Vâng Lời Đức Chúa Trời trong gia đình chia rẽ về tôn giáo
“TÔI đau khổ về chuyện đó còn hơn là bị một người đánh đập... Tôi cảm thấy như cả người tôi bị bầm thâm tím, tuy vậy không ai thấy được”. “Đôi khi tôi cảm thấy như tôi nên bỏ cuộc... hay bỏ nhà và không bao giờ trở lại”. “Có khi tôi thấy khó suy nghĩ đúng đắn”.
Những lời cảm động này nói lên cảm giác tuyệt vọng và cô đơn. Đây là những lời của những người bị người hôn phối và người trong gia đình nói hành—bị buộc tội, hăm dọa, lăng mạ, không được ngó ngàng và ngay cả bị đánh đập. Tại sao những người này bị ngược đãi đến thế? Chỉ vì họ khác đạo. Trong những hoàn cảnh thể ấy, sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo có thể làm sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trở nên cả một thử thách. Tuy vậy, nhiều tín đồ đấng Christ bị ngược đãi như thế đã thành công trong việc vâng lời Đức Chúa Trời.
Đáng mừng thay, chúng ta không thấy sự đau khổ và căng thẳng thể ấy trong mọi gia đình chia rẽ về tôn giáo. Tuy nhiên, điều đó có xảy ra thật. Gia đình bạn có gặp cảnh ngộ này không? Thế thì, có lẽ bạn thấy khó tiếp tục kính trọng người hôn phối hoặc cha mẹ bạn. Nếu bạn là người vợ hoặc người con trong hoàn cảnh ấy, thì làm sao bạn có thể thành công trong việc vâng lời Đức Chúa Trời trong gia đình chia rẽ về tôn giáo? Người khác có thể làm gì để ủng hộ bạn? Và Đức Chúa Trời xem vấn đề này ra sao?
Tại sao vâng lời lại khó đến thế?
Thái độ vị kỷ và bội bạc của thế gian cùng với những khuynh hướng bất toàn của chính mình khiến chúng ta luôn luôn phải đấu tranh để vâng lời Đức Chúa Trời. Sa-tan biết điều này và hắn muốn áp đảo tinh thần của chúng ta. Hắn thường dùng những người trong gia đình thiếu lòng quí trọng và kính mến đối với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Các giá trị cao quí của bạn về thiêng liêng và đạo đức thường rất khác với các giá trị của gia đình không tin đạo của bạn. Điều này có nghĩa hai bên sẽ có quan điểm trái ngược với nhau về hạnh kiểm và việc làm (I Phi-e-rơ 4:4). Họ có thể gây áp lực mạnh mẽ hầu khiến bạn xây bỏ tiêu chuẩn của đạo đấng Christ, vì bạn vâng theo mệnh lệnh này: “Chớ dự vào công-việc vô-ích của sự tối-tăm” (Ê-phê-sô 5:11). Theo mắt họ, cái gì bạn làm cũng sai cả. Đó hẳn là vì tôn giáo của bạn. Một người mẹ hỏi chồng giúp đỡ khi vất vả săn sóc con cái bị bệnh. Ông trả lời một cách cay đắng: “Bà có thì giờ cho đạo bà; bà không cần sự giúp đỡ đâu”. Những lời nói thể ấy làm cho việc vâng lời trở nên càng khó khăn hơn nữa.
Rồi có lúc bạn có thể bất đồng ý kiến về những điều không trực tiếp vi phạm Kinh-thánh. Tuy thế, bạn ý thức rằng bạn là thành phần của gia đình và vì vậy bạn có một số trách nhiệm. Connie nói: “Tôi rất khó chịu khi nghĩ về cách cha của tôi đối đãi với chúng tôi vì tôi hiểu rằng cha cảm thấy cô đơn. Tôi phải thường tự nhắc mình để không bực tức vì cha chống đối chúng tôi. Tôi phải nói với mình rằng cha có lý do mạnh mẽ khiến cha phản ứng như thế hay bác bỏ lập trường của chúng tôi. Sa-tan là vua chúa của hệ thống mọi sự này”. Susan có chồng ngoại đạo, chị thú thật: “Thoạt đầu, tôi cảm thấy như muốn ly thân—nhưng giờ đây thì tôi không cảm thấy như vậy nữa. Tôi biết rằng Sa-tan dùng chồng tôi để thử thách tôi”.
Chúng ta có thể thấy rằng Sa-tan dường như không bao giờ ngừng cố gắng làm ta cảm thấy như không ra gì. Nhiều ngày có thể trôi qua mà vợ chồng bạn không nói chuyện với nhau chút nào cả. Cuộc đời có thể trở nên rất cô đơn. Điều này phá ngầm lòng tin tưởng và tự trọng của bạn và thử thách lòng vâng lời Đức Chúa Trời. Con cái cũng cảm thấy kiệt quệ về tâm thần và thể xác. Trong một trường hợp, ngay dù cha mẹ họ phản đối, ba tôi tớ trẻ tuổi của Đức Chúa Trời trung thành đi dự các buổi họp tín đồ đấng Christ. Một người trẻ này, giờ đây đi rao giảng trọn thời gian, công nhận: “Hồi đó, chúng tôi cảm thấy tê tái và kiệt quệ về tâm thần; chúng tôi không ngủ được; nó làm chúng tôi rất đau lòng”.
Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi bạn?
Sự vâng lời Đức Chúa Trời luôn luôn đứng hàng đầu, và người vợ phải luôn luôn theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va về việc vâng phục chồng là đầu mình một cách tương đối (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Điều này có thể khó làm, nhưng có thể làm được. Hãy tiếp tục nhìn về Đức Chúa Trời để được Ngài giúp đỡ. Ngài muốn bạn “lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy”, cũng như lắng nghe và tuân theo sự hướng dẫn của Ngài (Giăng 4:24). Khi sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời tràn đầy trong tấm lòng ngay thẳng của một người, nó sẽ khiến người đó sẵn lòng vâng lời. Mặc dù hoàn cảnh riêng của bạn có thể thay đổi, Đức Giê-hô-va và Lời của Ngài không hề thay đổi (Ma-la-chi 3:6; Gia-cơ 1:17). Đức Giê-hô-va chỉ định người chồng làm đầu. Điều này vẫn áp dụng dù người chồng chấp nhận sự làm đầu của đấng Christ hay không (I Cô-rinh-tô 11:3). Dù bạn có thể thấy khó sống với điều này, nếu bạn phải đương đầu với sự hiếp đáp và sỉ nhục liên miên, môn đồ Gia-cơ nói: “Sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì... sẵn sàng vâng lời” (Gia-cơ 3:17, NW). Muốn nhìn nhận sự làm đầu một cách hết sức rõ ràng và chấp nhận nó, chúng ta cần phải có thánh linh của Đức Chúa Trời, đặc biệt bông trái của tình yêu thương (Ga-la-ti 5:22, 23).
Khi chúng ta yêu mến một người, chúng ta sẽ thấy dễ vâng theo quyền hành do Đức Chúa Trời thiết lập. Ê-phê-sô 5:33 khuyên: “Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng”.
Hãy xem gương của Giê-su. Ngài bị người ta rủa sả và đánh đập, tuy vậy ngài chẳng bao giờ rủa lại. Ngài có thành tích hoàn hảo (I Phi-e-rơ 2:22, 23). Để chịu đựng những điều sỉ nhục ghê gớm đến thế, Giê-su cần lòng can đảm vô biên và tình yêu thương vững chắc đối với Cha ngài, Đức Giê-hô-va. Nhưng tình yêu thương “nín-chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4-8).
Phao-lô nhắc nhở bạn đồng hành là Ti-mô-thê, và ông nhắc nhở chúng ta ngày nay: “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm-thần nhút-nhát, bèn là tâm-thần mạnh-mẽ, có tình yêu-thương và giè-giữ” (II Ti-mô-thê 1:7). Lòng yêu thương sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va và Giê-su Christ có thể thúc đẩy bạn tỏ mình vâng lời khi gặp một hoàn cảnh dường như không thể nào chịu đựng được. Trí óc lành mạnh sẽ giúp bạn giữ một quan điểm thăng bằng và tập trung sự chú ý vào mối liên lạc của bạn với Đức Giê-hô-va và Giê-su Christ. (So sánh Phi-líp 3:8-11).
Những người hôn phối thành công trong việc vâng lời Đức Chúa Trời
Đôi khi bạn phải chờ một thời gian lâu dài để thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết những vấn đề của bạn như thế nào. Tuy vậy, tay Ngài không bao giờ ngắn. Một người đang thành công trong việc vâng lời Đức Chúa Trời có lời khuyên này: “Hãy luôn luôn làm những gì Đức Giê-hô-va cho phép bạn làm và cho bạn đặc ân làm—thờ phượng Ngài tại các buổi họp và hội nghị, học hỏi, đi rao giảng và cầu nguyện”. Đức Giê-hô-va ban phước các sự cố gắng của bạn, chứ không chỉ ban phước những gì bạn thực hiện được. Nơi II Cô-rinh-tô 4:17, sứ đồ Phao-lô nói rằng ‘sự hoạn-nạn thì tạm, nhưng nó sanh cho chúng ta sự vinh-hiển cao-trọng đời đời’. Hãy suy gẫm về điều này. Điều này sẽ giúp bạn giữ thăng bằng. Một người vợ nghĩ lại: “Đời sống gia đình của tôi không tiến bộ, và đôi khi tôi không biết nếu Đức Giê-hô-va có hài lòng với tôi hay không. Nhưng một điều mà tôi coi như là ân phước của Ngài là sự kiện tôi vượt qua những tình cảnh khó khăn với tâm trạng tốt hơn chồng tôi. Khi chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va hài lòng với các hành động của chúng ta thì việc phấn đấu với các vấn đề cũng thấy đáng công”.
Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ không để cho bạn trải qua những tình cảnh quá sức chịu đựng của bạn. Hãy tin cậy nơi Ngài. Ngài biết nhiều hơn bạn, và Ngài biết bạn còn rõ hơn bạn biết chính mình (Rô-ma 8:35-39; 11:33; I Cô-rinh-tô 10:13). Chúng ta sẽ được giúp đỡ nếu cầu nguyện Đức Giê-hô-va khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Hãy cầu nguyện xin thánh linh Ngài hướng dẫn bạn, đặc biệt khi bạn không biết mình nên làm gì hoặc làm sao giải quyết một vấn đề nào đó (Châm-ngôn 3:5; I Phi-e-rơ 3:12). Hãy luôn luôn cầu xin Ngài ban cho bạn tính kiên nhẫn, tự chủ và sự nhu mì để vâng lời người nào nắm quyền hành trong đời sống bạn. Người viết Thi-thiên nói: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi” (Thi-thiên 18:2). Ghi nhớ điều này sẽ giúp sức cho những người sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo.
Trên hết, hãy gắng sức làm mọi điều để cho cuộc hôn nhân của bạn được hạnh phúc. Đúng vậy, Giê-su thấy trước rằng tin mừng sẽ gây chia rẽ. Tuy thế, hãy cầu nguyện rằng sự chia rẽ không bao giờ đến từ thái độ hoặc hạnh kiểm của bạn (Ma-thi-ơ 10:35, 36). Nhằm đạt tới mục tiêu này, sự hợp tác sẽ giảm bớt các vấn đề trong hôn nhân. Ngay khi chỉ một mình bạn bày tỏ thái độ đúng đắn này, điều này có thể góp phần rất nhiều để ngăn cản các vấn đề tiến đến độ gây bực bội và chia rẽ quá đỗi. Lòng kiên nhẫn và yêu thương là tối quan trọng. Hãy tỏ mình “dịu dàng” và “biết chịu đựng gian khổ” (II Ti-mô-thê 2:24, bản dịch Tòa tổng giám mục).
Sứ đồ Phao-lô trở nên “mọi cách cho mọi người” (I Cô-rinh-tô 9:22). Tương tự thế, trong khi không hòa giải những bổn phận thuộc tín đồ đấng Christ, đôi khi có lẽ bạn cần thay đổi thời khóa biểu của bạn để dành ra nhiều thì giờ hơn với người hôn phối và gia đình của bạn. Hãy dành ra càng nhiều thì giờ càng tốt cho người bạn đời. Hãy bày tỏ lòng quan tâm thuộc đạo đấng Christ. Đây là một cách biểu lộ lòng vâng lời Đức Chúa Trời.
Một người vợ kính sợ Đức Chúa Trời và có lòng phục tùng, đồng thời biết uyển chuyển và thông cảm sẽ thấy dễ vâng lời Đức Chúa Trời hơn (Ê-phê-sô 5:22, 23). Những lời nói lịch sự, “nêm thêm muối”, giúp làm giảm bớt những cuộc chạm trán (Cô-lô-se 4:6; Châm-ngôn 15:1).
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khuyên giục bạn nhanh chóng giải quyết những mối bất hòa và phục hồi sự bình an qua những lời xây dựng, thay vì đi ngủ khi còn “căm-giận” (Ê-phê-sô 4:26, 29, 31). Điều này đòi hỏi bạn phải khiêm nhường. Hãy nương cậy triệt để nơi Đức Giê-hô-va để được sức lực. Một người vợ tín đồ đấng Christ công nhận một cách khiêm nhường: “Sau khi cầu nguyện nhiệt thành, tôi nhận thấy thánh linh của Đức Giê-hô-va nâng tay tôi lên để ôm choàng chồng tôi”. Lời của Đức Chúa Trời khuyên: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:17-21). Đây là lời khuyên khôn ngoan và cách chúng ta nên hành động nếu muốn vâng lời Đức Chúa Trời.
Người con biết vâng lời Đức Chúa Trời
Đức Giê-hô-va khuyên các người làm con sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo: “Mọi sự hãy vâng-phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20). Hãy lưu ý rằng câu này nêu danh Chúa Giê-su Christ. Vậy, các người làm con không vâng lời cha mẹ một cách tuyệt đối. Theo một nghĩa nào đó, lời khuyên nơi Công-vụ các Sứ-đồ 5:29 bảo phải “vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta,” cũng áp dụng cho các tín đồ trẻ tuổi của đấng Christ. Sẽ có lúc bạn phải quyết định mình nên làm gì căn cứ trên những điều bạn biết là đúng theo Kinh-thánh. Có thể bạn sẽ bị một loại trừng phạt nào đó vì từ chối thực hành sự thờ phượng giả. Trong khi đây là một viễn ảnh không vui mấy, bạn có thể tìm được niềm an ủi và có thế ngay cả vui mừng rằng bạn chịu khổ vì làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:19, 20).
Vì các nguyên tắc Kinh-thánh uốn nắn các ý tưởng của bạn, có lẽ bạn sẽ bất đồng ý kiến với cha mẹ về một số vấn đề. Điều này không có nghĩa họ là kẻ thù của bạn. Ngay dù họ không phải là tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va, họ đáng được tôn trọng (Ê-phê-sô 6:2). Sa-lô-môn nói: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con” (Châm-ngôn 23:22). Hãy cố gắng thông cảm với họ, vì họ đau lòng là bạn theo một đạo kỳ lạ trước mắt họ. Hãy nói chuyện với họ, và “hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì của anh em” (Phi-líp 4:5). Hãy chia rẽ các cảm nghĩ và mối lo lắng của bạn. Hãy cương quyết giữ theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, tuy thế, “nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18). Sự kiện bạn vâng lời cha mẹ ngay bây giờ cho Đức Giê-hô-va thấy rằng bạn mong muốn tiếp tục tỏ mình vâng lời khi làm thần dân của Nước Trời.
Người khác có thể làm gì
Tín đồ đấng Christ sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo cần được anh em cùng đạo ủng hộ và thông cảm. Chúng ta thấy rõ điều này qua lời nói của một người: “Tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng và vô phương cứu chữa, vì không ai có thể làm gì cả, và tôi chẳng có thể làm gì để thay đổi tình thế. Tôi tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, là Ngài sẽ thi hành ý muốn của Ngài trong gia đình tôi, dù ý muốn đó là gì đi nữa”.
Sự kết hợp với các anh chị em cùng đạo tại các buổi họp tín đồ đấng Christ là một nguồn ẩn náu. Cùng chị này miêu tả cuộc sống của chị như “hai thế giới khác nhau. Tôi buộc phải sống trong thế giới này, nhưng tôi vui thích sinh hoạt trong thế giới kia”. Lòng yêu thương của đoàn thể các anh em giúp những người đang đau khổ để chịu đựng và phụng sự trong mọi hoàn cảnh. Hãy cầu nguyện cho họ (Ê-phê-sô 1:16). Vào mọi dịp, hãy luôn luôn khuyến khích họ qua những lời nói tích cực và an ủi (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Khi thực tiễn và thích hợp, hãy mời họ tham gia vào các sinh hoạt thần quyền và vui chơi của bạn.
Các ân phước và lợi ích nhờ vâng lời Đức Chúa Trời
Hãy suy gẫm mỗi ngày về các ân phước và lợi ích của việc vâng lời Đức Chúa Trời trong gia đình chia rẽ về tôn giáo. Hãy gắng sức tỏ mình vâng lời. “Chớ mệt-nhọc” (Ga-la-ti 6:9). Chịu đựng những hoàn cảnh bất lợi và bất công vì “cớ lương-tâm đối với Đức Chúa Trời... là một ơn phước” với Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:19, 20). Hãy tỏ mình vâng lời miễn là không phải hòa giải các nguyên tắc công bình và các luật lệ của Đức Giê-hô-va không bị vi phạm. Điều này cho thấy bạn trung thành ủng hộ sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Hạnh kiểm tin kính của bạn có thể ngay cả cứu sống người hôn phối, con cái hoặc cha mẹ của bạn (I Cô-rinh-tô 7:16; I Phi-e-rơ 3:1).
Trong khi bạn đối phó với các sự đòi hỏi của một gia đình chia rẽ về tôn giáo, hãy nhớ tầm quan trọng của việc giữ vững lòng trung kiên đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. Có lẽ bạn sẽ nhượng bộ về nhiều phương diện, nhưng nếu bạn hòa giải đến độ mất đi sự trung kiên, thì điều đó có nghĩa bạn cũng đã mất hết, kể cả sự sống. Sứ đồ Phao-lô nói: “Rồi đến những ngày sau-rốt nầy, Ngài [Đức Chúa Trời] phán-dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập nên kế-tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế-gian”. Nhìn nhận “sự cứu-rỗi lớn dường ấy” sẽ thêm sức cho bạn để tỏ mình vâng lời (Hê-bơ-rơ 1:1, 2; 2:3).
Sự vâng lời không lay chuyển của bạn và sự kiện bạn cương quyết sống theo đạo đức và giá trị đúng đắn là một sự che chở lành mạnh cho cả bạn lẫn người hôn phối không tin đạo của bạn. Sự chung thủy củng cố mối liên lạc trong gia đình. Châm-ngôn 31:11 nói về người vợ tài năng và trung thành: “Lòng người chồng tin-cậy nơi nàng”. Hạnh kiểm tinh sạch và lòng kính trọng sâu xa của bạn có thể làm sáng mắt người chồng không tin đạo. Điều này có thể khiến người chấp nhận lẽ thật.
Sự vâng lời Đức Chúa Trời thật quí giá biết bao và đưa đến sự cứu sống. Hãy cầu nguyện cho đức tính này trong đời sống gia đình của bạn. Nó sẽ mang lại sự yên tâm và ngợi khen Đức Giê-hô-va.