Gia đình tín đồ Đấng Christ sinh hoạt với nhau
“Hỡi anh em, tôi... khuyên anh em... phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (I CÔ-RINH-TÔ 1:10).
1. Nói về sự hợp nhất, nhiều gia đình ở trong tình trạng nào?
GIA ĐÌNH bạn có hợp nhất không? Hay là mỗi người đi một nẻo? Bạn có sinh hoạt chung với nhau không? Hay là ít khi tất cả gặp lại chung một chỗ và cùng một lúc? Chính chữ “gia đình” ám chỉ một nhà hợp nhất.a Tuy nhiên, không phải tất cả mọi gia đình đều hòa hợp. Một nhà diễn thuyết người Anh đã nói đến độ này: “Thay vì là nền tảng của một xã hội tốt, gia đình... lại là nguồn của mọi sự bất mãn của chúng ta”. Điều này có đúng cho gia đình bạn không? Nếu đúng, tại sao gia đình lại phải như vậy chứ?
2. Những nhân vật nào trong Kinh-thánh cho thấy họ đến từ gia đình tốt?
2 Sự hòa hợp hay không hòa hợp của một gia đình thường tùy thuộc vào sự lãnh đạo trong gia đình, dù là có hai cha mẹ hay chỉ có một người làm cha mẹ. Trong thời Kinh-thánh được viết ra, những gia đình hợp nhất cùng nhau trong sự thờ phượng hưởng được ân phước của Đức Giê-hô-va. Trường hợp này là đúng trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, nơi mà con gái của Giép-thê, Sam-sôn và Sa-mu-ên, mỗi người một cách đã cho thấy là họ xuất thân từ những gia đình tin kính (Các Quan Xét 11:30-40; 13:2-25; I Sa-mu-ên 1:21-23; 2:18-21). Vào thời ban đầu của đạo đấng Christ, Ti-mô-thê, bạn đồng hành trung thành của Phao-lô trong một vài chuyến hành trình giảng đạo, đã được bà ngoại là Lô-ít và mẹ là Ơ-nít dạy cho biết phần Kinh-thánh Hê-bơ-rơ. Ông đã trở thành một môn đồ và một giáo sĩ xuất sắc biết bao! (Công-vụ các Sứ-đồ 16:1, 2; II Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15; cũng xem Công-vụ các Sứ-đồ 21:8, 9).
Tại sao sinh hoạt chung với nhau?
3, 4. a) Chúng ta phải thấy rõ các đức tính nào trong một gia đình hợp nhất? b) Một tổ ấm khác với một căn nhà ở chỗ nào?
3 Tại sao gia đình sinh hoạt chung với nhau đem lại lợi ích? Bởi vì điều đó giúp cho có được sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Thay vì người này cách biệt với người kia, chúng ta gần gũi với nhau và nâng đỡ nhau. Mới đây một bài trong tạp chí “Sự liên hệ gia đình” (Family Relations) có nói: “Chúng ta thấy một hình ảnh tương đối rõ ràng khi miêu tả các đặc tính rõ rệt của ‘những gia đình vững mạnh’. Những đức tính đó gồm có sự cam kết giúp đỡ nhau và quí trọng lẫn nhau, sự khắng khít, liên lạc tốt, khả năng giải quyết vấn đề và một tầm mức thiêng liêng vững mạnh”.
4 Khi có những đức tính này trong một gia đình, thì mái nhà không còn giống như một trạm xăng, một nơi để dừng lại đổ xăng. Nó không phải chỉ là một căn nhà mà thôi. Nó là một nơi mời mọc và thu hút những người trong gia đình. Đó là nơi trú náu có sự ấm cúng và yêu thương, có sự thương xót và thông cảm (Châm-ngôn 4:3, 4). Đó là một tổ ấm mà người ta tìm thấy sự hòa hợp trong gia đình chứ không phải là hang bò cạp đầy tranh cạnh và chia rẽ. Nhưng làm sao đạt được điều này?
Gia đình cùng học hỏi với nhau
5. Chúng ta vận dụng điều gì để học biết sự thờ phượng thật?
5 Chúng ta học biết sự thờ phượng thật đối với Đức Giê-hô-va nhờ khả năng suy luận của chúng ta (Rô-ma 12:1). Chúng ta không nên để cho những xúc động nhất thời điều khiển hành vi của mình giống như những người bị kích động vì nghe những bài diễn thuyết hùng hồn và các cách giảng đạo khoác lác trên máy truyền hình. Thay vì thế, chúng ta được khuyến khích nhờ sự học hỏi đều đặn cùng với sự suy gẫm về Kinh-thánh và các sách báo dựa trên Kinh-thánh cung cấp bởi lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45). Chúng ta hành động theo đấng Christ khi có được tâm thần của đấng Christ trong bất cứ hoàn cảnh hoặc thử thách nào có thể xảy ra cho chúng ta. Về phương diện này, Đức Giê-hô-va là Đấng Dạy dỗ Vĩ đại của chúng ta (Thi-thiên 25:9; Ê-sai 54:13; I Cô-rinh-tô 2:16).
6. Chúng ta có gương mẫu nào trên thế giới về việc học hỏi gia đình?
6 Sự học hỏi Kinh-thánh gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mỗi gia đình tín đồ đấng Christ có sức khỏe thiêng liêng tốt. Khi nào thì gia đình bạn học hỏi với nhau? Nếu không dự tính trước hoặc quyết định bất chợt thì khó có thể nào đều đặn được. Sự học hỏi chung của gia đình đòi hỏi một thời khóa biểu đều đặn và nhất định. Như thế thì tất cả mọi người sẽ biết ngày nào và giờ nào họ phải có mặt để cùng gia đình thưởng thức các điều thiêng liêng. Hơn 12.000 thành viên của gia đình Bê-tên trên thế giới biết họ có buổi học hỏi chung với gia đình vào mỗi tối Thứ Hai. Thật là khích lệ cho những người tình nguyện trong gia đình Bê-tên nhớ rằng họ cùng học một bài học sau ngày làm việc, từ các đảo của Thái Bình Dương và Tân Tây Lan, rồi đến Úc Châu, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông và sau đó ngang qua Á Châu, Phi Châu, Âu Châu và cuối cùng đến Mỹ Châu. Mặc dù bị ngăn cách qua hàng ngàn dặm và nhiều ngôn ngữ, sự học hỏi gia đình này khiến cho các thành viên thuộc gia đình Bê-tên có cảm giác hợp nhất. Trên bình diện nhỏ hơn, bạn có thể vun trồng cùng một cảm giác qua sự học hỏi Kinh-thánh của gia đình (I Phi-e-rơ 2:17; 5:9).
7. Theo Phi-e-rơ, chúng ta nên xem lời lẽ thật như thế nào?
7 Sứ-đồ Phi-e-rơ khuyên chúng ta: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt-ngào” (I Phi-e-rơ 2:2, 3). Những lời này gợi lên một hình ảnh đẹp đẽ biết bao! Ông dùng động từ Hy Lạp e·pi·po·theʹsa·te, theo một sách về ngôn ngữ (Linguistic Key to the Greek New Testament) thì động từ này đến từ một chữ có nghĩa “mong đợi, mong muốn, thèm muốn”. Chữ này ám chỉ đến ước muốn mãnh liệt. Bạn có bao giờ để ý thấy một con thú sơ sinh thèm khát đi tìm vú mẹ và một em bé thỏa lòng biết bao khi được bú sữa mẹ? Chúng ta nên có một lòng ước muốn giống như thế đối với lời của lẽ thật. Học giả về tiếng Hy Lạp William Barclay nói: “Đối với người thành tâm theo đạo đấng Christ, việc học hỏi lời của Đức Chúa Trời không phải là một công việc nặng nhọc nhưng là một điều thích thú, vì người đó biết rằng lòng mình sẽ tìm được trong đó những điều bổ dưỡng mà mình hằng mong ước”.
8. Người chủ gia đình có trách nhiệm khó khăn nào trong việc điều khiển buổi học hỏi gia đình?
8 Sự học hỏi gia đình đặt một trách nhiệm lớn trên người chủ gia đình. Ông phải làm sao cho buổi học hỏi gây hứng thú cho mọi người để tất cả có thể tham gia vào. Các con cái không nên cảm thấy rằng buổi học hỏi thực ra chỉ dành cho những người lớn mà thôi. Phẩm chất của buổi học quan trọng hơn là số lượng tài liệu học được. Hãy làm cho Kinh-thánh sống động. Khi thấy thích hợp, hãy giúp con cái hình dung những vùng và đặc điểm của xứ Pha-lê-tin nơi mà những biến cố đang bàn luận đã xảy ra. Nên khuyến khích tất cả tra cứu riêng và chia xẻ các điểm đó với gia đình. Bằng cách này con cái cũng có thể ‘khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va’ (I Sa-mu-ên 2:20, 21).
Cùng đi rao giảng tin mừng với nhau
9. Làm sao chúng ta có thể làm công việc rao giảng thành một kinh nghiệm vui vẻ cho gia đình?
9 Giê-su nói: “Nhưng trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã” (Mác 13:10). Qua những lời này chúng ta thấy mỗi một tín đồ đấng Christ có một nhiệm vụ: rao giảng tin mừng, chia xẻ tin mừng về sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời với người khác. Cả gia đình cùng nhau làm công việc này có thể có được kinh nghiệm khích lệ và vui mừng. Các cha mẹ hãnh diện về cách con cái mình trình bày tin mừng. Một cặp vợ chồng với ba đứa con tuổi từ 15 đến 21 nói rằng họ luôn luôn có thói quen đi rao giảng cùng với con cái mỗi Thứ Tư sau giờ tan học và mỗi sáng Thứ Bảy. Người cha nói: “Mỗi lần đi chung, chúng tôi đều dạy các con. Và chúng tôi cố sao để có được kinh nghiệm vui mừng và khích lệ”.
10. Làm sao cha mẹ có thể giúp ích cho con cái trong thánh chức?
10 Cả gia đình cùng nhau làm công việc rao giảng và dạy dỗ có thể đạt được nhiều kết quả. Đôi khi người ta đáp ứng tích cực hơn đối với lời trình bày đơn giản nhưng chân thật của một đứa trẻ. Rồi thì cha hay mẹ giúp thêm nếu cần. Cha mẹ cố sao cho con cái được huấn luyện liên tục và nhờ thế trở nên những người rao giảng “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. Cùng nhau rao giảng theo cách này cho cha mẹ cơ hội quan sát thái độ, sự hữu hiệu và tư cách của con họ trong thánh chức. Nhờ thói quen đều đặn này họ thấy được sự tiến bộ của con họ và dạy dỗ cùng khuyến khích chúng để làm vững mạnh đức tin của chúng. Đồng thời con cái thấy cha mẹ làm gương tốt trong thánh chức. Trong những ngày khó khăn và hung bạo này, cả gia đình hợp nhất và yêu thương cùng làm việc với nhau có thể có sự an toàn phần nào trong những vùng nhiều tội ác (II Ti-mô-thê 2:15; Phi-líp 3:16).
11. Điều gì có thể dễ dàng giảm bớt lòng sốt sắng của một đứa trẻ đối với lẽ thật?
11 Trẻ con dễ nhận thấy hai tiêu chuẩn trái ngược của người lớn. Nếu cha mẹ không tỏ lòng yêu quí thật sự đối với lẽ thật và công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia, thì cũng không thể nào mong là con cái sẽ sốt sắng được. Vì vậy, một người cha hay mẹ mạnh khỏe nhưng công việc rao giảng của họ chỉ là học hỏi Kinh-thánh hàng tuần với con cái mà thôi, thì họ có thể gặt lấy hậu quả tai hại sau này khi các con lớn lên (Châm-ngôn 22:6; Ê-phê-sô 6:4).
12. Làm sao một số gia đình có được ân phước đặc biệt từ Đức Giê-hô-va?
12 Lợi ích của việc “hiệp một ý” là có lẽ gia đình có thể hợp tác với nhau để cho ít nhất một người trong gia đình có thể làm người tiên phong trọn thời gian trong hội thánh. Nhiều gia đình trên thế giới làm như vậy, và tất cả đều nhận được ân phước nhờ những kinh nghiệm và sự hữu hiệu của người làm tiên phong (II Cô-rinh-tô 13:11; Phi-líp 2:1-4).
Cùng giải quyết vấn đề với nhau
13, 14. a) Những tình trạng nào có thể ảnh hưởng đến sự hòa hợp của gia đình? b) Làm sao có thể tránh được nhiều vấn đề trong gia đình?
13 Trong thời buổi khó khăn đầy “căng thẳng” và “nguy hiểm” này, tất cả chúng ta đều bị áp lực (II Ti-mô-thê 3:1). Có những vấn đề tại chỗ làm, trường học, ngoài đường, và ngay chính trong nhà nữa. Một số người bị sức khỏe yếu hoặc bị tâm bệnh từ lâu mà đôi khi đưa đến sự căng thẳng và hiểu lầm nhau trong gia đình. Những tình trạng đó có thể được giải quyết thế nào? Bằng cách mỗi người tự rút lui, chẳng thèm nói chuyện với ai cả hay sao? Bằng cách tự cô lập hóa mặc dù cùng ở một nhà ư? Không. Trái lại, chúng ta cần nói ra sự lo lắng của mình và xin sự giúp đỡ. Có nơi nào để làm điều này tốt hơn là trong phạm vi gia đình đầy yêu thương không? (I Cô-rinh-tô 16:14; I Phi-e-rơ 4:8).
14 Bất cứ bác sĩ nào cũng biết phòng bệnh hơn trị bệnh. Đối với những vấn đề trong gia đình thì cũng giống như vậy. Sự bàn luận cởi mở và thẳng thắn thường có thể phòng ngừa để vấn đề không đi đến chỗ nghiêm trọng. Dù cho vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra, chúng ta cũng có thể giải quyết và tìm được giải pháp nếu gia đình cùng nhau xem xét những nguyên tắc Kinh-thánh liên hệ đến vấn đề này. Thường thì sự xích mích có thể nhường chỗ cho sự liên lạc êm đẹp bằng cách áp dụng lời của Phao-lô nơi Cô-lô-se 3:12-14: “Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau... Phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.
Cùng giải trí với nhau
15, 16. a) Gia đình tín đồ đấng Christ nên có đặc tính nào? b) Một số tôn giáo sinh ra những người như thế nào, và tại sao?
15 Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hạnh phúc, và lẽ thật là một thông điệp vui mừng: thông điệp đem hy vọng cho nhân loại. Hơn nữa, một trong các trái của thánh linh là sự vui mừng. Sự vui mừng này khác xa với sự vui mừng nhất thời của một lực sĩ đạt được thắng lợi trong một kỳ tranh giải thể thao. Đây là một cảm giác thỏa mãn sâu xa lâu bền tràn đầy trong lòng vì là kết quả của việc vun trồng một sự liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va. Đó là sự vui mừng căn cứ trên giá trị thiêng liêng và sự liên lạc có tính cách xây dựng (Ga-la-ti 5:22; I Ti-mô-thê 1:11).
16 Vì vậy, với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va và tín đồ đấng Christ, chúng ta không có lý do nào để ủ rũ hoặc không vui. Một số tôn giáo sinh ra những người như thế bởi vì đức tin của họ đặt trên những yếu tố tiêu cực. Sự dạy dỗ của họ làm cho sự thờ phượng trở thành ảm đạm, buồn bả, khác hẳn với Kinh-thánh và không thăng bằng. Họ không có những gia đình hạnh phúc, vui vẻ trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời. Giê-su thấy cần phải giải trí và nghỉ ngơi. Một dịp nọ, ngài bảo các môn đồ “đi tẻ ra trong nơi vắng-vẻ, nghỉ-ngơi một chút” (Mác 6:30-32; Thi-thiên 126:1-3; Giê-rê-mi 30:18, 19).
17, 18. Các gia đình tín đồ đấng Christ có thể nghỉ ngơi giải trí trong những cách thích hợp nào?
17 Gia đình cũng vậy, cần có sự nghỉ ngơi. Một người cha nói về con cái mình: “Chúng tôi sinh hoạt vui vẻ với nhau: đi biển, chơi banh ngoài công viên, tổ chức bữa ăn ngoài trời ở trên núi. Thỉnh thoảng chúng tôi có một ‘ngày làm tiên phong’ với nhau trong thánh chức; rồi chúng tôi cùng nhau ăn mừng bằng một bữa ăn đặc biệt và ngay cả có thể cho quà lẫn nhau”.
18 Cha mẹ có thể làm theo những lời đề nghị khác như là đưa gia đình đi chơi sở thú, đi những trung tâm giải trí, viện bảo tàng và những nơi thích thú khác. Đi bộ trong rừng, ngắm nhìn chim bay, và trồng trọt trong vườn là những hoạt động rất thích thú để cùng làm với nhau. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con cái học cách chơi một dụng cụ âm nhạc hoặc chơi một trò tiêu khiển có lợi ích thực tế. Chắc chắn cha mẹ biết giữ sự quân bình sẽ dành thì giờ ra vui chơi với con cái. Nếu gia đình đi chơi chung với nhau thì mọi người có khuynh hướng gắn bó với nhau hơn!
19. Ngày nay có khuynh hướng nào có thể làm hại gia đình?
19 Ngày nay, những người trẻ có khuynh hướng thích tách rời gia đình và làm theo ý riêng trong vấn đề giải trí nghỉ ngơi. Việc những người trẻ có thú tiêu khiển hoặc trò giải trí theo ý thích riêng thì không có gì nguy hại, nhưng nếu để những điều đó làm cho họ thường xuyên xa cách những người khác trong gia đình thì không phải là khôn ngoan. Trái lại, chúng ta muốn áp dụng nguyên tắc mà Phao-lô nói đến: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).
20. Các hội nghị có thể là dịp để vui vẻ như thế nào?
20 Thật là vui mừng làm sao khi chúng ta thấy các gia đình ngồi chung với nhau tại các hội nghị! Ngồi như thế, những đứa lớn thường có thể giúp những đứa nhỏ. Sự sắp đặt như thế cũng giúp những người trẻ tránh được khuynh hướng đi đến nhóm riêng của họ ở hàng ghế phía sau và ít chú ý đến chương trình hội nghị. Ngay cả trên đường đi và về từ hội nghị cũng có thể là dịp vui nếu cả gia đình cho biết ý kiến nên đi đường nào, ghé xem cái gì và ở đâu. Hãy tưởng tượng quang cảnh nô nức biết bao khi những gia đình vào thời Giê-su cùng nhau đi đến Giê-ru-sa-lem! (Lu-ca 2:41, 42).
Những ân phước của sự sinh hoạt với nhau
21. a) Chúng ta có thể cố gắng như thế nào để thành công trong hôn nhân? b) Có bốn điều đề nghị tốt nào để giúp cho hôn nhân được lâu bền?
21 Hôn nhân hạnh phúc và gia đình hợp nhất không bao giờ là điều dễ đạt được và không ngẫu nhiên mà đến. Một số người cảm thấy việc bỏ cuộc, hủy bỏ hôn nhân bằng sự ly dị, và cố gắng bắt đầu lại từ đầu là chuyện dễ làm hơn. Tuy nhiên, các vấn đề giống thế thường lộ ra trong cuộc hôn nhân thứ hai hoặc thứ ba. Cách giải quyết tốt nhất là cách của tín đồ đấng Christ: Cố gắng thành công bằng cách áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh để yêu thương và tôn trọng nhau. Muốn có gia đình hợp nhất thì những người trong nhà phải có tinh thần cho và nhận, không ích kỷ. Một cố vấn hôn nhân đưa ra một công thức giản dị làm cho hôn nhân được lâu bền. Ông viết: “Bốn yếu tố rất quan trọng tìm thấy trong hầu hết các cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự sẵn sàng để lắng nghe, khả năng để xin lỗi, khả năng cung cấp sự nâng đỡ liên tục về mặt tình cảm và ước muốn để vuốt ve trìu mến”. Những yếu tố này quả thật có thể giúp cho cuộc hôn nhân được lâu bền bởi vì cũng căn cứ trên các nguyên tắc khôn ngoan của Kinh-thánh (I Cô-rinh-tô 13:1-8; Ê-phê-sô 5:33; Gia-cơ 1:19).
22. Có một gia đình hợp nhất mang lại một số lợi ích nào?
22 Nếu chúng ta theo những lời khuyên bảo của Kinh-thánh, chúng ta sẽ có căn bản vững vàng cho một gia đình hợp nhất và những gia đình hợp nhất là nền tảng của một hội thánh hợp nhất và vững mạnh về thiêng liêng. Nhờ đó chúng ta sẽ nhận được nhiều ân phước từ Đức Giê-hô-va khi chúng ta hợp nhất dâng lên lời ca ngợi Ngài.
[Chú thích]
a “Gia đình đến từ chữ La-tinh familia, có nghĩa nguyên thủy là tôi tớ và nô lệ trong một nhà lớn, rồi đến chính căn nhà gồm có ông chủ, bà chủ, con cái—và toàn bộ gia nhân” (Origins—A Short Etymological Dictionary of Modern English, của Eric Partridge).
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao gia đình sinh hoạt với nhau là có lợi ích?
◻ Tại sao sự học hỏi Kinh-thánh đều đặn trong gia đình là quan trọng?
◻ Tại sao việc cha mẹ cùng tham gia với con cái trong công việc rao giảng là điều tốt?
◻ Tại sao bàn luận về các vấn đề trong khuôn khổ gia đình là có lợi ích?
◻ Tại sao các gia đình tín đồ đấng Christ không nên ảm đạm và buồn bã?
[Hình nơi trang 15]
Mỗi ngày gia đình bạn có cùng thưởng thức ít nhất một bữa ăn chung với nhau không?
[Hình nơi trang 16]
Cuộc đi chơi của gia đình phải thoải mái và thích thú