Các “Đoạn văn chứng cớ” cho Thuyết Chúa Ba Ngôi thì sao?
CÓ NGƯỜI cho rằng có một số đoạn văn Kinh-thánh cung cấp chứng cớ ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, khi đọc những đoạn văn ấy, chúng ta nên nhớ rằng chứng cớ của Kinh-thánh và lịch sử không hề ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi.
Bất cứ câu Kinh-thánh nào đưa ra làm bằng chứng thì phải hiểu theo toàn bản văn, hòa hợp với sự dạy dỗ của cả Kinh-thánh. Thường thường ý nghĩa thật của đoạn văn như thế được sáng tỏ nhờ đọc các câu chung quanh đó.
Ba trong Một
“TÂN Bách khoa Tự điển Công giáo” đưa ra ba “đoạn văn chứng cớ” như thế, nhưng cũng nhìn nhận: “Giáo điều Chúa Ba Ngôi thánh không được dạy trong Cựu Ước. Còn trong Tân Ước thì bằng cớ xưa nhất là nơi các thánh thư của Phao-lô, điển hình là II Cô-rinh-tô 13:13 (câu 14 trong vài bản dịch Kinh-thánh khác) và I Cô-rinh-tô 12:4-6. Trong các sách Phúc âm, chứng cớ về Chúa Ba Ngôi chỉ được thấy rõ trong lời dùng cho phép báp têm nơi Ma-thi-ơ 28:19”.
Trong các câu đó “ba ngôi” được liệt kê như sau trong bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn. II Cô-rinh-tô 13:13 (14) ghép ba ngôi lại với nhau như thế này: “Ân sủng của Chúa Yêsu, lòng mến của Thiên Chúa và sự hiệp nhất của Thánh Thần ở cùng anh em hết thảy!” I Cô-rinh-tô 12:4-6 nói: “Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa. Kỳ công chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thiên Chúa, Đấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người”. Và Ma-thi-ơ 28:19 đọc: “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Phải chăng các đoạn này nói rằng Đức Chúa Trời, đấng Christ và thánh linh lập thành một Chúa Ba Ngôi, rằng Ba Ngôi bình đẳng nhau về bản chất, quyền năng và đời đời? Không, các câu ấy không hề có ý nghĩa đó, cũng như khi kể ra ba người, chẳng hạn anh Thơm, anh Đức và anh Hùng, không có nghĩa là ba người này làm thành một người.
Cuốn “Bách khoa Tự điển về Văn chương trong Kinh-thánh, Thần học và Giáo hội” (McClintock and Strong’s Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature) của McClintock và Strong nhìn nhận rằng kiểu dẫn chứng này “chỉ chứng tỏ được sự kiện là có ba phần tử được liệt kê ra... nhưng tự nó không minh chứng rằng cả ba nhất thiết phải có bản thể của Đức Chúa Trời và được tôn trọng ngang nhau”.
Cùng cuốn sách trên, tuy ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi nhưng viết về II Cô-rinh-tô 13:13 (14) rằng: “Chúng ta không thể suy luận cách chính đáng rằng họ có uy quyền ngang nhau, hoặc họ có cùng bản thể”. Sách này bình luận về Ma-thi-ơ 28:18-20 như sau: “Tuy nhiên, đoạn văn này, nếu lấy riêng ra, không nhất thiết chứng minh được gì về cá tính của ba phần tử hoặc họ có bằng nhau hoặc có tính chất Đức Chúa Trời như nhau”.
Khi Giê-su làm báp têm, Đức Chúa Trời, Giê-su và thánh linh cũng được đề cập trong cùng đoạn văn. Giê-su “thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài” (Ma-thi-ơ 3:16). Tuy nhiên, câu này không có nghĩa ba vị là một. Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp nhiều lần được đề cập đến cùng một lượt, nhưng việc đó không làm cho họ thành một người. Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng được nêu danh chung với nhau, nhưng cũng không vì vậy mà họ thành một người. Hơn nữa, việc thánh linh Đức Chúa Trời giáng xuống Giê-su khi ngài làm báp têm chứng tỏ rằng từ trước cho đến lúc đó, ngài chưa được xức dầu bằng thánh linh. Nếu thế, làm sao ngài có thể là một ngôi của Chúa Ba Ngôi, vì theo giáo điều này thì ngài phải luôn luôn là một với thánh linh.
Một đoạn văn khác có đề cập đến ba phần tử đi chung với nhau là I Giăng 5:7 trong vài bản dịch Kinh-thánh xưa. Tuy nhiên, các học giả nhìn nhận rằng những lời này không có trong bản Kinh-thánh nguyên thủy, nhưng được thêm vào mãi sau này. Vì thế hầu hết các bản dịch tân thời loại bỏ câu giả mạo này.
Còn “những đoạn văn chứng cớ” khác thì chỉ nói đến mối quan hệ giữa hai đấng, Cha và Giê-su. Chúng ta hãy xem xét vài câu trong số đó.
“Ta với Cha là một”
ĐOẠN VĂN này là Giăng 10:30, thường được trích dẫn để ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi, dù trong câu này không hề có nhân vật thứ ba nào được nhắc đến. Nhưng chính Giê-su cho thấy điều ngài muốn ám chỉ khi nói ngài “là một” với Cha. Nơi Giăng 17:21, 22, ngài cầu xin Đức Chúa Trời cho các môn đồ ngài “ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta... để [họ] hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một”. Phải chăng Giê-su cầu xin cho tất cả môn đồ ngài được thành một thực thể độc nhất? Hiển nhiên không, Giê-su chỉ cầu xin cho họ được hợp nhất trong tư tưởng và mục đích như ngài và Đức Chúa Trời vậy. (Cũng xem I Cô-rinh-tô 1:10).
Nơi I Cô-rinh-tô 3:6, 8 Phao-lô nói: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới... người trồng kẻ tưới đều là một” (bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế). Phao-lô không có ý nói ông và A-bô-lô là hai người nhập thành một; ông thật ra muốn nói rằng họ hợp nhất vì có cùng một mục đích. Ở đây Phao-lô dùng từ Hy-lạp “một” (hen) trong giống trung (vô tính), nghĩa đen là “một (sự vật)”, chứng tỏ sự hợp nhất trong việc hợp tác với nhau. Giê-su dùng chính từ đó trong Giăng 10:30 để miêu tả mối liên lạc giữa ngài với Cha. Ngài cũng dùng cùng từ đó trong Giăng 17:21, 22. Thế thì khi dùng chữ “một (hen)” trong các trường hợp đó, Giê-su muốn nói về sự hợp nhất trong tư tưởng và mục đích.
John Calvin, một người ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi, viết về Giăng 10:30 trong cuốn “Bình luận về cuốn Phúc âm của Giăng” (Commentary on the Gospel According to John) như sau: “Những người thời xưa đã dùng đoạn văn này cách sai lầm để chứng minh đấng Christ vốn có... cùng bản thể với Cha. Vì đấng Christ không nói về sự hợp nhất trong bản thể, nhưng về sự hòa hợp mà ngài có với Cha đó thôi”.
Ngay trong đoạn văn, trong các câu theo sau Giăng 10:30, Giê-su nhấn mạnh rằng lời ngài không phải để tự xưng là Đức Chúa Trời. Ngài hỏi thẳng những người Do-thái đã kết luận sai lầm như thế và muốn ném đá ngài: “Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra thánh và sai xuống thế-gian, nói rằng: “Ta là Con Đức Chúa Trời”, cớ sao các ngươi lại cáo ta là nói lộng-ngôn?” (Giăng 10:31-36, bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế). Không, Giê-su không hề tự xưng rằng ngài là Đức Chúa Trời Con, nhưng là Con Đức Chúa Trời.
“Làm ra mình bằng Đức Chúa Trời”?
MỘT CÂU Kinh-thánh khác được đưa ra làm hậu thuẫn cho thuyết Chúa Ba Ngôi là Giăng 5:18. Câu này nói người Do-thái (giống như trong Giăng 10:31-36) muốn giết Giê-su bởi vì “Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời”.
Nhưng ai nói Giê-su làm ra mình bằng Đức Chúa Trời? Không phải Giê-su. Ngài tự binh vực mình chống lại sự vu cáo này trong câu kế tiếp (19): “Vậy Đức Yêsu đáp lại... ‘Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm’ ” (bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Qua lời này, Giê-su đã tỏ cho người Do-thái thấy rằng ngài không bình đẳng với Đức Chúa Trời, và vì vậy ngài không thể tự mình hành động. Chúng ta có thể nào tưởng tượng một người bình đẳng với Đức Chúa Trời Toàn năng mà nói rằng người không thể “tự mình làm việc gì được” chăng? (So sánh Đa-ni-ên 4:34, 35). Điều đáng lưu ý là những câu kế cận của cả Giăng 5:18 lẫn Giăng 10:30 đều chứng tỏ rằng Giê-su tự binh vực mình chống lại sự vu cáo của người Do-thái là những người đã kết luận sai lầm giống như giới ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi!
“Bình đẳng với Thiên Chúa”?
PHI-LÍP 2:6 theo bản dịch Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc nói về Giê-su như sau: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ”. Cho đến nay một số người vẫn còn dùng các bản dịch như thế để ủng hộ ý niệm Giê-su bình đẳng với Đức Chúa Trời. Nhưng xin hãy chú ý các bản dịch khác dịch câu này như thế nào:
1971: “Đấng vốn có hình thể Thiên Chúa, nhưng không dám tự chiếm đoạt cho mình bình đẳng với Thiên Chúa” (bản dịch Trần Đức Huân).
1975: “Ngài vốn có hình-thể của Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng với Đức Chúa Trời là sự phải đoạt lấy” (bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế).
1976: “Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa” (bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
1984: “Đấng, dù hiện hữu trong hình Đức Chúa Trời, nhưng không màng đến sự chiếm đoạt [địa vị], tức coi mình ngang hàng với Đức Chúa Trời” (Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới).
1985: “Người đồng bản tính với Thiên Chúa, song chẳng nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa” (bản dịch Trịnh Văn Căn).
1987: “Chúa vốn có bản thể của Thượng Đế nhưng không cố vị tham quyền là quyền bình đẳng với Thượng Đế” (Bản diễn ý do Lời Hằng Sống xuất bản).
Tuy vậy, một số người cho rằng ngay cả những bản dịch chính xác hơn này vẫn hàm ý rằng (1) Giê-su vốn đã bình đẳng (với Đức Chúa Trời) nhưng không muốn tiếp tục nắm giữ địa vị ấy, hoặc (2) ngài chẳng cần phải giành lấy sự bình đẳng vì ngài đã có địa vị ấy rồi.
Về vấn đề này, Ralph Martin viết trong cuốn “Thư của Phao-lô gửi cho người ở Phi-líp” (The Epistle of Paul to the Philippians) nói về nguyên văn Hy-lạp như sau: “Tuy nhiên, điều đáng thắc mắc là ý nghĩa thật của động từ ‘chụp lấy’, ‘giành lấy cách hung hãn’ có thể chuyển thành ra ‘nắm giữ’ được hay không. Cuốn “Giải thích Tân Ước tiếng Hy-lạp” (The Expositor’s Greek Testament) cũng viết: “Chúng ta không thể tìm bất kỳ đoạn văn nào có chữ ἁρπάζω [har·paʹzo] hoặc chữ cùng gốc với nó mà hàm ý ‘nắm giữ vật sở hữu’ hoặc ‘cầm lại’. Dường như chữ đó lúc nào cũng mang ý nghĩa ‘chụp lấy’, ‘giành lấy cách hung hãn’. Vì thế, chúng ta không được phép chuyển ý nghĩa thật của từ ‘giành lấy” thành ra một ý khác hẳn là ‘nắm giữ’.
Sự dẫn chứng trên đây cho thấy rõ ràng các dịch giả của những bản dịch Kinh-thánh như Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc đã bóp méo luật lệ để đạt mục đích là ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi. Câu Phi-líp 2:6 trong tiếng Hy-lạp không mảy may có ý nói rằng Giê-su nghĩ mình nên được bình đẳng với Đức Chúa Trời; ngược lại khi đọc cách khách quan, câu này cho thấy Giê-su không hề nghĩ điều đó là thích đáng.
Các câu kế cận (Phi-líp 2:3-5, 7, 8) cho thấy rõ ràng nên hiểu Phi-líp 2 câu 6 như thế nào. Người ở Phi-líp được khuyến giục: “Hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. Rồi Phao-lô dùng đấng Christ như một gương mẫu xuất sắc về thái độ này: “Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có”. “Tâm tình” gì thế? Có phải là “chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ” không? Không đâu, câu đó ngược hẳn với ý mà người ta muốn nói! Thay vì vậy, Giê-su, đấng “coi Đức Chúa Trời như tôn-trọng hơn mình” không bao giờ ‘giành lấy quyền bình đẳng với Đức Chúa Trời’ nhưng thà “tự hạ mình xuống vâng-phục cho đến chết”.
Vậy chắc chắn câu đó không thể nói về một phần nào của Thiên Chúa Toàn năng cả, nhưng nói về Giê-su, đấng minh họa cách toàn hảo điều Phao-lô muốn nhấn mạnh ở đây, tức là tầm quan trọng của sự khiêm nhường và vâng phục đối với Đấng cao hơn mình và Đấng Tạo hóa mình, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
“Ta vẫn-hằng-hữu”
NƠI Giăng 8:58 trong một số bản dịch, chẳng hạn bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế, có lời Giê-su nói như sau: “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, ta vẫn-hằng-hữu”. Phải chăng nơi đây Giê-su dạy, theo lời khẳng định của giới ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi, rằng ngài được nhận diện qua tước hiệu “Ta vẫn-hằng-hữu”? Và theo lời họ, phải chăng câu này hàm ý ngài chính là Đức Giê-hô-va trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, vì theo bản dịch Trần Đức Huân câu Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14 ghi: “Thiên Chúa phán dạy Moi-sê: Ta là Đấng hằng hữu”?
Nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14 nhóm từ “Ta là Đấng hằng hữu” được dùng như một tước hiệu của Đức Chúa Trời để chứng tỏ rằng Ngài hiện hữu thật và sẽ thi hành điều chi Ngài đã hứa. Cuốn “Năm Sách của Môi-se và các sách tiên tri” (The Pentateuch and Haftorahs) do Dr. J. H. Hertz xuất bản có bàn về nhóm từ này như sau: “Đối với người Y-sơ-ra-ên đang dưới ách nô lệ, thì câu đó sẽ có nghĩa là: ‘Dù Ngài chưa tỏ quyền năng Ngài ra cho các ngươi, nhưng Ngài sẽ làm thế; Ngài vốn hằng hữu và chắc chắn sẽ chuộc các ngươi ra’. Hầu hết các bản dịch tân thời theo cách của Rashi [một người Pháp bình luận Kinh-thánh và sách luật đạo Do-thái] dịch [Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14] như sau: ‘Ta sẽ là điều chi Ta sẽ là’ ”.
Các chữ nơi Giăng 8:58 rất khác với Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14. Giê-su không dùng các chữ đó như một tên hay một tước hiệu nhưng là một cách để giải thích sự hiện hữu của ngài trước khi làm người. Vì thế, xin chú ý đến cách một số bản dịch Kinh-thánh đã dịch Giăng 8:58:
1971: “Trước khi có Áp-ram, đã có Ta” (bản dịch Trần Đức Huân).
1984: “Trước khi Áp-ra-ham hiện hữu đã có ta” (bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới).
1985: “Trước khi có ông A-bơ-ra-ham thì đã có Ta” (bản dịch Trịnh Văn Căn).
1987: “Trước khi Áp-ra-ham ra đời đã có tôi” (Bản diễn ý do Lời Hằng Sống xuất bản).
Thế thì, ý nghĩa thật của từ Hy-lạp dùng ở đây là Giê-su, “Con đầu lòng” của Đức Chúa Trời và do Ngài dựng nên, đã hiện hữu từ lâu trước khi Áp-ra-ham sanh ra (Cô-lô-se 1:15; Châm-ngôn 8:22, 23, 30; Khải-huyền 3:14).
Lần nữa, đoạn văn kế cận giúp chúng ta hiểu đúng đắn câu này. Vào dịp đó, người Do-thái muốn ném đá Giê-su vì ngài dám bảo “đã thấy Áp-ra-ham” mặc dù, như lời họ, ngài chưa đầy 50 tuổi (Giăng 8 câu 57). Phản ứng tự nhiên của Giê-su là nói sự thật về tuổi tác mình. Vì thế, ngài bảo họ rằng “trước khi Áp-ra-ham ra đời đã có tôi” (Bản diễn ý do Lời Hằng Sống xuất bản).
“Ngôi lời là Đức Chúa Trời”
TRONG bản dịch Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc, Giăng 1:1 viết: “Ban đầu có Ngôi lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Giới ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi cho rằng câu này có nghĩa là “Ngôi Lời” (chữ Hy-lạp là ho loʹgos) xuống trái đất với danh Giê-su Christ, chính là Đức Chúa Trời Toàn năng.
Nhưng, xin bạn hãy lưu ý, một lần nữa đoạn văn kế cận làm căn bản giúp ta hiểu đúng. Chính bản dịch Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc nói: “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời” (chúng tôi viết nghiêng). Một người “ở cùng” một người khác thì không thể nào là chính người khác đó được. “Tập san về Văn chương Kinh-thánh” (Journal of Biblical Literature) do tu sĩ Dòng Tên Joseph A. Fitzmyer xuất bản đồng ý với điều này khi chú thích rằng nếu giải thích phần sau của Giăng 1:1 là chỉ về Đức Chúa Trời “duy nhất”, thì nó “mâu thuẫn với mệnh đề đi trước đó” nói rằng Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời.
Bạn cũng nên chú ý xem phần này được phiên dịch thế nào trong các bản dịch khác:
1808: “Và lời là một vị thần” (The New Testament in an Improved Version, Upon the Basis of Archbishop Newcome’s New Translation: With a Corrected Text).
1864: “Và một vị thần là lời” (The Emphatic Diaglott, interlinear reading, do Benjamin Wilson).
1928: “Và Ngôi Lời là một đấng có thiên tính” (La Bible du Centenaire, L’Evangile selon Jean, do Maurice Goguel).
1935: “Và Ngôi Lời có thiên tính” (The Bible—An American Translation, do J. M. P. Smith và E. J. Goodspeed).
1946: “Và Ngôi Lời là một loại có thiên tính” (Das Neue Testament, do Ludwig Thimme).
1950: “Và Lời là một vị thần” (New World Translation of the Christian Greek Scriptures).
1958: “Và Ngôi Lời là một Vị Thần” (The New Testament, by James L. Tomanek).
1975: “Và Ngôi Lời là một vị thần (hay, một loại có thiên tính)” (Das Evangelium nach Johannes, do Siegfried Schulz).
1978: “Và vị phát ngôn viên (Logos trong tiếng Hy-lạp) khác nào một vị thần” (Das Evangelium nach Johannes, do Johannes Schneider).
Trong câu Giăng 1:1, danh từ Hy-lạp the·osʹ (Đức Chúa Trời) xuất hiện hai lần. Lần thứ nhất chỉ về Đức Chúa Trời Toàn năng, mà Ngôi Lời ở cùng (“và Ngôi Lời [loʹgos] ở cùng Đức Chúa Trời [một thể của the·osʹ]”). Chữ the·osʹ đầu tiên này có chữ ton, là một định quán từ trong tiếng Hy-lạp nhằm chỉ về một danh tánh riêng biệt, trong trường hợp này là Đức Chúa Trời Toàn năng (“và Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời [duy nhất]”).
Mặt khác, không có quán từ nào đứng trước chữ the·osʹ thứ nhì trong Giăng 1:1. Vì thế sự phiên dịch từng chữ sẽ là: “Và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Thế nhưng chúng ta đã thấy nhiều dịch giả phiên dịch chữ the·osʹ thứ nhì này (một thuộc ngữ danh từ) là “người có thiên tính”, “giống một vị thần”, hoặc “một vị thần”. Họ lấy thẩm quyền nào để dịch như vậy?
Ngôn ngữ Hy-lạp Koine có một định quán từ nhưng không có bất định quán từ (“một”). Vì thế khi một thuộc ngữ danh từ không có định quán từ đứng trước, thì người ta có thể nghĩ nó là bất định, tùy theo nội dung của đoạn văn.
“Tập san về Văn chương Kinh-thánh” nói rằng các nhóm từ “gồm một thuộc ngữ không có quán từ và đi trước động từ thường chủ yếu nói lên ý nghĩa về phẩm chất”. Theo lời chú thích của “Tập san” này, điều đó chứng tỏ loʹgos (Ngôi Lời) có thể được ví như một vị thần. “Tập san” cũng nói về Giăng 1:1 như sau: “Ý nghĩa về phẩm chất của thuộc ngữ này thật quá rõ ràng đến nỗi chúng ta không thể xem danh từ [the·osʹ] là xác định”.
Vì thế, Giăng 1:1 nhấn mạnh phẩm chất của Ngôi Lời, rằng ngài “có thiên tính”, “giống một vị thần”, “một vị thần”, nhưng không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng. Điều này phù hợp với tất cả những phần khác của Kinh-thánh. Kinh-thánh cho thấy Giê-su, được mệnh danh là “Ngôi Lời” vì ngài đóng vai trò một Phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, là một đấng thuộc cấp dưới, biết vâng phục và được Thượng cấp của ngài, là Đức Chúa Trời Toàn năng sai xuống trái đất.
Có nhiều câu Kinh-thánh khác có cùng cấu trúc văn phạm trong tiếng Hy-lạp, và hầu hết các dịch giả trong các thứ tiếng khác đều nhất trí thêm vào quán từ “một” khi phiên dịch. Thí dụ nơi Mác 6:49, khi các môn đồ trông thấy Giê-su đi bộ trên mặt nước, bản dịch Kinh-thánh King James Version viết: “Họ ngỡ đó là một thần linh”. Trong bản văn Hy-lạp Koine, không có chữ “một” trước chữ “thần linh”. Nhưng hầu hết các bản dịch trong ngôn ngữ khác đều thêm chữ “một” hầu giúp cho câu dịch được đúng với ý nghĩa đoạn văn. Cùng một thể ấy, vì Giăng 1:1 cho thấy rằng Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời nên ngài không thể là Đức Chúa Trời nhưng là “một vị thần”, “một Chúa”, hay “có thiên tính”.
Nhà thần học và học giả Joseph Henry Thayer có phần trong việc thực hiện bản dịch Kinh-thánh American Standard Version đã phát biểu ngắn gọn: “Ngôi Lời có thiên tính, nhưng không phải là chính Đức Chúa Trời”. Và tu sĩ Dòng Tên John L. McKenzie viết trong cuốn “Tự điển Kinh-thánh” (Dictionary of the Bible) của ông như sau: “Giăng 1:1 đáng lý ra nên được dịch chính xác... ‘Ngôi Lời là một đấng có thiên tính’ ”.
Vi phạm một điều luật?
TUY NHIÊN, có người nói rằng cách dịch như thế vi phạm một điều luật trong sách văn phạm Hy-lạp Koine do học giả Hy-lạp E. C. Colwell xuất bản vào năm 1933. Học giả này khẳng định rằng trong tiếng Hy-lạp một thuộc ngữ danh từ “có quán từ [xác định] khi nó theo sau động từ; nhưng nếu đi trước động từ thì sẽ không có quán từ [xác định]”. Qua lời này, ông muốn nói rằng một thuộc ngữ danh từ đi trước động từ thì nên hiểu như thể nó có quán từ xác định đứng trước. Nơi Giăng 1:1 danh từ thứ hai (the·osʹ) là thuộc từ đi trước động từ: “và [the·osʹ] là Ngôi Lời”. Vì thế, Colwell tuyên bố rằng Giăng 1:1 nên đọc thế này: “và chính Đức Chúa Trời là Ngôi Lời”.
Nhưng chúng ta hãy xem xét hai trường hợp trong Giăng 8:44 (NW). Trong câu đó Giê-su nói về Ma-quỉ: “Nó đã là một kẻ giết người” và “Nó vốn là một kẻ nói dối”. Cũng y như trường hợp ở Giăng 1:1, các thuộc ngữ danh từ (“kẻ giết người” và “kẻ nói dối”) đứng trước động từ (“là”) trong tiếng Hy-lạp. Không có bất định quán từ nào đứng trước cả hai danh từ đó vì trong tiếng Hy-lạp Koine không hề có bất định quán từ. Nhưng hầu hết các bản dịch (tiếng Anh) thêm chữ “một” vào để thích ứng với văn phạm tiếng Hy-lạp và ý nghĩa đoạn văn đó. (Cũng hãy xem Mác 11:32; Giăng 4:19; 6:70; 9:17; 10:1; 12:6 trong Kinh-thánh ngoại quốc).
Colwell đã phải xác nhận điều này về thuộc ngữ danh từ, vì ông nói: “Bất định quán từ [“một”] phải thêm vào vị trí đó chỉ khi nào ý nghĩa đoạn văn đòi hỏi”. Thế thì chính ông cũng nhìn nhận rằng khi ý nghĩa đoạn văn đòi hỏi, thì dịch giả có thể thêm một bất định quán từ ở trước danh từ khi câu văn có cấu trúc kiểu này.
Nhưng ý nghĩa của đoạn văn có đòi hỏi phải thêm một bất định quán từ nơi Giăng 1:1 không? Có, vì cả Kinh-thánh cho chứng cớ rằng Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng. Thế thì, không phải luật văn phạm của Colwell, một luật còn phải xét lại, mà chính ý nghĩa đoạn văn mới nên làm yếu tố hướng dẫn người dịch trong các trường hợp như thế. Và khi xem xét một số bản dịch đã thêm bất định quán từ “một” nơi Giăng 1:1, và trong nhiều chỗ khác, ta thấy rõ rằng nhiều học giả không đồng ý với luật nhân tạo đó, và Lời Đức Chúa Trời cũng thế.
Không mâu thuẫn
LIỆU câu nói Giê-su Christ là “một vị thần” có mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Kinh-thánh rằng chỉ có một Đức Chúa Trời thôi không? Không, vì nhiều khi Kinh-thánh dùng ngôn từ đó để đề cập đến những tạo vật quyền năng. Thi-thiên 8:5 (The Jerusalem Bible) viết: “Chúa làm người kém hơn các vị thần một chút [chữ Hê-bơ-rơ ʼelo·himʹ]”, tức các thiên sứ. Khi Giê-su bị người Do-thái kết án rằng ngài tự xưng là Đức Chúa Trời thì Giê-su đã biện minh cho mình, và lưu ý họ rằng: “Trong Luật của các ngươi lại đã không viết sao: ‘Ta bảo các ngươi là thần’. Nếu được gọi là thần, những kẻ có lời Thiên Chúa xảy đến cho”, những kẻ đó là các quan xét loài người (Giăng 10:34, 35, bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn; Thi-thiên 82:1-6). Ngay cả Sa-tan cũng còn được gọi là “chúa đời nầy” ở II Cô-rinh-tô 4:4.
Giê-su có một địa vị cao hơn nhiều so với thiên sứ, loài người bất toàn, hoặc Sa-tan. Thế mà những tạo vật này còn được gọi là “các thần”, những tạo vật quyền năng, huống chi Giê-su chắc chắn có thể là “một thần”. Bởi địa vị độc nhất vô nhị của ngài trong mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, nên Giê-su là một “Đức Chúa Trời Quyền-năng” vậy (Giăng 1:1, NW; Ê-sai 9:5).
Thế nhưng, phải chăng “Đức Chúa Trời Quyền-năng” viết bằng chữ hoa chứng tỏ Chúa Giê-su về một phương diện nào đó, bình đẳng với Giê-hô-va Đức Chúa Trời? Không đời nào. Ê-sai chỉ tiên tri về một trong bốn danh sẽ được dùng để gọi Giê-su, và trong Việt ngữ những tên như thế đều được viết hoa. Dẫu cho Giê-su được gọi là “Quyền-năng” đi nữa thì cũng chỉ có một Đấng “Toàn-năng” mà thôi. Danh xưng “Đấng Toàn-năng” dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời hẳn không có ý nghĩa gì nhiều trừ phi có những đấng khác cũng được gọi là thần (hay đức chúa trời), nhưng có địa vị thấp kém hơn.
Tờ “Thông cáo của thư viện John Rylands” tại Anh-quốc có ghi chú rằng theo ý nhà thần học Công giáo Karl Rahner, tuy chữ the·osʹ được dùng trong Kinh-thánh, như trường hợp Giăng 1:1 nói về đấng Christ, “nhưng chẳng có một trường hợp nào chữ the·osʹ được dùng để cho thấy rằng Giê-su là đấng mà ở các phần khác trong Tân Ước gọi là ʹho The·osʹ, tức là Đức Chúa Trời Tối thượng”. Và tờ “Thông cáo” nói thêm: “Nếu những người viết Tân Ước tin rằng tín đồ nên xưng Giê-su là ‘Đức Chúa Trời’ là điều tối quan trọng, thì làm sao giải thích được sự kiện là hầu như toàn bộ Tân Ước không nói đến sự tin tưởng đó?”
Thế còn lời của sứ đồ Thô-ma nói cùng Giê-su: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi”, như ghi nơi Giăng 20:28, thì sao? Đối với Thô-ma, Giê-su khác nào “một vị thần”, nhất là trong tình huống lạ lùng đã khiến ông kêu thốt lên lời đó. Một số học giả cho rằng Thô-ma có lẽ chỉ nói vậy trong lúc kinh ngạc vì xúc động, tuy nói cùng Giê-su mà hướng đến Đức Chúa Trời. Dù sao đi nữa, Thô-ma không hề nghĩ Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn năng, vì ông và tất cả các sứ đồ khác đều biết rõ Giê-su không bao giờ tự xưng mình là Đức Chúa Trời, nhưng ngài dạy rằng chỉ một mình Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời có một và thật” (Giăng 17:3).
Lần nữa, đoạn văn giúp chúng ta hiểu sự kiện này. Vài ngày trước đó, Giê-su sau khi được sống lại đã dặn Ma-ri Ma-đơ-len nói với các môn đồ: “Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17). Mặc dù Giê-su đã sống lại như một thần linh quyền năng, Đức Giê-hô-va vẫn là Đức Chúa Trời của ngài. Và ngài vẫn tiếp tục coi Đức Giê-hô-va như thế, ngay cả trong cuốn sách chót của Kinh-thánh, sau khi ngài được vinh hiển (Khải-huyền 1:5, 6; 3:2, 12).
Chỉ ba câu sau lời thốt của Thô-ma, Kinh-thánh làm sáng tỏ vấn đề thêm khi nói nơi Giăng 20:31: “Các việc này đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời”, chứ không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng. Chữ “Con” là theo nghĩa đen y như cha và con ruột, chứ không phải một ngôi huyền bí nào thuộc một Thiên Chúa Ba Ngôi nào cả.
Phải hòa hợp với Kinh-thánh
CÓ NGƯỜI cho rằng còn nhiều câu khác trong Kinh-thánh ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi. Nhưng cũng tương tự như các câu đã bàn luận trên đây, khi xem xét kỹ càng, các câu đó chẳng thực sự ủng hộ thuyết đó chút nào. Những đoạn văn như thế chỉ cho thấy rằng khi xem xét một câu được gán cho là ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi thì một người phải tự hỏi: Cách giải nghĩa này có hòa hợp với sự dạy dỗ đồng nhất của toàn Kinh-thánh không—sự dạy dỗ rằng chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao? Nếu không thì sự giải nghĩa ấy là sai lầm vậy.
Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng không hề có một “đoạn văn chứng cớ” nào nói rằng Đức Chúa Trời, Giê-su và thánh linh là một trong một Đức Chúa Trời huyền bí nào. Không có một câu nào trong Kinh-thánh nói rằng cả ba là giống nhau về bản chất, quyền năng và sự hiện hữu đời đời. Ngược lại Kinh-thánh đồng nhất trong việc tiết lộ Đức Chúa Trời Toàn năng là Đức Giê-hô-va, là Đấng Tối cao duy nhất, Giê-su là Con được Ngài dựng nên, và thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời.
[Câu nổi bật nơi trang 24]
“Những người thời xưa đã dùng đoạn văn [Giăng 10:30] cách sai lầm để chứng minh đấng Christ vốn có... cùng bản thể với Cha” (“Bình luận về cuốn Phúc âm của Giăng”, do John Calvin)
[Câu nổi bật nơi trang 27]
Một người “ở cùng” một người khác thì không thể nào là chính người khác đó được
[Câu nổi bật nơi trang 28]
“Ngôi Lời có thiên tính, nhưng không phải là chính Đức Chúa Trời” (Joseph Henry Thayer, một học giả Kinh-thánh)
[Hình nơi trang 24, 25]
Giê-su cầu xin Đức Chúa Trời cho các môn đồ ngài “ai nấy hiệp làm một” giống như ngài và Cha ngài “vẫn là một”.
[Hình nơi trang 26]
Giê-su đã tỏ cho người Do-thái thấy rằng ngài không bình đẳng với Đức Chúa Trời khi nói ngài “chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm”
[Hình nơi trang 29]
Bởi Kinh-thánh gọi loài người, thiên sứ, kể cả Sa-tan, là “các thần”, hay những tạo vật quyền năng, thì Giê-su là đấng cao hơn ở trên trời có thể được gọi cách chính đáng là “một thần”