Sự sáng tạo cho thấy “Họ không thể chữa mình được”
“Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (RÔ-MA 1:20).
1, 2. a) Gióp đã phàn nàn cay đắng với Đức Giê-hô-va về điều gì? b) Sau đó Gióp đã nói gì để rút lại lời ông?
GIÓP, một người ngày xưa có sự trung kiên không lay chuyển đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đã bị Sa-tan thử thách nặng nề. Ma-quỉ đã khiến cho Gióp mất hết tài sản, làm cho con trai và con gái ông bị chết và làm ông khổ sở với một chứng bệnh ghê tởm. Gióp nghĩ rằng chính Đức Chúa Trời đem lại những tai họa này cho ông, và ông phàn nàn cay đắng với Đức Giê-hô-va: “Chúa há đẹp lòng đè ép... Sao Chúa tra-hạch gian-ác tôi, tìm-kiếm tội-lỗi tôi, dầu Chúa biết tôi chẳng phải gian-ác?” (Gióp 1:12-19; 2:5-8; 10:3, 6, 7).
2 Sau đó một thời gian, Gióp nói với Đức Chúa Trời những lời hoàn toàn ngược lại những điều trên: “Phải tôi đã nói những đều tôi không hiểu đến, tức các sự lạ-lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông-biết. Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy tôi lấy làm gớm-ghê tôi, và ăn-năn trong tro bụi” (Gióp 42:3, 5, 6). Điều gì đã xảy ra để thay đổi thái độ của Gióp?
3. Gióp có quan niệm mới nào về sự sáng tạo?
3 Khoảng giữa thời gian đó, Đức Giê-hô-va đã đối chất cùng Gióp trong cơn gió bão (Gióp 38:1). Ngài đã hỏi Gióp nhiều câu hỏi. ‘Ngươi ở đâu khi ta dựng nên trái đất? Ai dùng cửa ngăn chận biển và đặt giới hạn cho sóng nước? Ngươi có thể khiến mây làm mưa rơi trên đất không? Ngươi có thể khiến cho cỏ mọc không? Ngươi có thể nối lại các chòm sao và đưa đường dẫn lối cho chúng không?’ Trong suốt các đoạn từ Gióp 38 đến Gióp 41 của sách Gióp, Đức Giê-hô-va dồn dập hỏi Gióp những câu hỏi này và nhiều câu khác nữa về sự sáng tạo của Ngài. Ngài làm cho Gióp thấy một khoảng cách rộng lớn giữa Đức Chúa Trời và loài người, nhắc Gióp về sự khôn ngoan và quyền năng phản ảnh trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, những điều quá khả năng và hiểu biết của Gióp. Sửng sờ trước quyền năng đáng khiếp và sự khôn ngoan vô cùng của Đức Chúa Trời toàn năng, thấy được qua sự sáng tạo của Ngài, Gióp kinh sợ nghĩ rằng ông dám cả gan tranh luận cùng Đức Giê-hô-va. Vì vậy, ông nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài” (Gióp 42:5).
4. Chúng ta nên nhận thức điều gì qua công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va, và những người không thấy thì tình trạng ra sao?
4 Nhiều thế kỷ sau, một người viết Kinh-thánh đã xác định rằng người ta có thể nhìn thấy những đức tính của Đức Giê-hô-va qua công việc sáng tạo của Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết nơi Rô-ma 1:19, 20: “Vì đều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình-bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ đều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn-lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được”.
5. a) Loài người có nhu cầu bẩm sinh nào, và một số người đã thỏa mãn nhu cầu ấy không đúng cách như thế nào? b) Phao-lô khuyên những người Hy Lạp ở A-thên điều gì?
5 Loài người được tạo nên với một nhu cầu bẩm sinh để thờ phượng một quyền lực cao hơn. Bác sĩ C. G. Jung nói trong sách nhan đề “Cái Tôi chưa được khám phá” (The Undiscovered Self) về nhu cầu này là “một thái độ tự nhiên đặc biệt cho loài người, và thái độ này đã thể hiện trong suốt lịch sử loài người”. Sứ đồ Phao-lô nói về sự ao ước bẩm sinh trong con người để thờ phượng, điều này giải thích tại sao những người Hy Lạp ở A-thên làm hình tượng và bàn thờ cho nhiều thần, thần họ biết và không biết. Phao-lô cũng cho họ biết về Đức Chúa Trời thật và cho thấy họ nên thỏa mãn sự ao ước tự nhiên đó cho đúng bằng cách tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật, “hầu cho tìm-kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:22-30). Chúng ta đến gần sự sáng tạo của Ngài chừng nào, thì chúng ta cũng sẽ nhận biết phẩm cách và đức tính của Ngài rõ chừng nấy.
Chu trình lạ lùng của nước
6. Chúng ta thấy đức tính nào của Đức Giê-hô-va qua chu trình của nước?
6 Thí dụ, chúng ta nhận biết đức tính nào của Đức Giê-hô-va trong khả năng làm những đám mây bồng bềnh chứa hàng tấn nước? Chúng ta thấy sự yêu thương và khôn ngoan của Ngài, vì nhờ đó Ngài có thể dùng những trận mưa ban ơn xuống trái đất. Ngài làm thế bằng sự phác họa tuyệt diệu liên quan tới chu trình của nước như Truyền-đạo 1:7 có đề cập: “Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa”. Sách Gióp trong Kinh-thánh nói rõ việc này xảy ra thế nào.
7. Nước biển làm sao lên đến mây, và làm sao đám mây bồng bềnh có thể chứa hàng tấn nước?
7 Vào mùa đông, nước lũ chảy về biển, nhưng nước không ở đó mãi. Đức Giê-hô-va “thâu-hấp các giọt nước; rồi từ sa-mù giọt nước ấy bèn hóa ra mưa”. Bởi vì nước ở thể hơi và cuối cùng thành một làn sương mù, “Người giữ mây thăng bằng, kỳ công của bậc thầy về hiểu biết” (Gióp 36:27; 37:16, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). Mây bay lơ lửng khi nó còn là sương mù: “Ngài ém nước trong các áng mây Ngài, mà áng mây không bứt ra vì nước ấy”. Hoặc một bản dịch khác nói: “Người ghìm nước trong mây và mây đã không nổ tung dưới sự nặng của nước” (Gióp 26:8, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn).
8. “Những bình nước của các từng trời” đổ xuống và chu trình của nước hoàn tất theo tiến trình nào?
8 “Ai nghiêng đổ những bình nước của các từng trời” để khiến mưa rơi trên đất? (Gióp 38:38). Đấng làm “bậc thầy về hiểu biết” đã đặt chúng ở đó từ ban đầu “rồi từ sa-mù giọt nước ấy bèn hóa ra mưa”. Và cần điều gì để làm sa mù thành giọt mưa? Phải cần một chất đặc cực nhỏ, chẳng hạn như hạt bụi hoặc hạt muối—từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn những hạt này trong mỗi phân khối không khí—để làm thành nhân cho những hạt nước nhỏ kết tụ chung quanh. Người ta ước lượng rằng cần có hàng triệu những giọt nước nhỏ trong mây mới làm thành một giọt nước mưa trung bình. Chỉ sau khi qua tiến trình này thì mây mới đổ mưa lũ xuống trái đất và làm thành những dòng suối mà sẽ đổ nước về biển. Như thế, chu trình của nước mới hoàn tất. Và tất cả điều này xảy ra chỉ vì tình cờ chăng? Quả thật là vô lý, “không thể chữa mình được”!
Một nguồn trong sự khôn ngoan của Sa-lô-môn
9. Sa-lô-môn thấy điểm nổi bật nào về một loài kiến?
9 Trong thế giới xưa, Sa-lô-môn có sự khôn ngoan không ai sánh bằng. Phần lớn sự khôn ngoan này liên quan tới sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va: “[Sa-lô-môn] luận về cây-cối, từ cây bá-hương của Li-ban cho đến chùm kinh-giới mọc ra nơi vách; người cũng có luận về loài vật, chim, loài côn-trùng và cá” (I Các Vua 4:33). Và cũng chính Vua Sa-lô-môn này đã viết: “Hỡi kẻ biếng-nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan. Tuy nó không có hoặc quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm-sửa lương-phạn mình trong lúc mùa hè và thâu-trữ vật thực nó trong khi mùa gặt” (Châm-ngôn 6:6-8).
10. Lời miêu tả của Sa-lô-môn về những con kiến thâu trữ được chứng minh là đúng thế nào?
10 Ai đã dạy loài kiến thâu trữ vào mùa hè để nuôi chúng trong mùa đông lạnh lẽo? Hàng bao thế kỷ người ta nghi ngờ sự chính xác trong lời tường thuật của Sa-lô-môn về những con kiến thâu trữ đồ ăn và đem cất để dùng trong mùa đông. Không ai đã tìm thấy bằng chứng của điều này. Tuy nhiên, vào năm 1871, một nhà vạn vật học người Anh khám phá ra kho chứa trong lòng đất của loài kiến và sự kiện này đã chứng minh sự chính xác của Kinh-thánh. Nhưng làm sao các con kiến này thấy trước được trong mùa hè là mùa đông lạnh lẽo sắp đến và có sự khôn ngoan để biết làm gì? Chính Kinh-thánh giải thích rằng nhiều tạo vật của Đức Giê-hô-va có sự khôn ngoan đặt sẵn trong chúng để biết tranh đấu cho sự sống còn. Những con kiến biết thâu trữ nhận được ân phước này từ Đấng tạo ra chúng. Châm-ngôn 30:24 nói về chúng: “Vốn rất khôn-ngoan”. Nói rằng sự khôn ngoan như thế xảy ra bởi vì sự tình cờ là không hợp lý; không nhận biết một Đức Chúa Trời khôn ngoan trong vấn đề này là không thể chữa mình được.
11. a) Tại sao cây cù tùng khổng lồ lại đáng kinh sợ? b) Phản ứng đầu tiên trong sự quang hợp có gì đáng ngạc nhiên?
11 Một người đứng dưới gốc cây cù tùng to lớn, ngạc nhiên trước sự vĩ đại của nó, có thể cảm thấy giống như một con kiến nhỏ. Kích thước của cây này đáng kinh sợ: cao 90 mét, đường kính 11 mét, vỏ cây dầy 6 tấc, rễ cây lan ra hơn một mẫu tây. Tuy nhiên, điều đáng kinh sợ hơn nữa là phản ứng hóa học và vật lý liên hệ đến sự tăng trưởng của nó. Lá cây hút nước từ dưới rễ, lấy cạc-bon từ không khí, và hấp thụ năng lượng mặt trời để biến thành đường và nhả ra dưỡng khí—một tiến trình gọi là quang hợp liên hệ đến 70 phản ứng hóa học mà người ta không hiểu được hết. Điều đáng kinh ngạc là phản ứng đầu tiên tùy thuộc vào ánh sáng mặt trời mà phải đúng màu, đúng độ dài của làn sóng; bằng không phân tử diệp lục tố sẽ không hấp thụ được để bắt đầu tiến trình quang hợp.
12. a) Có điểm gì nổi bật trong việc cây cù tùng dùng nước? b) Tại sao nitrogen cần thiết cho sự tăng trưởng của cây, và chu trình của nó hoàn tất thế nào?
12 Một sự kiện lạ lùng khác là cây cù tùng có thể hút nước từ dưới rễ lên tới ngọn cao vót đến 90 mét. Nhiều nước được hút lên hơn là số lượng cần cho sự quang hợp. Nước thừa được tiết ra qua lá cây đưa vào không khí. Tiến trình này làm cho cây được mát nhờ nước cũng như chúng ta được mát nhờ chảy mồ hôi. Để tạo thành protein cho sự tăng trưởng, cần phải thêm nitrogen vào chất đường, hoặc carbohydrates. Lá cây không thể dùng nitrogen trong thể khí lấy từ không khí, nhưng sinh vật trong đất có thể biến đổi nitrogen trong thể khí ở lòng đất thành chất nitrates và nitrites hòa tan trong nước, để rồi di chuyển từ rễ lên tới lá. Khi cây cối và thú vật mà đã dùng chất nitrogen này trong protein của chúng bị chết và mục rữa thì chất nitrogen này được thoát ra, hoàn tất chu kỳ của nitrogen. Trong các tiến trình này, có rất nhiều sự phức tạp khó hiểu, không phải là chuyện xảy ra vì tình cờ.
Dù không thốt ra lời hoặc chữ hay tiếng nói, chúng vẫn nói!
13. Bầu trời đầy sao nói gì với Đa-vít, và chúng tiếp tục nói gì với chúng ta?
13 Bầu trời về đêm đầy sao phản ảnh một Đấng Tạo hóa đáng kinh sợ biết bao làm cho những người ngắm xem phải tôn kính! Nơi Thi-thiên 8:3, 4, Đa-vít nói lên sự kinh sợ mà ông cảm thấy: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?” Đối với những người có mắt để thấy, tai để nghe và lòng để cảm biết, bầu trời đầy sao nói như chúng nói với Đa-vít: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 19:1-4).
14. Tại sao năng lượng to lớn của một trong các ngôi sao là tối cần cho chúng ta?
14 Chúng ta càng biết nhiều về các ngôi sao thì chúng càng nói với chúng ta to hơn nữa. Lời nơi Ê-sai 40:26 làm chúng ta chú ý đến năng lực mạnh mẽ của các vì sao: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”. Trọng lực và năng lượng to lớn của một trong các ngôi sao là mặt trời có thể giữ trái đất trong quỹ đạo của nó, giúp cho cây cối mọc, sưởi ấm chúng ta và làm cho mọi loài có thể sống trên đất. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn nói: “Vinh-quang của ngôi sao nầy với vinh-quang của ngôi sao kia cũng khác” (I Cô-rinh-tô 15:41). Khoa học biết các ngôi sao màu vàng giống như mặt trời của chúng ta, cũng có những ngôi sao màu xanh, màu đỏ, màu trắng, ngôi sao neutron, và những ngôi sao nổ (supernovas) phát ra một sức mạnh không thể hiểu thấu được.
15. Các nhà phát minh học hỏi và bắt chước điều gì của tạo vật?
15 Nhiều nhà phát minh đã học hỏi từ công việc sáng tạo của Đức Chúa Trời và cố bắt chước khả năng của các sinh vật (Gióp 12:7-10). Hãy chú ý vài khía cạnh nổi bật của công việc sáng tạo. Loài chim biển có tuyến làm nước biển không còn mặn; cá và lươn phát ra điện; cá, sâu bọ và côn trùng phát ra ánh sáng lạnh; dơi và cá heo dùng sô-na; ong võ vẽ làm ra giấy; kiến dựng cầu; rái cá xây đập; rắn có sẵn nhiệt kế trong thân thể của nó; loài côn trùng trong ao dùng ống thở và dụng cụ lặn; và bạch tuộc biết dùng chuyển động do phản lực; nhện làm ra bảy loại mạng nhện và cửa lật, lưới và dây thòng lọng và có nhện con biết cỡi khí cầu, đi xa hàng ngàn dặm và lên khá cao; cá và loài tôm cua dùng bình nổi giống như tàu ngầm; và chim chóc, côn trùng, rùa biển, cá và loài có vú có thể thực hiện những kỳ công di trú—những khả năng quá sức giải thích của khoa học.
16. Kinh-thánh ghi lại các sự thật khoa học nào từ hàng ngàn năm trước khi khoa học khám phá ra chúng?
16 Kinh-thánh ghi lại các sự thật khoa học hàng ngàn năm trước khi khoa học biết những điều đó. Luật pháp Môi-se (thế kỷ thứ 16 trước công nguyên) phản ảnh sự ý thức về vi trùng gây bệnh tật hàng ngàn năm trước ông Pasteur (Lê-vi Ký, đoạn 13, 14). Vào thế kỷ 17 trước công nguyên, Gióp nói: “Chúa... treo trái đất trong khoảng không-không” (Gióp 26:7). Một ngàn năm trước khi có đấng Christ, Sa-lô-môn đã viết về sự tuần hoàn của máu; y khoa phải đợi đến thế kỷ 17 mới biết được việc này (Truyền-đạo 12:6). Trước đó, Thi-thiên 139:16 phản ảnh sự ý thức về cơ cấu di truyền: “Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô-hình của tôi, số các ngày định cho tôi đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”. Vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trước khi các nhà vạn vật học hiểu về sự di trú, Giê-rê-mi viết nơi Giê-rê-mi 8:7: “Chim hạt giữa khoảng-không tự biết các mùa nhất-định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở”.
“Đấng Tạo hóa” mà các nhà tiến hóa chọn
17. a) Rô-ma 1:21-23 nói gì về một số người từ chối không nhìn nhận một Đấng Tạo hóa thông minh trong các kỳ công sáng tạo? b) Thực ra, các người theo thuyết tiến hóa chọn những gì là “tạo hóa” của họ?
17 Một câu Kinh-thánh nói về những người từ chối không nhận thức một Đấng Tạo hóa thông minh đã tạo ra các kỳ công trong vũ trụ: “[Họ] cứ lầm-lạc trong lý-tưởng hư-không, và lòng ngu-dốt đầy những sự tối-tăm. Họ tự xưng mình là khôn-ngoan, mà trở nên điên-dại; họ đã đổi vinh-hiển của Đức Chúa Trời không hề hư-nát lấy hình-tượng của loài người hay hư-nát, hoặc của điểu, thú, côn-trùng”. Họ “đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối-trá, kính-thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên” (Rô-ma 1:21-23, 25). Tương tự với các nhà khoa học tin thuyết tiến hóa là những người thực ra đã tôn vinh một dọc dài các loài vật mà họ tưởng tượng đã tiến hóa từ loài vi sinh vật đơn bào—côn trùng—cá—loài lưỡng thê—loài bò sát—loài có vú—“người khỉ” mà họ coi như “tạo hóa” của họ. Tuy nhiên họ biết rằng không có một sinh vật đơn bào nào để bắt đầu một dọc dài như thế. Loài sinh vật đơn giản nhất có một trăm tỷ nguyên tử, với hàng ngàn phản ứng hóa học đồng loạt xảy ra bên trong nó.
18, 19. a) Ai là Đấng chính đáng có công trạng bắt nguồn sự sống? b) Chúng ta có thể thấy bao nhiêu trong số các vật do Đức Giê-hô-va sáng tạo?
18 Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên sự sống (Thi-thiên 36:9). Ngài là Đấng Làm thành đầu tiên. Danh Ngài, Đức Giê-hô-va, có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”. Tạo vật của Ngài không thể đếm hết được. Chắc chắn có hơn hàng triệu tạo vật mà loài người chưa biết đến. Thi-thiên 104:24, 25 ám chỉ về điều này: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan”. Gióp 26:14 nói rõ về điều này: “Kìa, ấy chỉ là biên giới của các đường lối Ngài; ta được nghe tiếng nói về Chúa xằm-xì nhỏ thay! Nhưng ai hiểu rõ tiếng sấm của quyền-năng Ngài?” Chúng ta thấy vài biên giới, chúng ta nghe vài tiếng xằm xì nhưng không thể nào hiểu rõ hết tiếng sấm của quyền năng Ngài.
19 Tuy nhiên, chúng ta có một nguồn khác để nhìn thấy Ngài tốt hơn là qua sự sáng tạo vật chất của Ngài. Nguồn tốt hơn này là Lời của Ngài, Kinh-thánh. Để biết nguồn đó, giờ đây chúng ta hãy xem bài tiếp theo đây.
Bạn có nhớ không?
◻ Gióp học được điều gì khi Đức Giê-hô-va nói với ông trong cơn gió bão?
◻ Tại sao Phao-lô nói một số người không thể chữa mình được?
◻ Chu trình của nước đi theo cách nào?
◻ Ánh sáng mặt trời làm các điều quan trọng nào cho chúng ta?
◻ Kinh-thánh tiết lộ các sự thật khoa học nào trước khi khoa học khám phá ra chúng?