Sống độc thân—Cơ hội làm việc không phân tâm
“Hầu cho không phân-tâm mà hầu việc Chúa” (I CÔ-RINH-TÔ 7:35).
1. Phao-lô nhận được tin nào khiến ông lo ngại về tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô?
SỨ ĐỒ Phao-lô lo cho các anh em tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô, Hy Lạp. Khoảng năm năm trước đó, ông đã thành lập hội thánh tại thành phố phồn vinh ấy, nổi tiếng về sự vô luân. Giờ đây, khoảng năm 55 công nguyên, khi ở thành Ê-phê-sô thuộc Tiểu Á, ông nghe tin khiến ông lo ngại là ở thành Cô-rinh-tô có người chia bè phái và dung túng một hành vi vô luân đồi trụy. Hơn nữa, Phao-lô đã nhận được lá thư của anh em tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô, yêu cầu ông chỉ dẫn về những vấn đề như sự giao hợp, ở độc thân, hôn nhân, ly thân và tái hôn.
2. Sự vô luân lan tràn ở thành Cô-rinh-tô dường như ảnh hưởng các tín đồ đấng Christ ở thành đó như thế nào?
2 Sự vô luân đồi trụy lan tràn ở thành Cô-rinh-tô dường như ảnh hưởng hội thánh địa phương trên hai phương diện. Một số tín đồ đấng Christ buông theo bầu không khí phóng túng về mặt luân lý và họ dung túng sự vô luân (I Cô-rinh-tô 5:1; 6:15-17). Để đối phó trước những thú vui nhục dục ở khắp nơi trong thành phố, những tín đồ khác thì dường như đi đến thái cực kia là đề nghị mọi người đều phải kiêng giao hợp, thậm chí giữa vợ chồng (I Cô-rinh-tô 7:5).
3. Trong lá thứ nhất cho anh em ở thành Cô-rinh-tô, trước tiên Phao-lô nói về những vấn đề gì?
3 Phao-lô viết lá thư dài cho anh em ở thành Cô-rinh-tô, trước tiên ông nói về vấn đề chia rẽ (I Cô-rinh-tô đoạn 1-4). Ông khuyên họ tránh đi theo người ta, vì điều này chỉ gây ra sự ly giáo tai hại. Họ phải hợp nhất với tư cách là “bạn cùng làm việc” với Đức Chúa Trời. Rồi ông cho họ những lời hướng dẫn rõ rệt để giữ cho hội thánh được thanh sạch về mặt đạo đức (Đoạn 5, 6). Kế đó sứ đồ đề cập đến lá thư của họ.
Khuyên sống độc thân
4. Phao-lô có ý nói gì khi ông nói rằng “đờn-ông không đụng đến đờn-bà là hay hơn”?
4 Ông nói: “Luận đến các đều hỏi trong thơ anh em, tôi tưởng rằng đờn-ông không đụng đến đờn-bà là hay hơn” (I Cô-rinh-tô 7:1). Ở đây, câu nói “không đụng đến đờn-bà” có nghĩa là tránh gần gũi người đàn bà để thỏa mãn nhục dục. Vì trước đó Phao-lô đã lên án sự tà dâm, giờ đây ông đề cập đến sự giao hợp giữa vợ chồng. Bởi vậy, Phao-lô giờ đây khuyên sống độc thân (I Cô-rinh-tô 6:9, 16, 18; so sánh Sáng-thế Ký 20:6; Châm-ngôn 6:29). Sau đó ông viết: “Vậy, tôi nói với những kẻ chưa cưới gả, và kẻ góa-bụa rằng ở được như tôi thì hơn” (I Cô-rinh-tô 7:8). Phao-lô là người độc thân, có lẽ đã góa vợ (I Cô-rinh-tô 9:5).
5, 6. a) Tại sao chúng ta biết rõ là Phao-lô không khuyên tín đồ đấng Christ sống theo lối tu khổ hạnh? b) Tại sao Phao-lô khuyên sống độc thân?
5 Rất có thể là tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô đã biết ít nhiều về triết lý Hy Lạp, và một số trường phái đề cao lối sống cực kỳ khổ hạnh hoặc ép xác. Có phải vì thế mà những người Cô-rinh-tô hỏi Phao-lô rằng nếu tín đồ đấng Christ tránh mọi sự giao hợp thì “hay hơn” chăng? Câu trả lời của Phao-lô đã không phản ảnh triết lý Hy Lạp (Cô-lô-se 2:8). Không giống như các nhà thần học Công giáo, ông không hề khuyên tín đồ đấng Christ phải sống độc thân theo lối khổ hạnh trong tu viện, như thể người độc thân đặc biệt thánh thiện và có thể góp phần vào sự cứu rỗi qua lối sống và lời cầu nguyện của mình.
6 Phao-lô khuyên sống độc thân “vì tình hình khó khăn hiện nay” (I Cô-rinh-tô 7:26, Bản Diễn Ý). Có lẽ ông nói đến những giai đoạn khó khăn mà tín đồ đấng Christ đang trải qua, và hôn nhân có thể gây thêm khó khăn hơn nữa (I Cô-rinh-tô 7:28). Ông khuyên các tín đồ độc thân như sau: “Ở được như tôi thì hơn”. Về những người góa vợ, ông nói: “Có phải ngươi chưa bị [“không còn”, NW] vấn-vương với vợ chăng? Đừng kiếm vợ”. Về một tín đồ góa chồng, ông viết: “Theo ý tôi, nếu cứ ở vậy, thì có phước hơn. Vả, tôi tưởng tôi cũng có Thánh-Linh của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 7:8, 27, 40).
Không bắt buộc phải sống độc thân
7, 8. Điều gì cho thấy là Phao-lô không bắt buộc bất cứ tín đồ đấng Christ nào phải sống độc thân?
7 Chắc chắn là thánh linh của Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn Phao-lô khi ông cho lời khuyên ấy. Nguyên lời trình bày của ông về vấn đề sống độc thân và hôn nhân cho thấy sự thăng bằng và dè dặt. Ông không cho đó là vấn đề trung thành hay bất trung. Đúng hơn, đó là quyền tự do chọn lựa, ông có phần thiên về phía độc thân cho những ai có thể giữ thanh bạch trong tình trạng ấy.
8 Ngay sau khi nói rằng “đờn-ông không đụng đến đờn-bà là hay hơn”, Phao-lô nói thêm: “Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm-dục, thì mỗi người đờn-ông phải có vợ, mỗi người đờn-bà phải có chồng” (I Cô-rinh-tô 7:1, 2). Sau khi khuyên những người chưa lập gia đình và những góa phụ nên “ở được như tôi”, ông nhanh nhẹn nói thêm: “Song nếu họ chẳng thìn [“tự kiềm chế”, NW] mình được, thì hãy cưới gả; vì thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un-đốt” (I Cô-rinh-tô 7:8, 9). Một lần nữa, ông khuyên những người góa vợ như sau: “Đừng kiếm vợ. Nhưng nếu ngươi lấy vợ, thì chẳng phạm tội gì” (I Cô-rinh-tô 7:27, 28). Lời khuyên thăng bằng ấy cho thấy mỗi người có quyền tự do lựa chọn.
9. Theo Chúa Giê-su và Phao-lô, việc lập gia đình cũng như việc ở độc thân đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời như thế nào?
9 Phao-lô cho thấy rằng việc lập gia đình cũng như việc ở độc thân đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. “Tôi muốn mọi người đều được giống như tôi; song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác” (I Cô-rinh-tô 7:7). Chắc chắn là ông đã nghĩ đến những gì Chúa Giê-su nói. Sau khi xác minh sự kiện hôn nhân đến từ Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su cho thấy rằng sự sẵn sàng sống độc thân hầu phục vụ quyền lợi Nước Trời là một sự ban cho đặc biệt: “Chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được lời nầy, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi. Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ; có người hoạn vì tay người ta, và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ nước thiên-đàng. Người nào lãnh nổi lời ấy thì hãy lãnh lấy” (Ma-thi-ơ 19:4-6, 11, 12).
Lãnh lấy sự ban cho sống độc thân
10. Làm thế nào một người có thể “lãnh được” sự ban cho sống độc thân?
10 Tuy cả Chúa Giê-su lẫn Phao-lô đều gọi đời sống độc thân là một sự “ban cho”, nhưng họ không nói rằng đó là một sự ban cho phi thường mà chỉ có một số người lãnh được. Chúa Giê-su nói rằng “chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được” sự ban cho đó, và ngài khuyên những ai có thể làm được nên “lãnh lấy”, và đó là điều mà Chúa Giê-su và Phao-lô đã làm. Đành rằng Phao-lô có viết: “Thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un-đốt”, nhưng ông nói về những người “chẳng thìn [“tự kiềm chế”, NW] mình được” (I Cô-rinh-tô 7:9). Trong những lá thứ trước, Phao-lô cho thấy rằng tín đồ đấng Christ có thể tránh để cho lửa tình un đốt (Ga-la-ti 5:16, 22-24). Bước đi theo thánh linh có nghĩa là ta để cho thánh linh của Đức Giê-hô-va hướng dẫn mỗi bước đi của mình. Các tín đồ trẻ tuổi có thể làm được điều này chăng? Có thể được, nếu họ theo sát Lời Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên nói: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường-lối mình được trong-sạch? Phải cẩn-thận theo lời Chúa” (Thi-thiên 119:9).
11. ‘Noi theo Thánh-Linh’ có nghĩa gì?
11 Điều này có nghĩa là họ phải cẩn thận tránh những ý tưởng phóng túng được phổ biến qua các phương tiện như chương trình truyền hình, phim ảnh, tạp chí, sách và lời nhạc. Các ý tưởng ấy hướng về xác thịt. Một nam hoặc nữ tín đồ trẻ chọn sống độc thân thì “chẳng [nên] noi theo xác-thịt, nhưng noi theo Thánh-Linh. Thật thế, kẻ sống theo xác-thịt thì chăm những sự thuộc về xác-thịt; còn kẻ sống theo Thánh-Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh-Linh” (Rô-ma 8:4, 5). Những điều thuộc về thánh linh là công bình, thanh sạch, đáng chuộng, nhân đức. Các tín đồ đấng Christ, cả già lẫn trẻ, phải “luôn luôn nghĩ đến [những điều này]” (Phi-líp 4:8, 9).
12. Muốn tạo điều kiện để sống độc thân phần lớn tùy thuộc vào điều gì?
12 Muốn tạo điều kiện để nhận lãnh sự ban cho sống độc thân phần lớn tùy thuộc vào việc chuyên lòng mình vào mục tiêu đó và rồi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để theo đuổi mục tiêu ấy (Phi-líp 4:6, 7). Phao-lô viết: “Nếu có người vững tâm, không bị ràng buộc, tự chủ được ý muốn mình, trong lòng quyết định cứ sống độc thân: người ấy làm thế là phải. Lập gia đình là đúng, không lập gia đình lại đúng hơn” (I Cô-rinh-tô 7:37, 38, Bản Diễn Ý).
Sống độc thân nhằm mục đích
13, 14. a) Sứ đồ Phao-lô so sánh tín đồ độc thân với tín đồ đã lập gia đình như thế nào? b) Bằng cách duy nhất nào một tín đồ độc thân mới có thể làm “đúng hơn” những người đã lập gia đình?
13 Đời sống độc thân tự nó không có gì đáng khâm phục. Vậy thì một người sống độc thân làm “đúng hơn” theo nghĩa nào? Thật ra việc ấy tùy thuộc vào cách một người dùng sự tự do mà mình có. Phao-lô viết: “Vả, tôi muốn anh em được thong-thả chẳng phải lo-lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. Người nữ có chồng và đồng-trinh cũng khác nhau như vậy: ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân-thể và tinh-thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình. Tôi nói đều đó vì sự ích-lợi cho anh em, chớ chẳng phải để gài bẫy, song để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân-tâm mà hầu việc Chúa” (I Cô-rinh-tô 7:32-35).
14 Tín đồ độc thân nào mà dùng tình trạng của mình để theo đuổi những mục tiêu ích kỷ thì chẳng làm “đúng hơn” những tín đồ đã lập gia đình. Người ấy ở độc thân, chẳng phải “vì cớ nước thiên-đàng”, mà là vì những lý do cá nhân (Ma-thi-ơ 19:12). Người nam hoặc người nữ độc thân phải “chăm lo việc Chúa”, lo sao “cho Chúa đẹp lòng”, và “không phân-tâm mà hầu việc Chúa”. Điều này có nghĩa là người ấy tập trung hết tâm trí vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ. Chỉ khi làm thế thì người nam hoặc nữ tín đồ độc thân mới làm “đúng hơn” những tín đồ đã lập gia đình.
Làm việc không phân tâm
15. Nơi I Cô-rinh-tô đoạn 7, điểm chính trong lời lý luận của Phao-lô là gì?
15 Trong đoạn này, lời lý luận của Phao-lô tập trung vào điểm này: Tuy việc lập gia đình là chính đáng và, dưới một vài hoàn cảnh, một số người nên lập gia đình, nhưng người nam hoặc nữ tín đồ nào không muốn bị phân tâm để phụng sự Đức Giê-hô-va và chọn ở độc thân thì chắc chắn là điều có lợi. Trong khi người đã lập gia đình “bị chi phối (Bản Diễn Ý)”, người tín đồ không có gia đình được tự do để chú tâm vào “việc Chúa”.
16, 17. Một tín đồ độc thân có thể chú tâm nhiều hơn vào “việc Chúa” như thế nào?
16 Những việc Chúa là việc gì mà tín đồ độc thân được rảnh rang để chú tâm hơn là những người đã lập gia đình? Trong một bối cảnh khác, Chúa Giê-su nói về “vật gì của Đức Chúa Trời”—những vật mà một tín đồ đấng Christ không thể trả cho Sê-sa (Ma-thi-ơ 22:21). Về cơ bản, những điều này liên quan đến lối sống, sự thờ phượng và thánh chức rao giảng của tín đồ đấng Christ (Ma-thi-ơ 4:10; Rô-ma 14:8; II Cô-rinh-tô 2:17; 3:5, 6; 4:1).
17 Người độc thân thường có thể dành nhiều thời giờ hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va, và điều này có lợi cho sức khỏe thiêng liêng cũng như giúp họ rao giảng được nhiều hơn. Họ có thể dành nhiều thời giờ hơn cho việc học hỏi cá nhân và suy gẫm. Thường thì tín đồ độc thân có thể dễ sắp đặt thời khóa biểu để đọc Kinh-thánh hơn là những người đã lập gia đình. Họ có thể chuẩn bị kỹ hơn cho các buổi họp cũng như thánh chức rao giảng. Họ được “ích-lợi” nhờ làm mọi điều này (I Cô-rinh-tô 7:35).
18. Nhiều anh độc thân làm sao để có thể cho thấy rằng họ muốn phụng sự Đức Giê-hô-va một cách “không phân-tâm”?
18 Nhiều anh độc thân đã làm tôi tớ thánh chức thì được tự do nói với Đức Giê-hô-va: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). Các anh có thể nộp đơn xin dự Trường Huấn luyện Thánh chức, trường này dành riêng cho những tôi tớ thánh chức và trưởng lão độc thân, là những người được tự do phục vụ nơi có nhu cầu lớn hơn. Ngay cả những anh không thể rời hội thánh được vì lý do gì đó, cũng có thể tình nguyện phục vụ anh em mình với tư cách là tôi tớ thánh chức hoặc trưởng lão (Phi-líp 2:20-23).
19. Nhiều chị độc thân được ban phước như thế nào, và qua cách nào mà họ có thể là một ân phước cho hội thánh?
19 Các chị độc thân, vì không có chồng để hỏi ý kiến và giãi bày tâm sự, có thể thường hay ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’ (Thi-thiên 55:22; I Cô-rinh-tô 11:3). Điều này đặc biệt quan trọng đối với những chị chọn sống độc thân vì lòng yêu mến Đức Giê-hô-va. Nếu sau này các chị lập gia đình, thì họ chỉ lấy người nào “theo ý Chúa”, tức là chỉ lấy những người nào đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 7:39). Các trưởng lão quí trọng việc có các chị độc thân trong hội thánh; các chị thường hay thăm viếng cũng như giúp đỡ những người bệnh hoạn và già yếu. Nhờ đó đôi bên đều được vui vẻ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
20. Nhiều tín đồ đấng Christ làm sao để cho thấy họ “không phân-tâm mà hầu việc Chúa”?
20 Nhiều tín đồ trẻ tuổi đã xếp đặt công việc của họ hầu “không phân-tâm mà hầu việc Chúa” (I Cô-rinh-tô 7:35). Họ đang phục vụ Đức Giê-hô-va với tư cách là người tiên phong rao giảng trọn thời gian, giáo sĩ, hoặc tại một trong những văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh. Và họ thật vui vẻ biết bao! Sự hiện diện của họ quả đem lại sự khoan khoái! Chẳng lạ gì mà dưới mắt của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, họ y “như giọt sương” (Thi-thiên 110:3).
Không thề nguyện sống độc thân suốt đời
21. a) Tại sao rõ ràng là Phao-lô không khuyến khích tín đồ đấng Christ thề nguyện sống độc thân? b) Ông ngụ ý gì khi nói “quá thời kỳ bồng bột”?
21 Một điểm chính trong lời khuyên của Phao-lô là tín đồ đấng Christ “làm phải lẽ” nếu chọn sống độc thân (I Cô-rinh-tô 7:1, 8, 26, 37). Tuy thế, ông tuyệt nhiên không kêu họ thề nguyện sống độc thân. Ngược lại, ông viết: “Nhưng nếu có người nghĩ rằng mình hành động không đúng đối với việc giữ sự trinh trắng và nếu mình đã quá thời kỳ bồng bột, thì người ấy có thể làm theo ý mình muốn; người ấy không phạm tội nếu kết hôn” (I Cô-rinh-tô 7:36, NW). Chữ Hy Lạp (hy·peʹra·kmos) dịch là “quá thời kỳ bồng bột” có nghĩa đen là “qua mức cao nhất” và ám chỉ giai đoạn khi sự ham muốn mãnh liệt về tình dục đã qua đi. Cho nên những người nào sau khi đã sống trong tình trạng độc thân nhiều năm và rồi cuối cùng cảm thấy họ nên lập gia đình thì hoàn toàn được tự do lấy một người cùng đạo (II Cô-rinh-tô 6:14).
22. Khi xem xét từ mọi khía cạnh, tại sao việc một tín đồ đấng Christ không kết hôn lúc còn quá trẻ là điều có lợi?
22 Những năm mà một tín đồ trẻ không phân tâm phụng sự Đức Giê-hô-va là một sự đầu tư khôn ngoan. Những năm ấy tạo cho người đó cơ hội để thu thập sự khôn ngoan thực tiễn, kinh nghiệm và sự thông hiểu (Châm-ngôn 1:3, 4). Một người vì cớ Nước Trời sống độc thân thì sau này ở vào vị thế tốt hơn nhiều để đảm trách đời sống hôn nhân và có lẽ trách nhiệm làm cha hoặc mẹ, nếu như người đó quyết định như thế.
23. Một số người dự định kết hôn có thể nghĩ gì, nhưng chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào trong bài tới?
23 Một số tín đồ đấng Christ đã dành nhiều năm phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian trong tình trạng độc thân và họ cẩn thận chọn người hôn phối tương lai với mục đích tiếp tục phụng sự trọn thời gian dưới một hình thức nào đó. Như thế thì quả là đáng khen. Một số người có lẽ còn dự tính lập gia đình với ý tưởng là không để cho hôn nhân của mình cản trở chút nào công việc phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một tín đồ đã lập gia đình có nên cảm thấy mình được tự do chú tâm vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va như hồi mình còn độc thân không? Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi này trong những bài tới.
Để ôn lại
◻ Tại sao sứ đồ Phao-lô cảm thấy cần phải viết thư cho hội thánh ở Cô-rinh-tô?
◻ Tại sao chúng ta biết là Phao-lô không khuyên tín đồ đấng Christ sống theo lối tu khổ hạnh?
◻ Một người có thể “lãnh lấy” đời sống độc thân như thế nào?
◻ Các chị độc thân có thể được lợi ích qua tình trạng của mình như thế nào?
◻ Bằng những cách nào các anh độc thân có thể tận dụng sự tự do để phụng sự Đức Giê-hô-va mà “không phân-tâm”?