Quí trọng anh em chúng ta
“[Hãy] có lòng [trìu mến] anh em cách thật-thà... hãy yêu nhau sốt-sắng [tha thiết] hết lòng” (1 PHI-E-RƠ 1:22).
1. Điều gì giúp nhiều người nhận biết Nhân-chứng Giê-hô-va thực hành đạo thật đấng Christ?
Sự yêu thương là dấu hiệu rõ rệt của đạo thật đấng Christ. Trong bữa ăn cuối với các sứ đồ Giê-su nhấn mạnh điều này mà rằng: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Nhiều người bắt đầu tin Nhân-chứng Giê-hô-va thực hành đạo thật đấng Christ khi họ đến dự một buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời hoặc đi dự một hội nghị có đông người hơn. Họ quan sát thấy sự yêu thương qua hành động và nhờ vậy mà biết họ ở giữa các môn đồ thật của Giê-su.
2. Phao-lô nói gì về sự yêu thương tức là dấu hiệu nổi bật của đạo thật đấng Christ?
2 Tất cả chúng ta vui sướng vì dấu hiệu nổi bật này của đạo thật đấng Christ hiện ra giữa dân Đức Giê-hô-va ngày nay. Tuy nhiên, giống như các tín đồ thuộc thế kỷ thứ nhất, chúng ta hiểu là nên luôn luôn tìm kiếm thêm những cách khác để biểu lộ sự quí trọng anh em chúng ta. Phao-lô viết cho hội-thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu-thương đối với nhau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:12). Làm sao chúng ta có thể gia tăng lòng yêu thương lẫn nhau?
Sự yêu thương và sự trìu mến anh em
3. Ngoài việc sống một đời sống trong sạch, tín đồ đấng Christ cần phải làm gì khác thể theo lời của Phi-e-rơ?
3 Trong một lá thư gửi chung cho hội-thánh đấng Christ ở Tiểu Á, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng [sự sống] mình, đặng có lòng [trìu mến] anh em [phi·la·del·phiʹa] cách thật-thà, nên hãy yêu [a·ga·paʹo] nhau sốt-sắng [tha thiết] hết lòng” (I Phi-e-rơ 1:22). Phi-e-rơ cho thấy chỉ làm sạch đời sống chúng ta thôi không đủ. Việc chúng ta vâng lời lẽ thật kể cả điều răn mới nên sanh ra sự trìu mến anh em chân thật và sự yêu thương lẫn nhau tha thiết.
4. Chúng ta nên tự hỏi các câu hỏi nào, và Giê-su nói gì về điều này?
4 Chúng ta có khuynh hướng chỉ bày tỏ sự yêu thương và sự trìu mến anh em đối với những người mà chúng ta thích không? Chúng ta có xu hướng khoan dung đối với những người này, làm ngơ trên các khuyết điểm của họ trong khi sẵn sàng nhận ra các lỗi lầm và sơ suất nơi những người khác không tự nhiên hấp dẫn đối với chúng ta không? Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu [a·ga·paʹo] những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?” (Ma-thi-ơ 5:46).
5. Một học giả Kinh-thánh nêu ra sự phân biệt gì giữa chữ Hy-lạp có nghĩa là “sự yêu thương” với chữ khác có nghĩa là “sự trìu mến”?
5 Trong một cuốn sách của ông (New Testament Words), giáo sư William Barclay bình luận như sau về chữ Hy-lạp được dịch ra là “sự trìu mến” và chữ dịch là “sự yêu thương”: “Các chữ này [phi·liʹa, nghĩa là «sự trìu mến», và động từ liên hệ phi·leʹo] bao hàm một sự nồng nhiệt dễ thương. Các chữ đó có nghĩa là nhìn một người nào với cái nhìn ưu ái... Trong Tân-ước chữ thông dụng nhất để chỉ sự yêu thương là danh từ agapẽ và động từ agapan... Philia là một chữ dễ thương, nhưng đó là một chữ nói về sự nồng nhiệt, khắng khít và trìu mến... Agapē liên hệ tới trí tuệ: đó không giản dị là một cảm xúc phát sinh tự nhiên trong lòng chúng ta; đó là một nguyên tắc mà chúng ta cố tình sống theo. Agapē trước hết dính liền với ý chí. Tình cảm này là một sự chinh phục, một chiến thắng và một công trạng. Dĩ nhiên không ai yêu kẻ thù của mình. Yêu kẻ thù là chinh phục được tất cả các khuynh hướng và cảm xúc tự nhiên của chúng ta. Tình cảm agapē này... thật ra là khả năng yêu cái khó yêu, yêu những người mình không thích”.
6. a) Chúng ta nên tự đặt các câu hỏi nào để dò xét lòng mình? b) Theo Phi-e-rơ, tại sao chúng ta không thể chỉ giới hạn sự trìu mến của chúng ta cho những người tự nhiên chúng ta cảm thấy hấp dẫn?
6 Chúng ta có khuynh hướng viện cớ Kinh-thánh cho phép chúng ta nuôi cảm tình nồng nhiệt đối với vài anh em nhiều hơn đối với những anh em khác để bào chữa cho sự lạnh nhạt của chúng ta đối với một số người không? (Giăng 19:26; 20:2). Chúng ta có nghĩ là có thể tỏ vẻ “yêu thương” một cách lạnh nhạt, đắn đo cho tròn bổn phận đối với một số người, trong khi chúng ta dành sự trìu mến nồng nhiệt cho những người chúng ta thấy hấp dẫn không? Nếu làm thế là chúng ta chưa hiểu lời khuyên nhủ của Phi-e-rơ. Như thế chúng ta chưa làm sạch lòng (sự sống) chúng ta để vâng theo lẽ thật, vì Phi-e-rơ nói: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng [sự sống] mình, đặng có lòng [trìu mến] anh em cách thật-thà, nên hãy yêu nhau sốt-sắng [tha thiết] hết lòng” (I Phi-e-rơ 1:22).
“Sự trìu mến anh em cách thật-thà”
7, 8. Nguồn gốc của chữ dịch là “thật-thà” hay không giả dối là gì, và tại sao Phi-e-rơ dùng chữ này?
7 Sứ đồ Phi-e-rơ còn đi xa hơn nữa, ông nói rằng sự trìu mến anh em của chúng ta phải thật thà. Chữ dịch là “thật-thà” hay thành thật đến từ một chữ Hy-lạp [“không giả dối”] phản nghĩa của một chữ dùng để chỉ các nghệ sĩ mang mặt nạ để đóng kịch trên sân khấu. Điều này có thể giúp họ đóng nhiều vai tuồng khác nhau trong cùng một vở kịch. Sau đó chữ ấy được dùng theo nghĩa bóng để chỉ sự giả dối, giả đò hoặc giả vờ.
8 Chúng ta cảm thấy thế nào tận đáy lòng đối với một số anh chị em trong hội-thánh? Chúng ta có cười gượng để chào họ ở các buổi nhóm họp, rồi quay mặt sang chỗ khác ngay hoặc bỏ đi liền không? Tệ hơn nữa, chúng ta có cố tránh chào họ không? Nếu có thì nói sao về sự “vâng theo lẽ thật” của chúng ta mà đáng lý ra phải làm sạch lòng hay sự sống của chúng ta đến độ chúng ta có sự trìu mến đối với anh em cùng đạo? Khi dùng chữ “thật-thà” hay không giả dối, Phi-e-rơ muốn nói sự trìu mến của chúng ta không được hời hợt chỉ có bề ngoài, nhưng phải chân thật, từ trong lòng phát ra.
“Sốt-sắng [tha thiết] hết lòng”
9, 10. Phi-e-rơ muốn nói gì khi bảo rằng chúng ta nên yêu thương lẫn nhau một cách “sốt-sắng [tha thiết]” hay “phóng khoáng”?
9 Phi-e-rơ nói thêm: “Hãy yêu nhau sốt-sắng [nghĩa đen, «phóng khoáng»] hết lòng”. Không cần phải mở rộng hay nới rộng lòng mình để tỏ ra yêu thương những người có cùng bản tánh tự nhiên với chúng ta và đáp lại tình cảm của chúng ta. Nhưng Phi-e-rơ nói chúng ta phải “sốt-sắng [tha thiết]” yêu thương lẫn nhau. Khi bày tỏ giữa tín đồ đấng Christ với nhau, sự yêu thương a·gaʹpe không giản dị là một thứ yêu thương trí thức, đắn đo, như chúng ta nên yêu kẻ thù (Ma-thi-ơ 5:44). Đó là một sự yêu thương tha thiết và đòi hỏi sự cố gắng. Sự yêu thương này bao hàm việc mở rộng lòng chúng ta để bao gồm những người không tự nhiên hấp dẫn đối với chúng ta.
10 Trong một cuốn sách của ông (Linguistic Key to the Greek New Testament), Fritz Rienecker bình luận chữ dịch là “sốt-sắng [tha thiết]” hay “phóng khoáng” nơi I Phi-e-rơ 1:22. Ông viết: “Ý tưởng chính là sự ân cần, hăng hái (làm một việc không phải với sự hời hợt... nhưng làm như là với sự căng thẳng) (Hort)”. Sự căng thẳng có nhiều nghĩa, một nghĩa là “biểu dương lực lượng tối đa”. Do đó yêu thương lẫn nhau cách sốt sắng (tha thiết) hết lòng có nghĩa gắng hết sức chúng ta để tỏ ra trìu mến tất cả các anh em tín đồ. Có một số anh chị em nào của chúng ta chưa nhận được sự trìu mến của chúng ta không? Nếu có, chúng ta nên mở rộng lòng hơn.
“Hãy mở rộng lòng anh em!”
11, 12. a) Sứ đồ Phao-lô ban lời khuyên nào cho tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô? b) Phao-lô nêu ra gương tốt nào dưới khía cạnh này?
11 Dường như sứ đồ Phao-lô cảm thấy cần phải mở rộng lòng ông đối với hội-thánh ở Cô-rinh-tô. Ông viết cho các tín đồ đấng Christ tại đó như sau: “Hỡi người Cô-rinh-tô, miệng chúng tôi hả ra vì anh em, lòng chúng tôi mở rộng. Chẳng phải chúng tôi hẹp-hòi đãi anh em, nhưng ấy là lòng anh em tự làm nên hẹp-hòi. Hãy báo-đáp chúng tôi như vậy—tôi nói với anh em như nói với con-cái mình—cũng hãy mở rộng lòng anh em!” (II Cô-rinh-tô 6:11-13).
12 Làm sao chúng ta có thể mở rộng lòng chúng ta để bao gồm hết tất cả các anh chị em? Phao-lô nêu gương tốt dưới khía cạnh này. Hiển nhiên ông đã cố gắng tìm các ưu điểm nơi các anh em của ông và ông ghi nhớ các đức tính tốt chứ không phải các sự thiếu sót của họ. Đoạn cuối của lá thư ông viết cho tín đồ thành Rô-ma dẫn chứng rõ điều này. Chúng ta hãy xem xét sách Rô-ma đoạn 16 và thấy Phao-lô thể hiện rõ thế nào ở nơi đó thái độ tích cực của ông đối với anh chị em.
Sự trìu mến nồng nhiệt
13. Phao-lô tỏ ra quí mến Phê-bê thế nào, và tại sao?
13 Phao-lô viết cho anh em tín đồ ở Rô-ma vào khoảng năm 56 tây lịch lúc ông ở Cô-rinh-tô, trong chuyến hành trình giảng đạo lần thứ ba của ông. Dường như ông đã giao bản thảo đó cho một nữ tín đồ tên là Phê-bê, thuộc hội-thánh Xen-cơ-rê kế cận và sắp đi Rô-ma. Đọc Rô-ma 16:1, 2. Hãy lưu ý thấy ông nồng nhiệt gởi gắm bà cho các tín đồ ở Rô-ma ra làm sao. Bằng cách này hay cách khác bà đã bênh vực nhiều tín đồ đấng Christ, kể cả Phao-lô, có lẽ trong các chuyến đi của họ ghé qua hải cảng tấp nập Xen-cơ-rê. Chắc chắn, Phê-bê có các sự yếu đuối vì là bất toàn và có tội giống như tất cả những người khác. Nhưng thay vì cảnh giác hội-thánh Rô-ma đề phòng các sự thiếu sót của Phê-bê, Phao-lô dặn họ “ân-cần tiếp-rước người trong Chúa chúng ta, một cách xứng-đáng với thánh-đồ”. Thật là một thái độ tốt và tích cực thay!
14. Phao-lô đã nói tốt thế nào về Bê-rít-sin và A-qui-la?
14 Từ câu 3 đến câu 15 Phao-lô chào hỏi hơn 20 tín đồ bằng tên cũng như đề cập từng cá nhân hoặc với tư cách tập thể tới nhiều người khác. Đọc Rô-ma 16:3, 4. Bạn có thể cảm thấy sự trìu mến mà Phao-lô dành cho Bê-rít-sin và A-qui-la không? Cặp vợ chồng này đã dấn thân vào các sự nguy hiểm vì Phao-lô. Bây giờ Phao-lô lấy sự biết ơn chào hỏi những cộng sự viên này và cám ơn họ nhân danh hội-thánh gồm những người gốc dân ngoại. Hẳn là A-quila và Bê-rít-sin đã phải cảm thấy khích lệ vì các lời chào hỏi chân thành này lắm!
15. Phao-lô tỏ ra rộng lượng và khiêm nhường thế nào khi chào hỏi An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a?
15 Dường như Phao-lô đã trở thành một tín đồ hết lòng của đấng Christ trong vòng một hoặc hai năm sau khi Giê-su chết. Khi viết thư cho tín đồ ở Rô-ma, ông đã được đấng Christ tin dùng làm sứ đồ nổi danh phục vụ dân ngoại nhiều năm rồi (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15; Rô-ma 1:1; 11:13). Tuy vậy, hãy lưu ý sự rộng lượng và khiêm nhường của ông. Đọc Rô-ma 16:7. Ông chào hỏi An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là “hai người có danh-vọng trong các sứ-đồ [những người được phái đi]” và nhìn nhận rằng họ đã phụng sự đấng Christ nhiều năm hơn ông. Không có chút bóng dáng của sự ganh tị nhỏ nhen nào cả!
16. a) Phao-lô nói về các tín đồ khác sống ở Rô-ma bằng những lời lẽ đầy yêu thương nào? b) Tại sao chúng ta có thể biết chắc chắn rằng những lời chào hỏi này là gương mẫu về “sự trìu mến anh em thật-thà [không giả dối]?”
16 Chúng ta biết ít hoặc không biết gì cả về các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất như Ê-bai-nết, Am-li-a và Ếch-ta-chy. Đọc Rô-ma 16:5, 8, 9. Nhưng chỉ qua cách mà Phao-lô chào tất cả ba người ấy chúng ta có thể biết chắc chắn rằng họ là những người trung thành. Họ thân thiết với Phao-lô đến nỗi ông gọi mỗi người trong họ là “người rất yêu-dấu của tôi”. Phao-lô cũng nói những lời tử tế về A-be-lơ và Ru-phu, gọi họ là “người được tiếp-nạp trong đấng Christ” và “người được chọn của Chúa”. Đọc Rô-ma 16:10, 13. Thật là những lời khen tốt dành cho hai tín đồ này! Và biết rằng Phao-lô thẳng thắn, chúng ta có thể chắc chắn rằng Phao-lô đã không khen họ vì hình thức xã giao. (So sánh II Cô-rinh-tô 10:18). Cũng nên lưu ý là Phao-lô không quên chào mẹ của Ru-phu.
17. Phao-lô đã diễn tả sự quí mến sâu đậm thế nào đối với các chị em của ông?
17 Bây giờ chúng ta hãy lưu ý Phao-lô tỏ sự quí mến thế nào đối với các chị em. Ngoài mẹ của Ru-phu, Phao-lô còn đề cập thêm sáu nữ tín đồ khác. Trên đây chúng ta đã thấy rồi là Phao-lô nói lời tử tế về Phê-bê và Bê-rít-sin. Nhưng hãy lưu ý ông chào hỏi Ma-ri, Try-phe-nơ, Try-phô-sơ và Bẹt-si-đơ với sự yêu thương anh em nồng nhiệt thế nào. Đọc Rô-ma 16:6, 12. Chúng ta có thể cảm thấy rằng ông rất quan tâm tới các người chị làm việc cực nhọc này, họ “đã làm việc nhiều” cho các anh em của họ. Chúng ta được khích lệ biết bao khi thấy Phao-lô quí mến các anh chị em của ông hết lòng, mặc dù họ bất toàn!
Chớ nghi ngờ về động lực của anh em chúng ta
18. Làm sao chúng ta có thể cố gắng bắt chước Phao-lô, nhưng có thể cần phải làm gì?
18 Tại sao chúng ta không bắt chước Phao-lô và cố tìm ra điều tốt để nói về mỗi anh chị em chúng ta trong hội-thánh? Đối với một số anh chị, tìm điều tốt để nói không có gì là khó khăn. Đối với một số người khác có thể cần tìm hiểu thêm một chút. Tại sao không thử bỏ chút thì giờ để gần họ một thời gian hầu biết họ rõ hơn? Chắc chắn bạn sẽ khám phá ra một số đức tính dễ thương nơi họ, và ngược lại có thể họ sẽ quí trọng bạn nhiều hơn trước chăng?
19. Tại sao chúng ta không nên nghi ngờ về các động lực của anh em chúng ta, và Đức Giê-hô-va nêu gương tốt ra sao cho chúng ta về sự yêu thương?
19 Chúng ta không nên nghi ngờ về các động lực của anh em chúng ta. Hết thảy họ đều yêu thương Đức Giê-hô-va; nếu không, hẳn họ đã không dâng đời sống họ cho Ngài. Và điều gì che chở họ khiến họ không trở lại thế gian và làm theo đường lối dễ dãi của thế gian? Đó là vì họ yêu thương Đức Giê-hô-va, sự công bình Ngài và Nước Ngài dưới quyền đấng Christ (Ma-thi-ơ 6:33). Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, hết thảy họ đều đánh trận khó khăn để giữ sự trung thành. Đức Giê-hô-va yêu mến họ vì lẽ đó (Châm-ngôn 27:11). Ngài chấp nhận cho họ làm tôi tớ Ngài mặc dù họ có những khuyết điểm và thiếu sót. Nếu vậy thì chúng ta là ai mà dám từ chối không chịu tỏ sự trìu mến dịu dàng đối với họ? (Rô-ma 12:9, 10; 14:4).
20. a) Theo lá thư của Phao-lô cho anh em ở Rô-ma chúng ta chỉ nên nghi ngờ ai, và chúng ta có thể theo sự hướng dẫn của những ai trong vấn đề này? b) Ngoại trừ những kẻ đó, chúng ta nên xem tất cả các anh em chúng ta thế nào?
20 Những kẻ duy nhất mà Phao-lô khuyên chúng ta nên nghi ngờ là “những kẻ gây nên bè-đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy-dỗ mà anh em đã nhận”. Phao-lô bảo chúng ta coi chừng các kẻ ấy và lánh xa họ (Rô-ma 16:17). Các trưởng lão trong hội-thánh hẳn đã cố gắng giúp những người này rồi (Giu-đe 22, 23). Vậy chúng ta có thể tin rằng các trưởng lão sẽ nói chúng ta biết một vài kẻ nào mà chúng ta cần phải tránh. Ngoại trừ những kẻ đó, chúng ta nên xem tất cả các anh em chúng ta là xứng đáng được chúng ta bày tỏ sự trìu mến không giả dối, và chúng ta nên học yêu thương họ tha thiết từ đáy lòng.
21, 22. a) Cái gì sắp tới rồi? b) Lúc đó có thể sẽ có tình thế nào xảy ra, vậy đây là lúc để gấp rút làm gì? c) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài kế tiếp?
21 Sa-tan, các quỉ sứ hắn và toàn thể hệ thống mọi sự thế gian của hắn nghịch lại cùng chúng ta. Ha-ma-ghê-đôn sắp tới rồi. Trận chiến này sẽ bùng nổ khi Gót ở đất Ma-gốc mở cuộc tấn công (Ê-xê-chi-ên, đoạn 38, 39). Lúc đó chúng ta sẽ cần đến anh em chúng ta hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể cần được sự giúp đỡ đến từ chính những người anh em mà lâu nay chúng ta không đặc biệt quí mến lắm. Hoặc chính họ có thể rất cần được chúng ta giúp đỡ. Bây giờ là lúc để chúng ta mở rộng lòng và tăng thêm sự quí trọng đối với tất cả các anh em chúng ta.
22 Dĩ nhiên sự quí trọng đối với anh em chúng ta gồm cả sự kính trọng đúng đắn đối với các trưởng lão trong hội-thánh. Về việc này chính các trưởng lão nên làm gương tốt bằng cách bày tỏ sự quí trọng không chỉ đối với tất cả các anh em nhưng cũng giữa những người cùng làm trưởng lão nữa. Khía cạnh này là đầu đề để xem xét trong bài kế tiếp.
Những điểm để ôn lại
□ Dấu hiệu nổi bật của đạo thật đấng Christ là gì?
□ Tại sao cần phải có cả sự yêu thương lẫn sự trìu mến anh em?
□ Làm sao chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau “sốt-sắng [tha thiết]” hoặc “một cách phóng khoáng”?
□ Nơi Rô-ma đoạn 16, Phao-lô bày tỏ ra sao sự quí trọng các anh chị em?
□ Tại sao chúng ta không nên nghi ngờ về các động lực của anh em chúng ta?
[Hình nơi trang 10]
Hãy cố gắng tìm ra một số đức tính dễ thương nơi những người không tự nhiên hấp dẫn đối với chúng ta