Tất cả mọi người phải khai trình với Đức Chúa Trời
“Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (RÔ-MA 14:12).
1. Sự tự do của A-đam và Ê-va có giới hạn nào?
ĐỨC CHÚA TRỜI GIÊ-HÔ-VA tạo ra thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va, là những người có sự tự do lựa chọn. Mặc dầu kém hơn các thiên sứ, họ là những tạo vật thông minh có khả năng quyết định sáng suốt (Thi-thiên 8:4, 5). Tuy nhiên, sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho không phải là họ được phép tự quyết. Họ phải chịu trách nhiệm đối với Đấng Tạo hóa và tất cả các con cháu của họ đều phải chịu trách nhiệm đối với ngài.
2. Không bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ phán xét gì và tại sao?
2 Giờ đây, vì chúng ta đang tiến gần đến cao điểm của hệ thống mọi sự gian ác này, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét trên đất. (So sánh Rô-ma 9:28). Chẳng bao lâu, những người không tin kính sẽ phải khai trình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì họ đã cướp đi các tài nguyên của đất, giết hại người khác và nhất là vì đã ngược đãi tôi tớ ngài (Khải-huyền 6:10; 11:18).
3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Đứng trước viễn tượng nghiêm trọng này, chúng ta nên suy gẫm về những cách xử sự công bình của Đức Giê-hô-va đối với các tạo vật của ngài trong quá khứ. Bằng cách nào những Lời Kinh-thánh có thể giúp cá nhân chúng ta được Đấng Tạo hóa chấp nhận sự khai trình của mình? Những gương nào có thể giúp chúng ta và những gương nào chúng ta cần phải tránh?
Các thiên sứ phải khai trình
4. Làm sao chúng ta biết rằng các thiên sứ phải khai trình với Đức Chúa Trời về hành động của họ?
4 Ở trên trời các tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va cũng phải khai trình với ngài giống như chúng ta vậy. Trước trận Nước lụt thời Nô-ê, một số thiên sứ đã cãi lời mặc lấy thân thể loài người để giao hợp với đàn bà. Là các tạo vật có sự tự do lựa chọn, các tạo vật thần linh này đã có thể quyết định như thế, nhưng họ đã phải khai trình với Đức Chúa Trời. Khi những thiên sứ không vâng lời này trở về cõi thần linh, Đức Giê-hô-va đã không cho phép họ trở về địa vị thời ban đầu của họ nữa. Môn đồ Giu-đe cho chúng ta biết rằng họ bị “xích... trong nơi tối-tăm đời đời, cầm-giữ lại để chờ sự phán-xét ngày lớn” (Giu-đe 6).
5. Sa-tan cùng quỉ sứ hắn đã gánh sự thất bại nào, và tội phản nghịch của chúng sẽ được giải quyết ra sao?
5 Những thiên sứ không vâng lời này, tức là các quỉ, đã để cho Sa-tan Ma-quỉ sai khiến (Ma-thi-ơ 12:24-26). Thiên sứ gian ác này chống lại Đấng Tạo hóa và thách thức sự chính đáng của quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Sa-tan đã đưa thủy tổ của chúng ta vào vòng tội lỗi và vì thế, cuối cùng họ đã chết (Sáng-thế Ký 3:1-7, 17-19). Mặc dầu Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan ra vào thiên đình trong một thời gian sau đó, sách Khải-huyền của Kinh-thánh tiên tri rằng vào thời điểm Đức Chúa Trời ấn định, thiên sứ gian ác này sẽ bị quăng xuống đất. Bằng chứng cho thấy điều này đã xảy ra không lâu sau khi Giê-su Christ nhậm chức vua Nước Trời vào năm 1914. Cuối cùng, Ma-quỉ cùng quỉ sứ hắn sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn. Sau hết, khi vấn đề về quyền thống trị được giải quyết, thì lúc ấy tội phản nghịch sẽ được giải quyết một cách chính đáng (Gióp 1:6-12; 2:1-7; Khải-huyền 12:7-9; 20:10).
Con Đức Chúa Trời phải khai trình
6. Giê-su nghĩ sao về việc chính ngài phải khai trình với Cha ngài?
6 Con Đức Chúa Trời, Giê-su Christ quả đã nêu một gương tốt làm sao! Với tư cách là một người hoàn toàn ngang hàng với A-đam, Giê-su vui sướng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài cũng vui lòng chịu trách nhiệm về việc tuân theo luật pháp Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên đã tiên tri đúng về ngài: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, Luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi-thiên 40:8; Hê-bơ-rơ 10:6-9).
7. Khi cầu nguyện vào đêm trước khi ngài chết, tại sao Giê-su có thể nói những lời ghi nơi Giăng 17:4, 5?
7 Mặc dù bị người ta căm thù chống đối, Giê-su đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và trung thành cho đến chết trên cây khổ hình. Do đó ngài đã trả giá chuộc để cứu nhân loại ra khỏi những hậu quả đưa đến sự chết do tội lỗi A-đam gây ra (Ma-thi-ơ 20:28). Vì thế, vào đêm trước khi ngài mất, Giê-su đã có thể cầu nguyện với lòng tin tưởng: “Con đã tôn-vinh Cha trên đất, làm xong công-việc Cha giao cho làm. Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh-hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế-gian mà làm vinh-hiển Con nơi chính mình Cha” (Giăng 17:4, 5). Giê-su có thể nói những lời ấy với Cha trên trời vì ngài đang vượt qua thử thách về việc chu toàn trách nhiệm và được Đức Chúa Trời chấp nhận.
8. a) Bằng cách nào Phao-lô cho thấy rằng chính chúng ta phải khai trình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời? b) Điều gì sẽ giúp chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận?
8 Khác với người hoàn toàn Giê-su Christ, chúng ta đều bất toàn. Thế nhưng chúng ta phải khai trình trước Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói: “Nhưng ngươi, sao xét-đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh-dể anh em mình? Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng-hầu trước tòa-án Đức Chúa Trời. Bởi có chép rằng: Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, Và mọi lưỡi sẽ ngợi-khen Đức Chúa Trời. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:10-12). Để chúng ta có thể làm thế và được Đức Giê-hô-va chấp nhận, ngài đã yêu thương ban cho chúng ta cả lương tâm lẫn Lời được soi dẫn là Kinh-thánh để hướng dẫn chúng ta trong lời nói và việc làm (Rô-ma 2:14, 15; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Tận dụng tất cả những sự ban cho của Đức Giê-hô-va về thiêng liêng và làm theo lương tâm được Kinh-thánh rèn luyện sẽ giúp chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận (Ma-thi-ơ 24:45-47). Thêm vào đó thánh linh hay sinh hoạt lực Đức Giê-hô-va là một nguồn sức mạnh và sự hướng dẫn. Nếu chúng ta làm theo sự chỉ dẫn của thánh linh và dẫn dắt của lương tâm được Kinh-thánh rèn luyện thì chúng ta chứng tỏ mình không ‘khinh-bỏ Đức Chúa Trời’, đấng mà chúng ta phải khai trình về mọi hành động của mình (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8; I Phi-e-rơ 3:16, 21).
Các nước phải khai trình
9. Dân Ê-đôm là ai và điều gì xảy ra cho họ vì cách họ đối xử với dân Y-sơ-ra-ên?
9 Đức Giê-hô-va buộc các nước phải khai trình (Giê-rê-mi 25:12-14; Sô-phô-ni 3:6, 7). Hãy xem xét xứ Ê-đôm cổ xưa, xứ này tọa lạc về phía nam của Biển Chết và phía bắc của Vịnh Aqaba. Dân Ê-đôm thuộc giống dân Semite có liên hệ mật thiết với dân Y-sơ-ra-ên. Mặc dù tổ tiên của dân Ê-đôm là Ê-sau cháu nội của Áp-ra-ham, dân Y-sơ-ra-ên không được phép đi ngang qua xứ Ê-đôm theo “đường cái của vua” để đi đến Đất hứa (Dân-số Ký 20:14-21). Qua nhiều thế kỷ sự oán thù của Ê-đôm trở thành một mối căm thù không nguôi đối với người Y-sơ-ra-ên. Cuối cùng, dân Ê-đôm phải chịu trách nhiệm về việc họ thôi thúc dân Ba-by-lôn hủy hoại thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 trước công nguyên (Thi-thiên 137:7). Vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, quân Ba-by-lôn dưới quyền Vua Na-bô-nê-đô đã chinh phục nước Ê-đôm, và nước này trở nên hoang vu như Đức Giê-hô-va từng tuyên cáo (Giê-rê-mi 49:20; Áp-đia 9-11).
10. Dân Mô-áp đã đối xử như thế nào đối với dân Y-sơ-ra-ên và Đức Chúa Trời đã buộc dân Mô-áp phải khai trình như thế nào?
10 Dân Mô-áp cũng không hơn gì. Nước Mô-áp nằm ở phía bắc của xứ Ê-đôm và phía đông của Biển Chết. Trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất hứa, dân Mô-áp đã không tiếp đón họ, hiển nhiên dân này đã cung cấp bánh và nước cho họ chỉ vì lợi lộc về tiền bạc (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:3, 4). Vua Ba-lác nước Mô-áp mướn nhà tiên tri Ba-la-am để rủa sả dân Y-sơ-ra-ên và người ta dùng đàn bà Mô-áp để quyến rũ đàn ông Y-sơ-ra-ên vào tội vô luân và thờ hình tượng (Dân-số Ký 22:2-8; 25:1-9). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bỏ qua việc dân Mô-áp thù ghét dân Y-sơ-ra-ên. Như đã được tiên tri, xứ Mô-áp bị quân Ba-by-lôn làm tan hoang (Giê-rê-mi 9:25, 26; Sô-phô-ni 2:8-11). Đúng vậy, Đức Chúa Trời đã bắt dân Mô-áp phải khai trình.
11. Mô-áp và Am-môn trở nên giống các thành nào và những lời tiên tri trong Kinh-thánh cho biết điều gì liên quan đến hệ thống mọi sự gian ác hiện tại?
11 Không những chỉ dân Mô-áp mà dân Am-môn cũng phải khai trình với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va báo trước: “Mô-áp chắc sẽ giống như Sô-đôm, và con-cái Am-môn sẽ giống như Gô-mô-rơ, thành ra một nơi đầy gai-gốc, một hầm muối, một chỗ hoang-vu đời đời” (Sô-phô-ni 2:9). Lãnh thổ xứ Mô-áp và Am-môn bị hoang tàn giống như Đức Chúa Trời đã hủy diệt các thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Theo Hội địa chất tại Luân Đôn, các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm ra được địa điểm của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị hủy hoại bên bờ phía đông của Biển Chết. Bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào có thể tìm được trong tương lai về điều này chỉ có thể xác minh những lời tiên tri trong Kinh-thánh nói rằng hệ thống mọi sự gian ác hiện tại cũng sẽ phải khai trình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 3:6-12).
12. Mặc dầu nước Y-sơ-ra-ên phải khai trình với Đức Chúa Trời về tội lỗi của mình, điều gì đã được tiên tri về một nhóm người Do Thái còn sót lại?
12 Mặc dầu dân Y-sơ-ra-ên được Đức Giê-hô-va ưu đãi rất nhiều, họ cũng phải khai trình với Đức Chúa Trời về tội lỗi của họ. Khi Giê-su Christ đến với dân Y-sơ-ra-ên, đa số đã chối bỏ ngài. Chỉ có một số còn lại thực hành đức tin và trở thành môn đồ ngài. Phao-lô áp dụng vài lời tiên tri về nhóm người Y-sơ-ra-ên còn sót lại này khi ông viết: “Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con-cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi; vì Chúa sẽ làm ứng-nghiệm lời Ngài cách trọn-vẹn và vội-vàng trên đất. Lại như Ê-sai đã nói tiên-tri rằng: Nếu Chúa vạn-quân chẳng để lại một cái mầm của dòng-giống chúng ta, thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy” (Rô-ma 9:27-29; Ê-sai 1:9; 10:22, 23). Sứ đồ này nhắc đến gương của 7.000 người vào thời của Ê-li, họ đã không thờ lạy thần Ba-anh và rồi ông nói: “Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại theo sự lựa-chọn của ân-điển” (Rô-ma 11:5). Nhóm người còn sót lại gồm có những người phải khai trình với Đức Chúa Trời.
Những trường hợp cho thấy cá nhân phải chịu trách nhiệm
13. Điều gì đã xảy đến cho Ca-in khi Đức Chúa Trời buộc ông phải chịu trách nhiệm về tội giết em là A-bên?
13 Kinh-thánh nêu ra nhiều trường hợp cho thấy người ta có trách nhiệm riêng đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hãy lấy thí dụ của Ca-in, con đầu lòng của A-đam. Cả Ca-in và em là A-bên đều dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va. Của-lễ của A-bên thì được Đức Giê-hô-va chấp nhận, nhưng của Ca-in thì lại không. Khi bị buộc phải chịu trách nhiệm vì đã giết em một cách tàn bạo, Ca-in đã nhẫn tâm nói với Đức Chúa Trời: “Tôi là người giữ em tôi sao?” Vì tội lỗi này nên Ca-in bị đuổi đến “xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen”. Ca-in không tỏ ra thành tâm hối hận về tội ác của mình, mà chỉ tiếc rằng mình bị trừng phạt xác đáng (Sáng-thế Ký 4:3-16).
14. Trách nhiệm riêng đối với Đức Chúa Trời được minh họa như thế nào trong trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li và các con trai ông?
14 Việc một người phải chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời cũng được minh họa qua trường hợp của Hê-li, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên. Các con trai ông là Hóp-ni và Phi-nê-a phụng sự với tư cách là thầy tế lễ dâng của-lễ, nhưng theo sử gia Josephus thì họ “mang tội bất công với mọi người, bất kính đối với Đức Chúa Trời và không tránh bất cứ sự gian ác nào”. Những “kẻ gian-tà” này không nhận biết Đức Giê-hô-va, có hành vi phạm thượng và mang tội vô luân trắng trợn (I Sa-mu-ên 1:3; 2:12-17, 22-25). Là cha của họ và là thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên, Hê-li có bổn phận phải trừng trị họ, nhưng ông chỉ khiển trách họ qua loa. Hê-li ‘coi trọng các con trai mình hơn là kính-trọng Đức Giê-hô-va’ (I Sa-mu-ên 2:29). Nhà Hê-li đã bị trừng phạt. Cả hai người con trai chết cùng một ngày với cha mình và dòng dõi tế lễ của họ cuối cùng đã hoàn toàn bị chấm dứt. Vì thế tội vô trách nhiệm đã được giải quyết (I Sa-mu-ên 3:13, 14; 4:11, 17, 18).
15. Vì sao con của Vua Sau-lơ là Giô-na-than được tưởng thưởng?
15 Con Vua Sau-lơ là Giô-na-than nêu một gương hoàn toàn khác hẳn. Ít lâu sau khi Đa-vít giết Gô-li-át, “lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít” và họ kết nghĩa với nhau (I Sa-mu-ên 18:1, 3). Có thể Giô-na-than đã nhận thấy rằng thánh linh Đức Chúa Trời đã lìa khỏi Sau-lơ, nhưng lòng sốt sắng của ông đối với sự thờ phượng thật đã không hề giảm sút (I Sa-mu-ên 16:14). Lòng quý trọng của Giô-na-than đối với uy quyền mà Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít không hề dao động. Giô-na-than ý thức rằng ông phải khai trình với Đức Chúa Trời, và vì ông có đường lối hành động đáng kính nên Đức Giê-hô-va tưởng thưởng ông bằng cách đảm bảo dòng dõi ông được tiếp tục qua các thế hệ (I Sử-ký 8:33-40).
Sự khai trình trong hội thánh tín đồ đấng Christ
16. Tít là ai, và tại sao ta có thể nói rằng ông tạo tiếng tốt với Đức Chúa Trời?
16 Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp khen ngợi nhiều người đàn ông và đàn bà đã tạo được tiếng tốt cho mình. Chẳng hạn, có một tín đồ đấng Christ người Hy Lạp tên là Tít. Có giả thuyết cho rằng ông trở thành tín đồ đấng Christ khi Phao-lô rao giảng lần thứ nhất tại Chíp-rơ. Vì người Do Thái và những người Chíp-rơ theo đạo có thể đã có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, đạo đấng Christ có thể đã đến đảo đó không lâu sau đó (Công-vụ các Sứ-đồ 11:19). Tuy nhiên, Tít tỏ ra là một trong những người trung thành cùng làm việc với Phao-lô. Ông đã cùng đi với Phao-lô và Ba-na-ba đến Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 49 công nguyên, khi vấn đề quan trọng về sự cắt bì được giải quyết. Sự kiện Tít chưa được cắt bì làm tăng thêm sức thuyết phục cho lý lẽ của Phao-lô là những người trở thành tín đồ đấng Christ không phải sống theo luật pháp Môi-se (Ga-la-ti 2:1-3). Thánh chức rao giảng sốt sắng của Tít được chứng thực trong Kinh-thánh, và Phao-lô còn gởi cho Tít một lá thơ được Đức Chúa Trời soi dẫn (II Cô-rinh-tô 7:6; Tít 1:1-4). Rõ ràng cho đến giờ phút cuối của đời mình, Tít tiếp tục chu toàn trách nhiệm với Đức Chúa Trời.
17. Ti-mô-thê có sự khai trình nào, và trường hợp này có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
17 Ti-mô-thê là một nhân vật sốt sắng khác đã có tiếng tốt và được Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận. Mặc dầu Ti-mô-thê có một vài vấn đề về sức khỏe nhưng ông đã tỏ ra có ‘đức-tin thành-thật’ và ‘trung-thành với Phao-lô về việc Tin-lành’. Vì thế sứ đồ này có thể nói cho các tín đồ đấng Christ ở thành Phi-líp: “Tôi không có ai như người [Ti-mô-thê] đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em” (II Ti-mô-thê 1:5; Phi-líp 2:20, 22; I Ti-mô-thê 5:23). Dù thân thể bị yếu đuối và gặp thử thách, chúng ta cũng có thể có đức tin thành thật và được Đức Chúa Trời chấp nhận sự khai trình trách nhiệm của mình.
18. Ly-đi là ai, và bà đã bày tỏ một tinh thần nào?
18 Ly-đi là một người đàn bà tin kính rõ ràng đã chu toàn trách nhiệm với Đức Chúa Trời. Bà và cả nhà bà nằm trong số những người đầu tiên ở Âu châu đã theo đạo đấng Christ nhờ hoạt động của Phao-lô tại thành Phi-líp vào khoảng năm 50 công nguyên. Quê ở thành Thi-a-ti-rơ, Ly-đi có lẽ là một người đã nhập đạo Do Thái, nhưng có thể có ít người Do Thái và không có một nhà hội nào tại thành Phi-líp. Bà và những phụ nữ mộ đạo đang họp mặt bên bờ sông thì Phao-lô giảng cho họ. Kết quả là Ly-đi trở thành tín đồ đấng Christ và bà nài ép Phao-lô và những người cộng tác ở lại tá túc nhà bà (Công-vụ các Sứ-đồ 16:12-15). Lòng hiếu khách mà Ly-đi bày tỏ vẫn là dấu hiệu của tín đồ thật của đấng Christ.
19. Đô-ca chu toàn trách nhiệm với Đức Chúa Trời qua những việc lành nào?
19 Đô-ca là một phụ nữ khác đã chu toàn trách nhiệm với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Khi bà chết, Phi-e-rơ đến Giốp-bê thể theo lời yêu cầu của các môn đồ sống tại đó. Hai người đi gặp Phi-e-rơ đã “dẫn Phi-e-rơ đến chỗ phòng cao; hết thảy các đờn-bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo-xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho”. Đô-ca được làm sống lại. Nhưng phải chăng bà chỉ được tưởng nhớ vì tính rộng lượng của bà? Không. Bà là một “môn đồ” và chắc chắn chính bà đã tham gia vào việc đào tạo môn đồ. Tương tự như thế các nữ tín đồ ngày nay cũng “làm nhiều việc lành và hay bố-thí”. Họ cũng vui mừng là được tích cực tham gia vào việc rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42; Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
20. Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào?
20 Kinh-thánh cho thấy rõ ràng rằng các nước và cá nhân mỗi người phải khai trình với Chúa Tối thượng Đức Giê-hô-va (Sô-phô-ni 1:7). Nếu chúng ta đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tự hỏi rằng: ‘Tôi xem đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho và trách nhiệm mà ngài giao phó như thế nào? Tôi chứng tỏ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ thấy gì về tôi?’
Bạn trả lời ra sao?
◻ Bằng cách nào bạn cho thấy là thiên sứ và Con Đức Chúa Trời phải khai trình với Đức Giê-hô-va?
◻ Có những trường hợp nào trong Kinh-thánh cho thấy Đức Chúa Trời buộc các nước phải khai trình?
◻ Kinh-thánh nói gì về mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời?
◻ Những người nào trong Kinh-thánh đã chu toàn trách nhiệm với Giê-hô-va Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 10]
Giê-su Christ chu toàn trách nhiệm với Cha ngài ở trên trời
[Hình nơi trang 15]
Giống như Đô-ca, ngày nay các nữ tín đồ đấng Christ chu toàn trách nhiệm với Giê-hô-va Đức Chúa Trời
[Nguồn hình ảnh nơi trang 13]
Cái chết của A-bên/Những tranh minh họa của Kinh-thánh Doré/Dover Publications, Inc.