‘Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành’
“Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành... và nuôi mình bằng sự thành-tín của Ngài [“sống trung tín”, NW]”.—THI 37:3.
1. Đức Giê-hô-va tạo ra con người với những khả năng đặc biệt nào?
Đức Giê-hô-va tạo ra con người với những khả năng đặc biệt. Ngài ban cho chúng ta khả năng suy xét để giải quyết vấn đề và lên kế hoạch cho tương lai. Ngài cho chúng ta sức mạnh, hay năng lực, để thực hiện các kế hoạch, nhờ thế chúng ta có thể đạt được những mục tiêu thích hợp (Phi-líp 2:13). Đức Giê-hô-va cũng ban cho chúng ta lương tâm, tức khả năng bẩm sinh trong việc nhận thức điều đúng và điều sai. Lương tâm giúp chúng ta tránh làm những việc sai trái và biết sửa chữa lỗi lầm.—Rô 2:15.
2. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng những khả năng của mình như thế nào?
2 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng những khả năng của mình để làm điều tốt. Tại sao? Vì ngài yêu thương chúng ta và biết rằng chúng ta sẽ thỏa nguyện khi dùng những món quà ấy. Qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va nhiều lần khuyên chúng ta dùng khả năng của mình để làm điều tốt. Chẳng hạn, phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ khuyên: “Các ý-tưởng [“kế hoạch”, Bản Dịch Mới] của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật”; và “mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình” (Châm 21:5; Truyền 9:10). Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có một số lời khuyên như: “Khi còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều lành cho mọi người”; và “mỗi người được ban món quà nào thì hãy dùng món quà đó để phục vụ nhau” (Ga 6:10; 1 Phi 4:10). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm mọi điều có thể để giúp ích cho chính mình và người khác.
3. Con người có những giới hạn nào?
3 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết con người có những giới hạn. Chúng ta không bao giờ tự loại bỏ được sự bất toàn, tội lỗi và cái chết; chúng ta cũng không thể kiểm soát người khác vì mọi người đều có sự tự do ý chí (1 Vua 8:46). Hơn nữa, dù có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đến đâu, chúng ta sẽ luôn giống như con trẻ khi so với Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 55:9.
4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
4 Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần để Đức Giê-hô-va hướng dẫn và tin rằng ngài sẽ hỗ trợ cũng như làm cho chúng ta những điều mà mình không thể tự thực hiện. Đồng thời, chúng ta nên làm những gì mình có thể làm, tức là hành động một cách thích hợp để giải quyết vấn đề và giúp đỡ người khác. (Đọc Thi-thiên 37:3). Tóm lại, chúng ta cần ‘tin-cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành’ cũng như “sống trung tín”. Về phương diện này, hãy xem chúng ta có thể học được gì từ gương của Nô-ê, Đa-vít và các tôi tớ trung thành khác. Họ đã tin cậy Đức Giê-hô-va và hành động một cách thích hợp. Chúng ta sẽ thấy điều này bao hàm việc họ nhận biết những gì mình không thể làm và những gì mình có thể làm, rồi hành động phù hợp.
KHI BỊ BAO VÂY BỞI SỰ GIAN ÁC
5. Hãy miêu tả hoàn cảnh mà Nô-ê phải đối mặt.
5 Nô-ê sống trong một thế gian “đầy-dẫy sự hung-ác” và vô luân (Sáng 6:4, 9-13). Ông biết rằng cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt thế gian gian ác ấy. Dù vậy, Nô-ê hẳn đã rất đau buồn khi thấy tình trạng không tin kính như thế. Trong hoàn cảnh này, Nô-ê nhận ra rằng có những điều ông không thể làm, nhưng cũng có những điều khác mà ông có thể làm.
6, 7. (a) Nô-ê không thể làm gì? (b) Hoàn cảnh của chúng ta tương tự với hoàn cảnh của Nô-ê như thế nào?
6 Điều Nô-ê không thể làm: Dù Nô-ê trung thành rao giảng thông điệp cảnh báo của Đức Giê-hô-va, nhưng ông không thể buộc những người gian ác xung quanh chấp nhận thông điệp ấy. Ông cũng không thể khiến trận Nước Lụt xảy ra sớm hơn. Nô-ê phải tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa của ngài về việc chấm dứt sự gian ác và ngài sẽ làm thế vào đúng thời điểm.—Sáng 6:17.
7 Chúng ta cũng đang sống trong một thế gian đầy dẫy sự gian ác, và biết Đức Giê-hô-va hứa rằng ngài sẽ hủy diệt thế gian ấy (1 Giăng 2:17). Tuy nhiên, chúng ta không thể buộc người khác chấp nhận ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’, và không thể làm bất cứ điều gì để khiến “hoạn nạn lớn” bắt đầu sớm hơn (Mat 24:14, 21). Như Nô-ê, chúng ta cần có đức tin mạnh và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ sớm ra tay (Thi 37:10, 11). Chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không để thế gian gian ác này tồn tại lâu hơn dù chỉ một ngày so với ý định của ngài.—Ha 2:3.
8. Qua cách nào Nô-ê cho thấy ông đã tập trung vào những điều mình có thể làm? (Xem hình nơi đầu bài).
8 Điều Nô-ê có thể làm: Thay vì bỏ cuộc khi nghĩ đến những điều mình không thể làm, Nô-ê đã tập trung vào những gì ông có thể làm. Là “người rao giảng sự công chính”, Nô-ê trung thành rao truyền thông điệp cảnh báo mà mình nhận được (2 Phi 2:5). Chắc chắn điều này đã giúp Nô-ê giữ đức tin mạnh mẽ. Ngoài việc rao giảng, ông cũng dùng sức lực và khả năng trí tuệ để hoàn thành công việc đóng tàu mà Đức Chúa Trời giao.—Đọc Hê-bơ-rơ 11:7.
9. Chúng ta có thể noi gương Nô-ê qua cách nào?
9 Như Nô-ê, chúng ta cố gắng “bận rộn trong công việc Chúa” (1 Cô 15:58). Công việc ấy có thể bao gồm việc xây cất và bảo trì nơi thờ phượng, tình nguyện giúp đỡ trong các hội nghị hoặc thực thi những trách nhiệm tại văn phòng chi nhánh hay văn phòng dịch thuật từ xa. Trên hết, chúng ta luôn bận rộn rao giảng và ý thức rằng công việc này củng cố niềm hy vọng của chúng ta về tương lai. Một chị trung thành đã nhận xét như sau: “Khi nói với người khác về những ân phước của Nước Trời, tôi nhận ra rằng những người ấy hoàn toàn tuyệt vọng và họ nghĩ các vấn đề của mình sẽ không bao giờ chấm dứt”. Đúng vậy, khi tham gia công việc rao giảng, chúng ta càng có cái nhìn tích cực về tương lai và quyết tâm không bỏ cuộc trong cuộc đua giành sự sống.—1 Cô 9:24.
KHI CHÚNG TA PHẠM TỘI
10. Hãy miêu tả hoàn cảnh mà Đa-vít đối mặt.
10 Đức Giê-hô-va nói rằng vua Đa-vít “là người vừa lòng [ngài]” (Công 13:22). Nhìn chung, Đa-vít đã có lối sống trung thành. Dù vậy, có lúc ông phạm tội trọng. Ông đã phạm tội ngoại tình cùng Bát-Sê-ba. Tệ hơn nữa, ông cố che đậy tội lỗi bằng cách sắp đặt cho chồng của Bát-Sê-ba là U-ri bị giết trên chiến trường. Đa-vít thậm chí dùng chính tay U-ri để chuyển một bức thư mà chẳng khác nào bản án tử hình cho U-ri! (2 Sa 11:1-21). Cuối cùng, tội lỗi của Đa-vít bị phơi bày (Mác 4:22). Khi đó, Đa-vít đã phản ứng thế nào?
11, 12. (a) Sau khi phạm tội, Đa-vít không thể làm gì? (b) Nếu biết ăn năn sau khi phạm lỗi lầm nghiêm trọng, chúng ta có thể tin Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho mình?
11 Điều Đa-vít không thể làm: Đa-vít không thể xóa bỏ những sai lầm của mình. Ông cũng không thể thoát khỏi hậu quả. Trên thực tế, một số hậu quả đó đã đi theo Đa-vít đến hết đời (2 Sa 12:10-12, 14). Thế nên, ông cần có đức tin. Đa-vít phải tin rằng khi ông thật sự ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ và giúp ông chịu đựng hậu quả của những việc mình đã làm.
12 Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều phạm tội. Có một số tội nghiêm trọng hơn so với các tội khác. Trong một số trường hợp, chúng ta không thể xóa bỏ lỗi lầm của mình. Có lẽ chúng ta phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra (Ga 6:7). Nhưng hãy tin vào lời hứa của Đức Giê-hô-va là nếu chúng ta ăn năn, ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn, ngay cả khi những khó khăn ấy do chính mình gây ra.—Đọc Ê-sai 1:18, 19; Công vụ 3:19.
13. Làm thế nào Đa-vít đã có thể hồi phục về thiêng liêng?
13 Điều Đa-vít có thể làm: Đa-vít đã để Đức Giê-hô-va giúp ông hồi phục về thiêng liêng. Ông đã làm thế qua một cách là chấp nhận sự sửa dạy từ người đại diện của Đức Giê-hô-va: nhà tiên tri Na-than (2 Sa 12:13). Đa-vít cũng thú tội với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và nói lên nguyện vọng chân thành là được có lại ân huệ của ngài (Thi 51:1-17). Thay vì bị tê liệt bởi mặc cảm tội lỗi, Đa-vít đã rút ra bài học từ lỗi lầm của mình. Thật vậy, ông không bao giờ mắc lại những tội trọng đó. Nhiều năm sau, ông qua đời trong sự trung thành, và những hành động trung kiên của ông đã được khắc ghi trong trí nhớ Đức Giê-hô-va.—Hê 11:32-34.
14. Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít?
14 Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít? Nếu phạm tội trọng, chúng ta cần thành thật ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải thú nhận tội lỗi với ngài (1 Giăng 1:9). Chúng ta cũng cần đến gặp các trưởng lão, là những người có thể cung cấp sự trợ giúp về thiêng liêng. (Đọc Gia-cơ 5:14-16). Qua việc tận dụng những sắp đặt của Đức Giê-hô-va, chúng ta chứng tỏ mình tin cậy lời hứa của ngài về sự chữa lành và tha thứ. Sau đó, chúng ta nên cố gắng rút ra bài học từ lỗi lầm, tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va và tự tin hướng đến tương lai.—Hê 12:12, 13.
TRONG NHỮNG HOÀN CẢNH KHÁC
15. Chúng ta học được gì từ gương của An-ne?
15 Rất có thể anh chị cũng nghĩ đến các tôi tớ trung thành khác vào thời xưa, là những người đã tin cậy Đức Giê-hô-va đồng thời hành động một cách thích hợp. Chẳng hạn, An-ne không thể tự giải quyết vấn đề hiếm muộn. Nhưng bà tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban sự an ủi. Thế nên, bà tiếp tục đến thờ phượng tại đền tạm và dốc đổ lòng mình qua lời cầu nguyện (1 Sa 1:9-11). Chẳng phải đây là gương tốt cho chúng ta sao? Khi đối phó với vấn đề sức khỏe và những thử thách ngoài tầm kiểm soát của mình, hãy trao sự lo lắng cho Đức Giê-hô-va và tin rằng ngài quan tâm đến chúng ta (1 Phi 5:6, 7). Ngoài ra, hãy làm mọi điều có thể để nhận lợi ích từ các buổi nhóm họp và những sự cung cấp khác về thiêng liêng.—Hê 10:24, 25.
16. Các bậc cha mẹ có thể học được gì từ người cao tuổi Sa-mu-ên?
16 Nói sao về những bậc cha mẹ trung thành có con cái bị lầm lạc? Người cao tuổi Sa-mu-ên không thể buộc các con trai trưởng thành giữ những tiêu chuẩn công chính mà ông đã dạy họ (1 Sa 8:1-3). Ông phải đặt vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Dù vậy, Sa-mu-ên có thể giữ vững sự trung kiên của chính mình và làm vui lòng Cha trên trời, Đức Giê-hô-va (Châm 27:11). Ngày nay, một số bậc cha mẹ tin kính cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Họ tin rằng giống như người cha trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng, Đức Giê-hô-va luôn trông ngóng và sẵn sàng đón nhận những người phạm tội biết ăn năn (Lu 15:20). Đồng thời, họ cố gắng giữ trung thành với Đức Giê-hô-va và hy vọng gương của mình sẽ thúc đẩy con cái trở về với ngài.
17. Tại sao gương của bà góa nghèo khích lệ chúng ta?
17 Cũng hãy nghĩ về bà góa nghèo trong thời Chúa Giê-su. (Đọc Lu-ca 21:1-4). Bà khó có thể làm gì để thay đổi những việc làm bại hoại tại đền thờ (Mat 21:12, 13). Có lẽ bà cũng không thể nào thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Nhưng bà đã tình nguyện đóng góp “hai đồng xu”, là “hết những gì mình có để nuôi thân”. Người phụ nữ trung thành ấy đã cho thấy mình hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va. Bà biết rằng nếu mình đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu, ngài sẽ chăm lo cho nhu cầu vật chất của bà. Lòng tin cậy đã thúc đẩy bà góa ủng hộ cho sắp đặt vào thời bấy giờ liên quan đến sự thờ phượng thật. Tương tự, chúng ta tin rằng nếu mình tìm kiếm Nước Trời trước hết, Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu để chúng ta có những thứ mình cần.—Mat 6:33.
18. Hãy cho ví dụ về một tôi tớ thời nay đã có cái nhìn đúng đắn.
18 Nhiều anh em của chúng ta vào thời nay cũng đã chứng tỏ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và hành động một cách thích hợp. Hãy xem gương của anh Malcolm, người đã trung thành cho đến khi qua đời vào năm 2015. Trong nhiều thập kỷ phụng sự Đức Giê-hô-va, vợ chồng anh đã trải qua những lúc thăng trầm. Anh nói: “Cuộc sống đôi khi có những điều bất trắc xảy ra, thậm chí rất khó đương đầu. Dù vậy, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai nương cậy ngài”. Lời khuyên của anh Malcolm là gì? Anh chia sẻ: “Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị phụng sự ngài một cách sốt sắng và hiệu quả nhất có thể. Hãy tập trung vào điều mình có thể làm, chứ không phải điều mình không thể làm”.a
19. (a) Tại sao câu Kinh Thánh của năm 2017 rất thích hợp? (b) Anh chị sẽ áp dụng câu Kinh Thánh của năm 2017 ra sao trong đời sống?
19 Vì thế gian đang trở nên “ngày càng tồi tệ”, chúng ta sẽ ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn (2 Ti 3:1, 13). Thế nên, điều quan trọng hơn bao giờ hết là đừng để những thử thách khiến mình tê liệt. Thay vì thế, chúng ta cần vun trồng lòng tin cậy mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va và tập trung vào những điều mình có thể làm. Thật thích hợp khi câu Kinh Thánh của năm 2017 là: ‘Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành’!—Thi 37:3.
Câu Kinh Thánh của năm 2017: ‘Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành’.—Thi-thiên 37:3
a Xin xem Tháp Canh ngày 15-10-2013, trg 17-20.