Bạn có noi gương Đức Giê-hô-va khi săn sóc người khác không?
“HÃY trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Chúa Trời], vì Ngài hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:7) Thật là một lời mời ấm lòng! Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất quan tâm đến dân Ngài. Chúng ta có thể cảm thấy an toàn trong vòng tay Ngài.
Chúng ta nên vun trồng và biểu lộ lòng quan tâm như thế đối với người khác. Vì bất toàn, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề khi thể hiện điều này. Trước khi bàn về những vấn đề đó, hãy xem xét vài cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài.
Dùng hình ảnh người chăn chiên để minh họa, người viết sách Thi-thiên là Đa-vít miêu tả sự chăm sóc của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì. Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh. Ngài bổ lại linh-hồn tôi. . . dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi”.—Thi-thiên 23:1-4.
Là người chăn, Đa-vít biết rõ những công việc phải làm để chăm sóc bầy chiên. Người chăn bảo vệ chiên khỏi các loài thú dữ như sư tử, chó sói và gấu. Ông giữ chúng không đi xa bầy, tìm những con đi lạc, ẵm chiên con bị kiệt sức vào lòng và săn sóc những con bị bệnh hay bị thương. Ông phải cho chiên uống nước mỗi ngày. Điều này không có nghĩa là người chăn kiểm soát mọi hoạt động của chiên. Chúng được tự do, song vẫn được che chở.
Đó là cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích: ‘Anh em nhờ quyền-phép của Đức Chúa Trời giữ cho’. Ở đây, từ “giữ cho” có nghĩa đen là “trông nom cẩn thận”. (1 Phi-e-rơ 1:5) Vì lòng quan tâm chân thành, Đức Giê-hô-va luôn trông nom và sẵn lòng giúp đỡ bất cứ khi nào chúng ta cầu xin. Tuy nhiên, Ngài ban cho chúng ta sự tự do ý chí nên Ngài không can thiệp vào mọi hành động và quyết định của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể noi gương Ngài về phương diện này?
Noi gương Đức Giê-hô-va trong việc chăm sóc con cái
“Con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”. Vì vậy, cha mẹ nên bảo vệ và chăm sóc con mình. (Thi-thiên 127:3) Để làm thế, cha mẹ cần khuyến khích con cái bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, sau đó lưu ý đến những cảm nghĩ đó khi đối xử với chúng. Nếu cha mẹ cố kiểm soát mọi hoạt động của con cái, hoàn toàn lờ đi ước muốn của chúng, thì chẳng khác nào người chăn kiểm soát chiên bằng dây buộc. Không ai chăn chiên theo cách đó; Đức Giê-hô-va cũng không làm thế đối với chúng ta.
Chị Marikoa thừa nhận: “Trong nhiều năm, tôi cứ nói với các con rằng ‘Con phải làm điều này’, ‘Con không được làm điều kia’. Tôi nghĩ rằng đây là bổn phận của cha mẹ. Tôi không có một lời khen và cũng không thật sự trò chuyện với chúng”. Dù con gái chị Mariko có thể trò chuyện hàng giờ với bạn qua điện thoại, nhưng hai mẹ con không nói chuyện được lâu. Chị Mariko kể tiếp: “Thế rồi, tôi nhận ra sự khác biệt. Khi nói chuyện với bạn, con gái tôi dùng những từ thể hiện sự đồng cảm như ‘Ừ, tớ hiểu’ hoặc ‘Tớ cũng vậy’. Tôi bắt đầu dùng những từ tương tự để gợi cho con gái tôi nói ra cảm nghĩ của nó. Chẳng bao lâu sau, hai mẹ con tôi nói chuyện lâu hơn và thú vị hơn”. Điều này nêu bật tầm quan trọng của mối giao tiếp tốt, thường là hai chiều chứ không chỉ một chiều.
Cha mẹ cần khuyến khích con nói lên cảm nghĩ của chúng, và con cái cũng cần hiểu sự quan tâm của cha mẹ bảo vệ chúng như thế nào. Kinh Thánh khuyên con cái phải vâng lời cha mẹ; và cho biết lý do: “Hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. (Ê-phê-sô 6:1, 3) Con trẻ nào tin chắc rằng sự vâng phục mang lại lợi ích thì chúng sẽ dễ dàng vâng lời hơn.
Chăm sóc bầy của Đức Giê-hô-va
Lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va được phản ánh trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Là Đầu của hội thánh, Chúa Giê-su hướng dẫn các trưởng lão chăm sóc chiên ngài. (Giăng 21:15-17) Từ Hy Lạp nói về giám thị liên quan đến một động từ có nghĩa là “trông coi cẩn thận”. Nêu bật cách để chăm sóc bầy, Phi-e-rơ hướng dẫn các trưởng lão: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy”.—1 Phi-e-rơ 5:2, 3.
Đúng vậy, công việc của trưởng lão giống như người chăn chiên. Họ giúp đỡ và điều chỉnh lối suy nghĩ của những người yếu về thiêng liêng để đời sống những người ấy phản ánh các tiêu chuẩn công bình. Trưởng lão có trách nhiệm tổ chức các hoạt động thần quyền, sắp xếp các buổi nhóm họp và duy trì trật tự trong hội thánh.—1 Cô-rinh-tô 14:33.
Nhưng, những lời trên của Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm—trưởng lão có thể có khuynh hướng “quản-trị” hội thánh. Một trong những biểu hiện đó là đặt ra những luật lệ không cần thiết. Ý thức cao về bổn phận che chở bầy, một trưởng lão có thể trở nên cực đoan. Trong một hội thánh ở phương Đông, các trưởng lão đặt ra luật lệ về cách chào hỏi tại Phòng Nước Trời—chẳng hạn ai nên chủ động nói trước—tin rằng làm thế sẽ góp phần mang lại sự bình an trong hội thánh. Dù động lực của họ là tốt nhưng liệu các anh này có noi gương Đức Giê-hô-va trong việc săn sóc dân Ngài không? Điều đáng chú ý là quan điểm của sứ đồ Phao-lô được phản ánh qua những lời sau: “Không phải chúng tôi muốn cai-trị đức-tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em, vì anh em đứng vững-vàng trong đức-tin”. (2 Cô-rinh-tô 1:24) Đức Giê-hô-va tin cậy dân Ngài.
Ngoài việc tránh đặt ra luật lệ không dựa trên Kinh Thánh, các trưởng lão còn biểu lộ lòng quan tâm chân thành bằng cách không tiết lộ chuyện riêng của người khác. Họ lưu ý đến lời khuyên của Đức Chúa Trời: “Chớ tỏ sự kín-đáo của kẻ khác”.—Châm-ngôn 25:9.
Sứ đồ Phao-lô ví hội thánh các tín đồ Đấng Christ được xức dầu với thân thể con người: “Đức Chúa Trời đã sắp-đặt thân người. . . hầu cho trong thân không có sự phân-rẽ, mà các chi-thể phải đồng lo-tưởng đến nhau”. (1 Cô-rinh-tô 12:12, 24-26) Từ Hy Lạp dịch là “lo-tưởng đến nhau” có nghĩa đen ‘lo lắng cho nhau’. Các thành viên trong hội thánh nên chăm lo đến lợi ích của nhau.—Phi-líp 2:4.
Làm thế nào các tín đồ Đấng Christ chân chính có thể cho thấy họ ‘lo lắng cho nhau’? Họ biểu lộ lòng quan tâm đến các thành viên khác trong hội thánh qua lời cầu nguyện và đề nghị giúp đỡ một cách thiết thực cho những người gặp khó khăn. Sự giúp đỡ thể ấy giúp người khác phát huy những đức tính tốt. Hãy xem xét trường hợp của anh Tadataka đã được giúp đỡ với lòng quan tâm đầy yêu thương như thế nào. Khi làm báp têm vào năm 17 tuổi, anh là người duy nhất trong gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh kể lại: “Một gia đình trong hội thánh thường mời tôi dùng bữa và tham dự các buổi họp mặt. Trên đường đến trường, hầu như sáng nào tôi cũng ghé nhà họ để cùng nhau thảo luận đoạn Kinh Thánh. Khi gặp vấn đề ở trường, tôi nhận được lời khuyên để biết cách đương đầu và chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Tôi học được tinh thần ban cho từ gia đình này”. Hiện nay, áp dụng những điều đã học, anh Tadataka đang phục vụ tại một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Sứ đồ Phao-lô cảnh báo về một vấn đề liên quan đến việc biểu lộ lòng quan tâm đến người khác. Ông nói đến một số người nữ “thày-lay thóc-mách, hay nói những việc không đáng nói”. (1 Ti-mô-thê 5:13) Dù quan tâm đến người khác là đúng, chúng ta phải cẩn thận để không thóc mách hay xen vào đời sống riêng của họ. Khi “nói những việc không đáng nói”, như đưa ra những nhận xét mang tính phê phán, có thể chúng ta đang quan tâm thái quá vào việc của người khác.
Chúng ta nên nhớ rằng mỗi tín đồ Đấng Christ có cách sắp xếp đời sống, chọn lựa thức ăn và hình thức giải trí lành mạnh khác nhau. Trong giới hạn của các nguyên tắc Kinh Thánh, mỗi người được quyền tự do quyết định sẽ làm gì. Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma: “Chúng ta chớ xét-đoán nhau. . . hãy tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau”. (Rô-ma 14:13, 19) Trong hội thánh, chúng ta biểu lộ lòng quan tâm chân thành đối với nhau bằng cách sẵn lòng giúp đỡ chứ không thóc mách chuyện người khác. Khi chăm lo cho nhau theo cách này, tình yêu thương và sự hợp nhất sẽ phát triển trong gia đình cũng như trong hội thánh.
[Chú thích]
a Một số tên đã được đổi.
[Hình nơi trang 19]
Hãy khuyến khích con cái bày tỏ cảm nghĩ bằng lời khen và sự đồng cảm