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến muôn vật hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời, và bởi huyết Chúa Giê-su trên thập-tự-giá, thì đã làm nên hòa-bình’. Sứ đồ nói thêm rằng sự hòa thuận này sẽ bao hàm “muôn vật... trên trời”—tức là những người đồng thừa kế với đấng Christ trên trời. Điều này cũng bao hàm “muôn vật dưới đất”—tức là những người sẽ được đặc ân có cơ hội sống muôn đời trên trái đất này khi cảnh Địa đàng toàn diện được tái lập (Cô-lô-se 1:19, 20). Vì họ đón nhận giá trị hy sinh của Chúa Giê-su và bởi vì họ hết lòng vâng lời Đức Chúa Trời, tất cả những người này đều có thể vui hưởng tình bạn thân thiết với Đức Chúa Trời. (So sánh Gia-cơ 2:22, 23).
9. a) Sự hòa thuận với Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến những mối liên lạc nào khác? b) Với ý định là đem lại hòa bình lâu dài ở khắp nơi, Đức Giê-hô-va đã giao cho Con ngài quyền hành gì?
9 Sự hòa thuận như thế với Đức Chúa Trời thật quan trọng biết bao! Nếu không có sự hòa thuận với Đức Chúa Trời, ắt không thể có sự hòa thuận lâu dài hoặc đầy ý nghĩa trong bất cứ mối liên lạc nào khác. Sự hòa thuận với Đức Giê-hô-va là nền tảng cho hòa bình thật sự trên đất (Ê-sai 57:19-21). Thích hợp thay, Giê-su Christ là Chúa Bình an (Ê-sai 9:5). Đức Giê-hô-va cũng đã giao cho đấng này quyền cai trị Nước Trời và nhờ đấng này mà nhân loại có thể được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 7:13, 14). Và khi đề cập đến những gì mà sự cai trị của Chúa Giê-su sẽ đem lại cho nhân loại, Đức Giê-hô-va hứa: “Sự bình-an của ngài cứ thêm mãi không thôi” (Ê-sai 9:6; Thi-thiên 72:7).
10. Chúa Giê-su nêu gương như thế nào trong việc rao truyền thông điệp bình an của Đức Chúa Trời?
10 Toàn thể nhân loại đều cần đến thông điệp bình an của Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su đã nêu một gương sốt sắng trong việc rao giảng thông điệp đó. Ngài làm như thế trong khuôn viên đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, trên triền núi, dọc đường, cho người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng và tại nhà người dân. Bất cứ nơi nào có người, Chúa Giê-su tạo cơ hội để rao giảng về sự bình an và Nước Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:18, 19; 5:1, 2; 9:9; 26:55; Mác 6:34; Lu-ca 19:1-10; Giăng 4:5-26).
Được huấn luyện để đi theo bước chân đấng Christ
11. Chúa Giê-su huấn luyện các môn đồ làm công việc gì?
11 Chúa Giê-su dạy các môn đồ rao giảng thông điệp bình an của Đức Chúa Trời. Giống như Chúa Giê-su là “Đấng làm chứng thành-tín chơn-thật” của Đức Giê-hô-va, họ hiểu rằng họ cũng có trách nhiệm làm chứng (Khải-huyền 3:14; Ê-sai 43:10-12). Họ xem đấng Christ là Lãnh tụ của họ.
12. Bằng cách nào Phao-lô cho thấy tầm quan trọng của công việc rao giảng?
12 Sứ đồ Phao-lô lý luận về tầm quan trọng của việc rao giảng như sau: “Kinh-thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ-thẹn [thất vọng, NW]”. Tức là không một ai sẽ thất vọng khi đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Christ là đấng Chính yếu mà Đức Giê-hô-va dùng để cứu rỗi nhân loại. Không ai sẽ bị loại bỏ chỉ vì gốc gác chủng tộc của mình, vì Phao-lô có nói thêm: “Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân-biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu-xin Ngài. Vì ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:11-13). Nhưng làm sao người ta sẽ biết về cơ hội này?
13. Việc gì cần phải làm nếu muốn người khác nghe đến tin mừng, và các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đáp ứng nhu cầu này bằng cách nào?
13 Phao-lô lưu ý đến nhu cầu này bằng cách nêu ra các câu hỏi mà mỗi tôi tớ của Đức Giê-hô-va nên suy gẫm. Sứ đồ hỏi: “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao-giảng thể nào?” (Rô-ma 10:14, 15). Lịch sử đạo đấng Christ thời ban đầu chứng tỏ một cách hùng hồn rằng những người đàn ông và đàn bà, cả già lẫn trẻ đã làm theo gương của đấng Christ và của các sứ đồ ngài. Họ đã sốt sắng công bố tin mừng. Noi theo gương Chúa Giê-su, họ rao giảng tại bất cứ nơi nào có người nghe. Không muốn bỏ sót một ai, họ rao giảng giữa công chúng và từ nhà này sang nhà kia (Công-vụ các Sứ-đồ 17:17; 20:20).
14. Câu nói “những bàn chơn” của người rao truyền tin mừng là “tốt-đẹp” được chứng tỏ đúng như thế nào?
14 Dĩ nhiên, không phải ai cũng tử tế tiếp những người rao giảng đạo đấng Christ. Dầu vậy, lời Phao-lô trích nơi Ê-sai 52:7 đã được chứng thực. Sau khi nêu ra câu hỏi: “Nếu chẳng ai sai đi, thì rao-giảng thế nào?” ông nói thêm: “Như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” Phần đông chúng ta không ai nghĩ rằng bàn chân mình đẹp. Vậy lời này có nghĩa gì? Thường thì chính đôi chân giúp người ta đi đây đi đó để rao giảng. Thật ra đôi chân ấy tượng trưng cho con người. Và chúng ta có thể tin chắc rằng, đối với nhiều người nghe tin mừng từ các sứ đồ và môn đồ khác của Chúa Giê-su Christ vào thế kỷ thứ nhất thì các tín đồ đấng Christ này quả thật là đẹp đẽ (Công-vụ các Sứ-đồ 16:13-15). Hơn thế nữa, họ thật quí báu trước mắt Đức Chúa Trời.
15, 16. a) Bằng cách nào các tín đồ đấng Christ thời ban đầu chứng tỏ rằng họ thật sự là sứ giả đưa tin bình an? b) Điều gì có thể giúp chúng ta thi hành thánh chức theo cách mà những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã làm?
15 Những môn đồ của Chúa Giê-su có một thông điệp bình an, và họ rao giảng thông điệp này một cách hòa nhã. Chúa Giê-su dặn dò môn đồ ngài như thế này: “Hễ các ngươi vào nhà nào, trước hết hãy nói rằng: Cầu sự bình-an cho nhà nầy! Nếu nhà đó có người nào đáng được bình-an, sự bình-an của các ngươi sẽ giáng cho họ; bằng không, sẽ trở về các ngươi” (Lu-ca 10:5, 6). Sha·lohmʹ, hoặc “bình-an”, là lời chào hỏi cổ truyền của người Do Thái. Nhưng lời chỉ dẫn của Chúa Giê-su còn bao hàm nhiều hơn thế nữa. Với tư cách là “khâm-sai của đấng Christ”, các môn đồ được xức dầu của ngài khuyên lơn người ta: “Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:20). Phù hợp với lời chỉ dẫn của Chúa Giê-su, họ nói chuyện với người khác về Nước Đức Chúa Trời và ý nghĩa của Nước Trời đối với cá nhân người nghe. Những ai nghe thì được phước; những kẻ bác bỏ thông điệp thì bị thiệt thòi.
16 Ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va cũng thi hành thánh chức theo cách đó. Tin mừng họ mang đến cho người ta không phải là tin mừng của họ, đó là của Đấng đã phái họ đi. Sứ mệnh của họ là rao báo thông điệp này. Nếu chấp nhận thông điệp này, người ta sẽ nhận được nhiều ân phước tuyệt diệu. Nếu bác bỏ thông điệp này, người ta khước từ sự hòa thuận với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con ngài là Chúa Giê-su Christ (Lu-ca 10:16).
Được bình an trong một thế giới đảo điên
17. Ngay cả khi phải đương đầu với những người hay chửi bới, chúng ta phải xử sự thế nào, và tại sao?
17 Dù người ta phản ứng thế nào đi nữa, điều quan trọng là các tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải nhớ kỹ rằng họ là sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời. Người thế gian có thể tranh luận một cách sôi nổi và tỏ sự giận dữ bằng cách nói gay gắt hoặc chửi bới những người làm họ bực mình. Có lẽ một số người trong vòng chúng ta lúc trước cũng làm như vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã mặc lấy nhân cách mới và giờ đây không còn thuộc về thế gian nữa, chúng ta sẽ không làm theo đường lối của họ (Ê-phê-sô 4:23, 24, 31; Gia-cơ 1:19, 20). Bất luận người khác hành động như thế nào, chúng ta vẫn áp dụng lời khuyên: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18).
18. Chúng ta nên đối đáp như thế nào nếu một nhân viên chính phủ tỏ ra khắc nghiệt với chúng ta, và tại sao?
18 Đôi khi vì thánh chức mà chúng ta phải ra trước các nhân viên chính quyền. Họ có thể dựa vào quyền thế mà ‘đòi chúng ta’ giải thích tại sao làm những điều gì đó hoặc tại sao không tham gia vào một hoạt động nào đó. Họ có thể muốn biết tại sao chúng ta rao giảng thông điệp như thế—một thông điệp vạch mặt tôn giáo giả và nói đến sự kết liễu của hệ thống mọi sự hiện tại. Lòng kính trọng của chúng ta đối với gương mẫu của đấng Christ sẽ thúc đẩy chúng ta bày tỏ thái độ hiền hòa và kính trọng sâu xa (I Phi-e-rơ 2:23; 3:15). Các nhân viên ấy thường bị hàng giáo phẩm hoặc có thể là cấp trên của họ làm áp lực. Một lời giải đáp nhẹ nhàng thường có thể giúp họ hiểu rằng hoạt động của chúng ta không phải là mối đe dọa cho họ hoặc cho sự an ninh của cộng đồng. Cách trả lời như thế khiến những người chịu nghe có tinh thần tôn trọng, hợp tác và ôn hòa (Tít 3:1, 2).
19. Nhân-chứng Giê-hô-va không bao giờ tham gia vào những hoạt động nào?
19 Trên khắp thế giới người ta biết Nhân-chứng Giê-hô-va là những người không tham gia vào sự tranh chấp của thế gian. Họ không can dự vào các cuộc xung đột của thế gian về chủng tộc, tôn giáo hoặc chính trị (Giăng 17:14). Bởi vì Lời Đức Chúa Trời dạy bảo chúng ta “phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình”, nên chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến việc tham gia vào các cuộc náo loạn trong dân chúng nhằm phản đối chính sách của nhà cầm quyền (Rô-ma 13:1). Nhân-chứng Giê-hô-va chưa bao giờ tham gia một phong trào nào với mục đích lật đổ chính quyền. Chiếu theo tiêu chuẩn mà Đức Giê-hô-va đặt ra cho tôi tớ ngài là tín đồ đấng Christ, việc tham gia vào những cuộc gây đổ máu hoặc bạo động dưới bất cứ hình thức nào là điều họ không thể nghĩ tới! Tín đồ thật của đấng Christ không những nói về hòa bình mà họ còn sống phù hợp với những gì họ rao giảng.
20. Nói về hòa bình, lịch sử của Ba-by-lôn Lớn cho thấy điều gì?
20 Ngược lại với các tín đồ thật của đấng Christ, những người đại diện cho các tổ chức tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã không chứng minh họ là sứ giả đưa tin bình an. Các tôn giáo thuộc Ba-by-lôn Lớn—các giáo hội tự xưng theo đấng Christ cũng như các tôn giáo không theo đấng Christ—đã dung túng, ủng hộ và quả thật đã dẫn đầu các cuộc chiến giữa các quốc gia. Họ cũng đã xúi giục người ta bắt bớ và ngay cả giết hại các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Bởi vậy, Khải-huyền 18:24 tuyên bố về Ba-by-lôn Lớn: “Ấy chính trong thành nầy, mà đã tìm thấy huyết các đấng tiên-tri, các thánh-đồ, và hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian”.
21. Nhiều người có lòng thành phản ứng thế nào khi họ thấy được sự khác biệt giữa cách đối xử của dân Đức Giê-hô-va và của những kẻ thực hành tôn giáo giả?
21 Không giống như các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và các tôn giáo khác thuộc Ba-by-lôn Lớn, tôn giáo thật là một lực lượng hợp nhất và tích cực. Chúa Giê-su Christ nói với môn đồ thật của ngài: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại đều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Đó là một tình yêu thương vượt qua các ranh giới quốc gia, xã hội, kinh tế và chủng tộc mà hiện nay đang chia rẽ nhân loại. Sau khi nhận thấy điều này, hàng triệu người trên toàn cầu đang nói với các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (Xa-cha-ri 8:23).
22. Chúng ta có quan điểm như thế nào về công việc làm chứng?
22 Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta rất vui mừng về những thành tích đạt được, nhưng công việc chưa hoàn tất. Sau khi gieo giống và canh tác đồng ruộng, nhà nông không nghỉ tay. Ông tiếp tục làm việc, nhất là vào lúc bận rộn nhất trong mùa gặt. Trong mùa gặt người ta cần phải cố gắng liên tục và hăng say. Và ngay bây giờ, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va thật đang được thu nhóm đông đảo hơn bao giờ hết. Đây là thời kỳ để vui mừng (Ê-sai 9:3). Đành rằng chúng ta phải đương đầu với sự chống đối và sự lãnh đạm. Về phương diện cá nhân, chúng ta có thể đang cố gắng đối phó với bệnh tật trầm trọng, tình trạng gia đình khó xử hoặc cảnh túng thiếu. Tuy nhiên tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta kiên trì. Thông điệp mà Đức Chúa Trời giao cho chúng ta rao báo là thông điệp mà người ta cần được nghe. Đó là một thông điệp bình an. Đúng vậy, đó là thông điệp mà chính Chúa Giê-su đã rao giảng—tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Ê-sai 52:7 đã có sự ứng nghiệm nào cho dân Y-sơ-ra-ên xưa?
◻ Chúa Giê-su chứng tỏ như thế nào ngài là sứ giả vĩ đại nhất đưa tin bình an?
◻ Bằng cách nào sứ đồ Phao-lô liên kết Ê-sai 52:7 với việc làm mà các tín đồ đấng Christ tham gia?
◻ Trong thời buổi của chúng ta, làm sứ giả đưa tin bình an bao hàm những gì?
[Các hình nơi trang 13]
Giống như Chúa Giê-su, Nhân-chứng Giê-hô-va là những sứ giả đưa tin bình an của Đức Chúa Trời
[Các hình nơi trang 15]
Dù người ta phản ứng thế nào trước thông điệp Nước Trời, Nhân-chứng Giê-hô-va vẫn ôn hòa