Gia đình tín đồ Đấng Christ giúp người già cả
“Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn” (THI-THIÊN 71:9).
1. Trong nhiều xứ những người già bị đối xử thế nào?
“TỜ Wall Street Journal nói: “Sự thăm dò cho thấy trong bảy người già bị bạc đãi thì gần sáu người (86%) bị chính gia đình họ đối xử tệ bạc”. Một tạp chí (Modern Maturity) nói: “Sự bạc đãi người già chỉ là [sự hung bạo gia đình] mới nhất mà được đăng lên báo chí trong nước [Hoa Kỳ]”. Đúng vậy, trong nhiều xứ những người già đã trở thành nạn nhân của sự đối xử tệ bạc và bị bỏ bê. Thời kỳ của chúng ta quả thật có nhiều người “tư-kỷ... bội-bạc, không tin-kính, vô-tình” (II Ti-mô-thê 3:1-3).
2. Theo Kinh-thánh phần Hê-bơ-rơ, Đức Giê-hô-va xem người già cả thế nào?
2 Thế nhưng, trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa người ta không được phép đối xử với những người già cả như thế. Luật pháp nói: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả, và kính-sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va”. Quyển sách có những câu châm ngôn khôn ngoan được soi dẫn khuyên chúng ta: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”. Kinh-thánh phán: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”. Luật Môi-se dạy kính trọng và quan tâm đến người già cả thuộc hai phái. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va muốn người già cả được trọng đãi (Lê-vi Ký 19:32; Châm-ngôn 1:8; 23:22).
Chăm sóc người già cả trong thời Kinh-thánh được viết ra
3. Giô-sép bày tỏ lòng trắc ẩn đối với cha già như thế nào?
3 Sự tôn kính không phải chỉ bày tỏ qua lời nói nhưng cũng bằng những hành động ân cần. Giô-sép bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người cha già. Ông muốn Gia-cốp đi từ Ca-na-an đến Ê-díp-tô, một đoạn đường dài hơn 300 cây số. Vì thế Giô-sép sai người đem cho Gia-cốp “mười con lừa chở các vật quí nhứt trong xứ Ê-díp-tô, mười con lừa cái chở lúa, bánh, và lương-thực để dành dùng khi cha đi đường”. Khi Gia-cốp đến Gô-sen, Giô-sép đến đón ông và “ôm choàng lấy người và khóc một hồi lâu”. Giô-sép đã bày tỏ sự kính mến sâu xa đối với cha. Sự quan tâm đến người già cả này thật là một gương rất khích lệ! (Sáng-thế Ký 45:23; 46:5, 29).
4. Tại sao Ru-tơ là gương tốt để chúng ta theo?
4 Một gương tốt đẹp khác mà chúng ta nên theo trong việc đối xử tử tế với người già cả là gương của Ru-tơ. Mặc dù là người ngoại, nàng gắn bó với mẹ chồng là người Do Thái góa bụa Na-ô-mi. Nàng từ bỏ dân sự mình và đánh liều dù có thể không kiếm được người chồng khác. Khi Na-ô-mi thúc giục nàng trở về với dân sự của nàng, Ru-tơ trả lời bằng một trong những lời hay nhất trong Kinh-thánh: “Xin chớ nài tôi phân-rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân-cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” (Ru-tơ 1:16, 17). Ru-tơ cũng bày tỏ đức tính tốt khi nàng sẵn sàng lấy người lớn tuổi là Bô-ô theo sự sắp đặt hôn nhân lấy anh em của người chồng quá cố (Ru-tơ đoạn 2 đến 4).
5. Khi đối xử với người khác, Giê-su bày tỏ các đức tính nào?
5 Giê-su đã làm gương tương tự như thế trong cách cư xử với người khác. Ngài kiên nhẫn, có lòng trắc ẩn, tử tế, và làm người ta dễ chịu. Ngài chú ý đến một người nghèo bị tàn tật, không thể đi được trong 38 năm và ngài chữa lành cho người đó. Ngài cũng quan tâm đến những người góa bụa (Lu-ca 7:11-15; Giăng 5:1-9). Ngay trong lúc hấp hối và bị đau đớn cùng cực trên cây khổ hình, ngài cũng lo liệu sao cho mẹ ngài, có lẽ vừa ngoài 50 tuổi, có người chăm sóc. Giê-su làm mọi người thoải mái ngoại trừ những kẻ thù giả hình của ngài. Vì vậy, ngài có thể nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 9:36; 11:28, 29; Giăng 19:25-27).
Ai xứng đáng được quan tâm?
6. a) Ai đáng được chăm sóc đặc biệt? b) Chúng ta nên tự hỏi các câu hỏi nào?
6 Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời và con Ngài là Giê-su Christ làm gương tốt cho chúng ta về vấn đề quan tâm đến người khác, điều thích hợp là các tín đồ đấng Christ đã dâng mình nên bắt chước theo gương mẫu của hai Đấng này. Trong vòng chúng ta có những người mệt mỏi và bị gánh nặng trong nhiều năm, đó là các anh chị già cả đang ở trong tuổi xế chiều. Một số người có thể là cha mẹ hoặc ông bà của chúng ta. Chúng ta có coi thường họ không? Chúng ta có lên giọng kẻ cả và hách dịch với họ không? Hay là chúng ta thành thật quí trọng sự giàu kinh nghiệm và khôn ngoan của họ? Đành rằng một số người già thường hay giở chứng và có các nhược điểm mà có thể thử lòng kiên nhẫn của chúng ta. Nhưng bạn hãy tự hỏi: ‘Tôi có khác gì không nếu ở trong hoàn cảnh đó?’
7. Câu chuyện nào cho thấy ta phải có lòng thấu cảm đối với người lớn tuổi?
7 Có một câu chuyện rất cảm động ở Trung Đông về một cô bé có lòng trắc ẩn đối với người già cả. Bà ngoại của cô bé đang giúp việc trong nhà bếp và lỡ tay đánh rơi cái dĩa sứ xuống đất, và dĩa bị bể. Bà bực bội về sự vụng về của chính mình, nhưng con gái của bà lại càng bực tức hơn. Người con này bèn gọi con gái nhỏ của mình và sai nó đến tiệm gần nhà để mua cho bà ngoại một dĩa bằng gỗ không bể được. Đứa bé gái trở về với hai cái dĩa gỗ. Người mẹ hỏi: “Tại sao con mua hai dĩa?” Cô bé ngập ngừng, rồi trả lời: “Một cái cho bà ngoại và cái kia cho mẹ khi mẹ già”. Đúng vậy, trong thế gian này tất cả chúng ta rồi cũng phải già. Chẳng phải chúng ta thích được đối xử với lòng kiên nhẫn và tử tế hay sao? (Thi-thiên 71:9).
8, 9. a) Chúng ta nên đối xử ra sao với những người lớn tuổi chung quanh chúng ta? b) Một số người mới trở thành tín đồ đấng Christ cần nhớ gì?
8 Chớ bao giờ quên rằng nhiều anh chị già nua của chúng ta là những tín đồ đấng Christ trung thành có một quá trình hoạt động lâu dài. Chắc chắn họ đáng cho chúng ta tôn trọng và quan tâm, giúp đỡ và khích lệ. Một người khôn ngoan đã nói rất đúng: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”. Và chúng ta nên tôn trọng các cụ già tóc bạc đó. Một số những người lớn tuổi này vẫn còn phụng sự với tư cách là những người tiên phong trung thành, và nhiều anh vẫn còn tiếp tục làm trưởng lão trong hội thánh một cách trung thành; một số người làm công việc giám thị lưu động (Châm-ngôn 16:31).
9 Phao-lô khuyên bảo Ti-mô-thê: “Chớ quở nặng người già-cả, nhưng hãy khuyên-dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em, đờn-bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu-nữ như chị em, mà phải lấy cách thanh-sạch trọn-vẹn” (I Ti-mô-thê 5:1, 2). Những người từ thế gian bất kính mới đến kết hợp với hội thánh tín đồ đấng Christ nên đặc biệt nhớ kỹ lời của Phao-lô, là những lời đặt trên tình yêu thương. Hỡi các bạn trẻ, đừng bắt chước thái độ xấu mà các em thấy ở trường. Đừng bực tức khi nghe những lời khuyên bảo ân cần của các Nhân-chứng lớn tuổi (I Cô-rinh-tô 13:4-8; Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11). Tuy nhiên, khi người già cả cần sự giúp đỡ vì sức khỏe kém hoặc gặp trở ngại về tài chánh, ai là người trước nhất có trách nhiệm giúp đỡ họ?
Vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người già cả
10, 11. a) Theo Kinh-thánh, ai nên dẫn đầu trong việc chăm sóc người già cả? b) Tại sao chăm sóc người già cả không luôn luôn là chuyện dễ?
10 Trong hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu, có những vấn đề xảy ra về việc chăm sóc người góa bụa. Sứ đồ Phao-lô nói gì về cách phải đáp ứng nhu cầu này? “Hãy kính những người đờn-bà góa thật là góa. Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:3, 4, 8).
11 Trong lúc cần, những người thân cận trong gia đình phải là người đầu tiên giúp đỡ người già cả.a Bằng cách này những con cái đã lớn có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với những năm tháng yêu thương, cần cù, và chăm sóc mà cha mẹ đã dành cho họ. Điều này có lẽ không phải dễ. Khi người ta già đi thì họ tự nhiên chậm lại và thậm chí một số người mất hết sức lực. Một số người khác có thể trở nên quá chú ý về mình và hay đòi hỏi, có lẽ không ý thức mình đã làm thế. Nhưng khi chúng ta còn là em bé, chẳng phải chính chúng ta cũng chỉ biết có mình và hay đòi hỏi sao? Và chẳng phải cha mẹ đã sốt sắng giúp đỡ chúng ta hay sao? Bây giờ mọi sự đã thay đổi khi họ già yếu. Vậy thì cần phải có điều gì? Cần có lòng trắc ẩn và kiên nhẫn. (So sánh I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8).
12. Cần có đức tính nào để chăm sóc người lớn tuổi—và tất cả những người khác trong hội thánh tín đồ đấng Christ?
12 Sứ-đồ Phao-lô đã khuyên bảo thực tiển khi ông viết: “Vậy anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”. Nếu chúng ta phải bày tỏ lòng trắc ẩn và tình yêu thương thể ấy trong hội thánh, chẳng phải chúng ta càng nên bày tỏ nhiều hơn nữa trong gia đình hay sao? (Cô-lô-se 3:12-14).
13. Ngoài cha mẹ và ông bà già cả, ai có thể cần được giúp đỡ?
13 Đôi khi loại giúp đỡ này rất cần không những cho cha mẹ hay ông bà nhưng còn cho những người thân thuộc già yếu nữa. Một số những người già không con cái đã phụng sự nhiều năm trong công việc giáo sĩ, làm thánh chức lưu động và công việc trọn thời gian khác. Họ hết lòng đặt Nước Trời lên hàng đầu trọn cả đời họ (Ma-thi-ơ 6:33). Vậy thì chẳng phải là thích hợp hay sao để bày tỏ tinh thần quan tâm đối với họ? Chắc chắn chúng ta có gương mẫu tốt về phương diện này khi xem cách Hội Tháp Canh chăm sóc những thành viên Bê-tên già cả. Tại trụ sở trung ương ở Brooklyn và một số chi nhánh của Hội, những thành viên trong gia đình Bê-tên được huấn luyện và giao phó cho nhiệm vụ hằng ngày chăm sóc nhiều anh chị già cả. Họ vui mừng chăm sóc những người già cả này như thể các người này là cha mẹ hoặc ông bà của họ. Đồng thời kinh nghiệm của những người già cả giúp họ học hỏi được rất nhiều (Châm-ngôn 22:17).
Vai trò của hội thánh trong việc chăm sóc
14. Trong hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu, có sự sắp đặt nào để cung cấp cho người già cả?
14 Ngày nay, nhiều xứ có chương trình hưu trí cũng như trợ cấp y tế cho người già cả do nhà nước tài trợ. Các tín đồ đấng Christ có thể tận dụng những quyền lợi này ở những nơi mà họ có quyền hưởng. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ nhất không có những sự cung cấp này. Vì vậy, hội thánh tín đồ đấng Christ phải tích cực giúp đỡ những người góa bụa nghèo túng. Sứ-đồ Phao-lô chỉ bảo: “Cho được ghi tên vào sổ đờn-bà góa [để hội thánh giúp đỡ], thì người đờn-bà phải đủ sáu mươi tuổi, vốn chỉ có một chồng mà thôi, phải là người được tiếng khen vì việc phước-đức mình, như đã nuôi con-cái, đãi-đằng khách lạ, rửa chơn thánh-đồ, cứu-giúp kẻ khốn-nạn, và làm đủ các việc phước-đức”. Như vậy, Phao-lô cho thấy rằng hội thánh cũng có vai trò giúp đỡ người già cả. Những người đàn bà có tính thiêng liêng nhưng không có con cái theo đạo thì hội đủ điều kiện để nhận sự giúp đỡ như thế (I Ti-mô-thê 5:9, 10).
15. Tại sao người già cả có thể cần được giúp đỡ để xin trợ cấp chính phủ?
15 Nơi nào mà có nhà nước cung cấp cho những người già thì thường phải điền nhiều giấy tờ làm cho họ nản chí. Trong những trường hợp như thế, điều thích hợp là giám thị trong hội thánh nên sắp xếp để giúp cho người già cả có thể làm đơn xin, lãnh tiền hoặc ngay cả xin thêm trợ cấp đó. Đôi khi sự thay đổi hoàn cảnh có thể làm tăng tiền hưu trí. Nhưng cũng có nhiều điều thực tế khác mà các giám thị có thể sắp đặt để chăm sóc những người già cả. Một số các điều đó là gì?
16, 17. Chúng ta có thể tỏ lòng hiếu khách đối với người già cả trong hội thánh bằng những cách nào?
16 Bày tỏ sự hiếu khách là một phong tục có từ thời Kinh-thánh được viết ra. Cho đến ngày nay, trong nhiều xứ ở Trung Đông, người ta vẫn tiếp đãi người lạ, tệ nhất cũng là mời uống một ly trà hoặc cà phê. Vì vậy, không có điều gì ngạc nhiên khi Phao-lô viết: “Hãy cung-cấp sự cần-dùng cho các thánh-đồ; hãy ân-cần tiếp khách” (Rô-ma 12:13). Chữ tiếp khách trong tiếng Hy Lạp là phi·lo·xe·niʹa, theo nghĩa đen là “yêu thương (trìu mến hoặc tử tế với) người lạ”. Nếu một tín đồ đấng Christ tiếp đãi người lạ được thì lẽ nào anh lại không tỏ lòng hiếu khách nhiều hơn nữa đối với anh em cùng đức tin? Được mời đến nhà người khác ăn cơm là một sự thay đổi không khí cho người lớn tuổi. Nếu bạn muốn được nghe lời khôn ngoan và kinh nghiệm tại buổi họp mặt chung vui, hãy mời cả những người già nữa. (So sánh Lu-ca 14:12-14).
17 Có nhiều cách để khuyến khích những người già. Khi chúng ta sắp đặt một nhóm đi chung xe đến Phòng Nước Trời hoặc đi hội nghị, có người lớn tuổi nào muốn đi cùng hay không? Đừng đợi họ hỏi chúng ta. Hãy mời họ đi cùng. Một sự giúp đỡ thực tế khác là đi mua sắm đồ cho họ. Hoặc nếu họ đi được, chúng ta có thể nào mời họ cùng đi với chúng ta trong lúc mua sắm không? Nhưng hãy nhớ tìm chỗ cho họ nghỉ ngơi, giải lao và giải quyết nhu cầu nếu cần. Chắc chắn chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn và nhân từ, nhưng lòng biết ơn chân thành của họ có thể làm chúng ta thỏa nguyện (II Cô-rinh-tô 1:11).
Ân phước tốt lành cho hội thánh
18. Tại sao những người lớn tuổi là ân phước cho hội thánh?
18 Thật là ân phước biết bao khi thấy những người tóc bạc (và sói đầu vì tuổi cao) trong hội thánh! Điều này có nghĩa là giữa đám người trẻ đầy sinh lực, chúng ta có xen kẻ những người có sự khôn ngoan và kinh nghiệm, một ân phước thực sự cho bất cứ hội thánh nào. Sự hiểu biết của họ giống như nước tươi mát múc từ giếng lên. Giống như Châm-ngôn 18:4 diễn tả: “Lời nói của miệng loài người là giống như nước sâu; nguồn của sự khôn-ngoan khác nào cái khe nước chảy”. Thật là khích lệ biết bao cho những người già khi họ cảm thấy được người khác ưa thích và quí mến! (So sánh Thi-thiên 92:14).
19. Một số người đã hy sinh cho cha mẹ già như thế nào?
19 Một số người phụng sự trọn thời gian cảm thấy họ cần phải bỏ đặc ân này để trở về nhà chăm sóc cha mẹ già bị bệnh. Họ hy sinh cho những người mà ngày trước đã hy sinh cho họ. Một cặp vợ chồng trước kia là giáo sĩ và vẫn còn làm công việc phụng sự trọn thời gian, đã trở về nhà để chăm sóc cha mẹ già yếu. Họ làm điều này trong hơn 20 năm. Bốn năm trước, mẹ của anh ấy phải được đưa vào viện dưỡng lão. Anh ấy, bây giờ đã hơn 60 tuổi, mỗi ngày đều đến thăm người mẹ 93 tuổi. Anh giải thích: “Làm sao tôi có thể bỏ mẹ được? Đó là mẹ của tôi!” Trong những trường hợp khác, hội thánh hoặc cá nhân nào đó tình nguyện để chăm nom người lớn tuổi hầu cho con cái họ có thể tiếp tục phục vụ trong thánh chức. Tình yêu thương bất vị kỷ này rất đáng ca ngợi. Mỗi trường hợp cần được giải quyết riêng một cách chu đáo bởi vì chúng ta không nên bỏ bê người già cả. Hãy tỏ cho thấy bạn yêu thương cha mẹ già của bạn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Ê-phê-sô 6:2, 3).
20. Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta gương mẫu nào trong việc chăm sóc người già cả?
20 Quả thật, các anh chị lớn tuổi của chúng ta là ân phước tốt đẹp cho gia đình hoặc hội thánh. Đức Giê-hô-va nói: “Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh-vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng-ẵm và giải-cứu các ngươi”. Mong sao chúng ta bày tỏ cùng một sự kiên nhẫn và quan tâm đối với các anh chị già cả trong gia đình tín đồ đấng Christ (Ê-sai 46:4; Châm-ngôn 16:31).
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về những gì mà người trong gia đình có thể làm để giúp người già cả, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-6-1987, trang 13-18.
Bạn có nhớ không?
◻ Chúng ta có gương mẫu nào trong Kinh-thánh về việc chăm sóc người già cả?
◻ Chúng ta nên đối xử với người già cả như thế nào?
◻ Những người trong gia đình có thể chăm sóc các người thân lớn tuổi như thế nào?
◻ Hội thánh có thể làm gì để giúp người già cả?
◻ Tại sao các người già cả là ân phước cho tất cả chúng ta?
[Hình nơi trang 21]
Ru-tơ bày tỏ sự nhân từ và kính trọng đối với bà lão Na-ô-mi
[Hình nơi trang 22]
Những người già là đáng quí trong hội thánh